TÍNH CHẤT CỦA DẢI SỐ KIỂM SOÁT PHÉP NIÊM
lá chờ rơi 02.08.2011 17:26:51 (permalink)
TÍNH CHẤT CỦA DẢI SỐ KIỂM SOÁT PHÉP NIÊM
thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật
(1-8 2-3 4-5 6-7)


Cách làm thơ Đường Luật từ thuở xa xưa là căn cứ vào hai Bảng Luật dưới đây ghi theo cách Nhất Tam Ngũ bất luận để cho thấy rõ 3 chữ Nhì Tứ Lục là phải phân minh theo Luật Trắc/Bằng.

Bảng Luật Bằng (với 5 vần Bằng)


câu1 x.B x.T x.B Vần
câu2 x.T x.B x.T Vần
câu3 x.T x.B x.T T
câu4 x.B x.T x.B Vần
câu5 x.B x.T x.B T
câu6 x.T x.B x.T Vần
câu7 x.T x.B x.T T
câu8 x.B x.T x.B Vần


Bảng Luật Trắc (với 5 vần Bằng)


Câu1 x.T x.B x.T Vần
Câu2 x.B x.T x.B Vần
Câu3 x.B x.T x.B T
Câu4 x.T x.B x.T Vần
Câu5 x.T x.B x.T T
Câu6 x.B x.T x.B Vần
Câu7 x.B x.T x.B T
Câu8 x.T x.B x.T Vần


Hai Bảng Luật này có 1 điểm tương đồng là tuy khác Luật nhau nhưng :

câu 1 Niêm với câu 8
câu 2 Niêm với câu 3
câu 4 Niêm với câu 5
câu 6 Niêm với câu 7


Dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 có lẽ phát sinh từ đây.

Tám câu thơ chia làm 4 cặp (1-8, 2-3, 4-5, 6-7). Hai câu trong mỗi cặp đều phải cùng một Luật (Trắc hay Bằng).

Nếu có 1 câu sai Luật thì sẽ bị dải số phát hiện ngay.

Dải số chỉ dùng số thứ tự của các câu nên dùng được cho cả hai bảng Luật. Người chọn dùng dải số có thể là do sự giản tiện đó : một mình nó mà kiểm soát được những sự sai trật (1 câu trong mỗi cặp) cho cả 2 bảng Luật.
Hai bảng Luật đó, với 3 chữ nhì-tứ-lục đều đúng Luật thì từ trên xuống dưới của cột thứ 2 bảng Luật Bằng là B/TT/BB/TT/B. Và cột thứ 2 của bảng Luật Trắc thì ngược lại là T/BB/TT/BB/T.

Nhưng vì phải bao gồm cho 2 bảng Luật nên dải số không thể qui định cặp nào là Trắc cặp nào là Bằng.
Nên nếu cả 2 câu trong một cặp nào đó đều sai Luật (tức là sai mà 2 câu vẫn giống nhau) thì dải số không phát hiện được.

Do đó nên việc dùng dải số để kiểm soát thì có thể rất tiện cho những nhà thơ đã khá lão luyện, chỉ thỉnh thoảng mới viết sai Luật 1 câu.

Còn với những người mới học chơi thơ Đường Luật thì dải số không phát hiện được khi cả 2 câu trong một cặp nào đó đều sai Luật như những bài thơ dưới đây gặp trên một diễn đàn :

1/ Ba bài dưới đây đều sai Luật ở cặp 6-7 (B/TT/BB/BB/B)

TÌNH NGHĨA 2

Ăn gì rồi cũng phải ăn cơm
Dẫu có gặp toàn những món ngon
Dưới biển, rừng sâu bao thức quí
Vườn thì gà vịt múp tơ non
Ai ai cũng muốn xơi cho biết
Gọi là thay đổi cái kèo rơm
Rồi về bếp lục tìm cơm nguội

Chiên lên thì nguội cũng thành dòn!

GHÉ THĂM VÀ HỌC HỎI

Bài thơ ai viết với vần ‘tui’
Càng đọc càng nghe thấy thật vui
Quên mất thời gian không chút tiếc
Mãi xem mãi đọc miệng mãi cười
Thật tình khen bạn thơ hay quá
Càng xem càng thấy khoẻ thêm thôi
Xem thơ học hỏi vần thi mới..

Câu văn đúng luật, thẳng đường ngôi.

LẠI CÙNG BAY

Trăm năm một kiếp mộng mơ này
Có đủ vui buồn lẩn ngọt cay
Những phút ái ân ai cũng nhớ
Những lần đau khổ xác thêm gầy
Kẻ mong thêu dệt câu trao gửi
Người chờ tô điểm chữ mê say
Cơn mưa khi tạnh trời thêm sáng

Như chim liền cánh lại cùng bay.


2/ Bài dưới đây thì sai Luật ở cặp 2-3 (T/TT/TT/BB/T)

SỐNG CHO MÌNH

Mình sống cho mình.. Chớ giống ai
Tâm sẳn từ bi dạ thẳng ngay
Ruộng phước năng gieo chờ gặt hái

Chánh niệm tự tâm.. Phúc hậu lai
Thử thách luôn theo dò hạnh đức
Hạnh tròn.. Tướng hảo, tuệ thông khai
Nghiệp lành hưởng quả như tâm nguyện
Phúc Lộc Thọ trường, bậu có hay.

3/ Bài dưới đây thì sai Luật ở cặp 4-5 và cặp 6-7 (B/TT/TT/BB/B)

Lời thơ diễm phước chứa chan tình
Vút cánh thiên thần đão lượn quanh
Đuốc trí trời ban như ước muốn
Sóng lớn bình yên hưởng quả lành
Chúc đến thi nhân lời quý mến
Đó đây sưởi ấm cõi trời xanh
Câu thơ thắp sáng đèn tâm trí

Vườn thơ suối mát hóa muôn hình.


Trên lý thuyết, những trường hợp sai kiểu đó lại khá nhiều. Xin chứng minh :

Chúng ta có 4 cặp. Và nếu 2 câu của mỗi cặp đều theo Luật Bằng hoặc đều theo Luật Trắc thì có tổng số kết hợp Bằng và Trắc của 4 cặp đó là : 2^4 (2 lủy thừa 4), tức = 16 kết hợp. Coi như câu nào cũng có nhì-tứ-lục phân minh, và lấy cột 2 từ trên xuống dưới thì 16 kết hợp đó gồm :

8 Bảng Luật Bằng là :

1/ B/BB/BB/BB/B
2/ B/TT/TT/TT/B
3/ B/BB/TT/BB/B
4/ B/TT/BB/TT/B
5/ B/TT/BB/BB/B
6/ B/BB/BB/TT/B
7/ B/TT/TT/BB/B
8/ B/BB/TT/TT/B

và 8 Bảng Luật Trắc là :

1/ T/TT/TT/TT/T
2/ T/BB/BB/BB/T
3/ T/TT/BB/TT/T
4/ T/BB/TT/BB/T
5/ T/BB/TT/TT/T
6/ T/TT/TT/BB/T
7/ T/BB/BB/TT/T
8/ T/TT/BB/BB/T

Trong số 16 kết hợp trên đây thì chỉ có :

B/TT/BB/TT/B là bảng Luật Bằng mà chúng ta muốn dùng.
T/BB/TT/BB/T là bảng Luật Trắc mà chúng ta muốn dùng.

Còn lại 14 kết hợp khác đều sai bét về Niêm nhưng vẫn thoát qua được sự Kiểm Soát của dải số 1-8 2-3 4-5 6-7.

Tạm Kết luận : Tính chất của dải số rất ba phải vì Niêm theo 1-8 2-3 4-5 6-7 thì tương ứng với 16 bảng Luật, nhưng chỉ có 2 là đúng. còn lại 14 đều là sai.

Mặt khác, dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 lại loại bỏ ra ngoài nhiều bài thơ Đường Thi danh tiếng được lưu truyền. Việc nầy thì do một nguyên nhân khác là :

Cách chơi của thi nhân đời Đường rất là đa dạng : 8 câu của bài Bát Cú được coi như 2 bài Tứ Cú một trên một dưới. Hai bài Tứ Cú tự do theo Niêm riêng (1-4 2-3 hay 1-3 2-4) và tự do theo Luật riêng (Luật Trắc hay Luật Bằng) nên có tất cả là 16 dạng Niêm Luật. Xem phần chứng minh đầy đủ trong GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI

Còn phép Niêm qui định trong dải số thì chỉ tương ứng với hai bảng Luật nêu trên (Luật Trắc và Luật Bằng). Và chỉ là 2 trong 16 dạng Niêm Luật của Đường Thi.
Hai dạng Niêm Luật này (có nhiều bài nhất) dùng 2 bài Tứ Cú đều theo phép Niêm 1-4 2-3 và đều có chung một thể Luật Trắc hay Bằng.

Dải số bỏ ra ngoài 14 dạng Niêm Luật còn lại của Đường Thi vì 14 dạng này dùng mọi sự pha trộn về Niêm và Luật : hoặc với hai bài Tứ Cú theo 2 thể Luật khác nhau, hoặc một hay hai bài Tứ Cú dùng phép Niêm 1-3 2-4.
Nhìn vào cấu trúc của dải số thì thấy : Dải số không chấp nhận phép Niêm 1-3 2-4 là do các nhóm số 2-3 và 6-7, và không chấp nhận 2 bài Tứ Cú có Luật khác nhau là do các nhóm số 1-8 và 4-5. Đó là lý do khiến cho có một số khá nhiều bài Đường Thi danh tiếng bị coi là thất Niêm thất Luật vì nằm ngoài dải số.

Sự bảo vệ phép Niêm theo dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 đã khiến chúng ta đi từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác như sau :

- Có người dùng câu “Đại gia văn chương bất câu Niêm Luật” để bịa dựng ra sự việc là các nhà thơ lớn sau khi đã thành danh bèn phá cách chơi nên làm ra những bài thơ thất Niêm thất Luật.

- Cách trên không thuyết phục được ai, nên người khác gán ép một cách vụng về gọi những bài Đường Thi nằm ngoài dải số là thơ Cổ Phong, trong khi những bài Đường Thi đó không có bài nào là mang một đặc điểm nào của thơ Cổ Phong vốn có rất nhiều đặc điểm. Xem phần chứng minh đầy đủ trong GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI

- và gần đây lại có người sửa đổi thứ tự các câu trong bài Độc Tiểu Thanh Ký của cụ Nguyến Du để cho bài này nằm trong sự qui định của dải số. Nhưng hành động ấy đã biến bài Độc Tiểu Thanh Ký trở thành rất tồi tệ : a/ mạch thơ bị gián đoạn bởi sự hoán chuyển vị trí 2 câu đầu, b/ sai bố cục vì hai câu có tính chất Thực bị đưa vào vị trí Luận và ngược lại 2 câu có tính chất Luận lại cho nằm trong vị trí Thực, c/ sự trình bày bài thơ trở thành rất vô lý là “SUY LUẬN về một việc trước khi MÔ TẢ việc đó ra”. Xin xem Dị Bản Độc Tiểu Thanh Ký

Muốn giải quyết vấn đề trong tinh thần phục thiện thì ta nên xem lại cấu trúc của dải số. Vì 2 khuyết điểm quá lớn của nó. Nhắc lại : một mặt nó tương ứng với 14 bảng Luật sai bét và mặt khác nó loại bỏ ra ngoài 14 phép chơi của thi nhân đời Đường mà đáng lẽ chúng ta phải theo, nếu muốn dùng danh gọi những bài thơ chúng ta đang chơi là thơ Đường Luật.

Quyển sách nhỏ GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI đã căn cứ vào phần kỹ thuật áp dụng trên những bài Đường Thi mà cho thấy nguyên tắc cách chơi của thi nhân thời ấy như đã vắn tắt nêu ở phần trên.

Muốn qui định cách chơi đó bằng những con số thì như sau :

(1-4 2-3 OR 1-3 2-4) AND (1-4 2-3 OR 1-3 2-4)

Công thức lô-gic trên đây có nghĩa là :

4 câu trên của bài Bát Cú Niêm theo 1-4 2-3 hay 1-3 2-4 tùy ý, và
4 câu dưới của bài Bát Cú cũng Niêm theo 1-4 2-3 hay 1-3 2-4 tùy ý.

Có một cách thực hành đơn giản là làm bài Bát Cú thể theo Bố Cục : Mở phá, Thực, Luận, thúc Kết. Chia 8 câu ra thành 4 cặp 1-2 3-4 5-6 7-8. Trong mỗi cặp phải làm 1 câu theo Luật Trắc và 1 câu theo Luật Bằng. Luật nào cho câu trên, Luật nào cho câu dưới cũng đều tốt cả, không cần phải bận tâm và cũng không cần tìm hiểu tại sao. Vì khi ráp lại thì đương nhiên 4 câu trên và 4 câu dưới đều trở thành 1 bài Tứ Cú với Niêm 1-4 2-3 hoặc 1-3 2-4 đúng theo công thức lô-gíc ghi trên. Dĩ nhiên Vần và Đối phải đúng theo nhu cầu của bài Bát Cú.

Với cách chơi trên đây thì những bài Đường Thi danh tiếng bị dải số coi là Thất Niêm Thất Luật sẽ trở thành Đúng Niêm Đúng Luật.14 bảng Luật sai bét được dải số công nhận sẽ hoàn toàn bị loại ra.

Trân trọng kính trình cùng các bạn chơi thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật.

Rất mong nghe những ý kiến thảo luận chân chính của cao nhân.

Võ Nhựt Ngộ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.08.2011 08:37:38 bởi lá chờ rơi >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9