VĂN XUÔI CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN CHU NHẠC ( II )
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 8 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 108 bài trong đề mục
tamvanvov 13.08.2011 10:11:51 (permalink)
[Helpful answer received] / [List Solutions Only]
                                        Chiều Ghềnh Ráng.
 
                                               Tản văn của Nguyễn Chu Nhạc
 
          Đấy là một buổi chiều giữa mùa hè miền Trung đầy nắng gió. Một buổi chiều đầy ăm ắp những hình ảnh về cảnh sắc thiên nhiên nơi Ghềnh Ráng và hình bóng, thanh điệu từ những câu thơ của Hàn Mặc Tử âm âm từ những trang sách hiện hình. Không hiểu sao, bước chân trên mảnh đất gần thế kỷ nay bao dung những con người bị cuộc sống ghẻ lạnh, chối bỏ, song đầu tôi lại cứ lởn vởn những câu thơ mượt mà êm ái bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” của Người thơ “ Sao anh không về chơi thôn Vỹ/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Mướt quá vườn ai xanh như ngọc ...”. No con mắt nhìn, đầy hình trong máy ảnh, nhẩm bụng sẽ viết một cái gì đấy. Vậy mà...
          Đầu năm 2008, vào Miền Trung ( Văn phòng VOV Miền Trung ), tôi định bụng, chuyến công tác đầu tiên trong địa bàn mình phụ trách ( 9 tỉnh duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa ), sẽ “ hành phương Nam “ và tạm dừng chân Bình Định. Thâm tâm, tôi muốn đến hai địa danh nổi tiếng thuộc tỉnh Bình Định mà mình chưa hề đặt chân, đó là Quy Hòa-Ghềnh Ráng và Tây Sơn.
          Thành phố Quy Nhơn như nhoài ra biển, mà  thế lao ấy là con đường dẫn lên Quy Hòa, Ghềnh Ráng. Nắng vẫn nắng, nhưng gió biển lồng lộng, làm không khí dễ chịu hẳn. Đường vào Quy Hòa lượn quanh co giữa đồi núi và biển, đất khô cằn nhưng đó đây vẫn có những loại cây hoang, mà giờ đây đã dần hiếm, bởi người ta đang săn tìm đưa về trồng vườn nhà thành cây cảnh. Núi, biển và cây dại nơi đây, đó là những thứ rất đỗi thân thuộc với những người không may bị mắc chứng bệnh phong hủi từ nhiều chục năm nay, kể cả Hàn Mặc Tử. Bóng dáng khu trại Quy Hòa hiện ra sau khúc quanh. Dù đã được nghe kể, được đọc những bài viết, được xem những hình ảnh về khu trại này từ lâu lắm rồi, song tôi vẫn có cảm giác tò mò. 
          Nhiều thân phận người bệnh ở khu trại phong hủi này, nghề làm báo đã cho tôi tiếp cận họ qua nhiều phương thức khác nhau, nên khi đặt chân đến đây, thứ tôi mong muốn không phải là tìm gặp người này, kẻ nọ trong số họ để hỏi han những câu hỏi không nên hỏi, mà để cảm nhận bầu không khi đặc biệt nơi đây. Cũng mặt đất, cây cỏ, núi non, bầu trời và biển cả như vô vàn nơi khác, song con người thì lại mang thân phận khác. Căn bệnh quái ác mà họ mang trên mình, dù đã được khoa học chứng mình, giái đáp, song vẫn không dễ để cộng đồng gần gũi chia sẻ, bởi định kiến bao đời ăn sâu bám rễ bằng sự kỳ thị, e dè... Tha thẩn ngắm vườn tượng bên ngoài, mà đầu tôi cứ ong ong những bài thơ điên, những câu thơ kỳ dị của Hàn thi sĩ một thuở...
          Quay trở ra, lên Ghềnh Ráng. Một không gian Hàn Mặc Tử đậm đặc, từ ngôi mộ thi nhân đến nhà lưu niệm, rồi những bức ảnh Hàn thi sĩ, và ảnh những người đẹp liên quan đến đời thơ của thi nhân... Tất thảy đều gợi nhớ về người thi sĩ tài hoa bạc mệnh nổi tiếng của làng thi ca Việt. Thử hỏi, nếu thi nhân không bị mắc chứng phong hủi, mà lại thành đạt sánh bên các người đẹp đến đầu bạc răng long, thì biết đâu, lại chỉ làm ra những bài thơ ve vuốt nịnh đầm, chứ chắc gì, Hàn thi sĩ có được những bài thơ hay, những tứ thơ và hình bóng kinh dị trong mỗi bài thơ để sống mãi với nhân gian ?... Ôi, thật là một giả thiết không nên có ?!...
          Tôi tìm ra bờ biển, tương truyền, nơi xưa cũ, Hàn thi sĩ hay ngồi một mình nhìn ra biển, ngóng trông chờ điều kỳ diệu đến với mình. Nhìn ngắm bốn bề không gian. Chỉ cách khu nhà lưu niệm có một quãng ngắn khúc quanh, mà ở đây yên tĩnh lạ. Chỉ có tiếng sóng và tiếng gió. Kìa đá cuội. Những hòn cuội to nhỏ đủ cỡ rải rác khắp bờ, hẳn là có từ thời Hàn. Chiều muộn nghiêng hẳn về phía Tây, hắt những vạt nắng quái đan phía trên những con thuyền xa mờ tít ngoài vịnh. Giơ ống kính, thu không gian vào tầm nhìn. Bầu trời nghiêng, biển nghiêng, thành phố nghiêng, và nỗi nhớ cũng nghiêng chao về cố thi nhân ...
          Gần đây, tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa có chuyến công tác xuyên Việt. Dừng chân ở Quy Nhơn vào chiều đầu hạ. Bữa tiệc chiêu đãi tối được đặt tại nhà hàng ngay trên Ghềnh Ráng. Khoa hình như lần đầu lến Ghềnh Ráng, nên anh có vẻ bỡ ngỡ với cảnh sắc nơi đây. Chúng tôi lại cùng nhau ngắm hoàng hôn buông trên biển, ngắm những viên sỏi bên bờ vịnh. Khoa khẽ đọc mấy câu thơ của Hàn mà anh nhớ.
          Hai thi nhân lớn của làng thi ca Việt. Chẳng có gì để so sánh hay liên tưởng về thi ca, bởi họ thuộc về hai thời đại khác nhau. Có chăng, cùng tâm hồn Việt. Ngoài kia, biển trời Ghềnh Ráng đã sẫm một màu đêm ...
         
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.05.2021 19:14:49 bởi tamvanvov >
#1
    tamvanvov 04.09.2011 12:28:59 (permalink)
    Lũ đẹp

     Tản văn của Nguyễn Chu Nhạc
     
    Năm nay, một tuần trước khi lũ đồng bằng sông Cửu Long đạt đỉnh, tôi có chuyến công tác về miền Tây Nam bộ.
    Trước đây, khi còn làm việc ở Bảy Núi, An Giang, mỗi lần về Tp.Hồ Chí Minh rồi theo tàu Thống Nhất ra Bắc đi phép, tôi thường phải đi mất 2 ngày. Ngày đầu đi xe đò từ Tri Tôn lên Long Xuyên, ngày sau từ Long Xuyên lên Tp.HCM. Lúc trả phép cũng vậy. Khi đó, chùng chình mất thời gian là bởi vượt sông Tiền, sông Hâu, buộc phải qua phà Mỹ Thuận và phà Cần Thơ ( hoặc phà Vàm Cống nếu đi Long Xuyên ). Xe cộ rồng rắn nối đuôi dài hàng cây số chờ xuống phà. Thêm nữa, đường sá xuống cấp khó đi, nếu trúng mùa gặt thì hai bên lề, bà con nông dân phơi thóc lúa choán phân nửa lòng đường.
    Giờ thì xe bon nhanh trên đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, vượt cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ chẳng mấy chốc. Lần này, đoàn cán bộ VOV chúng tôi đi Miền Tây là để tổ chức lễ công bố phát sóng phát thanh từ Trạm phát sóng FM trên độ cao 712m ở Núi Cấm ( Bảy Núi, An Giang ), thuộc Dự án tăng cường năng lực phát sóng phát thanh khu vực Tây Nam bộ. Vượt cầu Mỹ Thuận, rẽ sang đất Đồng Tháp, ngang Lai Vung, Lấp Vò. Ngày trước, ấn tượng với tôi, mỗi lần đi xe đò qua vùng đất lầy trũng nằm kề sông Hậu này, là những nếp nhà đơn sơ như những lều vó cặp mép lộ giăng hàng nổi nênh trên mặt nước đồng mênh mông những năn nác, cỏ dại... Nay thì lộ đẹp, nhà cửa san sát khang trang. Thì qua những mấy chục năm rồi có khác.
    Chiều muộn. Bắc Vàm Cống vẫn xe cộ đông đúc, vẫn những tiếng rao hàng rong chốc lại vang lên bền bỉ buồn buồn. Ráng chiều suộm mặt sông, hắt sáng lên những con phà và tàu thuyền ngang dọc. Mênh mông nước. Lũ Cửu Long đang mùa. Năm nay lũ to hơn nhiều năm trước. Biến đổi khí hậu, mưa nắng không còn đúng nhịp điệu thiên thiên xưa cũ nữa, lại thêm việc người ta xây đập làm thuỷ điện mãi trên thượng nguồn, làm cho lũ sông Cửu Long thấp mấy năm nay, khiến cả vùng đồng bằng Tây Nam bộ mất mùa lũ. Vậy mà năm nay lũ to, lại về đúng nhịp. Người dân bảo, lũ năm nay là lũ đẹp.
    Bữa cơm tối ăn tại Đài Phát thanh truyền hình An Giang thân mật. Phần lớn món ăn dân dã mang đậm chất bản địa. Tuyệt nhất là lẩu cá linh với bông điên điển. Vài tháng trước, trong chuyến về Cần Thơ, chúng tôi còn nói chuyện thèm cá linh vì cá linh giờ đã là đặc sản khá đắt tiền, rằng chẳng biết năm nay mùa cá linh sẽ ra sao. Vậy mà, giờ lại được ăn lẩu cá linh, lại cá linh non, thì mới tuyệt làm sao ! Anh Sáu, bí thư tỉnh ủy An Giang, bạn học cùng lớp với tôi cách đây mấy năm, trong một cua đào tạo tại nước ngoài, thân tình bảo, hôm sau, sẽ đặt giúp thực đơn cho bữa tiệc chiêu đãi của VOV toàn những món đặc sắc chế từ sản vật sông Hậu và đồng đất An Giang. Quả vậy, bữa tiệc chiêu đãi sau lễ công bố phát sóng hôm sau, thật đặc biệt. Có hai món đáng nhớ nhất, ấy là cá linh tẩm bột chiên ròn và chuột đồng ướp sả nướng. Năm nay, lũ lớn nên cá linh từ Biển Hồ theo nước xuôi dòng về nhiều, và chuột đồng cũng lắm. Tôi đã từng sống ở đây nhiều năm nên biết cái ngon của hai món ăn này, còn với phần đông người khác, ít nhiều tò mò và e ngại trước món chuột đồng ướp sả nướng. Cũng phải thôi, ai đã từng thấy những con chuột cống to sụ dơ dáy nơi phố thị, làm gì mà chả e ngại. Chuột đồng vùng sông nước An Giang vào mùa lũ, chúng bơi thành đàn, nương theo con nước, lặn ngụp giữa đồng, bám thân bò lên ăn những đọt cỏ non vươn trên mặt nước đồng. Chỉ sinh sống như vậy nên thịt chúng vừa săn chắc, vừa béo, lại thơm. Đó thật sự là món khoái khẩu của dân nhậu miệt sông nước này từ bao đời rồi.
    Con đường từ Long Xuyên đi Châu Đốc, rồi bẻ quẹo đi Núi Sam, Nhà Bàng, Tịnh Biên, Tri Tôn, bên sông, bên đồng, mênh mông nước. Lũ đẹp, cụm từ ấy luôn được lặp đi lặp lại trên miệng người xứ sở này. Lũ đẹp, niềm vui hiện rõ trên gương mặt mọi người . Bên dưới mặt đất đồng bằng là túi phèn tiềm tàng. Ấy vậy, năm nào lũ lớn lũ đẹp, không những nhiều tôm cua cá về theo nước, mà thêm phù sa màu mỡ, đồng ruộng được thau chua rửa mặn. Ngược lại, lũ nhỏ, vụ sau mất mùa...Bao đời nay đã thế, và bây giờ cũng không mấy khác. Kỹ thuật canh tác cao cũng chỉ giúp được con người ta phần nào thôi, bởi thiên nhiên có những quy luật riêng của mình
    Hôm chia tay Miền Tây, máy bay cất cánh từ sân bay Trà Nóc, Cần Thơ. Đồng bằng sông Cửu Long trắng trời nước, từ cửa sổ máy bay nhìn xuống, thấp thoáng những mái nhà, những hàng dừa xanh... Lũ đẹp !...
    #2
      tamvanvov 21.09.2011 10:41:45 (permalink)
      Sáng nay...


      Sáng nay, có việc phải nhào ra đường sớm.  Tôi thoáng ngỡ ngàng. Phố xá vắng lặng. Thường nhật, thành phố lúc nào cũng như cơm sôi sùng sục, nay tĩnh lặng lạ thường, cũng khiến ta phải gợn mình.
      Giờ mới để ý đến nắng, đến gió, đến hàng cây và màu hoa bên đường ngày nào ta cũng qua, đến quán trà chén nơi đầu ngõ nhỏ, quán cà phê kiểu Paris... Hiu quạnh. Ấy là bởi, ngày thường mỗi khi ra đường, phải lưu thông trong dòng xe cộ chật cứng và lộn xộn, sặc sụa hơi xăng và hơi người, khiến ta thu mình, gò người trong sự tự bảo vệ, chỉ nhăm nhăm mà đi sao cho nhanh chóng đến nơi, miễn là sớm thoát khỏi sự gò bó khốn khổ. Giờ thì thèm bỏ kính mắt, bỏ cái rọ mõm ( khẩu trang ), để mà căng mắt nhìn màu vàng của nắng, màu xanh của cây, để mà hít thở hơi thu cho thỏa...
      Sáng ngày Quốc khánh. Kỳ nghỉ kéo dài những 3 ngày, thế là dân tình thi nhau đi đâu hết cả. Người quê lập nghiệp sống lâu ở phố, khá giả thì vợ chồng con cái xe cộ, áo quần, quà cáp linh kỉnh về quê, tránh cái tiếng " áo gấm đi đêm ", lại được tiếng " áo gấm về làng "; đám dân quê ra phố kiếm việc làm, thì thu vén chút tiền kiếm được, sắm sanh chút đỉnh mang về quê cho gia đình; cánh sinh viên thì đứa về quê, đứa rủ nhau thành hội đi pic-nic đâu đó xa hơn; người phố chẳng đi đâu thì cũng dậy muộn cho thỏa cơn thèm ngủ mà thường nhật không có ... Ôi thôi, có cả tá lý do để sáng nay, phố xá Hà Thành ắng lặng ...
      Nhớ ngày xưa, mỗi dịp Quốc khánh, dân quê nô nức kéo nhau ra phố, ra Thủ đô đi chơi phố, xem triển lãm, xem duyệt binh, xem bắn pháo hoa, ăn kem Tràng Tiền và chụp ảnh lưu niệm Bờ Hồ lấy hình bóng Tháp Rùa ; khi ấy, dân phố thì nhà nhà mua sắm quà cáp, làm cơm để tiếp người nhà quê ra chơi phố... Nay ngược lại hoàn toàn. Cái xã hội nông nghiệp cũ đang đổi chiều, nhưng chưa thành xã hội công nghiệp, mà chỉ ở dạng thức khác của xã hội nông nghiệp màu sắc Á Đông mà thôi. Bởi xét về khía cạnh tâm lý xã hội, hiện vẫn là tâm lý của một xã hội nông nghiệp, kiểu mới ... Hay, hay không, vẫn còn phải bàn, phải chờ.
      Chỉ có thiên nhiên mùa thu là chẳng màng đến tâm lý xã hội kiểu gì. Nắng lá đến độ hiu vàng, lặng lẽ trở mình, đợi ngày thu chín !...


       

         
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.09.2011 10:46:26 bởi tamvanvov >
      #3
        tamvanvov 21.09.2011 10:45:24 (permalink)
        Nhớ bão rằm tháng tám xưa


        Năm nay, đúng dịp Trung Thu, mưa gió nhiều ở khắp nơi, trẻ em vui thì vẫn vui đấy, song khó mà được ngắm cảnh trăng tròn và phá cỗ dưới trăng.
        Thời tiết thản nhiên, vận hành theo quy luật của mình, khó mà chiều lòng người được. Thường thì vào dịp này, đã qua hẳn tiết Ngâu tháng bảy, nên trời dễ quang mây, trong trẻo. Nhưng cũng có năm, thời tiết bất thường, Ngâu muộn nên tiết mưa dầm kéo cả sang tháng tám âm lịch.
        Cũng không hẳn do biến đổi khí hậu gây nên sự bất thường, trước đây, thời tiết bất thường từng có nhiều rồi.
        Tôi nhớ, cách đây mấy chục năm, khi ấy tôi đang học đại học năm cuối. Năm đó, tết Trung thu đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, tôi từ trường đạp xe về quê ăn rằm tháng tám với mẹ. Đài báo bão, lại đổ bộ vào trung tâm đồng bằng Bắc bộ. Thường thì dịp này, bão ít lên phía Bắc, mà hay vào miền Trung. Vậy mà, năm ấy, đúng chiều muộn rằm tháng tám thì bão đổ vào. Gió cấp 12 gầm rú, lồng lộn trên không trung, quật nát bươm những ngọn tre, cây trái trong vườn cũng tơi tả. Bưởi, hồng xiêm, và sấu, ổi vườn nhà rụng hết, vung vãi khắp vườn...
        Gió giật, làm tung một góc mái rạ chái nhà tôi. Hai mẹ con tôi lúng túng, chẳng biết chống đỡ ra sao. Chỉ biết chốt chặt những chốt cửa chính, cửa sổ mà thôi. Gió theo chỗ mái bị thổi bay, xộc vào nhà, xô đổ đồ đạc trong nhà. Rồi mưa. Mưa như trút. Khi mưa to thì gió cũng giảm đi nhiều. Lúc ấy, không còn lo chốt cửa nữa, hai mẹ con tôi lo tìm thau chậu, ang nồi, có bao nhiêu mang ra hết để hứng nước mưa. Con chó mực, cũng rấm rẳng kêu, luẩn quấn bên chân chủ lo chống giột ...
        Trời tối, bão tan, mưa ngớt nhiều. Hai mẹ con tôi mở cửa, ra sân vườn. Chao ơi, tất cả đều tan hoang, ngổn ngang. Lại cắm cúi lo dọn dẹp, nhặt hoa quả rụng đầy vườn...Mẹ tôi thì cứ ca cẩm, rằng mưa bão cướp mất tối vui ngắm trăng phá cỗ Trung thu của bọn trẻ. Mà ngày ấy, thời bao cấp còn nghèo, trẻ quê đâu có quà gì. Cây trái vườn nhà có gì thì bầy nấy, trò chơi cũng là những chiếc đèn ông sao tự mầy mò dán lấy, rồi đó đốt những hạt bưởi khô xâu thành chuỗi để tinh dầu bưởi cháy phát những tia sáng kèm mùi thơm hăng hăng...
        Năm nay, trung thu lại mưa nhiều. Nhớ trận bão rằm tháng tám xưa. Nhớ mẹ. Và nhớ tuổi trẻ đã đi qua ...
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.09.2011 10:47:47 bởi tamvanvov >
        #4
          tamvanvov 27.09.2011 17:55:30 (permalink)
                                                                       Quả cuối mùa 

                                                                   Tản văn của Nguyễn Chu Nhạc

          Hoa quả bây giờ, mùa nào thức ấy, từ siêu thị sang trọng đến hàng rong, cơ man, tha hồ mà lựa chọn. Thậm chí, hoa quả trái vụ cũng có, bởi đã có giống mới cho quả quanh năm, hoặc hàng nhập từ nước ngoài. Vậy mà, để khi cầm miếng quả lên miệng cắn, nhấm nháp thấy ngon, thấy thú vị, thật khó. Còn như thấy thi vị, thì càng không !...

          Lâu lâu, nhà đi chợ về, mua được mớ táo, mớ ổi ta, mang rửa qua rồi bầy ra đĩa, đã thoang thoảng mùi thơm rồi. Nhẩn nha chọn lấy một quả, ngắm nghía no con mắt, đưa lên hà hít một chút, lấy hương thơm đánh thức thính giác, rồi mới lựa chiều cắn nhẹ, nhai chậm và ngẫm nghĩ, để thưởng thức cái hương vị tự nhiên của cây quả, ta sẽ thấy, không có vị thuần nhất như loại quả giống mới, mà cảm nhận được vị ngọt, pha chút chua, hơi chan chát của loại quả tự nhiên...Và khi ấy, quá khứ, tuổi thơ đồng hiện trong ta, lung linh huyền diệu làm sao ...

          Hồi nhỏ, khi gia đình tôi còn ở Hà Nội, tôi sống trong khu nhà 50A Trúc Lạc, phố Phó Đức Chính. Khu nhà nằm trong làng Trúc Lạc xưa, ven bờ hồ Trúc Bạch, có vườn rộng quanh năm rợp bóng nhãn, roi, ổi... Rồi đó là những chuyến ngao du lên vùng Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá ven Hồ Tây, xứ sở của hoa trái Hà Thành ngày ấy. Thế nên, tôi đã sớm ý thức về cây trái thiên nhiên. Sau này, sơ tán tránh chiến tranh về quê Văn Lâm, Hưng Yên, mảnh đất vườn quê nhà tôi khá rộng, Vườn tạp kiểu xưa, cây trái tự túc, nên cũng có đủ loại cam, chanh, bưởi, ổi, na, mít, sấu, thị, hồng xiêm...Thôi thì mùa nào thức ấy. Quê ngoại tôi cách đó gần chục cây số, vườn rộng những 5 sào đất, ao chuôm đầy đủ, cây trái không thiếu thứ gì. Tôi quen gọi là khu vườn cổ tích. Năm nào cũng vậy, dăm ba lần theo bố mẹ, chị gái sang quê ngoại vào những dịp giỗ tết và nghỉ hè. Nhất là kỷ nghỉ hè, được ở quê ngoại hàng tuần, hàng nửa tháng. Vui nhất, là được hội quân, đám trẻ chúng tôi hàng chục đứa, con chú con bác, con cô con cậu, đôi con dì với nhau, từ Hà Nội và các nơi kéo về. Chúng tôi câu cá, và tuần hành mọi xó xỉnh trong vườn, leo trèo, bứt quả chín quả ương, nếm thử. Vui thật đấy.
          Song với riêng tôi, lặng lẽ dấu trong lòng một cái thú, ấy là tầm quả cuối mùa. Quả giữa vụ, đương nhiên không có gì để nói. Với cây trái, có hai thời điểm ấn tượng, ấy là quả đầu mùa và quả cuối mùa. Quả đầu mùa, người ta mong ngóng chờ, sau vòng quay của thiên nhiên trở lại vừa đúng một năm, nên có chút gì đó của sự háo hức, chờ đợi, lạ lẫm ... Song ở thời điểm này, quả thường chưa ngon, chưa đủ hương đủ vị, và có thể châm chước được. Còn quả cuối vụ, là quả chín muộn và còn sót lại. Khi ấy, cây đã gần hết trái, nên bao nhiêu sức của cây, hay nói một cách chữ nghĩa, là bao nhiêu hương sắc, tinh tuý còn  lại trong cây, được dồn hết cho quả chín muộn, đặng cây sắp bước vào mùa rụng lá, hoặc bị đốn bớt cành, chuẩn bị cho guồng sinh sôi mới, đơm hoa kết trái mùa sau. Thế nên, quả cuối mùa viên mãn, thơm ngon, là vậy...Thêm nữa, tâm lý người ta, khi cái gì còn lại ít ỏi, cái gì sắp đi qua, mới thấy quý, thấy tiếc, là vậy...Lại chợt nghĩ đến chuyện nhan sẵc của những người đàn bà ở độ tuổi tứ tuần...
          Tôi đã lặng lẽ, tha thẩn vườn nhà, hay nơi vườn quê ngoại, tầm những quả còn sót lại trên cây. Quả muộn thường là khuất tầm nhìn, bị che bởi những tán lá um tùm, nên người tầm quả phải để ý hơn, dụng tâm hơn, ở dưới đất phải nghiêng ngó, quan sát từ nhiều góc nhìn khác nhau, thậm chí, phải leo lên chạc cây cao hơn một chút, may ra mới thấy được. Thường là người thua các loài chim, nên quả muộn hay bị chim mổ lỗ chỗ đôi chút. Cũng có quả còn nguyên vẹn, và khi ấy, sao thấy thật may mắn và sung sướng thay. Giản dị vậy thôi. Song dù quả có bị chim ăn trước, thì phần quả còn lại cũng rất ngon thơm. Đấy là chưa nói đến việc, quả chín nào bị chim ăn, thường là ngon hơn quả bình thường, ấy bởi loài chim tinh tường hơn con người chúng ta về khoản này... Tôi đã từng nâng niu những quả cuối vụ như thế, và thấy tiêng tiếc khi phải ăn đi mất, đặng thỏa cái thú thưởng thức bằng đủ các giác quan. Vâng, quả là, đã có những trái thị nhỏ xinh cuối vụ, để chín thơm trên bàn thờ đến thành nẫu, không ăn...
          Sau này trưởng thành, và ngay cả bây giờ cũng vậy, tôi vẫn giữ trong mình thú tầm quả chín cuối mùa. Nhưng cuộc sống phố thị và sự bận bịu của công việc đã dần tước đi của mình những thú vui nho nhỏ và giản dị như vậy. Song, mỗi khi có dịp về quê, hoặc đi đâu đó có cây vườn, tôi lại tha thẩn ra vườn, lặng lẽ dưới gốc cây mà ngước nhìn lên. May ra thì ...
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.09.2011 17:56:47 bởi tamvanvov >
          #5
            tamvanvov 07.01.2012 20:52:51 (permalink)
            Mùa đông nói chuyện tuyết


            Người xưa bảo, con người ta cứ thiếu cái gì thì thèm cái ấy. Chắc là đúng, bởi cha ông ta đã chiêm nghiệm chán chê rồi mới phán vậy. Trong khi người xứ hàn đới thèm cái nắng vàng rực rỡ trên bờ biển mênh mông và bầu trời trong xanh cao thẳm của xứ nhiệt đới, thì người xứ nhiệt đới hoặc vùng xích đạo lại khát khao được ngửa mặt mà đón nhận những bông hoa tuyết trắng xốp mát lạnh… Và tôi, tôi cũng vậy. Ngày nhỏ, chỉ nghe người lớn nói tuyết, rồi lớn lên tý chút lại đọc về tuyết qua những câu chuyện như Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, và những câu chuyện trong Truyện cổ Grim, Truyện cổ tích An-đec-xen hay như các tác phẩm Rừng thẳm tuyết dày, Tiếng gọi nơi hoang dã v.v… Sau này thì qua phim ảnh, nhất là những bộ phim của Liên Xô sản xuất, phim nào mà chẳng có cảnh tuyết. Chao ơi, không biết tý gì thì cái thèm chỉ một, những đã he hé biết đôi chút rồi thì cái thèm, cái khao khát bằng mười, bằng trăm kia !... Thế rồi, tôi cũng biết thế nào là tuyết. Những bông tuyết thực sự chứ không phải là tuyết trong chuyện kể, trong sách báo, phim ảnh. Ấy là vào đầu đông năm 1996, khi tôi được cử tham gia một khóa học nghiệp vụ báo chí tại Pháp. Những ngày đầu đặt chân tới Paris, mùa thu còn rơi rớt trên những tán lá vàng ươm và lớp lớp xác lá khô dày trài khắp lối đi trong vườn Lucxambourg. Nhiệt độ thấp nhất về đêm đã xuống tới 2-3 độ C song vẫn chưa có tuyết. Hỏi thăm bạn bè Pháp thì họ bảo khí hậu ở Paris vốn ấm, rất ít khi có tuyết rơi, hằng năm thường chỉ có vào dịp trước lễ Giáng sinh, thậm chí có năm còn không có tuyết. Nghe vậy mà thấy buồn, sinh chán… Những thật may mắn, tôi và một đồng nghiệp nữ được mời tham dự một triển lãm về radio có tên gọi là Radio-ngã tư quốc tế do câu lạc bộ sóng ngắn vùng Auvergne tổ chức tại thành phố Clermont Ferrand thuộc miền trung Pháp, nghe đâu gần biên giới Thuỵ Sỹ và cách Lyon không mấy xa. Hôm gọi điện lên Paris liên hệ với chúng tôi, ông Jean Piegant, chủ tịch Câu lạc bộ sóng ngắn vùng Auvernge có dặn là ở dưới đó rất rét, tuyết đang rơi dầy nên khi xuống nhớ mặc cho thật ấm.Xuất phát từ nhà ga xe lửa phía nam Paris (Gare de Lyon) từ rất sớm. Tàu hỏa xuôi hướng nam, tuy không phải là TGV song lắng nghe âm thanh và nhìn cảnh vật hai bên đường, tôi đồ rằng tàu đang chạy với tốc độ chừng 150 km/h. Trời rạng sáng thì đã xa Paris lắm rồi. Làng xóm và cảnh vật đôi bên nhấp nhô theo địa hình. Người Pháp ở nông thôn đa phần vẫn sống trong những ngôi nhà truyền thống hai hoặc ba tầng, bốn mái, có tầng hầm. Vẫn trưa thấy tuyết đâu. Khi cách Clermont Ferrand không xa, thì bắt đầu thấy tuyết. Tuyết thưa thớt trên mặt đồi, mặt ruộng. Tuyết lác đác trên mái nhà, cành cây. Tuyết càng ngày càng dày, rồi như con tàu như xuyên giữa miêm man tuyết trắng, cho đến khi băng tuyết trắng xóa nhức nhối khắp nơi thì cũng là lúc nhà tàu thông báo tới ga Clermont Ferrand. Tôi cẩn thận quấn chặt khăn quàng cổ, kéo kín cổ áo khoác, đội mũ len chùm tai, đi găng tay và nhắc Thu Hương, đồng nghiệp nữ và cũng là người phiên dịch làm như thế, rồi hai anh em bước xuống sân ga. Đứng định thần giây lát, tôi bước đi trên băng tuyết dày, do không để ý nên mấy lần trơn trượt xuýt ngã. Cái cảm giác bỡ ngỡ qua nhanh và chúng tôi đã có thể đi lại mạnh bạo, nhanh nhẹn trên truyết. Ông già Jean Piegant đã đứng sẵn trong đường hầm trước lối ra cửa ga với tấm bìa viết chữ VIETNAM và nụ cười tươi chào đón chúng tôi. Ông líu ríu tiếng Pháp hỏi thăm, trò chuyện với Thu Hương và dùng xe riêng chở chúng tôi về điểm tập kết. Bữa trưa, cả đoàn mấy chục người gồm ban tổ chức và các khách mời, phần lớn đều là các phóng viên chương trình phát thanh tiếng Pháp đến từ một số Đài phát thanh như Russia., Rep.Tseck, Slovaque, Mondovie, Coreé, Equateur, Syrie, Gabon, Iran ... Nhà hàng, nơi ban tổ chức đặt cơm cách xa hơn cây số, thế nên cả đoàn dắt dây đi bộ. Trưa nắng lên, tuyết bắt đầu tan nên đường phố chỗ còn băng tuyết, chỗ đã tan hẳn nhưng lép nhép lắm. Nước từ băng tuyết tan chảy tràn trên mặt đường, dồn lại thành dòng róc rách chảy. Lại do không cẩn thận vì mải quan sát nhà phố nên hơn một lần tôi trượt chân xuýt ngã bổ chửng. Mọi người cười vui và cảm thông với người xứ nhiệt đới là tôi, bởi phần đông trong số họ, tuyết đã quá quen thuộc. Clermont Ferrand là một thành phố nhỏ, với 13 ngàn dân, vốn nằm trong một vùng đất thung lũng xưa từng có núi lửa hoạt động, là quê hương của chiếc săm lốp xe rời đầu tiên trên thế giới, và còn nổi tiếng với một Liên hoan phim ngắn quốc tế mang tên thành phố. Đêm ấy, cả đoàn khách mời chúng tôi nghỉ trong một ký túc xá sinh viên trên phố nhỏ- Rue de Saint Eutrop, mỗi người một phòng 7 mét vuông . Cửa sổ các phòng nhìn một nhà thờ nhỏ. Trời tắt nắng là tuyết lại bắt đầu rơi. Trời càng về tối tuyết rơi càng mau, nhìn qua cửa kính, nhà thờ thâm sì với tháp chuông vuốt nhọn trong bóng đêm và tuyết. Quảng trường nhỏ trước nhà thờ vắng lặng, chỉ thưa thớt cây và tuyết. Bỗng thèm nghe tiếng chuông nhà thờ. Lại thèm được rụi mình trong chăn ấm nệm êm và thấy buồn ngủ díp mắt. Thế nhưng, khi chui vào giường ngủ, tưởng đâu sẽ chìm sâu vào giấc ngủ thì nằm mãi, trở mình mãi mà không ngủ được. Đầu óc tỉnh như sáo. Có lẽ do lạ giường, hay do ấn tượng về băng tuyết lần đầu ? Rồi nghĩ miên man và lại nhớ về bếp lửa rơm quê nhà những chiều đông nướng khoai vùi sắn. Mới biết, con người ta càng đi xa lại càng nhớ quê nhà. Và giấc ngủ cũng đến . Trong giấc ngủ, thấy mình thời học trò, theo đám trẻ trâu đi săn chuột đồng, bắt cá sau vụ gặt tháng mười, rồi nhặt quả phi lao khô đốt sưởi trong những chiếc bếp lò tự làm từ ống bơ. Gió mùa đông bắc về, mưa rét giăng đầy đồng và bỗng nhiên những hạt mưa ngưng kết nở thành những bông tuyết trắng muốt bay đầy trời bám vào các gốc rạ và nhữg khóm rau khúc tần trên ruộng... Tỉnh ra mới biết là nằm mơ, trời đã sáng tự bao giờ. Lúc xuống đường thì trời ơi, những tuyết là tuyết. Đêm qua tuyết rơi nhiều quá. Những hàng cây ven đường cành lá đeo nặng tuyết, những chiếc ô tô con đậu ngoài trời bên phố nóc xe tuyết chất thành những quả núi con. Triển lãm Radio -ngữ tư quốc tế diễn ra ở trung tâm văn hóa thành phố. Dự khai mạc xong, hai anh em, tôi và Thu Hương bỏ ra sân ngoài trời. Băng tuyết dày hàng gang tay, và để có cái cảm giác lạnh giá, chúng tôi xục hai tay xuống tuyết vốc lên xoa vào mặt. Rồi hai anh em bốc tuyết ném nhau một thôi một hồi đến râm rấp mồ hôi … Rời Clermont Ferrand, chúng tôi đáp tàu về Paris. Trời chiều, tuyết vẫn rơi trắng trời, nóc nhà thờ và các toà nhà cao thành phố cứ lùi xa và khuất dần ngoài cửa kính tàu. Vừa mới đó đã nao nao nhớ về những món pho-mát, những ly rượu vang mà ông Jean Piegant chủ định đổi món mỗi bữa, nhằm khoe ngầm với khách quý bốn phương biết sự phong phú trong ẩm thực vùng quê ông… Những tưởng thế thôi, cho đến lúc về chẳng còn thấy tuyết. Song khi chỉ cách Noel chục ngày, Paris có tuyết rơi. Tuyết bắt đầu rơi từ nửa đêm về sáng. Có lẽ chỉ những kẻ overnight hoặc mò mẫm ăn sương trong mọi ngõ ngách đường phố Paris mới biết tuyết rơi tự lúc nào. Hôm ấy như có một linh cảm nào đó nên dậy sớm. Mở cửa sổ nhìn xuống vườn, thì trời ơi, chiếc ghế xích-đu và khóm táo dại cùng mấy bụi hoa trong vườn điểm xuyết những bông tuyết. Tuyết mỏng và thưa nên cảm giác như có lại như không. Song quả là có đấy, bởi những con cá chúng tôi mua từ phiên chợ giời nông dân trên phố chiều hôm trước đem về buộc dây treo ngoài của sổ thay vì để trong tủ lạnh sợ mùi, loáng thoáng bông tuyết bám vào. Đưa tay chạm vào những bông tuyết mỏng manh, chúng nhanh chóng tan biến. Những ngửa mặt nhìn trời, tuyết còn rơi mơ hồ… Ngày ấy đã thành xa. Mấy năm nay, mùa đông về, đôi khi Sapa (Lào Cai ), Mẫu Sơn ( Lạng Sơn ), Nguyên Bình ( Cao Bằng ) đều có tuyết rơi. Đặc biệt mùa đông năm 2007, rét kỷ lục khiến khắp miền đông nam Trung Hoa và cả miền núi Bắc Việt Nam chìm trong giá rét lê thê hơn tháng trời. Băng dày và tuyết rơi đến hàng tuần ở Mẫu Sơn, Nguyên Bình và Sa-pa, phủ trắng xóa lưng đèo Hoàng Liên Sơn. Chẳng thể lên xem, mà có lên cũng không kịp. Lại đành nhìn tuyết made in Vietnam qua hình, ảnh vậy. Mùa đông rồi lại mùa đông, năm nào cũng vậy, truyền hình đưa hình ảnh miền bắc Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và hàng loại những nước châu Âu như Pháp, Đức, Italia, Thuỵ Sỹ, Anh băng tuyết phủ kín. Người dân Paris luôn thèm được đón năm mới trên đại lộ Champs Élysées và quảng trường Charles de Gaulle trước Khải Hoàn Môn dưới một bầu trời đầy tuyết bay!... Phong, hoa, tuyết, nguyệt từ ngàn đời nay đã bất tử cùng thi họa Trung Hoa. Quả là tuyết đã làm nên bao áng thi văn bất hủ. Tuyết đã thành máu thịt ruột rà của người dân, là một phần của văn hóa xứ hàn đới. Người ta đã lo ngại nạn ô nhiễm môi trường tràn lan toàn cầu dẫn đến biến đổi khí hậu, băng Bắc Cực tan chảy sẽ nhấn chìm một phần lục địa, và một ngày kia mùa đông không có tuyết rơi. Nếu như một ngày kia, thế giới sẽ là gì nếu mùa đông không còn tuyết ?...
            #6
              tamvanvov 31.05.2012 21:36:09 (permalink)
              Tự ngẫm


              Bạn bè văn chương, có cả bậc đàn anh, từng bảo tôi rằng : “ Tớ thích đọc văn xuôi của cậu hơn là thơ “ ; “ Này, lâu lâu không thấy ông viết văn xuôi nữa nhỉ ?“ ; “ Dạo này, thấy ông có thơ liên tục, mà thơ cũng được đấy“... Nghe vui vui vậy thôi chứ chẳng nên tin...
              Thực tình, tôi ngẫm nghĩ, cũng không biết mình có khả năng nào hơn. Tôi thích sao thì viết vậy. Cũng có khi là viết do sự thúc bách của công việc, của giao lưu bạn bè ( ví như việc chơi blog chẳng hạn ). Thuở ban đầu tập tễnh văn chương, tôi làm thơ. Rồi tập viết truyện ngắn. Chẳng ra làm sao cả. Song vẫn cứ viết. Đăng hay không, không quan trọng. Rồi biết yêu, rồi thất tình, làm thơ. Nhất là khi có bài thơ đăng báo Văn Nghệ, phấn khích lên, thơ càng hăng... Sau thấy thơ nhiều quá, thiên hạ cũng toàn những thơ, cùng nhàm, lại xoay sang viết truyện ngắn. Khi có mấy truyện được đăng báo, phát sóng thì càng hăng máu. Ngày đêm, bò ra mà viết truyện. Thành tập, được in, được trao giải khuyến khích cho cả tập, phởn chí hăng hơn. Rồi tập thứ hai, thứ ba lần lượt xuất bản. Lại thấy nhàm. Nhưng đã chót chọn nghề làm báo làm văn rồi, không viết thì làm gì ? Bèn viết tản văn, tạp bút...Liều hơn, mon men sang lĩnh vực phê bình và chân dung văn học. Mấy anh bạn thân vốn dân chuyên nghề phê bình văn học chửi khéo rằng:"
              Thấy ông viết cả phê bình nữa, định cướp cơm chim chúng tôi à ? “. Cười xuề. Thây kệ, cứ viết, rồi tập hợp in sách. Cũng ổn cả. Song bỏ thơ. Dăm bảy năm không làm bài thơ nào, trong khi văn xuôi thì cứ đều đều, 2 năm in 1. Rồi xa nhà, đồn trú biền biệt miền duyên hải, lại sinh thơ. Lúc về lại Hà thành, công việc bận túi bui, vả lại chơi cái trò blog blếch thì phải có bài, thế nên đành phải viết. Thời gian không có, lại bị cắt vụn ra, đêm ngày với sự vụ phức tạp, rồi các cuộc lễ lạt, khách khứa triền miên, lấy đâu thời gian mà văn xuôi cơ chứ. Thế là thơ tuôn ào ào. Hay dở thì cũng chặc lưỡi cho qua. Mà bạn bè người quen cũng chẳng nỡ chê ( mà có chê, có khi lại dễ nổi tiếng cũng nên ). Thôi thì, cứ thích gì viết nấy cái đã...
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.11.2012 07:44:31 bởi tamvanvov >
              #7
                tamvanvov 12.06.2012 22:02:09 (permalink)
                Myanmar du ký ( I )

                1.Cố đô Yangon

                Chiếc Fokker của Vietnam Airlines số hiệu chuyến bay VN 957 sau 1h45 phút hành trình, hạ cánh xuống sân bay quốc tế Yangon đúng giờ quy định ( 18h30 h địa phương, chậm hơn giờ VN 30 phút ). Đón đoàn VOV là 2 cán bộ ngoại vụ của Đài FT&TH Myanmar ( MR ), một nam một nữ, đều mặc váy. Thoáng chút ngạc nhiên, song tôi nhanh chóng hiểu, họ ăn mặc trang phục dân tộc truyền thống. Ngạc nhiên hơn, chờ sẵn bên ngoài là 2 phóng viên Truyền hình Myanmar ( MR.TV ) chĩa chiếc camera cổ lỗ sĩ quay hình đoàn chúng tôi để đưa tin. Quả nhiên, tối hôm ấy, tôi đã xem được tin này trên Kênh MRTV4 . 15 phút ô tô thì đến khách sạn 3 * Yangon Hotel. Trên đường về khách sạn, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là đường mườn mượp xe hơi, và tuyệt nhiên không thấy bóng dáng chiếc xe gắn máy nào. Hỏi bạn thì được biết, thành phố Yangon cấm xe gắn máy lưu thông. Khác hẳn Việt Nam mình, giao thông đô thị khốn khổ vì xe máy.
                Sở dĩ gọi Yangon là cố đô, bởi vào ngày 26 tháng 3 năm 2006, nhằm né tránh nguy cơ chiến tranh với phương Tây từ phía vịnh Martaban trên Ấn Độ dương, đồng thời tìm vùng đất mới để xây dựng và phát triển thủ đô, Chính phủ Myanmar quyết định dời thủ đô đến Nay Pyi Taw thuộc tỉnh Mandalay, cách Yangon hơn 300 km về phía đồng bắc.
                Căn phòng tôi ở là phòng loại VIP trên tầng 9 của khách sạn cao 12 tầng, nên có điều kiện quan sát khoảng không rộng lớn của cố đô Yangon. Tên cũ của thành phố là Rangoon, sau đổi thành Yangon. Anh U Myint Wai, người đưa đón đoàn VOV giải thích, cái tên Yangon theo tiếng Myanmar có nghĩa là “ sạch bóng quân thù “, và anh còn nhấn mạnh “ ý nghĩa hòa bình “ của cái tên thành phố. Yangon hiện có hơn 4 triệu dân ( trong tổng số 56 triệu dân cả nước ) là thủ đô của MR từ lâu đời, tọa lạc nơi ngã ba hai con sông lớn là Yangon và Bago, cách vịnh biển Martaban chừng 30 cây số. Từ trước năm 1948, MR là thuộc địa của Anh, nên ở trung tâm thành phố có nhiều kiến trúc châu Âu như Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Nhà ga xe lửa ( nay là Bảo tàng xe lửa )... Ngay từ chiều tối hôm mới đến, chúng tôi có vài ấn tượng về Yangon.
                Thứ nhất, chúng tôi rủ nhau đi dạo mấy khu phố gần khách sạn. Chừng hơn 9 giờ đêm đường phố đã thưa thớt xe. Đây là thời điểm, các xe chở khách, taxi được dịp thả phanh. Yangon cho phép cả hai loại xe tay lái thuận và tay lái nghịch đều được phép lưu thông, thế nên mới có sự, từng cặp xe ( 1 tay lái thuận, 1 tay lái nghịch ) bám sát cạnh nhau cùng chạy song song rất nhanh trên phố, trong khi các lái xe và khách đi xe hai bên trò chuyện sang nhau ầm ĩ cả phố xá.
                Thứ hai, đó là chuyện massage. Nếu ai mỏi mệt, chỉ sau một giờ massage MR sẽ thấy khoan khoái ngay. Nói vậy, bởi tôi cùng vài đồng nghiệp nam đã tò mò đi tìm hiểu massage MR nó như thế nào, ngay tại khách sạn mình ở. Xin nói ngay, massage MR rất chi là khoa học và “ nghiêm văn chỉnh”. Phòng massage tập thể, từ 2-3 người cùng, khách được massage phải thay quần áo của mình để mặc một bộ pizama mềm và rộng rãi. Các nữ nhân viên massage trẻ trung khỏe mạnh, mặc trang phục truyền thống kín đáo song vẫn đủ độ gợi của thân hình. Họ massage bài bản, cố đến mức cao nhất có thể để không va chạm xác thịt, và rất chi mềm mại điệu nghệ, đủ cho những ai giàu trí tưởng thư giãn tâm trí. Trong khi massage, giữa khách với nhau, hoặc giữa khách với nhân viên thoải mái trò chuyện giao tiếp vui đùa qua ngôn ngữ hay cử chỉ, song không vượt ngưỡng lịch sự, và nhân viên không đòi hỏi tiền “ bo”. Quả là khoan khoái sau đúng 1 giờ đồng hồ với mức phí là 12 USD.
                Thứ ba, đường phố Yangon, trừ khu phố cũ ( kiểu như khu phố cũ với các “ hàng “ ở Hà Nội ) thì kiến trúc phần lớn theo kiểu khuôn viên, khá thoáng đãng. Người dân di chuyển bằng xe bus, xe chở khách kiểu xe lam, xe đạp kéo 3 bánh và đi bộ. Nhìn chung, các phương tiện xe cộ đều chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, song với người đi bộ thì hiện tượng băng cắt qua đường giữa dòng xe vẫn phổ biến như ở bên ta.
                Thứ tư, thành phố Yangon có thể coi là xứ sở của hoa phượng ( đủ các màu như đỏ, vàng, nâu ngà ); và xứ sở của chim, nhất là loài quạ đen. Quạ nhởn nhơ trong vườn, đậu kín trên cây và giăng hàng trên dây điện. Hình như, đất nước Phật giáo này, họ kiêng cữ việc “ sát sinh”...
                Thứ năm, vì là đất nước Phật giáo nên hệ thống chùa chiền và tăng lữ có ở khắp đất nước Myanmar. Thế nên, ở Yangon, sáng sáng, sư sãi từ các chùa đổ về các ngả đường, phố đông dân cư để khất thực.
                Thứ sáu, tiền tệ Myanmar là đồng “ kyat “, giá quy đổi khoảng từ 700-820 kyat/1 USD, và nhìn chung, hệ thống thương mại, kể cả bán lẻ của Myanmar, và Yangon khá quen với việc tiêu đồng USD lẫn với đồng kyat.

                ( còn nữa )
                #8
                  tamvanvov 17.06.2012 09:14:00 (permalink)
                  Myanmar du ký ( II )

                  2. Shwedagon- Chùang.

                  Chùa Vàng ở cố đô Yangon được xây dựng từ gần 2.600 năm trước, ông U Maung Maung Og, trưởng ban quản lý chùa cho biết vậy. Đấy là theo tương truyền, chứ thực ra, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 6, thêm nữa vào thế kỷ thứ 10, và sau đó trải suốt chiều dài lịch sử đã có rất nhiều lần chùa được tu bổ, xây dựng thêm bởi lâm vào tình trạng đổ nát vì thiên tai và chiến tranh. Chùa nằm trên đồi Singuttara, có chiều cao 105 m ( không kể phần ăng-ten ), riêng phần vòm tháp dát vàng cao 98 m.


                  Vì được coi là khách VIP, nên chính ông trưởng ban quản lý đích thân dẫn và giới thiệu đoàn thăm viếng chùa. Đoàn chụp ảnh lưu niệm dưới bóng cây bồ đề gần 50 tuổi do Ấn Độ trồng tặng. Việc thăm viếng chùa được tiến hành thông lệ đi theo chiều kim đồng hồ, và đương nhiên, như tất thảy mọi người, chúng tôi phải bỏ giày dép đi chân đất.
                  Lần theo các cụm kiến trúc, mới thấy được sự cổ kính và vĩ đại của ngôi chùa. Còn thấy cả sự sùng kính của người dân MR qua nhiều đời, công đức đóng góp cho việc bảo tồn, tu bổ công trình. Theo ông trưởng bản quản lý chùa, thì đã tốn nhiều tấn vàng nguyên chất cho việc dát tòa tháp chính và một số điểm trọng yếu của ngôi chùa. Hiện chùa Vàng còn bảo tồn được bốn báu vật thiêng liêng với các tín đồ Phật giáo, đó là 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn và mảnh áo của Phật Ca Diếp. Chính sự lâu đời và kỳ vĩ, cùng các báu vật được lưu giữ trong chùa, nên không riêng gì các tín đồ Phật giáo ở MR và các nước khác, mà nhìn chung, mọi người trên khắp thế giới đều mong muốn ít nhất một lần được thăm viếng ngôi chùa này.
                  Nếu có thời gian, khách phải mất cả ngày, thậm chí cả tuần để thăm viếng và thực hiện các nghi lễ Phật giáo. Tuy nhiên, với chúng tôi, chỉ có thời gian hơn một giờ đồng hồ nên đành “ cưỡi ngựa xem hoa “ vậy. Song vì có ông trưởng ban đưa dẫn, nên chúng tôi chỉ dừng chân ở những điểm quan trọng để nghe giới thiệu hoặc hành lễ, như : bảo tháp, phật vàng, phật ngọc, phật nằm, chuông Singu Min...Mặc dù người dân MR rất hiền lành và sùng đạo, song nhằm đảm bảo an toàn cho những tượng tháp quý, nhà chùa đều đặt trong các lồng khung sắt vững chắc, có khóa bảo vệ. Được sự đồng ý của ông trưởng ban, ở mỗi tượng tháp này, nhân viên bảo vệ mở khóa cho đoàn chúng tôi vào bên trong, nên có thể “ sờ tận tay“ và hành lễ ngay cạnh. Ở tượng Phật ngọc, ông trưởng ban khuyến khích mọi người trong đoàn hành lễ và bảo rằng, theo quan niệm của tín đồ Phật giáo MR, thì cầu nguyện điều gì đó trước bức tượng này sẽ được linh ứng. Cầu được ước thấy đây. Thôi thì đã đến được nơi đây, lại thêm lời khuyên vậy, nên ai cũng hành lễ và thầm cầu nguyện một điều gì đó cho riêng mình. Khi đến tượng Phật nằm, chúng tôi bắt gặp 2 người thợ thủ công đang dát vàng nguyên chất bồi bổ thêm cho bức tượng. Ông trưởng ban quản lý cho hay, các thợ được tuyển chọn vào thực hiện việc dát vàng tháp tượng chùa, ngoài tay nghề điêu luyện, họ phải có tính chân thật và lòng sùng kính Phật giáo.
                  May mắn, chúng tôi bắt gặp các nhà sư đang thực hiện một buổi cầu kinh. Các sư hành lễ đồng thanh tụng kinh theo lời tụng kinh dẫn dắt của vị sư chủ trì buổi lễ. Tiếng cầu kinh trầm buồn vang lên đều đều lan tỏa khắp không gian chùa, hòa lẫn trong mớ tạp âm của khách thập phương, tạo nên một cảm giác về sự pha trộn của hai thế giới tâm linh và đời thường...
                  Ông trưởng ban dẫn chúng tôi đến nơi treo một quả chuông cổ khổng lồ, vừa đi ông vừa hào hứng kể lai lịch quả chuông này. Quả chuông có tên gọi là Maha Gandha ( có nghĩa là “ âm thanh tuyệt diệu “ ), được nhà vua Singu Min cho đúc năm 1779 và tặng nhà chùa. Vì thế, nên ngày nay người ta quen gọi là chuông Singu Min. Có chuyện kể rằng, vào năm 1824, khi quân Anh xâm lược MR, chúng đã lấy quả chuông này đưa xuống thuyền định chở về Calcuta ( Ấn Độ ), song do chuông quá nặng nên đã bị lật thuyền chìm tận đáy sông. Quân Anh không biết làm sao. Các tín đồ Phật giáo MR đề nghị xin vớt chuông với điều kiện nếu vớt được thì sẽ phải trả chuông về lại chùa. Nghĩ rằng họ không vớt được nên quân Anh đồng ý. Họ đã thay nhau lặn xuống sông buộc xung quanh chuông rất nhiều cây tre bương, nên khi bè tre nổi đã kéo được quả chuông khổng lồ nổi theo.
                  Chúng tôi lần lượt mỗi người thỉnh 3 tiếng chuông, song do quá chú ý nghi lễ nên chưa ai đủ để thấu “ âm thanh tuyệt diệu “ của chuông Singu Min ra sao. Vậy cũng là mãn nguyện rồi.
                  Số tiền chúng tôi công đức cho chùa được họ ghi nhận vào tấm bằng có in hình tháp chùa Vàng lồng khung kính mang về. Đoàn chúng tôi cũng tặng lại mấy vị trong ban quản lý chùa mỗi người một món quà dân tộc mang theo từ Việt Nam.
                  Rời chùa Vàng mà lòng ngẩn ngơ. Sau đó, tôi còn được chiêm ngưỡng ngọn tháp chùa Vàng nhiều lần nữa, từ tầng cao Yangon Hotel hoặc từ công viên hồ nước Inya ( Inya Lake )
                  ...
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.06.2012 09:15:17 bởi tamvanvov >
                  #9
                    tamvanvov 26.06.2012 21:22:31 (permalink)
                    Myanmar du ký III

                    3. Nay Pyu Taw, thủ đô hoang vu



                    Băng quakhoảng cách 350 km về phía đông bắc của cố đô Yangon với thời gian 3 giờ đồng hồ trên đường cao tốc Yangon-Mandalay, chúng tôi rẽ ngang để vào thủ đô mới Nay Pyi Taw.
                    Không riêng tôi, mọi người trong đoàn đều sốt ruột cất tiếng hỏi xem đã tới thủ đô chưa. Anh U Myint Wai, cán bộ ngoại vụ khẳng định như đinh đóng cột rằng xe đang chạy trên đường phố thủ đô rồi đấy. Sở dĩ vậy, là bởi, chẳng thấy phố phường đâu cả, chỉ thấy đất hoang dại khô cằn cây cối lúp xúp trống không, đây đó là các khuôn viên nhà cửa dáng dấp biệt thự và chốc chốc lại một ngả đường bê tông rộng rãi rẽ phải, trái, rồi lại bùng binh trang hoàng hiện ra trước mặt. Mọi người có vẻ thất vọng khi tận mắt thấy một thủ đô không phố, không nhà mặt phố, không cửa hàng cửa hiệu và người qua lại sầm uất, trái lại rất hoang vu huếch hoác ( so với VN hay các nước khác, ngay cả khi so với Yangon ). Rồi tôi cũng hiểu ra, cái thủ đô mới này mới có lịch sử độ 5 năm ( từ năm 2006 khi Chính phủ MR quyết định dời đô từ Yangon về đây ), một vùng đất bình nguyên khô cằn thuộc tỉnh Madalay, lấy cái tên làng Nay Pyi Taw nguyên thuỷ làm tên thủ đô mới. Rút kinh nghiệm từ một Yangon chật chội, đông đúc, cao thấp lô nhô phát triển tự do theo kiểu phình to, thủ đô mới được quy hoạch quy củ ngay từ đầu. Thoạt đầu là quy hoạch tổng thể, phân khu rõ ràng, làm đường xá, chia lô, rồi mới xây dựng công trình. Giờ mới nên nhà còn thưa thớt, tạo ra cảm giác trống trải, độ mươi mười lăm năm nữa, nhà cửa và công trình chêm vào chỗ trống, sẽ ra dáng một đô thị ngay ngắn chỉnh tề. Có một nét định hình rõ, ấy là nhà cửa và công trình ở đây không được phép xây cao, đều phải theo khuôn phép của khuôn viên biệt thự để phù hợp với khí hậu vùng đất cao và khô nóng này. Hiện thủ đô có một đặc điểm nữa về dân cư, ấy là sự thuần khiết về dân cư, hay nói một cách khác, là chưa có dân cư. Thật ra, nói vậy chưa thật chuẩn, bởi hằng ngày, người qua lại sinh hoạt tại đây chỉ có mấy loại như thế này : công chức thuộc các cơ quan của Chính phủ, công nhân lao động ở các công trình đang được xây dựng tại đây, và người từ các tỉnh các vùng đến thủ đô liên hệ giải quyết các công việc rồi về... Chính vì thế mà người ở thủ đô cực kỳ thưa thớt, các hoạt động thương mại chủ yếu phục vụ cho số ít cư dân này, mà cũng chỉ diễn ra tại các siêu thị, trung tâm thương mại mới xây, không có thị trường tiểu thương. Sáng sớm, thả bộ trên đường phố, có khi nửa tiếng đồng hồ chẳng gặp ai. Cảm giác của một thành phố không người.

                    Juntion Hotel, nơi chúng tôi ở khá gần trung tâm thành phố, và đã từng có khách người Việt Nam đến ở trước đó, nên khi chúng tôi tới đây đã thấy lá cờ Việt Nam phấp phớp nơi cột cao trước cửa Reception. Có một điều ngạc nhiên nữa, khi ăn tại khách sạn này, chúng tôi đòi nước mắm nguyên chất, bồi bàn hiểu ngay và họ mang ra phục vụ nước mắm xịn hẳn hoi, trong khi không hề có ở khách sạn tại Yangon...

                    Ở Nay Pyi Taw, chúng tôi được bạn đưa đi thăm viếng chùa Uppatasanti ( Uppatasanti Pagoda ). Đây là ngôi chùa mới, được Chính phủ MR cho xây dựng vào năm 2006 và khánh thành vào năm 2009, mô phỏng theo chùa Vàng tại Yangon, nhằm làm nơi hành lễ Phật giáo cho quan chức Chính phủ và cư dân của thủ đô mới. Ngoài ra, chúng tôi còn đến xem voi trắng được nuôi giữ gần ngôi chùa này. Theo phía bạn cho biết thì voi trắng là động vật quý hiếm, hiện trên toàn lãnh thổ MR chỉ còn độ chục con...
                    #10
                      tamvanvov 11.08.2012 09:44:58 (permalink)
                      Ký sự Hàn Quốc


                      Phi lộ : Lịch trình 8 ngày hoạt động của Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc ( 6.7-14.7/2012) , qua các thành phố và tỉnh lỵ : Incheon ( Nhân Xuyên ), Seoul ( Thủ Nhĩ, còn được gọi là Hán Thành ), Gwangju ( Quang Châu ), Gyeongnam ( Khánh Nam ), Ulsan ( Uất Sơn ), Busan ( Phủ Sơn ) và Jeju ( Tế Châu ).


                      1. Ấn tượng Seoul
                      Chuyến bay trên chiếc Boeing của Hãng Asiana Airlines cất cánh đúng giờ, lúc 11 giờ đêm từ Nội Bài đi Seoul. Khác với lần đi Tokyo, bay đêm, mất ngủ trong chuyến đi công tác tại Nhật Bản cách đây dăm năm, lần này tôi ngủ tốt. Lúc tỉnh ngủ, nhìn mặt đồng hồ, 5 rưỡi ( lấy theo giờ Hàn Quốc, sớm hơn giờ Việt Nam 2h ), rồi nhìn ra bên ngoài cửa sổ máy bay, thấy bầu trời đã rạng. Giờ này, ở Việt Nam mới 3 rưỡi sáng, định ngủ tiếp,thì tiếp viên thông báo máy bay hạ độ cao chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon. Vậy là tỉnh hẳn. Còn để nhìn ngắm mặt biển, mặt đất Seoul từ trên cao nữa chứ.

                      Chỉ còn mây và biển, thấp thoáng đâu xa dưới cánh máy bay là đồi núi và nhà cửa. Khi hạ độ cao đến cảm giác là càng máy bay sắp chạm mặt nước biển, ấy là lúc máy bay truờn xuống đường băng. Thì ra, sân bay quốc tế Incheon áp sát mép biển. Đây là một sân bay rộng và hiện đại, luôn tấp nập bởi nó là trạm trung chuyển cho nhiều đường bay vượt Thái Bình Dương sang châu Mỹ.

                      Đón chúng tôi là một cặp nam nữ người Hàn Quốc, nam Kim Dong Ki, Phụ trách phòng Hành chính, Hội Nhà báo Hàn Quốc, và nữ, Seon Kcum Hi, phiên dịch viên tiếng Việt. Cả hai đều độc thân. Seon Kcum Hi từng học tiếng Việt tại Việt Nam, song khả năng nghe nói còn yếu; còn Kim Dong Ki chỉ mỗi tiếng Hàn ( không biết tiếng Việt và tiếng Anh ). Đây là 2 người gần như đồng hành cùng chúng tôi suốt chặng đường trên xứ sở Kim chi. Họ có một đặc điểm chúng là nhanh nhẹn, nhiệt tình, lịch sự và rất chuyên nghiệp.

                      Sau bữa ăn sáng tại một nhà hàng sân bay, chúng tôi lên xe chạy chừng gần trăm cây số để đến thăm Tháp canh Thống Nhất. Tháp canh này nằm trên một quả đồi cao, ngay mép sông Hàn, đoạn giới tuyến với Bắc Triều Tiên. Mục đích xây dựng tháp Thống Nhất là để làm đài quan sát giới tuyến, và là nơi để những người Nam Hàn có quê hương ở Bắc Triều Tiên hằng năm và dịp giỗ tết lên đây hướng về phương Bắc mà tế tổ; còn là nơi biểu hiện ý chí thống đất nhất đất nước của người Hàn Quốc. Chính vì lẽ đó, họ đã rất khéo léo khi tổ chức các gian trưng bày mang tính đối lập biểu hiện giữa đời sống tiện nghi hiện đại của Hàn Quốc với sự nghèo khó thiếu thốn lạc hậu của Bắc Triều Tiên, và biến nơi đây thành điểm tham quan du lịch.

                      Đứng trên tầng cao của tháp Thống Nhất, dù nhìn bằng mắt thường hay qua hệ thống ống nhòm, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến một thời dòng sông Bến Hải chia cắt đôi miền Bắc-Nam của ta ngày nào...Hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước, hẳn là ước nguyện của hầu hết người dân Triều Tiên nói chung, còn diễn ra theo chiều hướng nào thì quả là khó lường trước được ...

                      Hơn 2 ngày làm việc ở Seoul, chúng tôi được bố trí ở President Hotel 4 sao, ngay trung tâm sầm uất náo nhiệt, bên kia là Tòa Thị chính mới xây dựng dựng chuẩn bị khánh thành, chéo một chút là Tòa nhà báo chí và Trung tâm thương mại Seoul. Có thể hiểu, bạn bố trí vậy để chúng tôi có thể thấy quy mô tầm vóc Seoul thế nào mà không mất thời gian tìm hiểu. Những ngày ở Seoul, chúng tôi có những hoạt động như : Thăm và làm việc với Hội nhà báo Hàn Quốc, gặp gỡ và dự tiệc với Phó thị thưởng Seoul, thăm và làm việc với Đài KBS ( Đài phát thanh & truyền hình quốc gia Hàn Quốc ), Tập đoàn viễn thông & báo chí Quân đội, xem kịch Miso ( một loại kịch hát dân tộc truyền thống )...

                      Có thể nói, Seoul là một trung tâm chính trị-văn hóa-thương mại du lịch tầm cỡ hàng đầu của Châu Á và thế giới, biểu hiện đầy đủ sức mạnh của Hàn Quốc, một quốc gia kinh tế công nghiệp phát triển. Đường phố phong quang, ngăn nắp, phương tiện giao thông khá hiện đại ( ô tô, xe buýt và 9 tuyến tầu điện ngầm ). Địa hình đồi núi, kiến trúc hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Rất nhiều hoa và cây xanh, chủ yếu là ngân hạnh và thông. Ngài Phó thị trưởng Seoul cho biết, Seoul có có đặc điểm là : núi, sông,trường đại học và giới tuyến... Với hơn 10 triệu dân, diện tích hơn 600 cây số vuông, lịch sử rất lâu đời ( từng là kinh đô của triều đại Bách Tế , từ năm 660 CN trở về trước ), và ngày nay là 1 trong số 20 thành phố toàn cầu của thế giới, Seoul hoàn toàn có quyền tự hào về mình...

                      Đấy là sơ bộ ấn tượng về Seoul. Tôi sẽ trở đi trở lại về chiếu sâu của Seoul trong những phần tiếp theo...



                      ( còn nữa )
                      #11
                        tamvanvov 01.09.2012 09:03:40 (permalink)
                        Ký sự Hàn Quốc ( II )

                        .2. Dấu ấn của đá

                        Đến đảo Jeju của Hàn Quốc, tôi hết sức thích thú khi bắt gặp những bờ ruộng của người dân nơi đây toàn bằng đá. Đá hòn đá tảng xếp thành bờ ruộng cao như kiểu hàng rào đá của người Mông ở vùng cao nguyên đá Hà Giang ( Việt Nam ). Dọc ngang khắp đảo, đâu cũng một kiểu bờ ruộng như vậy. Cô Kim, một phiên dịch viên tiếng Việt kiêm hướng dẫn viên du lịch giải thích, người dân đảo Jeju chọn kiểu bờ ruộng đá trước hết là theo tập quán canh tác xưa cũ. Ấy là, gió ở đây thường to quanh năm suốt tháng, bờ ruộng đá cao như tường chắn cản gió cho cây trồng bên trong khỏi gãy đổ; thứ nữa, hằng năm, đều qua một lần đốt ruộng ( kiểu như đốt đồng vào mùa khô ở Việt Nam ), nên tường đá giữ không cho lửa cháy lan ra phía ngoài; và cuối cùng, bờ ruộng đá còn có tác dụng ngăn không cho bò ngựa chăn thả tự do vào phá ruộng.

                        Tập quán là như vậy, song lý giải tại sao, với phương tiện hiện đại và kỹ thuật canh tác mới như hiện nay, người dân đảo Jeju lại vẫn giữ nguyên lối canh tác cũ có vẻ đã lạc hậu này ? Ấy là ý tưởng. Các nhà quản lý ở đây đã nhìn nhận thấy, đó là một lợi thế về bản sắc văn hóa truyền thống trong kinh doanh du lịch. Thế nên, bờ ruộng đá, cùng lối canh tác xưa cũ đã được gìn giữ nhất quán, vừa chứa đựng ý thức bảo tồn phong tục lại vừa tạo lợi thế cho du lịch...
                        Mọi người đều biết đến đảo Jeju của Hàn Quốc với sự kiện ( cùng với vịnh Hạ Long của Việt Nam ) được bình chọn là 1 trong 7 kỳ quan thế giới mới. Ai đã từng đặt chân đến Jeju, đều công nhận đảo này là thiên đường của du lịch.
                        Jeju được kiến tạo bởi hoạt động của núi lửa từ khoảng 2 triệu năm trước, có cấu trúc địa chất nham thạch. Toàn bộ địa hình địa chất nói chung của Hàn Quốc, bao gồm cả đảo Jeju là không có núi đá vôi, nên không thể hình thành các hệ thống hang động, thua thiệt hơn so với Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, ý tưởng về đá đã khiến đảo Jeju vốn toàn đá nham thạch, sống dậy từ đá với một tinh thần mới.
                        Cùng với bờ ruộng đá và lối canh tác xưa cũ, giờ Jeju thêm phong phú và sinh động, bởi bao nhiêu hình thái mới của đá như : lâm viên đá, làng dân tộc đá, bờ biển vách đá, đỉnh cao, miệng núi lửa đá, vườn tượng đá, chùa chiền đá... Đâu đâu cũng đá, song là đá có hồn...Ý tưởng và dấu ấn của đá ở Jeju đã góp công lớn, biến Jeju vốn chỉ như một đảo thuyền chài xưa cũ thành thiên đường du lịch ngày nay.
                        Các nhà quản lý vịnh Hạ Long, “ Hạ Long cạn”-Ninh Bình, Phong Nha-Kẻ Bàng của ta nghĩ gì ?...
                        #12
                          tamvanvov 16.09.2012 10:09:02 (permalink)
                          Ký sự Hàn Quốc ( III )

                          3. Giao thông & sự thuận tiện cho con người

                          Lẽ đương nhiên, biểu hiện của sự phát triển và thuận tiện về giao thông của Hàn Quốc, trước hết là sân bay quốc tế Incheon. Cả quy mô, hiện đại và sự thuận tiện của nó, không chỉ phản ánh sự phát triển về kinh tế, vai trò về chính trị nói chung của Hàn Quốc trên trường quốc tế, mà còn bởi, đây là trạm trung chuyển lớn, kết nối hai bờ đông tây của Thái Bình Dương. Song tôi xin không bàn thêm về nó, để nói về các loại hình, phương tiện giao thông khác đều hướng tới sự phục vụ tiện lợi nhất cho mọi hoạt động của con người trên xứ sở kim chi.

                          Những ngày hoạt động ở Hàn Quốc, đoàn nhà báo Việt Nam di chuyển bằng hầu hết các loại phương tiện, như ô tô, metro, tàu hỏa, tàu thuỷ và máy bay.
                          Trước tiên là đường bộ. Diện tích tự nhiên của Hàn Quốc không nhiều, chỉ trên trăm ngàn cây số vưông, dân số khoảng 50 triệu người, mật độ dân số đứng thứ 3 thế giới ( sau Bangladesh và Đài Loan ), Vậy mà, Hàn Quốc lại dành quỹ đất cho phát triển giao thông một cách thích đáng. Đơn giản, bởi giao thông giữ vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội và hiện đại hóa đất nước. Hệ thống đường sá, cầu vượt quy củ, thông thoáng, chất lượng cao, dù ở nội đô thành phố hay ngoại tỉnh. Để giải bài toàn ách tắc giao thông, như hầu hết các quốc gia phát triển khác, Hàn Quốc cho quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông lập thể : đường mặt đất, cầu vượt, đường trên cao và đường ngầm. Thủ đô Seoul hiện có 9 tuyến metro, tuy ít hơn so với Paris ( 13 tuyến ) và Tokyo ( 13 tuyến ), song cũng cực kỳ hiện đại và thuận tiện. Với hệ thông giao thông như vậy, đông dân như Seoul, thì vào giờ cao điểm, cũng có thể bắt gặp cảnh ùn xe, song không ách tắc. Phương tiện xe bus thì tuyệt vời, loại xe chất lượng cao, cứ đều đặn, 3-5 phút một chuyến trên mọi tuyến và điểm đỗ, nên không ai phải kêu ca phàn nàn.
                          Tiếp đến, xe lửa cao tốc, người Hàn Quốc gọi theo tên viết tắt là KTX, cũng được phân tuyến thuận lợi và đạt chất lượng cao về tốc độ, giờ chạy tàu, toa xe và dịch vụ. Vì độ dài ngang dọc Hàn Quốc không lớn, nên phần lớn tàu KTX đều không thiết kế giường nằm, song ghế ngồi lại rất tiện lợi, có thiết bị ngả lưng ghế và nâng chân, tạo tư thế nằm nghiêng, cho khách có thể nghỉ ngơi hoặc ngủ bình thường. Cách thiết kế ghế ngồi tiện lợi này, được sử dụng cho cả ô tô chuyên chở khách. Hôm chúng tôi đi từ Seoul xuống thành phố ở miền Nam là Gwangju, quãng đường dài hơn 300 cây số, tàu chạy chỉ mất 2h15, tốc độ chạy tàu khoảng 150 km/h ( tốc độ gấp 3 lần tàu ở xứ ta ). Từ Gwangju đi Gyeongnam, đến thành phố Ulsan, Busan, chúng tôi đi bằng phương tiện xe khách, hoặc khi di chuyển nội tỉnh thăm thú các khu công nghiệp hoặc di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, xe đều chạy với tốc độ 100-120 km/h, và đường vô cùng thông thoáng.
                          Có một điều khác biệt là, dù ở Seoul, Gwangju, Gyeongnam, Ulsa, Busan, Jeju, đều không thấy phương tiện xe máy ( moto ). Thi thoảng bắt gặp phương tiện xe gắn máy trên đường, ấy là những người đưa thư báo, hoặc thanh niên tay chơi với loại xe phân khối lớn. Xin nói thêm, ở nhiều thành phố phát triển khác thuộc châu Á như Bắc Kinh, Thượng Hải, Tokyo cũng đều như vậy. Việc này, khiến các nhà quản lý giao thông ở ta sớm cân nhắc, có biện pháp quản lý ( hạn chế đi đến loại bỏ phương tiện xe máy trong khu vực nội đô ). Đơn giản, bởi đây chính là nguyên nhân gậy nên họa ách tắc giao thông...
                          Cùng với đó, phương tiện giao thông thủy và hàng không ở Hàn Quốc cũng rất phát triển và thuận lợi, đạt chất lượng cao. Xin không bàn nhiều ở đây. Song có thể nói, nhìn chúng, toàn bộ hệ thống đường sá, loại hình phương tiện các cách quản lý giao thông ở Hàn Quốc hiện nay đều ở mức chất lượng cao, nhằm hướng tới sự phục vụ cho mọi hoạt động của con người một cách thuận lợi nhất...
                          ( còn nữa )
                          #13
                            tamvanvov 18.11.2012 18:00:57 (permalink)
                            Ký sự Hàn Quốc ( IV )

                            4. Công nghiệp & sự vươn lên.
                            Khoảng hai mươi năm trước, xứ ta đã biết đến một vài thương hiệu của Hàn Quốc như : Samsung ( máy thu hình, tủ lạnh, máy giặt ), Daewoo (ô tô, máy giặt ). Còn người miền Nam thì biết đến thương hiệu, hàng hóa của Hàn Quốc sớm hơn nữa. Giờ đây, Hàn Quốc vươn lên, trở thành một quốc gia có nền công nghiệp phát triển trong khu vực và tầm thế giới.

                            Quả thật, với diện tích tự nhiên già trăm ngàn cây số vuông, địa hình đồi núi trải khắp nước, gần như không có đồng bằng, nếu không sớm đi theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì hẳn Hàn Quốc sẽ lâm vào tình trạng không đủ ăn. Điều này, người dân xứ Hàn đã hiểu và ý thức được vào những năm bảy mươi của thế kỷ 20. Vậy nên, phát triển công nghiệp là một tất yếu, và họ đã làm được điều đó ...
                            Chuyến thăm và làm việc này, các nhà báo xứ ta được các đồng nghiệp Hàn Quốc tổ chức đưa đến thăm mấy tập đoàn công nghiệp lớn, đều là niềm tự hào của xứ sở kim chi : Hyundai, Doosan, Taekwang, tại thành phố Ulsan, Gwangnam. Họ đưa ta đến thăm mấy tập đoàn công nghiệp này, còn bởi, mấy tập đoàn ấy đang đầu tư lớn và có nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Khi thăm trụ sở của họ, ở mỗi nơi, chúng tôi đều được xem một phim ngắn giới thiệu về tập đoàn đó qua lời thuyết minh bằng tiếng Việt, và cái tên Việt Nam cũng luôn xuất hiện trên bản đồ, biểu đồ sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Hẳn họ hiểu rằng, việc để các nhà báo xứ ta đến thăm quan, sau khi được “ mục sở thị “, sẽ viết bài PR cho họ. Hiểu dụng ý là vậy, song không thể không thán phục mà viết một chút gì đấy.
                            Khi thăm các công xưởng, dây chuyền sản xuất, chúng tôi không được phép chụp ảnh, bởi đây là quy định bắt buộc, nên tôi chỉ có thể có được những pô ảnh chụp nơi trụ sở, văn phòng hành chính và khu giới thiệu chung về mô hình hoặc điểm trưng bày sản phẩm mà thôi. Thương hiệu ô tô Hyundai ( nghĩa là Hiện đại ) hiện quá phổ biến ở Việt Nam. Thăm liên xưởng lắp ráp ngay tại đấy, bạn cho biết, mỗi ngày ra 6 nghìn sản phẩm hoàn chỉnh các loại, còn khi thăm thương cảng, bãi xe, dây chuyền bốc hàng lên tàu thủy, càng thấy quy mô và tiềm năng công nghiệp của Hàn Quốc thật đáng nể.
                            Đến khu sản xuất, lò đúc của tập đoàn công nghiệp nặng Doosan, chúng tôi ngạc nhiên và thích thú khi bắt gặp mấy rotor khổng lồ ở dạng sản phẩm hoàn chỉnh, có dán giấy ghi nơi đặt hàng là nhà máy điện Mông Dương ( Quảng Ninh, Việt Nam ). Nữ nhân viên của Văn phòng Doosan, Lee Eun Young ( Management Division ), người giới thiệu, duyên dáng, chuyên nghiệp, lịch sự và nói tiếng Anh khá hay, tạo nên cảm giác dễ chịu mặc dù chúng tôi được cô dẫn vào thăm quan tận nơi lò đúc có nhiệt độ cực lớn. Cũng như nhiều quốc gia có nền công nghiệp phát triển khác, hiện tại, lượng điện tiêu thụ của Hàn Quốc đến 40% từ điện hạt nhân. Tập đoàn Doosan chính là nơi sản xuất, lắp đặt các lò phản ứng hạt nhân cho ngành công nghiệp điện hạt nhân của quốc gia này.
                            Khác với hai tập đoàn kia, tập đoàn Taekwang đầu tư ở lĩnh vực hóa dầu, bảo hiểm, tài chính và hàng tiêu dùng... Hiện, Taekweang có nhà máy đặt tại các tỉnh miền Đông nam bộ Việt Nam, với ngành hàng giày thể thao nhãn hiệu NIKE, giải quyết cho khoảng 4 vạn lao động tại chỗ, và đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 400 triệu USD/năm. Phó Chủ tịch tập đoàn Taekwang Hàn Quốc, ông E.C. Kim, trong buổi làm việc và tiệc chiêu đãi đoàn nhà báo Việt Nam, ngoài vấn đề về phát triển sản xuất, còn kiến giải, nêu một số vấn đề nhằm cải thiện điều kiện lao động, xã hội, đãi ngộ đối với công nhân người Việt Nam đang làm việc trong các nhà máy của tập đoàn.
                            Nhìn chung, công nghiệp phát triển, mặt trái của nó cũng nảy sinh những hệ lụy về xã hội, gia đình, con người, khiến các nhà quản lý phải giải quyết. Ở đây, xin chưa vội bàn...
                            #14
                              tamvanvov 17.12.2012 21:26:47 (permalink)
                              Ký sự Hàn Quốc ( V )

                              5. Gốc ngân hạnh cổ thụ & bản sắc truyền thống xứ kim chi

                              Tự thân, gốc ngân hạnh cổ thụ ( một loài cây được trồng phổ biến ở Hàn Quốc ) trong một ngôi làng cổ tại cố đô Gwangju ( Quang Châu ) và món ăn kim chi trong ẩm thực xứ Hàn đã là sự hiện diện rõ nét bản sắc truyền thống của văn hóa đất nước này rồi.


                              Ai cũng hiểu, sau chiến tranh Nam-Bắc Triều vào giữa thế kỷ trước, Hàn Quốc cũng lâm vào hoàn cảnh đói kém, kinh tế khó khăn. Vậy mà, khi bước sang thế kỷ 21, Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia có nền công nghiệp phát triển, kinh tế vững mạnh, có uy tín trên trường quốc tế. Ngài Ban Ki Moon, với hai nhiệm kỳ liên tiếp giữ cương vị Tổng thư ký Liên hiệp quốc, hay đơn giản như việc tại Olimpic London 2012, Hàn Quốc luôn nằm trong tốp quốc gia dẫn đầu về huy chương, đã nói lên điều đó. Có thể lý giải dài dòng về hiện tượng Hàn Quốc, song với tôi, hiểu đơn giản chỉ cần qua vài ba yếu tố là đủ, như: định hướng đúng, đầu tư hợp lý, quản lý tốt, và sự nỗ lực vươn lên từ mỗi cá nhân...
                              Cái gì cũng mang tính hai mặt. Hàn Quốc cũng như một số quốc gia phát triển ( như Nhật Bản, Mỹ... ), cùng với nền công nghiệp hiện đại và kinh tế giàu có, là những hệ lụy về mặt xã hội, gia đình và tính cách cá nhân con người ( cạnh tranh quyết liệt, tính khắc kỷ, sự cô đơn, bệnh xã hội ... ). Vậy giải quyết mặt trái ấy như thế nào ? Chính sách xã hội phù hợp, đương nhiên rồi. Ấy là văn hóa, mà là bản sắc truyền thống...
                              Rõ ràng, xu hướng toàn cầu hóa về chính trị kinh tế, kéo theo đó là sự nhất thể hóa về văn hóa. Ấy là sự nguy hại. Thực tế cho thấy, đang có một sự xâm lăng về mặt văn hóa của văn minh-văn hóa Âu Mỹ với các nước đang phát triển, mà hệ luỵ của nó, ấy là, trong khi các giá trị truyền thống đang bị băng hoại và mai một, thì các giá trị mới còn chưa hình thành, hiện trạng xã hội là sự lổn nhổn hỗn tạp...
                              Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và cả Hàn Quốc đã từng trải qua thời kỳ như vậy. Giải pháp hữu hiệu, không gì nằm ngoài việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Những gì tôi biết ở Hàn Quốc vừa qua, cho thấy họ đã và đang làm được điều này...
                              Suốt chặng đường từ thủ đô Seoul, qua Gwangju, Gyeongnam, Ulsan, Busan, Jeju, ở đâu cũng cảm nhận được bản sắc văn hóa truyền thống biểu hiện trong quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn, trong ứng xử xã hội, lối sống, hoạt động biểu diễn, ẩm thực... Hơn thế, việc phát huy yếu tố bản sắc truyền thống không những mang lại lợi ích xã hội, còn thu được lợi ích kinh tế rất lớn trong hoạt động du lịch...
                              Ở ta, việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã sớm được đưa ra và triển khai từ mười mấy năm trước ( Nghị quyết trung ương 5 Khoá 8 ). Đã có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt, chẳng hạn như công tác bảo tồn văn hóa dân tộc và việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Tuy nhiên, vẫn còn nặng tính phong trào, hình thức, nên hiệu quả chưa cao...
                              Trở lại yếu tố lịch sử. Ấy là, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt nam cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng sâu nặng của văn hóa cổ Trung Hoa với hơn nghìn năm phong kiến. Song cả ba nước đều biết cách thoát ra khỏi cái bóng khổng lồ của văn hóa phong kiến Trung Hoa, tự tạo nên nền văn hóa riêng của mình, song vẫn bảo lưu được những giá trị tinh hoa của văn hóa cổ Trung Hoa mà mỗi nước từng chịu ảnh hưởng.
                              Ở các cấp độ khác nhau, so với họ, việc bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của ta vẫn còn nhiều việc phải làm...
                              ( còn nữa )
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 8 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 108 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9