Hậu số đỏ Hồi 5 và Hồi 6
Trần Huy Phụng 04.10.2011 20:55:42 (permalink)
Hậu Số Đỏ Hồi 5: Học thêm hay học lại ?             Tỉnh bây giờ đã lên Thành phố nên ty Giáo dục trở thành Sở Giáo dục và Kỹ sư Hạ thành Giám đốc Sở. Công việc của nó bây giờ thật là bề bộn. Xã hội đang đổi mới nhanh  đến chóng cả mặt. Trước kia khi còn bao cấp, trong thời chiến tranh chống Mỹ, để đạt chỉ tiêu lên lớp, tốt nghiệp, rất nhiều giáo viên có lương tâm nghề nghiệp đã phải lao tâm khổ tứ, phụ đạo, kèm cặp những em yếu kém, chế độ bồi dưỡng của nhà nước không có, tiền thù lao dạy kèm cũng không. Mà số học sinh yếu kém thì lớp nào cũng có. Ở cấp 2, 3 mỗi thày dạy ít nhất là 2 lớp, có thày dạy đến 4 lớp, mỗi lớp trên dưới 35 em, lớp ít nhất cũng có 2 em yếu kém, lớp nhiều có tới 5 em, hàng tuần thày chọn 1 hoặc 2 buổi tập trung các em yếu kém lại để phụ đạo. Mỗi buổi lên lớp các em không quên phân công mang nước uống cho Thày. Cảnh đó là phổ biến trên toàn miền Bắc.
            Từ năm đất nước thống nhất , đời sống nhân dân cứ dần dần đi xuống mãi đến khi có chuyện khoán chui rồi mở cửa,  đời sống mới được cải thiện. Nhưng cửa mở thì rác rưởi cũng vào theo
            Trong thời bao cấp, tất cả học sinh các cấp đều không phải đóng học phí, mọi người dân chữa bệnh đều không mất tiền. Ở thời kinh tế thị trường này, đi học, chữa bệnh đều mất tiền cả.. Lương giáo viên , bác sĩ cũng tăng dần nhưng vẫn không đủ sống vì vậy phải làm thêm. Cái thời chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện đã qua rồi. Thày giáo bây giờ dạy thêm tại nhà, bác sĩ cũng mở phòng mạch tư. Mới đầu thì chỉ có một số ít, sau rồi người nọ nhìn người kia, lớp tư, phòng khám tại gia cứ tăng dần.
            Trường phổ thông Lê Hồng Phong là trường đi đầu trong phong trào học thêm, dạy thêm
            Thúy Hằng là con gái đầu của Ông Bà Lê. Bà Lê có cửa hàng tạp hóa ở trung tâm thành phố. Nhờ tài tháo vát từ hồi còn buôn bán tem phiếu nay bà phất lên giàu có nhất nhì trong thành phố. Có của ăn, của để, bà bắt đầu lo chuyện học hành cho con cái. Đầu năm học 1984-1985 Thúy Hằng vào lớp 10, bà mời 2 bà bạn quen biết là bà An và bà Bích có con cùng học với Thúy Hằng để bàn cách thuê thày dạy kèm cho con.
            Tối hôm ấy, vợ chồng bà Lê tiếp vợ chồng bà An, vợ chồng bà Bích trong phòng khách, các ông uống bia , các bà uống nước ngọt, sau vài câu chuyện phiếm, ông Lê mở đầu câu chuyện :
-           Các con chúng ta năm nay vào cấp 3, chỉ còn có 3 năm nữa là chúng thi Đại học, mà thi Đại học hết sức khó. Ba, bốn ngàn thí sinh mà chỉ lấy vài ba trăm cho nên nếu không lo từ bây giờ thì không kịp, nên tôi muốn bàn với các vị ta thuê thày dạy kèm thêm ngay từ bây giờ. ...
            Bà Bích nhanh nhảu :
-           Năm nay đấy, hơn 4 nghìn đứa thi vào Bách Khoa mà chỉ lấy có hơn 4 trăm, một chọi mười ...!!!
            Bà Lê cướp lời :
-           Chị tính sai rồi, 4.500 đứa thi mà lấy 500 đứa có nghĩa là đứa đỗ bét nhất cũng phải đứng trên 4 ngàn đứa rớt...
            Ông Lê cắt ngang
-           Thôi thôi các bà, để tôi nói nốt đã. Nhà tôi cũng tương đối rộng rãi, tôi dành hẳn 1 phòng cho chúng, thày thì tôi cũng nhắm rồi, thuê 3 thày Tóan, Lý, Hóa, chúng học ở trường buổi sáng, còn buổi chiều học thêm, giờ giấc và số buổi mỗi môn tôi đã tham khảo ý kiến các Thày, Toán học 4 buổi, Lý 3 buổi, còn Hóa chỉ 2, mỗi buổi 2 tiết..Các vị thấy thế nào ?
-           Vấn đề là tìm Thày nào, ông An nói.
-           Thì Thày nào nhiều năm đạt danh hiệu "giáo viên dạy giỏi' nhất. Bà An chen ngang.
Ông Lê :
-           Không ổn đâu, cái bệnh thành tích của các Thày lâu nay đã làm hỏng bao nhiêu đứa học trò rồi. Muốn biết thày nào dạy được chỉ có 1 cách duy nhất là tìm hiểu qua những đứa học trò mà bè bạn chúng  khâm phục là học giỏi nhất.Tôi đã tìm hiểu kỹ khi bọn chúng qua nhà tôi mua hàng và đã chọn được 3 thày : hai thày Toán, Hóa ở trường Lê Hồng Phong là Thày Tòng và Thày Đại và Thày Lý ở trường Lê Qúy Đôn là Thày Phúc rồi.
Đặt lon bia xuống bàn, ông An xem đồng hồ rồi nói :
-           Thú thực chuyện thày bà thì tôi mù mờ lắm, vợ chồng tôi trông cậy vào ông bà, xin ông bà và cả ông bà Bích nữa cứ quyết định, còn đóng góp đối với chúng tôi thế nào cũng xin vâng !
            Một tuần sau  lớp học thêm tại nhà đầu tiên của thành phố bắt đầu hoạt động. Tiền thù lao hậu hĩ, tiếp đãi chu đáo, trà Thái có, nước ngọt có, bánh kẹo ê hề, tất cả đã kích thích các thày tận tâm tận lực. Cả 3 cô học trò mà trình độ thực sự chỉ là trung bình tiến bộ trông thấy. Điểm thi học kỳ 1 của các cô về cả 3 môn toán, lý, hóa không 10 thì 9. Kết quả đó làm xôn xao cả khối lớp 10 trường Lê Hồng Phong, đứa nọ truyền đứa kia, tất nhiên cha mẹ chúng đều biết cả, hội phụ huynh nhập cuộc, chính thức đề nghị ban Giám hiệu tổ chức học thêm. Ông Hiệu trưởng kéo cả thư ký công đoàn lên sở. Giám đốc Hạ đi vắng, chỉ có quân sư Mãnh ở nhà. Sau khi nghe Hiệu trưởng trình bày và xin ý kiến, Mãnh phán luôn :
-           Tưởng gì chứ học thêm chỉ có lợi, việc này cứ giao cho công đoàn cùng với hội phụ huynh tổ chức, chỉ có điều một là phải để các thày tự nguyện đăng ký môn mình nhận dạy thêm, có bao nhiêu thày dạy thêm thì mở bấy nhiêu lớp, hai là học sinh  tự nguyên đăng ký xin vào lớp học nào mà mình cần, ba là thống nhất số tiết học và  giá thu học phí cho từng môn, từng lớp.Tiền thu được của  từng môn học của lớp nào thì giữ lại 20% chi cho quản lý, còn lại thù lao cho thày, Ví dụ học phí của môn toán khối lớp 10 là 10.000đ, lớp 10A có 12 em học. thu được 120.000, trừ phí quản lý 24.000 còn lại 96.000 đ là tiền thù lao của thày toán, lớp 10B có 20 em học, thu được 200.000 đồng, trừ 40.000 đồng tiền quản lý, thày được 160.000d ...Số tiền dành cho quản lý, công đoàn cùng với hội phụ huynh bàn cách thống nhất sử dụng sao cho hợp lý và phải công khai báo cáo sau mỗi học kỳ cho khỏi điều ra tiếng vào.
-           Sao không thống nhất tiền thù lao cho các thày theo kiểu phụ cấp dạy thêm giờ của nhà nước ? Sao không bắt học sinh học chính khóa thày nào thì học thêm thày ấy ? Làm thế này thày nhiều, thày ít lại sinh chuyện ra ?
-           Các ông nhầm rồi. Kinh tế thị trường mà. Học trò mất tiền để học thêm thì phải có quyền chọn thày chứ. Thày nào dạy hay, dạy giỏi thì có nhiều học sinh, dạy kém thì ... về nhà mà nấu cơm phụ vợ... hà hà  ...hà!!!
            Tối hôm đó, công đoàn, hội phụ huynh, có cả ông Hiệu trưởng đến dự họp bàn rồi thống nhất chi tiết theo hướng Mãnh đã vạch ra và ngay sáng hôm sau  cho triển khai đăng ký dạy và học. Sau 1 tuần gần 600 học sinh đăng ký học thêm, nghĩa là tới ¾ số học sinh của trường,  đứa ít nhất cũng 2 môn, phần nhiều là 3 môn, tất cả tập trung vào môn toán rồi đến hóa,  sinh, môn văn chưa tới 30 em, các môn khác chẳng có ai đăng ký cả, có lớp chính
khóa cả lớp đều học thêm, có lớp chỉ mươi em, các môn học cũng không đều....còn thày cũng chênh lệch khá nhiều. có thày tới hơn 100 em xin học, có thầy chưa tới 10 em. Trường có 4 lớp 12 và 4 thày toán lâu năm nhất chuyên dạy  toán lớp 12, mỗi thày dạy chỉ 1 lớp và dạy cả 3 phần Hình, đại, lượng.Khi tổ chức dạy thêm, lớp thày Tòng giáo viên lớp 12C có 42 em chính khóa thì chỉ 26 em đăng ký học thêm  nhưng lại có tới 60 em ở các lớp khác đăng ký học lớp thày thành thử thày phải chia nhỏ ra thành 2 lớp 12C1, 12C2. Còn lớp 12B do thày Định dạy cũng có 42 em thì cả 42 em đều học thêm nhưng chỉ có 4 em đăng ký học lớp của thày, còn 38 em đăng ký học lớp 12C vì vậy Thày Định không dạy, 4 em đó chuyển sang lớp 12C, 2 lớp 12A có 20 em, lớp 12D  có 18 em, số còn lại của 2 lớp này hoặc là không học thêm, hoặc là đăng ký học lớp thày Tòng....
            Môn Lý cũng có tình trạng tương tự nghĩa là có lớp quá ít, có lớp quá nhiểu Hai môn Hóa, Sinh đỡ hơn . Khối lớp 10 và 11 tình trạng cũng tương tự. Có thày dạy nhiều học sinh đến nỗi phải chia lớp ra làm hai, có thày quá ít, lèo tèo dăm em nên phải giải tán cho các em sang lớp khác. Riêng các môn sử, địa không có em nào đăng ký.
            Sau một tuần đăng ký chỉ có 4 môn cần dạy thêm là Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tỷ lệ học sinh học thêm môn Toán là trên 75%, môn Lý và Hóa sấp sỉ 70%, môn Sinh hơn 60%
            Thế là đã rõ. Nhìn bảng đăng ký ông Hiệu trưởng vỡ ra một điều : ông đã vô tình phát hiện ra chất lượng thật sự của thày giáo, cũng như tư tưởng học lệch của học sinh.. nhưng xử lý tình huống này thế nào thì ông chưa nghĩ ra... .
            Thày Tòng bây giờ thật là vất vả nhưng mà vui. Lớp dạy có 3 em ở nhà Thày cũng không bỏ mà chuyển sang buổi tối vì chỉ có 3 em mà thu nhập khá hậu hỹ, bằng cả 1 lớp dạy thêm buổi chiều.
            Giám đốc Hạ đi họp về mang theo một ôm tài liệu chỉ thị, nghị quyết.. Chờ lúc Hạ chúi mũi vào đống chỉ thị, nghị quyết, Mãnh gõ cửa xin vào báo cáo. Hạ không ngẩng đầu lên hỏi :
-           Có chuyện gì thế ?
-           Báo cáo anh, Trường Lê Hồng Phong lên xin ý kiến về việc hội phụ huynh xin nhà trường cho tổ chức dạy thêm. Họ thấy thi đại học hàng năm người thi thì quá nhiều, người đỗ thì quá ít. Họ lo con cái họ trượt ..
-           Cái gì ? tổ chức dạy thêm là nghĩa làm sao ?
-           Dạ, nghĩa là cũng như phụ đạo ngày xưa ấy. dạy lại những kiến thức cơ bản đã học từ trước để nắm được kiến thức hiện tại...
-           Thế nghĩa là giáo viên phải dạy thêm giờ. Lấy kinh phí đâu để trả  số giờ dạy thêm ấy ??
-           Dạ, hội phụ huynh họ tự lo về kinh phí, công đoàn trường chỉ tổ chức trường lớp
-           Thế anh giải quyết như thế nào ?
-           Em thấy học thêm không những không có hại gì, ngược lại năm nay hy vọng số học sinh khá giỏi sẽ tăng lên, số vào đại học cũng sẽ tăng. Năm ngoái trường này có hơn 100 thi đại học mà chỉ có 6 em được vào. Vì vậy em đồng ý cho họ làm thử, nếu có kết quả tốt sẽ nhân rộng ra các trường khác.
-   Thôi được, tôi giao cho anh theo dõi sát sao vụ này, đừng để xảy ra điều tiếng gì. Chuyện tiền nong là lôi thôi lắm đấy. Lẽ ra phải xin ý kiến của Bộ trước...
-           Dạ, em hiểu, em đã nhắc đi nhắc lại với họ là việc làm này giống như cái vụ "khoán chui", cứ lẳng lặng mà làm..
            . Quân sư Mãnh tuần nào cũng qua thăm các lớp học thêm , kéo theo thư ký công đoàn cùng hiệu trưởng. Có lần còn vào hẳn 1 lớp ngồi dự giờ. Thấy tất cả các lớp học đều nghiêm túc, học sinh chăm chú nghe, thày nhiệt tình giảng dạy, Mãnh phấn khởi lắm. , nó tin chắc thành tích cuối năm sẽ hết sức tốt đẹp, nhưng thày Hiệu trưởng lại có vẻ e ngại Trong buổi hội ý thày nói ra cảm tưởng của mình với Mãnh :
-           Cái tôi lo nhất bây giờ là tư tưởng các thày. Lâu nay trong hàng ngũ thày cô, thày cô nào cũng tận tâm, không có thày cô nào nghỉ dạy không có lý do. Lên lớp đúng giờ, dạy đúng lịch trình giáo án, kiểm tra, chấm bài nghiêm túc, không có điều tiếng gì với học sinh cũng như đồng nghiệp, còn học sinh tiên tiến sấp sỉ 90%. vì vậy có hơn 80% thày cô là lao động tiên tiến,  Ấy thế mà bây giờ bọn học trò chúng kén chọn thày cô quá quắt, chỉ còn có dăm ba thày chúng bám lấy xin học thêm.....và mới sáng nay chúng phản ảnh với tôi một điều là thày Bình dạy lý ở 2 lớp 11A và 11B trù dập học sinh không học thêm lớp thày dạy mà lại học thêm ở lớp Thày Dần là thày dạy Lý lớp 11C và 11D.
-           Trù dập thế nào ???
-           Lớp dạy thêm của Thày Bình chỉ có 18 đứa. Trong giờ học chính khóa về sự hóa hơi thày chỉ dạy lướt qua và cho làm bài tập, nhưng trong lớp dạy thêm thày dạy rất chi tiết, tỷ mỉ để học sinh hiểu và phân biệt sự hóa hơi của chất lỏng và sự hóa hơi của chất rắn, phân biệt sự khác nhau giữa sự bay hơi và sự sôi.. Trong bài kiểm tra viết vừa rồi nội dung cả lý thuyết và bài tính gói gọn trong chương sự bay hơi của chất lỏng. Bài tính vật lý thì ngắn, điểm cao nhất là 3, còn lý thuyết rõ dài, điểm cao nhất là 7. Kết quả là chỉ những đứa học thêm của thày đều trên trung bình, 3 đứa điểm 10 đều là những đứa học thêm lớp thày, 6 đứa học thêm ở lớp Thày Dần. chỉ được có 3 điểm. Bọn này tức quá nói vung khắp trường là thày trù úm những đứa không học thêm ở lớp thày....Thật là đau đầu.
            Quả là chuyện này chẳng có ai lại ngờ được. Thầy Dần vốn được học sinh khối chín khen là dạy giỏi. Để trổ tài, lớp học thêm của thày đi khá sâu vào những con tính, những tình huống hóc hiểm, nên trong giờ dạy thêm thày chỉ nhắc sơ qua về lý thuyết rồi cho làm ngay bài tập vì thày tin rằng làm nhiều bài tập sẽ vỡ ra phần lý thuyết. Thày Bính đã lợi dụng sơ hở này nên thắng đậm
            Mãnh cũng thật bất ngờ và chưa biết cách giẻi quyết thế nào thì có điện thoại gọi vể sở có việc gấp.
            Mãnh về đến Sở đã thấy Hiệu phó và thư ký công đoàn trường Lê Quý Đôn ngồi trong phòng Giám đốc Hạ.
-           Các anh ở trường lên xin ý kiến về việc tổ chức học thêm ... Hạ nói. Tuy chưa có chủ trương của Bộ nhưng tôi đã đồng ý để trường làm thí điểm, Anh trình bày cách làm của trường Lê Hồng Phong và đã rút ra được kinh nghiệm gì chưa cho các anh ấy nghe, và tôi cử anh theo rõi vụ này luôn thể. Các anh ở lại có gì anh Mãnh báo cáo lại sau, tôi phải đi có việc.
-           Hạ đi rồi, Mãnh nói lại cách làm của trường Lê Hồng Phong và sự cố trù dập học sinh vừa mới xảy ra cho Hiệu phó và thư ký công đoàn nghe.
-           Chết thật, Hiệu phó kêu lên, làm gì thì làm chứ không thể để xảy ra mất đoàn kết giữa thày và trò, nhất là giữa các thầy với nhau
-           Mãnh nói : tôi thấy thế này : lớp nào tổ chức học thêm của lớp ấy, không để học trò thầy này học thêm ở lớp thày kia
            Khi mọi người về rồi, Mãnh ngồi thừ ra ngẫm nghĩ ; thế này thì còn gì là kinh tế thị trường nữa, Mãnh xoa cầm tìm cách khác nhưng    nghĩ mãi không ra. Hay là hỏi thằng Trực? Không được, hỏi nó còn ra thể thống gì nữa.
            Lại nói chuyện Trường Lê Hồng Phong. Ông Hiệu trưởng mời thày Bình lên hỏi cho ra nhẽ. Đã lường trước vụ này và chuẩn bị chu đáo cách đối phó nên Thày Bình ung dung ;
-           Báo cáo anh, anh cho gọi em có chuyện gì thế ạ ? 
-           Thày chưa biết à ? Bọn học trò nó đang đồn rùm beng lên là thày trù úm chúng nó. Bài kiểm tra vừa rồi thày tự ra đề, tự chấm, chỉ những đứa học thêm lớp thày mới làm được, những đứa cũng học thêm, nhưng học thêm lớp thày Dần thì không làm được, thế là thế nào hả ? ? ?
-           Báo cáo anh việc này giờ em mới nghe anh nói. Theo kế hoạch thì kỳ này kiểm tra viết chương sự hóa hơi của chất lỏng. Tất cả học sinh khối 11 đều biết việc này. Những lớp em dạy chính khóa đều được thông báo đày đủ. Số tiết và nội dung của chương em cũng dạy đúng hướng dãn. Chỉ có điều Nhiệt và điện cũng đã học từ cấp hai. Ở cấp hai các em học những kiến thức cơ bản. Ở cấp ba thì đi sâu. Mà thầy đã biết việc cho lên lớp, cũng như cho tốt nghiệp lại căn cứ vào luật bất thành văn là tỷ lệ, thành thử chúng được đôn lên đến nỗi bây giờ phải học thêm mà thực chất là học lại chứ có ai dạy thêm những thứ mà sách giáo khoa không có. Bài kiểm tra em ra cũng hoàn toàn trong sách giáo khoa lớp 11. Những em không làm được là những em chưa nắm được kiến thức cơ bản dù đã học thêm, mà em cũng không hiểu chúng học thêm cái gì? sao không học lại cho có gốc mà lại học thêm đâu đâu cho mất thì giờ mà chẳng được tích sự gì ?
-           Thôi, anh đi ra, vụ này tôi sẽ cho điều tra làm cho rõ.
-           Vâng xin thày làm sớm cho để rửa tiếng oan cho em. Em xin cảm ơn thày.
            Chuyện khối 11 chưa biết giải quyết thế nào thì khối 10 cũng có chuyện tương tự mà dồn dập ở cả 4 môn.Kết quả là chỉ sau 1 tháng, trừ khối 12, tất cả các em ai học chính khóa thày nào lại về học thêm thày ấy. Mà không phải chỉ có vậy, tất cả những em trước không học thêm, bây giờ đều ngoan ngoãn xin học thêm. Mà xin học cả 4 môn, cha mẹ các em cứ è cổ ra mà đóng tiền.
            Riêng khối 12 thì đỡ hơn, bởi vì đây là lớp cuối cùng của trung học. Các em phải học thêm thực sự là chúng lo con đường vào đại học sau này, chúng chẳng sợ thi rớt phổ thông bởi vì chúng biết chắc chắn không ai dám cho rớt quá 30%, ấy là nói phóng đại lên thế, chứ thực tế là mấy năm liền gần đây con số tốt nghiệp chưa có trường nào dưới 90% cả.
            Còn trường Lê Quý Đôn  tổ chức theo mô hình học chính khóa thày nào thì buộc phải học thêm thày ấy, bởi vậy tháng đầu tiên chưa tới 20% các em xin học thêm, nhưng chỉ sau 1 tháng học hỏi kinh nghiệm của trường Lê Hồng Phong, các em biết điều tự giác xin học thêm cả.
            Trước gánh nặng học phí cho con cái giờ đến lượt phụ huynh bức xúc, hơn nữa có tức thì chỉ để bụng chứ không dám nói, mà cũng không biết nói thế nào ? ? ?
            Hết năm học 1984-1985, cả 2 trường có số học sinh bình quân lên lớp đạt trên 98%., số tốt nghiệp cấp III cũng đạt sấp sỉ 96%. Riêng số được vào đại học trường Lê Hồng Phong có 7 em nghĩa là hơn năm trước 1 em, còn trường Lê Quý Đôn chỉ có 2 em, kém năm trước 1 em. Cái thành tích vào Đại học  Mãnh không đưa vào báo cáo vì tốt nghiệp xong cấp III là hết trách nhiệm của Sở, chuyện Đại học đã có Bộ Đại học lo.
            Cái chuyện dạy thêm học thêm  xem ra là 1 cách giải quyết cải thiện đời sống giáo viên hữu hiệu nhất. Bởi thế chỉ sau 1 năm, từ năm học 1987-1988 trở đi phong trào dạy thêm học thêm đã lan rộng ra cả nước. và cả hai cấp học khác : cấp I và cấp II cũng đua nhau dạy thêm học thêm. Phú quý tất sinh lễ nghĩa. Thày có thu nhập, ban tổ chức chắc chắn cũng phải có. Không lẽ người thay mặt sở chỉ đạo, ngày đêm lo lắng cho phong trào lại không có gì ? Thế là hàng tháng Mãnh nhận được những cái phong bì của những trường mà nó chỉ đạo. Của đáng tội mấy ông Hiệu trưởng cũng muốn đưa phong bì cho Giám đốc nhưng Mãnh gạt phắt, nó nói là chưa đến lúc, đưa bây giờ là rách việc.
            Cũng từ năm học 1987-1988 trường Lê Hồng Phong trở thành trường điểm của thành phố với thành tích 3 năm liền có số học sinh, lên lớp, tốt nghiệp đạt 98%.. Phụ huynh trong thành phố ai cũng muốn con mình học ở trường có tiếng, có tăm. Trước kia ai cũng muốn con cái mình được đi học, trường nào cũng được. Cái suy nghĩ đó bây giờ lạc mốt rồi. Mà bắt đầu từ những chức sắc trong thành phố. Giám đốc Hạ bỗng nhiên trở thành có giá. Lo cho bọn trẻ vào trường điểm à ? Chuyện vặt. Nó chỉ cần ra hiệu là Mãnh thực thi ngay tắp lư. Nhưng với bản chất tinh ranh, bao giờ Mãnh cũng nhắc khéo những người nhờ vả là xong việc nên có chút quà, thân hành mang tới tận nhà giám đốc mà tạ ơn, còn nó thì không cần!
            Nói thế cho ... oai thôi, chả có ai quên nó bao giờ. Tất nhiên chỉ những phụ huynh có chức vụ ngang với giám đốc trở xuống thôi. Còn đối với các cỡ bự hơn thì ngược lại, chính nó tự nguyện khuyên các vị để cho nó lo việc học hành cho các quý tử.
            Khi chuyện dạy thêm, học thêm lan rộng ra cả nước, cùng với những tiếng ý sèo than vãn của phụ huynh bung ra thì bộ cũng không thể im lặng được.
            Trước tiên là các sở, các ty phải báo cáo tình hình
            Giám đốc Hạ bèn hỏi ý kiến các quân sư. Thạc sĩ Mãnh đáp liền một cách trơn chu :
-           Theo tôi học thì chỉ có lợi chứ không hại chi cả. Vả lại bây giờ tỉnh nào cũng thế , chỉ trừ vùng sâu vùng xa là không mà thôi. Nhưng hiện nay việc dạy và học phức tạp quá. Thày dùng mánh khóe để buộc học sinh phải học thêm để kiếm tiền, Trò thì muốn kén chọn thày hay, thày giỏi để học, thành thử gây căng thẳng giữa thày và trò và thày nọ ghen tỵ, khích bác thày kia. Còn phụ huynh thì chỉ có một số ít gia đình khá giả họ có khả năng chi bất cứ giá nào để con họ vào được đại học, còn một phần chỉ có thể lo cho con học thêm 1 hoặc 2 môn, số này phần lớn là gia đình công nhân viên chức có thu nhập trung bình khá nhờ địa vị hoặc điều kiện công tác. Còn lại là những gia đình nghèo, đông con. Đây là những đối tượng kêu ca nhiều nhất. Cho nên tôi đề nghị đình chỉ việc dạy thêm, học thêm để chờ ý kiến của bộ xem thế nào đã
             Quân sư Trực xoa cầm thủng thẳng nói :
            - Học thì rứt khoát là chỉ có lợi. Nhưng nói học thêm, dạy thêm là không đúng. Vì chương trình học là của Bộ, chương trình tuy có sửa đổi, thêm cái này, bớt cái kia, khối lượng kiến thức không thể nói là quá nhiều. Ở lớp học sinh chưa tiếp thu được bài học thì Thày phải dạy lại, học sinh phải học lại. Trong thời chiến, phụ đạo cũng là dạy lại, học lại đấy thôi. Trong thời đó ta đã từng đánh giá thày nào có ít học sinh phải phụ đạo nhất mà có nhiều học sinh đạt trung bình nhất thì đó là thày dạy giỏi. Bây giờ đến 80% thậm chí cả 100% học sinh phải học lại mà Sở cứ cấp giấy khen ‘Giáo viên dạy giỏi” đó mới là điều phải xem xét lại. Cũng như thế, Trường điểm gì mà buổi sáng học chính khóa, chiều lại phải học lại ? Thật là nực cười. Tốt nhất từ nay tỉnh ta xem xét lại cách đánh giá thi đua ấy đi..
            Giám đốc Hạ xua tay : Thôi ! thôi ! Các chuyện đó để sau, cái cần bây giờ là báo cáo với bộ thế nào về việc dạy thêm, học thêm tràn lan như thế ?
            Quân sư Mãnh : Thì thủ trưởng cứ báo cáo là việc học thêm, dạy thêm đã gây mất đoàn kết giữa thày và trò, giữa thày với thày nên sở ta đề nghị cấm dạy thêm, học thêm chờ ý kiến quyết định của bộ...
            Thày Tình phụ trách Công đoàn :
-           Tưởng biện pháp gì chứ biện pháp cấm thì dễ ợt! Xe đông tắc đường : cấm xe hai bánh ! Lợi dụng Karaokê để mại dâm : cấm Karaokê ! Những biện pháp kiểu này con nít nó cũng đề xuất được.
            Mãnh nóng gáy :
-           Đồng chí có ý kiến gì hay ho thì phát biểu đi.
-           Không dám. Tôi học hàm thụ chưa hết khóa đâu dám múa rìu qua mắt thợ.
            Giám đốc Hạ bực bội :
-           Trật tự, không đi lạc đề. Ý kiến đồng chí Trực như thế nào ?
-           Theo tôi phải biết nguyên nhân thì mới có hướng giải quyết. Sở dĩ học sinh phải học thêm tràn lan là vì chúng mất gốc từ lâu rồi. Còn Thày dạy thêm là dạy tủ, mục đích là kiếm tiền cho nên khi kiểm tra, thi cử chúng làm như cái máy, hễ trúng tủ là điểm cao, lên lớp, tốt nghiệp, còn thực chất dốt vẫn hoàn dốt…
            Hạ bực bội :
-           Đi thẳng vào đề đi, vòng vo tam quốc mãi.
-           Vâng thưa thủ trưởng, ý em là trước hết phải rà soát lại, học sinh lớp nào phải có được đúng trình độ của lớp ấy,
            Trước hết các Thày đánh giá lại trình độ thực sự của các em. Những em nào có triển vọng tiến bộ sau khi phụ đạo thì giữ lại để dạy lại một số kiến thức nắm chưa được. Đây là trách nhiệm thực sự của các Thày, cô. Các em nào không có triển vọng vì thực sự bị mất gốc, thì trả lại lớp dưới để giải quyết, hoặc là cho lưu ban để học lại, hoặc là cho nghỉ luôn. Trong các xí nghiệp sản xuất hiện đại theo lối dây chuyền người ta cũng làm như vậy. thành phẩm nào chưa đạt thì bắt buộc phải gia công lại rồi mới đưa lên công đoạn sau. Tất nhiên là giáo viên dạy môn nào có nhiều em hoặc là phải trả lại, hoặc là phải dạy lại ở lớp trên thì phải cắt danh hiệu thi đua đi....
            Không được! không được !!!. Giám đốc Hạ xua tay. Không thể xáo trộn làm cho rối tung lên như thế được. Thôi, anh Mãnh làm báo cáo đi. Tôi đồng ý với cách giải quyết của anh.
----------------------------------------
Hậu số đỏ Hồi 6 : Tiến sĩ Qui hoạch :       Năm 1954, Giám đốc sở nhà Đất Thành phố di cư vào Nam cùng một số công chức. Nhà nước cử đồng chí Hòe về tiếp quản với chức danh Giám đốc. Hòe người Hà nội, đậu Tú tài năm 1944, lên chiến khu theo kháng chiến, qua các chiến dịch Thu đông, Cao Bắc Lạng, và sau Điện Biên phủ với quân hàm Thiếu tá. Hòe vốn là người trung hậu, thẳng thắn nên khi về sở Hòe không dấu sự thiếu hiểu biết của mình về chuyên môn, thực sử cầu thị, tìm hiểu qua những công chức lưu dung trong cơ quan và rất tôn trong những người này. Bởi vậy họ đã thực lòng cộng tác và kính trọng Hòe, giúp Hòe giải quyết những nhu cầu của nhân dân vùng tạm chiếm cũ một cách thỏa đáng, thấu lý, đạt tình.
      Tại phố Nguyễn Khắc Nhu có 2 gia đình là 2 anh em ruột. Người anh tên là Đức, làm nhân viên đưa thư ở bưu điện Sài gòn từ những năm còn kháng chiến, vợ ở thành phố buôn bán nuôi 4 con ăn học. Gia đình người em cũng có 4 người con. Sau chiến thắng Điên Biên, vợ và 2 con lớn ở lại, 2 con nhỏ cho vào ở với bố tại Sài gòn. Gia đình người em cũng vào Nam, chỉ để lại hai người con lớn tên là Phong và Lưu còn đang đi học sống bằng tiền cho thuê mấy căn nhà. Hồi đó trong thành phố những gia đình kẻ Bắc, người Nam  không phải là hiếm. Đầu năm 1955, chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Thành phố giải quyết cho mỗi học sinh có gia đình đi Nam một khoản trợ cấp 12kg gạo và 4 đồng. Có khoản trợ cấp này, tháng 7 năm 1955, 2 con của người em đã vào được  Đại học, có học bổng, không phải lo đến sinh kế nữa nên bàn cùng với gia đình bác , tất cả làm đơn gửi lên sở Nhà đất, kèm theo giấy tờ chủ quyền, nhờ nhà nước quản lý, với lý do gia đình đi Nam, chờ khi thống nhất sẽ xin lại.
      Cuối năm 1957 sau khi cả hai anh em tốt nghiệp ra trường, thì trong túi không còn tiền. Họ làm một cái đơn gửi sở Nhà đất xin trích trong số tiền cho thuê nhà cho họ một ít để sắm sửa quần áo trước khi nhận công tác. Cô thư ký nhận đơn đưa vào phòng Giám đốc. Sau khi tra xét sổ sách, ông Giám đốc phê cho nhận 200 đồng. Với số tiền đó hai anh em sắm sửa thoải mái và còn tu sửa lại cái xe đạp. Đến năm 1959 người anh lấy vợ lại làm đơn xin tiền. Lần này thì ông Giám đốc Hòe cho gọi người anh vào, ông cho ngồi và rót nước mời tử tế, rồi từ tốn nói
       “ Thế này anh bạn trẻ ạ, Nhà nước không phải là nơi đứng ra cho thuê nhà hộ anh, giữ tiền cho anh để thỉnh thoảng  anh lại lấy. Trong đơn anh gửi nhà nước quản lý hộ nhà đã ghi rõ : khi nào thống nhất, nhà nước sẽ trao trả lại toàn bộ cho gia đình anh. Vậy bây giờ có 2 cách giải quyết : một là theo như nguyện vọng trong đơn khi nào thống nhất, anh đến đây chúng tôi sẽ bàn giao lại cho anh, hai là nếu anh muốn chúng tôi sẽ bàn giao tất cả cho anh ngay từ bây giờ để anh tự quản lý lấy. Anh thấy thế nào ? “
      Người anh hoảng quá vội vàng :
      “ Thưa chú, cháu đang công tác xa, không có điều kiện trong nom tài sản này, vả lại trong đó có cả của bác và của chú cháu. Chỉ vì sắp lấy vợ nên muốn có thêm ít tiền mua sắm giường mà chăn gối. Thôi cháu tìm cách khác vậy. Còn dãy nhà đó xin nhà nước cứ quản lý, sau này bố mẹ cháu và chú, bác cháu về xin lại sau. Cháu chào chú, cháu xin phép cháu về.”
      Anh cầm mũ đứng lên nhưng chưa ra tới cửa thì ông Hoè gọi lại :
      “ Thôi được, tôi cũng thông cảm cho anh lần này nữa nhưng nhớ là lần sau có đến thì nhận lại toàn bộ đấy nhé. “ Rồi ông phê duyệt cho anh 200 đồng.
      Trong những năm ông Hoè làm giám đốc, hầu như không có tiếng ca thán của người dân mỗi khi họ có việc cần đến sở. Cán bộ, nhân viên cơ quan cũng làm việc hết mình, tiếp dân chu đáo, đúng mực. Và đến năm 1964 ông Hòe nhận lệnh đi B, người về thay ông cũng là 1 thiếu tá quân đội mới ra quân. Vị thiếu tá tên là Sĩ. Ông vốn xuất thân từ thành phần dân nghèo thành thị, khi tham gia cách mạng chỉ mới biết đọc biết viết. Qua mấy chục năm trong quân ngũ việc học hành chỉ là “ tranh thủ “ nên khi về làm Giám đốc Sở trình độ mới chỉ là “ lớp 7 Bổ túc văn hóa”. Đã thế ông lại mắc bệnh “ công thần “, coi mọi người trong cơ quan chẳng ra gì, nhất là những cán bộ lưu dung. Bởi vậy sau lưng ông, mọi người chê ông hết lời, nhiều khi có những việc về chuyên môn, họ cố tình hỏi ông, ông không biết giải quyết thế nào chỉ còn cách thoái thác là bận rồi chỉ sang phòng ông Phó Giám đốc.
      Năm 1972 Sở có thêm 1 cán bộ trẻ tên là Hoàng Kim Qui, tốt nghiệp Đại học Kinh tế.
      Hoàng Kim Quy vốn dòng dõi 5C (Con cháu các cụ cả) sinh năm 1950 và lớn lên trong thời "dạy tốt học tốt" , lại được đích thân thủ trưởng Hạ đỡ đầu nên cứ mỗi năm lên 1 lớp. Sau khi tốt nghiệp phổ thông vào Đại học Kinh tế, khi ra trường nhận công tác ở Sở Nhà đất Thành phố.
      Giám đốc Sỹ thấy đây là 1 cán bộ có trình độ đại học, của hiếm lúc bấy giờ, lại ngoan ngoãn, lễ phép,1 điều thưa bác, hai điều thưa bác, nhất là lý lịch nhân thân rất tốt nên chả mấy chốc hai bác cháu đã trở thành 1 cặp đi đâu cũng có nhau. Kể từ năm 1972 bắt đầu nhận công tác, Qui đã từ 1 cán bộ kỹ thuật lần lượt được đề bạt làm tổ trưởng rồi trưởng phòng. Năm 1974 ông Phó Giám đốc nghỉ hưu, tuy chưa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc nhưng mọi việc gần như do Kim Quy quyết định, chỉ có chữ ký là của Giám đốc Sỹ.
      Cuối năm 1975, đất nước đã thống nhất rồi, Hai anh em Phong Lưu củng người Bác đến Sở Nhà đất xin lại những căn nhà đã nhờ nhà nước quản lý. Tiếp họ là Trưởng Phòng Hoàng Kim Qui. Qui cầm đơn, không xem, mắt lim dim, tay vê vê cầm nghe Phong trình bày nội dung lá đơn. Nghe xong Qui phán.
      “ Thế này… Bác và các anh nghe đây … Nhà nước hiện quản lý rất nhiều nhà của những người di cư vào Nam. Đối với những nhà ấy, Nhà nước chưa có chủ trương giải quyết. Bác và hai anh hãy về, bao giờ có chủ trương chúng tôi sẽ báo cho bác biết.
-     Nhưng đây là nhà chúng tôi tình nguyện gửi, và trong đơn chúng tôi ghi rõ là khi nào thống nhất sẽ xin lại.
-     Tự nguyện gửi hay không gửi cũng thế thôi. Vẫn là nhà do nhà nước quản lý. Bao giờ có chủ trương chúng tôi mới giải quyết được.
      Sau năm 1980 có chủ trương hoá giá nhà. Dãy nhà của họ cũng nằm trong số đó. Thế là họ mất trắng chẳng còn biết kêu vào đâu. Thực ra thì anh em Phong cũng có làm đơn khiếu nại gửi lên UBND Thành phố nhưng không được trả lới.
      Năm 1978 Thành phố có thêm Sở Qui hoạch. Ông Sỹ được điều sang làm Giám đốc, còn Hoàng Kim Qui làm Phó Giám đốc. Lúc này Hoàng Kim Quy sau hai năm học tại chức có thêm một bằng Tiến sỹ
      Năm 1977 Qui cưới vợ. Vợ Qui vốn là 1 thiên kim tiểu thư, học hết tiểu học thì ở nhà học trang điểm chờ ngày lấy chồng. Sau khi cưới 3 năm, cô vợ nõn nà bắt chồng phải xin cho vào làm cùng cơ quan để có điều kiện giám sát đề phòng chổng cô "bỏ cơm, ăn phở". Lúc này Qui đã là Phó Giám đốc nên việc đó cũng dẽ giải quyết, chỉ có điều phải làm nhân viên, còn muốn có 1 chức danh gì đó thì chí ít cũng phải có bằng. Thế là cô vợ ban ngày đi làm, mỗi tuần 3 tối đi học bổ túc văn hóa. Qui xin cho vợ vào học ngay từ lớp 8 "cho nó nhanh".Tất nhiên học theo kiểu này thì không có gì chán bằng. Mỗi tuần 3 tối nàng ngủ gà ngủ gật cả 3. Tiếng Thày giảng cứ lùng bùng trong lỗ tai thì làm sao mà không díp mắt lại cho được. Sau hơn 1 tháng học, Thày cho 5 bài tập "trọng tâm" về nhà làm để kỳ sau kiểm tra viết. Nàng đưa 5 bài toán đó cho chồng để chồng giải hộ. Thấy 5 bài toán chỉ là 5 bài giải phương trình bậc hai, Tiến sĩ chồng ngó vào thấy hoa cả mắt nên đánh trống lảng : "Tối nay anh phải đi họp đột xuất, nếu em không giải được thì cứ cáo ốm ở nhà 1 tối có sao đâu " Nói rồi Quy thay đồ ra quán bia họp một mình đến hơn 11 giờ mới lò dó về nhà...
      Sau 5 năm đèn sách, nhờ uy tín của chồng, vợ Qui cũng có bắng tốt nghiệp phổ thông và từ nhân viên văn phòng vợ Qui được đề bạt lên phó phòng hành chính.
      Ngay từ khi còn làm trưởng phòng, Qui đã có một trợ thủ đắc lực. Đó là Cử nhân Đỗ Văn Ngâm. Khi Qui được bổ nhiệm là Giám đốc sở Qui hoạch thì Ngâm cũng được chuyển theo làm chuyên viên.
      Anh chàng Ngâm này cũng là sản phẩm của phong trào "học tốt". Bố mẹ Ngâm không thuộc diện " Ông, Cha ". Bố Ngâm là công nhân cơ khi, có tay nghề vững, lại có óc kinh doanh, nên gặp thời cửa ngõ mở toang, nhân dịp giảm biên chế, bố Ngâm xin nghỉ việc, lãnh 1 cục tiền thay cho lương hưu đủ để sắm bộ đồ nghề mở một cửa hiệu sửa chữa xe máy. Còn mẹ Ngâm là dân phe phảy, chuyên buôn bán tem phiếu, bấy giờ tem phiếu không còn, nên phụ với chồng buôn bán phụ tùng xe máy. Hai vợ chồng chịu thương chịu khó, chắt chiu từng đồng, sau 5 năm đã có của ăn, của để. Ngâm lại là con một nên đồng tiền đi trước, Ngâm lẽo đẽo theo sau, cuối cùng cũng có cái bằng cử nhân.  Ngâm vào sở Xây dựng làm  cán bộ dưới quyền Trưởng phòng Qui. Nhờ "mồm mép tép nhảy" nên chẳng bao lâu Ngâm trở thành cánh tay không thể thiếu của Qui
      Năm 1990 Giám đốc Sỹ nghỉ hưu, Qui chính thức nhận chức Giám đốc Sở Qui hoạch Kiến Trúc. và khi Qui làm Giám đốc thì Ngâm là chuyên viên cố vấn, cả hai như hình với bóng, không rời nhau nửa bước.
      Thời buổi này là thời dịch cúm của đất đai. Nhiệm vụ trong tâm của sở là làm qui hoạch cho đô thị. Qui đến đâu thì đất bị cúm đến đó. Thời đại hoàng kim của nghề kinh doanh đất đai bắt đầu.
      Có những khoảnh đất nông nghiệp, trên danh nghĩa là phân cho cơ quan này, trường học nọ để chia cho cán bộ công nhân viên. Cơ quan trường học phải tư tổ chức thu tiền, tự thương lượng với nông dân mua lại. Cơ quan nào mua xong rồi nếu "biết điều" với Ngâm thì sẽ được giải quyết giấy tờ đày đủ đến nơi đến chốn. Còn không thì ... chờ đấy. Có một trường học đã thu tiền của cán bộ giáo viên, đã thương lượng với dân mua bán xong xuôi. Chỉ vì ban tổ chức của trường này "khái tính", không biết điều với ai cả nên đã hơn 10 năm vẫn chưa xong chuyện giấy tờ
      Giám đốc Tiến sĩ Quy  thực chất thì ú ớ như một anh " thợ cày thất học", mọi việc đều do chuyên viên Ngâm cáng đáng, Các cuộc họp ở trên Ngâm đều đi theo với danh nghĩa "thư ký Giám đốc". Các cuộc họp ở cơ quan thí Qui khai mạc và bế mạc, còn mọi chuyện trong cuộc họp đều do Ngâm lèo lái.
      Nhờ cái gen con buôn của mẹ nên chỉ trong vòng 10 năm số "của chìm của Ngâm nếu không nhất nước thì cũng nhất vùng. Tiến sĩ Giám đốc Qui quá dốt, đến cái phương trình bậc hai còn không biết giải nên tuy là thủ trưởng cao nhất, vẫn bị Ngâm qua mặt chỉ ăn đồ thừa của Ngâm.
      Rồi mọi chuyện cũng bị phanh phui. Đó là vào năm 2003, có 1 khu đất ở rìa thành phố, theo qui hoạch thì con lộ lớn sẽ qua đây và trên khu đất sẽ có ít nhất 6 công trình dân cư cao tầng và 1 khu dành cho 16 biệt thự. Mọi chuyện sắp xếp cho đấu thầu đã được nhóm chuyên viên ở các cơ quan có liên quan trong đó có Ngâm tính toán chu đáo. Để chắc ăn, Ngâm bắn tin cho Lợi, thư ký của Bí thư Thành Ủy là sẽ dành cho Bí thư 1 khoảnh đất trong khu biệt thự vì Bí thư mới nhậm chức được hơn 1 năm chưa có nhà riêng.Đáng tiếc là thư ký Lợi chưa hiểu hết thủ trưởng của mình, nên đã phạm 1 sai lầm chết người.
      Trên đường về từ một huyện ngoại thành, trên xe ngoài lái xe, chỉ còn hai người Lợi khơi chuyện :
      - Thưa anh, anh về công tác đã hơn 1 năm, sao anh không đón chị và các cháu lên ở cùng cho tiện.
      - Bà ấy vốn dân quê, không thích về thành phố ồn ào, chật chội...
      - Thưa anh, trên khu đất đã quy hoạch mà Ủy ban đưa sang để anh cho ý kiến trước khi phê duyệt có tới 16 miếng đất để xây biệt thự, hay để em liên hệ xem có thể bớt 1 miếng cho anh...
      - Khu đất qui hoạch ấy là khu đất sẽ cho đấu thầu tất cả, có chỗ nào để chia cho cán bộ công nhân viên đâu , cậu làm thế nào mà xin được ?
      - Dạ, là để em hỏi xem có thể được không ?
      - Thôi đừng hỏi nữa, qui hoạch thế nào thì cứ thế mà làm...
      Về đến cơ quan, Bí thư suy nghĩ về đề nghị của viên thư ký. Ông lẳng lặng lục tìm những hồ sơ về cấp đất, bán đất trước đây. Sau mấy tháng tranh thủ đọc hết hồ sơ nọ đến hồ sơ kia, càng đọc cành thấy có nhiều bất cập. Giám đốc Công an thành phố vốn là bạn chiến đấu chí thiết với ông ở chiến trường miền Nam, nên ông đem những nghi ngờ của mình nói cho Giám đốc công an tại nhà riêng của ông ta và yêu cầu lẳng lặng điều tra.
      Phải hơn 1 năm sau cuộc điều tra mới kết thúc và những nghi ngờ của bí thư là đúng. Vụ tiêu cực này khá lớn, liên quan đến nhiều cá nhân có chức, có quyền, có cả những người đương chức và những người đã về hưu. Trong số mấy chục người bị xử lý, có Giám đốc Qui bị cách chức, cho về hưu non, chuyên viên Ngâm bị tù 3 năm.
      Giám đốc Qui lui về căn biệt thự ở ngoại thành. Bà vợ cũng xin nghỉ hưu non theo chồng. Với đống của chìm tích lũy được hai vợ chồng có thể nuôi hai đứa con cho đi học ở nước ngoài và khi chúng trưởng thành mỗi đứa được cấp 1 số vốn đủ để mở 1 công ty nho nhỏ nếu chúng muốn.
      Khi Ngâm bị bắt, nghe lời chồng, vợ Ngâm bán bớt 1 căn nhà lấy vốn mở tiệm may, chỉ giữ lại 1 căn duy nhất để ở, trên danh nghĩa là làm để nuôi 2 con khỏi phải ăn bám ông bà nội. Vợ Ngâm vốn là 1 phụ nữ đảm đang, lại khéo tay nên khi Ngâm mãn hạn tù trở về thì tiệm may của vợ Ngâm đã có tiếng có tăm, khá là phát đạt.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9