Buổi chiều hôm đó đồn Cộng Hòa và núi Giàng nghỉ, không cân “canh nông” xuống làng, mọi người ngoi đầu chui ra miệng hầm nghe và hít thở không khí chiến tranh, cái không khí ngột nhạt xen lẫn mùi thuốc súng, mùi hôi và khét như mùi thịt nướng quá lửa! Tiếng súng AK, tiếng Thompson thôi nổ. Người đàn ông chân còn dính bùn, loại bùn bám bên chân những gốc lúa, gốc rạ màu đen xám bám chặt vào da thịt của người nông dân; Mặc quần đùi màu đen và chiếc áo nâu bạc phết, mái tóc hớt cua cụt hơn tóc nhà binh, mặt hình chữ điền và không hề dính một chút sợ hãi, bước chân ra khỏi miệng hầm quay đầu lại bảo:
“Ngồi yên trong đó.”
Hai bắp chân to như bắp chuối đè lên hai bàn chân trần truồng, người đàn ông bắt đầu rời khỏi miệng hầm. Những tiếng chân nhỏ dần, và càng lúc càng đi xa. Chỉ còn để lại bên trong cái hầm, chiều ngang chừng một mét rưởi, chiều dài chừng ba mét và sâu đủ để một người nhỏ con đi không đụng đầu, một màu đen và hơi đất như muốn ngột thở với những ánh mắt như mắt mèo trong bóng tối. Một hồi sau tiếng chân kêu thình thịch càng lúc càng lớn đi dần đi về miệng hầm, và dưới hầm người ta nghe:
“Cái ngữ chó chết, nói chỉ bắn đại bác một trăm lẽ năm ly không giật mà sao nhà cửa sụp hết, quân ác ôn.”
Mặt mũi người đàn ông đỏ như cóc tía, sau một hồi đi nghe ngóng và xem xét tình hình trở lại miệng hầm bảo:
“Đi lên được rồi.”
Chiến trường tạm ngưng. Xóm làng nằm im thở khói!
Bên nầy rút đi, bên kia trở lại mang xác đồng đội đem về chôn cất. Ngôi làng trông thê lương còn hơn bãi tha ma. Đó đây một vài căn nhà trúng bom đang bốc khói. Tiếng chân người và những con mắt tò mò liếc xa ra ngoài ngõ. Vài người vội vã chạy ra đồng quơ những gì còn sót lại chiều hôm qua khi tiếng đại bác 105 ly không giật châm ngòi ở đầu làng. Người ta gọi đại bác 105 ly không giật, vậy mà nó nổ chỗ nào nhà cửa sụp chỗ đó!
Hồi đó dường như đêm nào Thanh cũng nghe tiếng đại bác. Người ta nói “Đại bác ru đêm”! Riết như cơm bửa! Rồi chai luôn nên giấc ngủ vẫn cứ đi vào màng đêm âm u giữa tiếng đì đùng. Thanh trở nên lì và đùa giỡn với đại bác. Mỗi lần đại bác cân vào làng mà nó nghe tiếng hú véo véo là nó tỉnh bơ không chạy xuống hầm, mà còn đứng trơ người nhìn theo cái thứ không giật này làm sụp nhà ai! Nó đặt thành định luật là, hể nghe được tiếng hú thì khỏi sợ chết vì đại bác đã bay qua khỏi đầu xa rồi. Có nghĩa là đại bác bay qua trước rồi tiếng hú mới theo sau.
Chiến tranh thì càng ngày càng lớn và sự chết chóc cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Đến một lúc cha mẹ nó phải lựa chọn: Một là ở lại, hai là bỏ đi. Nhưng ở lại đồng nghĩa với chấp nhận theo địch và dùng đầu đội bom. Nhưng đi cũng không dễ vì “chính quyền” nào vừa chiếm được đất mà muốn mất dân đâu! Nên vất vã lắm cả nhà nó mới trốn bỏ được cái nơi chôn nhau cắt rún. Và không lâu sau đó, xóm làng trở nên vắng vẽ một cách lạ thường!
Thanh ngày đó vừa lên mười bảy. Ngày chạy giặc nó có nhiệm vụ quan trọng là phải mang con Trix đi cho bằng được.
Nó dẫn con Trix lội bộ gần một ngày đường mới đến trại định cư Thu Lộ. Ở đó được hai tháng thì cha nó đem bán con Trix, gom góp được đồng nào rồi mang cả gia đình vào Nam cho an toàn. Ngày cha nó đem bán con Trix Thanh buồn dịu vợi, cả một phần tuổi thơ của nó dính liền với con Trix. Nó không chỉ là một con bò lai giống, to, khỏe mạnh phi thường, mà còn là một người bạn, người bạn đã đem lại cho Thanh những giây phút hào hùng sau những lần chiến thắng “đổi lộn” nãy lửa.
Quê hương bỏ lại sau lưng, bỏ ruộng đồng, vườn tược, bỏ lại tuổi thơ bên lũy tre làng, Thanh cùng gia đình di tản vô đô thành Sài Gòn nhộn nhịp.
Cha của Thanh là một ông phó Đại Diện, một ông phó Đại Diện mãn khóa, và cuộc sống đã trở lại với ruộng đồng, nương khoai, lúa thóc, nên, đi đâu làm gì cũng khồng bằng làm ruộng. Cái nghề đã bám chân qua nhiều đời.
Những ngày chân ướt chân ráo bước vào Sài thành đô hội, cha của Thanh được một người cùng quê giới thiệu cho một người nông dân nửa mùa. Nói rằng nửa mùa vì người nông dân này cũng chạy giặc từ một miền quê Nam bộ, có hôm đi làm thợ ở công sở có hôm đi gặt lúa thuê. Ông tên Tư Lùn, người rất chân chất hiền như cục đất, mang vợ con về đô thành Sài Gòn bám trụ, tìm sống qua ngày chờ lúc thanh bình trở về quê.
Ông Tư Lùn mua được một nền nhà nhỏ nằm giữa ruộng. Ngày đó thật sự không biết nhà ông Tư thuộc thôn xóm nào, chỉ biết nhà nằm xa, cheo leo một mình bên những đám ruộng gần kho 18 ở Tân Thuận (nay là khu chế xuất Tân Thuận bên cạnh cầu Phước Mỹ, quận 7.) Ngày đó muốn đến nhà ông Tư thì từ Tân Thuận Đông lấy Tỉnh Lộ 15 đi về hướng Nhà Bè, qua khỏi khu phế thải vật liệu (hầu hết là gỗ vụn và đinh do “sở Mỹ” phế thải sau khi gở hàng hóa) xong quẹo trái vào con đường đất. Đi thêm hơn một cây số giữa ruộng đồng, bờ mương ngòng ngoèo rồi sẽ thấy một căn nhà lá, vách và mái đều làm bằng lá dừa nước nằm bên cạnh con mương. Đó là nhà của gia đình ông Tư. Không ai có thể lạc vì ngoài căn nhà lá trên cánh đồng đó, xa lắm người ta mới thấy mái nhà nào khác!
Ông Tư có người vợ với hai người con, đứa con trai nhỏ cở mười tuổi và một người con gái, Liên, vừa tròn mười sáu.
Thế rồi Thanh theo ông phó Đại Diện đi gặt lúa thuê trên cánh đồng bên cạnh nhà ông Tư.
Ngày đầu tiên Thanh cùng cha, ông dượng, và vài người anh con ông dượng theo ông Tư ra ruộng gặt lúa. Cái ăn cái mặc thì hiện rỏ trên khuôn mặt lo âu của ông phó Đại Diện và ông dượng, nhưng Thanh và Hùng chỉ thấy vui vì được trở lại ruộng đồng, cá mú nên hớn hỡ thấy rõ. Cánh đồng rộng với những thửa ruộng lúa chín vàng hoe. Từ sáng sớm người ta đã khiêng những cái bồ đập lúa đặt trên bờ ruộng, rồi người gặt, người đập tấp nập như ngày mùa. Người ta làm quần quật suốt buổi. Đến trưa, anh Hùng và Thanh cùng ngồi ăn cơm với mọi người giữa cánh đồng. Khi mặt trời ngã bóng khoảng bốn năm giờ chiều, cánh đồng ngưng đập lúa. Người ta lo gánh lúa về nhà, Thanh phụ giúp dọn dẹp, xong trở lại căn nhà ông Tư trước khi trở về Tân Thuận Ðông.
Nhà ông Tư nhỏ, không có gì đặc biệt ngoại trừ mang tính chất của một căn nhà ở miền sông nước Nam bộ. Xung quanh nhà có trồng năm ba cây Ðước để giữ đất, cho bóng mát, và ít cây ăn trái như mít, đu đủ, vv… Và đặc biệt là con mương nước chảy róc rách bên cạnh nhà. Sân sau nhà đụng bờ mương và tại một gốc mít ông Tư đặt một cái lu chứa nước có cái gáo dừa móc trên miệng lu.
Buổi chiều vừa xuống, Thanh nhìn ra ngõ thấy bà Tư và cô con gái, Liên, từ đâu trở về nhà. Liên đặt cái thúng bên vỉa hè rồi vòng ra sân sau múc gáo nước tạt lên đôi bàn chân, gội đi những vết bùn. Nàng đổ vào thau ni-lông năm ba gáo nước mương rồi cuối xuống phát lên mặt những cụm nước, bọt nước trắng xóa xác lên da mặt Liên rồi bay thẳng ra phía sau. Liên đưa tay hất những sợi tóc lên, cuối xuống xắn hai ống quần cao khỏi đầu gối để lộ làn da trắng nõn, nàng xối lên hai bắp đùi vài gáo nước rồi bước vô nhà.
“Ủa! …chào … chào ...”
Nàng lúng túng khi bắt gặp cặp mắt Thanh đang nhìn.
“Chào … em.” Thanh đáp lại.
“Thôi anh Tư, tụi tui đi về nhe.” Tiếng của cha Thanh.
Thanh theo cha, ông dượng và Hùng bước ra khỏi nhà.
“Tía, họ là ai vậy tía?” Liên hỏi ba nàng.
“Mấy người bạn theo cha đi gặt lúa đó con.”
“Vậy hả tía. Họ có …?”
Liên bỏ lững câu hỏi nửa chừng. Nàng nhìn ra ngõ thấy Thanh quay đầu nhìn vô, rồi bước đi!
Bà Tư mang mấy con cá rô ông Tư bắt được ngoài mấy đám lúa đem đi nướng. Liên từ đâu mang vè một rỗ bông so đủa đem đi nấu canh chua, và cả nhà quay quần bên bửa cơm tối. Bà Tư hỏi:
“Họ là ai, ở đâu vậy?”
“Ngoài Trung mới vào. Người nhà của anh Hai Chi bên cơ quan Chỉ Sợi, không có gì làm nên tui dẫn họ đi cắt lúa đó mà.”
“Nhưng le ngoe có vài đám đầu mùa mà cắt với gặt được mấy phen.” Bà Tư nói.
“Ừ, vài tuần nữa lúa bà Ba sẽ chín bà nói dùm tui nghen. Họ sa cơ thất thế nên mới nhờ mình, giúp được họ là tui mừng lắm. Bà nhớ ngày xưa mới lên đây, tình cờ tui được anh Hai Chi giúp nên mới có việc làm cho đến ngày nay đó.”
“Bà Ba thì ruộng lúa nhiều nhưng sao tui ngại gặp bả quá. Nhưng sao mà sa cơ thất thế?”
“Bà ngại chuyện bà mắc nợ chứ gì. Chuyện nợ nần thì từ từ mình trả còn chuyện bà Ba có cần người cắt lúa thì mình giúp họ vậy thôi. Sa cơ vì họ đâu phải dân nghèo nàn gì đâu, chỉ vì chiến tranh nên phải chịu thất thế vậy thôi. Họ là dân có học, từng giàu có, từng làm Đại Diện, phó Đại Diện xã đấy!”
“Thế à! Nhưng mỗi lần gặp bà Ba bả luôn nhắc đến nợ nần tui áy náy lắm.”
“Tui nói với bà là thôi đi, đừng có ham ba cái của phi nghĩa đó nữa. Dành dụm được đồng nào bà cũng cúng hết, mà có khi nào bà ăn được cắc nào đâu.”
“Thôi, ông đừng nhắc chuyên của tui nữa, biết đâu ngày nào đó tui trúng lớn thì sao! Nợ nần bà Ba tui sẽ trả hết và tui sẽ lót gạch bông nguyên cái sàn nhà này cho ông xem.”
“Nhưng có chơi thì chơi tiền bà làm nên thôi, có đời nào người ta đi vay tiền người khác để chơi bài bạc đâu!”
“Nói chuyện với ông tui ớn quá. Liên, ăn xong con don dẹp chén bát đi nghen.”
Nói xong bà Tư đi một hơi ra cái mương nước sau nhà.
Bà Tư, một người đàn bà có nhan sắc trên cả trung bình. Người hiền lành phúc hậu, nhưng mang cái bịnh ham chơi số đề! Bà chơi số đề hết tiền, hết sạch! Nhưng trong cơn mê bà mơ có ngày bà sẽ trúng lớn, lớn hơn trúng số độc đắc nên khi không có tiền bà đi vay để đánh số đề tiếp. Và chủ nợ lớn nhất của bà Tư là bà Ba ngoài đầu đường Tỉnh Lộ 15. Bà Ba có nhiều ruộng đất, giàu có nơi đây, và bà nổi tiếng ở chỗ cho vay ăn lời. Bà Ba có năm sáu người con, trai có gái có, nhưng không có gì đặc sắc, đại khái là con nhà giàu nên thích ăn diện và ăn chơi, nhưng ăn học thì không thích!
Nhưng ông Tư thì khác. Nghĩ cũng khá khen cho ông tơ bà nguyệt, hay có lẽ ông Trời đã khéo sắp đặc cho ông Tư lấy bà Tư. Nếu ông Tư không biết tiện tặng lo cho gia đình thì chắc gia đình này cũng không tồn tại đến hai người con. Chỉ một khuyết điểm là ông hơi lùn. Thế mới biết có người vợ hoặc chồng hay phàn nàn sao ông hay bà không giống tui chút nào! Nhưng nếu ông Tư mà cái gì cũng giống bà Tư cũng hợp với bà Tư thì làm sao hai người sống chung được! Nhưng khác nhiều quá cũng đâm ra có chuyện hả!? Ðược cái là ông Tư đã lên sống ở nơi đô thành nhộn nhịp nhưng vẫn còn mê chuyên ruộng đồng, nhất là cá mú. Có những buổi chiều ông Tư ra con mương sau nhà ngồi thả câu câu những con cá lòng tong, lớn cở chừng vài ngón tay chụm lại, vậy mà ông câu dư ăn cho cả nhà! Cái mà ông Tư khoái nhất là ngồi nhìn con cá cắn câu, rút cái phao cái chụt xuống nước, thế là xong, biết đâu mà gỡ!
Sáng hôm sau Thanh và đoàn người lại băng trên con đê đến nhà ông Tư để bắt đầu một ngày gặt lúa mới. Và xong ngày gặt lúa Thanh lại theo đoàn người trở về nhà ông Tư.
Trong cái nắng và nóng của ba ngày hè người ta chỉ muốn chui vào bóng mát, hay nhảy ùm xuống giòng sông, chuyện mà Thanh thường làm khi còn ở quê. Nghĩ đến giòng nước mát lạnh chạy khắp thân thể dưới cơn nóng nực, Thanh đi về cửa sau nhà ông Tư để bước ra con mương.
Nhưng Thanh đã dừng lại! Dừng lại ngay bên cánh cửa sau, khi thấy bóng dáng của Liên đứng cạnh cái lu bên bờ mương với chiếc gáo nước đang xối lên một thân hình kiều diễm!
Những giọt nước trắng xóa đang chạy dài trên một pho tượng có đầy đủ linh hồn và cảm giác của tạo hóa. Những giọt nước Thanh nghe như thấy lạnh, lạnh đến làm tê dại những giây thần kinh thị giác. Thanh như bị thôi miên trước những đường cong tuyệt mỹ nỗi bật dưới làn vải mỏng, ướt nhẹp bám sát vào da thịt của nguờ thiếu nữ, làm cho cơn nóng của mùa hè càng nóng thêm như lửa!
Từng cử chỉ từng hành động của bàn tay, của từng ngón tay Liên, bò trên từng cen-ti-met da thịt như những luồng điện chạy rần qua cơ thể Thanh!
Dưới bóng cây và bên bờ mương những giọt nước đã làm tăng thêm vẽ đẹp dịu hiền vốn đã có sẳn của Liên. Vẽ đẹp của người thiếu nữ trong tấm lụa đào đang như đùa cợt vớ những giọt nước trên thân thể bên ruộng đồng hiu quạnh, có lẽ văn chương cũng không nên miễn cưỡng dễn tả, vì cũng nên thừa.
“Thanh!”
Một tiếng gọi làm tan một bầu trời!
Thanh quay đầu lại.
“Đi về ông nội, sướng quá hả, tao mét cho coi.”
“Mét cái gì?” Thanh xua Hùng đi vào bên trong.
Thanh theo đoàn người trở về Tân Thuận Đông. Nhưng chắc chắn tâm hồn Thanh vẫn còn bên cái lu nước ở bờ mương! Và người con gái vẫn vô tư đứng tắm như những lần trước đây. Riêng chỉ có Thanh, bắt đầu thổn thức và thấy nhớ, hay một tâm trạng, một thứ hạnh phúc, vu vơ.
Hôm sau là ngày gặt chót, chỉ nửa ngày là xong.
Đường về nhà Liên có nhiều bờ mương với những cây dừa nước trái sum xuê. Những lúc nước ròng bùn sình từ lòng mương lộ lên, những con cá kèo nhảy lủm chủm mắt tròn xoe như viên bi. Một vài con cá lớn rượt đuổi những con cá nhỏ như đàn gà con đang nô đùa. Vài ngày qua Thanh vẫn còn luẩn quẩn đi bắt đàn cá kèo và hái những trái dừa nước sau giờ gặt lúa, nhưng hôm nay bước chân Thanh hớn hở nhộn nhịp bước nhanh trên bờ ruộng.
Về đến sân nhà Liên, giờ Ngọ chưa ngã bóng. Thanh vội đi ra sân sau, thấy Liên đang ngồi giặc áo bên bờ mương. Thanh muốn bước đến nhưng sao hai bàn chân như đeo hai cục chì nặng hơn núi! Trong sự hồi hộp, tay chân như dư thừa không phải biết làm gì cho lấp khỏi khoảng không gian ngột ngạt thì từ bờ mương Liên kêu lên:
“Tâm, Tâm đâu ra đây khiêng hộ chị thùng đồ nầy coi.”
Sau tiếng gọi của Liên vẫn không nghe tiếng trả lời của người em tên Tâm.
“Tâm, Tâm đâu rồi?”
Liên lại gọi nữa, và vẫn không ghe tiếng của Tâm.
“Để Thanh bưng dùm cho.”
Thanh bước đến bên cạnh Liên và tự tình nguyện.
“Anh bưng hả, ừa, anh bưng giùm… Liên nhe. Thằng Tâm đi đâu hổng biết.”
Thanh cuối người xuống, hai tay cầm lên thành chậu.
“Mà nặng lắm. Hay là để Liên khiêng với… anh nhe.” Liên nói.
“Không sao đâu. Liên muốn đem đi đâu?”
“Chỗ kia kìa, chỗ có sợi giây giăng ngang hai cây Đước đó.”
Thanh mang thau đồ mới giặc xong đem để bên cạnh cây Đước. Xong thấy cả tay chân và đầu óc sao trống rỗng. Trên đường về đây Thanh nghĩ sẽ tìm Liên và nói lên nỗi lòng của mình, nhưng sao bây giờ đứng trước mặt Liên Thanh không tài nào nói được. Sau buổi chiều hôm qua, sau những giây phút chim ngưỡng một thân hình với khuôn mặt tuyệt mỹ Thanh biết mình đã yêu. Dưới con mắt Thanh Liên quá đẹp và trong trắng, Liên như một loài hoa sen giữa cánh đồng hiu quạnh. Thanh thấy quý mến và nâng niu như một bảo vật, một bảo vật dể tan vỡ, nên Thanh không biết phải nói gì, phải nói gì để khỏi sợ Liên buồn, rồi tan đi như cánh hoa tàn héo. Thanh vẫn cuối nhìn xuống đất rồi ngước lên nhìn Liên, trong ánh mắt có phần cầu khẩn, nhưng rồi không gian vẫn yên lặng, một thứ yên lặng khó chịu. Thanh nghe nhịp tim đập thật mạnh và những mạch máu như đùa nhau đổ về tim, như hối hả, hối hả một lờ nói từ con tim; Rồi trong cái ngột ngạt Liên nghe tiếng nói:
“Đi về con.”
Thanh thả tay ra khỏi giây giăng đồ, đứng nhìn Liên với đôi mắt triều mến, rồi nói:
“…Anh… đi về nhe. Ngày mai Liên ra ruộng lúa không?”
Nói rồi Thanh bước vô nhà, theo đoàn người trở lại Tân Thuận Đông.
Liên chợt thấy trong ánh mắt của Thanh dường như có một lời gì muốn nhắn nhủ. Khi bước chân Thanh đã khuất sau khung cửa:
“Anh… tên gì?”
Tiếng hỏi thật nhỏ, hòa tan vào không gian, và ánh mắt của Liên nhìn theo bước chân ngoài ngõ.
Ngày hôm sau Thanh ra cánh đồng thật sớm. Nhũng thửa ruộng lúa chín đã gặt xong, người ra đồng cũng thưa đi. Chỉ thấy đâu đây một lão già và đàn vịt trắng đi lượm những hạt lúa rơi. Thanh ngồi trên bờ mương nhìn những con cá kèo, mắt tròn như đôi mắt của Liên, đuổi nhau trên vũng sình. Suốt mấy giờ đông hồ trôi qua Thanh tự nhủ “Có lẽ Liên không hiểu lời nói của mình sao?”
Nhưng Liên không đến.
Thanh liệng cục đất xuống vũng sình, đàn cá kèo chạy tản mát. Thanh rảo bước trên bờ ruộng, và buổi chiều đang xuống.
Một tuần sau những đám lúa của bà Ba đã chín, ông Tư nhắn lời gia đình ông phó Ðại Diện xuống gặt. Thanh lại vui mừng và hồi hộp. Một tuần qua Thanh thấy thời gian trôi qua như một thế kỷ, ruột gan Thanh như bị kiến cắn, có những lần muốn xuống khu ruộng nhà ông Tư để gặp Liên nhưng tìm mãi không có lý do nào để đi. Hôm nay hay tin được trở lại để gặt lúa lòng Thanh như mở hội. Cũng như mấy lần trước đoàn người ông phó Ðại Diện lại băng qua những bờ ruộng, con mương để đến nhà ông Tư.
Kỳ này lúa chín nhiều nên ông Tư huy động cả bà Tư và Liên cùng đi gặt.Thế là Thanh đã vui lại càng vui thêm!
Vườn nhà Liên có hàng cau, bông cau màu trắng ngà ngà đung đưa trong gió. Buổi sáng, những hạt sương mai còn đọng trên ngọn cỏ thì Liên đã thấy những con chim sẻ ra đậu bên cửa ổ tận trên ngọn cau kêu ríu rít. Khi mặt trời vừa lên được một cây sào thì đoàn người rời nhà ông Tư ra ruộng, những con chim sẻ cũng bay sà xuống bờ ruộng lùng bắt châu chấu. Thanh đi bên cạnh Liên mà lòng vui nhộn như bầy chim non. Nhìn đôi chim đang rỉa cánh cho nhau bên bờ cỏ Thanh nói với Liên:
“Liên có nuôi chim sẻ lần nào chưa?”
“Con gái đâu có biết leo trèo … anh. Ờ mà anh tên gì? Liên thấy anh mấy lần mà đâu có biết tên.”
“Thanh. Tên … anh là Thanh. Mà nuôi chim dính dáng gì leo trèo?”
“Hông leo trèo làm sao bắt được chim con mà nuôi, mà Liên cũng không thích nuôi chim đâu, mất thì giờ đi bắt châu chấu, cào cào lắm.”
Liên đưa mắt nhìn trên bờ ruộng:
“A! Có con cào cào bự kìa, đẹp quá, anh bắt cho Liên đi.”
Thanh nghe Liên gọi tiếng anh dường như ngọt hơn nước mía, làm Thanh quên đi những người xung quanh. Câu “anh bắt cho Liên đi” như một mệnh lệnh, như một ân sũng ban phát cho Thanh và mang sứ mạng đem Liên lại gần với Thanh hơn. Như một cậu bé ngoan ngoãn Thanh lần bước đến con cào cào to gần bằng ngón tay cái, dài gần một gan tay. Trên lưng nó mang đôi cánh màu xanh có những sợi vàng như những sợi chỉ, đôi chân dài có những khoan màu vàng và hai con mắt chiếm gần trọn cái đầu. Loại cào cào này lớn bất thường, ít khi bắt gặp, là loại quý hiếm. Thanh đưa tay ra chụp, hụt, con cào cào bay một mạch vào đám lúa.
“Ồ! Hụt rồi, anh đừng để mất nó nghe. Em thích nó lắm.”
Nghe tiếng “em thích nó lắm” Thanh liền chạy theo con cào cào, nhất định phải bắt nó cho bằng đươc, chỉ vì nó là vật Liên thích, và sau lưng Thanh là tiếng chân của Liên. Con cào cào mang trên mình muôn màu sắc, lúc ẩn lúc hiện giữa những ngọn lúa chín vàng cao gần đầu người đang uốn mình nặng trĩu trước gió. Thanh nhào người tới đưa tay ra chụp con cào cào, không may vấp phải gốc lúa làm Thanh ngã nhào xuống ruộng, và không kịp dừng bước chân Liên vấp chân ngã nhào lên mình Thanh! Trong chớp mắt hai thân hình chạm vào nhau thành một, hai cánh tay Liên chống xuống đất, mắt tròn ngưỡng cổ lên hớt hải nhìn Thanh. Không do dự, Thanh đưa tay lên kéo cổ Liên xuống. Hai đôi môi chạm vào nhau trong sự vùng vẫy của Liên, nhưng rồi sự vùng vẫy yếu dần và cuối cùng chỉ còn nghe hơi thở của hai tâm hồn đang hòa quyện nhau. Bốn cánh tay ôm choàng lấy hai thân hình và những nhịp thở dồn dập, hơi thở nóng chạy rong khắp da thịt và hòa lại cùng một nhiệt độ. Vòng tay Thanh siết lại nhưng rồi trong giây lát Liên xô người đứng dậy, mặt đỏ gay, vội vàng rời khỏi Thanh chạy theo đoàn người. Chỉ còn lại Thanh, và nền trời màu xanh lơ với một thứ hạnh phúc vẫn còn luẩn quẩn đâu đây.
Hôm đó trên cánh đồng lúa Thanh và Liên thỉnh thoảng trộm nhìn nhau, nhưng không nói. Chỉ có ánh mắt, vừa sung sướng vừa hổ thẹn.
Liên cặm cụi cắt lúa như một cổ máy, hết lọn này đến lọn khác nàng chỉ biết cuối mặt và cắt, cắt đến tận gốc như không còn muốn thấy chúng trên đời này. Mặt trời đứng bóng, giờ ăn cơm trưa đã đến. Liên bới một chén cơm gắp bỏ đầy thức ăn xong đến ngồi trên bờ ruộng. Thanh lò mò đến bên cạnh:
“Cho Thanh xin lỗi nhe.”
“Ông đừng có mà lại gần tui đá nghen, thấy ghét.”
“Thanh tưởng Liên cũng … thích mà?”
“Thích, thích cái gì. Sao lại đi ép tui.”
“Ủa! Chứ hông phải Liên ôm cứng tui đó sao.”
“Ôm cứng hồi nào, tại ông siết chặc tui lại thôi. Mà tui không muốn nhắc tới nữa nghen hông, đồ dâm tặc.”
“Nhưng mà … anh thích Liên rồi. Cho … anh …”
“Trời! Cho. Cho cái gì nữa. Sao ông lì quá vậy, đã nói không được nói nữa mà. Ði chỗ khác không tui chọi cho cái chén cơm này vào mặt đá nghen. Bực mình.”
Thanh thấy không thể nói gì thêm lúc nầy nên bỏ đi một hơi.
Xong ngày gặt Thanh lẽo đẽo bước theo sau Liên trở về mà không dám nói một tiếng. Thanh cố bóp trán suy nghĩ và nhớ là lúc ban đầu Liên chống cự nhưng sau đó Liên ôm chặt lấy cổ Thanh mà sao bay giờ lạ vậy! Thanh trở nên hoang mang rồi tự nhiên như một tia chớp nổi lên trong đầu là, Thanh nhớ đến một người con gái. Người con gái con người anh bà con, lớn hơn Thanh vài ba tuổi, nhà ở gần đình Chí Hòa. Người con gái này có nhan sắc khá mặn mà, đặc biệt là nàng mê cải lương và thường ra đình Chí Hòa xem ca hát nên hay bị mấy đám con trai chọc ghẹo. Mà mỗi lần bị con trai chọc ghẹo là cô chửi như tát vào mặt. Nhưng rất lạ, anh nào bị cô chửi nhiều chừng nào thì ngày hôm sau cô lại mê anh ấy nhiều chừng nấy! Rồi Thanh tự an ủi biết đâu mình cùng chung số phận. Nên những ngày kế tiếp Thanh thực hiện câu châm ngôn: “Ðẹp trai không bằng chai mặt” và lội bộ xuống cánh đồng bên cạnh nhà ông Tư để tìm gặp Liên.
Một buổi chiều Thanh đứng bên con mương nước sau vườn nhà Liên. Nhìn nước trôi Thanh liên tưởng đến hình bóng của Liên bên cái lu và chiếc gáo nước xối đẩm ướt thân hình. Hình ảnh thật đẹp và quyến rủ ấy đã làm mềm lòng Thanh, và cái sẩy chân “rũi ro” trên cánh đồng hôm nọ đã cho Thanh một cảm giác thế nào là sự rung động từ nụ hôn. Thanh lại mơ màng đến nụ hôn nồng nàng, nóng hơn lửa thiêu, mặc dù chỉ xảy ra trông chốc lát và ngoài sự tính toán. Thanh đang chìm đóng trong mơ màng, trong hạnh phúc, thì Liên lại xuất hiện.
“Ông làm gì ở đây?”
“Ði tìm … em.”
“Tìm làm chi?”
“Anh … biết em không thích anh, nhưng cho … anh hỏi cái này nhe.”
“Cái gì?”
“Bộ lúc nào … em cũng tắm như vậy đó hả?”
“Là tắm như làm sao?”
Giữa cánh đồng vắng vẽ, Thanh cố lấy hết bình tỉnh và can đảm:
“Tắm bên bờ mương đó, dùng gáo dừa đổ nước lên người ướt nhẹp đó, thấy … thấy … luôn đó.”
Thanh nói nhanh như chim, nói một hơi, xong đứng chờ.
“Trời! Ông lén nhìn tui tắm hả?”
Thanh chỉ nghe bấy nhiêu từ miệng của Liên, Thanh cứ nghĩ chắc là Liên sẽ giận và sẽ nổi con lôi đình lên. Nhưng vậy là nhẹ quá. Thanh lại thấy tự tin hơn, bèn tiếp:
“Ðâu có lén. Anh đứng trong nhà nhìn … em tắm đàng hoàng chứ có nhìn lén đâu. Em đứng tắm giữa trời ai mà chẳng thấy, cần gì phải lén. Mà nhìn em tắm chắc có ngày anh chết đứng quá!”
Liên mặt đỏ gay chạy tới Thanh, hai tay cong lại đánh thùi thụi lên mình Thanh.
“Nhìn lén người ta tắm nè, nhìn lén nè, nhìn lén nè... Ðồ chết dịch.”
“Úa cha, đừng giận anh mà.”
Liên đánh xối xả lên người Thanh mà không một chút thương tiếc. Liên đang đổ cơn giận lên mình Thanh và Thanh chỉ biết đứng trơ người ra chịu trận, rồi đến lúc Thanh cảm thấy thích thú mỗi khi Liên thúc tay vào người Thanh, và Thanh dang tay ra ôm chặc người Liên lại. Không làm sao gỡ mình ra khỏi đôi bàn tay rắc chắc của Thanh, Liên chỉ biết vùng vẫy và la lên: “Ðồ dâm tặc nè, huýnh cho chết nè, huýnh cho chết nè,...” Trong chốc lác tiếng la hất hãi của Liên yếu dần, sau cùng chỉ còn nghe: “cho chết nè,..cho chết…, cho,… chết,… chết…, chết….” Và Liên đã nằm gọn trong vòng tay của Thanh!
Mặ trời đã ngã bong xế chiều. Những thửa ruộng trổ bông muộn màng giờ cũng chuyển thành một màu vàng lẫn lộn màu xanh của lá. Gió thổi hiu hiu đưa đẩy những bông lúa nặng trĩu, và dưới con mương đàn cá kèo đang nô đùa. Trong tiếng gió và trên bờ ruộng bên cạnh những bông lúa chín vàng, đàn cá kéo có thể nghe tiếng cười khúc khích cửa đôi tình nhân: “Cái nầy của anh nhe, cái nầy cũng của anh nhe … Hứ, sao cái gì cũng của anh hết vậy, tham quá nghen.” Những tiếng nói của yêu đương không nhất thiếc phải mang một ý nghĩa nào. Và từ đó họ yêu nhau. Những buổi chiều trên cánh đồng và những lần hẹn hò.
Năm sau Thanh bước vào tuổi “trưởng thành” cũng có nghìa là đến ngày nhập ngũ! Trước ngày xách gói lên đường Thanh thỏ thẻ bên Liên:
“Anh sắp đi lính rồi, em có đợi anh không?”
“Ðợi chứ. Mà đi lính rồi chừng nào anh về?”
“Ba năm, ba năm sau là anh giải ngũ.”
“Ba năm lâu quá, em nhớ lắm sao chịu nỗi, hay là anh mang em theo đi.”
“Theo sao được, anh làm lính bận lắm.”
“Chứ sao em thấy chị Lài ngoài đầu ngõ cũng theo chồng chỉ đi lính đó.”
“Hay là để anh về xin cha mẹ anh xuống làm đám hỏi xong hai đứa mình làm đám cưới luôn nhe.” Thanh nói.
“Ðược đó. Anh về nói với cha đi. Em đợi anh nghe.”
Ngày hôm sau Thanh thấy cha đang ngồi quấn điếu thuốc rê ngoài sân, Thanh rụt rè bước tới bên cạnh cha:
“Cha, cha cho con cưới vợ nghe cha.”
“Vợ con gì mới ngần này tuổi mậy.”
“Con lớn rồi, sắp đi lính rồi cha không thấy sao.”
“Thì đi lính cũng còn nhỏ hoẻn mà con. Mà mầy ưng đứa nào rồi phải hong, nói tao nghe thử coi.”
“Nhỏ Liên đó cha.”
“Liên nào? À à! Nhỏ con anh Tư đó hả?”
“Dạ.”
“Ừ. Cha thấy con nhỏ đó cũng xinh mà chịu khó nữa đó. Nhưng cha thấy con vẫn còn nhỏ lắm.”
“Nhưng sau này đi lính rồi biết chừng nào con gặp lại Liên?”
“Thôi được để cha xuống gặp anh Tư hỏi xem ảnh tính sao.”
Thanh nghe cha nói được mà lòng như mở hội.
Ngày hôm sau ông Phó Ðại Diện băng qua cánh đồng xuống gặp ông Tư.
“Ủa anh Năm! Anh đi đâu mà ăn mặc bảnh tỏn Vậy?” Ông Tư nói.
“Dạ tui đi gặp anh đây chứ đi đâu.”
“Mà có chuyện gì không anh Năm.”
“Thôi thì tui nói hết ra cho anh nghe nhe, số là là con trai tui nó thương con nhỏ anh, nó muốn xin tui cưới con nhỏ cho nó, anh thấy sao?”
“Thằng con trai nào của anh?”
“Ừ thì tui có một đám con trai nhưng chỉ có hai thằng lớn thôi, còn lại nhỏ hoẻn hà. Cái thằng theo tui đi gặt lúa dưới này mấy tháng trước đó, thằng Thanh đó, anh nhớ không?”
“Dạ nhớ chứ. Anh nói tui mới nhớ, mấy ngày đi gặt đó tui cũng thấy hai đứa nó quấn quít bên nhau dữ lắm. Con gái lớn rồi, mà tui cũng ưng chỗ nhà anh lắm, chắc phen này tui với anh trở thành sui gia nhau rồi. Thôi được để tui nói với má con Liên rồi sẽ hẹn ngày với anh sau.”
“Nhưng mà thằng nhỏ tui nó sắp nhập ngũ rồi, anh thấy mình tính lẹ chút được không?” Ông Phó Ðại Diện nói.
“Hay là anh cứ cho cháu nhập ngũ đi, sau ba tháng ở quân trường nó sẽ về trước khi ra đơn vị, lúc đó mình cho hai đứa làm đám cưới cũng không muộn, anh thấy sao anh Năm?”
“Anh tính vậy thì tui nghe vậy. Thôi xin cảm ơn anh và xin chào anh nghen, cho tui gởi lời thăm chị Tư. Tui đi về đây anh Tư.”
Ông Tư đưa chân ông Phó Ðại Diện ra ngõ.
Hôm Thanh lên đường nhập ngũ Liên đến trại đầu quân tiễn đưa. Năm ba chiếc xe GMC nằm chờ sẵn bên lề đường. Những người thanh niên ăn mặc đủ cách, tóc dài tóc ngắn đủ kiểu đang xếp hàng chờ lịnh lên xe. Trên tay họ mang một tuí vải nhỏ đựng một ít đồ tùy thân, và gương mặt vui tươi. Thanh đến bên cạnh Liên, tay nắm tay nhắn nhủ đôi lời rồi nói:
“Em về giữ gìn sức khỏe nhe, ba tháng sau anh sẽ trở lại và mình sẽ làm đám cưới.”
Nói xong Thanh bước theo đoàn người thanh niên lên đường làm nghĩa vụ. Ðoàn người đã lên xe đầy đủ, xe sắp lăng bánh, những người thanh niên lao nhao quay đầu xuống nói lời tạm biệt người thân. Liên đứng bên đường, mắt đỏ hoe, vãy tay chào và đoàn xe GMC chạy mịt mù trong gió bụi.
Quang Trung với những ngày Hè nóng cháy, Thanh bây giờ da đã sạm nắng, tóc cắt ngắn và gương mặt dày dạng thêm ra. Một vài ngày Chủ Nhật của tháng đầu Liên lặng lội lên thăm Thanh. Vườn Tao Ngộ đông người như hội, vợ chồng, mẹ con, gia đình và những người tình gặp nhau trong niềm vui. Những thức ăn được bày biện đầy trên bãi cỏ, những miếng poncho trãi dài chen chít nhau và cuộc hội ngộ như hối hả, như vội vàng ôm nhau, như muốn tranh thủ với thời gian.
Thanh đưa Liên đến câu lạc bộ trong Vườn Tao Ngộ mua ít đồ ăn. Thanh hỏi:
“Em muốn ăn móm gì?”
“Ớt xào. Anh cho em dĩa ớt xào nha.”
“Ớt xào!?”
Thanh hỏi lại.
“Ừa, ớt xào béo mà giòn ngon lắm.”
“Trời! Anh người miền Trung mà cũng chưa lần nào dám thử món này, có thiệt em muốn ăn món này không?”
“Thiệt. Mà sao anh không dám ăn ớt xào?”
“Cay lắm em ơi.”
“À! Ớt, em nói con ớt đó, con ớt có hai cái chân nó nhảy và kiu uyệt uyệt đó, có cay đâu.”
“Ha ha, thì ra là con ếch! À anh hiểu rồi. Mà ớt em có cay hôn em!”
“Ớt nào lại ớt hông cay, anh coi chừng anh đó nghen.”
“Vậy em cũng ghen lắm hả.”
“Thử đi thì biết chứ hỏi mà chi.”
Rồi khi mặt trời ngã bóng, Vườn Tao Ngộ lại im lìm, im như giáo đường ngày không lễ, không bóng người, không tiếng nói. Chỉ còn lại những dấu chân chim se sẻ nhảy nhót dưới bóng cây.
Nhưng những ngày tháng kế tiếp Vườn Tao Ngộ không có Liên đến. Chỉ có một mình Thanh rảo tìm, và khi mọi người ra về Thanh cũng chỉ thấy có dấu chân chim, lẻ loi.
Ba tháng trôi qua. Ba tháng mà Thanh chỉ gặp được Liên chỉ có vài lần rồi sau đó biệt tăm. Ba tháng sau Thanh đã trở thành người lính, da ngâm, tóc ngắn với đôi tay rắn chắc. Thanh đã trở thành cương nghị hơn xưa. Sau khi làm lễ mãn khóa Thanh vội vàng lấy xe lam chạy về thăm gia đình và Liên. Trên chiếc xe lam với bộ quân phục màu xanh, Thanh hãnh diện và tự hào với tình yêu của Liên. Thanh ghĩ với đôi tay rắn chắc này Thanh sẽ bao bọc và che chở cho Liên suốt cuộc đời này.
Chiếc xe lam ngừng trước hẻm ông Thông bên tỉnh lộ 15, Thanh bước xuống xe ngẫn cao đầu bước qua đường chun vào con hẻm đối diện. Thanh gở chiếc nón nhà binh cầm trên tay, chân bước đi với đầy hớn hở. Không vui mừng sao được! Thanh đã trở về gặp lại gia đình và nhất là gặp lại người yêu. Thanh vừa đi vừa đá chân sáo thì gặp mặt Hùng trong hẻm đang chạy chiếc Gobel đi ra, tiếng máy nổ còn to hơn tiếng đại bác! Thanh chận Hùng lại:
“Ê đi đâu đây anh Hùng?”
“A! Anh lính, anh lính mới tò te mới về. Đi làm chứ đi đâu. Mới về hả?”
“Mới cắt chỉ. Thôi tui phải vô nhà gặp ông già tui cái đả. Nghe con ngựa bà trời của anh nó hí là tui muốn điên lên rồi, chiều nay gặp lại nhe.”
Nói rồi Thanh bước thẳng về phía trước. Hùng chưa kịp vui thì tiếng máy Gobel lại nhói lên như tiếng trời rền, phóng ra tỉnh lộ 15.
Thanh bước vô nhà, tiếng cười nói ròn rả. Rồi buổi cơm chiều đến, Thanh nhìn ông Phó Đại Diện nói:
“Ngày mai con xuống thăm Liên và ba má Liên được không cha?”
“Con xuống thăm Liên đi, còn anh Tư thì cha có nhắn và có lời mời ảnh lên đây chơi nay mai, con khỏi bận tâm.”
Đêm hôm đó Thanh không tài nào nhắm mắt được, Thanh cứ nghĩ về Liên và mong trời mau sáng để xuống thăm cho đở nhớ thương. Trước khi trở về Thanh dùng tiền lương mấy tháng nay mua sắm nữ trang làm lễ cho ngày cưới, đôi bông tai, hai chiếc nhẩn cưới và sợi dây chuyền cũng đủ làm cháy túi người lính mới rồi. Trời vừa sáng lên Thanh đã chỉnh tề với bộ quân phục, đôi bốt-đờ-sô láng bóng Thanh bước ra khỏi nhà.
Con đường đất vào nhà Liên cũng như ngày nào, hai bên là những thửa ruộng, lúa đang trổ đồng đồng. Đó đây một đàn chim se sẻ đang tìm bắt những con châu chấu, cào cào, dưới con mương đàn cá kèo vẫn rượt đuổi nhau. Thanh quẹo vào ngõ nhà Liên và gặp ngay má của Liên:
“Chào bác. Bác vẫn khỏe ạ?”
“Cám ơn cậu, tui vẫn khỏe.”
“Con mới về hôm qua, và nay xuống thăm hai bác và em Liên. Có Liên nhà không bác?”
“Không. Con Liên nó đi lấy chồng rồi, cậu về đi.”
Thanh nghe lời của má Liên như tiếng sấm, tiếng sấm long trời lở đất.
“Bác nói sao, Liên đã lấy chồng rồi?”
“Đúng. Cậu đừng nên tìm gặp nó nữa.”
Nói xong bà Tư đi vào nhà.
Thanh như từ trên trời vừa rớt xuống, muốn hỏi thêm đôi lời nhưng rồi lặng lẽ quay mặt bước đi. Bầu trời dường như muốn sụp, đôi chân Thanh nặng hơn chì. Có thể như thế sao? Câu hỏi đơn giảng cứ lảng vảng trong đầu Thanh, nhưng câu trả lời thì còn nằm đâu đó trên bờ mương, trên đám ruộng, hay trong chiếc gáo dừa! Với Thanh Liên quá hiền lành và ngây thơ để làm kẻ phản bội! Nhưng tại sao? Thanh bước đi không hề quay lại. Cánh đồng nằm im phăng phắc, những bông lúa đồng đồng đứng ngẫn đầu chào bước chân của người lính mới. Nhưng Thanh có thấy đâu, bên cạnh con mương, đứng tựa cái lu nước Liên nhìn bước chân Thanh dẫm trên từng ngọn cỏ non mà lệ rơi đầm đìa trên đôi gò má. Thanh đi rồi, Liên còn đứng chi đây? Ai hiểu nỗi lòng của Liên? Trong tiếng thở dài có tiếng nức nỡ. Liên vẫn đứng bên cạnh chiếc lu, và nghĩ đến ngày mai, ngày mai ba của Liên phải trả lời làm sao với ông Phó Đại Diện. Và ngày mai hạnh phúc tương lai của Liên sẽ đi về đâu?
Ông Tư nhìn ra ngoài ngõ thấy bóng dáng Thanh quay đầu đi ra, nhìn ra sân sau thì thấy Liên nước mắt dầm dìa. Ông đứng lên đi lại nơi bà Tư đang ngồi nhìn ra sân, ông tức giận:
“Bà làm như thế coi được không, con Liên là con ruột chứ có phải con lượm mót đầu đình xó chợ đâu mà bà tàn nhẫn với con như vậy?”
“Làm gì mà tàn nhẫn, chỗ người ta giàu có, sau nầy nó sẽ sung sướng, chứ có đâu như mẹ nó bây giờ.”
“À, thì ra bây giờ bà than thân trách phận đã lấy thằng chồng nghèo nầy phải không. Tui nói cho bà biết từ lâu nay vì hạnh phúc gia đình tui muốn lúc nào cũng được êm ấm nên tui nhịn bà chứ không phải tui sợ bà đâu. Nhưng hôm nay bà đã làm mất cả danh dự gia đình nầy rồi, bà đã mất luôn cả nhân tính của bà rồi, bà biết chưa. Gia đình ông Năm có thể nghèo nhưng họ có tư cách và đạo đức, cái đó mới là điều quý, và cũng vì thấy gia phong họ đàng hoàng nên tui đã hứa gã con Liên cho gia đình họ. Hơn nữa hai đứa nó đã yêu thương nhau rồi, bà sao nhẫn tâm quá vậy?”
“Ông cứ nói cho đã cái miệng ông đị, nhưng với tui không có tiền thì đừng hòng lấy con gái tui.”
“Hứ, bà chỉ có già mòm thôi, vậy thì nhà trai giàu có kia đi cho con Liên những gì, sao họ không làm đám cưới đàng hoàng, sao không đi lễ, con Liên là gái mới lớn lên chứ đâu phải gái ế ẩm gì đâu mà không có ngày vu quy như mọi người con gái khác, sao tui là cho mà không được uống ly ruợu vui ngày con gái tui đi lấy chồng? Bà đã đem con Liên bán cho bà Ba để trừ số nợ bà vay chơi cờ bạc mấy năm nay, bà phải trả lời làm sao cho con bà đây? Bà ác lắm. Thằng con trời đánh, lưu manh, mất dạy chỉ biết ăn chơi của bà Ba ngoài kia ai lại không biết, chắc gì nó yêu thương con Liên. Bà đem con Liên cho không gia đình đó chỉ để trừ số nợ của bà mà bà không nghĩ đến tương lai hạnh phúc của con gái bà, bà nhớ đi rồi sau nầy bà sẽ hối hận, nhưng không gỡ được đâu. Ngày mai gặp anh Năm tui phải ăn nói làm sao với người ta đây?”
Bà Tư chỉ ngồi nhìn ra sân mà không nói lời nào. Ông Tư nói xong, xỏ chân vào đôi dép Nhật, chụp cái mũ lên đầu đi một hơi ra khỏi nhà. Ông quay đầu vô nói:
“Bà ghê gớm thiệt, đem con gã để trừ nợ cờ bạc! Bây giờ thì bà có thể dẫn con gái bà đi giao cho người ta được rồi.”
Đêm đó ông Tư về nhà thật khuya, người lã lư và hơi ruợu nghe nồng sặc.
Trưa hôm sau Thanh trở lại với bộ quân phục màu xanh và chiếc mũ kết, mắt lờ đờ như kẻ không hồn. Đêm qua Thanh không ngủ, suốt đêm trằn trọc, mắt mở to trừng trừng nhìn lên bức tường. Thanh phải nghe từ Liên, tại sao?
Chiếc xe đò Peugeot ngừng trên tỉnh lộ 15, Thanh bước xuống đi thẳng vào con đường đất dẫn về nhà Liên. Khi đi ngang qua khu xóm nằm bên cạnh tỉnh lộ 15 Thanh thấy Liên đứng dưới hiên một căn nhà sang trọng. Thanh đứng lại nhìn thật rõ, nhưng Liên không ra. Thanh bước vào cái quán nhỏ bên đường thì gặp Tâm, em Liên. Trong giây phút ngần ngại Tâm kể hết câu chuyện tại sao người chị của Tâm lại có mặt trong căn nhà đó cho Thanh nghe. Nghe xong, Thanh đứng lên vỗ vai Tâm rồi bước ra khỏi quán. Đi ngang qua căn nhà sang trọng Thanh ngó vô nhìn, bắt gặp đôi mắt của Liên, cả hai nhìn nhau. Trong cái nắng chói chang Thanh nghe lời nói của một người đàn bà đứng tuổi:
“Con nhỏ kia, mầy đứng vẹo gì ngoài đó, sao không vô giặt đồ đi.”
Liên lặng lẽ quay đi.
Khi bóng người của Liên khuất sau khung cửa, Thanh ra đường đón xe đò trở về đơn vị, sớm hơn mười ngày.
____________
Đồng Sa Băng
1-10-2011
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.10.2011 07:36:20 bởi DongSaBang >