Ngày giỗ trận
Truyện ngắn
Ngày giỗ trận của làng. Nhiều năm nay, cứ vào ngày này, ông Quận bao giờ cũng có cảm giác bồn chồn, không yên. Đã có lần, ông cố thử trốn bỏ khỏi cảm giác ấy nhưng càng trốn lại càng bồn chồn hơn. Thôi đành đeo đẳng với nó. Mà nghĩ cho cùng, ông không có lỗi gì với cái chết của mấy chục đồng đội, người thân trong làng từ hơn nửa thế kỷ trước, thì nay không việc gì phải lo sợ, chối bỏ cả. Cứ để lòng trang trải với nỗi đau đời. Trong mấy chục du kích xã hi sinh ngày ấy, có Chấn là em ruột ông. Trước đây năm nào cũng vậy, vào ngày giỗ trận, xã cho mổ lợn cấp cho các gia đình có người hi sinh làm giỗ. Thời kỳ còn khó khăn, chí ít mỗi nhà cũng được nửa cân. Nay thời kinh tế thị trường, chợ làng bé tí mà cũng có vài ba phản thịt lợn bán, song xã vẫn giữ lệ dùng quỹ mua lợn mổ cấp không cho các nhà làm giỗ. Năm tháng đã khỏa lấp dần nỗi đau thương, nên giờ đây, vào ngày này không khí làng xóm tấp nập như có hội, mặc nhiên với lớp người cao tuổi từng trải qua thời ấy như ông Quận thì ký ức dường như vẫn nguyên nỗi uất hẹn kinh hoàng… Ngày giỗ em trai, ông Quận bao giờ cũng làm to, trước hết bởi nhà đông con nhiều cháu, vả lại, lúc hi sinh, em trai ông còn măng tơ chưa vợ con gì, nên khi giỗ, ông Quận muốn con cháu sum vầy đông đủ như để nhắc nhở mọi người trong nhà nhớ lấy người đã khuất, và biết đâu đấy, em trai ông có về chứng giám thì cũng được an ủi phần nào! Sáng sớm, ông Quận lọ mọ đun nước mưa trong chiếc ấm đất, pha trà xong mới đánh thức Phấn, người con trai trưởng dậy cùng uống. Khi hai cha con đối ẩm, ông thủng thẳng: - Anh đã muốn nghỉ chưa? - Có lẽ thầy không biết… ý trên vẫn muốn con làm thêm khóa nữa, vì quen việc mà… Nhưng thôi… có lẽ cũng nên biết điều, con nghĩ là vậy. Thế là hợp quy luật… Mới lại cũng sáu chục rồi, con thấy mệt mỏi… Gía như ngày xưa đã khao lão cả làng - Phấn cười nhẹ. - Anh nghĩ thế cũng phải. Có dễ đến ba chục năm nay, kể từ khi anh thay thầy làm phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã rồi đấy nhỉ? - Khẽ vuốt chòm râu bạc trắng, ông thở dài - Dưng mà… Thấy không đủ năng lực thì nghỉ, chứ tôi không đồng ý với việc anh muốn an nhàn cái thân mà thoái lui đâu. Đến như tôi đây, ngoài tám mươi, lại là thương binh mà tôi còn không thấy mệt nữa mà… - Thầy ơi! - Phấn kêu lên - Thời thầy khác, khi ấy cả nước một lòng… Bây giờ kinh tế thị trường, trăm thứ bà rằn, ngoài sức tưởng tượng… Vậy mà con vẫn cho là không khó. Con lo là lo đến thời thằng Cẩn nhà mình, nó làm cảnh sát phòng chống ma túy… Ngộ nhỡ ra… sểnh một cái là mất người như chơi đấy thầy ạ! - Ờ, anh lo là đúng… Liệu hôm nay nó có nhớ mà về không nhỉ?... Chết thật, tôi lẫn cẫn rồi, cảnh sát chính quy như nó đâu phải giống tôi và anh, sớm tối lên Ủy ban giải quyết ù một cái cho xong rồi về việc nhà. - Nó về đấy. Chiều qua, nó điện về Ủy ban cho con nói là sẽ về, cùng với hai đứa bạn trong đội nữa… Thôi con lên Ủy ban bận chút việc, cỗ bàn con dặn nhà con cả rồi. Gần trưa con về. Phấn nổ máy chiếc Cub 70 phóng ra cổng, ông Quận nhìn làn khói xe lan nhẹ trong sân, lẩm bẩm: “Thật khác cái thời mình…”. Thủng thẳng mồi thuốc lào vào chiếc điếu bát, rít một hơi dở chừng, phả khói mù mịt, ông Quận tựa lưng vào tràng kỷ khoan khoái, mơ màng… Khi ấy, ông mới gần hai mươi tuổi. Cả hai anh em, Quận và Chấn đều tham gia du kích. Vì nhanh nhẹn, tháo vát nên Quận được xếp vào tổ trinh sát. Chấn ở tổ chiến đấu. Thu đông năm đó, chỉ thị ở trên về nhận định tình hình địch sẽ đánh to, lấn ra ngoài vùng Tề, nên các địa bàn nằm dọc trục đường số 5 phải hết sức cảnh giác. Quận được giao nhiệm vụ lẫn cùng những người đi chợ phiên lên thị trấn, nhận tin từ một cơ sở của ta được cài vào bộ phận thư ký đánh máy hành chính quận. Cơ sở báo thấy địch rục rịch chuẩn bị vũ khí, chắc sẽ có càn nhưng chúng bí mật nên chưa rõ địa bàn nào. Đến phiên chợ sau, mờ sớm, khi mới đến bờ sông khúc giáp đường cái quan, qua làn sương mù dày đặc, Quận linh cảm thấy có gì đó không bình thường như mọi ngày. Quả nhiên, đi dấn thêm chút nữa, Quận phát hiện thấy xe thiết giáp địch hộ tống bộ binh tiến vào, bèn lộn thật nhanh về làng. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra giữa một bên được trang bị thiết giáp, bộ binh vũ khí đến tận răng với một bên là những người nông dân chất phác vũ khí thô sơ. Gần trưa, thấy không thể cầm cự được nữa, đội du kích mở một đường máu cho bà con dân làng thoát an toàn ra vùng đồng nước lầy thụt. Số còn lại ẩn vào hệ thống hầm bí mật, bỏ trận địa cho địch chiếm. Quận bị thương vào chân, được hai đồng đội băng bó, dìu vào một hầm. Chấn cùng hơn chục người khác, trong đó có đồng chí chỉ huy du kích ẩn trong chiếc hầm chính. Đấy là một chiếc hầm liên hoàn, chạy ngầm suốt chân lũy tre dọc bờ ao, có hệ thống thông hơi giấu kín dưới những bụi cây dại bên mép nước, và cửa hậu thoát hẳn ra bìa làng phía sau, đặc biệt, cửa hầm hiểm đến mức phải leo lên một cây tre đực lần vào giữa bụi, tụt xuống mới tới cửa hầm. Với chiếc hầm chủ kiên cố và hiểm này, bộ chỉ huy du kích từng vượt qua nhiều cuộc càn quét. Nằm trong hầm của mình, Quận cứ nôn nao, cồn cào trong dạ, linh tính báo chuyện không lành xảy ra. Thông thường, theo mật định nội bộ, bao giờ hầm chủ có tín hiệu báo an thì khi đó các hầm khác mới được lên. Áng chừng trời đã tối một lúc lâu, vẫn không thấy tín hiệu báo an, sốt ruột quá, một người cùng hầm với Quận trổ lên, thấy yên bình bèn cùng nhau lần mò trong đêm tối ra khỏi hầm. Đêm đen đặc, bầu không gian làng xóm tĩnh lặng ghê người. Chỉ ngửi thấy mùi khét lẹt của đồ vật cháy, và cả mùi tanh nồng hình như của máu người. Ba người đánh liều mò đến nơi hầm chủ, thấy tan hoang cả, người thì chẳng thấy bóng dáng một ai. Đi đâu cả hay hi sinh hết rồi? Ta không thấy mà địch cũng không nốt. Thất thểu dìu nhau ra cầu gạch bờ sông trước cửa đình để rửa ráy, thì trời ơi, chân vấp đá, vào những gì như xác người. Thôi chết, mọi người hi sinh cả rồi…! Một người lần mò vào một căn nhà gần đấy còn âm ỉ cháy, tìm nùn rơm mang ra soi. Trời ơi, ngổn ngang toàn những xác người. Tại sao hầm bí mật bị lộ? Câu hỏi ấy lẩn quẩn trong đầu hơn chục đội viên trú trong những hầm lẻ còn sống? Mặc dù có em trai là Chấn bị địch bắt giết song Quận vẫn nằm trong diện bị nghi ngờ. Còn có hai người khác cùng bị đặt trong diện tình nghi đó là Đôn, người nằm trong bộ phận thư ký Quận và Kiện, một đội viên du kích thuộc nhóm yểm trợ bà con rút khỏi làng hôm ấy, bị thương rớt lại. Ai trong số ba người, hay một ai khác ngoài ba người này đã tiết lộ bí mật của hệ thống hầm ngầm? Hoặc giả định tinh vi lần mò tìm ra? Không có bằng chứng để khẳng định cho ngần ấy giả thiết. Sự việc cứ dần chìm trong im lặng đớn đau. Cho đến sau hòa bình lập lại, trong đống hồ sơ địch bỏ lại tại quận thành chính, người ta tình cờ thấy được bản tường trình của viên đội người Pháp, kẻ chỉ huy trận càn năm ấy, trong đó có nhắc đến tên một đội viên du kích bị trúng thương là Kiện đã tiết lộ vị trí hầm bí mật. Vì văn bản viết bằng tiếng Pháp, độ tin cậy đến đâu thì chưa rõ, vả lại đất nước đã yên hàn, nên người làng có ồn lên một dạo trút căm giận vào Kiện, nhưng rồi sự việc không được làm sáng tỏ thêm, và cứ thế dần chìm đi. Chỉ hàng năm, vào ngày giỗ trận, mọi người mới có dịp nhắc lại chuyện đau lòng trước. Vào dịp này, lời ra tiếng vào của người làng như đóng đinh Kiện vào cột đình, còn Quận và Đôn như được minh oan. Đôn không sống ở quê, ra làm viên chức ở Hà Nội, Quận không thoát ly lên huyện, tỉnh mà ở xã làm cán bộ, giữ chức Phó chủ tịch kiêm Trưởng công an xã, Kiện làm ruộng như bao bà con nông dân khác. Những ngày đầu đương chức, một trong những công việc được trên giao là sàng lọc các đối tượng nghi vấn. Thế nhưng, tại sao khi ấy Quận không dấn tới, làm cho rõ vụ việc này? Thực lòng, Quận đắn đo rất nhiều. Đêm đêm, nằm vắt tay lên trán mà ngẫm nghĩ, Quận thấy tốt nhất là cứ để cho sự việc dừng ở mức ấy là đủ. Ai như thế nào thì làng xóm, bà con cũng nhận diện được cả rồi. Ba người, Đôn, Kiện và Quận cùng một họ Vũ, Đôn ở chi trưởng, còn Kiện và Quận cùng chi hai. Anh em cùng một tổ tiên, hàng năm còn ngồi chung mâm với nhau trong ngày giỗ tổ, vậy chặt chân chặt tay nhau mà làm gì? Vả lại, người chết cũng không sống lại được nữa? Bới tung ra cho thanh niên bạch nhật, cho rõ mặt nhân gian mà làm gì. Chốn làng quê tù túng dễ nảy sinh thù hằn thâm căn cố đế, truyền kiếp lắm. Biết rồi để mà căm giận, thù hằn phỏng ích chi? Chuyện ở đời đâu có phải hễ tức giận là mang nhau ra tùng xẻo cho hả. Thà cứ để người có tội tự dằn vặt, tự sám hối tội lỗi mình gây ra khi biết xã hội mới vẫn đối xử tốt với mình, rồi tự điều chỉnh hành vi của mình hướng thiện thì còn tốt hơn nhiều cái việc trả thù kia. Rồi nữa, ngộ nhỡ đâu, đầu chẳng trúng lại phải tai, cấp trên nghi ngờ chính bản thân mình thì đúng là mình dại dột tự chuốc vạ vào thân… Mặc dù tự biết lòng mình trong sạch, song không dễ mổ bụng phơi tim mình ra cho bàn dân thiên hạ biết mình trong sạch. Thôi thì chuyện thế nào cứ để nguyên thế. Trên đời này đâu ai sống hai lần, vì thế mình sống không những đừng để tiếng xấu cho con cháu, còn phải tích thiện cho đời sau nữa chứ! Nghĩ sao làm vậy, Quận tưởng chuyện đó rồi sẽ chìm vào quá khứ, nhưng chiến tranh lại nổ ra, Đôn mang cả gia đình từ thành phố về quê sinh sống, làm nhà trên mảnh vườn đất hương hỏa. Khi gia đình Đôn vừa đặt chân về đến làng thì không hiểu tin từ đâu, cả làng đã đồn ùm lên rằng Đôn là diện cán bộ lưu dung nên Nhà nước không tin dùng. Đôn con nhỏ, hai vợ chồng lại không thạo việc nông trang vì thế đời sống chật vật lắm. Ngày gia đình Đôn cất nhà, trong họ ngoài làng bảo nhau mang đến người cây tre, nhà bó rạ, gom góp dựng được căn nhà tường đất vách rơm ba gian hai chái, dẫu chưa khang trang song cũng không đến nỗi nào. Chính Quận chọn cây tre to nhất trong bè tre ngâm nhà mình mang đến và tự tay mình đặt nóc. Với cử chỉ ấy, Quận vừa muốn chứng tỏ tình nghĩa họ hàng làng xóm, vừa ngụ ý với xóm làng rằng chính quyền xã không ghét bỏ, không đối xử tệ gì với gia đình Đôn. Đấy là cho dư luận, chứ thâm tâm, Quận còn ngầm ý với Đôn rằng, tôi với ông, chúng ta biết với nhau là cả hai không có tội lỗi gì, có chăng là cả ở tay Kiện kia. Ruộng hợp tác, hai vợ chồng Đôn không thạo nghề nông nên được tính gộp làm một lao động chính, Quận nói đôi câu để chủ nhiệm hợp tác chiếu cố cho gia đình Đôn chăn nửa trâu, vừa có việc cho mấy đứa trẻ lại có thêm chút công điểm. Không ngờ nhà Đôn biết nghề tráng bánh đa, bánh cuốn, giờ làm thêm đổi thóc gạo trong xã nên cuộc sống cũng tùng tiệm. Còn nhà Kiện, đông con nhiều cháu, công việc đồng áng chạy băng băng, thêm nữa Kiện tháo vát buôn bán nhì nhằng vì thế kinh tế gia đình thuộc diện sung túc trong làng hồi ấy. Thực ra, với Đôn hay Kiện, Quận hiểu là họ đã sống già đời người, có khổ ải cũng chẳng hề hấn gì, song còn lũ trẻ, tai tiếng vậy rồi tương lai chúng sẽ ra sao đây? Nếu như còn đương chức, Quận sẽ có cách của mình để sao cho vẫn chấp hành chính sách mà ít thiệt nhất đến lũ trẻ. Những năm tháng ấy, trẻ con nông thôn có học hành mấy đâu. Hễ là con trai, nhu nhú lớn là nhập ngũ gần hết. Biết yếu thế, hai đứa con trai lớn của nhà Kiện hết cấp hai đều xung phong nhập ngũ. Không hiểu vì lý do gì, cả hai đều ở chiến trường A suốt những năm chiến tranh ác liệt, rồi sau đó phục viên, lập gia đình ngay nơi đóng quân chứ không về quê. Sau hơn chục năm giữ chức trưởng công an xã, Quận chuyển sang làm công tác Mặt trận. Người kế nhiệm Quận không phải ai khác, chính là Phấn, anh con trai trưởng của ông, từng là bộ đội trinh sát bị thương rồi phục viên. Khác với cha mình, người từng trải, giàu kinh nghiệm nên giải quyết công việc gì cũng cân nhắc lý tình kĩ càng, Phấn lạnh lùng, nguyên tắc và hết sức quyết đoán. Câu cửa miệng của Phấn là “Ý trên thế này, nay tôi…”. Đôi khi Phấn cũng hỏi ý kiến cha mình việc này chuyện nọ, song hỏi chỉ để tham khảo, chứ bao giờ Phấn cũng tuân thủ nguyên tắc của mình. Thực ra, hiểu con không ai bằng cha, ông Quận biết tính khí con mình, nên lặng thầm theo dõi công việc của Phấn, hễ thấy chuyện gì Phấn cứng nhắc, quá tay thì chẳng đợi hỏi ý kiến, ông cũng can thiệp đôi câu với hy vọng Phấn nghĩ lại, nhất là những việc liên quan đến hai nhà Đôn và Kiện. Nhưng cũng không ít lần, Phấn bảo cha rằng: “Thầy nói con xin nghe, chứ việc này trên quyết rồi, khi tham khảo ý kiến tập thể lãnh đạo xã cũng đồng tình, chẳng qua con chỉ là người thừa hành…”. Từ lúc còn đương chức, ông Quận để ý thấy hai nhà có cách ứng xử khác nhau hẳn. Nhà Kiện bao giờ cũng mềm mỏng, đưa đẩy dẻo quẹo, hay mượn cớ đến chơi nhà ông hoặc săn đón khi nhà ông có việc gì đó. Còn nhà Đôn, trái ngược hẳn, họ luôn giữ thái độ đúng mực, bình thản, không thân mà cũng chẳng sơ. Song có lẽ bản tính cương trực, đôi khi thấy thôn xóm có chuyện gì không phải, ông Đôn không nén được, để lộ thái độ bất bình, và như thế, dưới con mắt của các vị lãnh đạo xã, thật bất lợi cho ông. Thâm tâm, ông Quận hiểu, thậm chí thầm cảm phục ông Đôn, thẳng thắn, không xun xoe, lươn lẹo như nhà Kiện, song đôi khi ông không khỏi tự ái vì thái độ cương trực không cần thiết của ông Đôn. Sau này, hai nhà vẫn vậy. Không những thế, nhà Kiện càng tỏ rõ thái độ cầu thân với Phấn, và với ông trước sau, dẫu sao ông ta còn kiêng dè tý chút. Mỗi lần đến nhà ông định nhờ vả gì Phấn, ông ta chỉ dăm câu ba điều với ông cho phải phép rồi luôn miệng xơn xớt: “Anh Phấn ạ, chú có ý kiến thế này, anh xem liệu có được không rồi chỉ bảo giùm cho chú nhá…”. Ông Quận nghe ngứa tai, khó chịu nhưng hễ ông hậm hẹ định chêm ngang thì Phấn lạnh lùng bảo: “Thầy để con làm việc chứ!”. Lúc ấy ông Kiện lại giả đò: “Ấy ấy, anh nên nghe lời bác… Thời chúng tôi, bác ấy là xuất chúng nhất xã, thậm chí nhất hàng tổng đấy!”. Ông Quận nghẹn họng vì cả hai… Có tiếng xe máy nổ ầm ầm ngoài cổng rồi liền đó hai chiếc xe phân khối lớn to kềnh xịch ngay sân. Biết cháu về, ông Quận rời tràng kỷ ra thềm: “Các cháu về sớm nhỉ? Ờ thế hôm nay không phải là chủ nhật mà trên cũng cho về à?”. Cẩn dựng xe, đi lại xăng xái trong sân: “Ông biết không, tụi cháu vừa lập công phá một đường dây buôn ma túy lớn. Lãnh đạo thưởng cho vài ngày phép. Đây là hai anh bạn cùng đội với cháu. Thế thầy cháu đi đâu rồi hả ông?”. Ông Quận bắt tay hai cậu bạn của cháu mời vào nhà, bảo cháu “Thầy anh lên xã có chút việc… Làng quê ấy mà, toàn những việc không tên. Thời các cháu sướng thật, mọi việc đều phân minh rõ ràng, chứ cái thời ông với thầy anh thì… chao ơi mới phức tạp làm sao! Người ở quê, không trong họ ngoài làng thì cũng dây mơ rễ má với nhau. Mình dễ dãi qua chuyện thì sợ không hoàn thành nhiệm vụ, mà chặt chẽ, nguyên tắc một chút thì người ta lại đổ tiếng ác cho. Bảo là bệnh nghề nghiệp, nhìn anh em họ hàng cũng ra địch…”. Ông Quận nhăn mặt, cười móm mém. Một cậu bạn của Cẩn đáp lời: “Ông ơi, nhìn bề ngoài thì vậy thôi chứ bên trong cũng phức tạp, khó khăn lắm đấy ạ. Ở thời ông, khó trong quan hệ ứng xử nhưng ít cạm bẫy. Còn thời bọn cháu bây giờ tuy không khó đường ứng xử song cạm bẫy lại giăng mắc khắp nơi. Mà đâu phải chỉ có địch nó bẫy mình, còn có cả chuyện người mình bẫy nhau, thế mới khó lường, khó tránh chứ”. Nghe ông và bạn tranh luận, Cẩn bảo: “Cháu nghĩ là không nên so sánh. Mỗi thời có cái khó của nó, ông ạ”. Ông Quận bần thần: “Ờ ờ… phải rồi… Đấy, đến ngay như người được giao nhiệm vụ chống ma túy lại đi buôn bán ma túy thì biết làm sao! Thôi thì… rốt cuộc đều ở chữ tâm mà ra cả!”. Cẩn bảo: “Ông ơi, đợi chốc bố cháu về rồi nhà mình, ba thế hệ sẽ lại đàm luận. Còn bây giờ, tụi cháu tranh thủ ra mộ thắp nén nhanh cho ông trẻ Chấn và các liệt sĩ ở nghĩa trang xã mình, ông ạ”. Ba đứa phóng xe đi rồi, ông Quận còn thẫn thờ một lát rồi mới xuống nhà ngang xem việc chuẩn bị cỗ bàn. Trở lên nhà xem, ông mồi thuốc rít một hơn thuốc lào nhưng chớm rít đã ho sặc sụa. Ông tự biết sức khỏe mình kém lắm rồi. Hút thuốc lào mà không thấy ngon là sức tàn lực kém, chẳng mấy nữa mà gần đất xa trời. Vì thế, hễ cứ có dịp là ông muốn nói với con, cháu đôi điều mà ông cho là cần, dù biết rằng có thể chúng sẽ cho mình là cổ hủ. Đấy là những năm chiến tranh, miền Bắc chịu hết đợt bom này đến đợt bom khác. Chiến trường miền Nam thì hút người như đất nẻ hút nước ngòi. Làng quê còn lại toàn người già, trẻ em và phụ nữ. Lúa đồng hợp tác thì năng suất thấp, động mưa bão là ngập úng lên mộng mạ ráo. Người bì bõm gặt hớt về, đập ra đánh đũng sân kho như cái ướt. Danh sách chia thóc dài dằng dặc, mỗi lao động chính chỉ được vài chục cân mà tên hộ đọc lên mới quá nửa đã hết thóc. Thật hạt thóc quý hơn hạt vàng, mà người ta phòng cơ tích cốc chứ mấy ai nghĩ đến chuyện tích vàng. Thóc gom góc còn phải gửi ra chiến trường, bởi quân không thể thiếu một người, thóc không thể thiếu một cân. Vậy mà khi ấy, nhà ông Đôn lại làm nghề tráng bánh đa gạo. Gạo đã là một xa xỉ phẩm, nhưng gạo bánh tráng lại phải là thứ gạo quê ngon thơm chứ gạo mậu dịch ẩm vón mất mùi không thể làm được. Nhiều lần thấy Phấn phàn nàn rằng, bộ đội ở chiến trường gạo hẩm còn thiếu ăn thế mà ở hậu phương lại dùng gạo ngon làm bánh là vừa thiếu đạo lý, lại vừa vi phạm chính sách lương thực, ông đã gạt đi là: “Người ta làm vậy thì gạo đã đi đâu mà mất. Chẳng qua chỉ du di đi một tý. Anh thấy đấy, ở làng này, khi nhà có giỗ tết, hoặc người ốm đau mới mang vài lạng thóc đi đổi về nấu bát canh bánh đa cho dễ nuốt, chứ buôn bán gì đâu mà bảo là vi phạm chính sách lương thực. Không sợ nói oan cho người ta mà mang tội à?”. Nghe bố nói vậy, Phấn chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Bị cấm làm bánh đa, nhà ông Đôn mất kế sinh nhai, bèn chuyển sang nghề cán mì sợi. Bột mì do nước ngoài viện trợ, vì để kho lâu ngày bắt ẩm vón cục và đầy mối mọt. Không chế biến thành sợi mì mà cứ nắm lên bằng chiếc vung con một luộc chín ăn thì thật khó nuốt trôi. Nhưng rồi, lấy lý do kinh doanh trốn thuế, một hôm, Phấn cùng tốp dân quân xã ập vào nhà ông Đôn lúc nửa đêm, đọc lệnh khám nhà, bắt khênh đi chiếc máy cán mì và mấy bao tải mì sợi để văn phòng Ủy ban xã. Hôm sau, ông Đôn đến nhà Phấn gọi là có mấy lời. Phấn nghe rồi bảo: “Đấy là tôi còn nể nang, chứ đêm qua, tôi biết chắc chắn, hai đứa con gái ông còn giấu một bao mì dưới chăn bông chúng nằm trong buồng. Chẳng lẽ tôi bắt lật chăn…”. Ông Đôn bảo: “Đến vậy thì…”. Ông bỏ dở chừng, thở dài chào cha con ông Quận và Phấn về. Chứng kiến tất cả, ông Quận cám cảnh cho ông bạn già, đợi cho ông Đôn ra ngõ mới bảo Phấn: “Anh đừng quá quắt vậy. Nên một vừa hai phải thôi, sống còn phải để phúc đức cho con cái nữa chứ… Ngày trước tôi không tệ như thế cũng nghĩ là để phúc cho anh đấy… Mà ngẫm ra thì người ta cũng đâu làm gì nên tội. Tôi thấy ông ấy già ngần ấy tuổi đầu vẫn phải cởi trần mồ hôi mồ kê nhễ nhại ngày ngày kẽo kẹt chiếc bánh xe nặng chịch, đèo thêm thằng bé con gầy xanh đu cả người vào mới chuyển nổi bánh xe. Đời thủa nhà ai kinh doanh lại đi làm như thế! Anh phải có mắt chứ?...”. Phấn thủng thẳng: “Con cũng đâu có ý này nọ… nhưng mà huyện chỉ thị xuống, con chỉ biết thừa hành…”. Ông không chịu, gặng: “Anh không báo thì trên huyện đâu biết… Mà huyện hiểu sai, nếu có lòng anh còn có thể nói gỡ hộ cho người ta kia, phải vậy không?”. Phấn cắm cảu: “Con chịu… Thầy thương xót thì thầy đi mà nói hộ người ta… Anh em bạn bè cùng thời với thầy người ta tiến bộ làm đầy cả trên huyện trên tỉnh đấy… Thầy có lòng thì cũng nên nói thêm đôi câu cho con được nhờ…”. Ông sững người: “A… anh… Được lắm… Mà thôi, tôi già rồi, về đuổi gà vườn rồi… Nếu nói được thì anh nên tin tôi sẽ cầu để tỉnh huyện người ta nâng đỡ anh trước đã… rồi mới đi gỡ tội cho người khác!...”. Chưa hết. Sau đận ấy, nhà ông Đôn còn bị một phen lao đao nữa. Số là, lúc ấy ở bên Tàu người ta làm cách mạng văn hóa. Chuyện trời đất nước người thì liên quan gì đến mình, mà giả sử có gì đi chăng nữa thì cũng ở trung tâm thành phố đâu đâu chứ nhất quyết không phải ở cái xó làng chiêm trũng hẻo lánh này. Ấy vậy mà giông bão lại đổ xuống nhà ông Đôn. Chuyện đó bắt đầu từ một chàng sinh viên theo trường sơ tán về địa phương. Sinh viên ở nhờ nhà dân nên anh chàng này có cơ hội đến chơi nhà ông Đôn, mượn tiếng là chuyện trò chữ nghĩa với ông nhưng kỳ thực là để tán tỉnh mấy cô con gái nhà ông. Rồi một hôm, làng xóm tự nhiên thấy anh ta đi cùng với Phấn và một vài người lạ mặt vào nhà ông Đôn. Anh chàng cam đoan rằng nhà ông Đôn có tài liệu cấm. Và rồi hình như có một cuộc khám xét gì đó trong nhà ông Đôn. Ít giờ sau, người ta thấy Phấn cùng những người kia ra khỏi nhà ông Đôn, vẻ không vui, vừa đi vừa bàn tán gì đó với nhau. Những người tò mò trong xóm rì rầm với nhau rằng, cuộc khám nhà rốt cuộc vỡ lẽ ra, nhà ông Đôn chẳng có tài liệu cấm gì cả, chẳng qua có ít tờ tranh xanh đỏ cũ nhàu về Giang Thanh và các vở kịch gì gì đó của bà ta từ những cuốn họa báo nhà ông đặt qua bưu điện, trước là để xem, sau cho trẻ lấy bọc sách vở mà thôi. Sau lần ấy, ông Quận nghe ngóng nhưng không căn vặn gì con, song Phấn lại chủ động: “Có thể là cậu sinh viên nhầm, nhưng rõ ràng là có hệ thống. Thầy cứ nghĩ mà xem, tại sao mọi chuyện cứ chỉ xảy ra với nhà ông ấy, mà không phải nhà nào khác. Tiện đây con cũng nói thật, con định điều tra lại vụ hầm bí mật ngày trước. Con cảm giác, tội chưa hẳn chỉ ở ông Kiện như mọi người vẫn nghĩ đâu… Việc này thầy phải giúp con một tay… ngày ấy thầy chả chứng kiến là gì…?”. Ông Quận cứ rẩm riu, cái số ông Đôn đến là long đong. Chịu định kiến là một nhẽ, từ định kiếm kéo theo bao nhiêu chuyện khác tai hại. Đứa con gái của ông ta đủ điểm đỗ đại học, giấy báo gọi nhập học về làng, bị cậu bưu xã giữ lại ngầm đưa cho Phấn, ỉm đi luôn. Thế là con bé thiệt thòi lỡ cơ hội học lên. Chuyện này ông Quận biết lắm nhưng song chẳng giúp gì được. Một bên là bạn già, là họ hàng với nhau, nhưng bên kia lại là con mà nó viện cớ thi hành công vụ, biết đứng về phía nào đây? Thôi đành như điếc, như không biết gì cả lại hơn. Hiểu nhà ông Đôn bị oan, nên lòng ông không yên… Phấn phóng xe về, hỏi ông: “Trẻ con kháo nhau bảo là thằng Cẩn về cùng bạn nó, chúng đi đâu hết cả rồi, thầy?”. Ông thủng thẳng: “Nó là đứa biết nghĩ đấy… Cả mấy đứa ra nghĩa trang trước là thắp hương các liệt sĩ, sau cho ông trẻ Chấn. Mừng cho anh, cho tôi vì nó sẽ nên người”. Phấn nhìn quanh quất thấy nhà trên chỉ có hai cha con liền bảo: “Giữa con với nó, con cảm thấy thầy không thật công bằng. Là cha nó, con không tỵ nạnh gì với nó, song vì thầy cứ hay lấy con với nó ra mà so sánh, nên… Hai thế hệ, cả thầy nữa là ba thế hệ, mỗi thời mỗi khác… So sánh e khập khiễng…!”. Vừa lúc ấy thì có tiếng xe máy, Cẩn và hai người bạn về. Buổi trưa, nhà đông khách, ông Quận ngồi tiếp các cụ cao niên, còn Phấn tiếp đồng sự cán bộ xã thôn, Cẩn và bạn mình còn mải ngắm vườn cây cảnh của ông nên ăn sau. Khi khách đã vãng, Phấn đến ngồi với con. Cẩn thưa: “Thầy ngồi đây để con mời cả ông nữa cho vui. Nhà mình mấy khi ba cha con ông cháu cùng ngồi với nhau đâu”. Ông Quận nghe vậy, mắng yêu cháu: “Cha bố anh… Đợt nào anh về mà ông với thầy anh không tiếp anh chu đáo nào?”. Cẩn cười: “Ông ơi, ban nãy hai bạn cháu tuy chỉ mới tiếp chuyện ông đôi câu đã thích lắm, bảo muốn được thưa chuyện cùng ông để ông dạy bảo cho đôi điều”. Ông Quận cười đắc ý: “Chuyện thì được chứ dạy thì lão già này đâu dám. Sức cùng, lực kiệt, trí cạn cả rồi!”. Khi ông Quận xếp chân vòng tròn ngồi xóc cái chiếu lên, Cẩn rót hai chén rượu cung kính dâng ông và cha rồi mới rót chút ít cho mình và hai bạn, nói: “Công an khi làm nhiệm vụ không được rượu bia, nhưng hôm nay là ngày giỗ… Nào xin mời năm chiến sĩ công an… Gọi là có chút men đưa cay cho vui chuyện… Nói chữ nghĩa thì… mạn phép ông và thầy, thế này là Tam thế hệ, nhất chiếu, đàm thế sự”. Ông Quận cười khà: “Cái thằng này học ai… mà sinh tật sính chữ nghĩa ra thế. Phấn cười khẩy: “Nho nhoe chữ nghĩa là nó học ở ông chứ còn đâu? Ông chẳng từng bảo, con hơn cha nhà có phúc. Nó chữ nghĩa hơn con, ông phải lấy làm mừng chứ!?”. Cẩn cười xòa: “Thôi nào… ông với thầy lại nghiêm chỉnh hơn cả họp Ủy ban rồi”. Một anh bạn của Cẩn chen vào: “Thưa ông và bác, cháu nghe chuyện Cẩn kể thì trộm nghĩ, nhà ta đây là một gia đình truyền thống mẫu mực. Cả ba thế hệ đều nối tiếp nhau phục vụ trong ngành ta. Thật hiếm có đấy ạ”. Ông Quận gật gù: “Cháu ơi, đúng ra thì chỉ có hai cha con nhà nó thôi, chứ như ông đây, ở vào cái thời ấy, mang tiếng là người giữ trật tự an ninh chứ thực ra có làm việc gì to lớn, hệ trọng đâu… Nói các cháu bỏ qua, chứ già này toàn chỉ bắt rượu lậu của mấy bà buôn vặt đựng bằng bong bóng trâu thôi”. Ông Quận cười sảng khoái khiến mọi người cười theo, làm không khí mâm cơm nồng ấm, thân mật. Tuy nhiên, không khí vui vẻ không được lâu, bởi Phấn trở lại sự nghiêm chỉnh vốn có của mình khi bảo: “Nói có hai cháu đây, ở nhà này, chỉ có bác là người chịu tiếng nhiều nhất. Nào là khó tính, khắt khe, hẹp hòi… Thôi thì đủ thứ. Mà đâu chẳng phải làng xóm người ta xì xào rồi đổ tiếng cho thế nọ thế kia, ngay như em Cẩn và cả ông cụ thân sinh bác đây cũng chưa hẳn đã hiểu để cảm thông cho bác. Gì cũng có hoàn cảnh riêng của nó… - Phấn nhìn xa xôi, như nói với chính mình: “Ở vào thời điểm ấy, nhất cử nhất động đều hướng ra chiến trường, mà địch thì lại nham hiểm chống phá ta nhiều mặt… thêm nữa, nghiệp vụ của công an xã như bác đây còn hạn hẹp lắm… Thế nên tránh sao khỏi những sai sót, ấu trĩ… Ngẫm lại, trình độ thấp mà lại quá tâm huyết với công việc, mới sinh ra tâm lý thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót, còn hơn không hoàn thành nhiệm vụ được giao… Nghĩ mà thấy buồn”. Ông Quận cảm thông, trầm ngâm: “Sai lầm thì ai mà chẳng có. Chỉ không làm gì mới không sai lầm. Mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm tính thì mỗi cái sai. Anh có sai lầm vì anh nhiệt tình đến xơ cứng. Thầy cũng có cái sai của mình, vì đặt cái tình cao hơn cái lý. Rồi đến thời của Cẩn và hai cháu đây, ai dám bảo chắc chắn cả cuộc đời công tác của lớp trẻ này sẽ không có sai phạm gì? Bể sâu mấy, núi cao mấy cũng đo được, nhưng lòng người khó dò… Mà đã sai thì… sai một ly nó đi một dặm kia!... Nhưng mà thôi, không chủ quan song cũng đừng bi quan, phải không các cháu?!”. Ông Quận hớp một chút rượu, cười gây không khí. Cẩn nhìn ông, nhìn bố mình, đỡ lời: “Nói sai lầm thì có vẻ to tát quá. Thực ra, con biết ông và thầy đều đã làm tốt công việc của mình. Trừ chuyện… - Cẩn ngập ngừng: Nhân đây, mạn phép ông và thầy, xin được nói thẳng ra… vì con nghĩ công khai ra được mọi chuyện sẽ nhẹ đi… Chuyện nhà ông Đôn, con thấy bị đối xử không công bằng. Khi ấy tuy còn nhỏ nhưng con cũng đã ít nhiều hiểu được chuyện gì xảy ra. Gia đình bên ấy người ta sống nề nếp, đúng mực. Và nếu đúng như lời ông từng kể thì họ không có lỗi gì, phải không ạ?... Con lấy làm mừng và lòng nhẹ nhàng vì các anh chị bên nhà ông Đôn rốt cuộc cũng suôn sẻ cả. Thầy đã cố tình giữ giấy gọi vào đại học của con gái bác ấy nhưng rồi chị ấy vẫn học hành thành tài, trở thành một nhà nông học giỏi, tác giả của mấy giống lúa mới, góp phần đưa năng suất cây trồng lên cao cho bà con nông dân… Rồi cũng chính thầy, ký giấy không đồng ý cho con trai bác ấy vào Đảng, nhưng đâu phải vì thế mà anh ấy không trở thành một chuyên gia y tế đầu ngành như bây giờ. Thầy nghĩ vì sao nào? Vì trước hết họ trong sạch và nỗ lực; vì Đảng ta biết trọng dụng nười có tài đức, nhìn xa trông rộng và quan trọng hơn là biết tin tưởng vào con người!... Như con đây, với sự công tác cống hiến của ông và thầy, phải nói rằng, con bước vào đời với sự đảm bảo hơn vàng, thế nhưng nếu như con không nỗ lực bản thân để tiến bộ mà lại tha hóa biến chất thì thử hỏi, cái lý lịch đỏ chói của con có cứu được con không?. Cẩn ngừng lời trong sự xúc động mạnh. Mọi người nín lặng hồi lâu. Một người bạn của Cẩn phá vỡ: “Thưa ông và bác… suy nghĩ vừa rồi của Cẩn có thể nói cũng là suy nghĩ của chúng cháu đây, hay nói rộng hơn là thế hệ chúng cháu. Ai có trách nhiệm của người ấy, không dựa dẫm vào ai và cũng không đổ lỗi cho ai. Ông và bác cứ ngẫm mà xem, những người được giao canh giữ an ninh trật tự xã hội và quốc gia mà lại không làm tốt nghĩa vụ, trách nhiệm công dân thì làm sao đứng vững để hoàn thành trọng trách được giao phó?!”. Ông Quận rưng rưng: “Mừng lắm… Mừng lắm!... Bọn trẻ suy nghĩ vậy, thật mừng lắm thay… Anh Phấn thấy chưa, cánh trẻ đáng tin cậy lắm… Mà không tin vào họ thì còn ai nữa… Thời đại tiến nhanh như vũ như bão thế, phải không các cháu?!”. Phấn nghe cha và con nói, vẻ đồng tình: “Có lẽ vậy… Gía ngày ấy, ông Kiện không lo che chắn cho con cháu mình, mà chuyên tâm dạy dỗ thì đâu có chuyện ngày nay mấy đứa hư hỏng… Thế mới biết, thời gian là thử thách khắc nghiệt nhất!...”. Ông Quận thở dài: “Con cháu ai không nên người thì cũng đều là chuyện đáng buồn cả… Nhưng như vậy mới công bằng!...”. Ông Quận thấy lòng mình thanh thản lạ. Ông ngồi đấy, trước mâm cỗ, con và cháu mà như phiêu diêu ở nơi nào. Trong số mấy người, ông Đôn, ông Kiện đã về với thiên cổ, nằm kề nhau nơi nghĩa địa làng từ lâu rồi, chỉ còn mỗi ông, cứ như là tiếc nuối mà ở mãi nơi trần ai. Chắc chẳng còn bao lâu nữa… Ờ mà đời người cứ bảo có chuyện luân hồi quả kiếp, song ông không tin. Mỗi cuộc đời, của ai, người nấy phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình chứ, kể cả lúc còn sống và cả khi đã mất đi rồi. Có vậy mới là công bằng chứ?!... Nhưng giá mà ông lại được gặp lại hai người bạn già của mình ở dưới kia thì kể cũng ngộ… Nhân tình thế thái… có ối chuyện để nói với nhau!...