Vỉa
-
18.07.2011 19:12:58
Vỉa
Bút ký của: Trần Vũ Long
Đối với người cầm bút, những chuyến đi thực tế luôn đem lại cảm xúc mới, giúp anh ta có thêm chút vốn liếng giắt lưng cho trang viết của mình. Nhưng đôi khi, có chuyến đi giống như cưỡi ngựa xem hoa, kết thúc cuộc hành trình, muốn cầm bút viết mà cứ phải đắn đo cân nhắc mãi, viết cái gì để tự cảm thấy không bị nhàn nhạt, không làm khổ bản báo nhận in bài của mình. Mới đây, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày truyền thống của ngành Than, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một chuyến đi thực tế cho các nhà văn, nhà báo về vùng than Quảng Ninh. Đúng là trăm hay không bằng một thấy. Lâu nay mới chỉ gặp những khuôn mặt người thợ mỏ lấm lem trên truyền hình, lâu lâu nghe tin có vụ sập hầm lò ở đâu đó, tôi cũng biết thợ mỏ là nghề cực nhọc và nguy hiểm, nay được tận mắt chứng kiến công việc, môi trường lao động của họ, lại càng thêm kính nể những con người ấy. Trong lúc anh em đang cố gắng tìm kiếm chi tiết, cảm xúc để viết bài, có một ông nhà thơ người bản xứ đi cùng kể từ khi chúng tôi đặt chân đến vùng mỏ, thỉnh thoảng lại buông một câu “Các anh đi như thế này chưa đủ để viết về thợ mỏ đâu. Ông nào chịu khó ở lại đây dăm bẩy ngày nữa, tôi làm hoa tiêu cho, may ra lúc đó mới có cái để viết”. Ơ hay, cái ông này đến lạ, không biết động viên anh em thì thôi lại cứ bàn ra, làm nản chí người khác, là tôi nghĩ thầm trong bụng như vậy. Một anh công nhân sửa chữa ôtô của mỏ than Cao Sơn, nơi chúng tôi đến thăm, cũng nói nhỏ: “Bác kia nói đúng đấy, các anh đi thăm quan thế này chỉ biết rất sơ sài về thợ mỏ. Chưa nhằm nhò gì!”. Nói rồi anh chàng chui tọt vào gầm chiếc xe chuyên chở than, trọng tải 90 tấn, trông giống như một con khủng long thời tiền sử, bỏ mặc tôi ngồi thu lu bên cạnh cái lốp xe to vật vã, cao 2 mét, và chỉ một chiếc lốp đó thôi có thể đủ tiền mua chiếc xe matiz để lượn chơi phố. Tôi đang loi nhoi cố xem anh thợ máy hì hụi với cờ lê, mỏ lết và những con ốc, bỗng anh ta quay lại nói: “Ông anh đứng xa ra chỗ bác kia đi, không dầu mỡ văng hết vào áo quần bây giờ”. Cảm thấy mình đứng ngồi không đúng chỗ, làm vướng bận cho anh thợ máy, tôi quay lại chỗ ông nhà thơ người bản xứ đang đứng mỉm cười nhìn mình.
Lúc này tôi mới để ý, ngoài thân hình vạm vỡ, dáng đi tập tễnh, giọng nói thì ồm ồm hay ngắc ngứ, ông nhà thơ này có khuôn mặt thô ráp, phảng phất buồn. Sau này trong lúc trò chuyện, ông cười mà nói rằng: “Người làm thơ, có anh nào không buồn đâu”. Câu nói đó làm tôi nhớ đến thời sinh viên, một ông giáo sư dạy văn nói với tôi rằng: “Người làm văn chương không nên sướng quá và phải biết sống chung với những nỗi buồn” Câu nói đó ám ảnh mãi và bắt tôi phải chiêm nghiệm. Có lẽ, người thầy của tôi và cả ông nhà thơ vùng mỏ đã nói đúng. Hình như người cầm bút luôn bị dầy vò với nỗi buồn nhiều hơn người bình thường khác. Đôi khi họ buồn bởi chuyện chẳng ai bận tâm đến. Tác phẩm văn học lại được ra đời bởi sự vô cớ như thế. Chẳng cần biết đời sống vật chất ra làm sao, riêng chuyện tự dày vò mình với những nỗi buồn cũng là tự chuốc khổ vào thân rồi. Hình như, anh viết văn cũng giống người thợ mỏ. Người thợ mỏ hàng ngày cứ cuốc, đào vào những vỉa than để đem lại cho đất nước nguồn tài nguyên quý giá. Còn anh viết văn, hàng ngày cũng tự đào, tự khai mỏ trong đầu mình để viết ra những trang văn, vần thơ làm đẹp cho đời. Người thợ mỏ lao động chân tay vất vả. Anh viết văn lao động tinh thần khổ ải và cực nhọc. Đấy là ví von vậy thôi, thực ra qua chuyến đi này, tôi thấy dân công chức ở thành phố như mình đúng là sướng quá: làm trong phòng máy lạnh mát rượi, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, vậy mà chưa viết được cái gì cho nên cơm nên cháo; thỉnh thoảng bước chân ra đường chịu cảnh bụi bặm đường phố, ách tắc giao thông chút thôi, nhưng so với môi trường lao động của công nhân mỏ, chuyện đó bé bằng mắt muỗi.
Cái ông nhà thơ bản xứ tôi đang nhắc tới có tên là Trần Tâm. Ông đã có trên dưới chục tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và cũng phải đến mười mấy cái giải thưởng văn học của trung ương và địa phương. Tuy nhiên, ông lại là hội viên mới tinh của Hội Nhà văn Việt Nam (2010). Suốt thời gian còn lại của chuyến đi, tôi và nhà thơ Trần Tâm trò chuyện thân mật với nhau. Khi đó tôi mới hiểu rằng câu nói bàn ra của ông, mà tôi đã nhắc ở trên, hoàn toàn có lý. Bởi, ông nhà thơ này là một anh thợ mỏ chính hiệu kể từ khi học hết lớp 9 cho đến lúc về hưu. Cho đến đời con thì gia đình ông có 5 đời làm thợ mỏ. Mặc dù quê gốc ở Nam Định nhưng vùng mỏ này chính là máu thịt của ông. Trần Tâm nói, ông yêu vùng mỏ này đến tận cùng gan ruột. Đúng quá rồi. Vùng mỏ này chính là nguồn sống cho gia đình ông qua nhiều thế hệ. Vùng mỏ này mang đến cho ông một tình yêu. Vùng mỏ này đã hun đúc nên một tâm hồn chất phác, mộc mạc nhưng đầy lãng mạn để rồi trở thành một nhà thơ. Vùng mỏ này đã đem lại cho ông biết bao niềm vui và cả những trăn trở, những nỗi buồn sâu thẳm.
Con đường lên mỏ Cao Sơn, tuy được rải nhựa, nhưng chiếc xe chở đoàn chúng tôi cứ lắc lư lên xuống không ngừng. Cũng phải thôi, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe ôtô với trọng tải hàng chục tấn quần đảo như thế, thử hỏi có con đường nào chịu cho nổi. Thiên nhiên trên đường lên mỏ Cao Sơn thật đẹp và hùng vĩ. Mấy chục năm trước, nơi đây là vùng rừng núi hoang vu, hiểm trở. Vậy mà các thế hệ thợ mỏ của chúng ta đã làm nên một tuyến đường để cho nguồn tài nguyên vàng đen cứ tuôn chảy và tỏa đi khắp mọi miền tổ quốc. Để đến được mỏ Cao Sơn, chúng tôi đi qua mỏ Cọc Sáu, một trong những mỏ lâu đời nhất của ngành than. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài “Bài học than Cọc Sáu” của nhà thơ Xuân Diệu: “Lên xuống những đường tàu sáu tầng vất vả/Trăm xe rộn ràng: ba nghìn thợ là ong”. Hình ảnh người công nhân lấm lem vất vả khiến ông hoàng của thơ tình có sự liên tưởng, ví họ giống như những con ong thợ cần mẫn hút mật. Tôi cũng nhớ đến một câu thơ khác của nhà thơ Võ Thanh An, người đã có nhiều gắn bó với ngành than. Cũng là sự so sánh như những con ong, nhưng nhà thơ lại ví những chiếc xe chở than giống như đàn ong no mật đang bay về tổ: “Đoàn xe Ben la rồ ga lao tới/Bỏ lớp bụi mờ dạt xuống những lùm cây/Như đàn ong no nhụy, xe bay…” Thế mới hay, hiện thực cuộc sống của vùng mỏ đã tác động mạnh đến các nhà thơ của chúng ta như thế nào, để trở thành hình ảnh văn học thật lãng mạn. Còn với tôi, lúc này đây khi đứng trên đoạn đường đèo tấp nập xe than ngược xuôi, bụi cuốn mù mịt, tiếng xe rầm rập, tiếng gió vi vu thổi qua hốc đá trên đèo và tiếng người lọt thỏm, giống như bản nhạc đầy gian lao và hùng tráng của vùng mỏ. Khi đi qua mỏ Đèo Nai, nhà thơ Trần Tâm vỗ vào vai tôi: “Cuộc đời tôi gắn bó với mỏ than Đèo Nai này đây”. Ông phấn chấn chỉ cho tôi thấy bãi đỗ xe ôtô chở công nhân mỏ. Những người công nhân vừa kết thúc ca làm việc đang chờ xe ôtô để trở về với thị xã Cẩm Phả, trở về với gia đình của họ. Khuôn mặt người thợ mỏ lấm lem, nhem nhuốc, ta dễ dàng nhìn thấy hàm răng trắng khi họ trò chuyện, cười đùa với nhau. Hình ảnh quen thuộc này, tôi đã được nhìn thấy nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng nay mới tận mắt bắt gặp trên khu mỏ, bỗng thấy lòng mình thực sự xúc động. Ở mảnh đất Cẩm Phả bé nhỏ này có biết bao gia đình mà cả nhà đều là công nhân mỏ. Như gia đình nhà thơ Trần Tâm cũng vậy. Ba người con trai của ông đều là công nhân mỏ. Trần Tâm bảo, gia đình ông là một gia đình đỏ từ đầu đến chân vì có truyền thống hoạt động cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, rồi cả mấy đời đều là công nhân mỏ. Chính vì truyền thống đó mà tết năm 1969, gia đình ông vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm.
Bao kỉ niệm như ùa về trong ông. Đó là những kỉ niệm buồn vui và có cả những kỉ niệm đau thương, cay đắng. Chính những vất vả, trải nghiệm đó đã làm nên một giọng thơ Trần Tâm mộc mạc, tình cảm, đầy trăn trở về cuộc sống của người công nhân mỏ. Có lẽ chỉ có người xuất thân từ thợ mỏ mới viết nên những câu thơ như rút ruột mà ra thế này: “Em cắt tầng đỏ mắt mưa chan/Anh xuyên vỉa núi vặn mình răng rắc/Trên ngách thượng quệt mồ hôi lau mặt/Quay bốn bên mong kiếm chút gió trời/ Bụi than thưa dày phổi bạn và tôi/Ta đã qua năm tháng gian nan nhất/ Máu trộn than, than trộn đất/Mặt người mưa nắng tan hoang/Khói mìn phá tầng lẫn trong khói bom…” (Từ nền than hôm nay). Mấy chục năm làm công nhân mỏ, Trần Tâm trải qua nhiều công việc như: lái xe gạt, bảo vệ, công tác tuyên truyền và lúc nghỉ hưu là ở vị trí công nhân xây dựng. Mọi vất vả trong lao động ông đã nếm trải, mọi khó khăn trong đời sống thường nhật khi phải đối mặt với cơm áo gạo tiền ông cũng đã hứng chịu. Giờ đây, môi trường lao động, đời sống của người công nhân mỏ đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều lắm những khó khăn mà họ đang phải đối diện.
Đoàn chúng tôi lên tới mỏ Cao Sơn, đứng từ trên cao nhìn xuống lòng moong vừa sâu vừa rộng, trông như cái chảo khổng lồ. Nếu tính ở điểm thấp nhất của lòng moong, nó có độ sâu âm hơn 100 mét, so với mặt nước biển. Trần Tâm nói với tôi, mỗi ngày ở khu mỏ này có thể ngốn hết hơn 20 tấn mìn. Bởi, có được một tấn than, có khi phải nổ mình để bốc đi cả chục tấn đất đá. Ông bảo, trong tất cả các nghề, có lẽ thợ mỏ là nghề vất vả nhất. Tuy nhiên thợ mỏ than lộ thiên cũng chưa vất vả bằng cái anh hầm lò.
Xen kẽ những câu chuyện thị sát mỏ than Cao Sơn là những hồi ức của nhà thơ Trần Tâm về mỏ than Đèo Nai. Trần Tâm nhớ lại, vào một buổi sớm cuối năm 1972, ông cùng những người công nhân đang ngồi trên xe ôtô, đi từ dưới Cẩm Phả lên mỏ Đèo Nai thì bị trúng bom Mỹ, gần 20 người chết, nhiều người bị thương, trong đó có ông. Sau hai tháng nằm viện, cánh tay phải của ông đã bị yếu đi rất nhiều, kể từ đó ông chuyển từ công việc lái xe gạt sang làm bảo vệ. Trong những năm tháng chống Mỹ, cuộc sống người thợ mỏ vô cùng cực khổ, lại thêm bom Mỹ đánh phá ác liệt, Trần Tâm vẫn dành thời gian làm thơ, và những bài thơ đầu tiên của ông được đăng là vào năm 1969. Có nhiều khi Trần Tâm đọc thơ cho anh em công nhân cùng nghe, ai cũng bảo ông có tài như vậy sao không đi làm gì mà lại làm công nhân mỏ cho phí ra. Trần Tâm bảo trong cuộc đời làm thơ của mình, niềm vui lớn nhất là được đọc thơ cho những người công nhân mỏ. Có những đêm, ông đọc thơ trước cả nghìn người công nhân mỏ, lúc đó ông cảm thấy mình thực sự hạnh phúc, thực sự xúc động. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông chủ yếu viết về vùng than này, về những người công nhân mỏ. Bên cạnh đó Trần Tâm còn viết truyện ngắn cho thiếu nhi, viết tiểu thuyết. Cuộc đời của Trần Tâm cũng trải qua lắm thăng trầm. Năm 1991, đang làm công tác tuyên truyền, ông bị kỉ luật và phải chuyển sang làm công nhân xây dựng. Ông không kể lý do bị kỉ luật nhưng ông bảo đó là một tai nạn. Qua ánh mắt và giọng nói, tôi cảm thấy đó là một kỉ niệm rất buồn và có phần cay đắng đối với cuộc đời ông. Thế rồi năm 2000, sau một trận ốm, Trần Tâm gần như bị mù cả hai mắt, phải lên viện mắt trung ương để mổ. Năm 2002, ông lại bị bệnh sỏi thận. Viên sỏi to đến mức chèn vào dây thần kinh làm cho chân phải của ông bị liệt. Đang từ một con người khỏe mạnh cường tráng, bỗng chốc thành khuyết tật với bước chân tập tễnh. Kể từ đó, ông xin nghỉ hưu sớm. Cuộc đời có những số phận nghiệt ngã cứ đeo bám con người ta như vậy. Nhưng Trần Tâm bảo, ông vẫn còn may mắn vì có văn chương là bạn đồng hành, giúp ông làm điểm tựa để vui sống. Trần Tâm vừa mới hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết có tên Đất bỏng. Đây là cuốn tiểu thuyết mà ông rất tâm huyết, với hơn 15 năm sưu tầm tư liệu và 4 năm ngồi viết. Ông bảo bốn năm ngồi viết là cả một cuộc chiến đấu vất vả. Ông phải kê cao cái chân bị liệt lên mỗi khi viết cho khỏi bị tụ máu. Sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết hơn 1600 trang, ông ốm một trận ra trò, nhưng mà thấy sướng vì đã hoàn thành sứ mệnh đeo bám ông gần 20 năm.
Trước khi chia tay với vùng mỏ, chia tay với nhà thơ Trần Tâm, tôi nói với ông rằng: “Chẳng biết có viết được gì về vùng than này không, nhưng em sẽ viết về bác”. Trần Tâm mỉm cười nói: “Cái đó tùy chú. Nhưng khi nào rảnh, về đây lâu một chút để viết cái gì đó tử tế về vùng đất này”.
Có người yêu thì đau khổ. Có người yêu thì hạnh phúc. Nhưng đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn được yêu.