Xin bấm vào đây đọc ... Nguyên bài ... "Tết này có lẽ không về được"
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Trích đoạn bài : Galette Des Rois
Vừa xong Tết Tây là đến lễ Fête des Rois vào ngày mồng 6 tháng giêng Tây, nhưng thực sự kéo dài cả tháng. Người Pháp có tục hội nhau ăn bánh galette des Rois, một loại bánh nướng vỏ bằng bột mì trộn bơ cán từng lớp mỏng (mille feuilles) trong là hạnh nhân tán trộn với đường và trứng, có giấu một hột đậu hay một tượng nhỏ bằng sứ, ai nhận được trong phần bánh của mình là người ấy được bầu làm Vua, có vòng giấy trang kim đội đầu hẳn hoi. Có người sưu tập cả ngàn tượng nhỏ, nhiều cái rất đẹp. Năm tôi mới sang, không biết tục lệ này, đang nhai bỗng thấy "cộp" một cái, điếng hồn tưởng vỡ răng, tôi nhả ra một tượng sứ bé tí tẹo, còn đang ngơ ngác thì mọi người cười ồ và đội cho tôi cái "vương miện".
Sau Fête des Rois, chưa kịp thở, Tết ta đã đến sau lưng, lại một màn ăn uống, quà cáp, hội họp cả tháng vì không phải ngày lễ của Tây, không được nghỉ, nên phải đợi cuối tuần dân chúng mới tụ hội gặp nhau, hết nhà này mời đến nhà kia, hết Hội này đến Hội khác, chúng tôi không ăn Tết ba ngày hay bẩy ngày, Tết của chúng tôi kéo dài nhiều tuần, thường là bắt đầu ngay từ trước Tết vì nếu chậm không mời để người ta mời mất thì đành phải tổ chức vào những ngày khác xa Tết hơn, có nơi đến tháng ba vẫn còn gửi giấy mời đi ăn Tết, không ai ngạc nhiên cả.
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè...
Vui nhưng mệt. Cho nên bây giờ cứ sắp đến lễ Giáng sinh là tôi bắt đầu "sợ" : phải nhớ gửi thiếp chúc Tết không được quên ai, không được nhầm lẫn gửi thiếp giống nhau cho những người quen nhau, lại phải nhớ làm cơm mời người này, người kia... và hiểu thấm thía tại sao hồi bé khi chúng tôi háo hức mong chờ, Tết vui thích như thế mà mẹ tôi lại ngâm nga :
Tết đến sau lưng,
Con trẻ thì mừng, bác mẹ lo điên !
Do giao lưu văn hóa bây giờ người Pháp mỗi năm cũng chiếu mấy phút trên đài truyền hình cho xem người Tầu ăn Tết, múa lân ra sao... Tầu hay Việt-Nam đối với họ, nói chung, cũng thế cả chỉ những người có tiếp xúc nhiều với người Việt mới học đòi phân biệt, và cái họ phân biệt trước nhất là món ăn, phần đông rất thích cơm Việt-Nam vì không nhiều dầu mỡ như cơm Tầu, đặc biệt thích chả giò mà họ gọi là "nem" theo kiểu người Bắc. Có một hiệu Tầu (Hẩu Ký) ở Paris chuyên làm món ăn bán buôn cho các hiệu thực phẩm ở quận 13, không những bắt chước làm chả giò còn "ăn gian" : chả giò loại chỉ có thịt lợn thì gọi là chả giò Việt-Nam, trộn thêm một ít tôm cua, ngon hơn thì họ đề trên nhãn hiệu là "chả giò Trung quốc" ! Mấy chú "con Trời" quả là hay nhận vơ, chuyện chả giò của Việt Nam rành rành ra đấy ai cũng biết, "chả giò" thực của họ "dở ẹc", trong chỉ có giá và mỡ làm gì có cua và thịt thế mà họ dám trắng trợn nhận vơ trên nhãn hiệu, một nghìn năm nữa ai biết đấy là đâu, cứ gây được hoang mang cũng có lời rồi, cũng như chuyện trống đồng ! Người Pháp bất chấp, vẫn tiếp tục gọi "nem", và "nem" vẫn là của Việt-Nam, ai cũng biết.
Khi tôi mới sang Pháp ở Paris chỉ thấy có một hàng hoa chỗ chợ Maubert, quận 5, đon đả mời chào khách Việt-Nam mua hoa đào ngày Tết. Tôi đi qua họ gọi :"Mademoiselle, c'est le Têt ! C'est le Têt !" và chìa ra một bó hoa đào, thật ra là những cành hoa táo thẳng một gióng, bó lại thành bó. Họ bắt chẹt, bán rất đắt. Bây giờ thì ngoài chợ Tầu quận 13, các chợ vùng phụ cận Paris như Bourg-la-Reine, Châtenay-Malabry vv. mỗi lần Tết đến là các hàng hoa đều sẵn có hoa đào phục vụ khách da vàng. Có năm tôi chậm chân, hoa bán hết, về phàn nàn với hàng xóm là Tết mà không có hoa đào thì không phải là Tết. Tưởng nói chuyện chơi, không ngờ tối mịt mà họ còn điện thoại đi khắp vùng rồi phóng xe mua về một bó hoa to tướng cho tôi đỡ nhớ nhà !
Tết ở Paris ngày nay không thiếu thứ gì, từ bánh chưng bánh tét, giò lụa, giò bì, chả quế, đến rau răm, thìa là, giềng, nghệ, bánh mứt, thủy tiên, quất, nhãn, bưởi, đèn lồng, giấy đỏ với hàng chữ chúc tụng "kim ngọc mãn đường" hay "nhất bản vạn lợi"...
Song tôi vẫn cứ muốn nếm lại mùi vị Tết quê nhà. Có người làm tôi cụt hứng :"Bây giờ ở Việt-Nam không khí ngày Tết không tưng bừng như xưa đâu, không có chuyện đánh bóng đồ đồng, tủ chè, sập gụ, cũng không ai nấu bánh chưng, người ta đi làm, chiều về mới chạy vội đi mua bánh, sắm Tết !". Tôi chưng hửng. Một người khác bồi thêm :"Tết Hà-nội lạnh lắm, ở bên này quen có sưởi, về không chịu nổi đâu !". Tôi nửa tin nửa ngờ. Tôi sinh trưởng ở Hà-nội, còn lạ gì cái rét của Hà nội, bất quá 7 hay 8 độ, đã lấy gì làm buốt giá như ở Pháp, sao xưa kia tôi vẫn chịu được ? Còn những người Hà nội chính cống, sống ngay tại nơi "nghìn năm văn vật" thì cả quyết Tết vẫn vui, các hiệu vẫn đóng cửa, người ta vẫn mặc áo mới đi chúc Tết nhau, vẫn có hoa đào, hoa cúc, bánh chưng, dưa hành...
Đành rằng bây giờ tôi không đủ sức chống lạnh như xưa, sự đời tôi cũng đã từng trải, tôi không còn trông đợi một cái Tết "muôn mầu tươi sáng" của ký ức, Tết trong ký ức bao giờ cũng đẹp, như bánh trong ký ức bao giờ cũng ngon, nhưng biết đâu "đời hiu hiu xế tà" vẫn có thể "ngọt ngào như có vị đường", tùy ở mình, tùy ở cách nhìn đời và nhận định cuộc sống mà thôi.
Tôi nhất quyết về nếm mùi vị Tết quê hương nhưng trớ trêu là mấy lần về, lần nào tôi cũng hụt ăn Tết. Năm nay (2003) loay hoay thế nào tôi cũng lại chọn về vào Tết Trung thu, được ăn bánh dẻo, cốm tươi, xem múa sư tử, nhưng không có cái không khí Tết nguyên đán, cho hay "người định không bằng Trời định". Chẳng nhẽ một năm về hai lần ? Thành thử Tết này lại cũng "không về được", đành khất đến lần sau vậy. "Promis, juré !" (Hẹn và thề như thế !)".
Châtenay-Malabry, tháng 12, 2003
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Bính (1918-66), Xuân tha hương, Tuyển Tập Nguyễn Bính. Hà nội : Văn Học, 1986.
Mấy câu thơ trong bài tôi chép theo trí nhớ, hơi khác với bài trích trong Tuyển Tập :
Tết này chưa chắc em về được,
Em gửi về đây một tấm lòng.
Ôi ! chị một em, em một chị,
Giời làm xa cách mấy con sông.
Em đi dang dở đời sương gió,
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung...
Theo Tuyển Tập thì bài đăng báo lần đầu dài một trăm câu, sau Ngưyễn Bính sửa, rút ngắn, in trong Nước Giếng Thơi, rồi người biên soạn Tuyển Tập lại bớt thêm tám câu nữa. Có lẽ bài tôi đọc là bài in lần đầu ?
(2) Lan Sơn (1912-1964/5 ? ), Tết và người qua, Thi Nhân Việt Nam, của Hoài Thanh và Hoài Chân, 1940 ; Saigon : Hoa Tiên tái bản lần thứ hai, 1968.
Phạm Thanh, tác giả Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại (do Sống Mới tái bản nhưng không đề năm), trong Tập I I, cho biết "nghe nói" Lan Sơn mất "cách đây bốn hay 5 năm". song không chua rõ ngày tháng nên không hiểu "đây" là năm nào. Dựa vào bài "Cảm đề" của tác giả ghi năm 1959 in ở đầu tập I, tôi đoán Lan Sơn mất khoảng 1964.
(3) Thơ Minh Khuê, mất năm 13 tuổi.
(4) Mấy câu này trích một bài thơ Tết, không nhớ tên tác giả :
Sáng hôm mồng một Tết,
Đèn nến thắp sáng trưng,
Bà tôi ngồi trong ổ,
Mặc áo đỏ cho tôi...
(5) Lá vàng úa dần trên những hàng cây run rẩy ... của Anatole France (1844-1924), giải Nobel 1921, Le Livre de Mon Ami.
(6) Trường Agronomie dạy Nông nghiệp, một trong những trường nổi tiếng của Pháp, thi vào khó.
(7) Vì chiến tranh, tôi thành học muộn, phải nhẩy lớp để thi tú tài, nhà trường cho là thiếu căn bản không nhận vào ban Toán.
(8) Ca dao
(9) Theo Tuyển Tập Tản Đà, Hà nội : Văn Học, 1986, thì năm 1923 Tản Đà (1888-1939) có làm bài thơ đăng báo :
Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn, con đường thì xa.
Người đi ta ở lại nhà,
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.
Ít lâu sau nhận được một bó rau sắng (một thứ rau lá nhỏ, nấu canh không cần thịt cũng ngọt) gửi qua Bưu điện kèm với bài họa :
Kính dâng rau sắng chùa Hương,
Đỡ ai tiền tốn, con đường đỡ xa.
Không đi thì gửi lại nhà,
Cho dưa khỏi khú, cho cà khỏi thâm.
Đồ Tang nữ bái tặng
(10) Vũ Hoàng Chương (1916-76), Đời tàn ngõ hẹp, Mây. Saigon tái bản, 1959.
[a] Bồn nước ở Boulevard Saint Michel - khu Quartier Latin
Cây vào cuối đông dọc theo sông Seine, một ngày sáng nắng (13/03/2005).
© http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.net Nguyễn Thị Chân Quỳnh