chứng vô sinh
Asin 16.09.2003 07:16:58 (permalink)
Vô sinh

Vô sinh được định nghĩa là một cặp vợ chồng sau khi lập gia đình một năm, không sử dụng một biện pháp tránh thai nào, mà vẫn không thể có thai và sinh con được. Thường đến khi đó, người ta mới bắt đầu thăm dò nguyên nhân chậm có thai.

Ước tính chung, có khoảng 10% các cặp vợ chồng là có vấn đề về vô sinh. Theo FIGO 1990, vô sinh nguyên phát chiếm khoảng 3%, tuy nhiên các yếu tố gây vô sinh thứ phát có thể làm tỉ lệ này tăng lên đến 30%. Tỷ lệ vô sinh thay đổi tùy theo xã hội. Ở Việt Nam, theo những số liệu điều tra dân số từ những năm 80, có khoảng 7 đến 10% các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ bị vô sinh. Tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng cao vì người phụ nữ ngày càng lập gia đình muộn hơn, trong khi đó tuổi dễ có thai nhất là từ 20 đến 24 tuổi, quá 35 tuổi người phụ nữ khó có thai hơn nhiều.

Vô sinh là một bi kịch trong đời sống của người phụ nữ. Mặc dù vấn đề này không ảnh hưởng đến tính mạng hay thể chất con người. Người phụ nữ vô sinh phải chịu một tổn thương rất lớn về tâm lý khi không thể thực hiện được thiên chức làm mẹ, ngay cả khi nguyên nhân vô sinh thuộc về người chồng. Quyền được làm mẹ là quyền thiêng liêng của mỗi người phụ nữ bất chấp chủng tộc và nơi sinh sống.

Tại Việt Nam, do một số điều kiện khách quan và chủ quan trong nhiều năm qua, vấn đề hiếm muộn chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức, nhưng ngày càng trở thành vấn đề lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình.

Vô sinh còn là một trong những vấn đề hàng đầu trong chiến lược về Sức khỏe sinh sản của Tổ chức Y tế Thế giới. Dự phòng và điều trị vô sinh hoàn toàn không đối lập với Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) vì mục đích cuối cùng của chương trình KHHGÐ là đem lại cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc cho mỗi gia đình. Trên quan điểm này, việc dự phòng và điều trị vô sinh được xem là một bộ phận của chương trình KHHGÐ.

Nguyên nhân:
Trong các nguyên nhân dẫn đến vô sinh, nguyên nhân do vòi trứng chiếm tỷ lệ lớn vì tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh dục cao, có thể là do phong tục tập quán, điều kiện khí hậu và thói quen sinh hoạt.. Mặt khác, việc nạo phá thai và đặt dụng cụ tử cung không đảm bảo vô trùng cũng là những yếu tố góp phần là gia tăng tỉ lệ vô sinh thứ phát.

Theo số liệu năm 1996, tại BV Phụ sản Từ Dũ, trong số 11.481 cặp vợ chồng đến khám và điều trị vô sinh, có 33,4% trường hợp vợ bị tắc vòi trứng, 22,6% trường hợp chồng có tinh trùng yếu hoặc ít, 3,8% vô sinh không rõ nguyên nhân
Vô sinh do nam
-khoảng 30 -40%

Không rụng trứng
-khoảng 20 -40%, tùy theo lứa tuổi

Vòi trứng tắc nghẽn
-khoảng 30 -40%

Lạc nội mạc tử cung
-khoảng 10 -20%

Do cổ tử cung
-khoảng 5%

Không rõ nguyên nhân
-khoảng 10%
< Edited by: casanova -- 9/16/2003 3:25:33 AM >
#1
    Asin 16.09.2003 07:18:55 (permalink)
    Y học cổ truyền với chứng vô sinh ở nữ giới

    Khi phụ nữ ở tuổi sinh đẻ, nếu người bạn đời của họ có chức năng sinh sản bình thường, cùng có sự đồng tình quyết tâm, sau 2 năm chung sống và không dùng bất cứ một biện pháp tránh thai nào, mà không thể có thai thì được gọi là vô sinh nguyên phát. Nguyên nhân vô sinh phần lớn thuộc nữ giới (khoảng 85%).
    Ngoài những nguyên nhân do tiên thiên bất túc, dị tật, nhìn chung, phụ nữ không có con là do kinh nguyệt không đều, không tốt, do các sang chấn về tâm lý (stress), do môi trường sống và điều kiện sinh hoạt làm mất cân bằng khí - huyết, âm - dương.
    Ngày nay, do học tập, công tác, nhiều chị em xây dựng gia đình muộn và có kế hoạch sinh con sau tuổi 30. Trước đó, một số chị em đã dùng thuốc tránh thai bằng đường uống hoặc tiêm, gây mất cân bằng giữa thận âm và thận dương và gây hư tổn mạch xung, nhâm dẫn tới vô sinh. Theo chúng tôi, ngoài những nguyên nhân bất khả kháng như dị tật phần phụ (tử cung dị thường, nhi dạng, u xơ tử cung lớn...), viêm xơ ống dẫn trứng do lao..., YHCT có thể điều trị hoặc hỗ trợ một số dạng vô sinh sau: vô sinh do thận dương hư, tỳ dương hư, đàm trệ; thận âm hư, can khí sơ tiết bất điều và khí huyết lưỡng hư cùng huyết ứ.
    Người bị thận dương hư, tỳ khí hư kèm theo đàm trệ biểu hiện: vô sinh, kinh nguyệt chậm kỳ, lượng máu kinh ít, màu sắc nhạt, loãng kiêm huyết khối sẫm màu; khí hư (đới hạ) trắng, loãng, nước tiểu trong. Sắc da xanh nhợt, nặng thì vàng nhạt; hay đau mỏi lưng, đau bụng dưới; thường sợ lạnh, chân tay lạnh, nặng thì lưng lạnh, ăn kém, mệt mỏi, ngủ nhiều, nếu có đàm trệ thì người bệnh cảm thấy nặng đầu, mình; đại tiện phân nát. Chất lưỡi nhợt, có vết hằn răng quanh lưỡi; mạch trầm trì, nhu, tế hoặc đới hoạt.
    Nguyên nhân có thể bẩm tố cha mẹ sinh ra đã yếu, hoặc do ăn nhiều các thức sống lạnh, điều kiện ăn ở sinh hoạt lạnh ẩm kéo dài. Ðặc biệt một nghiên cứu của bác sĩ Shulan Tang Shizhen (Anh) (2002) nêu lên vô sinh do bệnh nhân dùng thuốc tránh thai trong nhiều năm. Tác giả cho rằng các thuốc này có thể ức chế sự phát triển của thận khí và làm cho thận dương hư, dẫn đến tử cung bị lạnh, không thụ thai được.
    Có thể điều trị bằng các loại thuốc có tác dụng ôn bổ thận, tỳ, hóa đàm, làm ấm tử cung giúp cho việc thụ thai dễ dàng hơn như sau: Ðẳng sâm, đỗ trọng, tục đoạn, phục linh, bạch truật, trần bì, hương phụ, hoàng kỳ, đương quy, bạch thược, a giao, ngải diệp, ngô thù, tiều hồi, quế chi... các bài thuốc thường dùng như thận khí hoàn, kim quỹ thận khí, khai uất nhị trần thang... Và tất nhiên để có được sự hướng dẫn cụ thể cách điều trị, dùng thuốc cho hợp lý nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa.
    Người bị thận âm hư thường có các triệu chứng như: vô sinh, kinh chậm kỳ, sắc kinh đỏ, lượng ít. Người gầy khô, buổi chiều thường hâm hấp khó chịu, gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, vú teo nhẽo, nước tiểu vàng, đại tiện táo bón. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, vàng, mạch tế sác. Muốn thụ thai được, cần phải bổ can thận để dưỡng tinh huyết. Bài thuốc thường dùng là bát vị quy thược...
    Những người bị can khí uất kết, can hỏa vượng: ngoài rối loạn kinh nguyệt như trên, còn thường tỏ ra bực dọc khó chịu, dễ cáu gắt, miệng đắng, mắt hoa, ngực sườn tức, mạch huyền. Phương pháp điều trị là: dưỡng huyết hòa can. Thời kỳ đầu thường dùng bài tiêu dao tán gia vị. Khi can được giải uất, can khí sơ tiết điều đạt thì chuyển sang củng cố bằng bài tứ vật thang, quy tỳ thang...
    Ở những người quá béo, đàm thấp trệ, không thể có thai, mặc dù đã kiểm tra tử cung, vòi trứng tốt, cần điều trị bằng bài khai uất nhị trần thang để đàm thấp được giải trừ mới có thể thụ thai được. Bệnh vô sinh cũng thường xảy ra ở người khí huyết hư kiêm huyết ứ. Triệu chứng của bệnh này là: kinh nguyệt chậm kỳ, đau bụng trước khi thấy kinh, lượng kinh ít, sắc sẫm, kém tươi, người gầy yếu, mệt mỏi, sắc mặt xanh, ăn ngủ kém. Ðiều trị cần bổ dưỡng khí huyết tùy theo tình trạng cụ thể.
    Ngoài các dạng bệnh lý, để chuẩn bị điều kiện cho việc thụ thai tốt và cho ra đời những đứa con khỏe mạnh, người mẹ tương lai nhất thiết phải được điều hòa kinh nguyệt tốt. Trước kỳ kinh cần dưỡng huyết, ôn dương, hòa can và tăng cường lưu thông huyết, tránh huyết ứ, trong kỳ kinh, cần điều hòa khí huyết, dưỡng âm và hoạt huyết khứ ứ; giữa kỳ kinh, trong giai đoạn rụng trứng, cần bổ âm và ôn thận dương để thúc đẩy sự rụng trứng.
    Ngày nay, khoa học phát triển, có thể giúp đỡ thụ thai trong ống nghiệm. Tuy nhiên, đó là yếu tố hỗ trợ bên ngoài, do vậy không ít trường hợp không thành công. Theo chúng tôi, để đảm bảo tỷ lệ thành công cao, người phụ nữ cần được chuẩn bị yếu tố bên trong đầy đủ. Việc chuẩn bị này là một trong những lợi thế mà y học cổ truyền có thể mang lại
    #2
      Asin 16.09.2003 07:23:37 (permalink)
      Khi gặp phải trường hợp vô sinh hầu hết các cặp vợ chồng muốn có con thì đều công nhận là Thụ tinh trong ống nghiệm là giải pháp cuối cùng đáp ứng được mong muốn của họ....
      Thụ tinh trong ống nghiệm
      Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) (In vitro fertilization) là phương pháp cho giao tử của chồng (tinh trùng) và giao tử của vợ (trứng) gặp nhau và thụ tinh bên ngoài cơ thể, sau đó chuyển hợp tử hoặc phôi vào buồng tử cung người mẹ, thường được thực hiện vào ngày thứ 2 sau khi cấy.

      Việc thụ tinh giữa trứng và tinh trùng người bên ngoài cơ thể được báo cáo lần đầu tiên vào năm 1969 do R.G. Edwards. Cũng chính Edwards và Steptoe đã báo cáo trường hợp TTTON đầu tiên trên thế giới ra đời năm 1978 ở Anh trên một bệnh nhân bị tắt vòi trứng hai bên. Sau đó, phương pháp này lần lượt được thực hiện thành công ở Úc, Mỹ, Ðức, Pháp... Vào lúc này, TTTON được thực hiện ở chu kỳ tự nhiên, không dùng thuốc. Xác định thời điểm chọc hút trứng bằng cách định lượng estradiol và LH và được thực hiện qua nội soi trước thời điểm dự đoán rụng trứng.

      Năm 1981, Alan Trouson thành công trong việc sử dụng các thuốc kích thích buồng trứng phối hợp với TTTON làm tăng số trứng có được trong mỗi chu kỳ và giúp dự đoán thời điểm rụng trứng dễ dàng hơn (Trouson và cộng sự 1981). Ðiều này làm tăng tỉ lệ thành công của các chu kỳ TTTON lên rất nhiều. Từ đó đã có nhiều cải tiến trong phác đồ kích thích buồng trứng giúp tăng số nang noãn trưởng thành và tạo đáp ứng thuận lợi ở nội mạc tử cung để làm tổ cho phôi.

      Ban đầu, TTTON chỉ thực hiện cho các trường hợp bị tắt vòi trứng, sau đó được mở rộng cho các chỉ định khác và đạt được nhiều thành công. Năm 1980, TTTON thành công trên một trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân (Lopata và cộng sự 1980). Năm 1983, một trường hợp vô sinh do lạc nội mạc đơn thuần được báo cáo thành công với TTTON (Mahadevan và cộng sự 1983).

      Việc chọc hút trứng đầu tiên được thực hiện qua nội soi bụng. Năm 1981, Lenz và cộng sự thực hiện hút trứng dưới hướng dẫn của siêu âm bụng. Năm 1984, Dellenbach và cộng sự thực hiện kỹ thuật chọc hút trứng qua ngã âm đạo với sự hướng dẫn của siêu âm bụng. Ðến năm 1985, Wikland và cộng sự chọc hút trứng với kim gắn đầu dò âm đạo. Từ đó, phương pháp này được áp dụng rộng rãi và việc chọc hút trứng trở thành một thủ thuật đơn giản, ít biến chứng, càng mở rộng khả năng ứng dụng của TTTON.

      Tuy nhiên, TTTON vẫn còn bó tay với những trường hợp vô sinh do nam nặng, thiểu tinh nặng, hay bất thường về thụ tinh. Năm 1991, Ng và cộng sự báo cáo trường hợp SUZI (Sub-Zona Insemination) thành công đầu tiên trên thế giới bằng cách tiêm nhiều tinh trùng vào khoang quanh noãn.

      Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection- ICSI) ra đời là một cuộc cách mạng trong điều trị vô sinh do nam giới và những bất thường về thụ tinh. Kỹ thuật ICSI, tiêm một tinh trùng trực tiếp vào bào tương trứng, được báo cáo thành công lần đầu tiên năm 1992 tại Bỉ (Palermo và cộng sự, 1992) càng thúc đẩy sự phát triển của kỹ thuật này, do kết quả ban đầu rất khả quan trong khoảng 8 năm gần đây.

      ICSI giúp làm tăng tỉ lệ thành công, trong khi không ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi (Palermo và cộng sự, 1993). Một báo cáo còn cho thấy phôi phát triển từ kỹ thuật ICSI, kỹ thuật ICSI có thể có tỉ lệ làm tổ cao hơn phôi bình thường (Van Steirteghem và cộng sự 1993). Theo đà phát triển nhanh về số lượng cũng như về chất lượng của kỹ thuật TTTON trên toàn thế giới, kỹ thuật ICSI ra đời từ năm 1992 đã ngày càng được áp dụng rộng rãi, như một biện pháp hỗ trợ cho việc thụ tinh của trừng và tinh trùng. ICSI cho đến nay đã trở thành kỹ thuật phổ biến, không thể thiếu ở hầu hết các trung tâm TTTON trên thế giới.

      Hiện nay kỹ thuật ICSI đã được ứng dụng tại hầu hết các trung tâm TTTON trên thế giới. Ở nhiều trung tâm ICSI đã chiếm hơn 50% các trường hợp TTTON. Tại Ðông Nam Á, ICSI đã được báo cáo thành công vào năm 1993 ở Singapore (đầu tiên ở Châu Á) và đã trở thành kỹ thuật phổ biến ở các trung tâm TTTON trong khu vực như Singapore, Thailand.

      TTTON đã trở thành phương pháp điều trị phổ biến ở hầu hết các trung tâm Sản Phụ khoa trên thế giới. Người ta ước tính số trẻ sinh ra bằng phương pháp TTTON cho đến nay đã vượt qua con số triệu. Chỉ riêng ở Mỹ, đã có trên 300.000 trẻ sinh ra nhờ TTTON, năm 1995 đã có 59.142 trường hợp TTTON(4) và năm 1996 có đến 64.036 trường hợp.(5) Ở Pháp, trong năm 1993 có 23.025 trường hợp TTTON.

      Theo một thống kê chưa đầy đủ của Hội Phụ Sản Châu Á - Châu Ðại Dương, trong năm 1992, đã có 47.995 trường hợp TTTON đã được thực hiện trong vùng (Các con số này cho đến nay còn tăng hơn nhiều). Ở khu vực Ðông Nam Á, TTTON đã được bắt đầu từ nhiều năm nay ở Singapore (1983), Malaysia, Indonesia, Thailand, Philipines.

      Thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam
      Ở Việt Nam, trước thời điểm tháng 8 năm 1997, kỹ thuật TTTON vẫn còn làm một vấn đề nằm trong quá trình chuẩn bị của các trung tâm chuyên ngành Phụ Sản lớn Việt Nam. Việc thực hiện kỹ thuật này cần sự hỗ trợ đồng bộ và đòi hỏi sự phát triển- của một số kỹ thuật và chuyên ngành khác có liên quan như: xét nghiệm nội tiết, kỹ thuật nội soi phẫu thuật, xét nghiệm và xử lý tinh trùng, tế bào di truyền, chẩn đoán tiền sản, chăm sóc sơ sinh cực non.

      Từ tháng 8 năm 1997, BV Phụ Sản Từ Dũ đã bắt đầu tiến hành trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam.

      Ðến tháng 4 năm 1999, BV Hùng Vương, TPHCM cũng đã bắt đầu triển khai chương trình TTTON. Hiện nay, Viện Bảo vệ Bà Mẹ trẻ em và trường Ðại học Y Hà Nội cũng đang tiến xúc tiến thành lập trung tâm TTTON
      #3
        Asin 16.09.2003 07:32:53 (permalink)
        Hy vọng mới cho nam giới mắc bệnh vô sinh

        Một nhóm các nhà khoa học của Trường Ðại học California San Fransisco ở Mỹ đã thành công trong việc chữa bệnh cho những chú ruồi đực vô sinh, mở ra hy vọng về việc áp dụng phương pháp này để chữa bệnh cho nam giới có tỷ lệ tinh trùng thấp.

        Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các chú ruồi không sản xuất được tinh trùng là do thiếu một loại gien quan trọng kiểm soát sự phân bào giảm nhiễm (sự phân chia các tế bào tinh trùng và tế bào trứng). Từ phát hiện này, họ đã kích thích việc sản xuất tinh trùng bằng cách cấy chính loại gien này vào các các chú ruồi bị bệnh.

        Trong cơ thể người cũng có loại gien tương tự, có tên là BOULE. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng thành công nói trên đã mở ra triển vọng về phương pháp điều trị mới cho nam giới mắc bệnh vô sinh.

        " Việc xác định được các gien, như gien BOULE, là rất quan trọng về mặt y học" , Tiến sĩ Eugene Yujun Xu cho biết. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định cần tiếp tục nghiên cứu các loại gien khác cũng kiểm soát việc phân bào trong cơ thể người.

        Tiến sĩ Matthew Gage ở Trường Ðại học Tây Anglia, Norwich (Anh) cho rằng các loại gien như gien BOULE là khá giống nhau trong rất nhiều các loại sinh vật. Ông khẳng định các thí nghiệm trên động vật, cho dù là đơn giản như ruồi, cũng có thể là tiền đề cho những phát minh quan trọng trong việc nghiên cứu cơ thể người về mặt sinh học.

        Còn Giáo sư Chris Barratt thuộc Khoa sinh học, Trường Ðại học Birmingham (Anh) khẳng định cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện phương pháp chữa bệnh vô sinh ở nam giới bằng phương pháp gien.

        Hiện có khoảng 30% nam giới mắc bệnh vô sinh là do các tế bào tinh trùng ngừng phân bào trước khi thụ tinh.

        Các nhà khoa học hy vọng họ sẽ có thể sản xuất một loại thuốc để ngăn chặn quá trình này. Ngoài mục đích chữa bệnh vô sinh ở nam giới, các nhà khoa học cũng có ý định ứng dụng kết quả này để sản xuất thuốc ngừa thai dành cho nam giới.

        Các nhà khoa học dự định sẽ tiến hành các thí nghiệm tương tự trên chuột trước khi tiến hành nghiên cứu áp dụng để chữa bệnh cho người. Phát hiện này được công bố trong tờ Nhật báo Di truyền học phân tử người.

        (Theo BBC)



        --------------------------------------------------------------------------------

        [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/Qo38901.jpg[/image]
        Attached Image(s)
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9