Truyện Ngắn Của Song Nhi
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 7 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 103 bài trong đề mục
songnhi 18.08.2011 19:27:25 (permalink)




Thu Khùng



Ở cái xóm chợ vùng quê nhỏ bé này không ai là không biết Thu khùng .Người ta không biết cô ta từ đâu tới , nguyên cớ gì bị khùng .Chỉ biết khi cái chợ này mới lập thì đã một con bé mặt mũi ngơ ngáo lên 5 hay 6 tuổi gì đó đến ngủ trên thớt thịt của bà sáu Cao trong chợ.

Lúc đầu bà còn dè dặt sợ Thu trong nhóm đám trẻ hay ăn cắp vặt ở chợ .Sao thấy con bé hiền lành sai gì làm đó bà đâm ra thương hại cho về ngủ ở nhà sau của bà và đặt cho cái tên Thu .Thu làm chân sai vặt cho bà con tiểu thương trong chợ.Tuy Thu hơi khờ khạc ngốc ngếch nhưng được cái thật thà không nề hà nặng nhọc bà con ai cho chút tiền công cũng được cho qùa bánh thì cũng xong Thu cũng chẳng tính toán so đo. Cứ thế Thu lớn dần theo năm tháng trong sự đùm bọc của những người cũng không giàu có khá giả gì.

Một hôm cả xóm chợ xôn xao được tin bà sáu Cao bị chứng tai biến nảo và nằm liệt một chổ .Bà tuy có bệnh về huyết áp nhưng vốn là người khoẻ mạnh .Đùng một cái thì lại xảy ra nông nổi .Sau đó một người lại một phen xôn xao bỡi tin Thu phát khùng .Khi Thu cầm con dao dùng để thái thịt rượt chém ông chồng bà sáu Cao rồi bỏ nhà ra ngủ lang thang lại ở chợ .Không còn nghe lời sai bảo của mọi người như trước .Nhiều đêm bà con bán trái cây khuya thấy Thu đứng trước cửa nhà bà Sáu khóc cười điên dại. Nhiều người nói bà sáu vô phước .Nuôi Thu bao năm mà tới lúc bệnh hoạn không nhờ vả được gì .
Hôm trước thím Tư bác cá đi thăm bà sáu Cao thím có nhắc về chuyện con Thu phát khùng và hiện giờ đi lang thang.Thím thấy bà sáu Cao tuy không nói được nhưng nước mắt chảy ròng ròng.Thím biết bà Sáu thương con Thu lắm nên thím càng giận nó .Người ơn bị bệnh mà nó bỏ đi thiệt vô ơn hết sức.Thím đâm ra ghét nó , hôm nó lại xách nước cá như thường lệ thím gạt ngang đuổi nó đi không mướn nữa. Người thông cảm thì nói chấp nhất con khùng mà làm chi ....Từ đó về sau người ta gọi Thu Khùng thay vì chỉ gọi Thu như trước.

Tưởng mọi chuyện đã đừng ở đó.Ai dè vài tháng sau cả xóm chợ lại bàng hoàng vì cái bụng con Thu khùng cứ lùm lùm bự lên với thời gian.Khi biết chắc Thu có bầu thì đó là đề tài bàn tán cả chợ.N gười thương rủa kẻ nào ác nhân làm chuyện tồi bại con khùng cũng không tha .Người đoán già đoán non là ai làm chuyện đó .Các bà vợ nghi ngờ dè bĩu khùng còn ham hố , bà thì cật vấn ông chồng mình .Ngay cả mấy ông xe ôm cũng bị nghi ngờ .Vài người có vẻ trầm tĩnh họ đoán nguyên nhân xuất phát từ nhà bà sáu Cao và cái lý do Thu bị khùng cũng từ đấy mà ra. Xứ này đâu ai mà không biết cái tính trăng gió xưa giờ của ổng .Thực hư thế nào thì chắc chỉ có Thu biết rõ .Nhưng khổ nổi Thu chỉ là con khùng , ai mà tin lời một con khùng ...

Cũng như bao người phụ nữ thực hiện thiên chức của mình .Đến ngày tháng Thu chuyển dạ cho ra đời một bé trai bụ bẵm , trắng trẻo rất đáng yêu dù được sinh ra giữa chợ vào đêm giá rét thiếu thốn.Thu khùng nhưng cái bản năng người mẹ thì hình như luôn tồn tại Thu chăm con kỷ lắm . Dù nhiều bà , nhiều bà thím thương tình kêu Thu gởi con cho họ để còn đi kiếm cái ăn .Nhưng Thu lắc đầu không chịu .Làm gì Thu cũng đem con theo .Khi rảnh nghĩ tay công việc Thu ôm lấy con nhìn vào khuôn mặt bé bỏng không chớp mắt .Thỉnh thoảng người ta thấy Thu ôm con ngồi khóc hu.. hu.. chẳng rõ nguyên cớ gì. Bà con nói đúng là đồ khùng con mạnh khoẻ bụ bẫm thế kia mà khóc.

Một đêm cuối Hạ nóng bức Thu để con trên bờ và xuống sông tắm .Lúc trở lên đứa bé không cánh mà bay.Thu kêu la thảm thiết như con thú bị thương đập cửa từng căn nhà gào khóc .Bà con thương Thu tức tốc chia ra nhiều ngã tìm kiếm nhưng chẳng ai thấy được dấu vết hay tâm hơi gì .Người ta đoán hẳn là kẻ bất lương đã có sự chuẩn bị trước. Người thì lo không biết số phận đứa nhỏ ra sao.Vài người khác ra chìu an ủi nói như thế cũng hay chứ sống với Thu đứa bé cũng chẳng sung sướng gì khi đêm đêm ngủ ở chợ không chăn màn như thế.

Sau khi mất con Thu phát sinh ra thêm một bệnh mới đó là câm .Mà không đúng Thu vẩn nói được đấy chứ nhưng hình như ngoài chữ '' Con '' Thu không nói thêm gì khác .Ngay cả khi người ta hỏi cái gì Thu cũng chỉ lắc đầu hay gật đầu mà thôi.

Cuộc sống cứ xoay dần xóm chợ qua bao ngày cũng giống nhau .Sáng nhóm chợ chiều tan chỉ là chợ được năng cấp lên nền xi măng so với mười hai năm trước. Đường xá do bà con đóng góp xây dựng cũng sách sẽ hơn tụi nhỏ đi học không trơn trợt như xưa.Người đến kẻ đi như quy luật muôn đời nhưng Thu Khùng thì vẩn ở đấy và sống nhờ lòng thương bà con tiểu thương như xưa không thay đổi gì.

Hôm nay tiệm vải Ngọc Sang khai trương ông bà chủ mời cả chợ tới dự. Hai ông bà chủ tiệm vải nghe nói là người ở Sài Gòn , có tuổi nên họ về vùng quê lập nghiệp.Họ mới tới đây vài tháng nhưng bà con kháo nhau chuyện quanh đôi vợ chồng này , có nhiều cái rất lạ. Họ giàu có , cứ nhìn vào cái tiệm đang khai trương thì biết vốn liếng họ không nhỏ .Ông chồng hình như trước đây là một bác sĩ vì có lần ông chính ông đã bắt mạch và viết toa thuốc khi có một chị bị ngất ngay ở chợ. Bà vợ hiền lành tử tế , ăn nói nhỏ nhẹ tuy họ mới về ở nhưng ai cũng qúy .Người ta thắc mắc là sao họ về quê sống không ở thành thị cho sướng.Điều lạ là ông bà tuy già nhưng chỉ có một thằng con trai nhỏ tên Ngọc Sang , không nghe nói đến con cái nào khác .Có người nói ''Hào của không hào con''.Ông bà thương thằng Ngọc Sang lắm , bà nói mở cái tiệm vải cũng vì nó muốn con mình có cơ nghiệp sau này khi ông bà khuất núi.

Ngọc Sang so với đám trẻ bằng tuổi nơi đây thì nó cao và trắng hơn học cũng giỏi hơn.Chắc được giáo dục tốt hay ảnh hưởng từ cha mẹ mà nó ngoan ngoãn nên càng được nhiều người yêu mến. Nó nhanh chóng hoà nhập với đám trẻ xóm chợ .Trẻ con thì vốn thế trong sách chẳng phân biệt hay cách xa. Nhưng dạo gần đây thằng Sang đang giận đám bạn của nó , sự việc cũng từ Thu khùng mà ra.

Bữa kia thằng Sang đang chơi đá banh với đám bạn thì Thu khùng đi ngang .Chợt Thu chạy nhào lại ôm nó và gọi: ''Con''.Làm đám thằng Tí,Tèo và con Còi cười một trận .Sang ghét nhất khi tụi nó chọc mình con bà Thu khùng. Thu khùng cũng lì lợm thật không bám theo đứa trẻ nào mà cứ lẽo đẽo theo thằng Sang .Có lần Sang giận qúa giơ tay làm nấm đấm dọa sẽ đánh Thu nếu cứ như thế. Không biết là có phải khi đó bộ dạng thằng Sang dữ dằn hay là Thu lại nổi cơn điên mà Thu lại gào thê thảm nước mắt , nước mũi chèm nhem nhưng vẩn lén lút đi theo thằng Sang cách một đoạn .

Buổi trưa trên đường Sang đi học về Thu khùng chẳng biết ở đâu hiện ra dúi vào tay nó mấy trái ổi bông gòn thơm phức với cái chân đi cà nhắt.

Thằng Sang hỏi :

-Sao mà đi cà nhắt dậy.

Thu trả lời :

-Té

Thằng Sang nhìn mấy trái ổi nghi ngờ hỏi tiếp:

-Trèo hái ổi té phải không .

Thu gật đầu , Sang nói tiếp

-Có đau không ?

Thu lắc đầu :

- Không

Sang lắc đầu lẩm bẩm:

- Thiệt là khùng té như vậy nói không đau.


Có lẽ Sang cảm động vì hành động đó .Hay là khi nó nói lý do xin ba nó thuốc dán cho Thu khùng ba nó dạy nó phải biết thương người bất hạnh .Chỉ thấy từ đó về sau nó không xua đuổi Thu khùng nữa.Đám bạn nó chọc ghẹo riếc cũng đâm ra chán .Chúng lại xoay qua những trò chơi mới.Thỉnh thoảng Sang cho Thu khùng vài cái bánh hoặc đôi khi là cây kẹo đang ăn dở nữa chừng. Thu khùng đúng là khùng thiệt người ta cho ăn mà khóc rấm rứt .Không chịu ăn đem về để dưới gối khiến cho lũ kiến bò lên cắn nhiều lần.

Tin Thu khùng chết lại làm xóm chợ một phen nữa nhốn nháo .Không hiểu sao cuộc đời của Thu khùng luôn gắn liền với những xôn xao dù là một con khùng.Lý do Thu khùng chết thì đúng là khùng thật chứ người tỉnh ai mà làm như thế.

Chiều hôm trước thằng Sang cùng lũ bạn đi tắm sông ngay cái bến hồi xưa Thu khùng mất con.Thằng Sang đang lội thì bị ''vọp bẻ'' thế là nó nó chới với.Trong khi đám bạn thì vẩn còn đang gần bờ .Trong khi tụi nhóc nhốn nháo la hét không biết làm sao Thu khùng chạy như bay ra cây cần bắc ngang sông và lao thẳng xuống chổ thằng Sang.Thu khùng vốn không phải người lội giỏi sông đang nước lớn nên chảy xiết .Người lội giỏi còn e ngại nói chi cứu người.Chẳng biết Thu khùng làm cách nào hay là số thằng Sang lớn hoặc do cha mẹ có phúc. Cuối cùng thì Thu khùng lôi thằng Sang đến được chân cầu .Khi Sang bám vào chân cầu thì nó chỉ kịp nghe Thu khùng nói :''Con ''Rồi chìm theo theo dòng nước..

Mẹ thằng Sang ngất xĩu ngay khi biết tin , lối xóm lúc đó mới biết bà ta bị bệnh tim bẩm sinh.Sau bao nổ lực bà con cũng vớt được xác Thu khùng .Ai cũng lắm làm lạ là Thu chết nhưng vẻ mặt không méo mó khổ sở như những người chết đuối khác .Mặt Thu tươi tỉnh và nụ cười vẩn còn thoáng trên vành môi .Hình như Thu mãn nguyện với lựa chọn của mình .Đúng là khùng thật chết mà vui vẻ tươi tỉnh thế trong khi sống thì gào thét,nhăn nhó.

Trong đám tang ai cũng khen cha mẹ thằng Sang thật tử tế .Hai ông bà tổ chức tang lể cho Thu khùng chu đáo tươm tất .Đứng trước quan tài ông bà xin phép Thu khùng nhận thằng Sang làm con cho nó đội tang theo đúng lể. Bởi mạng nó là do Thu khùng lượm lại. Chắc hương hồn Thu cũng được an ủi phần nào khi thấy thằng Sang mắt rươm rướm ngồi trước quan tài.

Ngày hạ thổ Thu khùng cả chợ nghĩ bán đi đưa .Trước nay chưa ai được đưa đông như vậy .Nói gì con khùng như Thu.Nhiều bà , nhiều cô nhắc những kỷ niệm về Thu trong tiếng sục sùi .Trong tiếng kệ kinh của những vị sư họ cầu mong Thu khùng có một kiếp người khác tốt hơn.Bởi Thu khùng khi còn sống Thu chưa từng gian dối hay làm hại ai . Họ cùng nhau nói về những gì mình biết về Thu khùng .Những vấn đề liên quan trong đời sống có phần bí mật của Thu.

Nhưng có một điều không một ai biết trừ Thu là khi thằng Sang đá banh với lũ bạn Thu khùng đã trông thấy rất rõ cái bớt màu đỏ ngay dưới be sườn trái của Sang .Đứa con trai bị mất của Thu vào mười hai năm trước có một cái như thế. Thằng Sang năm nay cũng vừa đúng mười hai tuổi.

Ngoài kia mây trắng bay bay .... ngày mai trời chắc có nhiều nắng.

Song Nhi




<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.03.2013 19:58:32 bởi songnhi >
Attached Image(s)
#1
    songnhi 09.09.2011 17:23:41 (permalink)
            Chị Hai Cua Đồng

                           Vùng quê nhỏ bé nằm bên bờ sông Tiền này được thiên nhiên ưu đãi về địa thế. Cây trái và đồng ruộng do phù sa bù đắp quanh năm thành một vùng trù phú. Nơi đây người ta không cần biết đến địa chỉ vẫn có thể tìm được nhà nhau một cách dể dàng bằng phương thức hỏi thăm tên.

                           Vì thế khi hỏi nhà Hai Cua Đồng thì sẽ có ngay một cậu nhóc dẫn bạn đến tận nhà. Không phải chị Hai là người nổi tiếng hay giàu có gì, thậm chí chị khá nghèo so với những người khác và hình thức thì cũng không hơn ai. Không nhiều người biết tên thật của chị nên ngày từ nhỏ, khi chị chuyên đi bắt cua bán cho mấy bà bún riêu ở chợ, cái tên Hai Cua Đồng có từ đó.

     
                        Theo lời bà Tư kể thì chị hai khi còn nhỏ là đứa trẻ nhìn xinh xắn như bao đứa con nít khác. Rồi nhà chị xảy ra hoả hoạn, ba chị mất mạng, chị cũng bị lửa táp phỏng nặng. Sau đó di chứng xảy ra khiến chị bị nhiều vết sẹo lớn và chân rút gân khiến dáng đi của chị không bình thường, ngay thẳng như người khác. Năm chị mười lăm tuổi, má chị qua đời bởi nhiều năm đau bệnh, bỏ chị trơ trọi trên cõi đời với mái nhà xiêu vẹo. Tùy hình dáng xấu xí làm nhiều đứa con nít khác khiếp sợ và trải qua nhiều biến cố như thế nhưng chị Hai không lấy làm buồn phiền. Ai cũng nhìn nhận chị là người tốt với chòm xóm, nhà ai có chuyện, chị tới giúp như người nhà của mình.
                                Năm chị 27 tuổi, buổi chiều như bao ngày chị đi bắt cua về rồi đem giao cho mấy bà ở chợ. Nhưng khi trở về nhà vào chập choạng tối, ngang qua khu nghĩa địa, chị nghe tiếng con nít khóc. Chị sởn cả tóc gáy khi nhớ đến những câu chuyện bà con kể quanh nghĩa địa này và thầm nghĩ lẽ nào có ma... Chị cố gắng bước nhanh. Tiếng con nít vẫn vọng theo gió kéo bước chân chị. Chị đắn đo "lý nào sớm vậy có ma" . Ma có nhát ai chứ làm sao dám nhát chị bởi chị còn xấu hơn nó kia mà. Hay là tiếng mèo hoang kêu rồi thần hồn nát thần tính nhưng lỡ đó là con nít thật thì sao?

     
                               Đắn đo mãi, cuối cùng chị quyết định bước vào nghĩa địa và lắng nghe xem tiếng khóc phát ra từ đâu. Chị đã định được hướng và đi về phía chòm mả của ông Cả Thượng được xây kiên cố, khang trang ở một góc nghĩa địa. Ngay giữa chòm mả ấy có một đống vải trơ trọi và tiếng khóc phát ra từ đó. Chị Hai rón rén bước đến với sự sợ sệt. Trời chập choạng tối, ở giữa nghĩa địa vắng vẻ cộng với tiếng trẻ con khóc khiến khung cảnh có cái gì đó ma quái làm chị nổi cả gai ốc.
    Gom hết can đảm, chị Hai thò tay vào đống vải ấy, khi chạm được cái khối thịt tuy có phần lạnh nhưng chị Hai xác định đó là da thịt con người chứ chẳng phải ma quái. Điều đó khiến chị mạnh dạn và giở những lớp vải phía trên ra. Đúng như chị nghi ngờ, chính giữa là một đứa con nít đang bị kiến bu cắn đỏ cả người, có lẽ nó khóc từ lâu lắm nên tiếng khóc bắt đầu khàn đặc. Chị phủi kiến và cứ như thế ôm nó đi về nhà.
                 
                               Nghe tin chị Hai nhặt được đứa con nít ở chòm mả một cách kỳ lạ như vậy, người ta kéo lại chật cái chòi của chị. Vài bà dì thương xót, phụ chị ủ, ẵm, pha sữa cho nó... Theo kinh nghiệm của họ, thằng bé sinh ra chưa tới một tháng. Đôi người đoán non, đoán già, ai mà bỏ con chắc cũng có nỗi khổ. Người thì rủa kẻ nào ác đức, "núm ruột" mà còn đem bỏ, nhỡ chị Hai không tới kịp, nó chết thì sao?
     
                                Duy có chị Hai không bàn tán cũng chẳng ý kiến gì, chị ngồi yên lặng bên cạnh thằng bé, rờ nhẹ cánh tay của nó như sợ làm nó đau. Nhìn vết kiến lửa cắn chưa phai, chị ứa nước mắt .

                                 Vốn đã nghèo, chị Hai tự nhiên "được thêm" cái khổ. Bởi chị ăn hà tiện được nhưng sữa cho thằng bé thì hà tiện làm sao? Bị cái tật ở chân, chị đi đứng đã khó khăn, còn ẵm thêm thằng bé. Nhiều người lắc đầu xót thầm cho chị. Bây giờ chị Hai kiêm luôn cái nghề lượm ve chai. Thấy cái gì có thể bán được, chị nhặt nhạnh đem về. Bà con thương chị, có cái nồi nhôm bể, hũ. lọ... cũng kêu chị để cho. Coi như cách phụ chị nuôi con bởi bà con ai cũng nghèo chứ khá giả gì đâu.

                          Vất vả, thiếu thốn là thế nhưng thằng bé bụ bẫm, ít bệnh vặt. Trộm vía trời thương nó, nó háo sữa và lớn lên thấy rõ. Năm nó giáp thôi nôi có ông người Hoa ở xóm chợ nhà toàn con gái, không con trai nên ngỏ ý muốn xin nó làm con. Ông hứa nếu chị Hai đồng ý, ông cho chị Hai tiền đủ mua ba công đất hẳn hoi.
     
                                Nhiều người khuyên chị nên cho nó đi đỡ khổ thân chị, thân nó cũng hưởng sung sướng. Ba công đất đâu có ít ỏi gì. Với người như chị Hai, đó là niềm mơ ước. Nhưng chị Hai không giải thích hay trả lời gì, chị chỉ lắc đầu khi nhìn nụ cười của nó.
                                       Năm tháng trôi qua, thằng bé tới tuổi đi học. Chị Hai càng chồng chất vất vả, chị làm không ngừng tay. Miếng đất nhỏ sau nhà chị biến thành vườn rau. Gà gáy sáng, chị đã ra đó. Có lẽ thấu hiểu lòng chị, thằng bé Hải (tên chị đặt cho nó) học rất giỏi. Ngoài giờ học, nó không chạy giỡn như bao đứa trẻ khác. Chị đi đâu, nó theo đó như bóng với hình. Chị làm gì, nó cũng phụ.

                                Năm nó mười một tuổi được lãnh thưởng học sinh giỏi toàn trường cuối cấp. Chị Hai nghỉ bắt cua một bữa, diện cái áo mới nhất đi coi con nhận thưởng. Nhìn nó đứng trên bục cao mà chị thầm hạnh phúc. Chị nghĩ không biết nó có nhận ra chị giữa đám người lố nhố thế này không?

                   Buổi lể tan, nó ôm phần thưởng chạy ào tới chị, hỏi :

     - Má đứng lâu mệt không má.

                    Chị lắc đầu cười, lau mồ hôi trên trán rồi lật đật lấy chai nước đem theo đưa cho nó uống. Sau lưng chị có tiếng xì xào:

     - Thằng nhỏ trắng trẻo, lớn con đẹp trai mà má nó nhìn thấy ghê vậy? Đúng là mẹ cú đẻ con tiên.

                        Một tiếng khác đáp lời:

    - Con đâu mà con, lượm đó. Bà̉ làm gì mà đẻ được vậy. Thằng nhỏ vô phước, xui khiến gặp bà sống khổ muốn chết. Gặp người khác thì đỡ chút.

    Chị hai bủn rủn tay chân, nụ cười tắt hẳn, chị nói với thằng Hải :

    - Trễ rồi, về thôi con, má còn nhổ đám rau chiều nay.

                           Đang đi, thằng Hải chợt hỏi chị:

    -Má, người ta nói má lượm con phải không má?

                           Điều chị hai sợ nhất cuối cùng đã xảy vào lúc này. Chị đã biết trước có ngày này nhưng không ngờ nó sớm thế.

    - Chị chảy nước mắt gật đầu.

                             Thằng Hải hỏi chị tiếp:

    - Má con là ai, sao bỏ con hả má?

                               Chị hai lắc đầu nói trong nước mắt:
    - Má không biết... Nhưng má biết má thương con hơn mọi thứ trên đời.

                             Thằng Hải cắn môi im lặng rồi hỏi tiếp:

    - Sao má khóc vậy má?

                                Chị lấy tay áo lau nước mắt nói:

    - Con lãnh thưởng, má mừng, má khóc, ráng học cho sau này đỡ khổ, nghe con. Đừng có dốt, không biết chữ như má, cực khổ.

                               Thằng Hải nhìn mặt chị nói một cách mạnh dạn:

    - Má đừng buồn, đừng khóc nữa má. Con lớn, con đi làm kiếm tiền, cất nhà đẹp cho má ở nghe má.

    Chị xoa đầu nó cười...

                                                     (Còn tiếp.....)
     
    http://ngoisao.net/tin-tuc/sach-hay/2011/09/chi-hai-cua-dong-176284/






    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.09.2011 17:58:35 bởi songnhi >
    Attached Image(s)
    #2
      songnhi 09.09.2011 17:36:15 (permalink)


                 Chị Hai Cua Đồng (2)

                                 Học hết cấp hai ở xã, Hải phải lên thị trấn đi học vì xã không có trường trung học. Từ thị trấn về nhà hết tám cây số, thương con, chị Hai kêu nó ở trọ trong ký túc xá, để khỏi phải đạp xe hằng ngày vất vả. Nó kiên quyết lắc đầu.

                               Ngày hai buổi, nắng hay mưa, nó cũng đạp xe đi về như thế. Ngoài giờ học, công việc vườn rau nó làm thay chị. Nhưng năm nào nó cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hàng xóm hay lấy nó làm gương cho con mình.

                                  Người ta mừng cho chị có chỗ dựa an ủi tuổi già. Nó không cho chị bắt cua nữa nhưng những buổi sáng nó đi học, chị vẫn lén lút đi. Chị muốn chắt bóp thêm để cho nó ăn học bởi chị nghe người ta bảo, học trên Sài Gòn tốn kém lắm.
                                   Sáng hôm nay, đầu xóm, tụi con nít "bu" lại, nhìn ngó chỉ trỏ một cái xe hơi đang đậu. Trong xe, ở băng ghế sau còn có một bà ăn bận thật đẹp, người cứ thơm phưng phức. Phía trước bên lề, có một bà kia đang hỏi lũ nhỏ nhà chị Hai Cua Đồng ở đâu chỉ giúp bà, bà cho tiền mua bánh. Gì chứ, chị Hai Cua Đồng, ai mà không biết, thế là lũ nhỏ nhao nhao chỉ trỏ. Một lát sau thì chiếc xe dừng trước nhà chị Hai. Bà kia nói với người đàn bà ngồi băng ghế sau:

      - Dạ em hỏi kỹ rồi bà chủ, không sai đâu. Cậu nhỏ bây giờ học lớp mười. Mười sáu tuổi ạ! Ở xóm này, ai cũng biết chị ấy lượm được con hết. Em đã điều tra rõ ràng rồi.

                             Người đàn bà đẹp thở dài, đưa khăn lên lau giọt nước mắt vừa tràn ra.

       

                                         Buổi trưa, thằng Hải đi học về nhà như thường lệ. Điều đập vào mắt nó là cái xe hơi đang đậu trước sân. Chưa hết ngạc nhiên, bước vào nhà, nó thấy má nó đang khóc. Kế bên có một người đàn bà lạ cũng đang sụt sùi. Bên bộ ván có một người đàn ông và một người đàn bà nữa đang ngồi. Khi nó bước vô nhà thì bà đó nói:

                 - Dạ, cậu Hải về kìa bà chủ.

                                      Nó cởi nón, gật đầu chào theo thông lệ và hướng ánh mắt về chị Hai thay câu hỏi ai vậy. Bởi xưa giờ, trừ người ta đến mua rau nhà nó, có khách bao giờ đâu mà mua rau cũng đâu ai sang trọng vậy.

                             Chị Hai kêu nó:

      - Đi rửa mặt cho mát rồi vô má biểu.

                               Khi nó trở vô, chị kéo nó ngồi xuống kế bên nói:

      - Dì này là má ruột của con đó. Má ruột của con tìm con vất vả lắm! Lại gọi má đi con...

      Nói tới đó thì chị Hai nghẹn lời vì nước mắt.

      Người đàn bà kia òa khóc lớn và nắm tay nó nói :

      - Má xin lỗi con, không phải má bỏ con đâu. Bao năm nay má ăn không yên, ngủ không ngon, kiếm tìm con...

                              Thằng Hải nghe như đất dưới chân nó sụt xuống vậy. Dù từ lâu, nó hiểu nó không do chị Hai sinh ra nhưng nó không ngờ rằng má ruột đến tìm nó trong hoàn cảnh này. Trong lơ mơ, giữa những đoạn kể đứt quãng vì nước mắt của người má ruột nó, nó nghe câu được câu mất là:

      - Má con nhà giàu, sống cùng cha và mẹ kế. Má thương ba con từ thời đi học nhưng ba con nhà nghèo. Bà mẹ kế muốn má lấy cháu ruột của bà ta vì gia sản của ông ngoại. Khi má sinh ra con, vì sợ ông ngoại, má phải giao con cho bà ta. Bà ta nói sẽ đưa con cho người khác nuôi giùm nhưng thật sự bà ấy sai người vứt con đi. Sau đó, cả gia đình ngoại con đi nước ngoài. Trời thương, cuối cùng ba má gặp lại nhau. Sau khi mẹ kế qua đời, ông ngoại con cũng hiểu ra, không ngăn cản như trước. Hiện con còn có thêm một đứa em trai nữa. Khó khăn lắm má mới tìm được tung tích con. Vì ông ngoại con bệnh già nên ba con không về cùng má được. Gặp lại con như vầy, ông ngoại với ba con mừng lắm! Con thương má, đừng trách má tội nghiệp.

                                Khi má ruột kể thằng Hải nghe như vậy, chị Hai tới cái tủ thờ, lục lọi gì đó. Khi nó quay qua hỏi chị Hai:

      - Như vầy là sao hả má?

                                   Chị Hai mếu máo, đúng rồi đó con, má con nói đúng, cái bớt son của con và cái lắc bạc đeo ở chân con. Khi má mang con về không cho ai biết bí mật này hết. Má gói giữ đây, định con lớn, giao cho con để con biết gốc tích của mình. Má con khổ bao năm nay rồi.

                                  Hải ngỡ ngàng sự thay đổi khi cuộc đời mình tự nhiên có thêm bà má, ba, em trai. Trước khi má ruột đi về, ba nói chuyện điện thoại với nó, bảo sẽ nhanh chóng đón nó qua đó cho trọn gia đình. Nó mừng vì mình có gia đình như bao người chứ không trơ trọi. Xóm làng ai cũng vui lây. Một bước sung sướng, con nhà giàu. Nhưng nhiều lần nó cũng dò ý chị Hai khi nó đi rồi chị làm sao? Nó hy vọng chị ngăn cản nó nhưng lần nào chị cũng nói:

      - Đi đi con cho có tương lai, qua đó được ăn học, đỡ cực khổ, sống với má mười mấy năm cực khổ rồi con. Ráng học thành người, trả hiếu má chưa muộn, má còn khỏe, má lo được, không sao hết con, còn chòm xóm bà con.

                                    Nó cũng yên tâm phần nào vì không thấy chị Hai buồn phiền gì hết. Nhưng có một lần, nó đi học về sớm, khi ra vườn, nó thấy chị Hai vừa tưới rau, vừa quệt nước mắt. Cái dáng xiêu vẹo của chị in trong trời chiều như một dấu chấm hỏi.

                               Má nó về, dẫn nó đi làm thủ tục. Sau khi đi tới đi lui cũng thở phào nhẹ nhõm khi cầm trên tay cái visa. Chiều ngày mai thì nó theo má về gia đình thật của mình. Nhưng sao nó không thấy vui hay háo hức như nó nghĩ. Ngược lại, nó thấy như nó đang đánh mất cái gì đó quý lắm! Nó ngồi trước sân, miên man suy nghĩ, nhìn ra cây xoài đang ra trái non. Nó thấy lại hình dáng ngày xưa của mình với má.

                                    Hai má con cùng trồng rau. Nó nhớ cái dáng xiêu vẹo khi má xách thùng nước, nhớ đôi tay má chai sần và đầy vết cua kẹp chứ không mềm mại, mát rượi như tay má ruột nó. Bỗng tiếng chị Hai vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của nó:

      - Ngồi chi ngoài đó gió lạnh đó con. Tranh thủ ngủ sớm, mai má con xuống đón sớm đó. Vô đây má có chút chuyện dặn con.

                Khi nó ngồi ngay ngắn trên bộ ván, chị Hai miệng nói, tay kéo cổ nó xuống:

      - Sợi dây chuyền này má tính để dành cho con sau này đi học, có cần thì dùng, bây giờ má nghĩ không cần nữa rồi. Má cho con làm kỷ niệm. Má biết má con dư giả nhưng vạn nhất, chuyện gì con cũng có cái phòng thân. Má nghe mấy dì ngoài chợ nói xứ đó lạnh lắm! Con nhớ cẩn thận sức khoẻ, con hay bị khò khè khi chuyển gió. Mới lại, về bên đó, ăn nói từ tốn, ngoan ngoãn cho người ta thương ha con. Cố gắng học nghe con...

                               Thằng Hải "nghe" vài giọt nước nhỏ lên cổ và giọng má đang nghẹn lại, nó biết má đang khóc. Nó an ủị:

      -Dạ, con biết rồi má. Nhưng sợi dây má giữ đi, phòng thân có mình má bên đây, lỡ má đau bệnh. Con đi vài năm, con về với má liền.

                               Miệng nói, tay nó lần muốn tháo sợi dây chuyền ra. Chị Hai giơ tay ngăn lại, nói tiếp:

      - Đừng lo cho má, từ đó tới giờ má cũng sống vậy. Má con có ngỏ ý gởi cho má số tiền ở trong ngân hàng phòng thân. Nhưng má bảo má không sao, để số đó lo cho con học hành. Giờ nhà mình cũng đâu khó khăn như xưa.

                                Sáng sớm, khi má ruột xuống đón Hải đi, bà con lại đến đưa tiễn, chúc nó lên đường bình an. Ai cũng ngỡ chị Hai sẽ khóc lóc nhưng trái với thông lệ, chị tươi cười vui vẻ, giống như thằng Hải đi học bao ngày chứ không phải là đi xa không biết bao lâu mới về. Khi xe chạy rồi, bà con ai về nhà nấy, chỉ còn duy nhất chị, chị ngồi bệt ngoài sân, dựa vô góc xoài nức nở khóc.

                        Xe Chạy tới Bình Chánh, ngoại ô Sài Gòn, má thằng Hải nói:

      - Chút về tới khách sạn, ăn xong, kiểm tra hành lý rồi má con mình ra sân bay. Con đừng lo cho má con nhiều. Má mang ơn chị ấy không hết, má không để chị ấy thiếu thốn hay thiệt thòi gì đâu. Mỗi năm, má sẽ gửi tiền để chị ấy không phải vất vả, con yên tâm đi, vài năm con về thăm chị ấy.

                                 Thằng Hải nhìn má nó rồi nói :

      - Má kêu xe dừng lại chút được không má? Con khát nước quá! Con muốn nghỉ mệt chút, con đi xe không quen.

                                   Xe tắp vô một cái quán võng bên lề. Sau khi uống nửa ly nước, thằng Hải tự nhiên xoay qua má nó, nói một hơi như sợ ai cướp lời nó:

      - Má... con không giận, không buồn gì má hết, con vui vì con biết hồi xưa má không phải vứt con như con nghĩ. Gặp má, con mừng lắm bởi con có cội có nguồn. Con thương má nhiều vì con biết bao năm nay má tìm kiếm con vất vả, buồn rầu, lo lắng cho số phần con. Nhưng... con thương má của con hơn, má không có con, má còn có ba, có em. Còn má con có một mình con. Khi nào má con không còn nữa, con sẽ về bên má. Má... con xin lỗi má...

                              Trong khi má thằng Hải còn đang chưa biết phải làm sao trước sự cố bất ngờ vậy thì nó chạy ào qua thanh chắn phân cách hai làn xe...

      - Hải... Hải...

                               Nó đưa tay vẫy chiếc xe đò ngược chiều mà không thèm nhìn coi xe đi tỉnh nào, nó nhảy phóc lên xe. Xe chạy đi trước sự ngỡ ngàng của má nó bên kia lề và chú tài xế đang cố băng qua đường về phía nó.
                                                 
                                                        ***

                               Trời về chiều, những tia nắng từ hướng tây chiếu xuống cái sân trước nhà. Bếp núc lạnh tanh dù sáng giờ, chị Hai chưa có hạt cơm bỏ bụng. Chị ngồi trong góc bếp hàng mấy giờ đồng hồ. Chị muốn đứng dậy đi ra sau vườn làm gì đó nhưng tay chân chị bủn rủn, không có sức lực. Chị thầm nghĩ: giờ này chắc Hải đang ngồi trên máy bay như mấy bà ở chợ nói. Chị tự dặn lòng phải mừng cho con chứ, sao mà ngồi ủ rũ như vậy?
                                   Chợt chị nghe nhà trên có tiếng động, sợ con mèo mun nhảy lung tung như thường ngày, làm đổ bể cái gì, chị níu cây cột đứng lên, cố nheo mắt nhìn coi. Có cái bóng đen che ngang trước cửa nhà và tiếng thằng Hải gọi như bao lần đi học về:
      - Má ơi...
                                             Chị quỵ chân xuống, môi cười mà nước mắt tuôn như mưa. Ngoài sân, trời về chiều, gió ngoài sông thổi nhẹ từng cơn...
          
                                                           Song Nhi

      http://ngoisao.net/tin-tuc/sach-hay/2011/09/chi-hai-cua-dong-2-176294/


      <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.05.2012 15:29:15 bởi songnhi >
      Attached Image(s)
      #3
        thanhsingle 10.09.2011 23:06:32 (permalink)

        Trích đoạn: songnhi

        Thu Khùng
         
                      Ở  cái xóm chợ  vùng quê nhỏ bé này không ai  là không biết Thu khùng.
                          ...
                          ...
                          ...
                      Nhưng có một điều không một ai biết trừ Thu  là khi thằng Sang đá banh với lũ bạn Thu khùng đã trông thấy rất rõ cái bớt màu đỏ ngay dưới be sườn trái của Sang .Và con trai Thu ngày xưa cũng có một cái như thế....Thằng Sang năm nay cũng vừa đúng mười hai tuổi.
                                 Ngoài kia  mây trắng bay bay .... ngày mai trời chắc có nhiều nắng.

                                                                                 Song Nhi
                              



                          Người khùng tâm có điên đâu
                 Hiền lành làm lụng để hầu được ăn
                          Trách cứ ai tỉnh bình thường
                 Lợi dụng chiếm đoạt làm phường vô tâm
                          Thế nhưng nhân hậu song hành
                 Cho đến đã chết mặt vành nở hoa
                          Người đông đưa đám nói rơn
                  Mong rằng kiếp khác tốt hơn bây giờ
                          Nhận con ở dưới cữu tuyền
                  Dù rằng chút muộn nhưng truyền tâm thông.

        #4
          NgụyXưa 11.09.2011 00:32:46 (permalink)
          "Chị Hai Cua Đồng" đã được mang vào thư viện.
           
          Xin cám ơn tác giả Song Nhi.
          #5
            thanhsingle 11.09.2011 23:21:05 (permalink)
                 Chị Hai Cua Đồng

                          Vùng quê nhỏ bé nằm bên bờ sông Tiền này được thiên nhiên ưu đãi về địa thế. Cây trái và đồng ruộng do phù sa bù đắp quanh năm thành một vùng trù phú. Nơi đây người ta không cần biết đến địa chỉ vẫn có thể tìm được nhà nhau một cách dể dàng bằng phương thức hỏi thăm tên.
                  ...
                  ...
                  ...

                 - Má ơi...
                          Chị quỵ chân xuống, môi cười mà nước mắt tuôn như mưa. Ngoài sân, trời về chiều, gió ngoài sông thổi nhẹ từng cơn...
                 
                                                                  Song Nhi




                       Người hiền gặp rũi có may
               Được con dịu bớt cô đơn cay lòng
                     Tình mẹ con nghĩa ruột rà
               Không hề đánh đổi bởi ba đồng tiền
                     Sung sướng nhất là có con
               Dù thêm vất vã nhưng còn tình riêng
                     Thấy má cực nhọc sớm chiều
               Bé càng muốn học cho nhiều mẹ thương
                     Thật thà lòng vẫn thật thà
               Con đây mẹ lượm bên nhà người xa
                     Lòng yêu thương hướng thiện lành
               Nói với mẹ ruột câu thanh dịu lòng
                     Hành động theo hướng tâm mình
               Quay về với má bao tình thương yêu
                     Má cười mà nước mắt tuôn
               Con đã trở lại thêm nguồn sống dâng
                     Như Trời bù đắp ước mong
               Bao năm mệt nhọc đong đầy gần nhau.

            #6
              songnhi 23.09.2011 23:57:42 (permalink)
                     Lục Bình Trên Sông
                         



                            Cái tin Dung sẽ về vào tuần sau khiến xóm nhỏ cạnh triền sông này rộn ràng lên. Cũng dể hiểu thôi, xưa nay đâu có ai trong xóm đi nước ngoài như Dung, đi du học hẳn hoi nhé dù chỉ là một suất học bổng ngắn hạn 6 tháng
                                   
                               Ở vùng quê quanh năm quen với ruộng đồng, được như Dung cũng đáng là niềm hãnh diện của chòm xóm. Bà con chờ Dung về để hỏi xem bên ấy có như họ coi trên truyền hình mỗi tối không. Nhưng người mong chờ Dung nhất có lẽ là chị Hạnh đưa đò, con bác ruột của Dung. Từ ngày Dung đi, chị gỡ từng tờ lịch, trông ngóng từng ngày. Một tuần trước ngày Dung về, chị gần như chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ mỗi đêm. Có nhiều lần, nửa khuya, chị ngồi trước cửa nhìn xuống con sông sáng lấp lánh dưới ánh trăng trước nhà, thở dài từng tiếng nao lòng.
                                            
                                  Mười mấy năm trước, khi Dung còn là con bé gầy nhom hay nhõng nhẽo vòi vĩnh, chị đã quen với anh Thanh ở cuối xóm gần nhà Dung. Dung biết chứ bởi con bé chính là người mang thư giúp hai người. Nhiều lần chị Hạnh lấy cớ dẫn Dung đi chơi, thật ra là hẹn anh Thanh. Chị Hạnh yêu anh Thanh - con bác Sang từ lâu lắm, từ thời tóc chị dày và đen mượt. Nhưng cha mẹ chị không đồng ý gả chị cho một người hồi xưa từng xuất thân là ''người ở'' trong gia đình.
                                             
                             Nghe đâu ngày xưa mẹ anh Thanh đã từ chối tình yêu của ba chị Hạnh. Con gái một ông chủ đất mà đi yêu và lấy ba anh Thanh - một người không mảnh đất cắ́m dùi. Và khi sinh anh Thanh, bà mất do chứng hậu sản. Bởi thế, ba chị Hạnh rất ghét cha con anh Thanh. Ông cho là vì họ mà người ông yêu phải khổ, phải chết. Còn ba anh Thanh sau khi vợ chết sáng xỉn chiều say, vùi nửa đời vào men rượu, di chứng là căn bệnh dạ dày và phổi đang hành hạ ông những ngày xế chiều. Một mình anh Thanh gánh vác chuyện nhà từ nhỏ. Anh Thanh hiền lành, học giỏi nhất nhì trên trường nên xóm làng, bà con ai cũng quý, cũng thương.

                                   Khi ba chị Hạnh hỏi cọ́ phải đang qua lại với anh Thanh hay không, chị cúi đầu thay cho câu trả lời, ông đã ném cái chén trà thẳng vào đầu chị tứa máu. Cũng vì yêu anh mà chị không được đi học tiếp và bị ba cắt trụi mái tóc thay lời cảnh cáo. Anh Thanh cũng phải chịu không biết bao cay đắng vì yêu chị. Người ta cho là anh không an phận trèo cao, nghèo nhất vùng mà đem lòng yêu cô gái nổi bật nhất vùng. Từ bé, Dung đã thương hai người như anh chị. Dung từng tức giận đến nỗi núp ở bụi rậm chọi sình lén vào những người mà con bé cho là bức áp anh chị. Hậu quả Dung bị nhiều trận đòn từ mẹ vì cái lý do ngỗ nghịch ấy.

                                           Dung còn nhớ ngày chị Hạnh nhờ nhắn giúp anh Thanh. Khi đứng canh cho hai người nói chuyện trong chòi giữ lúa nhà mình, Dung nhớ chị khóc nức nở trong khi anh Thanh cũng ôm lấy chị mắt đỏ hoe. Hình như chị thề thốt gì đó với anh kiếp này. Dung không đủ lớn để hiểu chuyện gì xảy ra nhưng nghe được chuyện là họ hẹn trốn với nhau. Sau hôm đó, Dung chẳng biết nhà chị Hạnh đã xảy ra chuyện gì, chỉ thấy xóm làng rộn lên khi chị gởi thiệp cưới. Tên chú rể là con trai ông chủ nhà máy gạo, nhà ở đầu xóm trên con sông. Nổi tiếng về giàu có và lêu lổng. Một lần ở Sài Gòn về thăm nhà, hắn tình cờ gặp chị và từ đó quyết tâm theo đuổi chị. Thậm chí nhiều lần đón đường chọc ghẹo chị.

                                     Dung không còn được gặp chị từ hôm ấy mà hình như không ai được gặp chị thì phải. Chị bị nhốt ở trong phòng, không cho ra ngoài nửa bước. Dung đã nhiều lần cố vào gặp chị theo ý muốn của anh Thanh nhưng chẳng tài nào gặp được. Còn hai ngày nữa là đến ngày cưới, nhà trên, nhà dưới rộn rã nói cười.
              Nhà dưới thì mấy bà mấy chị tính toán để chuẩn bị lo nấu nướng xôn xao. Nhà trên thì đàn ông, thanh niên quét mạng nhện, đánh lại bộ lư đồng, dọn dẹp bàn thờ tổ tiên. Người nói đàng trai giàu, chị có phúc. Người nói chị phải xứng được như thế. Ngày đó, Dung mới gặp được chị. Cũng như bao lần chị nhờ Dung chuyển mảnh giấy cho anh Thanh, chị chảy nước mắt khi dặn Dung:

              - Chị sống chết gì cũng nhờ vào tờ giấy này, em nhớ cẩn thận, đừng cho ai biết, nhất là nhà chị.

                                            Khi Dung đến nhà anh Thanh đưa mảnh giấy, anh không viết trả lời như bao lần khác. Dung chỉ thấy thái dương anh giật giật khi xé tờ giấy quăng ra sau hè, mắt đỏ hoe. Với cái giọng cương quyết, anh dặn Dung về nói với chị, anh nhận được thư rồi và sẽ y như thế. Trong nhà, ba anh vẫn ho từng cơn không dứt.

                                       Nửa đêm hôm đó, khi chị Hạnh leo khỏi nhà bằng lối cửa sổ, vừa chạm chân xuống đất thì ba chị đã đứng lù lù phía sau lưng. Nhìn bộ dạng và gói quần áo, ông dễ dàng đoán ra chị định bỏ trốn. Thường ngày, ắt chị phải bị một trận đòn nhưng ba chị lần này không nói không rằng nắm cánh tay chị lôi xềnh xệch vô phòng, nét mặt ông đanh lại.

              Tiếng ông gầm lên sau cánh cửa đã đóng:

              - Mày đang làm cái trò gì thế? Mày định bôi tro trét trấu lên mặt cha mẹ mày hả? Mày trả hiếu cha mẹ mày vậy sao? Nhà này phải tội gì mà cứ nợ cha con nhà khố rách áo ôm đó? Tao đi đốt cái chòi của cha con nó ngay bây giờ cho mày xem. Tao không cho cha con nó sống yên ổn lấy một ngày cho mày vừa lòng.
                                
                                          Có tiếng đồ vật đổ ngã và hình như có cái bóng ôm lấy chân ông kèm theo tiếng nức nở van xin của chị Hạnh:

              - Con lạy ba, ba thương giùm con, ba nói gì con cũng nghe hết. Con không trốn, con lấy chồng theo ý ba. Xin ba tha cho cha con họ. Con lạy ba. Nếu không, con đập đầu con chết liền ở đây.

                                        Sau đó, ba chị Hạnh ra khỏi phòng và quay trở lại với sợi xích, xích chân chị vô giường. Má chị từ bên ngoài về, vội khóc lóc van nài ông đừng làm như thế. Ông còn dọa sẽ đốt nhà cho cả gia đình đều chết nếu chị làm ông mất mặt với xóm làng. Cuối cùng, hôn lễ cũng diễn ra tốt đẹp, cô dâu vẫn bước lên chiếc xe kết đầy bông hoa với hàng nước mắt không ngừng tuôn và mẹ chị lý giải con gái nào đi lấy chồng mà chả khóc lóc.

                                        Đưa dâu đi rồi, hàng xóm mới phát hiện ra một chuyện là cha con anh Thanh tự nhiên biến mất như chưa từng hiện diện ở cái xóm nhỏ này. Nhà cửa, đồ vật còn đó, chỉ không thấy anh và ba anh. Người ta đoán chắc anh buồn chuyện chị Hạnh nên bỏ xứ đi. Vài người thương xót mối duyên của hai người cũng chỉ biết lắc đầu nhè nhẹ. Từ đó về sau không ai biết được tin tức gì về họ vì họ cũng không còn ai thân thích ở cái xứ này...
               
              (Còn tiếp...)
               
              http://ngoisao.net/tin-tuc/sach-hay/2011/09/luc-binh-tren-song-177826/


              <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.09.2011 00:01:58 bởi songnhi >
              #7
                songnhi 24.09.2011 22:44:35 (permalink)
                                 Lục Bình Trên Sông(2)
                 
                                             
                                   
                                         
                              Đêm đầu tiên chị Hạnh về nhà chồng là căn nhà sàn ở cạnh mé sông của ba má chồng cho riêng con trai họ. Chồng chị vẫn nhậu nhẹt với đám bạn ở Sài Gòn, còn chị mệt mỏi sau bao nhiêu ngày, cộng thêm tiếng nước sông vỗ bờ êm êm nên chị ngồi trên giường dựa lưng vào tường thiu thiu ngủ.
                                          Chợt có bàn tay sờ soạng trên người chị và mùi rượu nồng nặc phả vào mặt khiến chị hốt hoảng choàng tỉnh. Theo phản xạ, chị hất tay ra và co rúm người lại. Bàn tay vẫn chờn vờn trước ngực chị khiến chị hoảng sợ hất mạnh thêm một lần, có tiếng người ngã nhào xuống giường. Tức thì, chị Hạnh nhận được hai cái bạt tay như trời giáng chảy cả máu mũi kèm theo câu rít:

                               - Chẳng qua tao đang gặp vận xui thua bạc cả năm nay muốn ngủ với mày xả xui chứ tưởng quý báu lắm sao? Cưới mày chủ yếu là cho ông bà già vui bụng, vừa ý, chịu chi ra mớ tiền nữa mà thôi. Ngoan ngoãn đi, còn không thì no đòn với ông.
                 
                                   Hắn ghì lấy chị như con thú say mồi. Chị giãy giụa thì hắn đấm vào người chị. Khi hắn xé một bên ngực áo, chị gom hết sức của mình tống cho hắn một đạp té ra sàn nhà. Trong khi hắn đang lồm cồm bò dậy, chị nhào xuống chụp cái ghế ở cạnh bàn phấn đập mạnh vào thanh cửa sổ bị khóa. Cửa sổ bung ra, chẳng thèm nhìn lại hay suy nghĩ một giây, chị nhảy ùm xuống dòng sông tối om.
                 
                                Tiếp giáp với nước sông, chị lại nhớ tới những gì vừa trải qua, chị buông xuôi, chìm dần vào làn nước. Trong mơ tỉnh giữa cái ranh giới sống chết khi dòng nước ôm lấy chị, chị vẫn tưởng như vòng tay anh những lần vỗ về. Bên tai chị văng vẳng lời anh nói "cả đời này chỉ yêu mình chị, ước mơ duy nhất trong đời của anh là đón chị về với đủ lễ gia tiên như bao người con gái khác" bởi chị xứng đáng được như thế.
                 
                                     Thế là bản năng sống trỗi dậy, vốn là con gái vùng sông nước, chị vùng vẫy nổi lên. Một đám lục bình lớn từ đâu trôi qua, chị bám lấy nương người vào nửa mê, nửa tỉnh bơi qua bên kia sông. Không ai hiểu làm sao mà chị có thể bơi qua con sông lớn như thế trong đêm hay phép lạ nào đó đã xảy ra... Trong bộ dạng lếch thếch, tả tơi, chị đi thẳng về nhà Dung. Trốn vào nhà chứa củi, chị nằm gục xuống mê man.
                 
                                       Đêm hôm đó, con chó Mực cứ sủa mãi ở nhà củi, mẹ Dung bèn thắp đèn ra xem. Mẹ Dung góa chồng, mẹ ở vậy nuôi Dung khi cha mất lúc Dung còn trong bụng. Họ hàng bên nội khá nể mặt mẹ. Tính mẹ được cho là dám ăn dám nói. Mẹ từng vác chổi rượt một ông xóm trên khi giả say tán tỉnh mẹ. Khi Dung bị lay dậy nửa đêm thì chị Hạnh đã được mẹ thay cho bộ quần áo khô và nằm trên giường, còn mẹ thì cạo gió cho chị.
                 
                                    Mẹ sai Dung giã nước gừng và nấu nồi xông, dặn là không được nói cho ai biết chị ̣đang ở đây. Nhìn khuôn mặt chị sưng húp, in hằn những ngón tay và những vết bầm đỏ trên người, mặt mẹ Dung đầy sắc giận dữ. Đêm hôm đó, trong cơn mê sảng, chị không ngớt la hét, khóc lóc kêu "anh đừng bỏ em"...
                 
                                           Nghe tin chị Hạnh nhảy sông ngay trong đêm tân hôn, cả xóm náo loạn đi mò xác nhưng không thấy. Mẹ chị ngất lên, ngất xuống oán trời, than đất. Ba chị ngồi im trên bộ trường kỷ nhìn ra sân cả tiếng đồng hồ không nói lời gì. Chỉ có Dung biết chị bị sốt và đang nằm ở trong phòng của mẹ mà thôi. Một tuần sau, khi chị hết bệnh và lúc cả xóm nghĩ chị chết mất xác thì một buổi sáng mẹ dặn Dung:

                                   - Chút con đi học về ghé qua nhà bác, thưa với bác là chiều nay mẹ lên nhà có chuyện nhờ hai bác.
                 
                                      Chiều hôm đó, mẹ dẫn chị Hạnh và Dung lên nhà bác. Dung lấp ló ngoài hàng cột ở bên hiên nghe trộm tiếng được tiếng mất. Dung nghe tiếng vỗ bàn rất mạnh của bác và sau đó là tiếng giận dữ của mẹ Dung:

                                     - Anh chị muốn giết con mình lần nữa hả?

                                    Sau câu nói đó thì bác trai hình như là im lặng và không nói gì nữa...
                Cuối cùng thì chị Hạnh được tự do sau khi trả lại sính lễ và bồi hoàn chi phí hôn lễ cho nhà trai. Chị cũng không còn ở nhà với ba má chị nữa. Chị không muốn ba má và em út bị dị nghị, điều tiếng. Chị một mình dọn đến ở căn nhà cũ của anh Thanh. Chị gây dựng lại mảnh vườn, dựng cái quán trước nhà làm bến đò nhỏ và mưu sinh bằng nghề đưa đò từ đấy. Ngay trên con sông chị từng hẹn hò người yêu và cũng chính con sông này chị đã bơi về trong đêm định mệnh ấy. Chị nói với mẹ Dung, chị không dám mong nối duyên gì với ai, chị chỉ muốn giữ lại mảnh đất để có chỗ mà ở. Nhưng Dung biết chị chờ anh nếu không thì tại sao chị sống một mình tới tận bây giờ dù biết bao người vẫn theo đuổi ch
                 
                                             Thời gian cứ như dòng sông êm ả lặng lẽ trôi, ngày ngày, chị vẫn đưa Dung qua sông đến trường. Thấm thoát thì hơn mười năm. Dung lớn lên, học hết cấp ba thì lên Sài Gòn học tiếp. Ngày Dung đi, chị giúi những "đồng bạc thấm mồ hôi" vào túi Dung, dặn Dung ráng học cho giỏi, mẹ Dung, chị sẽ chăm sóc thay cho. Chị vẫn đẹp mặn mà dù bao vất vả. Chị vẫn chờ và anh Thanh vẫn biền biệt không tin tức sống hay chết.
                 
                                            Dung còn nhớ vào trước ngày được nhận học bổng du học vài tháng, chị đột ngột lên Sài Gòn tìm. Dung hỏi chuyện gì mà chị phải lặn lội tới đây, giọng nói chị đứt quãng, mắt đỏ hoe:

                                - Chị biết anh Thanh còn sống và hiện ở một xứ sở xa xôi nào đó. Khoảng 5 năm trước, anh có gửi một lá thư về cho một người họ hàng bên mẹ anh ở xóm trên báo tin rằng ba anh đã mất từ lâu, anh cũng đã có gia đình, dặn họ đừng nói cho ai biết tin về anh, nhất là chị. Nhưng có một người là con dâu trong nhà đó vốn cùng xóm với chị, xót thương chị trông tin nên hôm nay khi vô tình thấy được cái thư lẩn trong đống giấy tờ cũ đã lén lấy và đưa nó cho chị.
                 
                                     Tay chị run run khi đưa thư cho Dung, hỏi Dung có biết nơi đó thế nào, ra sao không, có thể đi tới đó được không? Dung coi địa chỉ trên bì thư thì mừng muốn hét lên bởi đó là quốc gia Dung sắp đến học. Nhưng khoảng cách địa lý xa gần từ nơi Dung học tới chỗ anh thì Dung không biết. Dung hỏi chị tại sao không biên thư cho anh, bây giờ liên lạc dễ dàng, đâu như hồi xưa. Chị cúi mặt nói anh đã dặn trong thư rõ ràng không cho chị biết tin thì chị làm sao dám biên thư. Cái địa chỉ này đã 5 năm trước, biết anh còn ở nơi đó không?
                 
                                         Dung hứa với chị dù xa xôi thế nào, Dung cũng sẽ tìm đến anh, xem anh sống ra sao như ý chị. Chị dặn nếu anh đang sống cùng gia đình, có hỏi về chị thì nói chị đang sống bên nhà chồng cùng con cái, không được nói cho anh biết chị bây giờ sống một mình, chị sợ ảnh hưởng hạnh phúc của anh. Chị dặn Dung mà thỉnh thoảng lại đưa tay áo lau nước mắt. Dung thương chị lắm, mong sao có thể nhanh trả lời những thắc mắc của chị.
                 
                                         Khi ổn định việc học, Dung lập tức hỏi thăm bạn bè cách đi đến nơi anh ở. Sau khi tra danh ba,̣ Dung biết chắc anh vẫn còn sống nơi đó. May mắn là từ nhà anh tới nơi Dung học không xa lắm! Vì muốn biết rõ thực hư, Dung không hề liên lạc báo trước. Trưa chủ nhật, cô đến bấm chuông cửa nhà anh. Dung không cầm được nước mắt khi nhìn thấy anh. Mười mấy năm, anh thay đổi đến nỗi nếu gặp ở ngoài đường chắc Dung không nhận ra. Nhìn anh khắc khổ, tóc đã bạc phân nửa và điều Dung bất ngờ nhất là anh không phải đứng mà ngồi trên một chiếc xe lăn bằng điện.
                 
                                         Sau bao nhiêu chuyện xóm làng thì Dung nói chuyện chị. Nhưng Dung không giữ lời hứa với chị, Dung kể hết. Từ chuyện chị lao xuống sông trốn về nhà ngay đêm tân hôn đến chuyện chị vẫn vò võ chờ tin anh, chị sống ngay trong căn nhà cũ và cả chuyện chị nhờ Dung đến thăm anh. Dung kể hết bởi Dung nghĩ chị không việc gì phải chịu thêm nỗi đau nào nữa. Dung hỏi anh tại sao tự nhiên biến mất biền biệt như thế và sao anh thành nông nỗi như thế này?
                 
                ***
                 
                                        Vào ngày mà Dung trao tờ giấy chị hẹn anh tối nay đi trốn , thật ra mẹ chị đã theo dõi và bà cũng theo chân Dung tới nhà anh. Khi Dung tung tăng ra về, bà vào gặp anh, khóc lóc, van lạy anh. Bà nói anh hãy vì hạnh phúc của chị, lấy anh thì chị sẽ khổ cả một đời. Thêm vào tính chồng bà không dễ gì bỏ qua chuyện chị trốn theo anh. Bà xin anh hãy đi khỏi xứ ngay đêm nay, bà sẽ cho anh một số vốn để lập nghiệp nơi khác và ba anh có tiền để trị bệnh. Đúng ra, thông thường thì anh không bao giờ làm theo ý bà nhưng nhìn cha bệnh, mạng như ngọn đèn trước gió, bỏ trốn với chị, cha anh sẽ ra sao? Nói chi có thể trị bệnh cho ông nên cuối cùng anh đã nhận lời.
                 
                                       Anh dẫn cha xuống xuồng đi xứ khác ngay đêm với sự trợ giúp của một người thân tín của bà. Nhưng cuối cùng thì tất cả số tiền cũng không cứu được mạng ông. Cha chết, thất chí, anh theo nhóm người đi lao động. Đưa đẩy thế nào, anh sang đến đây, lập gia đình, cứ tưởng hạnh phúc đã mỉm cười. Nhưng một tai nạn lao động khiến anh chấn thương cột sống, liệt hẳn nửa thân người. Vợ anh ly dị như một điều tất yếu xảy ra. Hiện anh sống khá ổn cùng với khoản trợ cấp và một công việc bán thời gian nhẹ nhàng.
                 
                                        Nhìn anh kể, Dung đọc được trong mắt anh nỗi đau đáu về chị. Dung biết anh hẳn còn yêu chị lắm, nhất là khi nghe kể chị đang sống ra sao, Dung thấy mắt anh đầy nước. Trao anh lá thư của chị, Dung cho anh địa chỉ, kêu anh tự nói với chị những gì anh muốn nói. Dung không giúp chị nói dối anh nên cũng không muốn giúp anh nói dối chị, khi anh đề nghị đừng nói hiện trạng của anh cho chị biết, sợ chị buồn, lại khóc. Anh không muốn chị phải khổ vì mình nữa.
                 
                                            Khi Dung hỏi anh có nghĩ đến chuyện nối lại tình với chị không? Anh nói ngày xưa anh lỗi hẹn, đã "bán" tình yêu của chị để lấy khoản tiền từ mẹ chị. Dù là vì cha già nhưng lòng tự trọng không còn thì sao anh dám gặp chị. Ngày trước, khi vẹn nguyên, anh đã không về tìm chị mà đi cưới vợ. Bây giờ, anh đã ra như thế này, thôi thì cứ để chị giữ hình ảnh tốt đẹp về anh.
                 
                                       Trước ngày kết thúc khóa học một tuần, Dung có báo cho anh biết. Dung sẽ về Việt Nam vào tuần sau. Anh nhờ cô đến nhà đem ít quà về cho chị kèm một phong thư. Khi tiễn Dung ra cửa, anh nói:

                              - Anh biết kêu em nói dối là không đúng và em không chịu như thế.Nhưng xin em thương lấy chị, anh bây giờ chẳng thể bù đắp được gì ngay cả làm một người chồng. Chị vẫn còn kịp để có hạnh phúc mới. Lẽ nào em lại muốn chị khổ tiếp khi gắn chặt nửa đời còn lại với anh. Không phải sự thật nào cũng phải biết em ạ! Có những điều không nói vẫn tốt hơn. Em lớn rồi em hiểu phải không?
                 
                ***
                 
                                         Ngày Dung về cũng tới, chị đón Dung ngay ở bến sông. Khi lên bờ, Dung trao cho chị gói quà nói anh gửi, nói anh vẫn còn sống, khoẻ mạnh và anh có thư cho chị. Dung thấy má chị ửng hồng, mắt long lanh như mười mấy năm về trước. Buổi chiều, Dung lại đi bộ sang nhạ̀, thấy chị ngồi giữa đám bông bí vàng đang trổ nhìn mông lung, Dung kêu đến tiếng thứ ba, chị mới giật mình. Chị bảo phải đi cắt lục bình về cho đám heo và lũ vịt háu ăn.
                 
                              Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ cắm sào gần mép nước, Dung hỏi:

                      - Heo chị nuôi hồi nào lớn vậy, mà nuôi chi nhiều vậy chị, sao chị làm hết được công việc?
                                        
                                         Chị trả lời :

                       - Hồi em đi bên đó, chị bắt mấy con về nuôi cùng bầy vịt. Chị tính cuối năm chị bán rồi gom luôn khoảng tiền chị để dành, chị sửa cái nhà cho nó khang trang hơn.

                                          Tiếng của Dung nói tiếp:

                       - Nhà vầy sửa gì nữa chị? Chị mới cất ba năm trước thôi mà.

                                            Tiếng chị nhẹ như gió:

                       - Chị tính sửa thêm cho anh Thành có về... à không, có dẫn gia đình về thì có chỗ tốt hơn để ở.

                                              Dung không ngăn nổi sự tò mò trong lòng hỏi dồn:

                        - Trong thư anh nói sao, anh nói anh về hả chị?

                                            Chị im lặng, cúi mặt xuống đưa liềm cắt đám lục bình...
                 
                                                Biết mình lỡ lời, Dung cũng im lặng. Dung đưa tay níu một đám lục bình lớn vừa trôi ngang. Tự dưng trong Dung miên man một câu hỏi: "Trong đám lục bình này có đám lục bình nào ngày xưa chị đã nương thân bơi về nhà trong đêm không? Đám lục bình này có lớn bằng đám đó không?".
                 
                                                     Chợt Dung nghe tiếng cái liềm rơi trên xuồng. Dung xoay lại nhìn thì chị Hạnh đã quăng cái liềm giữa lòng xuồng, hai tay chị ôm mặt khóc nức nở. Dung chưa biết chuyện gì xảy ra, chị đã nói trong tiếng nấc:
                 
                                  - Chị biết chị là kẻ vong phụ, ngày xưa chị không đến nơi hẹn như đã hứa nên anh oán chị. Chị đâu có dám mong nối tình. Chị biết chị bị tiếng chồng bỏ, chị cũng không muốn anh mang tiếng thị phi gì, chỉ muốn được nhìn anh lại một lần. Vậy mà anh cũng nỡ khước từ. Anh nói có gia đình hạnh phúc, anh không muốn gặp chị, không bao giờ anh trở về nữa, chị quên anh đi. Lúc em chưa về, chị còn hy vọng mơ mộng có một đứa con với anh để an ủi những tháng ngày còn lại. Chị thiệt là không biết xấu hổ cho thân phận mình...
                 
                                 Dung chạy lại ôm lấy chị. Nhìn đôi vai nhỏ của chị run lên từng hồi, vài sợi tóc bay bay theo gió, Dung muốn nói với chị: "Thật ra đêm đó không ai đến nơi hẹn và những gì anh nói với chị trong thư đều là giả. Anh thương chị biết bao".Nhưng những lời anh nói với Dung hiện lên trong đầu như chặn ngang cổ họng Dung lại.
                 
                                     Nước mắt chị ước đẫm vai áo Dung chị nói trong tiếng nấc ngắc quãng:

                            - Sao ngày xưa chị còn bám vô đám lục bình làm chi? Không buông tay chết luôn cho rồi. Chị còn chờ cái gì đây, chị sống để làm gì đây?

                                Dung ôm chặt lấy chị hơn, không biết phải trả lời hay an ủi chị ra sao.Mắt Dung nhìn ra khoảng sông mênh mông sóng nước.
                 
                                            Trời chạng vạng tối, lục bình lặng lẽ trôi kín cả mặt sông...
                 
                                                             Song Nhi
                 
                http://ngoisao.net/tin-tuc/sach-hay/2011/09/luc-binh-tren-song-2-177834/
                 
                 
                 
                #8
                  NgụyXưa 25.09.2011 10:52:07 (permalink)
                  "Lục Bình Trên Sông" đã được mang vào thư viện.
                   
                  Xin cám ơn tác giả.
                  #9
                    songnhi 03.10.2011 20:25:58 (permalink)

                    Trích đoạn: NgụyXưa

                    "Lục Bình Trên Sông" đã được mang vào thư viện.

                    Xin cám ơn tác giả.

                     
                    Cám ơn (anh / chú )Ngụy  Xưa .Chúc (anh/chú) có một tuần an lành , công việc thuận lợi.
                     
                    #10
                      songnhi 03.10.2011 20:40:17 (permalink)
                      Cả Nhà Thương Nhau

                       


                                                 Cả Nhà Thương Nhau
                       


                                                 Ngày anh gặp chị tại công ty một người bạn, ngay cái nhìn đầu tiên, anh đã tin rằng chị sinh ra là để dành riêng cho anh. Sau một năm theo đuổi, chị nhận lời làm vợ anh.
                                   
                                           Ở tuổi 30, anh có sự nghiệp phát triển, cuộc sống ổn định, cô vợ kém anh sáu tuổi hiền lành, xinh xắn, nhiều người ghen tị. Sống với nhau, anh càng biết mình không chọn sai. Chị giỏi giang, hiểu biết và nhất mực yêu anh. Hạnh phúc hẳn sẽ trọn vẹn hơn nếu nhà anh có thêm tiếng cười trẻ con như bao gia đình khác.
                       
                                             Đằng này, sau 4 năm, anh chị vẫn không có đứa con nào. Lúc đầu, cứ nghĩ do muộn con và thích thuận theo tự nhiên, anh chị cũng không để ý. Đến khi gia đình hai bên bóng gió nhắc nhở, anh chị mới quan tâm.

                                               Một đêm, chị đề nghị anh đến bác sĩ với chị. Chị rụt rè nói đã đi khám và bác sĩ bảo chị hoàn toàn khoẻ mạnh để thực hiện thiên chức làm mẹ. Đối với một người đàn ông, không gì khổ sở hơn là đụng đến cái vấn đề tế nhị ấy, nói chi đến bác sĩ nhưng thương chị, anh quyết định đi. Hôm nghe bác sĩ nói kết quả kiểm tra, anh gần như muốn té ngã dù đang ngồi vững trên ghế. Anh bị vô sinh do di chứng căn bệnh quai bị mắc phải khi còn nhỏ. Dù anh vẫn là người đàn ông đúng nghĩa trong đời sống vợ chồng.

                                                  Rời khỏi bệnh viện, anh đi thẳng về văn phòng, khóa chốt cửa và ngồi rít thuốc liên tục. Hết giờ làm việc, thay vì về nhà như thông lệ, anh đi thẳng tới quán bar. Gần sáng mới về và bắt gặp chị ngủ gục ngay bên bàn ăn trong nhà bếp. Sau đó, chị không hề hỏi hay nhắc gì về vấn đề xét nghiệm nhưng anh biết rõ chị vốn là người tinh tế xưa nay. Mây đen bắt đầu phủ xuống tổ ấm của anh. Khi ai vô tình hỏi đến con cái, anh nghe như mình đang là kẻ tội đồ.

                                                     Một hôm, tình cờ tới đón chị sau giờ làm việc, anh bắt gặp cảnh chị đang chơi đùa, nựng nịu một đứa bé, con của đồng nghiệp, trong anh nổi lên suy nghĩ tự ti là tại sao chị phải thiệt thòi nhiều như vậy khi sống với anh? Và anh đề nghị ly dị, mặc cho chị không đồng ý. Cuối cùng, để tránh né những giọt nước mắt và cái lắc đầu cương quyết của chị. Anh lấy cớ muốn học nâng cao, đăng ký một chương trình du học hai năm và đi ngay mà không màng phản ứng của chị.

                                                 Hơn một năm trôi qua, anh chẳng thèm liên lạc, thậm chí không nghe điện thoại của chị. Sau những giờ học và làm việc, anh vùi đầu vào bia rượu để xóa đi nỗi nhớ về vợ. Đêm hôm đó, sau một trận nhậu cuối tuần với bạn bè, anh lái xe về chỗ ở khi kim đồng hồ chỉ gần ba giờ sáng. Anh gặp chị đang tựa đầu trên cái vali dựa vô cánh cửa phòng anh ngủ ngon lành. Ánh đèn đường hắt vào gương mặ̣t xanh xao, đầy bụi đường của chị. Anh không cầm lòng được ôm lấy chị. Chị tỉnh giấc, anh "nghe" nước mắt chị ướt vai áo mình, chị nói trong tiếng nấc:

                      - Con cái chỉ là một phần hạnh phúc, không phải yếu tố chính để có hạnh phúc. Em không cần con cái gì hết, không có, em cũng không sao. Nhưng không có anh, em không có hạnh phúc và không biết sống ra sao? Xin anh đừng làm khổ nhau nữa, đừng bỏ em.

                                                      Anh siết chặt chị hơn và gật đầu...

                                                      Bốn năm nữa lại trôi qua, anh và chị vẫn sống hạnh phúc. Không bận bịu con cái cũng có cái thú vị của nó, hai người cứ như vợ chồng son, đi đâu cũng có nhau. Nhiều lần, anh và nhiều người gợi ý chị hay là nhờ đến y học hoặc xin con nuôi. Chị nói cả đời chị chỉ sinh con của anh mà thôi, nếu trời không cho thì chị đành chịu. Con nuôi, chị chưa nghĩ đến, cứ thong thả. Chị sợ anh buồn, sợ khơi gợi vết tự ái trong anh. Anh càng yêu thương chị hơn.
                       
                                                     Cách sáu tháng trước, chị nói với anh, phải đi công tác một tuần. Sau khi chị đi, một lần, vào buổi ăn trưa ở quán cơm văn phòng quen thuộc, anh gặp Loan - cô nhân viên của công ty chị. Loan nhanh nhẩu tới chào anh và hỏi:

                      - Chị khoẻ chưa anh? Thiệt ngại quá, không qua thăm chị được, tại ngoại em dưới quê bệnh. Em cũng mới đi làm hôm nay nên mới biết chị xin nghĩ phép dưỡng bệnh. Anh về nói giúp giùm em gởi lời hỏi thăm chị.

                                                 Anh thoáng nhíu mày nhưng vẫn cười cảm ơn Loan như không có chuyện gì. Sau khi chị về, anh cũng muốn hỏi nhưng vốn tin tưởng và tôn trọng chi,̣ anh cho qua. Anh nghĩ hẳn chị cũng có những góc riêng cần tôn trọng. Một đêm khuya, anh giật mình thức dậy không có chị nằm bên cạnh, chờ khá lâu vẫn không thấy chị. Lo sợ không biết có chuyện gì không, anh đi nhẹ xuống nhà dưới tìm chị. Anh thấy chị đang ngồi trong góc bếp nói điện thoại, khi thấy bóng anh, chị vội cắt ngang cuộc điện thoại nhưng anh vẫn nghe kịp một câu: "Con nó vẫn khoẻ, yên tâm đi .Ừ thì đang cố thu xếp...".

                                                    Anh hơi thấy lạ bởi chị xưa nay không có tính lén lút như thế. Thời gian sau đó thì chị như trở thành con người khác. Có lúc anh thấy chị ngồi nhìn giọt mưa trót cả tiếng đồng hồ trong im lặng. Nhiều lần anh gọi chị đến lần thứ ba, chị mới giật mình nghe thấy, giống như chị đang thả hồn đi nơi nào đó. Một buổi tối vào bốn tháng trước, khi anh chị đang ngồi ăn cơm, tiếng điện thoại chị reo, sau khi nghe xong, mặt chị hốt hoảng, chị nói vội với anh:

                      - Em có chuyện riêng cần phải giải quyết ngay, khi về em sẽ giải thích sau.

                                                       Khi anh còn chưa hiểu chuyện gì thì chị đã mở tủ lấy tiền, quần áo và đi ra khỏi nhà ngay trong đêm trước đôi mắt ngỡ ngàng của anh. Dù anh không nghe rõ được nội dung của cuộc điện thoại nhưng anh vẫn loáng thoáng biết được đó là giọng một người đàn ông. Anh là chồng của chị kia mà, anh cũng có quyền biết về những vấn đề liên quan đến vợ của mình. Anh vào phòng và lục tìm hóa đơn điện thoại, chẳng khó khăn gì để anh nhận ra một số điện thoại chị gọi liên tục trong những tháng qua. Anh bật máy, chuông đổ và đầu dây bên kia giọng một người đàn ông:

                      -A lô... Hùng nghe đây. Xin lỗi ai vậy.... Alô...

                                                      Anh gập điện thoại lại, ngồi thừ ra trên ghế. Làm vợ chồng với nhau mười năm, anh không muốn nghi ngờ chị nhưng cũng không làm sao xóa áng mây đen tối trong đầu anh. Lẽ nào chị như thế mà tại sao không chứ? Thôi thì cứ chờ chị về xem sao.

                                                   Ngày chị về, không chỉ một mình, phía sau chị còn có một cái bóng nhỏ lấp ló. Chị nói với anh:

                      - Đây là con em... À mà không, con em xin. Bé được bốn tuổi mấy, tên Tiến. Em hy vọng anh không phản đối và thích bé.

                                                      Không màng đến vẻ mặt đăm chiêu và chờ câu trả lời của anh. Chị xoay qua đẩy bé ra phía trước và giục nó:

                      - Gọi ba đi con...

                                              Anh nhìn thẳng chị. Chị xoay mặt tránh tia mắt anh, còn thằng bé con lí nhí:

                      - Ba...

                                                       Anh nhìn vào nơi phát ra tiếng gọi. Một thằng bé hơi gầy gò, có vẻ nhút nhát nhưng nó có một đôi mắt và cái mũi giống chị như tạc, sóng gió nổi lên trong anh.
                       
                                                 Sau ngày đó, chị gần như quên hẳn anh hay cố quên anh cũng không chừng. Chị biết rõ anh không thích thằng bé và thậm chí có ác cảm. Chị vẫn phớt lờ, lo thủ tục cho bé đi mẫu giáo, chị bận rộn đưa đón, lo chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ. Anh hình như trở thành cái bóng trong ngôi nhà. Mà anh có ở trong nhà đâu chứ, anh cũng đi tới tối mịt mới về bởi anh không muốn thấy chị và thằng nhỏ. Không muốn thấy vào buổi cơm cứ "mẹ mẹ, con con". Từ ngày có Tiến, thậm chí chị không cho anh hút thuốc ở trong nhà, chị nói sợ ảnh hưởng con, hóa ra ở cái nhà này, nó vẫn là nhân vật quan trọng hơn anh.

                                                     Buổi tối, chị ở lì bên phòng dỗ thằng bé ngủ. Bỏ mặc anh nằm suy nghĩ cay đắng, phải chi chị cứ nói thật là con chị, phải chi chị đừng dối gạt anh một cách sơ đẳng như vậy, anh nào phải thằng ngốc. Chỉ cần căn cứ theo tuổi thằng bé là anh hiểu ngay. Hèn chi hơn một năm, anh bỏ đi học chị mới đi tìm anh. Vậy mà chị bảo không cần con, hóa ra chị đã có sự tính toán từ những năm trước. Hẳn là sau cái ngày biết tin của bác sĩ về anh... Và đứa bé chắc chắn là tác phẩm trong cái năm anh vắng nhà. Anh đau khi phải sống cái cảnh này nhưng khổ nỗi, anh yêu chị, anh không thể rời xa chị nói chi đến chuyện ly dị.

                                                         Một ngày chị nói với anh:

                      - Em phải đi công tác ba ngày ở tỉnh, em biết là anh không thích bé Tiến nhưng phiền anh chăm sóc con, đưa đón bé giùm em, em sẽ nhanh về thôi. Em đã chuẩn bị thức ăn trong tủ lạnh và những gì cần thiết em đã ghi vào giấy sẵn.

                                                      Anh im lặng, cười chua chát, trong đầu anh suy nghĩ: ''Lại công tác, sao em không nói thẳng ra đi gặp người đàn ông của em. Thôi thì phải học cách mắt nhắm, mắt mở như những người đàn ông nhu nhược bị cắm sừng khác''. Mà thôi đâu cần ăn hết cái bánh mới biết nó không ngon cũng như đâu cần phải lột mặt nhau thẳng ra.

                                                (Còn nữa... )

                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2011 17:31:40 bởi Ct.Ly >
                      #11
                        songnhi 04.10.2011 15:49:08 (permalink)
                                            Cả Nhà Thương Nhau (2)
                                       


                        Bé Tiến hình như cảm nhận được anh không thích sự có mặt của nó nên thường ngày, nó luôn bám theo chị và lấm lét khi anh gọi. Nó sợ ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống, lầm lì của anh.

                                                    Buổi sáng đầu tiên, mặc nó loanh quanh với cái dây cột giày và cái áo cài không đúng cúc, anh chở thằng bé đến trường, quẳng cho cô giáo, không thèm trả lời khi cô kêu nó tạm biệt ba. Buổi chiều, anh bận rộn với một bản vẽ, quên bẵng phải đi đón thằng bé. Đến khi cô giáo gọi cho chị và chị gọi nhắc, anh mới chợt nhớ. Lúc anh tới, bọn nhỏ đã ra về hết, bé Tiến đang ngồi thu lu ở góc lớp. Khi anh gọi, nó chạy ào ra ôm lấy chân anh và nói:

                        - Con sợ ba không tới.

                                             Anh nghe lòng trùng một giây nhưng xua ngay đi. Nửa đêm hôm ấy, khi đang ngủ, một cánh tay nhỏ bé lay lấy anh:

                        - Ba ơi! Trời ầm ầm, con sợ quá! Con muốn đi nhà vệ sinh nhưng con sợ con gián... Ba ơi...

                        Bị đánh thức, anh cáu kỉnh:

                        - Mưa thì có gì mà sợ, con gián cũng sợ, mày y chang cha mày, chỉ biết lấp ló. Tự mà đi đi.

                                                              Rồi anh nằm xuống ngủ tiếp. Sáng anh cựa mình dậy, thấy có cái gì vướng ở phía dưới chân, anh nhìn xuống, bé Tiến ôm cái gối nhỏ nằm co ro ngay cạnh chân anh. Anh đoán khi anh ngủ quên, nó đã lén qua đây ngủ vì sợ. Có lẽ nó đang mơ thấy cái gì, miệng khẽ cười nhẹ. Nhìn thật an lành, dễ thương, anh đưa tay vuốt mái tóc mềm của nó. Nó giật mình thức dậy, mở mắt ra nhìn anh. Đôi mắt có cái rèm mi cong cong và tròn xoe y hệt chị và đó như con dao khứa vào vết thương lòng anh. Trong khi nó đang ngơ ngác, anh hét lên:

                        - Mau mà đánh răng và tự thay quần áo, chậm không kịp bữa sáng là đói ráng chịu.

                        Ngày hôm sau, khi ăn cơm, nó nhìn anh, nói lí nhí:

                        - Ba ơi mặn quá!

                        Anh không thèm trả lời, nó im lặng cặm cụi ăn.

                        Tối nó rụt rè đứng trước cửa phòng làm việc:

                        - Ba ơi, chiếc xe của con không chạy được nữa.

                                                   Nhìn khuôn mặt cúi gằm của nó, tự nhiên anh thấy xót thương. Anh xem xét, thì ra chỉ bị hết pin. Anh lắp cái pin khác vào và khi cái xe chạy . Nó mừng quá, quên cả sợ anh, vỗ tay reo lên:

                        - Ba giỏi quá! Ba hay quá!

                                                Khi chạm ánh mắt của anh, nó hoảng hồn im lặng, lí nhí cảm ơn và ôm chiếc xe về phòng.

                                                      Ngay buổi chiều ngày chị đi công tác về, khi anh và chị đang nói chuyện ngoài phòng khách, chợt có tiếng đổ vỡ ở phòng làm việc của anh. Hai người vội chạy lên, trước mắt anh, cafe tràn lên cái bản vẽ anh đã bỏ cả tháng tâm trí vào đó, dưới bàn, cái ly cafe vỡ tan và cạnh đó, bé Tiến đứng với nét mặt hoảng sợ. Nổi cơn tức giận lẫn ấm ức dồn nén bao ngày, anh gầm lên:

                        - Mày làm cái trò gì thế hả thằng con hoang?

                        Chị sững người:

                        - Sao anh có thể ăn nói như vậy với đứa bé con. Anh độc ác quá! Anh nhìn anh đi, giống như là ma quỷ vậy. Sao anh lại thay đổi như thế này?

                                                     Nhìn chị ôm nó trong tay như con gà mái xù lông bảo vệ gà con, anh gần như hóa điên, anh đẩy chị ra phía cửa phòng làm việc.

                        - Ừ, tôi là như thế đó, tôi không phải đàn ông, không phải hình tượng em mơ. Em đi đi, đi ngay đi, đi với cái thằng con em quý như vàng ngọc kia. Đi...

                                            Anh thô bạo đóng sầm cánh cửa thật mạnh trong tiếng khóc của chị và lẫn tiếng thút thít, lí nhí của nó:

                        - Mẹ ơi, con mèo, con mèo phá đồ của ba, con đuổi con mèo...

                                                    Sáng hôm sau, khi anh bước ra khỏi phòng làm việc, căn nhà im ắng khác với mọi ngày, anh nhìn thấy cái giấy chị chặn ở bàn với dòng chữ:

                        - Em xin lỗi, em không biết bé Tiến đụng chạm vào nỗi tự ái tế nhị của anh. Em mang bé về quê, thu xếp gửi cho mẹ em. Em sẽ về trong vài ngày nữa, khi em về, mình sẽ nói chuyện một lần về vấn đề này. Em thương bé nhưng em vẫn nói lại cái câu em từng nói "em cần anh hơn con".

                                                    Anh ngã phịch xuống sofa, ngổn ngang suy nghĩ. Anh nhớ từ ngày cưới nhau, chị chưa bao giờ làm gì để anh buồn. Sau cái ngày biết chuyện anh, khi ai hỏi về con cái, chị đều nói do phía chị. Anh nhớ chị gượng cười khi nghe bên gia đình anh xì xào: "Tốt tướng, đẹp người mà 'điếc'". Xét cho cùng, chị không sai khi làm thiên chức của mình. Chị đã vì anh làm bao nhiêu điều, sao anh không thể vì chị quên đi cái nguồn gốc của thằng bé kia? Chị vui là được rồi.

                                                        Anh đứng dậy đi về phòng, ngang qua phòng thằng bé, anh đứng lại và đẩy cửa bước vào. Đây là lần đầu tiên anh bước vào từ khi nó về. Những vật dụng trẻ con xinh xắn, có tờ giấy rơi trên nền nhà, anh cúi xuống nhặt. Một bức tranh vẽ bằng bút chì màu nguệch ngoạch của trẻ con và phía dưới là dòng chữ của chị: Ba Dũng, bé Tiến và mẹ Thùy. Anh thay đồ đi xuống nhà và lấy xe đi, chạy về hướng quê của chị. Khi anh về tới thì đã xế trưa, nghe tiếng xe, chị từ nhà sau chạy vội lên. Thấy anh, chị ngập ngừng, anh muốn xua tan không khí ngượng ngập nên hỏi chị sao nhà vắng vẻ thế. Chị trả lời:

                        - Má đi đám giỗ bên thím mười - bà con bên ba. Thằng Hùng ở sau vườn còn con...
                        À... bé Tiến qua bên nhà chị Ba hàng xóm chơi với con chị ấy. Anh ăn gì chưa?

                                                     Anh nói đã ăn ở dọc đường và anh xuống rước chị với bé Tiến. Chị ngập ngừng:

                        - Sẵn nhà không có ai, em định về mới nói nhưng thôi, em nói bây giờ luôn. Em suy nghĩ kỹ rồi, em muốn nói với anh về nguồn gốc bé Tiến...

                        Anh giơ tay ngăn chị:

                        - Thôi em, không quan trọng nữa. Anh xin lỗi, thời gian qua, anh không đúng, con ai và từ đâu đến không quan trọng, hễ là con em thì là con của chúng ta. Mình vốn là một gia đình mà.

                                         Chợt tiếng chị Ba hàng xóm vang lên và chị xuất hiện ngay sau cánh cửa:

                        - Ủa, dượng hai về hồi nào vậy? Khoẻ không dượng? Bé Tiến đâu rồi em? Chị mới làm mấy cái bánh dừa cho thằng con chị. Chị đem qua cho bé vài cái ăn cho vui.

                        Chị ngạc nhiên hỏi:

                        - Bé bên nhà chị tới giờ chưa về mà...

                        Tiếng chị ba hốt hoảng:

                        - Đâu có ở bên đó, tui tưởng về nãy giờ chứ, đâu coi coi...

                                                          Câu chuyện bị cắt ngang và mặc cho ba người kêu thật lớn, vẫn không có tiếng trả lời. Bỗng chị thất thanh:

                        - Anh ơi, anh ơi... con...

                                         Chị chỉ tay xuống cái ao nuôi cá ở nhà chị Ba và ngã phịch xuống. Anh nhìn theo tay chị, chiếc xe đồ chơi của bé Tiến nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
                        Anh hiểu ra ngay, anh lao xuống ao. Trên bờ, tiếng chị Ba kêu cứu lối xóm thất thanh... Sau nửa giờ, dù cả gần chục người đàn ông ngụp lặn mò trong đó, vẫn không tìm được bé Tiến. Hùng - em trai của chị khó khăn lắm mới kéo được anh lên bờ khi anh gần như sắp ngất. Hùng nói với anh:

                        - Thôi anh, anh không trụ nổi nữa đâu, môi anh tím hết rồi. Để em cùng mấy anh lối xóm dùng lưới kéo, may ra mới tìm được xác cháu.

                                                                Anh như người mộng du, cứ thế đi vào nhà rồi thẳng vào phòng. Ngang qua phòng khách, mặc chị ngồi kêu gào trong tay bà con, anh cũng coi như không thấy. Trước mắt anh toàn một màu đen, không tồn tại một ai. Anh đóng cửa phòng, dựa lưng vô tường, anh nhắm mắt lại. Anh thấy trước mắt anh hiện ra ánh mắt sợ hãi của bé Tiến, anh nhớ cái miệng cười tươi vỗ tay và nói: ''Ba giỏi quá!'' khi anh lắp cái pin mới cho nó. Nhớ cái dáng rụt rè, lặng lẽ của nó... Anh gục đầu xuống tay khóc hu...hu... như một đứa trẻ.

                                                       Nếu anh đối xử với nó tốt, chị đã không về quê, nó không phải chết như thế. Anh thật là kẻ nhỏ nhen không ra gì. Bốn chục tuổi đầu, qua bao biến cố cuộc sống, tóc đã có vài sợi bạc, lần đầu tiên sau mười năm, anh biết cái gì là đau, là mất mát, ngay cả khi bác sĩ nói anh vô sinh, anh vẫn không gục ngã. Bây giờ, anh biết anh cần cái gì thì đã muộn.

                                       Chợt cánh cửa tủ có tiếng mở nhẹ, có một ánh mắt nhìn anh và từ cõi mơ hồ thâm sâu, anh nghe một tiếng gọi thật nhỏ:

                        - Ba...

                                                   Anh ngước mặt lên qua làn nước mắt. Trước mặt anh, bé Tiến hiện ra với đôi mắt còn ngái ngủ. Chẳng kịp đứng dậy, anh bò lồm cồm tới và đưa tay ra ôm chầm lấy nó, nấc lên:

                        - Con ơi...
                        ***
                                                           Đêm khuya, vùng quê yên ả, tiếng côn trùng như một dàn đồng ca. Khi anh kể cho bé Tiến nghe truyện "Siêu Nhân", đến đoạn siêu nhân được đem về nuôi thì bé đã rúc vào nách anh ngủ khò. Nghe tiếng thở đều đều của con, anh ngưng kể, kéo mền che ngang ngực bé. Đưa cánh tay kia, anh choàng qua vai chị, im lặng không nói gì. Anh nhắm mắt tận hưởng cái khoảnh khắc bình yên trong mình. Tiếng chị vang lên nho nhỏ:

                        - Anh, em muốn nói tiếp chuyện hồi trưa, vấn đề bé Tiến. Anh đừng chặn ngang, phải cho em nói, em mới nhẹ lòng. Em nghĩ anh là chồng em, anh có quyền phải biết. Thật ra bé Tiến không phải em xin, cũng không phải con nuôi mình. Nó là cháu gọi em bằng dì, là con của em gái ruột em.

                        Anh mở choàng mắt ngạc nhiên, bàng hoàng:

                        - Xưa nay em chỉ có một em trai là cậu Hùng, ở đâu có một em gái nữa? Sao anh chưa bao giờ nghe nói tới?

                        Chị tiếp tục câu chuyện:

                        "Em cũng mới biết chừng sáu tháng nay, chuyện cũng dài dòng. Xin anh đừng để cho ai biết sự việc này, nhất là má em. Hồi xưa, ba em đi mua bán lúa ở miền Tây, gặp một bà góa. Bà ấy xin ba cho đứa con để nương tựa, bà ấy hứa không cho ai biết, cũng không phiền ba có trách nhiệm. Ba trong lúc nhất thời yếu lòng nên... em có thêm một đứa em gái nhỏ hơn em bốn tuổi. Sau đó, ba cũng tới lui lo lắng cho họ. Khi má sinh thêm thằng Hùng, có người đồn đãi khiến má nghi ngờ và dò hỏi. Người đàn bà đó sợ ảnh hưởng hạnh phúc của ba và sợ má em biết được sẽ làm ầm lên nên ôm con bỏ lên vùng khác sinh sống, cắt đứt liên lạc với ba từ đó.

                                                             Cô con gái lên 20, mẹ mất do căn bệnh ung thư. Sau đó, cô ấy lấy chồng, vợ chồng làm ăn cũng khá giả và sinh ra bé Tiến. Thời gian sau, chồng cô theo bạn bè ăn chơi đàn đúm nên cô ấy ly dị và hai năm trước, anh ta mất do sốc thuốc trong một lần dùng ma túy. Điều đáng sợ hơn là phát hiện ra anh ta mang căn bệnh thế kỷ. Cô ấy cũng không thoát khỏi bản án tử do người chồng ác nghiệt của mình truyền sang nhưng may mắn, bé Tiến vẫn mạnh khoẻ.

                                                              Sợ con bị truyền nhiễm và những kỳ thị của người đời, cô ấy gom góp tiền bạc, sắp xếp gửi bé Tiến cho người khác nuôi. Khoảng sáu tháng trước, vô tình, trong một lần dọn dẹp, cô ấy thấy địa chỉ của nhà em ở quê trên phong thư ba em gửi ngày xưa. Vốn biết rõ nguồn gốc do mẹ mình khi còn sống vẫn kể. Cô ấy thuê người đến dò xét, sau đó, gọi điện thoại cho má em, nói là bạn học cũ của em lâu ngày không gặp, hỏi má em số điện thoại của em...

                                                          Trước đây, cô ấy từng lo lắng khi mình mất, bé Tiến phải vào viện mồ côi. Khi em và cô ấy nhận lại nhau, cô ấy xin em nghĩ chút tình máu mủ, nhìn ngó tới bé Tiến. Em nghĩ đến mẹ con họ là người tốt, bao lâu nay âm thầm sống không làm ảnh hưởng đến gia đình em dù ba em không còn. Cô ấy cũng là người rất đáng thương. Em cũng đắn đo nhưng em sợ nuôi bé, chạm vào nỗi đau của anh nên còn chần chừ. Cách mấy tháng trước thì bác sĩ Hùng, người coi bệnh cho cô ấy gọi cho em, báo cô ấy hấp hối, trước lúc cô ấy ra đi, em đã nhận lời sẽ nuôi dưỡng bé cho cô ấy an lòng. Nhưng em không ngờ sự xuất hiện của bé làm anh khó xử.

                                               Đêm hôm qua, trên đường về đây, em tính rồi, thôi thì em gửi bé cho má em nuôi giùm. Nhưng bây giờ em nghĩ không cần nữa phải không anh?".

                                                       Anh vẫn im lặng siết nhẹ vai chị như ngày xưa, hôn lên mái tóc có mùi hương quen thuộc. Trong ánh đèn mờ, anh thấy mắt chị sáng long lanh thật đẹp.

                                                         Khi trời chưa sáng hẳn, trước sân nhà chị đã rộn ràng tiếng người. Chị giục bé Tiến chào ngoại để về. Tiếng má chị trách móc:

                        - Tụi bây thiệt tệ, về chơi gì ngày trước ngày sau đi. Gấp gáp dữ vậy, vợ chồng lâu năm chứ phải mới cưới đâu. Lần sau về lâu chút cho má chơi với cháu. Vợ chồng bây có rảnh chở cháu về nghe. Còn bận rộn công việc, nhắn má lên coi cháu dùm cho.

                        Bà xoay sang bé Tiến:

                        - Hôn ngoại cái coi, ngoan nghe con, nhớ sau này buồn ngủ thì ra giường nằm ngủ, đừng chui vào tủ áo ngủ nghe con. Làm cả xóm náo loạn vì con.

                                                   Xe chạy ra tới quốc lộ, chị kéo kính xe xuống, gió từ những cánh đồng còn đẫm sương thổi hơi mát lạnh vào xe. Chị hít hà lấy mùi hương quen thuộc. Anh một tay lái xe, tay còn lại đưa qua nắm tay chị. Chị nhìn anh cười cười.

                        Phía băng sau, bé Tiến xoay xoay chiếc xe đồ chơi, miệng líu lo hát bài hát do cô mẫu giáo mới dạy:

                        - Mẹ thương con vì con giống ba... ba thương con vì con giống mẹ. Cả nhà ta điều yêu thương nhau, xa thì nhớ gần nhau là cười.

                        Mặt trời dần lên cao, thả những tia nắng ấm áp cho một ngày mới....

                        Song Nhi



                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2011 17:34:27 bởi Ct.Ly >
                        #12
                          NgụyXưa 05.10.2011 07:44:56 (permalink)
                          "Cả Nhà Thương Nhau" đã được mang vào thư viện.
                           
                          Xin cám ơn tác giả.
                          #13
                            songnhi 17.10.2011 00:12:18 (permalink)


                            [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/98763/06F854543E4745D7AEB83ADA32B19C3F.jpg[/image]
                             
                                                      Ở cái tuổi 32, Nguyên đã có nhiều thứ làm người khác ganh tị. Anh cao ráo, dễ nhìn, là chủ của một một công ty 'ăn nên làm ra', có bạn gái xinh xắn và là người mẫu nhiều triển vọng. Mọi thứ thật tốt đẹp và hoàn hảo, đôi khi, Nguyên cũng cho rằng mình được ngôi sao may mắn ưu ái. Cuộc sống sẽ cứ như thế cho đến một ngày cô xuất hiện.

                                                        Hôm ấy, Hùng - người bạn thân và là đối tác của Nguyên, hẹn anh ra một quán cafe để bàn về một bản hợp đồng mới. Khi Hùng ra về, Nguyên đứng dậy, cho cái laptop vào cặp để chuẩn bị đi đón cô bạn gái, Trúc Ly. Bỗng, một đôi tay bé nhỏ ôm lấy chân anh, kèm theo tiếng gọi khẽ của một đứa bé:

                             - Ba... con với mẹ kiếm ba lâu lắm!

                                                        Theo phản xạ anh vội xoay người và cúi xuống. Trước mặt anh là một bé gái xinh xắn chừng năm tuổi tóc cài nơ chuột mickey màu hồng nhạt, đôi mắt trong veo ngân ngấn nước đang nhìn anh. Với tình huống bất ngờ chưa gặp như thế này, anh không biết phải làm sao ngoài cách đưa mắt nhìn như tìm kiếm người đi cùng bé. Đúng lúc đó thì cô xuất hiện, cô để vội hai ly kem trên tay lên bàn đi tới gỡ tay bé ra khỏi chân anh và nói với anh:

                            -Xin lỗi anh, bé nhận nhầm người...

                                                          Anh ngước mắt lên nhìn, đó là một người phụ nữ chừng 27 tuổi, ăn mặc giản dị. Qua cử chỉ của cô, dễ dàng nhận ra cô là mẹ của đứa bé. Nhưng điều anh quan tâm là hình như ánh mắt của cô ấy khi nghiêng nghiêng nhìn rất quen. Hình như anh đã gặp ở đâu rồi nhưng nhất thời anh không nhớ ra. Khi anh còn đang lục tìm trong trí nhớ thì cô đã dẫn bé gái đi mất. Mặc cho mẹ kéo đi, bé gái vẫn dõi ánh mắt như một dấu hỏi về phía anh.

                                                         Hai tuần sau, vào một ngày thứ bảy rảnh rỗi, khi đang đi siêu thị mua đồ, anh chợt giật mình vì lại bị ôm chân như ở quán cafe. Khi nhìn xuống, anh ngạc nhiên vì vẫn là bé gái xinh xắn ấy cùng câu nói cũ. Và cô cũng xuất hiện sau đó với vẻ mặt ngại ngùng cùng chiếc xe đẩy đồ đang mua dở dang. Nhưng lần này, mặc cô kéo, đứa bé vẫn cố ôm lấy anh. Cô bé vùng vẫy và khóc oà lên khi bị mẹ kéo:

                            - Con cần ba, con với mẹ nhớ ba lắm! Ba... ba không thương mẹ với con sao?

                                                         Trước những cái nhìn tò mò của những người chung quanh, mắt cô long lanh bối rối. Lại ánh mắt quen thuộc đó khiến anh chợt nhớ cần phải hỏi cô vài điều. Để tránh cho cô phải khó xử trước đám đông, anh bước tới, đưa tay ẵm đứa bé lên, nói nhanh là muốn giúp cô và mời cô ly cafe vì anh có chuyện muốn hỏi. Khi ngồi yên vị trong quán, anh nói cô rất quen, anh đã gặp rồi, anh đoán chắc như thế. Những thắc mắc của anh được cô nhanh chóng giải thích:

                            - Em là Phương, em biết anh tên Nguyễn Hoàng Nguyên. Mười năm trước, vào một buổi chiều, khi đi học về ngang sân vận động của trường đại học kinh tế, vô tình trái banh do anh đá bay trúng vào mặt em khiến em ngã nhào, bể kính mắt và quần áo lấm lem. Anh đã đưa em về xin lỗi ba mẹ em và sau đó mua kính khác đền cho em. Anh không nhận ra em cũng đúng vì bây giờ em dùng kính sát tròng. Đây là con em, bé Yến Oanh được 5 tuổi. Ba bé không còn. Vì anh giống ba bé nên mới có những chuyện xảy ra như thế. Em xin lỗi.

                                                          Anh đoán không sai mà, cô đúng là người quen cũ. Anh hỏi thăm thì biết cô đang sống ở một căn nhà thuê nho nhỏ cũng gần khu nhà anh. Cô nói cô trở lại thành phố bởi muốn bé Oanh có điều kiện học hành tốt hơn. Cô mời anh có rảnh thì tới chơi. Lúc ra về, khi trao đổi số điện thoại cho cô, anh muốn nói với cô, "ngày xưa anh rất có ấn tượng với cô. Sau đó, anh có trở lại nhà cô tìm kiếm nhưng người ta nói gia đình cô đã dọn đi nơi khác". Có điều, anh ngập ngừng, lại không dám nói.

                                                           Thời gian sau đó, thỉnh thoảng anh vẫn hẹn cô cafe như những người bạn. Bé Oanh luôn được cô dẫn theo và bé vẫn kêu anh là ba như cũ. Anh ngăn cô, cứ để như thế, đừng cấm cản con bé. Cô cười khi nghe anh nói "coi như cho anh cơ hội trải nghiệm thử việc làm cha một đứa trẻ xinh xắn, đáng yêu như thế".

                                                           Một buổi chiều, khi đi làm về ngang một cái shop đồ chơi trẻ em, thấy con gấu bông màu hồng rất dễ thương, anh ghé vào mua và tới nhà cô. Khi anh gọi điện thoại, cô nói đang cùng bé Oanh chơi với nhau ở công viên. Anh ra đến nơi thì thấy mẹ con đang chơi trò cầu trượt và cùng cười vang trong buổi chiều nhạt nắng. Anh đứng khựng lại, tự nhiên anh thấy có cái gì đó len vào tim anh, anh thấy cô và bé thật đẹp.

                                                          Cả tuần nay, anh mất ngủ vì lô hàng nhập khẩu có vấn đề, phải chờ kiểm tra. Cứ nghĩ tới cái ngày vỡ hợp đồng, phải bồi thường thì anh toát cả mồ hôi. Nguy cơ phá sản lơ lửng trên đầu, chẳng hy vọng gì cứu vãn. Tối hôm đó, ra khỏi công ty, anh thấy sao lòng trĩu nặng, rẽ tay lái, anh chạy xe đến nhà Trúc Ly. Khi anh tới nhà, Trúc Ly đang say sưa hát hò và ăn uống với đám bạn gái. Anh lặng lẽ quay ra, anh không biết phải đi về đâu trong khoảnh khắc buồn phiền này... Anh chợt nhớ tới cô và bé Oanh.

                                                       Nghe tiếng chuông, cô chạy ra mở cửa. Bắt gặp anh trong bộ dạng thiểu não như thế, cô không hỏi anh chuyện gì, chỉ lặng lẽ đi nấu bữa ăn tối. Sau bữa cơm, trời đổ mưa tầm tả. Cô nhỏ nhẹ nói với anh, nếu anh không ngại, anh có thể ở lại. Cô biết anh đang gặp khúc mắc. .Khi ba mẹ cô di dân, đoàn tụ với anh trai ở nước ngoài, có để lại cho cô một căn nhà, hiện cô đang cho thuê. Nếu anh đồng ý thì ngày mai cô mang đi thế chấp ngân hàng số tiền đó coi như cô đầu tư vào công ty anh.

                                                             Trong khi anh còn đang chần chừ, sợ thất bại thì cô đã động viên anh. Thật ra thì số tiền đó cũng chẳng thể giúp anh giải quyết hết vấn đề hiện tại nhưng nhìn ánh mắt đầy niềm tin của cô, anh thấy mình như được tiếp thêm nghị lực. Tối hôm đó, khi cô kể chuyện "Cô Bé Lọ Lem" cho bé Oanh nghe. Anh nằm trên sofa nhà cô tận hưởng khung cảnh yên bình mà hình như trong cuộc sống của mình, anh thiếu từ lâu lắm! Anh chìm dần vào giấc ngủ.

                                                        Sáng hôm sau, anh tới công ty với tâm trạng bình thản, chờ đợi những điều xấu nhất có thể xảy ra. Trưa hôm đó, anh hẹn Trúc Ly đi ăn cơm và nói lời chia tay, mặc cho cô giận dữ và nói là sẽ trả đũa, chẳng bỏ qua như thế cho anh. Khi cô đi rồi, anh cười nhẹ và tự hỏi không hiểu tại sao bao năm qua, anh có thể cùng Trúc Ly làm thành một đôi? Anh hiểu rõ không phải cô yêu thương hay hối tiếc khi chia tay anh vì có khối người săn đón ngoài kia. Cô yêu "cái tôi" của chính mình nên cô không chấp nhận khi người nói lời chia tay lại là anh.

                                                       Ngay trong tuần đó, vào một đêm khuya, chuông điện thoại của anh đổ dồn, nhìn thấy số của cô, anh vội vã nghe. Trong tiếng ngắt quãng, cô nói cho anh biết bé Oanh bỗng nhiên đau bụng vật vã, cô đang trên taxi đưa tới bệnh viện và cô thấy sợ hãi. Khi anh tới bệnh viện, nhìn dáng nhỏ bé của cô khi ngồi chờ trước phòng cấp cứu, lòng anh ngập tràn niềm thương xót. Anh không nói gi,̀ lặng lẽ đến ngồi bên cô, nắm bàn tay cô siết nhẹ. Cô tựa đầu vào vai anh khóc nức nở. Đó là lần đầu tiên anh thấy cô khóc.

                                                         ( Còn tiếp .....)



                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.10.2011 00:15:09 bởi songnhi >
                            Attached Image(s)
                            #14
                              songnhi 17.10.2011 00:20:05 (permalink)
                                                              Vì Đó Là Em ( 2 )

                                                          Không biết có phải ông trời thương anh hay không, một tháng sau, lô hàng của anh được chứng minh không có liên quan hay vi phạm pháp luật. Mọi việc ổn thỏa. Buổi chiều, hết giờ làm việc, anh ghé mua bánh kem cho bé Oanh. Từ ngày bị nhập viện cảm lạnh đến nay, con bé chưa được ăn lại món bánh ưa thích.

                                                          Nhớ đến nụ cười của cô và khung cảnh ba người lại ríu rít bên bàn ăn như thời gian qua, anh nhấn ga cho chiếc xe lao nhanh về phía trước. Khi tới nhà cô, mặc cho anh nhấn chuông nhiều lần, căn nhà vẫn tràn ngập trong bóng tối. Anh gọi điện thoại cho cô... không liên lạc được. Anh lo lắng, sốt ruột... đi tới đi lui thì gặp bác hàng xóm bên cạnh, bác sợ sệt nói:

                              - Sáng nay có một cô người cao cao, nhìn rất đẹp, đi cùng vài người nữa đến đây. Không biết chuyện gì mà họ đập phá và chửi bới cô Phương là nạ dòng, đi giật người yêu của kẻ khác. Khi lối xóm xúm lại can ngăn, họ mới chịu bỏ đi. Trưa, tôi thấy cô Phương mắt đỏ hoe, kéo vali và dẫn theo bé Oanh. Cô ấy có sang nhà tôi gửi chìa khóa, nhờ tôi nói với chủ nhà là cô ấy không thuê nữa khi hết hợp đồng và nếu gặp cậu thì đưa cho cậu lá thư này.

                                                              Không khó khăn để anh đoán biết cô gái ấy là Trúc Ly và đám bạn cơm rượu. Anh thắt lòng khi nghĩ đến cảnh cô phải chịu thiệt thòi khi gặp những người như vậy. Anh nhanh chóng mở bức thư ra đọc ngay. Những con chữ nhảy múa trong mắt anh:

                                                           ''Khi anh đọc lá thư này, chắc em đi xa rồi. Anh đừng kiếm tìm phí công bởi khi quyết định ra đi, em đã biết làm sao để anh không thể tìm thấy. Em cảm ơn anh trong thời gian qua đã đối xử rất tốt với mẹ con em. Thật ra có một điều em không nói lâu nay. Nếu tình yêu đến từ cái nhìn đầu tiên thì mười năm trước em đã yêu anh rồi, ngốc ạ! Vào ngày đầu tiên anh đá trái banh vào trúng em đấy. Nhưng em nhút nhát không dám nói. Khi ba mẹ em chuyển đi nơi khác, em muốn liên lạc với anh nhưng em mặc cảm vì mình tầm thường và nhỏ bé trong khi anh thì nổi trội và xuất sắc. Bao năm qua, em vẫn âm thầm dõi theo từng bước chân của anh.
                                                   
                                                           Ngày anh đạt danh hiệu là một trong những doanh nghiệp trẻ tiêu biểu, em đã có mặt ở hàng ghế trong khán phòng với bó hoa. Em muốn chúc mừng anh nhưng em lại lặng lẽ quay ra khi thấy những cô gái xinh đẹp khác ôm chầm lấy anh. Cũng đúng thôi, anh xứng được như thế. Em tầm thường và mờ nhạt thì đâu có lý nào được anh chú ý tới, em chỉ có thế đứng từ xa mà nhìn. Khi biết anh có người yêu là cô người mẫu Trúc Ly, em tuy buồn nhưng vẫn mừng thầm cho anh. Em không di dân cùng ba mẹ bởi trong thẳm sâu con tim, em còn nuôi hy vọng mong manh là ngày nào đó có thể ở cạnh anh dù tư cách là một người bạn.

                                                          Còn đây là điều bí mật mà em chưa nói, bé Oanh không phải là con của em. Bé không có cha bởi mẹ bé là một cô gái đáng thương mà em tình cờ biết khi làm tình nguyện viên trong một chương trình đường phố thời còn sinh viên gần ra trường. Mẹ bé bị hậu sản mất đi. Lúc đó, ba mẹ em di dân, em sống một mình nên cũng không bị ràng buộc gi,̀ em đem bé về nuôi. Khi lớn một chút, bé hỏi về ba thì em lấy những hình ảnh của anh do chính em âm thầm thu thập được, nói ba là anh và đi làm ăn xa. Khi bé lớn, em sẽ dẫn đi tìm ba. Muốn bé như bao đứa trẻ khác, không phải bị mặc cảm về quá khứ nên em không cho bất cứ ai biết chuyện của bé và nhầm đảm bảo bí mật của mình nên em chuyển trở lại thành phố này sinh sống. Sau đó, em dẫn bé đi ăn kem thì vô tình gặp anh trong quán cafe dạo trước. Em không ngờ rằng bé có thể nhận ra anh là người trong bức ảnh và mọi chuyện xảy ra cho đến nay.

                                                               Em thừa nhận là em không tốt bởi không nói ra hết những điều này sớm hơn bởi em sợ khi anh biết thì anh không quan tâm đến em nữa. Nhưng hôm nay, em hiểu rồi anh ạ! Tình yêu không bao giờ có cái kết khi chỉ từ một phía, Trúc Ly - cô ấy nói đúng , anh chỉ cảm thấy mang ơn và thương hại, tội nghiệp hoàn cảnh của hai mẹ con em mà thôi. Em còn ở gần anh thì chỉ làm hại anh. Dư luận sẽ cười nhạo anh vì qua lại với một người mẹ đơn thân như em. Anh vốn là thứ em đánh cắp của người khác thì tới lúc em phải hoàn trả lại. Có những giấc mơ thật ngắn nhưng mà thật vui...''.

                                                             Mắt anh nhoè đi, anh xếp lá thư lại không đọc tiếp, tự mình thì thầm: ''Giá như anh nói ra với em là anh đã chia tay Trúc Ly. Phải chi em biết anh chưa bao giờ tội nghiệp hay thương hại em. Anh không dám nói ra bởi anh sợ em nghĩ anh thừa nước đục thả câu. Sợ em từ chối và tránh né. Bây giờ anh biết tìm em ở đâu đây?".

                                                         Một năm sau, vào buổi tối chủ nhật yên ả ở tỉnh nhỏ. Có một người phụ nữ trẻ dẫn theo đứa con gái, họ ngồi ăn kem trong một quán nhỏ cạnh bờ hồ. Gần đó là chiếc radio đang phát chương trình nhạc yêu cầu buổi tối. Giọng truyền cảm của cô phát thanh viên vang đều đều:

                              - Sau đây xin mời qúy thính giả nghe ca khúc "Vì đó là em" được yêu cầu bởi anh Nguyễn Hoàng Nguyên gửi cho vợ mình là chị Trần Ngọc Phương kèm với lời nhắn: ''Phương à, bây giờ em với con đang ở đâu vậy? Anh muốn nói với em, anh vẫn chờ em, không phải chỉ một năm mà mười năm hay cả đời này vì anh yêu em".

                                                               Trong khi giọng ca sĩ vang lên và mọi người thả hồn theo giai điệu, từng giọt nước mắt trong suốt chảy trên đôi má của người phụ nữ. Đứa bé gái không biết vì sau mẹ khóc, bé hồn nhiên hỏi mẹ:

                              - Sao mẹ khóc, mẹ nhớ ba hả? Con cũng nhớ ba nữa. Mẹ dẫn con đi gặp ba được không? Con muốn ba mẹ ở chung với nhau như ba mẹ của mấy bạn trong lớp của con.

                                                                        Cô ôm con vào lòng, khẽ gật đầu.

                                                          Sáng thứ hai, khi tan cuộc họp thông lệ đầu tuần, anh trầm ngâm nhìn ra cửa sổ, dưới tán cây có những con chim sâu thoăn thoắt chuyền cành. Anh bâng khâng thầm hỏi bây giờ cô đang ở đâu, có vui không, có biết một năm qua anh tìm kiếm và nhớ cô cháy cả lòng? Nhà cũ của cô, anh đã thuê lại, những lúc nhớ cô, anh tới đó ngồi hàng giờ nhìn đồ đạc mà hình dung cô và con.

                                                      "Anh còn cơ hội gặp lại em không, mình có có thể bắt đầu không?"... Chợt điện thoại reo lên cắt ngang dòng suy nghĩ của anh. Một số điện thoại lạ, không có trong danh bạ. Anh bật máy. Đầu dây bên kia im lặng, ngập ngừng chừng mười giây và một giọng nói nhỏ quen thuộc cất lên:

                              - Em cùng bé Oanh đang ngồi trên xe khách lên thành phố. Chừng một giờ nữa thì tới, anh ra bến xe đón em với con được không?

                                                           Sáu tháng sau, vào một ngày nắng đẹp hòa cùng nền nhạc tân hôn dìu dặt, bé Oanh với trang phục thiên thần cùng nụ cười rạng rỡ, tung những cánh hoa hồng đỏ thắm trong chiếc lẵng hoa xinh xắn vào không trung. Phía sau bé là chú rể và cô dâu với vẻ mặt ngập tràn hạnh phúc tiến vào sảnh cưới. Tiếng vỗ tay chào mừng của bạn bè và người thân vang lên.

                                                                      Hôm nay là... ngày cưới của anh và cô.

                                                                                            Song Nhi

                              http://ngoisao.net/tin-tuc/sach-hay/2011/10/vi-do-la-em-179857/

                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 7 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 103 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9