Tầm Mộ Ký - 1,2,3,4 (Mimosa em ở đâu?)
-
25.08.2011 13:20:14
Một
Sa-Di-Ni Diệu-Thanh
Nói theo chữ nhà Phật thì Đạt có “căn duyên” với cửa thiền-môn còn nói theo lời con cái Chúa thì Đạt có “ơn gọi” tình yêu. Căn duyên và ơn gọi ở đây không phải do Phật, Chúa ban cho mà do những trái tim từ bi, nhân ái của những người bỏ đời thường đi theo Chúa, Phật. Đó là chuyện ngày xưa, lùi lại mấy mươi năm về trước lúc Đạt vừa đủ lớn để biết tình yêu đôi lứa không có sức mạnh nào cản nổi, Không có biên giới nào ngăn được. Bạn bè bao nhiêu thằng đồng trang lứa mà có đứa nào yêu si mê, yêu cuồng nhiệt như Đạt đâu? “Có lẽ trời sinh như thế, nồng độ si mê, say đắm mỗi người mỗi khác nhau.” Đạt thôi không nghĩ ngợi gì nữa, anh đan những ngón tay ôm vào lòng rồi nghiêng đầu dỗ giấc, tránh cái cảnh máy bay sắp giảm dần cao độ để đáp xuống. Dường như càng về gần tới quê hương thì những chuyện xưa, người xưa càng thêm rõ nét trong tâm trí, bất ngờ nhất là hình dáng, khuôn mặt của một người mà Đạt đã quên bẵng từ bao nhiêu năm qua, nay đang hiện về thật rõ rệt như mới vừa chia tay nhau hôm kia. Diệu-Thanh, tên một người con gái trong những tháng ngày yêu đương đầu đời, đang “bấm chuông” những cửa vào thần kinh trí nhớ. Đạt tự nhủ thầm “hay là chuyến đi này lần lượt tìm lại những người con gái năm xưa để gỡ từng cái thắt gút trên sợi dây chính mệnh của đời mình.”
Đạt mua vé xe đò lớn để tìm lại kỷ niệm ngày xưa của những lúc ra vào Sài-Gòn thăm mẹ. Đạt ngồi kế bên tài xế nhìn xe cộ chen lách, vượt qua mặt và xe ngược chiều lao thẳng vào nhau rồi chỉ tránh nhau trong khoảnh khắc...người xuống địa ngục, kẻ lên thiên đàng... Bác tài nhìn anh chàng Việt kiều lơ láo như cảm thấy tội nghiệp, bác ta khuyên “Tui lái mà ông cứ ngồi không đạp thắng “gió” hoài! Ông nghe tui, ông đừng có lái bằng con mắt, ông cứ nhắm lại thì đường xa mới gần và không bị yếu tim!” Đạt nghe chí lý, anh nhắm nghiền mắt lại... Chẳng bao lâu thì xe lướt nhanh tới tương lai trong khi Đạt lùi dần...lùi dần về quá khứ...
Đạt thấy hiện ra một chiều nắng đẹp trên đồi cao nhưng xa xa mây đen đang kéo về...
Đạt băng qua mấy vườn mận thì trời chớp lóa cùng với tiếng sét ầm ầm, lên tới đồi khoai mì (sắn) thì mưa cũng vừa nặng hạt. Đạt nhắm hướng hậu viên của Linh-Phong-Tự mà chạy. Đạt nhảy qua một luống khoai thì giật mình khựng lại, dường như có bóng ai đang ngồi dưới bụi chuối sát một bên kia. Đạt định quay đầu lại nhìn nhưng kịp thời tự nghĩ “suýt chút nữa thì quay lại nhìn người ta đang ngồi tiểu tiện … Hên!”. Đạt vừa co chân nhảy tiếp thì nghe một tiếng la thất thanh, anh quay người lại, bắt gặp một nàng con gái áo lam, đầu vấn khăn nâu và một mảng lưng đang ướt sũng nước mưa. Đạt lấp bấp tiếng được, tiếng không:
- Mưa... mưa to như thế này sao lại đứng đó?
Cô gái áo lam bẽn lẽn trả lời:
- Tui đục mưa.
- Đục mưa thì lên chùa chứ sao chui trong bụi mà ngồi?
- Đây có lá chuối, kéo che tạm chờ hết mưa.
- Vậy mà lúc nảy ...lại tưởng...ngồi đang …
Đạt líu lưỡi dừng lại kịp thời và nuốt luôn cái ực chữ...“đái” xuống họng. Cô gái vừa ưỡn bụng, một tay kéo lưng áo ướt cho khỏi chạm vào da thịt vừa hỏi:
- Ngồi đang … gì ạ?
Đạt lúng túng:
- Đang … ngồi nhát ma hù tôi.
Nói được chữ “tôi”, Đạt lên tinh thần ngay, không còn ấp a, ấp úng nữa:
- Sao ấy lại la to, bị gì vậy?
- Tui bị nguyên một tàu lá lớn trút nước vào lưng, lạnh quá nên …
Đạt dậy lòng hào hiệp:
- Để tôi bẻ lá che mưa cho ấy lên chùa trên kia, đứng mãi đây sẽ bị mưa hành sốt rét đó.
- Bẻ giùm tui tàu lá kia đi, tui tự che được rồi.
Hai người hướng về chùa Linh-Phong-Tự nhưng người ta quen gọi là chùa Sư Nữ.
Buổi chiều ăn xong tô cháo lú ở nhà thọ trai, Đạt nổi gai trong người và bắt đầu lên cơn sốt. Sư bà cho chàng chén thuốc đắng nghét để giải nhiệt. Cô gái áo lam thì ngược lại, chẳng hề hấn gì, nàng thoăn thoắt làm hết việc này tới việc kia từ đun bếp, hong khô củi cho đến lau chùi bàn ghế ở nhà trai. Đạt ngồi yên một chỗ chờ tạnh mưa, nhìn thôi, không nói nên một lời vì từ khi về tới chùa, cô gái áo lam như người câm điếc. Sư bà cho chàng hay cô gái là sa-di-ni Diệu-Thanh của nhà chùa, nàng đang thọ giới tịnh khẩu. Đạt thắc mắc thì sư bà giải thích “mọi việc phát sinh nghiệp chướng đều do tâm-miệng-ý gây nên, tâm tà, miệng ác, ý tham đều cần được tu tỉnh, tịnh khẩu tức là không mở miệng nói cho đến hết thời gian thọ giới. Đạt mĩm cười kín đáo khi nhớ lại hồi chiều cô gái la to và trò chuyện với chàng lúc hai người ở dưới đồi sắn rồi giọng nói, ánh mắt, bàn tay kéo hoài lưng áo ướt… cộng thêm một quãng đường “che lá trong mưa” …tất cả bắt đầu thổi bùng lửa đốt trong tim, cơn sốt trong tim càng lúc càng tăng dần trong khi thân xác đang từ từ rét lạnh và hai hàm răng tìm nhau mà đánh cầm cập.
Trời xụp tối thì mưa tạnh hẵn. Đạt nhờ sư bà nhắn lời từ biệt với Diệu-Thanh rồi băng mình vào bóng đêm hướng về nhà Mạnh-Em để xin tá túc qua đêm. Nói là xin chứ thật ra là chỗ quen biết nhau rất thân tình và cũng chẳng cần khai báo với tổ trưởng dân phố vì Đạt thường ghé qua chơi đàn với Mạnh-Anh, Mạnh-Em tới khuya rồi ngủ lại tới sáng mới về nhà hay đi thẳng lên rừng làm rẫy với người anh.
Sáng hôm sau dậy muộn nhưng Đạt thấy khỏe hẳn ra không biết vì tô cháo lú, chén thuốc đắng của sư bà hay vì những đường cạo gió đỏ bầm của chú Lực, người hàng xóm của Mạnh-Em? Đạt mon men lên chùa giả vờ thắp hương niệm phật. Không thấy Diệu-Thanh đâu cả, Đạt bước lần ra sau đồi. Dưới nắng mai đẹp dịu dàng và cành lá xanh tươi vì cơn mưa hôm qua, Diệu-Thanh đang dùng cuốc để lên luống khoai. Đạt chào bắt chuyện “Cô Thanh! tôi lên chùa tìm...Thanh để cám ơn mà không thấy nên tôi ra đây.” Diệu-Thanh dừng cuốc nhìn Đạt chỉ gật đầu chào. Đạt chưa biết nói gì thêm vì sẽ gây khó khăn cho một người đang tịnh khẩu, chẳng khác gì trò chuyện với kẻ bị câm. Một lúc sau Đạt mới tìm ra chuyện nói “Đất còn ướt khó lên luống lắm”. Diệu-Thanh lại dừng tay, gật đầu rồi nàng đưa cán cuốc cho Đạt và bất ngờ lên tiếng, tuy nhẹ như thì thào nhưng Đạt cũng nghe rõ được:
- Khó thì cuốc đi! Tui về lấy giỏ đi hái lá.
Đạt ngạc nhiên, thắc mắc:
- Sao nói là....là ấy tịnh khẩu?
Diệu-Thanh mỉm cười:
- ”Thí chủ” không hiểu hết ý nghĩa của tịnh khẩu đâu, mà muốn biết thì phải đi tu … mô Phật tui lại phạm giới nữa rồi.
- Phạm giới gì? Sao phải đi tu mới hiểu?
Diệu-Thanh không trả lời, miệng lâm râm như niệm Phật cùng lúc nàng bấm đốt ngón tay lần hạt. Một lát sau nàng tươi nét mặt nhìn thẳng vào mắt Đạt đáp:
- Tịnh khẩu của tui không phải là giả câm mà là ít nói, ít la và nhất là không nói xấu, nói ngoa, nói móc méo như tui mới phạm giới vừa rồi là tui nói móc “thí chủ” muốn hiểu thì phải đi tu...
Đạt ngắt lời:
- Đừng kêu tôi là thí chủ nghe y như là kiếm hiệp. Tôi tên Đạt... Ờ mà xin lỗi cô Thanh, cô nói tiếp đi!
Diệu-Thanh vui vẻ không rời mắt ánh mắt vẫn giao nhau:
- Đừng kêu tui bằng cô Thanh, Diệu-Thanh mới đúng vì Thanh không phải là tên mà là pháp danh.
- Vậy tên cha mẹ đặt là gì?
- Ông chỉ nên kêu pháp danh Diệu-Thanh thôi.
- Sao kêu tôi bằng ông?
Diệu-Thanh chưa kịp trả lời thì Đạt chợt nhớ ra một câu học đưọc từ trong sách … Đạt liền nói:
- Hình như tôi lớn hơn Diệu-Thanh hay là kêu tôi bằng anh, không thích thì kêu tên cũng được.
Diệu-Thanh lại mỉm cười, lần này bất chợt hiện thật nhanh hai lúm đồng tiền rồi biến mất nhanh trong chớp mắt, nàng nói rất khẽ:
- Chấp mà không chấp, không sắc thị sắc … đó là chữ nhà Phật... Anh Đạt có biết vì sao tui là Diệu-Thanh không?
- Không biết!
- Vì tánh tui thì lành mà miệng lại lanh chanh. Sư phụ tui nói vậy. Mô Phật cả năm trời bây giờ tui mới mở miệng nói nhiều như hôm nay.
Nói chưa dứt lời chân nàng đã rảo bước lên chùa, bỏ Đạt đứng chết trân vì hai con mắt đen láy và hai cái lúm đồng tiền như bốn quả tạ nặng nghìn cân đang cột vào con tim mà trì xuống.
Chẳng bao lâu thì Đạt thấy Diệu-Thanh đang xách giỏ xuống đồi. Mặt trời lên cao và bắt đầu lung linh ánh nắng chiếu những tia len qua lá thông hứa hẹn một buổi trưa, chiều tà trời mây dịu vợi.
Đạt theo chân Diệu-Thanh đi dọc theo bìa rừng để hái lá và rễ cây cho sư bà làm dược thảo. Đạt tự thắc mắc nhưng không dám hỏi rằng sao một người tu hành kia lại dễ dàng để cho một người khác phái đi bên nhau, cùng trò chuyện, không sợ tai tiếng. Qua một vài cái trũng hay con suối, Diệu-Thanh tự nhiên hay hồn nhiên cũng chẳng rõ, nàng để cho Đạt nắm tay dìu bước. Buổi trưa đúng ngọ tức là lúc mặt trời đứng bóng, Diệu-Thanh ngồi tọa thiền rồi niệm Phật trong vòng ba phút. Niệm xong nàng mở gói lấy khoai ra chia cho Đạt cùng ăn. Đạt bắt chuyện vì từ lúc xuống đồi đến giờ hai người chưa nói với nhau một câu nào:
- Diệu-Thanh này, Diệu-Thanh vô chùa tu từ nhỏ hay mới đây?
- Mới thôi.
- Mới là bao lâu?
- Hai năm.
- Còn trước đó?
- Đi học.
- Học trường nào?
- Một trường ở Long-An.
- Ủa ở miệt dưới miền nam thiếu gì chùa sao lạc lên đây tu?
- Sư phụ tui viên tịch năm tui mới mười sáu ngài có lời gởi gấm tui lên Đà-Lạt học thêm đạo pháp.
- Viên tịch là chết rồi hả?
- Ừ!
Rồi Diệu-Thanh giải thích thêm về những cái chết như vua chết là băng hà, trẻ chết là hưởng dương, già chết là hưởng thọ, chán sống là từ trần, lính chết là tử trận, văn hoa... là tạ thế … Đạt càng lúc càng ngạc nhiên về kiến thức của Diệu-Thanh, một người con gái mới muời tám tuổi mà am hiểu còn nhiều hơn ông các ông thầy, bà cô từng dạy Đạt. Đạt khơi ra sự hiểu biết và thích thú của mình với truyện Kiều, anh đọc câu sáu nào thì Diệu-Thanh đọc tiếp ngay câu tám, như Đạt đọc..."Tiểu thiền quê ở Bắc Kinh," nàng tiếp "Qui sư, qui Phật, tu hành bấy lâu." Đạt xoay qua Bích Câu Kỳ Ngộ lúc Giáng Kiều khuyên Tú Uyên bỏ cõi trần lên tiên cảnh: "trời thu mây hợp mây tan," nàng tiếp "ngày xuân hoa nở hoa tàn mấy lăm" và rồi "anh hùng những mặt xưa nay ... trăm năm nát với cỏ cây cũng là." Đạt còn nhớ ánh mắt chợt buồn u uẩn chiều hôm ấy khi Diệu-Thanh ngâm tiếp hai câu sau "dần dần tháng trọn ngày qua...má hồng mấy chốc đã ra bạc đầu."
Những hôm kế tiếp rồi kế tiếp, lúc dưới đồng ngô, khi trên nương khoai hoặc cùng nhau đi vào rừng tìm dược thảo, Diệu-Thanh đã gây cho Đạt từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng kia. Nàng thông thuộc khá nhiều tình tiết trong Đông-Châu-Liệt-Quốc, Tam-Quốc-Chí cũng như những danh tác trữ tình Nhị-Độ-Mai, Hồng-Lâu-Mộng... và những truyện thơ như Lục-Vân-Tiên, Cung-Oán-Ngâm-Khúc, Chinh-Phụ-Ngâm, truyện Trinh-Thử, Trê-Cóc...Đã thế mà nàng còn thông thuộc cả sử ký từ họ Hồng-Bàng cho đến vì vua cuối cùng của nước Việt Nam. Có lần Đạt tò mò hỏi tông tích:
- Diệu-Thanh có anh chị em gì không?
- Có, bốn anh, hai chị, ba em.
- Tất cả đang ở Long-An chứ?
- Không, mọi người đã theo ba má đi nước ngoài từ dạo bảy lăm.
- Sao Diệu-Thanh không đi?
- Tui bị bốc trúng thăm ở lại lo cơm nước, thuốc men cho hai nội vì ông nội không chịu đi.
- Rồi Diệu-Thanh bỏ đi tu thì ai lo cho nội?
- Nội mất rồi, thiệt buồn ghê! Chính nội dạy tui học đủ thứ...
Ngừng một chút, đăm chiêu, tư lự...Diệu-Thanh nói tiếp:
- Ông tui mất rồi thì bà nội gửi tui vào chùa để về lại quê cha đất tổ ở Bến-Tre sống mãn kiếp phần.
Đạt hiểu ra phần nào nhưng vẫn chưa hết tò mò, Đạt lại hỏi Diệu-Thanh:
- Đang tu ở Long-An sao lại bèo giạt mây trôi lên đây?
- Tui lên đây để học thêm đạo hạnh. Nhưng sao cứ nói tui đi tu hoài vậy?
Đạt ú ớ chưa kịp trả lời thì Diệu-Thanh đã chạy mất hút vào đồng ngô xanh dờn. Cũng hôm đó có dăm ba người đi làm rẫy về, bắt gặp Đạt đang đứng duới suối rửa vết thương cho Diệu-Thanh, nàng bị đá rạch một đường dưới lòng bàn chân.
Liền mấy hôm sau Đạt hết lên nương khoai lại ra ven rừng chờ đợi nhưng không thấy bóng dáng Diệu-Thanh đâu cả. Đạt cho rằng vết thương làm độc khiến nàng phải nằm một chỗ. Nghĩ vậy nên Đạt ra phố mua hương đèn kiếm cớ lên chùa lễ Phật để mong được gặp người yêu... phải, Đạt đã yêu đến quên ăn, biếng ngủ không biết tự bao giờ...
Hai hôm sau Đạt lên đường đi hồ Chiến-Thắng mang theo lời một sư tỷ trong chùa “Chú đừng tìm lên đây mà tạo thêm nghiệp chướng cho mình. Người tu hành rồi lấy đại từ bi làm đuốc tuệ soi đường đi đến bờ giác trong khi thế nhân như chú cứ tưởng đó là tình riêng lửa dục u mê ám chướng. Bần ni biết chú đã vướng vào thất tình lục dục của thế gian tiểu ni Diệu-Thanh thương chú bằng thứ tình từ bi, bác ái mà thôi, chú...chú có hiểu bần ni nói gì không?”
Hồ Chiến-Thắng nằm gần hồ Than-Thở là nơi trai thanh gái lịch trở thành những đoàn người thủy lợi “lội bùn dơ băng lau lách...xung phong...” Sở dĩ Đạt tình nguyện đi xung kích nơi này vì có người bạn trên phố cho hay rằng nay mai sẽ có một đợt bắt người đi thanh niên xung phong để khai phá vùng Kinh-Tế-Mới với đất phèn chua cùng muỗi độc...nếu ở gần đây thì cũng tiện việc trốn về tìm Diệu-Thanh, người yêu trọc đầu mà yêu qúa Đạt cứ hát mãi...Gió sẽ mừng vì tóc em bay...cho mây hờn ngủ quên trên vai…nhưng Diệu-Thanh giờ thì đã...Vai em gầy guộc nhỏ...như cánh vạc về chốn xa xôi...”
Hai
Maria Magdalena Thúy
Xe đò lên được một quãng chân đèo Bảo-Lộc thì Đạt phải bịt mũi phì mạnh hơi cho hai tai hết lùng bùng, nhờ vậy mà anh tỉnh hẳn. Đạt nhìn những thay đổi của con đường đèo so với những năm còn niên thiếu, một chút gì háo hức xen lẫn một nỗi buồn dâu bể ... Đạt nhìn thẳng con đường nhựa trước mặt đang bị xe nuốt dần để hình dung gương mặt của Diệu-Thanh nhưng Đạt bực mình vì tự nhiên lại quên mất nét mặt, nụ cười của nàng hơn hai mươi năm về trước. Xe dừng lại ở một khúc quanh có miếu thờ cho một bà hành khách bước xuống. Đạt nhìn vào tường đá thiên nhiên có nhiều đường cát khai và lấm tấm những chấm thâm nâu thì từ từ hiện ra cái lúm đồng tiền mà Đạt thấy được chỉ một lần duy nhất trên má Diệu-Thanh hồi còn trẻ và rồi cũng từ cái má lúm mà sau cùng gương mặt nàng bây giờ đang “soi” chiếc gương trí nhớ trong đầu Đạt.
Đạt mừng rỡ, cố gắng lưu giữ nét mặt Diệu -Thanh nhưng bộ nhớ lại nghịch ngợm...nó tháo chiếc khăn nâu che đầu Diệu-Thanh cho trôi xuống một dòng tóc mượt mà...mái tóc vừa xõa xuống...gương mặt Diệu-Thanh liền mờ dần trong hồi tưởng và nhường nguyên “bộ nhớ” cho Thúy, Maria Magdelena Thúy.
Rời khỏi xóm Đa-Lợi tức Trại-Hầm, Đạt về nhà thu xếp để lên đường đi xung kích. Cửa nhà quạnh quẽ, tất cả anh chị em đều xuống Sài-Gòn ở nhà mẹ chỉ còn người cha một mình lủi thủi ở sau vườn. Sáng hôm sau mặt trời vừa ló dạng Đạt đã thấy thằng nhóc đệ tử Cu-ù vác bị gậy đứng chờ ngoài ngõ.
Cu-ù gầy lêu khêu. Hồi còn bé nó tròn giống như hột mít nên mới bị cả nhà và hàng xóm gọi tên là Cu-ù. Nó chỉ nhỏ hơn Đạt có hai tuổi nhưng tôn Đạt làm sư phụ vì Đạt dạy nó mấy đường Aikido tự vệ và chỉ nó “nghệ thuật cua gái”. Thằng này tuy khù khờ nhưng chăm học hỏi nên chẳng bao lâu nó “liếng” được con gái người Tàu lai Việt bán tạp hóa trong làng, “liếng” là từ mà chị năm-Én, một người đàn bà trẻ có nhan sắc thường gọi thay cho cái ý nghĩa “cua đào, cua ghệ”.
Hồ Chiến-Thắng nằm ở phía bắc thành phố Đà Lạt, hợp cùng Hồ Than-Thở, Mê-Linh bao quanh trường Võ-Bị-Quốc-Gia ngày trước, nay có tên là Học-Viện-Quân-Sự. Hàng loạt thanh niên, học sinh được đưa vào đây làm công tác thủy lợi. Ban ngày mọi người vác cuốc, xẻng ra hồ đào, lấp...chiều về tắm gội, giặc giũ và lo cơm nước ở những ngôi nhà hay biệt thự mà chính quyền địa phương “tiếp thu” hoặc ở những cái “sam” tập thể.
Có một kỷ niệm khó quên trong những ngày lao động nơi đây. Nhờ chuyện này mà Đạt nhớ lại hầu hết cảnh vật, con người của hơn hai mươi năm về trước...
Đó là một đêm trăng sắp tròn, ánh sáng trăng vừa đủ để soi đường cho Đạt trở về “sam” mà không cần thắp đuốc. Lúc còn trong cuộc nhậu ở xóm chợ, Đạt tưởng mình không say nhưng ra ngõ đi được vài bước thì “chao thuyền”, nhìn thứ gì cũng thấy hai, ba... chân này thiếu tin tưởng chân kia nên lắm lúc phải đứng tựa cột đèn cho chúng giải hòa với nhau rồi mới đi tiếp...Nhưng rồi Lý-Bạch đưa đường, Lưu-Linh chỉ lối, Đạt cũng về tới Sam...Khuya hôm đó bỗng dưng có một tiếng hét kinh hoàng làm tất cả thanh niên giật mình tỉnh dậy. Đèn trên trần đã bật sáng mà hàng chục cái đèn pin còn chiếu lên chỗ Đạt nằm và đám con gái đang ôm một đứa đang gục đầu khóc thút thít. Thế là hôm sau phó thường dân thanh niên rộng rãi Trần-Đạt đọc tờ kiểm điểm như vầy: “Tôi tên là ...thuộc thành phần tiểu tư sản...hiện đang lao động xung kích tại hồ Chiến-Thắng. Tôi tự kiểm điểm hành động sai trái của mình vì đêm qua đang bụng đói mà nhậu qúa chén, khi về đến nhà tập thể tôi tưởng tôi vào cửa trước nên leo lên sàn bên phải chẳng dè tôi đi lộn cửa sau mới leo lộn lên sàn ngủ của con gái. Tôi xin thề là tôi say quắt cần câu, chẳng biết trời trăng gì cả nên tôi tin rằng tôi nói thật.” Đọc xong tờ kiểm điểm láu cá của mình mà cả hội trường vẫn còn im phăng phắc vì tưởng ... còn nữa, chợt có tiếng vỗ tay của một tên vô duyên nào đó làm một số đông theo thói quen xã hội chủ nghĩa vỗ theo. Đồng chí đoàn viên đại đội trưởng ra hiệu cho mọi người im lặng xong, hắn tằng hắn vài cái nhưng chưa kịp nói thì có một giọng miền trung khó nghe, nói như chữi lộn: “tụi tui phẻn đối thanh niên kia không noá thặc.” Chị ta chỉ vào một cô gái đang cúi mặt, nói tiếp “Chính xéc lờ hén giựt cái gấu của con ni tính lồm chiện...phẻn động” Chị ngồi cạnh bên thêm vào “con bé này từ lúc còn bú mẹ tới giờ chưa bao giờ rời xa cái gối ôm, nó đi lao động cũng đem theo, đêm nào không có là không ngủ được...” chị chưa nói hết đã bị nàng kia cắt lời “chính xéc, không sai chút nào. Tui hỏi bè con chứ tựa seo thanh niên kia say rụ mà biết en cướp gấu của người ta để gấu đầu? Giả say thì có!” Chợt Cu-ù xen vào “Lúc mấy người phát hiện, chiếu đèn pin thì nhỏ kia đang ôm lại còn gác cẳng lên người ông này mà.” Một giọng đàn bà quát to “Thằng kia, mày bao lớn, bằng trái ớt hiểm mà kêu người ta nhỏ này, nhỏ nọ! Ông kia lấy gối ôm của nó thì nó đinh ninh ổng là cái gối ôm nên...” Đạt chồm lên “Thôi thôi thôi!” và nổi giận hét to “Tôi rút lại lời khai, muốn làm gì tôi thì làm, mấy người còn nói chỉ làm cho người ta xấu hổ thêm thôi!” Và Đạt bước tới trước mặt cô bé dằn cơn nóng giận xuống, mở lời từ tốn xin lỗi cô bé. “Phải vậy chứ!” chị đàn bà lắc vai cô nhỏ khuyên “thôi bỏ qua nhen em, em mà tha cho nó thì nó khỏi bị làm kiểm điểm...” Ngồi yên từ nãy giờ đồng chí Rơi phường đoàn mới lên tiếng “Ta thông qua chuyện này, các đồng chí và anh chị em rút kinh nghiệm đừng để xảy ra nữa. Riêng anh Đạt, tôi đề nghị trung đội ghi báo cáo về phường để cảnh giác nếu còn tái phạm thì...” Đạt không nghe nữa vì đứa con gái nằm ôm anh ngủ đêm qua đã ngước mặt lên nhìn, mà nhìn bằng ánh mắt muốn...muốn hiểu lầm cũng được, như vậy càng thấy thích hơn.
Mấy hôm sau, Đạt lại trốn đi đánh cờ tướng ở trên xóm, lúc về tới sân thì thấy mọi người nhốn nháo như cháy nhà. Trước mắt Đạt là một vài nhóm rải rác đang bu chung quanh những cái xác người đặt nằm, ngồi trong sân. Có một đám con trai xếp thành một hàng dọc, tay đốt đuốc, rọi đèn pin đang tiến vào ngôi nhà hai tầng và miệng ca bài... ai đó đang cùng chúng cháu hành quân. Cu-ù kéo Đạt bước theo. Vào đến bên trong thì Đạt thấy cái đầu của đám “rồng rắn lên mây” này đang leo lên thang lầu. Tên đầu đàn vừa lên tới bậc cấp cuối cùng thì tự nhiên như có ai xô mạnh làm hắn rơi về phía sau và cả cái đoàn rồng, rắn chẳng hiểu vì sao lại bỏ chạy tán loạn ra ngoài ...ai đó mà nhìn các cháu hành quân như vầy chắc phải phì cười...
Đạt ra ngoài nghe người ta đang kể cho nhau nghe rằng các cô cơm nước xong leo lên lầu ngủ thì một cô la ú ớ lay hoài không tỉnh dậy phải khiêng ra ngoài cho thoáng gió. Chưa xong thì trên lầu lại có cô ngã ra bất tỉnh, rồi lại thêm cô thứ ba. Ba cô mắt trắng dã miệng sùi bọt đều đòi đi ăn chè với ông tây mặt đồ trắng. Những ai có mặt đêm đó đều cho là hồn ma ông Tây không bằng lòng ai vào ở trong nhà. Đạt cũng biết căn nhà hai tầng này là nơi ngày trước người Pháp thường dùng làm trạm để đi săn và Đạt cũng nghe đám thanh niên ở trong ngôi nhà đá có người treo cổ tự tử trước bảy lăm, bị kinh động bởi những điều ma quái xảy ra. Đạt mon men tới một đám thanh niên đang bu quanh một đứa con gái chưa hoàn hồn anh nghe thoang thoảng bên tai “Thiệt mà! giống như có hai bàn tay đẩy tao xuống, còn đấm vào bụng tao nữa...”
Người con gái vẫn nằm im, da mặt tái mét, tay chân thì cứng đờ. Đám bu quanh vừa tìm ra hộp dầu liền bôi lên cổ và hai thái dương, xong chúng cong ngón giữa và ngón tay trỏ lại như hai cái càng con dế rồi kẹp và da cô gái giựt đến tím bầm. Đạt ra hiệu cho Cu-ù bước lại gần, Đạt hỏi:
- Mày có mắc đái không Cu-ù?
Cu-ù ngạc nhiên hất hàm:
- Chi vậy?
- Mình cho con nhỏ uống nước tiểu, nó sẽ tỉnh lại ngay.
- Ừ hen, hồi nhỏ bà nội tui cũng hay biểu tui đái cho bả uống... Nhưng mà sao anh không tự lấy mà hỏi nước tiểu của tui?
- Bị mày còn trinh, nước tiểu của trai tơ mới hiệu nghiệm.
Cu-ù nhăn nhó cự nự:
- Bộ anh cũng mất trinh rồi hả? Tui đâu có thấy con nhỏ nào cặp với anh đâu? Hay là con Lụm chị thằng Được, con Huệ con bà Nuôi?
Đạt cũng nổi sùng:
- Tao mất lâu rồi!
- Với ai?
- Với ai kệ tao, đồ cà chớn!
- Tui cũng mất tiêu rồi!
- Thằng sạo mày! chưa mở... mắt bày đặt sạo ke...mà ai làm mày mất?
- Chị Én vợ anh Năm hạ-sĩ.
Cu-ù nói xong, nó tránh ánh mắt của Đạt, nó nhìn mông lung ra ngoài đồi thông rồi mắt chớp chớp như muôn nghìn ý tưởng đang cuồn cuộn trong đầu. Đạt nhìn nét mặt tối sầm của Cu-ù anh biết thằng này không nói dối. Đạt cố gắng vẽ trong đầu cái hình ảnh chị Én nằm với Cu-ù nhưng không tài nào hình dung được... Chị Én lấy chồng năm mười sáu tuổi. Chị ăn ở với anh Năm-Hạ-Sĩ đã bốn, năm năm rồi mà vẫn chưa có con. Chị theo anh Năm về xóm này thì đàn bà, con gái không ai có nước da trắng hồng hơn chị. Trời lạnh hay nóng gì thì đôi má chị cũng ửng hồng. Người ta nói anh Năm bỏ bùa mê thuốc lú cho chị mê anh bởi anh chẳng có gì đặc biệt, học hành dở dang đi lính chỉ được hạ sĩ làm tài xế đưa con cấp trên đi họ, đưa bà đi chợ mà thôi. Lúc chị mới về xóm này, Đạt và Cu-ù thường đi câu cá lòng tong về cho chị lăn bột chiên ăn. Một hôm anh Năm đi gác về thấy hai đứa đang ngồi ăn chung với chị Én, anh cấm tiệt không cho hai thằng héo lánh tới nhà nữa, “nhỏ hả, nhỏ cái con c. tao nè!...để tao vạch cái nách tụi nó cho mày coi lông.” Đó là những lời anh Năm-Hạ-Sĩ vừa nói vừa đánh chị Năm mà Đạt với Cu-ù nghe được. Giọng Cu-ù ngập ngừng, chín sượng:
- Anh còn nhớ hai thằng mình thường lén nhìn chị Én tắm không?
- Nhớ, rồi sao?
- Thì tui bị chỉ bắt gặp lúc tui đang nhìn trộm …
Đạt sực nhớ tới một buổi trưa hè ve kêu khắp xóm. Lúc đang nằm trên võng đong đưa, thiu thiu chưa ngủ thì thấy chị Én đang ôm quần áo, đầu quấn khăn lông bước về phía cái buồng tắm sau vườn nhà chị. Đạt tính rủ Cu-ù lén chui rào qua nhà bà cụ Nhì nhìn trộm vì buồng tắm do anh Năm lấy tôn mái nhà mà dựng thành vách sát hàng rào có bìm bìm leo của bà Nhị. Tôn còn những lổ đóng đinh chưa trám lại nên vạch lá xanh rồi ghé mắt vào mấy cái lỗ nhỏ đó sẽ thấy hết chị Én đang xối nước, kỳ cọ, rồi lau khô … Đạt chưa rời khỏi võng thì một trái thông bay vèo vô sân. Đạt biết Cu-ù đang chờ ngoài ngõ nhưng vì chân bị tê chưa cử động được đành nằm co duỗi cho máu chạy đều. Trái thông thứ hai rồi thứ ba bay vô sân … Khi ra tới ngõ thì Cu-ù đã bỏ đi rồi Đạt không chờ mà đi vòng ra sau phóng mình qua hàng rào. Mới vừa vịn tay vào góc hè nhà bà cụ Nhị thì Đạt trông thấy thằng Cu-ù đang ôm mặt, tay dụi mắt liên hồi. Chợt nghe tiếng chị Én đang vịn tay trên hàng rào giậu “Hổng sao đâu em, chị nặn nước chanh xịt cho cay mắt thôi chứ không mù đâu mà sợ.” Chị vừa gỡ cái khăn trên đầu rồi quấn lại cho chặt vừa hỏi “ … mà chị hỏi nè, mày rình trộm mấy lần rồi hả Cu-ù?” Thằng kia ngượng ngùng vụt bỏ chạy xẹt qua chỗ Đạt đứng nước mũi giãi nó chảy nhễu lòng thòng xuống đất. Đạt cũng từ từ rút êm không gây một tiếng động nào. “Lúc tui mới ghé mắt vào lỗ đinh thi chỉ ngậm nước chanh dùng cái ống nhựa thổi xịt nước chanh vào mắt tui cay xè” Tiếng Cu-ù lôi Đạt về thực tại. “Rồi sao nữa?” Đạt hỏi.
Cu-ù ấp úng trả lời:
- Sau đó chỉ bảo gì tui phải làm theo, cải lời thì chỉ mét anh Năm quánh cho nhừ đòn.
- Ừ anh Năm mà đánh ai thì ác độc lắm! Rồi nguyên do đâu mà chỉ với mầy vậy?
- Chị Én với tui làm sao?
- Thì...thì ngủ đó, Nãy mày nói mày mất trinh đó?
- Tại cái chết của bà cụ Nhị.
- Bà Nhị chết thì ăn nhập gì tới chuyện mất trinh hả mậy?
- Thì chị Én sợ bà Nhị hiện hồn nên hôm anh Năm lái xe đưa con ông Thiếu Tá đi Nha Trang chơi mấy ngày, đêm nào tui cũng phải qua ngủ bên nhà chỉ. Trước thì nằm võng sau bị muỗi cắn đập liên tục làm ồn chị Én ngủ không được mới bắt tui chui vô mùng mà ngủ...
- Rồi sao nữa?
- Thôi cha này hỏi nhều quá đi! Đưa lon đây tui đi kiếm nước tiểu cho.
Cu-ù nói xong, giựt cái lon trên tay Đạt rồi biến mất vào bóng đêm.
Nhỏ con gái không biết tỉnh dậy và khỏe ngay vì được cạo gió hay được uống ” thần dược” do Cu-ù bắt một thằng nhỏ “không đái không cho về”. Nhỏ xưng tên Thúy mở miệng cám ơn Đạt cho uống “thuốc” và con mắt nó có cái gì ...không hiểu lầm cũng không được...
Ba
Hạnh
Xe đò hành khách rời Bảo- Lộc băng qua những cánh đồng và những khu chợ nhỏ nằm dọc theo quốc lộ hai mươi. Đạt vẫn ngồi bên cạnh tài xế lúc tỉnh, lúc mê. Xe chạy không biết bao lâu thì hai tai của Đạt bắt đầu bị lùng bùng. Những tia nắng không còn gắt gao nữa mà mong manh, ấm áp hơn. Dường như xe đang lên đèo Prenn thế thì chỉ còn chừng mười cây số nữa thôi sẽ tới nơi. Trí nhớ của Đạt còn tốt và những kỷ niệm hai mươi năm về trước lại tuôn ào ra từ ký ức như chiếc cỗng lúc tan trường mà mỗi học sinh là một kỷ niệm...
Sau cái đêm say rượu về ngủ lộn sàn của con gái, lấy gối ôm của nhỏ tên Hạnh để gối đầu, được nhỏ Hạnh tưởng là cái gối nên nó nằm ôm đến gần sáng, Đạt bắt đầu chăm lại bộ tịch và “ủi” quần áo bằng trọng lực, nghĩa là Đạt xếp quần áo thẳng nếp rồi đặt xuống chỗ nằm lấy tấm ván đặt lên, xong kéo chăn phủ lên ván và nằm lên đó mà ngủ. Sáng thức sớm, tuy phải dùng muối mặn chát thay kem nhưng Đạt đánh răng lâu hơn thường lệ rồi nhúng lược cho ướt để chải đầu...Mặt trời lên, trong đoàn người vác cuốc xẻng ra hồ thì Đạt bảnh nhất, quần áo phẳng phiu, đầu tóc láng mượt giống như đang đi xem hát chứ không phài đi lao động. Có vài người nói xì xầm sau lưng và các đoàn viên kết tội Đạt rằng tác phong, đầu óc còn nặng màu tiểu tư sản, chưa phát huy được con người chủ nghĩa xả hội mới...nhưng Đạt bất cần bởi nhỏ Hạnh “có tịch” rồi. Đi vô, đi ra bất ngờ gặp nhau nhỏ đều “giựt mình”, cơm chiều xong Hạnh hay ra ngồi một gốc cây nhìn về một hướng xa xăm mặt buồn vời vợi. “Nhỏ Hạnh- gối- ôm mết tao lắm rồi đó Cu- ù ơi!” Đạt hân hoan nói nhưng Cu- ù chưa có bằng chứng gì để tin, nó bậm trợn “có thiệt không đó cha? thiệt mới nói nha!”.
Vào một đêm trăng sáng vằng vặc, bóng cây, đường làng trông thật nên thơ, gợi tình, bọn thanh niên đang ngồi tụm ba, tụm bảy thì thầm tâm sự bỗng mọi người ngước nhìn nhau thắc mắc vì có tiếng hát vừa cất lên, vọng vào cửa sổ, tiếng hát trong như pha lê nghe tê mê cả tâm thần. Cả bọn rón rén tới nhìn qua khe gỗ thì phát hiện nhỏ Hạnh đang ngồi vừa giặt áo vừa cất tiếng ca, nước mắt nó từ từ đọng thành giọt rồi nhỏ xuống thau nước. Không biết vô tình hay cố ý, cả bọn đẩy lưng Đạt ra hiệu, một đứa chạy đi lấy cây đàn cho Đạt rồi đứng chổng mông nghe Đạt đệm đàn. Đạt khéo léo giả vờ móc “classic” bài moonlight Sonata của Beethoven bát trúng âm người hát rồi từ từ chuyển sang đệm đàn nhè nhẹ, êm êm cho đến khi tiếng đàn và tiếng hát bên ngoài quyện lấy nhau thành một dạ khúc dưới trăng vàng nghe nức nở, bùi ngùi... Bọn người giờ đã ngồi bệt xuống đất, có cô này ôm đầu gối cô kia, anh này chống hai tay lên vai anh khác đang ngồi …họ cùng lắng nghe một cách say mê đấy cảm xúc như những ngày xưa bên lửa trại học đường”...Tình yêu nào như đến trong mơ Tình yêu nào êm ái như thơ Tình yêu nào lòng cứ đợi chờ Đợi chờ từng phút từng giờ Từng phút từng giờ mà tình thì đến nào ngờ Tình đến nào ngờ vì tình nào có hẹn giờ Em đi tìm anh suốt đời...”
Trong bọn con gái có hai cô người Hà- Nam- Ninh từ Bắc vào cũng đi công tác thủy lợi, một cô phê phán:
- Chị nào ca nhạc gì mà tiêu cực thế!
Đạt giật mình sợ hai cô tố cáo mình đang chơi nhạc vàng với đoàn thể nên châm chế:
- Ủa, vậy chị không biết đoạn này sao...Chị còn nhớ hai người lính chia tay nhau trong mưa một người lên xe nhìn cái gạt nước trên kính xe mà xoa đi nỗi nhớ còn người kia thẩn thờ xuống núi đến khi vướng cái nhành cây mới giật mình vơi bớt thương đau...
Chị thứ hai “hồ hởi” la lên:
- A! tớ biết rồi đó là bài ca cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn...Ơ... cơ mà có liên hệ gì đến bài ca khi nãy đâu?
Đạt tằng hắn:
- Có chứ! Đấy là lúc trước khi chia tay nhau, trước khi trời đổ cơn mưa đó... nàng con gái nói “tình đến nào ngờ vì tình nào có hẹn giờ, em đi tìm anh suốt đời...” Chỉ trong phút chốc hai người lính gặp nhau rồi chia tay, người về tây, kẻ sang đông, họ hẹn hết chiến tranh sẽ tìm nhau, dẫu phải tìm nhau suốt đời…
Cô thứ hai nhìn bạn mình nói với giọng rưng rưng đầy xúc cảm:
- Thế ra những người lính cũng yêu nhau triệt để, lời hay cứ như thơ của Rasul Gamzatov chị nhĩ!
Thế là thoát nạn. Đạt định treo đàn lên vách nhưng mọi người và cả hai cô gái Bắc đều cản lại rồi bắt anh đệm đàn cho mọi người hát chẳng bao lâu bầu không khí trong sam vàng đỏ trộn nhau từ “đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu...” đến “Giờ này anh ở đâu Quang Trung nắng cháy da người...Anh ở đâu...ớ ơ ờ...Anh ở đâu?”
Cô gái giặc áo ca bài tạ tình của nhạc sĩ Hoàng-Thi-Thơ đang ngồi sau lưng Đạt từ lúc nào không hay. Nhỏ nói rất khẻ:
- Cám ơn anh đã nói đỡ cho em.
- Nói gì hở Hạnh?
- Chuyện ca nhạc vàng hồi nãy.
- À chưa xong đâu vì quanh đây cũng có đoàn viên, không khéo tối mai sẽ có đấu tố.
Tối hôm sau cả bọn ca sĩ tốp ca cùng đàn sĩ và tay trống muỗng thia bị đưa ra tập thể kiểm điểm, phê bình. Riêng Đạt bị thêm một chấm đen trong hồ sơ thành phần chống phá cách mạng. Liền mấy hôm sau không nghe tiếng Hạnh hát nữa, Đạt ôm đàn hát khe khẻ vừa đủ nghe:
Đêm buôn về ta tương tư tiếng hát
Nghe giọng buồn ta thường nhớ tới ai ...
Đêm buồn về hồn bao la sa mạc,
Và đêm buồn về một mình ta với ta ...
Đạt mượn lời nhạc Hoàng-Thi-Thơ thả bay” về phía Hạnh nhưng cái mền trùm đầu tới chân nàng vẫn không một chút lay động chỉ có ai đó vừa mới ngồi xuống một bên, chống bàn tay nuột nà lên phản làm nhô cao một bờ vai mảnh mai đang làm xao xuyến bờ vai của Đạt. “anh có từng chơi nhạc Thánh ca không?” Thúy hỏi thì thầm vừa đủ hai người nghe và Đạt cũng vừa nghe tim mình đập những nhịp “chõi” bồi hồi ,lạc điệu...
Bốn
Chị Én
Đạt biết chung quanh có khá nhiều người, lớn có, nhỏ có, từng sinh hoạt trong những ca đoàn. Họ đàn rất hay nhưng có lẽ ai cũng sợ bị lôi thôi nên không dám chơi Thánh nhạc. Đạt cũng ớn mấy tay đoàn viên, đảng viên, phường đội, thành đội, công an, du kích... Tai mắt họ ở khắp nơi nhưng vì tánh trời sinh “dại gái” nên chơi liền vài bài thánh ca lấy le với Thúy.
...Ðời sống bao tháng ngày con lại, e ngại những cơn mưa đời, sẽ làm lòng con úa phai, (sẽ làm lòng con úa phai.) Lời Chúa là ánh sáng soi trên đường dài, là gió thổi dẫn đưa con thuyền đền nơi, trót đời con đây nhỏ bé, trót đời xin dâng tiến Ngài. Con xin dâng lên con người nhỏ bé có chi đâu (có chi đâu)? ôi con người ngàn năm mấy thuở... có chi đâu? Con xin dâng lên chính là Chiên Thiên - Chúa, gánh tội tình (gánh tội tình) tháng năm máu Người đã đổ... làm hy - sinh.” Và càng nghe Thúy càng xúc động còn Đạt thì càng khảy càng...”phản động.”
Ba tuần lễ trôi qua giọng ca ánh mắt của Hạnh và cử chỉ tình tứ êm đềm của Thúy vẫn chưa làm phai mờ được cái nắm tay dìu nhau qua suối và qùy dưới nước rửa chân cho Diệu-Thanh như Trương-Vô-Kỵ ngồi vẽ lông mày cho Triệu -Minh trong pho kiếm hiệp Đồ-Long-Đao.
Sau ba tuần lao động, Đạt trốn khỏi công trường đi tìm tiểu ni-cô Diệu-Thanh.
Rời khỏi khu chợ Chi-Lăng Đạt không về nhà mình, anh hướng Chùa Linh-Phong mà đi. Tới ngã ba Trại-Hầm trên đường Trần-Hưng-Đạo thì gần nửa đêm. Đạt do dự một lát rồi quyết định băng đồi nhắm xóm Hỏa Xa tìm đến nhà bà Ba-Xe-Lửa, một cụ già quen với mẹ Đạt thường cùng nhau đi lễ Phật ở Tịnh-Xá-Ngọc-Đức những năm Đạt còn bé. Bà cụ ở một mình neo đơn nên gặp Đạt thì mừng lắm. Đạt xin ở trọ qua đêm, bà ra đóng hết cửa nẽo, cài song, tắt đèn xong ngồi đong đua võng cho Đạt vừa hỏi thăm chuyện nhà, chuyện mẹ buôn bán ở Sài-gòn... Đạt ngủ thiếp đi vì mệt mỏi... Trong mơ Đạt thấy mình gặp một sợi dây thừng và cứ lần theo dây đi mãi, đi miết mà chưa thấy đầu dây bên kia...Đến một chiếc cầu mà bên dưới là vực sâu thăm thẳm, bấy giờ Đạt mới thấy có một người con gái đứng bên kia cầu một tay nắm sợi dây thừng, tay kia vẫy Đạt nhưng Đạt không dám bước qua vì sợ té xuống vực sâu. Đạt quay người đi ngược lại thì bóng người không rõ mặt kia gieo mình xuống vực sâu. Đạt lần theo sợi dây leo xuống cứu nhưng tiểu ni cô Diệu-Thanh đưa tay cản lại, nàng đang đứng bên Đạt hồi nào không hay biết. Đạt mừng vui vô hạn... Lúc Đạt tỉnh giấc tuy vẫn còn kinh động chuyện bóng người buông dây thừng nhảy xuống vực sâu nhưng Đạt cố gắng nhớ lại bóng dáng và cử chỉ của Diệu-Thanh, trong mơ Diệu-Thanh mặc chiếc áo cũng màu sim tím,cổ tai bèo như Hạnh và mái tóc dài viền bóng nắng thướt tha không thua gì tóc của Thúy.
Bà Ba đập cái trứng gà chiên với mấy lát khoai phơi khô, ép Đạt ăn rồi mới cho anh giả từ lên đường đi cứu...con tim vừa trở bệnh trầm kha...
Đến nơi, Đạt gặp một bé gái năm, sáu tuổi đang chơi trước cỗng chùa liền làm quen:
- Em nhỏ ơi! anh muốn tìm Phật, em có thấy Phật đâu không?
Đứa bé quay lại hồn nhiên không sợ hãi:
- Phật đang ngủ trong chùa.
Đạt ngạc nhiên:
- Mặt trời lên rồi mà Phật còn ngủ à?
- Nhụ đâu biết đâu! Phật cứ nhắm mắt hoài à!
- À tên em là Nhụ phải không?
- Không phải!
- Vậy tên em là gì?
- Là “Nhụ” đó!
- Ừ thì “nhụ”, mà Nhụ có biết ni-cô Diệu Thanh trên chùa không?
- Biết.
- Có quen không?
- Có
- Nhụ quen thì nhụ mang gói này lên đưa cho ni-cô đi!
- Dạ!
- Xong rồi thì Nhụ có biết cái quán bán bánh kẹo dưới kia không?
- Nhụ biết.
- Rồi thì Nhụ chạy xuống đó anh mua bánh, mua kẹo cho Nhụ ăn.
Cô bé không đáp, hớn hở nhảy chân sáo chạy lên chùa. Đạt hồi hộp, trống ngực nện thình thịch lửng thửng đi xuống đường.
Đạt ngồi uống trà nơi quán hàng không bao lâu thì bé gái xuất hiện đưa cho Đạt một tờ giấy gói nhang hương. Đạt mở ra xem thì chỉ thấy có mấy chữ “canh năm đông bắc hạ viên”. Đạt mừng rỡ tính nhẫm “canh năm là 3 giờ tới 5 giờ sáng, hạ viên là vườn dưới tức vườn trà phía đông bắc.” Giải được bài toán dễ ợt mà con tim cứ phập phồng xong, Đạt đưa cho Nụ gói kẹo cùng gói kem si-rô đá bào. Con bé dường như có cảm tình với Đạt, nó bảo Đạt ra “Mõm-Thiên-Thu” bắt chuồn chuồn cột dây cho nó chơi như thả diều. Mãi tới chiều Đạt mới lần mò về nhà. Đạt sợ cái lặng lẻ của nhà mình và nhất là sự im lìm ra vào một mình của người cha.
Con Dốc gần nhà Đạt chỉ vừa đủ một người đi, rể cây bị mưa soi đất làm thành những bậc thang cấp thiên nhiên. Lúc Đạt tới đầu dốc anh vừa kịp thấy một người đi thụt lùi thật nhanh rồi như không thể tránh mặt Đạt, người ấy ngồi lách vào một gốc cây, kéo nón lá che kín và ngồi đập guốc cho văng đất ra. Đạt vô tình không biết người ta né tránh mình, anh hỏi:
- Chị Én phải không? Chị đi đâu vậy?
Người đàn bà cố tình kéo nón lá như che thêm cho kín mặt không trả lời. Đạt nhận ra cái áo bông màu hoa cà đã bạc màu, anh tiếp tục hỏi:
- Hồi nãy ngang qua nhà tôi chị có thấy ba tôi không?
Chị Én vẫn ngồi im che nón trả lời:
- Thấy.
Đạt lấy làm lạ tại sao hôm nay chị tránh mình, lại ăn nói cộc lốc “hay là chị ta sợ chồng ghen...không thể nào...mình là hạng em út, lóc nhóc mà...” Đạt xin kiếu:
- Thôi chị Én đi đâu thì đi nha, tôi về.
Chợt bờ vai chị Én run lên và Đạt cũng vừa nghe một tiếng nấc. Đạt xoay người, nhấc nón lá lên và giật mình vì một mắt của chị Én bị bầm đen, má sưng và môi bị dập nát trông thật thảm thương. Đạt biết chắc là anh Năm-Hạ-Sĩ lại ra tay đánh vợ thật tàn nhẫn, tự nhiên Đạt nổi giận đến nghẹn thở, anh nắm cánh tay kéo chị Én đứng lên, chị la lên đau đớn vì những ngón tay giận dữ của Đạt..”Chị không về nhà nữa, chị đi theo em”. Chị Én không biết Đạt đưa chị đi đâu nhưng nghe Đạt xưng em chị thấy lòng ấm lại, quên cả cơn đau mặc dù chị biết Đạt không nhỏ hơn chị bao nhiêu.
Đạt đưa chị Én đến nhà bà Ba-Xe-Lửa. Sau một hồi năn nỉ bà cho chị ở tạm vài ngày chờ chồng biết lỗi đi tìm thì về, bà Ba không những bằng lòng mà còn kể dông dài chuyện ngày xưa ông lỡ “phủi” bà mấy cái, bà bỏ nhà đi trốn bên chú thiếm làm ông Ba lo “bấn xúc-xích” chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm bà. “Ở đây với bà đi cháu! khi nào lành lặn vết thưong rồi về mà bây làm gì mà nó ghen, nó đánh dữ vậy? Bị đánh vì chồng ghen thì bà chứa còn bị đánh vì hỗn hào chữi cha mẹ chồng thì đi ngay ra khỏi nhà bà” bà cụ nói một hơi dài không nghỉ “thôi cháu đi rửa mặt đi, Đạt, mày chữa cái cán gáo lại giùm cho nó múc nước!” Đạt sửa cái gáo cho khòi quay vòng cái cán rồi múc nưóc trong lu cho chị Én rửa mặt “chắc giờ này anh Năm đang đi tìm chị” Đạt phỏng đoán nói “không đâu, ảnh tưởng chị mua vé xe về nhà ba mẹ ở ít hôm rồi lên lại, hơn nữa anh Năm ảnh sợ ông già chị nên hổng đời nào ảnh dám xuống Phan-Rang mà tìm. ”Chị Én nói xong thì rên nhẹ vì những vết thương bị rát đau.
Đạt vô võng nằm chờ “canh năm, đông bắc, hạ viên” vì chẳng biết đi đâu. Về nhà thì sợ bị bắt vì trốn lao động, qua nhà Mạnh-Em thì không thể vì anh em nó còn ở công trường thủy lợi. Chiếc đồng hồ gõ mười hai tiếng làm Đạt thức giấc, còn hơn ba giờ nữa mới tới giờ hẹn với Diệu-Thanh mà từ đây đến điểm hẹn chỉ đi tàn ba điếu thuốc là đến. Bên ngoài thông chợt reo và gió lùa vào những khe hở cửa sổ và vách ván. Cơn lạnh bất ngờ làm Đạt tỉnh hẳn. Đạt vừa mồi thuốc lá và nằm lại xuống võng thì một bàn tay lắc vai anh nhè nhẹ, một giọng nói thì thầm phát ra từ đôi môi kề rất sát bên tai anh:
- Đạt, Đạt mới thức dậy hả?
Đạt chưa kịp trả lời thì chị Én ghì chặt vai Đạt:
- Đưa chị về đi, Đạt!
- Trời! Đêm hôm khuya lắc, khuya lơ mà đòi về nhà à?
- Nói nhỏ thôi! Ừ chị muốn về nhà.
- Về cho anh Năm đánh nữa hở, bị thương bao nhiêu đó chưa đủ sao?
- Chắc không có gì nữa đâu, chị lo không ai cơm nước, giặt giũ cho anh Năm... bị ảnh một thân, một mình không ai bà con, thân thích.
Đến thế này thì Đạt chịu thua không hiểu nổi tính tình đàn bà, con gái. Đạt thấy bực mình hết sức “hay là đưa chị ta về quách cho rảnh nợ” Đạt nhủ thầm và anh đứng dậy bước ra ngoài ném cái tàn thuốc xuống đất rồi lấy chân dí lên như muốn đạp lên thân xác quân thù.
Hai người lặng lẻ đi trong đêm. Ánh trăng trung tuần bắt đầu tà bóng. Gió không còn thổi mạnh nữa nhưng vẫn đong đưa những cành thông như quạt đi những muộn phiền của trần gian, như phất trần phe phẩy của tiên nữ, như nhịp võng an lành ru con của mẹ... Cơn khó chịu trong người đã lắng dịu, một thứ gì đang lâng lâng trào lên. Đạt chưa từng đi trong đêm dưới ánh trăng khuya này với một người khác phái, có chăng chỉ là một nhóm bạn bè thả bộ đi rong mà thôi. Đạt dừng lại đưa tay ra sau tìm tay chị Én rồi thổn thức, xao xuyến dắt nhau đi trong đêm.
Leo lên tới đỉnh một con dốc dài sắp đến đường cái thì chị Én níu tay Đạt ngồi xuống nghỉ chân cho bớt mỏi. Ánh trăng tà chiếu nghiêng sau lưng làm hai cái bóng như đang ôm chầm lấy nhau. Đạt hơi ngượng, vờ ngắt một cọng cỏ để nhích xa ra một chút nhưng chị Én vội kéo lại rồi tựa sát vào người Đạt, chị hổn hển:
- Sợ ma quá Đạt ơi!
- Sợ sao không để sáng rồi hãy về?
- Ơ...ơ...
Đạt cảm thấy thân mình bị siết chặc. Một luồng điện cảm ứng chạy loạn xạ khắp người rồi dồn vào đôi cánh tay...Đạt xoay người ôm chặt chị Én vào lòng, rất dễ dàng, đầu chị Én ngả lên vai và hơi thở của chị làm ấm một vùng cổ của Đạt. Một giọt sương đêm vừa rơi trên ót Đạt, vỡ tan.
Ngồi yên chừng tàn điếu thuốc hai người đứng dậy nắm tay nhau băng qua đường lộ và khi tới đầu con dốc có nhiều rễ cây, chị Én đổi ý không về nhà nữa và bắt Đạt dắt chị trở lại nhà bà Ba.
Đạt nói thầm, làm như thể mình là một người từng trải “Thiệt tình, có sống tới già cũng không hiểu được ý đàn bà!”
Đạt từng nghe một câu hát “... giờ đây đã mấy năm qua ...có lúc mơ về đường xa...tôi nhớ những đêm trăng tà...cô hàng...vơí bàn tay ngà...” Đạt tự hỏi “không biết trên đời này có ai phát hiện và cảm giác cái đẹp lúc trăng tà, vằng vặc, nhẹ đưa, lung linh … rồi bâng khuâng, lâng lâng, mông lung, chạnh lòng ...như mình chăng. Bây giờ thì trăng đang rọi sáng vườn chè và trước mặt là Diệu-Thanh. Nàng mặc chiếc áo len màu sậm, cài một nút dưới cổ áo bên trong hình tai bèo, gương mặt huyền ảo dưới ánh trăng khuya nhưng hai bàn tay với những ngón thon dài trắng nuột đang bắt chéo trên ngực để giữ ấm thân mìnhi. Bất chợt hai người lên tiếng cùng một lúc rồi lại lặng thinh nhường nhau. Nhưng thời khắc trôi qua cả hai chưa nói được câu gì dù chỉ là chào nhau. Hai người nối gót nhau lặng lẻ tiến về phía bìa rừng. Đạt chỉ một mõm đá dưới tàng cây có cành lá vươn dài, Diệu-Thanh hiểu ý, gật đầu.
Cả hai vừa ngồi xuống thì vô tình hay hữu ý, ánh sáng trăng cũng vừa lọt qua một ô trống không cành lá. Bốn mắt nhìn nhau, hai người không biết đã bắt đầu ra sao và kết thúc như thế nào nhưng có điều họ biết rất rõ là đã nhớ nhau rất nhiều trong chuỗi ngày xa cách. Những ngón tay của Đạt co lại rồi duỗi ra thật chậm chở hết hồn xác đang nhích từng săn-ti-mét tìm đến tay Diệu-Thanh. Khi tay đã trong tay, hồn lìa khỏi xác bay cao, bay lơ lửng giữa muôn trùng … thì nàng tiểu ni cô đưa bàn tay lạnh sương đêm áp lòng tay vào má Đạt, một dòng cuồng lưu ấm áp từ bên nàng tràn vào làm vỡ hết trăm con đê tự cao, tự ái, hách dịch... trong người Đạt. Xương cốt như tan thành tro bụi, Đạt ngả rơi người tới trước, ôm chầm lấy tiểu ni. Mặt trăng “hữu tình” từ từ rời ô trống trên cành cao chỉ còn những chấm sáng lung lay theo lá cành đu đưa trước gió. Cơn ngất ngây và nhựa yêu mãnh liệt trong thân người con trai mới lớn giục bàn tay tìm nơi chui vào trong áo ấm nhưng toàn thân người tiểu ni cô như bọc kín, Đạt chỉ vừa chạm một thứ gì sau lưng tiều ni từa tựa chiếc kim băng đang kẹp mảnh vải quấn vòng quanh ngực nàng. Tiểu ni cô ngượng ngùng nằm xuống phiến đá đè lưng mình lên chỗ có thể sút ra cho trần gian tràn vào gây nên nghiệp chướng luân hồi...hay cũng có thể tiêu diêu mấy miền cực lạc... Đạt rút tay nghiêng người đặt mũi lên má hôn tiểu ni như người lớn “hôn hít” trẻ thơ...Tiểu ni nhắm mắt nghẹn ngào và rồi thì môi kề môi... hôn “nghìn con chim mộng về vây..bìa rừng. Họ nằm kể chuyện nhau nghe cho đến khi vầng trăng “an lòng” lặn mất phía đồi tây khi biết giữa hai trẻ “không có gì” xảy ra.
Tiếng chim hót vang làm cả hai bừng tỉnh cùng một lúc sau một khoảnh khắc ngủ quên. Đạt vừa chợt thấy một tia nắng mai mịn màng in trong mắt tiểu ni và mái tóc đen tuyền, óng ả đang phủ kín vai nàng. Tiểu ni vội vàng đứng dậy, vấn khăn che tóc rồi không một lời từ giả nàng chạy ra khỏi bìa rừng. Tiếng hót của chim muông đuổi theo như nghìn lời van xin người quay trở lại...
Năm
Đom Đóm
trầnđại-đinhlang-trandaik