Đường về nhà
Tôi chải lại mái tóc, vấn cái khăn lên đầu rồi cắp cái mẹt ra ngoài đi chợ. Bé Hồng lấy gạo từ trong cót ra rồi lũi cũi ngồi dần gạo. Trông thấy tôi, bé cất tiếng:
- Mợ bảy, mợ lại đi chợ ạ.
Tôi ngẩng lên, cười bảo:
- Ừ, Hồng à. Mợ không để ý thấy con. Mợ đi chợ đây. Con ở nhà trông nhà nhé.
- Dạ vâng. Mợ ơi, mợ nhớ về sớm nhé. Không mợ cả và mấy mợ lại mắng đấy.
Tôi không để ý tiếng nói với theo của con bé, bước đi nhanh ra khỏi cổng, đến con đường nhỏ dài hun hút trước mặt. Trời đã gần về trưa. Nắng chói trên đầu. Tôi thở dài, thấy lòng thoải mái hẳn. Từ ngày lấy chồng đến nay, lúc nào tôi cũng cảm thấy ngột ngạt, như không có không khí. May hôm nay lão gia và mấy bà vợ về ăn giỗ ở bên quê nội, tôi mới trốn được ra ngoài lâu lâu một chút.
Tôi trở về nhà lúc trời đã gần tối. Lão gia và các mợ đã về. Anh bếp chạy đến, bảo tôi lên ông gặp. Tôi ậm ừ, đi ra múc nước rửa chân, rồi mới lên tới nhà trên, bước lại phía bên giường chồng tôi nằm.
- Dạ thưa, mình gọi em lên. Hai cụ có khỏe không ạ, thưa mình?
Chồng tôi đang nằm hút xái, tiện thể đạp cho tôi một cái. Tôi nén đau và uất hận, mắt rưng rưng nhưng không dám khóc. Lát sau, chồng tôi trở mình, ngáy khò khò.
Tôi buông mành cửa xuống rồi bước ra ngoài. Nhưng đã có một người đàn bà chặn ngay ngoài cửa, liếc xéo tôi:
- Vừa mới về đến nhà, đã gọi ngay vợ bảy vào rồi. Thế mà giỗ bên nội có thèm về đâu.
Tôi bảo:
- Mợ năm, không phải là tôi không muốn đi. Chẳng phải cụ không ưa tôi, bảo tôi có số hãm phu, hại chồng hại con, không muốn nhìn mặt tôi hay sao?
Mợ năm cười:
- Thế chứ không phải à? Chỉ vì lão gia bị con hồ ly tinh như cô bỏ bùa mê thuốc lú nên mới rước cô về đấy thôi. Có con mèo nào lại chê mỡ đâu chứ. Nhưng lẽ ra ông ấy phải bỏ cô lâu rồi. Đâu ra cái ngữ như cô chứ, hại chết cả con.
Tôi ứa nước mắt, nhìn người đàn bà tóc đã lấm tấm hoa râm ngoay ngoảy bỏ đi.
Mợ sáu cũng bĩu môi với tôi khi đi ngang qua.
Năm ngoái, tôi đẻ đứa con, nhưng nó đã bị mất vì bệnh hen suyễn. Tôi tưởng như không thể chịu đựng nổi, cứ ngất lên ngất xuống mấy tháng liền. Sau phải uống thuốc của cụ lang làng bên mới khỏi. Từ đợt ấy, tôi sụt cân, người cũng hốc hác đi nhiều.
Bé Hồng ngồi chải tóc cho tôi, vẫn khen:
- Mợ ơi, mợ vẫn đẹp lắm. Mắt mợ đen láy, sáng long lanh. Tóc mợ đen, dài mượt.
- Thôi thôi, con không thấy mỏi miệng sao? Đã đến giờ đi ngủ rồi đấy - Tôi ngắt lời con bé, nếu không không biết nó sẽ còn khen tôi đến bao lâu nữa mới chịu thôi.
Tôi ôm con bé ngủ. Tôi biết là con bé quý tôi. Mà có lẽ, cũng chỉ có con bé là người duy nhất quý tôi ở căn nhà này. Tôi bỗng mở mắt, liếc nhìn ánh trăng rọi vào căn buồng nhỏ ở gần bếp. Ánh trăng không hề cô đơn nhưng sao trong lòng tôi, trăng lại như ướt đẫm cả gối. Phải chăng trăng cũng đang khóc?
Tôi nằm gối đầu lên tay, nhớ lại những khoảnh khắc được về nhà ban sáng.
Mẹ tôi đang treo đèn lồng đỏ lên trước cửa hàng bán bánh bao. Mùi thơm của bánh bao tỏa ra nghi ngút. Thỉnh thoảng, có vài người qua lại mua bánh, tay và miệng xuýt xoa vì nóng.
Mẹ tôi đang tươi cười niềm nở nhưng trông thấy tôi thì xám xịt ngay tức khắc.
- Sao con lại về đây thế? Có chuyện gì sao?
- Me à, con về thăm nhà mà. Thầy có ở nhà không me?
- Thế chồng con có cho con về không? Sao con lại về một mình vậy?
- Con trốn đi đây. Con nhớ thầy me. Nhớ quán bánh bao của me.
- Quán làm ăn thua lỗ chứ có thịnh vượng gì đâu mà nhớ. Bất đắc dĩ me mới phải làm nghề buôn bán, chứ me có thích làm cái nghề này đâu. Thầy thì dạy học cho người ta... Thôi, con vào nhà đi. Không người ta nhìn thấy lại không hay. Lại tưởng bên nhà chồng đuổi con về.
Tôi nhìn cái dáng khắc khổ của mẹ, những ngón tay gầy gầy xương xương chạm vào vai áo tôi, đẩy tôi vào nhà. Mới có hơn năm mà me tôi già đi nhiều. Đôi mắt trũng lại.
- Thằng Sún, cái Tũn, cái Lục, cái Bình có ở nhà không me?
- Bọn nó đi chơi cả rồi. Có cái Út vừa ngủ được một lúc.
Tôi bước vào nhà, lấy cái quạt quạt cho cái Út đang nằm trong nôi. Nó ngủ ngon lành. Khuôn mặt ngây thơ không một chút muộn phiền nào.
- Thầy chừng nào về vậy me? - Tôi hỏi.
- Chiều thầy con mới về. Hôm nay dạy cả ngày bên xóm Đông. Nhưng có thật là không sao đấy chứ? Con không sợ trốn về lại bị đánh như lần trước à?
- Hôm nay chồng con với mấy mợ về bên quê nội cả, đến tối mới về cơ. Con về qua nhà một lúc rồi con sẽ đi ngay.
Me tôi vuốt tóc tôi:
- Ừ. Rồi đi ngay con nhé.
Tôi gật đầu.
- Quán làm ăn có được không me?
Me tôi lắc đầu:
- Chán lắm. Chẳng bán được mấy.
Một thằng bé ăn mặc rách rưới đi qua, nhìn nồi bánh bao của mẹ tôi vẻ thòm thèm. Nó cứ liên tục chép miệng, trông chằm chằm vào những chiếc bánh bao trắng mẩy, ngon lành.
- Cháu muốn mua hả? - Mẹ tôi hỏi.
Thằng bé nuốt nước miếng, tặc lưỡi, bảo:
- Nhưng cháu không có đủ tiền.
Thằng bé đi được một lát rồi vẫn còn ngoái nhìn lại mấy lần.
Tôi chợt nhớ lại những ngày còn bé. Tôi và cậu Tâm vẫn thường đùa nghịch bên quán bánh bao của mẹ. Cậu khen tôi tròn như cái bánh bao. Lúc đó, tôi chỉ cười khanh khách, không hiểu mình giống cái bánh bao ở chỗ nào (mà tôi cũng đâu có tròn, hồi ấy tôi rất gày).
Nghĩ về cậu Tâm, bất giác tôi ứa nước mắt. Từ ngày cậu lên tỉnh học, cậu đã thay đổi nhiều. Nhà cậu chuyển lên kinh cũng đã lâu, tôi thấy tim mình như chết đi một nửa. Nghe đâu cậu cũng đã lấy vợ, vợ cậu cũng ghen ghê lắm. Là mấy người lên kinh dự thi đi về bảo thế. Chứ tôi cũng đâu có biết đầu đuôi thực hư ra sao.
...Mới sáng dậy, tôi đã lúi húi quét từ trong nhà ra ngoài sân. Cậu cả đi đâu cả đêm, lúc này mới về, tay vẫn còn che miệng ngáp. Thấy tôi quét sân, cậu tiện tay véo tôi một cái:
- Chà, thích quá nhỉ!
Tôi kêu lên:
- Á! Xin cậu giữ tự trọng cho. Dù sao tôi cũng là mợ của cậu.
- Mợ của tôi thì sao chứ. Xem ra tuổi tôi còn hơn tuổi mợ đấy. Nếu mợ không phải là... thì chúng ta...
- Những câu nói kinh khủng vậy mà cậu cũng nói ra được à?
- Chết tiệt! Con đàn bà ngu này, còn dám cãi tao à? Mẹ cả và ông già đã dậy chưa? Mau lên báo với họ là tôi đã về đi.
Cậu đá vào chân tôi một cái đau điếng, làm tôi ngã lăn ra sân. Nhưng tôi không dám nói gì.
Bé Hồng chạy vội ra:
- Mợ ơi, mợ có sao không? Để con dìu mợ dậy.
Tôi lê cái chân khập khễnh bước vào trong nhà.
Bé Hồng chợt nói nhỏ vào tai tôi:
- Mợ ơi, có thư của cậu Tâm này.
Tôi ngạc nhiên:
- Cậu Tâm nào?
- Là cậu Tâm, người làng cũ của mợ đó.
Bé Hồng kể, lúc nãy đi qua cổng thấy có một cậu cứ thập thò ngoài cửa. Cậu ấy hỏi là đây có phải là nhà của chồng cô Xoan, con cụ đồ không. Con bé gật đầu, ngạc nhiên nhìn người khách lạ. Cậu ấy bảo là người đồng hương cũ, hỏi mãi mới biết địa chỉ ở đây, nhưng không tiện gặp nên nhờ đưa lá thư hẹn gặp chiều nay ở ngoài đình làng.
Lòng tôi cuống quýt cả lên. Là cậu ấy! Cậu ấy đã trở về. Từ ngày về nhà chồng đến giờ, đây mới là lần đầu tiên tôi vui sướng đến vậy. Nhưng hỡi ôi! Gặp gỡ để mà làm chi? Cậu xui tôi để mà làm chi rời bỏ cái gia đình, cái chốn “địa ngục của trần gian” này? Chỉ trong một phút nông nổi, muốn dứt áo ra đi, tôi đã bị bắt lại. Người ta đánh đập tôi không thương tiếc. Những lằn sẹo ngang, sẹo dọc trên mặt mày. Những lằn roi rung lên vì giận dữ quất vào da thịt tôi. “Thịt da ai cũng là người/ Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau”. Ngày xưa, tôi thường hay nghe cha tôi giảng câu Kiều, bây giờ tôi mới nắm được cái chân lý muôn thuở ấy.
Bé Hồng nhìn tôi khóc lóc, kêu than:
- Mợ ơi, mợ đừng đi mà! Mợ đừng đi! Con cầu xin mợ đấy!
Nhưng mặc cho tôi không đành lòng, mặc cho tiếng gào khóc đến muốn đứt cổ của đứa bé gái, người ta vẫn đẩy tôi ra khỏi cửa, với cái áo rách bươm. Tôi loạng choạng trên đồng. Không biết tôi đã tỉnh dậy từ lúc nào nữa. Chỉ thấy lũ trẻ chăn trâu vẫn đang nhìn tôi rồi la ầm lên: “Con điên! Con điên kìa! Chúng mày ơi!”.
...Mấy năm sau, tôi gặp lại một người quen thuộc đang cúi xuống bên một cái giếng. Người ấy khóc lóc, thở than, có lẽ cho rằng tôi đã chết. Tôi định đi đến nhưng một người đàn bà vô gia cư đã ngăn tôi lại. Tôi nghĩ cậu ấy còn về đây làm gì nữa. Chuyện đã qua cũng hãy cho nó qua đi. Giữa chúng tôi vốn dĩ cũng không có duyên phận. Vợ cậu chẳng phải cũng có tính hay ghen? Rồi tôi đi theo người đàn bà vô gia cư kia.
...Mấy lần, tôi định trốn về bên cái quán bánh bao của mẹ tôi nhưng không dám. Nhà tôi sau này cũng đã chuyển đi nơi khác. Tôi cũng không biết được là họ đã dời làng đi đâu. Mỗi chiều, tôi lại nghe thấy có tiếng rao bánh bao ngân vang nơi đầu ngõ, nhưng ngoảnh lại thì chẳng thấy ai cả. Tôi cứ nghĩ là mình nằm mơ. Trong cái màn sương khói vô định của buổi chiều mờ mờ nghe thấy tiếng bánh bao ấy, tôi bất chợt cảm thấy thế giới này rộng lớn quá. Rộng lớn đến mức tôi không biết đâu là đường về nhà...