Kinh dịch - Nguyễn Hiến Lê
Huyền Băng 17.09.2005 23:27:13 (permalink)
Nói đến Kinh dịch do Nguyễn Hiến Lê biên soạn, trước tiên phải nói đến tiểu sử của ông.
HB xin được chép vào đây tiểu sử của Nguyễn Hiến Lê theo tài liệu biên soạn.

HỌC GIẢ NGUYỄN HIẾN LÊ
(1912-1984)


    Nguyễn Hiến Lê tự là Lộc Đỉnh, sinh ngày 8 - 1 - 1912, quê làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Hồ Sơn Bình)

    Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, thuở nhỏ học tại trường Yên Phụ, Trường Bưởi, Trường Cao đ8ảng Công chánh Hà Nôi. Năm 1934 tốt nghiệp làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên có điều kiện hiểu biết về đất nước và con người ở các địa phương thuộc khu vực nạy Sau cách mạng Tháng Tám, ông bỏ đời sống công chức , đi dạy học ở Long Xuyện Năm 1952 thôi dạy, lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và sống bằng ngòi bút.

    Những năm trước 1975 tại Sài gòn, Nguyễn Hiến Lê là một trong vài người cầm bút được giới trí thức quí mến về tài học, nhân cách đối với xã hội cũng như trong học thuât. trong đời cầm bút của mình trước khi mất, ông đã xuất bản được đúng 100 bộ sách, về nhiều lĩnh vực: Văn học, Ngôn ngữ học, Triết học, Tiểu luận phê bình, Giáo dục, Gương danh nhân, Du kí, dịch tiểu thuyết...Do thành quả lao động nghiêm cẩn của mình, ông được nhiều người trân trong. Những năm 60,70 chính quyền Sài gòn đã tăng ông "Giải thưởng văn chương toàn quốc", "Giải tuyên dương sự nghiệp văn học", với một ngân phiếu lớn (tương đương mấy chục lượng vàng). Ông đã công khai từ chối với lý do "dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh" và bản thân tác giả không hề dự giải .

    Tác phẩm của ông là những đóng góp lớn cho văn hóa Việt Nam. Năm 1980 ông về ẩn cư ở Long Xuyên, rồi bệnh mất ngày 22-12-1984 tại Sài Gòn, hỏa thiêu ở Thủ Đức, hưởng thọ 72 tuổi.

    Các tác phẩm tiêu biểu của ông:

    Lịch sử thế giới, Đông Kinh nghĩa thục, Bán đảo Ả Rập, Văn minh Ả rập, Sử Trung Quốc, Lịch sử văn minh Trung quốc, Nguồn gốc văn minh... Đại cương văn học sử Trung Quốc, Văn học hiện đại Trung Quốc, Cổ văn Trung Quốc, Hương sắc trong vườn văn, Luyện văn, Sử kí Tư Mã Thiên, Chiến Quốc sách, Tô Đông Pha, Đại cương Triết học Trung quốc, Mạnh Tử, Liệt Tử và Dương Tử, Nhà giáo họ Khộng Để hiểu văn phạm, khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Gương danh nhân, Gương hy sinh, Gương kiên nhẫn, Ý chí sắt đá, Gương phụ nữ, Những cuộc đời ngọai hạng, Tìm hiểu con chúng ta, Thế hệ ngày mai...

    Kể từ năm 1975 đến năm mất (1984) ông viết thêm được trên 20 tác phẩm dài hơi (phần lớn về Trung Quốc học) như:
    Mặc học, Hàn Phi Tử , Trang Tử, Kinh Dịch, Đạo của người quân tử, Hồi Ký...Tuân Tử, Golgol, Chekhos, và một tác phẩm lớn về Sử Trung Quốc.

    (Theo từ điển nhân vật lịchsử Việt Nam - NXBKHXH)


    ************

    LỜI NÓI ĐẦU

    Nguyễn Hiến Lê


    Tôi viết tập này chủ ý để hướng dẫn các bạn muốn tìm hiểu triết lý trong Kinh Dịch, tức vũ trụ quan, nhất là nhân sinh quan, cách sử thế trong Kinh Dịch mà tôi gọi là Đạo Dịch, đạo của bậc chính nhân quân tử thời xưa .

    Vì vậy tôi bỏ bớt phần bói tóan, huyền bí và rán trình bày một cách có hệ thống, sáng sủa tư tưởng của cố nhân.

    Mặc dầu vậy, sách vẫn khó đọc, và để cho các bạn đỡ tốn công, tôi xin có ít lời hướng dẫn dưới đây.

    Việc đầu tiên là đọc Bảng Mục Lục để biết qua ba nội dung của sách .

    Sách gồm 2 phần:

    - Phần 1: Giới thiệu, có 6 chương, từ I đến VI.
    - Phần II: Kinh và truyện: Kinh thì tôi dịch tròn 64 quẻ, Truyện thì chỉ dịch Hệ từ truyện.

    Phần I - Chương I và II quan trọng, bạn nên đọc kỹ:

    - Chương III đọc để nhớ và hiểu được ý nghĩ Kinh Dịch.
    - Chương IV rất quan trọng, nên đọc rất kỹ, chỗ nào không hiểu thì đánh đấu ở ngòai lề để sau coi lại.

    Đọc xong Chương IV rồi, nên hãy tạm nhảy chương V và VI mà đọc tiếp ngay bản dịch 64 quẻ trong phần II.

    Mỗi ngày chỉ đọc 2,3 quẻ thôi, đọc kỹ cho hiểu . Đọc được độ mươi quẻ thì những quẻ sau sẽ thấy dễ hiểu.

    Chương IV giúp bạn hiểu 64 quẻ, mà 64 quẻ cũng giúp bạn hiểu thêm chương IV, vì vậy trong khi đọc 64 quẻ bạn nên thường tra lại chương IV, lúc đó bạn sẽ hiểu những chỗ đã đánh dấu ở ngoài lề mà lần đầu tiên bạn chưa hiểu .

    Công việc đó xong rồi, bạn đọc kỹ Chương V và VI Phần I và lúc này bạn hiểu được ý nghĩa trong hai chương quan trọng đó, nhất là Chương VI. Đọc lần đầu dù kỹ tới đâu cũng chưa gọi là hiểu hết, nhất là chưa nhớ được gì nhiều .

    Nghĩ một thời gian, bạn nên đọc lại lần thứ nhì, lần nầy mau hơn lần trước.

    Rồi lâu lâu bạn nên coi lại những chỗ bạn cho là quan trọng cần nhớ .
    Muốn hiểu thêm Kinh Dịch, bạn nên tìm đọc những sách tôi đã giới thiệu trong cuốn sách nầy.

    Cách tìm một quẻ.

    Mỗi quẻ có số thứ tự của nó trong kinh, thành phần và tên.

    Ví dụ: Quẻ (hình quẻ hai âm, hai dương, hai âm) số thứ tự là 62, thành phần là Lôi (hai âm, một dương) ở trên, Sơn (một dương hai âm) ở dưới, tên là Tiểu Quá.


    **********

    CHƯƠNG I

    NGUỒN GỐC KINH DỊCH VÀ NỘI DUNG PHẦN KINH


    NGUỒN GỐC:

    Một sách bói mà thành sách triết.

    Khắp thế giới có lẽ không có bộ sách nào kỳ dị như bộ Kinh Dịch.

    Nó là một trong ba bộ kinh cổ nhất của Trung hoa, sau Kinh Thi và Kinh Thư, nhưng nguồn gốc của nó - tức bát quái - thì có thể sớm hơn vào cuối đời Ân, 1.200 năm trước Tây Lịch.

    Nó không do một người viết mà do nhiều người góp sức trong một ngàn năm, từ Văn Vương nhà Chu mãi đến đầu đời Tây Hán nó mới có hình thức gần như hình thức ngày nay chúng ta được biết từ Tây Hán đến nay, trên 2.000 năm nữa, thời nào cũng có người tìm hiểu nó thêm, đem ý riêng của mình và tư tưởng của thời đại giọi vào nó, khiến cho ý nghĩa và công dụng của nó mỗi ngày một nhiều và một xa nguồn gốc.

    Do đó, không thể gọi nó là tác phẩm của một nhà nào cả, không phải của Khổng gia cũng không phải của Lão gia, và Vũ Đồng, tác giả bộ Trung Quốc triết học đại cương (Thương vụ ấn thư quán) gọi nó là tác phẩm chung của một phái, phái Dịch học, mà những người trong phái nầy gồm nhiều triết gia xu hướng khác nhau.

    Mới đầu nó chỉ là sách bói, tới cuối đời Chu thành một sách triết lý tổng hợp những tư tưởng về vũ trụ quan, nhân sinh quan của dân tộc Trung Hoa thời Tiên Tần; qua đời Hán nó bắt đầu có màu sắc tượng số học, muốn giải thích vũ trụ bằng biểu tượng và số mục, tới đời Ngũ Đại nó được dùng trong môn lý số đời Tống nó thành lý học; ngày nay một số nhà bác học phương Tây như C.G Jung tâm lý gia nổi danh của Đức và Raymond de Becker (Pháp) muốn dùng nó để phân tích tiềm thức con người, coi nó là một phương pháp phân tâm học.

    Điều kỳ dị nhất là môn "dịch học" nó chỉ dựng trên thuyết âm dương , trên một vạch liền ________ tượng trưng cho dương, một vạch đứt ___ ___ tượng trưng cho âm, hai vạch đó chồng lên nhau, đổi lẫn cho nhau nhiều lần thành ra tám hình bát quái, rồi tám hình bát quái này lại chồng lẫn lên nhau thành sáu mươi bốn hình mới:Lục thập tứ quái .
    Dùng sáu mươi bốn hình này, người Trung Hoa diễn được tất cả các quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh, từ những hiện tượng trên trời dưới đất, những luật thiên nhiên tới những đồ dùng, những công việc thường ngày như trị nước, ra quân, trị nhà, cưới hỏi, ăn uống , xử thế...

    Các ông "Thánh" Trung Hoa đó quả thực có một sáng kiến mới mẻ, một sức tưởng tượng, suy luận lạ lùng, khiến người phương Tây ngạc nhiên và có người Âu (J.Lavier) đã dùng một vài quẻ để giải thích một vài hiện tượng khoa học, sự tiến triển của khoa học.

    Sự kiện dùng hai vạch để giảng vũ trụ, xã hội đó thật ít ai quan niệm nổi, cho nên ngay người Trung Hoa đã tạo ra nhiều truyền thuyết để giải thích nguồn gốc Kinh Dịch.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.02.2006 00:05:42 bởi NuHiepDeThuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 4 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9