Cách trị bệnh tiểu đường - Loại 2
Cmp 12.09.2011 07:05:18 (permalink)

Tôi có một ít kinh nghiệm về bệnh tiểu đường, muốn chia sẻ với các bạn. Trước là về cách ăn uống, việc
dùng thuốc bổ, sau là về phép tập thể dục và những khó khăn trong việc phục hồi sức khỏe .


Cách ăn uống

Tôi nhớ 4 năm trước lúc tôi còn dạy Aikido. Một hôm tới phiên mình dạy thấy người không khỏe, khát
nước ghê gớm, tay chân rung rung, người như không có sức, phải nhờ người bạn dạy thế lớp đó. Đi
khám bác sĩ mới biết mình bị bịnh tiểu đường: mức đường lúc đói = 157 mg/dl (~8.7 mmol/l) và
A1c = 8.1 %. Ông bác sĩ của tôi là một bác sĩ già, có nhiều kinh nghiệm về bệnh tiểu đường, khuyên tôi
không nên uống thuốc. Ông nói về lâu dài uống thuốc chỉ có hại. Ông gởi tôi tới gặp một bà y tá chuyên
về phép ăn kiêng (dietician). Bà dietician này lúc đó đang bận, chỉ cho tôi cái máy đo máu và một bài
báo về cách ăn uống, bắt về đọc tháng sau trở lại (Reference 1).

Bài báo đó chỉ cách thay đổi các thức ăn. Giảm dần số lượng các loại carbohydrate trong
mỗi bữa ăn
như cơm, phở, bún, bánh mì ... và ăn nhiều rau, đậu, thịt, cá. Các chất Carbohydrate
khi ăn vào sẽ được cơ thể biến ngay thành chất đường trong máu, nhanh hơn khả năng tiêu thụ chất
đường trong cơ thể của người bị bệnh tiểu đường. Tôi đọc thấy cũng dễ hiểu, tự bảo nếu người ta làm
được, tôi cũng làm được. Sau một tháng lần mò, thay đổi từng loạt thức ăn và thử máu mỗi ngày, quả
nhiên thấy lượng đường trong máu từ từ giảm suống. Biết là làm đúng cách, tôi tiếp tục tự mình thay
đổi cách ăn uống và không trở lại bà dietician đó nữa.

Sau sáu tháng thay đổi thức ăn và thử máu như vậy, tôi thấy lượng đường trong máu mỗi buổi sáng
giảm xuống còn khoảng 90 tới 110 mg/dl, tức là khoảng 5 tới 6.1 mmol/l (chú thích 1), với con số A1c
xuống tới 6.5 %. Một năm sau con số A1c xuống còn 6.1 % (chú thích 2). Bác sĩ nói đây là một kết
quả rất tốt. Bây giờ đã quen cách ăn uống, trong tuần lễ tôi chỉ thử máu mỗi khi thay đổi thức ăn.
Nếu không có gì thay đổi, tôi thử máu mỗi tuần ba lần để xem bệnh tình tiến triển ra sao.

Bệnh tiểu đường loại 2 sinh ra bởi cơ thể khi về già không còn khả năng tiêu thụ chất carbohydrate một
cách hữu hiệu so với mức ăn của người bệnh, khiến cho lượng đường trong máu cứ từ từ tăng lên, làm
độc gan, hại thận. Cũng may carbohydrate không phải là chất cần thiết cho cơ thể. Mình ăn quen thấy
nó ngon miệng lại rẻ tiền hơn các thức ăn khác nên lạm dụng nó. Loài người từ xưa vốn ăn uống hỗn tạp.
Chỉ mới độ hai ngàn năm nay, nhờ ngành canh nông tiến bộ, mới sinh ra truyện lạm dụng chất
carbohydrate.

Nhưng việc thay đổi cách ăn uống không thể làm trong một ngày được. Lúc ban đầu tôi phải
viết ra các thức ăn mà tôi thường ăn cho mỗi bữa sáng, trưa và chiều. Rồi mỗi ngày cứ từ từ giảm
cơm, ăn thêm rau đậu, các loại hạt và chất đạm (thịt, cá, tàu hũ). Mỗi lần thay đổi món ăn tôi đều
ghi rõ lượng đường trong máu. Mục đích là để biết món nào ăn được, món nào không, và lượng ăn
được là bao nhiêu. Bây giờ sau nhiều năm thay đỗi, mỗi ngày tôi ăn uống đại khái như sau:

Bữa sáng: - Một chén đậu luộc (Great northern beans)
- Một đĩa rau luộc
- Một miếng thịt gà (Kentucky fried chicken)
- Một ly nước hay ly sữa đậu nành

Bữa trưa: -Một tô soup thịt bò (Campbells soup, Chunky beef with vegetables),
- Một ly sữa đậu nành

Bữa tối: - Một tô cháo oatmeal chộn 1/2 ly sữa đậu nành.
- Một đĩa rau cải luộc
- Một miếng thịt heo kho, hay thịt gà

Nếu đói tôi ăn thêm trái cây (tránh chuối chín), đậu phọng hay hạt điều rang. Thỉnh thoảng thấy thèm
chất ngọt tôi ăn thêm miếng dark chocolate.

Tôi chọn thực đơn này vì nó giản dị, không phải nấu nướng nhiều, và thích hợp với đời sống bận rộn trên
đất Mỹ. Nó không phải là thực đơn lý tưởng cho ai cả. Mỗi lần chán các món ăn tôi lại thay đổi nó. Lựa
trong các món ăn không có nhiều chất carbohydrate và hợp với khẩu vị của mình (Reference 2).

Mục tiêu lâu dài của tôi là cứ từ từ thay đổi cách ăn uống để giảm lượng đường trong máu lúc
chưa ăn sáng xuống dưới 100 mg/dl và giảm con số A1c xuống dưới 6.0
(xem chú thỉch 3)

Tôi biết chúng ta cơ thể và thói quen ăn uống mỗi người mỗi mỗi khác. Chúng ta chỉ có thể từ từ thay
đổi được thôi. Cách đây ba năm mà bảo tôi ăn uống như vậy chắc tôi làm không đươc.


Thuốc bổ

Theo lời khuyên của bác sĩ tôi không uống thuốc tây hay chích Insulin mà chỉ dùng phép ăn uống và tập
thể dục. Nhưng những người bị bệnh tiểu đường thường có hai biến chứng cần phải có giải đáp:

A - Mắt khô, miệng khô, đi tiểu nhiều: Đây là chứng tiêu khát của bệnh tiểu đường do mức đường trong
máu quá cao. Thỉnh thoảng để tránh chuyện khô mắt, khô miệng, da tay, chân bị khô, tôi phải uống
mấy viên Ngọc Tuyền Hoàn (Yu Quan Wan) hay Lục Vị Địa Hoàng Hoàn, đây là loại thuốc bổ âm được
nhiều người bị bệnh tiểu đường ưa dùng (Reference 3).

B - Người hay bị mệt: Những ngày làm việc tôi có mang theo một gói sâm Cao Li thái mỏng (Sliced
Korean Red Ginseng), có bán ở các chợ tầu. Lúc thấy mệt tôi ngậm một lát sâm để trợ sức.

Khi dùng sâm các bạn không nên lạm dụng nó, vì tính nó nóng, có thể làm tăng thêm chứng tiêu khát .
(bên Mỹ có loại sâm Huê Kỳ, mát hơn sâm Cao Li nhưng không có khả năng bổ khí bằng sâm Cao Li)
(Reference 4)

Nói tóm lại tôi dùng cách ăn uống để trị bệnh Tiểu Đường là việc chính. Còn các thuốc bổ đông y
(Lục Vị Địa Hoàng Hoàn, Sâm Cao Li ...) chỉ là để trợ dúp cho sức khỏe .



Tập thể dục và những khó khăn trong việc phục hồi sức khoẻ

Việc tập thể dục đều đặn rất cần thiết cho những người bị bệnh tiểu đường. Thể dục giúp cho khí huyết
lưu thông, giúp máu mang các chất dinh dưỡng tới các tế bào và mang các chất phế thải tới gan và thận.
Những người ăn uống đúng cách và tập thể dục đều đặn sẽ tránh được các biến trứng nguy hiểm về chân
(đưa đến việc cưa chân), gan và thận (làm cho gan và thận chết lần mòn).

Từ khi bị bệnh, sức khoẻ tôi kém đi rất nhiều. Trước kia tôi có phụ với vài người bạn dậy võ trong một
võ trường Aikido. Bây giờ tôi không làm như vậy được nữa. Sau khi thay đổi cách ăn uống, tuy lượng
đường trong máu đã suống mức bình thường, người tôi vẫn không có sức, mặt trông không có máu .

Năm ngoái tôi quyết định đi tập Yoga trở lại. Nhờ gặp thầy tận tâm chỉ dẫn, sức khoẻ tôi bắt đầu tốt trở
lại. Sáu tháng đầu lúc tập Yoga tôi thấy khi ra mồ hôi người rất hôi thối (ngày phải tắm hai lần mới hết
hôi) và rất mệt. Sau khi các chất độc trong cơ thể từ từ bị đẩy ra, mồ hôi không thấy hôi nữa và người
bắt đầu thấy khoẻ.

Bây giờ mỗi ngày tôi tập thể dục cho đến lúc ra mồ hôi thì thôi. Nếu không tập Yoga tôi lại đi vài đường
Thái Cực Quyền (Taichi chuan) cho khí huyết lưu thông. Mỗi tối tôi có tập chút khí công và thiền cho dễ
ngủ. Tôi thấy trong người khoẻ khoắn, so với lúc mới bị bệnh thật khác xa .

Tôi biết là mỗi người mỗi khác. Có rất nhiều phép tập thể dục chứ không phải chỉ các phép mà tôi đang
tập. Mỗi người chỉ làm được những gì mình thực sự muốn làm. Đây chỉ là vài lời chia sẻ cùng các bạn .


PMC
11/20/2010


Chú thích:

1. Theo American Diabetic Association thì mức đường trong máu buổi sáng trước khi ăn (Fasting blood
sugar) được quy định như sau:

- Dưới 100 mg/dl (5.6 mmol/l) = Không có bệnh
- 100 tới 125 mg/dl = Tiền tiểu đường
- Trên 125 mg/dl (6.9 mmol/l) = Bệnh tiểu đường

2. A1c là con số đo mức kiểm soát lượng đường trong máu (số lượng đường trung bình trong hồng huyết
cầu) trong ba tháng qua:

A1c < 6 % = Không có bệnh
A1c < 6.5 % = Kiểm soát tốt (good control of blood sugar)
A1c > 7 % = Ăn bậy, phải thay đổi phép trị bệnh

3. Bây giờ (10/10/2012) con số A1c của tôi đã giảm xuống còn 5.8 và mức đường trung bình lúc đói,
trong 3 tháng rồi, là 94.

* References:

1. Diabetes and diet . Derek Ạ Paice
2. Glycemix Index Table . Michel Montignac
3. Clinical hand book of Chinese Prepared Medicines by Chun-Han Zhu
4. Ginseng Therapy in Non-Insulin dependent Diabetic Patients - Eero A Sotaniemi, MD, PHD
1995 American Diabetes Association
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.02.2013 02:47:20 bởi Cmp >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9