Thay Thận - Kidney Transplant - Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Thay Thận - Kidney Transplant - Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Thay Thận
Với bệnh nhân bị suy cả hai trái thận và đã trải qua nhiều năm lọc máu nhân tạo, thay thận là một trị liệu nên làm, vì: -Không còn phải phụ thuộc vào lọc máu mỗi tuần lễ ba lần. -Cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh, nhiều sinh lực hơn sau khi nhận thận mới. -Không phải kiêng khem ăn uống và giới hạn hoạt động hàng ngày như trường hợp lọc máu. -Tuổi thọ kéo dài hơn là nếu tiếp tục lọc máu. Tỷ lệ sống sót sau ghép thận là: *92% với 1 năm *80% với 5 năm *54% với 10 năm -Trong lâu dài, chi phí cho thay thận ít hơn so với lọc máu suốt đời. Phẫu thuật thay thận hiện nay rất phổ biến với kỹ thuật tân tiến, ít biến chứng. Rủi ro chính là: -sự chối từ rejection thận mới, nhưng có thể hóa giải được bằng thuốc ức chế miễn dịch. -nhiễm trùng trầm trọng; -xuất huyết; -phản ứng với thuốc mê… Bình thường thì nhóm máu và mẫu mô bào của người cho và người nhận phải phù hợp để tránh sự chối bỏ cơ quan do tính miễn dịch người nhận tấn công mô mới ghép. Ngày nay, nhờ trị liệu miễn dịch đặc biệt ở người nhận trước khi cấy ghép cho nên trở ngại trên đã được loại bỏ. Sau đây là mấy hiểu biết căn bản cho người muốn ghép thận và người hiến thận. Người bị thận suy, chỉ cần nhận được một trái thận là đủ kéo dài cuộc sống bình thường. Người nhận. 1-Suy thận vì những lý do sau đây đều được ghép thận:
-Bệnh tiểu đường -Viêm thận-tiểu cầu (Glomerulonephritis) -Cao huyết áp trầm trọng và không kiểm soát được -Một vài loại bệnh nhiễm.
2-Không được ghép thận nếu:
-Có bệnh nhiễm như bệnh lao. -Không thể uống thuốc mỗi ngày trong suốt cuộc đời còn lại -Đang có bệnh tim, phổi hoặc gan -Có các bệnh khác có thể đe dọa tới tính mệnh. 3-Sửa soạn ghép
Bệnh nhân phải sẵn sàng tuân theo các chương trình y tế trước và sau khi giải phẫu, như là tự chăm sóc và dùng dược phẩm ức chế miễn dịch mỗi ngày, suốt đời để tránh cơ thể chối từ thận mới. Phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ và các chuyên viên để hưởng lợi ích tối đa và giảm thiểu rủi ro của phẫu thuật. Trước khi nhận thận, bệnh nhân cần được bác sĩ khám tổng quát rất kỹ và làm một số thử nghiệm như: -Thử máu để biết loại máu cùa mình có thích hợp với thận người cho hoặc coi xem có bị bệnh nhiễm như HIV, viêm gan. -Chụp hình tim phổi, đo điện tâm đồ. -Chủng ngừa các bệnh viêm gan, viêm phổi… để tăng cưởng khả năng miễn dịch bảo vệ cơ thể. Đồng thời cũng phải thảo luận với các giới chức liên hệ về chi phí, vì chi phí cho một cuộc thay thận và thuốc men cần uống suốt đời đều khá cao. Phẫu thuật kéo dài khoảng 3 giờ. Thận cho được đặt vào phần dưới của bụng; mạch máu thận người cho nối với mạch máu người nhận; ống dẫn tiểu nối với bàng quan người nhận. Thận cho bắt đầu hoạt động ngay. Trong đa số các trường hợp, thận bị suy không cần lấy ra trừ khi bị nhiễm trùng trầm trọng, ung thư thận, hội chứng hư thận (nephrotic syndrome) hoặc thận đa nang ( polycystic kidney.) 4-Những việc cần làm sau khi ghép thận
Ghép thận là một đại giải phẫu, thường là phải ở lại bệnh viện từ 7 tới 10 ngày rồi cần ít nhất 6 tuần lễ để hồi phục. Sau đây là một sồ điều nên lưu ý: a-Để ý theo dõi xem có dấu hiệu cơ thể từ chối thận mới, như là nhiệt độ cơ thể trên 38C ( 104F), giảm lượng nước tiểu, tăng cân trên 2lb (900gr) trong 1 tuần lễ, tăng huyết áp, cảm giác đau ở vùng thận. b-Uống thuốc theo đúng hướng dẫn: không bẻ nhỏ thuốc, không quên một liều nào, không uống gấp đôi khi quên. 3-Giảm thiểu muối để tránh ứ nước; tránh rượu vì rượu gây tổn thương cho thận đặc biệt là khi dùng chung với thuốc ức chế miễn dịch. 4-Tránh làm công việc nặng nhọc trong 6 tuần lễ. Khi nằm nên cử động hạ chi để tránh máu cục. 5-Giới hạn tiêu thụ các thuốc chống đau trong tuần lễ đầu sau giải phẫu, ngoại trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ. 6-Sinh hoạt bình thường trở lại khi thấy có thể, nhưng không nên cố gắng quá sức, không nâng nhấc vật nặng, không làm tổn thương tới trái thận mới. 7-Đo ghi nhiệt độ, huyết áp trước và sau bữa ăn trưa, tối. Thông báo cho bác sĩ nếu nhiệt độ cao quá 99.6F 8-Cân trọng lượng cơ thể mỗi ngày vào cùng giờ và thông báo cho bác sĩ ngay nếu tăng 2 lb một tuần lễ. Người cho thận
Thận có thể được lấy từ: -Người mới mãn phần, không có bệnh thận mãn tính. Đa số thận cho đều do nguồn cung cấp này. -Người cho còn sống có liên hệ với người nhận như cha, mẹ, anh chị em hoặc con cái. Tỷ lệ thành công rất cao ở trường hợp cho này vì không bị chối từ. -Người cho còn sống nhưng không có liên hệ gia đình, như bạn bè. Người cho không nên quá mập, không cao huyết áp, ung thư, bệnh nhiễm mãn tính, bệnh tim, thận. Đôi khi, người cho cũng được yêu cầu làm một trắc nghiệm tâm lý để coi họ có hiểu rõ ý nghĩa và rủi ro có thể xảy ra khi cho thận. Họ có thể thay đổi ý kiến vào phút chót và họ cũng không nên có ý nghĩ là cho thận tức là có quyền kiểm soát đời sống người nhận. Luật lệ Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác không cho phép người cho nhận tiền khi hiến thận. Chi phí cho các dịch vụ y tế khi cho thận như thử nghiệm, phẫu thuật lấy thận, chăm sóc tại bệnh viện sẽ do bảo hiểm người nhận trả. Tại Hoa Kỳ thẻ bảo hiểm Medicare gánh chịu các phí tổn này. Tuy nhiên người tặng không được bồi hoàn các thua thiệt tài chánh trong thời gian cho và nằm bệnh viện cũng như điều trị các bệnh xảy ra do giải phẫu. Dù thận từ đâu, sự thành công của ghép thật tùy thuộc vào việc tế bào và máu của đôi bên phải càng thích hợp với nhau càng tốt.. Thận người cho được giữ trong nước muối sinh lý lạnh trong vòng 48 giờ để người nhận có thì giờ sửa soạn. Sau khi cho thận, cần thời gian từ 4-6 tuần lễ để hồi sức. Trong thời gian này, tránh những công việc nặng nhọc. Theo một kết quả nghiên cứu của Đại học Minnesota được phổ biến trên tạp chí y học New Journal of Medicine ngày 29-1-2009, thì người cho một thận sống lâu và khỏe mạnh như người có hai thận. Tại Hoa Kỳ hiện nay có 77,000 bệnh nhân trong danh sách đợi để được thay thận. Mỗi năm có khoảng 17,000 trường hợp ghép thận trong đó 10,500 thận đến từ người mới mãn phần, 6000 thận từ thân nhân bạn bè cho. Thường thường người cần thận phải đợi khá lâu, có khi cả mấy năm mới đến lượt mình. Vì chờ đợi hơi lâu, có khi cả 5-7 năm, cho nên mỗi năm 4000 bệnh nhân trong danh sách đành mãn phần, xa lánh cõi trần gian. Kỹ thuật lấy thận Từ lâu bác sĩ vẫn phải mổ bụng người cho để lấy thận. Vết mổ thường dài, người cho đau nhiều hơn, thời gian nằm bệnh viện và lành vết mổ cũng lâu. Mới đây, các phẫu thuật gia tại Johns Hopkins University School of Medicine, Maryland,Hoa Kỳ đã thành công lấy trái thận lành mạnh của một phụ nữ qua âm đạo người này để tặng một cô cháu gái. Họ rạch ba vết mổ nhỏ bằng hạt đậu trên bụng để đưa ống nội soi có máy chụp hình và dụng cụ giải phẫu vào trong. Sau khi cắt, thận được bọc trong túi plastic rồi kéo ra ngoài qua một vết mổ nhỏ ở mặt sau âm đạo người cho. Phẫu thuật kéo dài khoảng 3 giờ như trường hợp mổ bụng nhưng sẹo của lỗ mổ vừa mau lành vừa nhỏ hơn, nằm dưới cạp quần bikini, nên không mất thẩm mỹ. Bác sĩ Anthony Kallo, Giám đốc bộ môn Dạ Dày-Ruột của đại học Johns Hopkins, người sáng chế phương pháp này, cho biết: “Giải phẫu với ống nội soi qua các lỗ /cửa mở thiên nhiên của cơ thể giúp bệnh nhân có sẹo nhỏ, ít đau đớn và rất an toàn đối với người mập phì” Thực ra thì các cơ quan bị bệnh như túi mật, thận, ruột dư cũng đã được giải phẫu qua âm đạo hoặc miệng từ lâu, nhưng đây là lần đầu mà thận lành mạnh được lấy qua cơ quan sinh dục người nữ. Mới đây, ngày 6 tháng 6, 2009, nhóm phẫu thuật tại Đại Học Illinois, Chicago đã sử dụng người máy da Vinci Robotic System đưa qua vết cắt dài 4cm trên da bụng để ghép thận cho một phụ nữ quá mập có nhiều rủi ro lây nhiễm. Nếu áp dụng phẫu thuật cổ điển phải rạch dài từ lớn hơn, 12-16 cm vết mổ lâu lành và dễ nhiễm trùng, chảy máu. Thực là mầu nhiệm và nhân đạo vì Y khoa học càng ngày càng tiến bộ để phục vụ sức khỏe con người. Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức Texas-Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: