Cách trị bệnh tiểu đường - Loại 2
Cmp 12.09.2011 07:05:18 (permalink)

Tôi có một ít kinh nghiệm về bệnh tiểu đường, muốn chia sẻ với các bạn. Trước là về cách ăn uống, việc
dùng thuốc bổ, sau là về phép tập thể dục và những khó khăn trong việc phục hồi sức khỏe .


Cách ăn uống

Tôi nhớ 4 năm trước lúc tôi còn dạy Aikido. Một hôm tới phiên mình dạy thấy người không khỏe, khát
nước ghê gớm, tay chân rung rung, người như không có sức, phải nhờ người bạn dạy thế lớp đó. Đi
khám bác sĩ mới biết mình bị bịnh tiểu đường: mức đường lúc đói = 157 mg/dl (~8.7 mmol/l) và
A1c = 8.1 %. Ông bác sĩ của tôi là một bác sĩ già, có nhiều kinh nghiệm về bệnh tiểu đường, khuyên tôi
không nên uống thuốc. Ông nói về lâu dài uống thuốc chỉ có hại. Ông gởi tôi tới gặp một bà y tá chuyên
về phép ăn kiêng (dietician). Bà dietician này lúc đó đang bận, chỉ cho tôi cái máy đo máu và một bài
báo về cách ăn uống, bắt về đọc tháng sau trở lại (Reference 1).

Bài báo đó chỉ cách thay đổi các thức ăn. Giảm dần số lượng các loại carbohydrate trong
mỗi bữa ăn
như cơm, phở, bún, bánh mì ... và ăn nhiều rau, đậu, thịt, cá. Các chất Carbohydrate
khi ăn vào sẽ được cơ thể biến ngay thành chất đường trong máu, nhanh hơn khả năng tiêu thụ chất
đường trong cơ thể của người bị bệnh tiểu đường. Tôi đọc thấy cũng dễ hiểu, tự bảo nếu người ta làm
được, tôi cũng làm được. Sau một tháng lần mò, thay đổi từng loạt thức ăn và thử máu mỗi ngày, quả
nhiên thấy lượng đường trong máu từ từ giảm suống. Biết là làm đúng cách, tôi tiếp tục tự mình thay
đổi cách ăn uống và không trở lại bà dietician đó nữa.

Sau sáu tháng thay đổi thức ăn và thử máu như vậy, tôi thấy lượng đường trong máu mỗi buổi sáng
giảm xuống còn khoảng 90 tới 110 mg/dl, tức là khoảng 5 tới 6.1 mmol/l (chú thích 1), với con số A1c
xuống tới 6.5 %. Một năm sau con số A1c xuống còn 6.1 % (chú thích 2). Bác sĩ nói đây là một kết
quả rất tốt. Bây giờ đã quen cách ăn uống, trong tuần lễ tôi chỉ thử máu mỗi khi thay đổi thức ăn.
Nếu không có gì thay đổi, tôi thử máu mỗi tuần ba lần để xem bệnh tình tiến triển ra sao.

Bệnh tiểu đường loại 2 sinh ra bởi cơ thể khi về già không còn khả năng tiêu thụ chất carbohydrate một
cách hữu hiệu so với mức ăn của người bệnh, khiến cho lượng đường trong máu cứ từ từ tăng lên, làm
độc gan, hại thận. Cũng may carbohydrate không phải là chất cần thiết cho cơ thể. Mình ăn quen thấy
nó ngon miệng lại rẻ tiền hơn các thức ăn khác nên lạm dụng nó. Loài người từ xưa vốn ăn uống hỗn tạp.
Chỉ mới độ hai ngàn năm nay, nhờ ngành canh nông tiến bộ, mới sinh ra truyện lạm dụng chất
carbohydrate.

Nhưng việc thay đổi cách ăn uống không thể làm trong một ngày được. Lúc ban đầu tôi phải
viết ra các thức ăn mà tôi thường ăn cho mỗi bữa sáng, trưa và chiều. Rồi mỗi ngày cứ từ từ giảm
cơm, ăn thêm rau đậu, các loại hạt và chất đạm (thịt, cá, tàu hũ). Mỗi lần thay đổi món ăn tôi đều
ghi rõ lượng đường trong máu. Mục đích là để biết món nào ăn được, món nào không, và lượng ăn
được là bao nhiêu. Bây giờ sau nhiều năm thay đỗi, mỗi ngày tôi ăn uống đại khái như sau:

Bữa sáng: - Một chén đậu luộc (Great northern beans)
- Một đĩa rau luộc
- Một miếng thịt gà (Kentucky fried chicken)
- Một ly nước hay ly sữa đậu nành

Bữa trưa: -Một tô soup thịt bò (Campbells soup, Chunky beef with vegetables),
- Một ly sữa đậu nành

Bữa tối: - Một tô cháo oatmeal chộn 1/2 ly sữa đậu nành.
- Một đĩa rau cải luộc
- Một miếng thịt heo kho, hay thịt gà

Nếu đói tôi ăn thêm trái cây (tránh chuối chín), đậu phọng hay hạt điều rang. Thỉnh thoảng thấy thèm
chất ngọt tôi ăn thêm miếng dark chocolate.

Tôi chọn thực đơn này vì nó giản dị, không phải nấu nướng nhiều, và thích hợp với đời sống bận rộn trên
đất Mỹ. Nó không phải là thực đơn lý tưởng cho ai cả. Mỗi lần chán các món ăn tôi lại thay đổi nó. Lựa
trong các món ăn không có nhiều chất carbohydrate và hợp với khẩu vị của mình (Reference 2).

Mục tiêu lâu dài của tôi là cứ từ từ thay đổi cách ăn uống để giảm lượng đường trong máu lúc
chưa ăn sáng xuống dưới 100 mg/dl và giảm con số A1c xuống dưới 6.0
(xem chú thỉch 3)

Tôi biết chúng ta cơ thể và thói quen ăn uống mỗi người mỗi mỗi khác. Chúng ta chỉ có thể từ từ thay
đổi được thôi. Cách đây ba năm mà bảo tôi ăn uống như vậy chắc tôi làm không đươc.


Thuốc bổ

Theo lời khuyên của bác sĩ tôi không uống thuốc tây hay chích Insulin mà chỉ dùng phép ăn uống và tập
thể dục. Nhưng những người bị bệnh tiểu đường thường có hai biến chứng cần phải có giải đáp:

A - Mắt khô, miệng khô, đi tiểu nhiều: Đây là chứng tiêu khát của bệnh tiểu đường do mức đường trong
máu quá cao. Thỉnh thoảng để tránh chuyện khô mắt, khô miệng, da tay, chân bị khô, tôi phải uống
mấy viên Ngọc Tuyền Hoàn (Yu Quan Wan) hay Lục Vị Địa Hoàng Hoàn, đây là loại thuốc bổ âm được
nhiều người bị bệnh tiểu đường ưa dùng (Reference 3).

B - Người hay bị mệt: Những ngày làm việc tôi có mang theo một gói sâm Cao Li thái mỏng (Sliced
Korean Red Ginseng), có bán ở các chợ tầu. Lúc thấy mệt tôi ngậm một lát sâm để trợ sức.

Khi dùng sâm các bạn không nên lạm dụng nó, vì tính nó nóng, có thể làm tăng thêm chứng tiêu khát .
(bên Mỹ có loại sâm Huê Kỳ, mát hơn sâm Cao Li nhưng không có khả năng bổ khí bằng sâm Cao Li)
(Reference 4)

Nói tóm lại tôi dùng cách ăn uống để trị bệnh Tiểu Đường là việc chính. Còn các thuốc bổ đông y
(Lục Vị Địa Hoàng Hoàn, Sâm Cao Li ...) chỉ là để trợ dúp cho sức khỏe .



Tập thể dục và những khó khăn trong việc phục hồi sức khoẻ

Việc tập thể dục đều đặn rất cần thiết cho những người bị bệnh tiểu đường. Thể dục giúp cho khí huyết
lưu thông, giúp máu mang các chất dinh dưỡng tới các tế bào và mang các chất phế thải tới gan và thận.
Những người ăn uống đúng cách và tập thể dục đều đặn sẽ tránh được các biến trứng nguy hiểm về chân
(đưa đến việc cưa chân), gan và thận (làm cho gan và thận chết lần mòn).

Từ khi bị bệnh, sức khoẻ tôi kém đi rất nhiều. Trước kia tôi có phụ với vài người bạn dậy võ trong một
võ trường Aikido. Bây giờ tôi không làm như vậy được nữa. Sau khi thay đổi cách ăn uống, tuy lượng
đường trong máu đã suống mức bình thường, người tôi vẫn không có sức, mặt trông không có máu .

Năm ngoái tôi quyết định đi tập Yoga trở lại. Nhờ gặp thầy tận tâm chỉ dẫn, sức khoẻ tôi bắt đầu tốt trở
lại. Sáu tháng đầu lúc tập Yoga tôi thấy khi ra mồ hôi người rất hôi thối (ngày phải tắm hai lần mới hết
hôi) và rất mệt. Sau khi các chất độc trong cơ thể từ từ bị đẩy ra, mồ hôi không thấy hôi nữa và người
bắt đầu thấy khoẻ.

Bây giờ mỗi ngày tôi tập thể dục cho đến lúc ra mồ hôi thì thôi. Nếu không tập Yoga tôi lại đi vài đường
Thái Cực Quyền (Taichi chuan) cho khí huyết lưu thông. Mỗi tối tôi có tập chút khí công và thiền cho dễ
ngủ. Tôi thấy trong người khoẻ khoắn, so với lúc mới bị bệnh thật khác xa .

Tôi biết là mỗi người mỗi khác. Có rất nhiều phép tập thể dục chứ không phải chỉ các phép mà tôi đang
tập. Mỗi người chỉ làm được những gì mình thực sự muốn làm. Đây chỉ là vài lời chia sẻ cùng các bạn .


PMC
11/20/2010


Chú thích:

1. Theo American Diabetic Association thì mức đường trong máu buổi sáng trước khi ăn (Fasting blood
sugar) được quy định như sau:

- Dưới 100 mg/dl (5.6 mmol/l) = Không có bệnh
- 100 tới 125 mg/dl = Tiền tiểu đường
- Trên 125 mg/dl (6.9 mmol/l) = Bệnh tiểu đường

2. A1c là con số đo mức kiểm soát lượng đường trong máu (số lượng đường trung bình trong hồng huyết
cầu) trong ba tháng qua:

A1c < 6 % = Không có bệnh
A1c < 6.5 % = Kiểm soát tốt (good control of blood sugar)
A1c > 7 % = Ăn bậy, phải thay đổi phép trị bệnh

3. Bây giờ (10/10/2012) con số A1c của tôi đã giảm xuống còn 5.8 và mức đường trung bình lúc đói,
trong 3 tháng rồi, là 94.

* References:

1. Diabetes and diet . Derek Ạ Paice
2. Glycemix Index Table . Michel Montignac
3. Clinical hand book of Chinese Prepared Medicines by Chun-Han Zhu
4. Ginseng Therapy in Non-Insulin dependent Diabetic Patients - Eero A Sotaniemi, MD, PHD
1995 American Diabetes Association
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.02.2013 02:47:20 bởi Cmp >
#1
    Cmp 22.09.2011 01:03:51 (permalink)


    Bảng so sánh độ ngọt trong các thức ăn
    Sau đây là bảng so sánh độ ngọt trong các thức ăn quen thuộc của người việt,
    để các bạn dễ lựa chọn các món ăn cho hợp với khẩu vị và bịnh tình của mình.
    Tất cả các thức ăn trong bảng này được so sánh với độ ngọt của mật (=100).
    Bảng này rất hữu ích cho những người trong tình trạng tiền tiểu đường.

    1. Thức ăn nên tránh ............ GI value (Chỉ số đường huyết)
    Mật (Syrup) ................................100
    Bột gạo ........................................95
    Khoai tây ......................................95
    Bánh mì (French bread) ................90
    Bánh dẻo, bánh dầy .....................85
    Bánh donut ..................................75
    Potato chips .................................70
    Bánh lạt (Cracker) ........................70
    Bún, phở, bánh cuốn ....................65
    Bắp ...............................................65
    Mật ong ........................................60
    Gạo thơm ......................................60
    Ice cream .....................................60
    Maccaroni .....................................60
    Spagetti ........................................60
    Trái chà là ...................................100
    Dưa hấu ......................................75
    Dứa, thơm (pinapple) ..................65
    Cantaloupe ..................................60
    Chuối chín ...................................60
    Thu đủ chín .................................55

    2. Thức ăn nên hạn chế
    Oat meal ......................................50-60
    Gạo lức (brown rice) .....................50
    Khoai lang ....................................50
    Tortilla, corn .................................50
    Hersey - Chocolate bar .................50
    Đậu hộp (baked beans) ................45
    Pizza hut, supreme ........................40
    Mì tầu (Chinese wheat noodle) .....35
    Trái soài ......................................50
    Trái hồng .....................................50
    Trái nho .......................................45
    Chuối xanh .................................. 45
    Cam, táo, lê .................................35
    Trái dừa .......................................35

    3. Tha hồ ăn
    Đậu xanh, đậu đỏ ........................ 30
    Dark chocolate (>70% coca) ........25
    Đậu hũ ..........................................20
    Hạt điều .......................................25
    Đậu phọng ...................................20
    Hạt almond .......... .......................15
    Hạt walnut ...................................15
    Hạt Pecan ....................................15
    Rau cải .........................................10
    Broccoli ........................................10
    Rau mồng tơi ...............................10
    Đậu hòa lan .................................10
    Măng tây (asparagus) ..................10
    Nấm (mushroom) ........................10
    Cà chua .......................................30
    Trái cherry ...................................25
    Trái bơ (avocado) ........................10
    Dưa leo ........................................10
    Trái mướp (Squash) .....................10
    Các loại thịt ...................................0
    Cá ..................................................0
    Tôm, cua .......................................0
    Trứng gà .......................................0

    Những con số GI (Glycemic Index, Chỉ số đường huyết) trong bảng này là những con số tương đối
    so với độ ngọt của mật syrup. Các bạn nên cẩn thận khi so sánh con số GI của các bảng Glycemic
    Index khác nhau, vì mỗi bảng có thể dùng một thức ăn khác nhau để làm chuẩn (nghĩa là=100)
    (Reference 3).

    Mỗi lần dùng bảng này để thay đổi thức ăn, các bạn nên thử lại máu (Xem chú thích) để biết thức ăn
    nào mình ăn được và lượng ăn được là bao nhiêu.

    CMP

    Chú thích:
    Hội American Association of Clinical Endocrinoloogist khuyên những người bị bệnh tiểu đường nên giữ
    các điều quan trọng sau:
    1. Mức đường trong máu trước khi ăn (pre-praniel blood sugar) < 110 mg/dl
    2. Mức đường 2 giờ sau khi ăn < 140 mg/dl
    3. A1c < 6.5

    References:
    1. Glycemic Index Table - Michel Montignac
    2. Glycemic Index and Glycemic Load for 100 foods - Havard Health Publication
    3. Warnings on the misinterpretation of the Glycemic Index concept - Michel Montignac

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.03.2013 01:10:02 bởi Cmp >
    #2
      Cmp 03.10.2011 12:24:34 (permalink)

      Bệnh tiểu đường qua đông y và tây y


      Đông là Đông, Tây là Tây
      Hồi nhỏ tôi bật cười khi đọc truyện ngụ ngôn người mù xem voi: người sờ cái vòi, người sờ
      cái chân, người sờ cái đuôi ... Tôi tự nhủ chuyện này chắc người ta vẽ vời ra để dạy đời,
      chứ người đã mù thì tìm đâu ra được con voi để mà sờ ? Vậy mà bây giờ, lúc nghiên cứu
      các cách trị bệnh tiểu đường, tôi thấy Đông Y và Tây Y có những cái nhìn hoàn toàn khác
      nhau về bệnh tiểu đương, ai cũng cho mình là phải, giống như những người mù xem voi.


      Tiểu đường theo Tây Y

      Nguyên nhân bệnh:
      Trong cơ thể của một người lành mạnh các thức ăn được biến thành chất đường glucose
      lưu thông trong máu. Chất đường glucose (với sự giúp đỡ của chất insulin do tuyến tụy
      sinh ra) được các bắp thịt dùng làm năng lượng để cơ thể hoạt động. Chất glucose,
      nếu thừa không cần tới, được mang tới lưu trữ ở gan. Nếu tuyến tụy không sinh ra đủ
      chất insulin, hay các bắp thịt không dùng được chất insulin nữa thì mức đường glucose
      trong máu sẽ từ từ tăng lên mà sinh ra bệnh.

      Loại thức ăn được cơ thể biến ra chất đường glucose dễ ràng và nhanh nhất là các chất
      carbohydrate (như cơm, bún, phở, bánh mì ...). Bệnh tiểu đường loại 2 sinh ra khi cơ
      thể của người lớn tuổi (vì thiếu insulin hay không dùng được insulin một cách hữu hiệu
      nữa) không còn khả năng tiêu thụ chất đường một cách nhanh chóng sau mỗi bữa ăn như
      khi còn trẻ, khiến cho mức đường trong máu cứ từ từ tăng lên tới mức sinh bệnh .

      Triệu chứng bệnh:
      Khi lượng đường trong máu tăng lên hơn 140 mg/dl, nó sẽ bắt đầu tàn phá các cơ quan
      nội tạng và người bệnh sẽ có các triệu chứng sau:

      - Mắt mờ
      - Khát nước ghê gớm
      - Đi tiểu hoài
      - Người mệt mỏi không có sức
      - Lúc nào cũng đói
      - Suống cân

      Các nhà khảo cứu tìm ra rằng con số đường trong máu lúc đói và con số kiểm soát A1c
      càng cao thì bệnh càng nặng. Những người bị bệnh có tuổi thọ kém hơn người bình thường
      tới 8 tuổi (ref. 1)

      Con số kiểm soát A1c, được bác sĩ cho đo mỗi sáu tháng, rất quan trọng trong việc đề
      phòng các biến trứng của bệnh. Con số này càng cao cơ thể càng dễ sinh các biến chứng
      như mù mắt, lãng trí, đau tim, gan, thận... Riêng về bệnh tim, độ nguy hiểm (risk factor)
      tăng lên gấp đôi khi A1c chỉ thay đổi từ 5.5% tới 6.5% (ref. 2).

      Cách trị:
      Tây y chủ trương dùng thuốc men cộng với phép ăn kiêng và tập thể dục để hạ lượng đường
      trong máu lúc đói xuống khoảng 70-130 và con số kiểm soát A1c xuống dưới 7.0% (ref. 3)

      Tây Y dùng các loại thuốc uống sau (ref. 4):
      1. Loại thuốc ngăn sự bào chế chất đường glucose của gan, để mức đường trong máu
      không tăng lên lúc đói (Biguanide). Thông dụng nhất là thuốc Metformin.
      2. Loại thuốc giúp tuyến tụy (pancreas) sinh ra nhiều insulin (Sulfonylureas, Meglitinides)
      3. Loại thuốc giúp cơ thể dùng insulin một cách hiệu nghiệm hơn (Thiazolidinediones)
      4. Loại thuốc làm chậm sự tiêu hoá chất carbohydrate trong bao tử để mức đường trong máu
      không lên nhanh sau bữa ăn (Alpha-glucosidase Inhibitor)

      Người mới bị bệnh, dù đã ăn kiêng và tập thể dục mà mức đường trong máu vẫn không xuống
      tới mức an toàn, thường được bác sĩ cho toa thuốc Metformin (Biguanide). Nếu mức đường
      trong máu vẫn còn cao, thì bác sĩ mới cho thêm loại Sulfonylureas để kích thích tuyến tụy
      tăng thêm insulin (hay cho bệnh nhân tiêm insulin) để giúp cơ thể tiêu thụ chất đường trong
      máu.

      Mà việc uống các loại thuốc này không phải dễ dàng. Có nhiều thứ thuốc uống vào vài
      tháng lại hết hiệu nghiệm. Nhiều người uống đủ thứ thuốc mà lượng đường trong máu lúc
      lên lúc suống. Thêm vào cái tâm lý "cứ ăn đi rồi uống thuốc" hay "bệnh quỷ đã có thuốc
      tiên" thành ra về lâu dài bệnh cứ nặng thêm. Con số đường lúc sáng sớm có giảm cũng
      chỉ giảm tới một mức mà người bệnh thấy dễ chịu (comfort zone) rồi chứng nào tật ấy,
      lại tha hồ ăn bậy. Nếu người bệnh không có một chương trình ăn uống chặt chẽ thì con số
      kiểm soát A1c không thể nào suống dưới 6.5 như bác sĩ mong muốn được (chú thích 2).


      Phép trị bệnh của tây y có các khuyết điểm sau:
      1. Theo tây y bệnh diabetes không trị được. Một khi bị bệnh suốt đời sẽ bị bệnh (Once a
      diabetic, always a diabetic).
      2. Các loại thuốc kể trên có rất nhiều phản ứng bất ngờ, gây khó khăn cho việc giảm mức
      đường trong máu.  Phản ứng nguy hiểm nhất là bệnh nhân có thể bị bất tỉnh trong lúc đang lái xe.
      3. Người bệnh dù uống đủ thuốc, ăn kiêng, tập thể dục đều đặn ... suốt đời người vẫn thấy mệt
      mỏi, mắt khô, miệng khô... Đây là triệu chứng cơ thể đang bị áp lực (stress) của bệnh.
      Tây y không có thuốc nào trị được các triệu chứng này.
      4. Các biến chứng tai hại cho mắt, tim, gan và thận chắc chắn sẽ sẩy ra, không cản được .

      CMP

      Chú thích: Hội "American Association for Clinical Chemistry" dùng con số FBS (Fasting Blood glucose,
      mức đường trước ăn sáng) và con số A1c như sau để chuẩn bệnh:

      1. Người không bệnh: FBS <100 mg/dl, A1c < 5.7%
      2. Người tiền tiểu đường: FBS<125 mg/dl, A1c = 5.7% tới 6.4%
      3. Người bệnh: FBS>126 mg/dl, A1c> 6.5 %

      References:
      1. Association of diabetes with total life expectancy - Osca H. Franco, Arch
      Intern Med 2007
      2. Diabetes and cardiovascular risk in nondiabetic adults - Elizabeth Selvin et al.
      NEJMV March 4, 2010
      3. Standards of medical care in diabetes - American Diabetes Association
      4. Diabete medications - Diabetesnet.com

      (Còn tiếp...)

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.07.2013 10:18:26 bởi Cmp >
      #3
        Cmp 12.10.2011 03:08:09 (permalink)

        Bệnh tiểu đường qua đông y và tây y



        Tiểu đường theo Đông Y:

        Đông y không có quan niệm về bệnh tiểu đường. Chứng bệnh mà đông y quen thuộc là chứng tiêu khát
        (mắt khô, miệng khô, đi tiểu nhiều, mệt mỏi ...). Đây là bệnh của người cao tuổi, do cơ thể suy yếu,
        âm dương, khí huyết không đều hòa mà sinh ra bệnh (ref. 1).

        Đông y chủ trương dùng thuốc bổ để giúp người già yếu phục hồi sức khỏe. Một khi sức khỏe phục hồi
        thì các chứng bệnh do cơ thể suy yếu sinh ra tự nhiên biến mất .

        Sau đây là vài triệu chứng mà đông y rất quen thuộc và có thể trị được:

        A- Âm hư (can thận âm hư):
        - Mắt khô, da khô
        - Miệng khô, lúc nào cũng khát nước
        - Chóng mặt, ù tai
        - Mơ nhiều, di tinh
        - Đi tiểu nhiều, nước tiểu đục và hôi

        Cách trị: Giản dị nhất là dùng thốc bổ âm Lục Vị Địa Hoàn Hoàn hay Ngọc Tuyền Hoàn.
        Thuốc bổ âm là thuốc bổ căn bản cho những người bị bệnh tiêu khát . Uống vào sẽ thấy mát mắt,
        miệng bớt khô, bớt khát nước .

        Thuốc bổ âm tính nó hơi lạnh. Những người ăn uống khó tiêu, phân bị nhão, uống thuốc này phải cẩn
        thận (ref. 2).

        B- Âm dương đều hư:
        - Các triệu chứng âm hư như trên, và
        - Người lúc nào cũng lạnh
        - Đau lưng, mỏi gối
        - Liệt dương

        Cách trị: Dùng Kim Quỹ Thận Khí Hoàn (Kim Quỹ chỉ là liều thuốc Lục Vị cộng thêm hai vị Quế
        và Phụ Tử cho ấm người), hay Nhân Sâm Lộc Nhung Hoàn (ref. 2).

        Những người bị táo bón, hay trong người nóng nảy khó chịu, không được dùng thuốc bổ dương .
        Thuốc bổ dương uống vào người rất nóng, phải cẩn thận .

        C- Tì vị hư:
        - Khát mà không muốn uống
        - Kém ăn
        - Phân lỏng
        - Gầy gò, mệt mỏi

        Cách trị: Dùng thuốc bổ khí. Cách giản dị nhất là ngậm hay uống sâm (ref. 3). Các loại thuốc viên
        như Sâm Kỳ Đại Bổ Hoàn, Nhân Sâm Royal Yelly cũng rất thông dụng cho những người già yếu.

        Các thuốc bổ khí cũng nóng như thuốc bổ dương. Uống nhiều phải cẩn thận .

        Khuyết điểm của cách trị bệnh tiểu đường theo Đông Y:
        1. Cách trẩn bệnh của đông y không chính sác . Chứng tiêu khát không phải là bệnh tiểu đường .
        (Cái vòi con voi không phải là con voi).

        2 Mục đích chính của các toa thuốc bổ là để nâng cao sức khoẻ cho người già yếu chứ không phải
        để trị bệnh

        3. Thuốc chống tiêu khát không làm giảm được mức đường trong máu . Bên Trung Quốc báo chí đã
        phanh phui ra những nhà làm thuốc bất lương, chộn thuốc tây vào Lục Vị Địa Hoàng rồi quảng cáo là
        thuốc chữa bệnh tiểu đường .

        CMP

        References:
        1. Lý luận cơ bản của Y Học Cổ Truyền, Hoàng Bảo Châu
        2. Guide to Chinese Herbal Patent Medicines in Pill Form, Margaret A. Naeser
        3. American gingseng reduces post-pranial glycemia in diabetes type 2, Vladimir Vuksan
        JAMA archive 2000



        <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.03.2013 01:23:56 bởi Cmp >
        #4
          Cmp 06.11.2011 06:27:43 (permalink)

          Cách chữa bệnh tiểu đường bằng phép ẩm thực

          Các bác sĩ Tây phương có hai phái với lập trường đối lập nhau về bệnh tiểu đường loại 2:

          1. Phe bảo thủ - tiêu biểu là American Diabetes Association - nói là bệnh tiểu đường không chữa
          được, các biến chứng nguy hiểm sẽ sẩy ra. Bệnh nhân phải uống thuốc hay chích insulin để
          giảm lượng đường trong máu lúc đói xuống dưới 110 mg/dl và con số A1c dưới 7.0% để kéo dài
          sự sống. Dù biết rằng bệnh tiểu đường sinh ra là do cơ thể không tiêu hóa nổi chất carbohydrate,
          phe này chỉ khuyên bệnh nhân nên giữ mức carbohydrate dưới 60% thức ăn và giảm chất béo hầu
          tránh các biến chứng về tim.

          2. Phe tiến bộ - tiêu biểu là Richard K. Berstein, MD - nói bệnh tiểu đường có thể trị được bằng
          phép ẩm thực và chữa rất hiệu nghiệm. Theo phe này không có một thứ thuốc nào có thể giúp
          bệnh nhân giảm lượng đường trong máu nhanh bằng phép ăn kiêng và tập thể dục. Nếu ăn uống
          đúng cách và tập thể dục, các biến chứng nguy hiểm sẽ không có điều kiện để sẩy ra.

          Việc quan trọng nhất là bệnh nhân phải tự mình giảm chất carbohydrate trong thức ăn hàng
          ngày cho lượng đường trong máu xuống tới mức an toàn. Việc uống thuốc hay tiêm insulin chỉ
          là việc phụ (ref. 1). Nguy cơ về biến chứng của bệnh tim sẽ bớt đi khi con số kiểm soát A1c
          được giảm xuống qua lối ăn uống này .

          Phép chữa bệnh bằng ẩm thực rất là đơn giản.
          Bệnh nhân chỉ cần lựa các thức ăn (Xem bảng so sánh độ ngọt trong các thức ăn) thế nào cho lượng
          đường trong máu sau mỗi bữa ăn xuống tới mức an toàn, ít hơn 140 mg/dl một tiếng sau khi ăn. Cái
          bí mật của phép này là chuyện thử máu một tiếng sau mỗi bữa ăn để có thể thay đổi ngay lối ăn
          uống. (Ref. 2)

          Bệnh nhân bắt đầu bằng cách giảm dần các chất carbohydrate trong thức ăn (cơm, bánh mì, pasta, ..),
          chỉ dùng thịt, cá, rau làm thức ăn chính. Các bữa ăn phải cách nhau ít nhất 4 giờ để mức đường trong
          máu lúc đói có thể xuống tới mức bình thường. Mỗi bữa không nên ăn no. Mỗi ngày nên ăn từ ba tới
          bốn bữa. Cách ăn uống phải giữ cho đều đăn. Mỗi buổi sáng khi thức dậy và sau mỗi bữa ăn phải thử
          máu để tiếp tục thay đổi lối ăn.

          Theo phương pháp này việc giữ gìn mức đường trong máu lúc sáng mới thức dậy dưới 100 mg/dl
          không quan trọng bằng việc giữ mức đường sau khi ăn dưới 140 mg/dl. Nếu đường trong máu suốt
          ngày giữ được ở mức an toàn thì các biến chứng của bệnh tiểu đường sẽ không có điều kiện để sẩy ra.
          Các cơ quan nội tạng sẽ được nghỉ ngơi và cơ thể sẽ từ từ phục hồi sức khoẻ. (Ref. 3)


          Tại sao con số đường lúc mới thức dậy (fasting blood sugar) không đáng tin:

          Sau một đêm nghỉ ngơi, cơ thể có thì giờ giảm mức đường trong máu xuống mức an toàn. Con số
          đường lúc buổi sáng không còn là phản ảnh trung thực của bệnh diabetes nữa . Nhiều người thử máu
          thấy dưới 110 mg/dl như bác sĩ căn dặn, nghĩ là mình hết bệnh . Nhưng trong ngày, sau mỗi bữa ăn,
          con số đường có thể lên rất cao mà người bệnh không biết . Mỗi lần con số này lên cao hơn 140 mg/dl
          chất đường trong máu lại bắt đầu tàn phá cơ thể. Nếu không thử máu một tiếng sau mỗi bữa ăn thì bệnh
          nhân không thấy được cái nguy hiểm của các thức ăn mà mình đang ăn. Nếu chờ tới lúc trong người
          thấy có biến chứng thì đã quá trễ.

          Mục tiêu của phép ẩm thực:
          Mục tiêu của phép ẩm thực là giảm con số kiểm soát A1c (qua mỗi lần thử máu ở bệnh viện) xuống
          dưới 6.0. Đây là con số kiểm soát quan trọng cho mỗi 6 tháng. Đối với bác sĩ, A1c<6.0 là người không
          có bệnh .

          Nhưng bệnh nhân không cần phải chờ sáu tháng để biết những tiến triển về bệnh của mình. Từ những
          con số đo máu hàng ngày ta có thể đoán được con số kiểm soát A1c cho ba tháng sắp tới qua
          công thức sau:

          A1c = (eAG+46.7)/28.7

          Con số eAG (estimated Average blood Glucose) có thể thay thế bằng con số trung bình giữa mức
          đường trước (Before) và sau khi ăn (After): eAG=(B+A)/2

          Sau đây là vài ví dụ để diễn tả sự khác biệt nếu cơm được thay bằng các loại thực phẩm khác nhau :
          (B= con số thử máu trước khi ăn và A = sau khi ăn)


          Thức ăn chính.............B...........A............eAG......... A1c.........Bệnh trạng
          Cơm................................155...........215............185..............8.1..........Biến chứng nguy hiểm sắp sẩy ra
          Đậu trắng........................115...........165...........140..............6.5..........Nội tạng vẫn bị mức đường làm hại
          Thịt, cá, rau.....................100...........135...........118..............5.7..........An toàn

          (Đây chỉ là thí dụ. Khi ăn như vậy lượng đường trong máu sẽ giảm, nhưng mức đường mỗi người sẽ
          mỗi khác tùy theo bệnh trạng. Nếu bệnh nặng bác sĩ vẫn phải cho uống thêm thuốc hay tiêm insulin)

          Tâm lý của người ăn kiêng
          Trong 6 tháng đầu người ăn kiêng rất thèm cơm, các loại bánh kẹo và nước ngọt . Nếu không thử máu

          sau mỗi bữa ăn và giữ sổ tay để theo rõi kết quả của cách ăn uống thì nhiều người sẽ bỏ cuộc. Lối sống
          của người ăn kiêng cũng bị thay đổi nhiều . Mỗi ngày phải tính trước ngày hôm sau sẽ ăn uống ra sao,
          không còn chuyện lúc đói thì chạy đi ăn tô phở hay mua khúc bánh mì thịt được nữa .

          Lúc mới ăn kiêng, bệnh nhân sẽ thấy trong người rất khó chịu và tánh tình đâm ra cọc cằn vì sự thay đổi
          lớn lao của hai lối sống. Người ăn kiêng phải có nghị lực và sự thông cảm và giúp đỡ của gia đình .
          Phải mất một năm mới quen và thích nghi được với lối sống mới. Sau đó người sẽ thấy khỏe hơn, mắt
          và miệng bớt khô và bớt khát nước . Khi đó sẽ không muốn trở về cách ăn uống cũ nữa .

          References:
          1. Diabetes solution, Richard K. Berstein, MD

          2. How to lower your blood sugar, Jenny Ruhl, Bloodsugar101.com
          3. ACE guidelines for glycemic control, Endocrine prac. 2002

          CMP
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.06.2013 00:42:28 bởi Cmp >
          #5
            Cmp 31.01.2012 02:19:18 (permalink)

            Các loại dược thảo có thể trị bệnh tiểu đường


            Nếu bạn đã ăn kiêng và tập thể dục đều đặn mà lượng đường trong máu vẫn còn cao
            (trên 100 mg/dl lúc đói, trên 140 mg/dl sau bữa ăn) thì các loại dược thảo sau có thể
            giúp bạn giảm lượng đường trong máu:


            1. Trái mướp đắng (bitter melon)

            Trái mướp đắng, tên khoa học là Momordica charantie, được người Tầu và người Ấn độ
            dùng để trị bệnh tiểu đường. Mướp đắng có hiệu quả giống như chất insulin mà cơ thể
            dùng để tiêu thụ chất đường trong máu .

            Mướp đắng dùng chung với bữa ăn có tác dụng giảm lượng đường trong máu sau bữa
            ăn thật nhanh . Các nhà khoa học nghĩ là chất Momordica có thể giúp các tế bào của
            cơ thể thu thập chất đường glucose trong máu . Chất này cũng có thể giúp tuyến tụy
            (pancreas) sinh ra insulin (Reference 1)

            Mướp đắng là một chất rất lạnh . Đông y dùng mướp đắng làm chất giải nhiệt cho cơ
            thể . Những người gầy ốm, hay bị lạnh, không nên dùng chất này vì dễ sinh ra chứng
            lạnh bụng, tiêu chẩy. Mướp đắng có bán ở chợ hay ở các bán tiệm thảo dược dưới
            dạng viên capsule .


            2. Cây Thìa Canh (Gymnema Sylvestre)

            Cây Thìa Canh được người Ấn Độ dùng trị bệnh tiểu đường hơn hai ngàn năm nay. Nó
            có thể giúp tuyến tụy tăng chất insulin.

            Kết quả của một cuộc thí nhiệm với 65 người tham dự trong 90 ngày đã thấy rằng chất
            này giảm được lượng đường trong máu lúc đói xuống khoảng 11% (161 vs 144 mg/dl).
            (Reference 2)

            Cây thìa canh được nghiền ra thành các viên capsule 500 mg và có bán tại các tiệm bán
            Herbs và Vitamin supplement.


            3.Quế (Cinnamon)

            Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng chất quế cũng có thể trị được bệnh tiểu đường loại 2.
            Một cuộc thí nghiệm đã cho thấy là chất quế, với lượng từ 1g tới 3g một ngày có thể giúp
            những người bị bệnh tiểu đường loại 2 giảm mức đường glucose trong máu (Reference 3).

            Quế cũng có thể làm giảm chất béo cholesterol trong máu, giúp máu lưu thông và giảm
            nguy cơ về bệnh tim. Quế có bán ở dạng bột hay dạng viên capsules (500mg).

            Quế là một chất rất nóng. Đông y dùng quế làm một vị thuốc bổ dương, khử hàn, bổ khí
            giúp khí huyết lưu thông. Uống nhiều quế có thể bị táo bón hay chảy máu cam.


            4. Hạt Methi (Fenugreek)

            Hạt Methi được nhiều người Ấn độ và người Ả Rập dùng để trị bệnh tiểu đường. Hạt này
            được nghiền ra thành bột và bán dưới dạng bột hay các viên capsule (500 mg). Nhiều
            nhà khảo cứu đã sác nhận là hạt này, với lượng từ 25 gm tới 75 gm một ngày, trộn
            trong nước uống hay thức ăn có thể làm giảm mức đường trong máu xuống từ 5% tới
            10% (Reference 4).

            Hạt methi có vị cay và nóng (hạt này được dùng làm bột cà ri). Dùng nhiều bột methi
            bụng dễ sinh ra đầy hơi. Người Ấn Độ ngâm hạt methi qua đêm, tới sáng lấy nước uống
            và lấy hạt ăn. Họ cũng gieo hạt methi để lấy lá non để nấu ăn.

            Hạt methi cũng thường được dùng cho các bà mẹ muốn tăng sữa cho con bú.



            Hiệu quả của dược thảo

            Hiệu quả của các dược thảo này thay đổi tùy theo người và bệnh tình. Trong trường
            hợp tốt nhất, chúng có thể làm giảm lượng đường trong máu xuống 20%. Nhưng nói
            chung hiệu quả của chúng vói mức đường trong máu rất nhẹ (từ 10 tới 30 mg/dl),
            trong khi đó ảnh hưởng của carbohydrate trong các bữa ăn rất lớn. Thí dụ sau bữa ăn
            chiều, mức đường trong máu có thể tăng lên từ 40 mg/dl tới 100 mg/dl so với lúc chưa ăn.

            Muốn biết rõ hiệu năng của các chất này, người bệnh phải ăn kiêng và thử máu mỗi ngày.
            Cứ như vậy cũng phải mất khoảng bốn tuần lễ mới biết lượng đường trong máu có xuống
            thật hay không.

            Nói tóm lại các loại dược thảo này nếu dùng đúng cách có thể là một chất trợ giúp
            (supplement) cho những người ăn kiêng và tập thể dục. Với những người không ăn kiêng
            thì các thảo dược này không mang lại kết quả gì đáng kể .



            CMP




            References:

            1. Beneficial effect and mechanism of action of Momordica charantia in the treatment
            of diabetes mellitus: a mini review - C. Garau, Cummings E, D A Phoenix, J Singh
            International Journal Diabetes & Metabolism (2003) 11:46-55

            2. Effect of extended release Gymnema Sylvestre leaf extract - DJ Joffe
            Diabetes In Control Newsletter, Issue 76 (1): 30 Oct 2001

            3. Cinnamon improves glucose and lipids of people with type 2 diabetes - Alam Khan
            Diabetes Care 26:3215-3218, 2003

            4. Effects of Fenugreek in type 2 diabetes - Analava Mitra,
            Indian journal for practicing doctor vol. 3, no. 2 (2006-5)




            (Còn tiếp)

            <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.08.2012 00:00:19 bởi Cmp >
            #6
              Cmp 21.04.2012 04:03:16 (permalink)
              Các loại dược thảo có thể trị bệnh tiểu đường

              Tiếp tục ...


              Sau đây là một vài thảo dược được coi là trị được bá bịnh vì dược tính chính của chúng
              là chống viêm, chống oxy hóa, giúp cơ thể tăng mức đề kháng bệnh tật. Chúng có thể
              dùng để trị bệnh tiểu đường trong trường hợp bệnh này sinh ra khi tuyên tụy hay gan
              bị viêm.


              Củ nghệ (Turmeric)

              Củ nghệ được dùng để trị bệnh đau nhức khớp xương (Rheumatoid arthritis), bệnh ăn uống
              khó tiêu và bệnh viêm gan. Người ấn độ coi nghệ là một chất giải độc rất tốt cho gan.

              Củ nghệ cũng được người ấn độ dùng để trị bệnh tiểu đường. Trong tinh bột nghệ có chất
              curcumin là chất chống viêm (anti inflamation), chống oxy hóa. Chất này có thể giúp tuyến
              tụy (pancreas) tăng insulin và giúp cơ thể người bệnh giảm tính kháng insulin. Chất này đã
              được thí nghiệm thành công với những con chuột bị tiểu đường trong phòng thí nghiệm
              (Reference 1).

              Nghệ có thể mua dưới dạng viên capsule (500mg) ở các tiệm bán Herbs .


              Cây ké sữa (Milk thistle)

              Cây ké sữa là một loại cỏ dại mọc ở vùng địa trung hải, có hình thù giống như cây cúc
              có gai. Cây ké sữa có chất Silymarin, có tác dụng chính là giải độc cho gan, chống viêm
              và chống oxuy hóa, và có thể giảm chất béo cholesterol trong máu. Cây Milk Thitle cũng
              được dùng để giải độc cho những người ăn phải nấm độc.

              Chất Silymarin, qua tác dụng giải độc cho gan, có thể giúp bệnh nhân giảm chất đường
              trong máu (Reference 2).

              Cây Milk Thistle có bán dưới dạng capsule (500mg) ở các tiệm bán Herbs .


              CMP



              References

              1. Efficacy of turmeric on blood sugar in diabetic rats - Arun N, Natlini N.
              Dept of biochemistry, Annamalai University, India, Winter 2002
              ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/1185620

              2. Effect of silymarin in diabetes mellitus patients with liver disease - M.A. Jose, A. Abraham
              and M.P. Narmadha - Journal of Pharmacology & Pharmacotherapeutics, Oct-Dec 2011





              <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.08.2012 08:12:59 bởi Cmp >
              #7
                Cmp 10.08.2012 13:32:20 (permalink)

                Mức đường bình thường (Normal blood sugar level)



                Dù bạn ăn kiêng, uống thuốc hay chích insulin, mục đích chính mà bác sĩ muốn bạn đạt
                được là mang mức đường trong máu suống mức bình thường. Vây mức bình thường đó
                là gì ?

                Câu hỏi này trông đơn giản mà lại có tới hai câu trả lời thật khác biệt, tùy theo bạn
                (và bác sĩ của bạn) có cái nhìn như thế nào về bệnh tình của bạn trong mười năm tới .

                1. Nếu bạn chỉ muốn bệnh của bạn tiến triển theo mức "bình thuờng" như những người
                bệnh khác, với các biến chứng về tim, mắt, thận ... chậm lại so với những người không
                chữa chạy, thì sau đây là những con số được hội American Diabetes Association chấp
                nhận (Reference 1):


                Mức đường..........Bình thường ........Tiền tiểu đường ...........Tiểu đường

                Lúc sáng sớm...........<100..................100-125........................>125 mg/dl

                2 giờ sau khi ăn........<140..................140-199........................ >200 mg/dl

                Con số A1c...............<6.....................6-6.4............................>6.4 %


                Bảng này dùng con số "2 giờ sau khi ăn" dưới 140 là con số bình thường, nhưng thực sự
                con số này của người khỏe mạnh phải dưới 100. Tại sao bảng này lại dùng con số bình
                thường cao như vậy? Lý do là hội American Diabetes Association hoạt động dưới sự
                bảo trợ của các hãng bảo hiểm sức khỏe. Nếu để con số này càng thấp thì càng nhiều
                bệnh nhân phải được chữa chạy, càng tốn kém cho các hãng bảo hiểm (và hãng bảo hiểm
                phải tăng giá).

                Có điều nữa các bác sĩ không nói ra là mức đường trong máu cao nhất là khoảng 1 giờ
                sau khi ăn. Con số này có thể lên thật cao mà người bệnh không biết để chữa chạy.



                2-Còn nếu bạn muốn sống lâu và khỏe mạnh, suốt đời không phải lo các biến chứng của
                bệnh tiểu đường, thì bạn phải nhắm vào những con số chặt chẽ hơn trong cuộc sống
                hàng ngày (Reference 2):


                Mức đường...............Bình thuờng

                Lúc sáng sơm...............<85 mg/dl

                1 giờ sau khi ăn............<120 mg/dl

                A1c............................<5.3 % (* Xem chú thích)


                Bạn nên biết là con số đường lúc sáng và con số A1c chỉ cho bạn biết chuyện gì đã sẩy
                ra chứ không giúp bạn đoán được bệnh tình sẽ tiến triển ra sao. Con số quan trọng
                hơn là 1 giờ sau khi ăn (lúc mức đường cao nhất). Người bệnh có thể dùng con số này
                để thay đổi cách ăn uống để ngừa bệnh.

                Nếu bạn giữ được như vậy thì suốt đời sẽ không phải lo gì về bệnh tiểu đường nữa.


                References:

                1. 2012 Guidelines for Blood Sugar Levels, Diabetes-blood-sugar-solutions.com

                2. Blood sugar: The nondiabetic vs the Diabetic - Dr. Berstein's Diabetes Solution,
                Revised edition 2007



                cmp
                10/8/2012



                Chú thích:

                * A1c (HbA1c) là một phương pháp đo mức đường trung bình trong máu trong 3 tháng
                rồi. Con số này được bác sĩ dùng để sác định xem bệnh tình tiến triển ra sao. Cơ quan
                National Institute of Health của chính phủ Mỹ coi A1c < 5.7 % là mức bình thường.

                * So Sánh mức đường trong máu của người bị Tiểu Đường, Tiền Tiểu Đường
                và người Bình Thường

                Diabetic = Tiểu đường
                Prediabetic = Tiền tiểu đường
                Normal = Bình thường

                [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/98245/9ADF40B95DD04D7687BCBD06C3F6F6CC.jpg[/image]

                Trục thẳng đứng (mg/dl) là mức đường trong máu
                Trục ngang (hours) là số giờ sau bữa ăn

                Diabetes Blood Glucose Levels Chart - Science of Healthy Living, Joanna Verdan
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.02.2013 02:09:47 bởi Cmp >
                Attached Image(s)
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9