Trường Tương Tư Lương Ý Nương Hoa hoa diệp diệp lạc phân phân
Chung nhật tư quân bất kiến quân
Trường dục đoạn hề trường dục đoạn
Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngâm
Ngã hữu nhất thốn tâm
Vô nhân cộng ngã thuyết
Nguyện phong xuy tán vân
Tố dữ thiên biên nguyệt
Huề cầm thướng cao lâu
Lâu cao nguyệt hoa mãn
Tương tư đàn vị chung
Lệ trích cầm huyền đoạn
Nhân đạo Tương giang thâm
Vị để tương tư bán
Giang thâm chung hữu để
Tương tư vô biên ngạn
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương Tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy
Mộng hồn phi bất đáo
Sở khiếm duy nhất tử
Nhập ngã tương tư môn
Tri ngã tương tư khổ
Trường tương tư hề trường tương tư
Trường tương tư hề vô tận cực
Tảo tri như thử quải nhân tâm
Hồi bất đương sơ mạc tương thức. Trường Tương Tư
Bản dịch Tơi bời hoa lá rụng bay
Nhớ chàng đâu thấy …tháng ngày đợi mong
Đau lòng thiếp xót xa lòng
Ruột rà quặn thắt từng dòng lệ tuôn
Một mình thiếp hiểu thiếp buồn
Ai người chia sẻ cội nguồn ưu tư
Mây tan gió thổi phù hư
Nguyệt Hằng xao động lòng từ tâm giao
Ôm đàn đứng giữa lầu cao
Trăng khuya nở đóa hoa đào nguyên tiêu
Tương tư gẩy khúc nguyệt kiều
Lệ châu lã chã hồn phiêu du sầu
Sông Tương thăm thẳm đáy sâu
Tương tư da diết nỗi sầu hơn sông
Sông có đáy dễ dò sông
Sầu tương tư chỉ mênh mông vô bờ
Đầu sông chàng đứng thẫn thờ
Bẽ bàng mình thiếp đợi chờ cuối sông
Nhớ thương xa cách mịt mùng
Nước sông thắm thiết ta cùng uống chung
Hồn mơ nhập cõi mông lung
Hẹn nhau chín suối ta cùng gặp nhau
Tương tư có bước qua cầu
Hẳn ai mới thấu nỗi sầu mênh mang
Trường tương tư mãi thênh thang
Nỗi thương vô tận cưu mang tháng ngày
Nếu mà hiểu được lòng này
Thà không quen biết phút giây từ đầu Hải Đà
(cảm dịch) Chú thích: Sông Tương phát nguyên từ tỉnh Quảng Tây, đổ vào hồ Động Đình. Sông Tiêu, từ tỉnh Hồ Nam, đổ vào sông Tương (Trung quốc). "Sông Tương" là biểu tượng "tương tư" của hai người yêu nhau phải xa nhau, thương nhớ nhau, "người đầu sông Tương, người cuối sông Tương". Đời hậu Chu, thời Ngũ-Quí ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có nàng Ý Nương vừa đẹp lại hay chữ . Ở trọ nhà nàng có chàng Lý Sinh hàn sĩ phong lưu tuấn tú . Một đêm Trung thu hai người thưởng trăng gặp nhau trai tài gái sắc tâm đầu ý hợp nên sau đó thường hay lui trao đổi tâm tình. Cha của Ý Nương là Lương Công hay biết tức giận đuổi Lý sinh đi . Ý Nương lấy làm đau đớn sinh bịnh mới làm khúc Trường Tương Tư mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu ở chân trời xa thẳm. Thơ ai oán, bày tỏ nỗi niềm nhớ thương sâu kín của người thiếu nữ: "Chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương, cùng uống nước sông Tương, song chẳng được gặp nhau". Ai đọc bài thơ cũng sa lệ. Lý Sinh nhận được bài thơ , đau lòng xót ruột, cảm xúc vô cùng đầm đìa nước mắt nhờ người mai mối đến năn nỉ với Lương Công xin hỏi cưới Ý Nương . Ban đầu Lương Công còn dùng dằng sau đọc được bài thơ của con gái mình, cảm động chấp nhận cho hai người thành duyên.
Trường tương tư
Người dịch: Vũ Ngọc Khánh
Hoa hoa lá lá rụng tơi bời
Lòng nhớ người sao chẳng thấy người
Ruột muốn đứt thêm thêm đứt ruột
Châu rơi thành ngấn lại châu rơi
Ta có một tấc lòng
Không có ai mà hỏi
Muốn nhờ gió đuổi mây
Để được cùng trăng nói
Ôm đàn lên lầu cao
Lầu cao trăng giãi khắp
Tương tư khúc chẳng thành
Lệ nhỏ dây đàn đứt
Người bảo sông Tương sâu
Tương tư sâu gấp bội
Sông sâu còn có đáy
Tương tư chẳng bến bờ
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương
Hồn mộng bay không đến
Còn một chết thôi mà
Bước vào cửa tương tư
Mới biết tương tư khổ
Tương tư hoài dài tương tư
Tương tư dài dài khôn xiết
Sớm biết nỗi đau lòng
Xưa đừng cùng quen biết
(Trong Tình sử có chép như sau: "Vào triều nhà Chu 周 đời Ngũ Quý 五季, có người con gái của Lương Tiêu Hồ 梁瀟湖 tên Ý Nương 意娘, cùng với Lý Sinh 李生 là họ hàng con cô con cậu. Lý Sinh thường qua lại rất nhiều. Nhân ngày trung thu ngắm trăng, ngầm hẹn ước với Ý Nương, lưu luyến không rời. Sự việc lâu ngày lộ ra, Tiêu Hồ nổi giận, ngăn cấm hai người gặp nhau. Gặp ngày trời thu, Ý Nương viết bài thơ này.")