HIV/SIDA (AIDS)
HongYen 17.09.2003 16:06:22 (permalink)

Thảm họa AIDS tại Đông Âu và Trung Á? (BBC, 9/16/2003)

Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Đông Âu phải chú ý hơn nữa tới AIDS
Ngân Hàng Thế Giới thúc giục các chính phủ Đông Âu và Trung Á phải cam kết hơn nữa về mặt chính trị để tránh một đợt dịch bệnh HIV/AIDS có thể xảy ra và có tác hại khốc liệt.

Khối các nước trước đây theo Cộng sản tại Ðông Âu là khối các nước có mức độ lây lan nhanh nhất hiện nay.

Theo như báo cáo, 1.2 triệu người hiện đang sống với HIV/AIDS tại Đông Âu và Trung Á. Vào cuối thập kỷ này, con số này có thể lên tới 8 triệu, mà đó còn là con số lạc quan.

Nhà nghiên cứu hàng đầu của Ngân hàng Thế giới, Tiến sĩ Olusoji Adeyi, khuyến cáo rằng nếu không có hành động trong vòng vài năm nữa, các khu vực này có thể sẽ phải đương đầu với những thảm hoạ mà Nam Phi hiện đã phải gánh chịu.

Ông nói: " Tình hình có vẻ tồi tệ. Nó có chiều hướng còn trở nên xấu hơn, vô cùng tồi tệ ấy. Không nghi ngờ gì nữa, đây có thể sẽ là một đại dịch kinh khủng, chắc chắn như vậy" .

Hậu quả cho con người chắc chắn sẽ là vô cùng lớn và có thể còn tồi tệ hơn cả điều người ta nghĩ.

Nhưng ngoài ra, còn các thiệt hại có thể có đối với nền kinh tế và xã hội của khu vực này, là những điều mà những người hoạt động về cứu trợ, như Rian Van de Braak, Tổng giám đốc của Quỹ phòng chống AIDS Đông-Tây, tổ chức hoạt động tại khu vực này, lo ngại.

Bà nói: " Cuộc đời của những người trẻ tuổi sẽ bị tàn phá, nhưng tôi nghĩ rằng một nước như Nga, vốn cần tiềm năng trẻ của họ để xây dựng đất nước, thì sẽ phải chịu tác động khủng khiếp trong chuyện thanh niên của họ cứ bị bệnh và chết đi" .

Do đó, Ngân hàng thế giới đã đưa ra báo động này. Họ muốn phải thấy nhiều tiền bạc, công sức, và nỗ lực chính trị tập trung vào giải quyết vấn đề này trước khi nó trở thành quá muộn.

Tuy vậy, điều này không hề dễ dàng. Tiến sĩ Adeyi nói: " Nếu chúng ta xem xét toàn bộ chi phí mà chúng ta có, chẳng hạn ước tính cho năm 2001 là khoảng 300 triệu đola. Theo như ước tính và dự đoán của chúng tôi, để có được sự kiểm soát quyết định trong khu vực này, tổng chi phí vào năm 2007 sẽ phải tăng lên tới khoảng 1.5 tỉ đôla" .

Tuy nhiên, tin tốt lành là một số lượng rất lớn dân số tại đây vẫn chưa bị nhiễm virus HIV. Điều mấu chốt là phải giữ được chuyện này.

Bà Rian Vand De Braak nói họ hi vọng rằng có thể tạo ra được sự khác biệt tại những khu vực này, vì người dân tại đây được giáo dục tốt, cơ sở hạ tầng để trao đổi thông tin cho công chúng là rất nhanh, nhưng rõ ràng, người ta cần phải có cả ý chí chính trị để thực hiện điều này

Các chính trị gia trong khu vực đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề thúc bách, từ tội phạm tới tham nhũng, và việc tái cơ cấu lại đất nước họ sau hàng bao nhiêu năm nằm dưới bức màn sắt.

Ngân hàng Thế giới đang hi vọng rằng báo cáo này sẽ tập trung sự chú ý của mọi người trước khi một thảm hoạ như ở Nam Phi có thể lặp lại trên toàn khu vực này.
#1
    Asin 26.09.2003 09:40:09 (permalink)
    "Ðến năm 2005, đảm bảo ít nhất 90% và đến năm 2010 đảm bảo ít nhất 95% thanh thiếu niên (TTN) trong độ tuổi 15-24 tiếp cận được với thông tin, giáo dục về HIV/AIDS, kể cả giáo dục đồng đẳng và giáo dục HIV/AIDS chuyên biệt; cung cấp các dịch vụ cần thiết cho TTN để phát triển kỹ năng sống, làm giảm tính dễ cảm nhiễm của họ đối với HIV; Ðảm bảo mối quan hệ mang tính đối tác toàn diện giữa các bậc cha mẹ, gia đình, nhà giáo dục, nhân viên chăm sóc sức khỏe... với TTN trong dự phòng HIV/AIDS".
    Tuyên bố cam kết phòng, chống HIV/AIDS tại Khóa họp đặc biệt của Ðại hội đồng Liên hiệp quốc về HIV/AIDS ngày 25-27/6/2001


    Hơn 20 năm qua, kể từ khi bị các nhà khoa học Evạch mặt chỉ têne, HIV vẫn Ekiên trìe tấn công loài người. Ðến nay, có thể nói, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có báo cáo về sự xuất hiện và gia tăng của dịch. Và cũng có thể nói, không còn nhóm xã hội nào, lớp người nào chưa bị HIV Exâm nhậpe. Nhưng, trong đó, TTN vẫn là lớp người dễ cảm nhiễm nhất với HIV, đồng thời họ cũng là lớp người chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch HIV/AIDS.
    Tính chung trên thế giới, trong vòng vài năm trở lại đây, bình quân mỗi ngày có 7.000 TTN, hay mỗi phút có 5 TTN tuổi từ 10-24 bị nhiễm HIV. Mỗi năm có khoảng nửa triệu trẻ em dưới 15 tuổi chết do AIDS. Mỗi năm, số TTN nhiễm HIV ở châu Phi là 1,7 triệu, với khoảng 530.000 trẻ em sinh ra đã bị nhiễm HIV từ mẹ, chiếm 90% tổng số trẻ sinh ra đã nhiễm HIV trên toàn thế giới. Còn ở khu vực châu á- Thái Bình Dương mỗi năm có khoảng 700 ngàn TTN nhiễm HIV.

    ở nước ta, theo kết quả giám sát và phát hiện, tính đến ngày 30/9/2001, cả nước đã phát hiện được 41.030 người nhiễm HIV, tăng thêm 7.047 người so với cuối năm 2000, trong đó có 6.138 ca đã chuyển thành AIDS (tăng 941 ca) và 3.372 người đã chết do AIDS (tăng 521 người).

    Tuy còn ở mức độ thấp, nhưng tình hình nhiễm HIV trong TTN Việt Nam cũng tương tự như xu hướng chung của thế giới, đó là xu hướng gia tăng nhiều ở lứa tuổi trẻ. Trong số hơn 41.000 người nhiễm HIV được phát hiện từ năm 1990 đến nay, có khoảng 68% nằm trong độ tuổi dưới 30. Cụ thể hơn, đối với nhóm tuổi từ 13-19, tỷ lệ này tăng từ 5% (trong tổng số người nhiễm được phát hiện) vào năm 1997, lên 6,4% (năm 1998); 7,9% (năm 1999); 11% (năm 2000) và đến tháng 9/2001 đạt mức 9,6%.

    So với nhóm tuổi 13-19 (nói trên), nhóm tuổi từ 20-29 có tốc độ lây nhiễm HIV tăng nhanh hơn nhiều, từ 29% năm 1997 lên 55,6% năm 1999; 58,4% năm 2000 và 9 tháng đầu năm 2001 đạt tỷ lệ 60,5% trong tổng số người nhiễm HIV được phát hiện được trong năm.

    Phân tích số liệu báo cáo trong vài năm trở lại đây, chúng tôi thấy xu hướng "trẻ hóa" đối tượng nhiễm HIV ở nước ta ngày càng thể hiện rõ nét. Tỷ lệ người nhiễm ở độ tuổi dưới 29 không ngừng gia tăng, từ 16,97% vào năm 1993, lên 22,7% (năm 1994), 25,3% (năm 1995), 33,9% (năm 1996), 55% vào năm 1997...; 66,3% năm 2000 và 9 tháng đầu năm 2001 lên tới 70,1%.

    Xu hướng "trẻ hóa" này cảnh báo một tác động nguy hại của đại dịch HIV/AIDS trong thời gian không xa ở Việt Nam, vì TTN là lớp người vừa chưa hoàn thiện về mặt thể chất, càng chưa hoàn thiện về mặt xã hội, do vậy họ hay "sa ngã", hay bị "rủ rê, lôi kéo", hay "tò mò, bắt chước"... hoặc thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh, độ "tỉnh táo" cần thiết để đối phó với các nguy cơ dẫn đến hành vi lây nhiễm HIV/AIDS. Mặt khác, đây còn là độ tuổi có đời sống tình dục và sinh sản mạnh, là lực lượng lao động đã hoặc đang được đào tạo, rất quan trọng đối với mỗi gia đình và xã hội. Các yếu tố trên, một mặt làm tăng khả năng lan truyền HIV/AIDS trong TTN; mặt khác sẽ gây nên những khó khăn về nguồn nhân lực cho sự phát triển và ảnh hưởng xấu đến tương lai, đến giống nòi dân tộc...

    Trong vấn đề HIV/AIDS, ngoài một số đặc tính chung đã được "điểm qua" trên đây, chúng ta cần quan tâm đến những đặc điểm "cụ thể" mang đầy tính nguy cơ của giới trẻ. Ví dụ như:

    - Tính tích cực tình dục của TN: không những chỉ đối với một bạn tình ổn định, mà họ còn rất dễ thay đổi bạn tình.

    Theo một kết quả điều tra năm 1998 của Học viên TTN Việt Nam cho thấy 21,1% các em còn đi học đã có người yêu, trong số những em này thì 10,4% đang ở độ tuổi 14; 28,5% ở tuổi 16; 37,5% ở độ tuổi 17.... 7,91% nam và 33,1% nữ ở độ tuổi từ 15-18 trả lời rằng có thể chấp nhận được quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên (<18 tuổi); 11,6% đồng ý coi tình dục chỉ là vấn đề bản năng và 3,4% cho tình dục chỉ là để giải trí; 29,8% trong số vị thành niên đã yêu (nói trên) cho biết là đã có quan hệ tình dục... Hay theo một nghiên cứu của Phân viện Báo chí tuyên truyền (năm 1999-2000) tại một số trường đại học ở Hà Nội thì 64,5% cho biết trong trường của họ có hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trong số những sinh viên tự nhận đã có quan hệ tình dục thì 62,8% cho biết Eđối tượng quan hệ" là người yêu; 13,6% là bạn bè và 2,6% là với các "đối tượng khác"...

    Tình hình tương tự cũng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Theo tài liệu của UNAIDS thì khoảng 53% TTN ở Greenland, 38% ở Ðan Mạch, 69% ở Thụy Ðiển đã có quan hệ tình dục từ tuổi 15; 54,1% TN ở Mỹ, 31% ở New Zealand, 51,6% ở úc... đã có quan hệ tình dục từ năm 18 tuổi... UNAIDS cho rằng, nói chung, đa số thanh niên ngày nay đã bắt đầu có quan hệ tình dục từ năm 16 tuổi và mức độ thay đổi bạn tình của họ cũng ngày càng tăng. Thêm vào đó, họ còn bị tác động của phim ảnh, truyện tình có tính kích dục dành cho người lớn... từ các phương tiện truyền thông đủ loại, trong đó có Internet. Hơn thế nữa, khi họ sa vào nghiện ma túy hay nghiện rượu, ngoài các nguy cơ trực tiếp do hành vi sử dụng ma túy mang lại, ma túy hay rượu ở một mức độ nhất định còn làm tăng năng lực tình dục của họ. Ðiều này góp phần lý giải tại sao ở rất nhiều nước có tới 60% số người nhiễm HIV mới còn đang ở độ tuổi 15-24 và sự lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTÐTD) cũng rất thường gặp ở độ tuổi 20-24, tiếp theo là ở độ tuổi 15-19.

    - TTN thường ít hiểu biết về các nguy cơ đối với sức khỏe do các hành vi không an toàn, nhất là các hành vi tình dục mang lại. Theo một nghiên cứu về sức khỏe sinh sản vị thành niên (VTN) của ủy ban Quốc gia về Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (năm 1999) thì chỉ có 42,9% (trong số 1005 VTN trả lời) cho rằng có thể gặp người nhiễm HIV ở địa phương mình. Tỷ lệ này đối với các bệnh LTÐTD khác còn ít hơn nhiều, chỉ là 29,4%. Hay 30% VTN không biết đến nạo phá thai để lại hậu quả xấu. Hoặc 25,5% VTN không biết một bệnh lây truyền qua đường tình dục nào. Tương tự như vậy cũng có tới 28,8% VTN không biết một biện pháp phòng tránh bệnh LTÐTD nào... Mặt khác, hiện nay, ở nước ta có khoảng trên 1 triệu ca nạo phá thai (được thực hiện tại các cơ sở y tế nhà nước), trong đó có khoảng trên 20% (trên dưới 200.000 ca) nạo hút thai đang ở tuổi VTN và tỷ lệ có thai, sinh đẻ ở lứa tuổi VTN vào khoảng 5,7%...

    - Một nghiên cứu khác về nguy cơ mắc các bệnh LTÐTD trên thế giới do UNAIDS tổng kết và giới thiệu đã đưa ra một số kết luận đáng được chúng ta quan tâm:

    + Hầu hết vị thành niên (VTN) không hiểu biết về các bệnh LTÐTD, ngay cả VTN đã có hoạt động tình dục.

    + Hay có biết về các bệnh này, nhưng VTN có hoạt động tình dục lại không thường xuyên dùng bao cao su (BCS).

    + VTN càng tham gia hoạt động tình dục sớm bao nhiêu, càng hay thay đổi bạn tình bấy nhiêu.

    + Do VTN nữ có cấu tạo cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh nên dễ bị sây xước (nhất là trong trường hợp bị cưỡng dâm, mà các trường hợp này lại hay xảy ra).

    + Trong khi đó họ lại rất khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Do khi mắc bệnh LTÐTD họ thường xấu hổ, ngại đến các cơ sở chữa bệnh. Họ thường tự mua thuốc về chữa (theo sự mách bảo của bạn bè) hoặc tìm đến các Elang băme... Rút cục, bệnh không những không khỏi mà còn trở nên mạn tính và gây ra nhiều tác hại đối với chức năng sinh sản.

    - ở độ tuổi các em, một vấn đề đáng lưu ý nữa là các em rất dễ chịu sự tác động của bạn bè. Ðiều này có hai mặt. Nếu là sự tác động tích cực từ các bạn tốt, các em có thể làm được nhiều việc có ích. Ngược lại, nếu là tác động tiêu cực từ các bạn xấu, các em rất dễ bị sa ngã và thực hành các hành vi nguy cơ. Hầu hết các nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy ở TTN đều cho kết quả rằng, khoảng 30% là do "tò mò, bắt chước" và cũng chừng ấy phần trăm là do "bạn bè rủ rê"...

    - Tình hình sử dụng ma túy trong TTN vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại: Theo báo cáo của các địa phương thì hiện nay, nạn lạm dụng ma túy xảy ra chủ yếu trong đối tượng TTN, tỷ lệ trung bình khoảng 65% người nghiện ma túy ở độ tuổi dưới 30, có nơi (ở một số tỉnh phía Bắc) tỷ lệ này lên tới trên dưới 90%, trong đó số lượng học sinh, sinh viên nghiện ma túy hiện có khoảng trên dưới 2000 em... Ðiều đáng quan tâm là, tuy hầu hết TTN biết nguy cơ lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy, nhưng trên thực tế họ vẫn dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy, vì theo họ "để vứt đi cho tiện và đỡ bị phát hiện". Hơn nữa, họ chỉ biết sợ lây nhiễm khi còn tỉnh táo, chứ khi cơn nghiện "ập đến" thì họ chỉ cần có thuốc, chứ không quan tâm đến việc dùng chung hay riêng bơm kim tiêm...

    - Nhận thức của TTN về HIV/AIDS nhìn chung có tăng lên, nhưng chưa đầy đủ và còn nhiều phiến diện.

    Gần đây, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trên đối tượng là học sinh phổ thông (HS) ở 5 tỉnh, đại diện cho các vùng miền, khu vực và nhận thấy: đại bộ phận HS (gần 90%) đã có được những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, như mức độ nguy hiểm, các đường lây truyền chủ yếu..., tuy nhiên vẫn còn khá nhiều HS (15,6% ở lớp 6; 7,5% ở lớp 10 và 3% ở lớp 12) không biết HIV lây qua đường tiêm chích- một con đường nguy hiểm nhất và dễ lây nhất hiện nay ở nước ta.

    Tương tự như vậy, đại đa số (trên 70%) HS biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS và càng ở lớp cao hơn thì tỷ lệ HS biết cách phòng tránh càng cao. Nhưng, vẫn còn rất nhiều HS (trên dưới 20%) chưa nắm được, trong đó có những cách phòng tránh rất quan trọng đối với các em thì lại có số HS không biết nhiều nhất, như quan hệ tình dục lành mạnh (có 37,2% HS lớp 6; 23% HS lớp 10; 16,5% HS lớp 12 không biết); hay như với biện pháp khử trùng dụng cụ xuyên chích qua da (có 24,6% HS lớp 6; 14% HS lớp 10; 17,1% HS lớp 12 không biết); hay biện pháp dùng bơm kim tiêm sạch (có 35,2% HS lớp 6; 12% HS lớp 10; 6,9% HS lớp 12 không biết)... Trong khi đó, đây chính là những kiến thức cơ bản nhất, cần nhất đối với các em trong cuộc sống hàng ngày để có thể tự phòng tránh HIV/AIDS...

    - Cần lưu ý thêm rằng, những mặt tiêu cực trong đạo đức lối sống của một bộ phận TTN còn nhiều điều đáng lo ngại, như: ý thức tập thể, tinh thần cộng đồng, tính tích cực xã hội... bị suy giảm; hành vi tôn trọng trật tự công cộng còn yếu; số TTN phạm tội, số TTN sử dụng ma túy, hút thuốc lá, uống rượu bia, vẫn chưa giảm... đều có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến lây nhiễm HIV/AIDS.

    Nếu các yếu tố nguy cơ trên chậm được khắc phục thì sự lan nhiễm HIV/AIDS trong TTN ngày càng trở nên đáng báo động, nhất là khi mật độ người nhiễm HIV trong cộng đồng tăng lên (khi đó xác suất họ gặp phải bạn tình hay bạn chích ma túy đã nhiễm HIV sẽ tăng lên).

    Ðó chính là lý do tại sao, tiếp theo chủ đề "Bảo vệ trẻ em trong một thế giới có AIDS" trong năm 1997, Chương trình Phòng chống AIDS toàn cầu chọn chủ đề cho năm 1998 là Chiến dịch AIDS toàn cầu cho TTN-động lực để thay đổi tình hình dịch và cho năm 1999 là Chiến dịch AIDS toàn cầu cho TTN- Hãy lắng nghe, Hãy học hỏi, Hãy sống... Và từ đó đến nay, trong dự phòng HIV/AIDS, nước ta và các nước khác trên thế giới đều tập trung sự chú ý vào đối tượng TTN.

    Gần đây nhất, trong Tuyên bố cam kết phòng, chống HIV/AIDS được các nhà lãnh đạo của hơn 180 nước nước thông qua tại Khóa họp đặc biệt của Ðại hội đồng Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (diễn ra từ ngày 25-27/6/2001) dự họp đã đặt ra một trong những mục tiêu phấn đấu là: "Ðến năm 2005, đảm bảo ít nhất 90% và đến năm 2010 đảm bảo ít nhất 95% TTN trong độ tuổi 15-24 tiếp cận được với thông tin, giáo dục về HIV/AIDS, kể cả giáo dục đồng đẳng và giáo dục HIV/AIDS chuyên biệt; cung cấp các dịch vụ cần thiết cho TTN để phát triển kỹ năng sống, làm giảm tính dễ cảm nhiễm của họ đối với HIV; Ðảm bảo mối quan hệ mang tính đối tác toàn diện giữa các bậc cha mẹ, gia đình, nhà giáo dục, nhân viên chăm sóc sức khỏe... với TTN trong dự phòng HIV/AIDS". Ðó cũng chính là những đường hướng quan trọng nhất nhằm làm cho TTN hiểu và tạo điều kiện cho TTN thích ứng được với một thế giới đang có AIDS. Nghĩa là, chúng ta phải giúp TTN có được thông tin đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, cụ thể hơn, dễ hiểu hơn, dễ nhớ hơn về HIV/AIDS; về cách phòng tránh, cách chăm sóc và tư vấn HIV/AIDS; cách tổ chức và tham gia các hoạt động phòng chống AIDS. Ðồng thời các cấp, các ngành cần tăng cường phối hợp hành động để làm hạn chế, tiến tới loại bỏ được các yếu tố nguy cơ nêu trên thì chúng ta mới có hy vọng bảo vệ an toàn được cho TTN trước sự tấn công của HIV/AIDS.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9