TÂM TÌNH
Thay đổi trang: << < 789 > >> | Trang 9 của 13 trang, bài viết từ 121 đến 135 trên tổng số 188 bài trong đề mục
Nguyệt Hạ 05.03.2014 01:11:06 (permalink)
 
 



MÙA CHAY




Chiều thứ sáu, trời mưa như trút. Con tôi vừa ở trường về, backpack ướt, giày ướt, hai ống quần ướt... Con nói,
- Có email từ nhà thờ nói tầng dưới bị ngập nước.

Tôi xem email thấy người dạy giáo lý đang gọi các em trong lớp Thêm sức, nếu ở gần thì đến giúp ngay vì nước ngập. Chưa bao giờ con giúp trong trường hợp khẩn cấp, tôi bảo con đi. Nhân trường hợp này, tôi muốn con thấy được chuyện cần thiết phải làm khi mình có thể. Con vui vẻ nghe lời, dù 2 tiếng đồng hồ sau đó con phải có mặt ở trường cho buổi hòa nhạc.

Khi về, con kể lại chuyện dọn dẹp ở nơi bị nước ngập. Và con rất vui. Tôi hỏi con nghĩ gì, con nói,
- Con vui và hài lòng vì có đến làm khi cần thiết. Sẽ đến trường trễ một tí nhưng không sao, con sẽ nói với thầy giáo.



Buổi chiều tối, mưa nặng hạt hơn nữa. Hai người hai chiếc dù chạy dưới mưa vào hội trường. Buổi hoà nhạc vẫn có người tham dự dù không đông lắm. Các em chỉnh tề biểu diễn trên sân khấu. Mỗi người nhín một chút thì giờ đến đây với các em. Không bỏ công, các em chơi nhạc thật hay. Cám ơn thầy giáo, người mới có con nhỏ vài tháng, thầy mất ăn mất ngủ cho con và cho chương trình nhạc ở trường...



Ngày mai là Lễ Tro. Bắt đầu một Mùa Chay mới.

Cuối tuần qua nghe cha cố (Monsignor) giảng về Mùa Chay. Ngài mở đầu rất hay,

- Mùa Chay đến, thay vì nhịn (giving up) không làm một trong những điều mình ưa thích, tại sao không thử làm điều gì mới trong tinh thần phục vụ tha nhân?

Tôi thấy điều này hay. Tan lễ hai mẹ con nhắc đến Lễ Tro và Mùa Chay, con trai tôi nói,

- Con thấy thế này, tại sao phải nhịn (giving up) một trong những thứ mình thích làm? Khi bị hạn chế, mình lại thèm muốn hơn, lúc nào cũng nghĩ đến và như thế mất đi cái ý nghĩa của giữ chay.

Thấy con đã biết suy nghĩ và có những lý lẽ như thế, tôi bảo,

- Thế thì con tự tìm lấy một điều gì để làm trong mùa chay này. Không cần thiết phải giving up, nhưng hãy nghĩ về một hướng khác. Không nghĩ về mình nữa, hãy quên mình đi.


Nguyệt Hạ
Mar 4, 2014

 


Nguyệt Hạ 08.03.2014 01:53:00 (permalink)
 
 






Ngày Có Nắng


Sáng thức dậy, nhìn mảng nắng vàng rực chiếu trên cửa sổ, hình như mùa xuân thật sự đến nơi đây. Hôm cuối tuần mưa gió tơi bời nhưng ba hôm nay trời trong xanh với nắng ấm, không còn dấu vết gì của trận bão đi ngang.

Khi trời mây mù ảm đạm, người mình bị ảnh hưởng theo. Ngày như thế, tâm thần muốn đình công, bao nhiêu cái buồn chán kéo nhau về diễn hành trong trí tưởng. May mắn làm sao, trời ban cho ánh nắng, tự nhiên thần trí vui tươi hớn hở theo.

Nhìn màu nắng tươi sáng rực rỡ xong, tự nhiên nhoẻn miệng cười. Người hỏi, có chuyện gì mà cười thế? Cần gì phải có chuyện gì, thấy vui trong lòng thì cười. Hy vọng sẽ làm người khác vui lây. Niềm vui chia xẻ niềm vui nhân đôi. Nhiều thứ khác kéo theo. Chẳng hạn như vui vẻ thì tự động làm việc, lôi việc ra làm, những thứ lâu nay bỏ quên. Khi vui, thấy mình từ bi hỉ xả quá. Mọi thứ chung quanh không còn làm mình bận tâm. Ừ, cuộc đời ngắn lắm, làm sao để có chút thoải mái trong tâm là được rồi.

Cám ơn ông mặt trời cho nắng sáng tươi mấy hôm nay. Chim chóc cũng vui theo, nhảy nhót líu lo ngoài kia. Vườn vẫn có hoa, cây lá vẫn xanh. Những thứ nho nhỏ như thế còn hơn là thiên đàng.


Nguyệt Hạ
Mar 7, 2014

 


Nguyệt Hạ 14.03.2014 07:44:43 (permalink)
 
 

Chuyện của Joanna


Khá lâu, không đi ngang nhà bạn. Sáng qua, thấy bảng bán nhà gắn trước nhà Joanna, tôi hơi buồn. Chuyện này hình như không có gì ngạc nhiên, chỉ là thời gian tính, đến nhanh hay chậm mà thôi.

Mười năm trước, hai bà mẹ, hai đứa con, cùng tuổi, cùng trường nhưng không cùng lớp. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày, hai buổi đưa đón con. Hai nhà ở cùng một con đường, Joanna ở trên dốc cao. Mỗi sáng sau khi con vào lớp, hai chúng tôi đi bộ những con đường quanh đó. Vài chục phút đủ để nói với nhau tất cả những vui buồn hàng ngày và đủ để trở thành thân thiết. Joanna gốc người Mễ Tây Cơ nhưng nói tiếng Anh không thua gì người địa phương.

Khi còn độc thân, phụ nữ thường nói với nhau về tóc tai, phấn son, giày dép, áo quần. Có con rồi câu chuyện xoay quanh con cái và gia đình. Không ngoại lệ, sau chuyện con đến chuyện chồng, Joanna thường kể cho tôi nghe. Chồng cô là bác sỹ ở một trường đại học nổi tiếng. Tưởng rằng có địa vị, có tiền bạc sẽ có hạnh phúc, nhưng không. Hạnh phúc của Joanna trôi mất từ khi người chồng phản bội. Người đàn ông ấy ăn ở với người đàn bà khác dù vẫn sống ở nhà với vợ con. Tôi không biết làm sao để an ủi mỗi khi nghe bạn tâm sự.

Từ lâu tôi không lạ gì chuyện phản bội của đàn ông, chuyện đi ngang về tắt của những kẻ không có tư cách. Joanna muốn ly dị nhưng vì thương con, bạn muốn chờ các con học xong rồi sẽ tính. Tôi cũng thường nghe câu nói, "khi con tôi học xong high school, tôi sẽ ly dị" từ nhiều cặp khác.

Người mình có câu, "có ở trong chăn mới biết chăn có rận". Tôi không biết thật hư thế nào, nhưng hành động ngoại tình, ăn ngủ với người đàn bà khác, dối gạt vợ mình là hành động không thể tha thứ. Dù các kẻ phản bội ấy có viện dẫn trăm ngàn lý do để bào chữa cho việc làm của mình. Theo tôi, hãy công khai chia tay rồi muốn làm gì thì làm. Trong xã hội, cũng khối kẻ "ông ăn chả, bà ăn nem", nhưng thử hỏi, làm như thế có gì hay ho? hay chỉ để thoả mãn cái tôi của mình?

Joanna bạn tôi, có bằng cấp, có việc làm tốt, nghỉ ở nhà để chăm sóc con. Khi con đến trường, bạn đi học lại và ra trường với mảnh bằng thứ nhì. Vài năm sau, chúng tôi ít gặp nhau hơn, vì con trẻ đã tự đi học không cần mẹ đưa đón. Thỉnh thoảng sáng sớm trên đường đi làm, Joanna ngừng xe trước nhà tôi, chạy vào hỏi thăm nhau vài phút. Thấy bạn bận rộn với công việc mới, tôi vui cho bạn và tránh nhắc đến chuyện không vui.

Bây giờ, nhà để bán. Có thể gọi là xong chưa? hay sẽ bắt đầu chuyện nhức đầu khác?

Nguyệt Hạ
Mar 13, 2014
 


Nguyệt Hạ 18.03.2014 00:36:43 (permalink)
 

Động Đất


Hơn 6 giờ sáng, đang còn lơ mơ trên giường, kỳ kèo thêm vài phút trước khi ngồi dậy.

Bỗng nhiên, cái giường rung rinh, chao đảo. Hình như mặt đất nhồi lên nhồi xuống ... Sự chuyển động không mạnh lắm để gương cửa sổ không lách cách, tranh ảnh trên tường còn nguyên chưa hạ thổ. Đủ để tỉnh giấc, đủ để sợ. Đủ để phóng ra khỏi chăn, xỏ quần jean, vớ lấy áo khoác, ví, cell phone và chìa khoá, chạy ra phòng trước xỏ giày vào chân.

Kịp nhìn đồng hồ, 6:30am. Giờ của mọi người thức dậy chuẩn bị buổi sáng.
Mở TV, tin báo động đất 4.4 ở gần Westwood, gần Encino, CA.

May mắn lần này, cơn địa chấn xảy ra 5 dặm sâu dưới mặt đất, chưa thấy báo cáo có gì hư hại. Dù sao cũng giật mình. Lâu lắm rồi ở đây không có động đất. Những giỏ đồ emergency đã bị bỏ quên. Thức ăn thức uống không chuẩn bị sẵn. Thôi thì lần này coi như chuông báo động. Có lẽ phải sắp xếp một ít áo quần giày vớ thức ăn nước uống cho sẵn sàng, để đó phòng lúc cần thì "chạy".

Hai ngày trước trời nóng đến gần 90 độ ở đây. Mỗi lần thấy nóng quá, thường hay nghĩ là sắp có động đất. lần này đúng thật.

Vài ngày nữa mùa xuân đến. Như vầy thì phải vừa ngắm xuân vừa chuẩn bị tinh thần chứ không được lơ là.

Vài hàng kể lể chuyện "rung rinh" sớm hôm nay với bạn.


Nguyệt Hạ
Mar 17, 2014
 
 


Nguyệt Hạ 14.05.2014 01:09:04 (permalink)
 
 
 
 
Nên hay Không ?
 


Hai tuần trước trang Yahoo có bài mang tựa đề tên cô Terri Schiavo. Đã nghe tin về vấn đề này từ nhiều năm trước nên tôi không mở ra đọc. Dù rằng đề tài "Nên hay không nên kéo dài sự sống khi người bệnh trong trạng thái hôn mê?" là một vấn đề đáng được bàn đến khi chúng ta còn tỉnh táo.


Trước đây mỗi lần nghe tin về những trường hợp khó xử như thế, tôi không có ý kiến, chỉ nghĩ rằng người trong cuộc phải quyết định. Không bao giờ tôi nghĩ rằng mình phải đương đầu với cái quyết định khó khăn ấy. Tôi đã hơi chủ quan khi nghĩ như vậy. Qủa thật, ở đời này có nhiều thứ mình không ngờ được sẽ xảy ra cho chính mình.


Khi Thầy tôi bị hôn mê và các bác sỹ quyết định không giải phẩu vì người đã quá lớn tuổi, vấn đề còn lại là chúng tôi có muốn để ống dưỡng khí trợ giúp hô hấp cho Thầy tôi hay không? Nếu không để ống dưỡng khí thì sẽ để tự nhiên cho đến lúc bộ máy hô hấp tự động ngừng.


Chị em tôi chấp nhận quyết định của các bác sỹ không giải phẩu vì tuổi tác, điều đó rất hợp lý. Đến khi phải quyết định việc có để ống thở hay không... đã làm tôi suy nghĩ. Nếu đây là trường hợp của một người thân còn trẻ tuổi thì mình phải quyết định như thế nào? Dĩ nhiên tôi cũng muốn kéo dài sự sống của người ấy, dù với sự trợ giúp của máy móc, với hy vọng một ngày nào đó người ấy tỉnh dậy. Đã có nhiều chuyện xảy ra như phép lạ, làm sao mình có thể quyết đoán trước mọi việc?


Từ những ngày đó, chúng tôi nghĩ đến việc mỗi người phải cho người thân biết ý muốn của mình như thế nào khi có chuyện xảy ra, đừng để người thân của mình gặp tình trạng khó xử.  Phải quyết định chuyện sinh tử cho người khác là một việc không đơn giản chút nào. Không những chuyện ở nhà thương, mà kể cả chuyện chôn cất ma chay. Khi xảy ra, có rất nhiều thứ buộc mình phải quyết định trong vòng vài phút hay lâu lắm là vài giờ. Một ví dụ, thời buổi này có hai chọn lựa, chôn hay hoả táng, cũng là chuyện phải chọn và quyết định khi đi đến nhà quàn. Và sẽ phải quyết định thêm về chuyện đất đai ở nghĩa trang hay nơi nào mang tro cốt về để thờ ... Nếu có thể tránh được những điều khó nghĩ phân vân cho người thân trong lúc bối rối đau buồn, tôi nghĩ rằng đó là điều nên làm.(Đối với những người đã lo trước cho mình hay cho cha mẹ thì quá tốt, không có gì phải bàn nữa.)


Thỉnh thoảng những giấy quảng cáo gửi đến nhà, có giấy dụ mua đất ở nghĩa trang, có giấy dụ mua bảo hiểm cho dịch vụ chôn cất. Tôi chỉ cười và bảo rằng, họ trù mình mau chết... Không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện đó một cách nghiêm túc. Vậy mà tôi đã phải đích thân tham dự vào việc lo chuyện hậu sự của Thầy tôi. Và tôi thấy đó không phải là chuyện cười nữa, một vấn đề cần phải để tâm đến ngay từ bây giờ.


Con người không có sự lựa chọn khi được sinh ra đời. Và cũng không biết trước ngày từ giã cuộc sống, nhưng ít ra còn có thể nghĩ đến ngày đi về bên kia thế giới. Thật khó, vì chính tôi cũng không biết phải quyết định như thế nào cho chính mình. Tôi vẫn tin vào phép lạ, làm sao nói trước được?


Nguyệt Hạ
May 12, 2014
 
 
Ct.Ly 15.05.2014 19:55:09 (permalink)
Ct.Ly 15.05.2014 20:04:54 (permalink)
Nguyệt Hạ 17.05.2014 02:23:32 (permalink)


Chị Ly,
Chuyện động đất ở Pau, sao chị hay vậy? Nước trong hồ cá chao động thì ở ngoài cũng phải rung rinh chứ, chị ngồi yên không "cảm" thấy gì sao? Ở nhà em, chỉ cần mặt đất hơi rung nhẹ một tí là ai cũng cảm thấy được và la lên "có ai thấy động đất không?"



Chị Ly ơi, khi đối diện với những trường hợp đau buồn của người thân, khó mà giữ vững được tinh thần. Chị đã thấy trường hợp của chị hai ở Pau. Mọi chuyện đau lòng ở lại trong tâm hồn mình mãi không nguôi ...

Những năm gần đây, NH có nghĩ đến chuyện một ngày nào cha mình sẽ ra đi, khi người quá lớn tuổi. Nghĩ đến để mà nghĩ thế thôi, em vẫn cho rằng chưa có gì trong thời gian gần như vậy. Lúc chuyện thật sự xảy ra, NH bị shock. Thầy em mạnh khỏe, không đau ốm gì. Hàng ngày bình thường, chuyện trò và trí nhớ vẫn minh mẫn như xưa.

Người ra đi, thanh thản, nhẹ nhàng, không để lại phiền toái gì cho con cái.
Các con khóc thương và tiếc nhớ vì mất Cha một cách quá bất ngờ.



​Người ta nói thời gian giúp mình nguôi ngoai nhưng mất mát vẫn là mất mát, chẳng bao giờ có lại được. Buồn vẫn là buồn.


Em cám ơn chị Ly đã chia buồn và chia sẻ với em.


Thương,
Nguyệt Hạ



Ct.Ly 17.05.2014 04:43:04 (permalink)
Nguyệt Hạ 20.05.2014 02:07:32 (permalink)
 


Chút Tâm Tư
 
Sáng nay nhận thư bạn thương. Một lần nữa bạn nhắc lại, " ... hãy bớt nghĩ ngợi nhiều kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe ... nhé." Cảm động lắm khi bạn luôn lo lắng cho tôi trong thời gian qua. Hai tháng nay, tôi không còn tâm trí nào để nghĩ đến chính bản thân, đến sức khỏe, dù biết rằng tôi ngã bệnh lúc này chỉ gây thêm phiền toái cho người thân.  Anh cũng cho rằng tôi suy nghĩ nhiều quá, hãy bớt lại. Anh có biết đâu, đôi khi đầu óc tôi trống rỗng, không có một ý nghĩ nào trong đó dù tôi có nhiều điều muốn nghĩ đến ...

Một ý tưởng thường xuyên đến trong tôi, "có lẽ Thầy không vui lòng khi thấy con buồn bã như thế này ....". Tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa, nhưng cũng chỉ được phút chốc rồi lại trở về tâm trạng cũ. Hàng ngày tôi làm việc theo thói quen, tôi lái xe theo phản xạ, may mà chưa có gì xảy ra... Mùa xuân đã qua, hoa lá trên cành rộn ràng lắm nhưng tôi cũng không để ý đến dù hàng ngày tôi vẫn ra vườn tưới nước. Tuần qua trời nóng đến 100 độ, tôi nhờ con bê các chậu hoa dấu vào dưới gốc các cây lớn, thương cho những bông hoa héo tàn vi sức nóng quá độ. 

Con tôi có bài ở trường và chọn đề tài nói về món bánh macarons của Pháp. Con hỏi mẹ có thể làm bánh cho con mang đến lớp chia với các bạn không? Xem qua công thức, tôi nghĩ rằng có thể làm được. Nói với con, mẹ sẽ thử nhưng không biết kết quả ra sao, đừng hy vọng 100% . Tối qua tôi đi mua hạnh nhân và các thứ cần để làm. Sáng nay nhìn lại mới thấy mình đã mua nhiều hơn 10 lần số lượng cần thiết... Ai da... cái dầu của tôi đi vắng, nguy hiểm quá, làm bánh mà trí óc lửng lơ kiểu này thì hư bột hư đường hết.

Vài hàng tâm tình.  Cám ơn bạn, những người bạn thiết, luôn an ủi và thông cảm tôi.

Nguyệt Hạ
May 19, 2014
 
------------------------------------------------------
Tặng chị Ly hoa quỳnh đang nở ở vườn nhà em.
 






Nguyệt Hạ 30.05.2014 23:37:59 (permalink)
 
 
 
Isla Vista


Khoảng một tháng trước đây, Edith, người bạn thân rủ tôi đi xem hai trường đại học, một ở Santa Barbara và một ở San Luis Obispo. Người Mỹ có thói quen đi xem các trường trước khi xin cho con vào học. Tôi không muốn đi nhưng bạn tha thiết quá nên tôi bằng lòng.

Hôm đó trường UCSB (University of California, Santa Barbara) đang có open house nên nhiều gia đình từ xa đưa con cái đến thăm. Trường cũng khá rộng, khuôn viên cây cối nhiều bóng mát. Sinh viên làm hướng dẫn viên cho khách tham quan. Buổi chiều, Edith bảo gần đó có nhà thờ, chúng tôi đi bộ từ trường sang khu Isla Vista để tham dự thánh lễ. Trong nhà thờ có khá nhiều các em sinh viên và đa phần là người lớn tuổi . Khu phố nằm bên ngoài khuôn viên trường đại học hầu như mọi thứ đều dành để phục vụ sinh viên. Đi bộ trên những con đường tôi thấy phần lớn tiệm quán đều có khách hàng học trò. Ngang những căn apartment, cũng là sinh viên chơi banh bóng trong sân, nướng barbeque và mở nhạc xập xình - có lẽ là vì cuối tuần. Không gian êm đềm và mọi sinh hoạt thấy hiền hoà lắm. Chúng tôi nói với nhau, nếu các con vào học trường này, ở ngay đây thật là lý tưởng.

Buổi tối chúng tôi nghỉ tại San Luis Obispo. Nơi đây có khu chợ trời đêm nổi tiếng mỗi tối thứ năm. Sáng hôm sau đến thăm trường Cal Poly SLO (California Polytechnic State University - San Luis Obispo). Khu trường bề thế và đẹp, đất rộng, nhiều kiến trúc hiện đại. Nghe nói trường nổi tiếng dạy giỏi và đòi hỏi điều kiện khó khăn, thăm cho biết chứ tôi không đặt kỳ vọng cao quá.


Không ngờ vài ngày qua tại Isla Vista, đã xảy ra chuyện đâm và bắn chết sinh viên, bảy người thiệt mạng và mười ba người bị thương. Kẻ sát nhân bắn người ngay trên vỉa hè con đường tôi đã đi ngang vài tuần trước. Nghe tin tức và nhìn hình ảnh... không biết mình phải nghĩ gì. Những câu hỏi tại sao, tại ai, vv... tìm đâu ra câu trả lời cho những sự việc như thế?


Isla Vista một phố nhỏ sát biển, nơi tôi đi qua là một college town, dân số chỉ khoảng trên dưới 25000 người, phần lớn từ độ tuổi 18 - 24. Điều này không lạ vì hầu hết là sinh viên từ hai trường UCSB và SB Community College sống ở Isla Vista. Thành phố Santa Barbara là nơi du khách đến du ngoạn, nhộn nhịp đông đúc, nhưng khu phố này, buổi chiều thứ bảy ấy sao mà hiền hoà và êm ả. Khách bộ hành qua lại trên đường, một số sinh viên đi skateboard trên vỉa hè, hầu hết dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển chính ở đây. Không thấy xe hơi chạy vù vù với tiếng nhạc đùng đùng đinh tai nhức óc.


Tuổi trẻ nhìn bên ngoài vô tư nhưng cũng khó biết được bên trong họ nghĩ gì và muốn gì. Thời buổi này, tất cả mọi thứ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất kể nơi nào. Làm sao để được bình an?

Nguyệt Hạ
May 28, 2014
 
 
 
Nguyệt Hạ 09.07.2014 01:47:51 (permalink)
 
 
  ...
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.02.2016 07:54:26 bởi Nguyệt Hạ >
Nguyệt Hạ 11.09.2014 01:41:54 (permalink)
 




 
 
 
US OPEN 2014

Trận banh semifinal US OPEN giữa hai cô gái Peng Shuai (Trung quốc) và Caroline Wozniacki (Đan Mạch) thứ sáu vừa qua, tôi thấy tội nghiệp khi Peng Shuai bị đau chân và phải bỏ cuộc.


 

Tôi thích xem cách đánh banh của cả hai cô nhưng trận này tôi mong Peng Shuai thắng. Khi Peng Shuai gục xuống sân khóc và phải rất lâu mới có quyết định không chơi tiếp, tôi hiểu sự ray rứt của cô ấy. Là người đại diện cho nước mình, nếu thắng một giải lớn của Mỹ, niềm vinh hạnh không phải nhỏ. Dù cô này đã thắng rất nhiều giải trên thế giới nhưng đây là lần đầu tiên cô vào semifinal giải US OPEN.
 
Khán giả New York lịch sự, họ đứng lên vỗ tay khi Peng Shuai được đẩy ra khỏi sân bằng xe lăn.


Nhiều người ghét Trung quốc xâm chiếm Việt Nam ghét lây người dân của họ. Lúc này phần lớn ai cũng tẩy chay những gì Made in China từ hàng hoá cho đến thực phẩm. Có những bọn tàu gian thương, có những kẻ lưu manh lừa đảo nhưng cũng còn những người dân hiền lành chứ, nước nào cũng vậy. Tôi có vài bạn thân người Hoa, quen biết nhau từ mấy mươi năm, hình như những người bạn của tôi không phải người xấu. Chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp đó, tôi không vơ đũa cả nắm ghét hết dân tộc Trung Hoa. 
  

Chính quyền chủ trương xâm lăng nhưng cá nhân Peng Shuai không có tội gì, tôi nghĩ thế.
Và trong tinh thần thể thao, không nên phân biệt chủng tộc.
 

Nguyệt Hạ

Sept 10, 2014
 
 


Nguyệt Hạ 17.09.2014 06:11:27 (permalink)
 
 
 
Cafe Cũ
 
Cafe cũ hâm lại uống vào vừa lạnh vừa ấm.
 
Cái cảm giác lạ lạ thật buồn cười. Nửa nóng nửa lạnh, trộn vào nhau, nhưng không thể nào hoà nhập được.
 
Sáng qua, tôi pha một ly đầy cafe sữa thật ngon. Một ngày tôi không thể nào uống hơn một phần tư ly cafe vì trái tim bất thường của tôi sẽ rock and roll trong lồng ngực. Lấy ra một phần cafe đủ cho buổi sáng, tôi cho ba phần tư cafe còn lại vào tủ lạnh để chiều về làm cafe đá. Buổi chiều bận rộn cơm nước, đến tối không uống được nếu không muốn thức đêm đếm đèn đường...
 
 
Hôm nay, cho ly cafe vào microwave, 11 giây đầu tiên vì không muốn cái ly yêu thích bị vỡ. Kế tiếp 22 giây, đưa lên miệng, vành ly lạnh, những giọt cafe chạy vào miệng ấm áp. Cái cảm giác vừa nóng vừa lạnh thật khó tả.
 
 
Cứ như vừa vui vừa buồn. Nếu ví như vừa khóc vừa cười thì hơi con nít. Lúc sau này, thành người lớn tôi không thể nào vừa khóc vừa cười được nữa. Nhiều khi nước mắt sắp sửa rơi ra thì lại phải gượng cười và quay đi để đừng ai thấy ... Vừa vui vừa buồn thì nhiều lắm. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể có hai trạng thái vui buồn lẫn lộn. Đang vui vẻ với mọi thứ đầy đủ chung quanh, chợt nghĩ đến những người thiếu thốn ngoài kia, thế là buồn. Đang vui cười khi thấy mình làm được việc gì, nhớ đến những thất bại đã qua, thế là buồn. Đang nói về một vấn đề nào đó, tự nhiên trí óc đi lan man đến những ý nghĩ xa xôi, thế là buồn.
 
 
Chỉ vì ly cafe cũ mà lan man nghĩ ngợi đến bao nhiêu thứ. Vị ngọt vị đắng của cafe và sữa, cảm giác lạnh và ấm lẫn lộn cũng hay hay. Đôi khi thử những điều mới lạ cũng hay hơn làm hoài những gì quen thuộc. Nếu tôi chỉ uống mãi cafe nóng mỗi sáng không bao giờ biết được vị giác lạ này. Tiếc thay bao nhiêu thứ trong cuộc sống không được thay đổi và "thử" cảm giác lạ đơn giản như ly cafe.
 
 
Nguyệt Hạ
Sept 16, 2014
 
 
 
 
Nguyệt Hạ 09.10.2014 04:24:51 (permalink)
 
 
    Nghe, Thấy và Sợ

Liên tiếp nhiều ngày tôi nghe tin các em vị thành niên - teenagers - lái xe gây ra tai nạn và chết. Mỗi xe chết từ 4 đến 5 em. Không làm sao hiểu được tại sao cha mẹ các em 16, 17 tuổi cho các em đi chơi đêm và ngồi trên xe của người lái cũng 16, 17 tuổi, có khi không có bằng lái. Tin tức không những làm đau đầu mà còn mang lại nhiều xúc động trước những sự mất mát vô lý như vậy.

 
Tối Chúa nhật vừa qua chúng tôi lái xe trên freeway, bên phải một cô gái vừa lái xe vừa đánh text. Nhìn sang, một mái tóc dài trước tay lái đang cúi xuống, vài chục giây cô nhìn lên khoảng một giây, rồi lại cúi xuống, trong xe cô đèn trần bật sáng. Xe tôi chạy carpool lane, xe cô ấy trên lane nhanh nhất. Rất nhiều xe trên freeway, xe nào cũng chạy khoảng 70, 75 miles. Lúc ấy là 8:30 tối. Nhìn mặt tôi đoán tuổi cô khoảng trên dưới 20. Thấy cô liên tục cúi xuống bấm trên cell phone. Tôi rất sợ. Có khi cô hơi lạng qua trái một tí. Có khi lạng qua phải. Muốn gọi để cô ngừng text lại mà không biết làm sao. Trời tối quá, tôi muốn chụp hình cô vừa lái xe vừa text cũng không được. Tôi muốn chụp hình bảng số xe của cô để gọi cảnh sát nhưng xe nhiều quá, đang ở carpool lane, không thể chạy chậm lại.


Chồng tôi lái xe cũng nhìn chừng để sẳn sàng tránh nếu cô gây ra tai nạn, anh nói, cô ấy đâm qua trái hay qua phải gì thì những xe quanh cô đều bị đụng hết, không tránh khỏi được. Xe nào cũng chạy thật nhanh và không ai giữ khoảng cách an toàn. Mỗi xe chỉ cách nhau ít hơn chiều dài một chiếc xe, nếu có tai nạn có lẽ sẽ dồn cục lại mà chết. Đi bên cạnh xe cô ấy độ 10 phút mà tôi thấy lâu như hàng giờ. Chỉ mong cô xong chuyện và ngừng text lại cho mọi người nhờ. Nếu tai nạn xảy ra một mình cô chết không sao, nhưng chắc chắn cô sẽ làm cho nhiều người khác bị nạn vì cô.
 
Đến exit, chúng tôi rẽ vào. Nhìn theo thấy cô đưa tay lên tắt đèn trên trần và tiếp tục chạy nhanh. Thở phào, vậy là cô xong màn đánh text. Hy vọng cô về nhà bình an. Vì có như thế, những chiếc xe quanh cô mới được vô sự.


Xong một buổi tối cuối tuần.


Nguyệt Hạ
Oct 7, 2014

 
 


Thay đổi trang: << < 789 > >> | Trang 9 của 13 trang, bài viết từ 121 đến 135 trên tổng số 188 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 4 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9