RE: Vương vấn mùi hương
-
12.11.2011 16:51:45
Mùi thương nhớ
Một bài ca mà người Việt ở nước ngoài thường hát, cách đây khoảng 20 năm có câu: "Sài Gòn ơi ! ...Tôi đã mất Người trong cuộc đời". Chữ Người ở đây đã được nhân cách hóa. Thật ra, đấy là một nơi nào đó trong thành phố, hoặc một địa điểm gần nhà. Dù thế nào, nơi ấy đã để lại một dư âm, dư hương hằn sâu nơi tình cảm của một con người. Con đường dẫn tôi đến nhà nàng đi qua đường Lê đại Hành và vòng rào khu trường đua Phú Thọ. Tại ngã ba Lê đại Hành và Bình Thới, trước đây, có một tàng cây khá rậm. Nơi đó có gia đình sống bằng nghề bán cháo huyết. Họ đã đi khu Kinh tế Mới, và quay trở lại khu nhà cũ, quyết bám trụ làm lại cuộc đời. Một tô cháo không lời được bao nhiêu nhưng nhờ khách đông nên gia đình tạm sống qua ngày. Chính nhờ cuộc sống ổn định đó và được sự thương yêu, ấp ủ của cha mẹ, người học trò của tôi đã có sự vươn lên tốt đẹp trong việc học.
Tôi yêu người bạn gái của tôi có lẽ chính là do nghề dạy học mà nàng đã chọn. Một lần trong đêm tối mưa rơi tại một quán cà phê ở Thanh Đa, tôi đã nói lên ước mơ đơn giản của mình.
"Một mái nhà tranh và đàn con hiếu thảo
Tiếp nối nghiệp cha xây giấc mộng giúp đời ..."
Mái nhà tranh hiện giờ cũng chưa xây được vì tôi còn đang sống cuộc sống lang bạt ở xứ người. Nếu có quay trở lại quê nhà, mái nhà tranh như thế cũng không còn giá trị hiện thực. Cuộc sống nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Giá trị hiện thực bây giờ là nhà lớn, xe đẹp. Cuộc sống đó có ảnh hưởng gì không đến tâm tư của người con gái mà tôi đã yêu quí ? Tôi sống xa nàng, làm sao hiểu hết được mọi chuyện. Nhưng một điều rõ nét là nhịp độ trao dổi thư từ đã dần dần thưa, ít. Người ta có câu nói phổ biến “ Cách mặt xa lòng “. Nhưng, với tôi, câu nói đó không có tác dụng. Tuy sống xa nhau, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn gặp nàng trong giấc mộng. Mùi hương thơm nhẹ từ da thịt nàng quấn quít mãi bên tôi. Tôi nhớ nàng tưởng có thể quên hết mọi việc. Bài hát nào đó có câu:” Người say không biết nhớ và người điên không biết buồn “. Nhưng, với tôi, tình cảm đối với nàng quá mênh mông, dạt dào nên nhiều lần tôi đã nghĩ rằng, nếu có say, tôi vẫn còn nhớ đến nàng ... và nếu có điên, hình bóng nàng vẫn còn ngự trị trong tim tôi.
Tôi là lữ khách, sống lang bạt xứ người, nhưng vẫn mang theo hình bóng ấy và mùi hương năm nào tôi đã say mê, đắm đuối. Lần đó, tôi chưa trao cho em một đóa Quỳnh. Nhưng, tôi đã có cảm giác môi em còn thơm hơn đóa Quỳnh tôi định trao cho nàng. Và ngày đó, em đơn giản lắm, em không đòi hỏi nơi tôi điều gì cả ... nhưng em đã trao đến cho tôi rất nhiều, dù rằng em chỉ mang đến cho ta một chút tình ... và chỉ là:"Miệng cười khúc khích trên lưng"
Nhưng, lần gặp nhau vừa rồi, tuy ngồi sát bên nhau, nhưng tâm tình có vẻ đã xa cách. Nàng thuật lại rằng, cô giáo hướng dẫn lớp giáo sinh Cao Đẳng của nàng, nói với mọi người rằng, phong cách sống của người phương Tây là đổi mới con người mỗi ngày, thể hiện cụ thể nhất qua cách ăn mặc, kiểu tóc, dáng đi ..v..v.. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng, nàng nghe một người khác nói và nàng chỉ nhắc lại thôi. Tôi không muốn phản bác với kinh nghiệm cuộc đời của cô đào nổi tiếng kinh đô điện ảnh Hô ly Uùt ( Hollywood ) Elisabeth Taylor. Bà ta mới chết cách nay không lâu. Chính bà ta muốn rằng những người phục vụ mai táng bà phải trang điểm cho bà thật đẹp, trước khi đặt bà ta vào cổ quan tài.
Bà đã chết trong sự đẹp đẽ thể chất. Nhưng, cuộc sống trước đây của bà ta có hạnh phúc hay không ? Chắc chỉ có bà là người đủ tư cách để trả lời câu hỏi dó. Nhưng, nếu quan niệm hạnh phúc là sự theo đuổi ước muốn toàn thiện thì quả là người ta không bao giờ có được hạnh phúc. Sự toàn thiện như là cái bóng của chính con người, càng đuổi theo nó, nó cứ chạy mãi. Cuộc sống vợ chồng của bà ta chứng minh điều đó. Sau hai lần ly dị, khi được phỏng vấn với câu hỏi, yếu tố nào là bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình, bà ta đã trả lời ngay, không ngập ngừng. Đại ý bà ta cho rằng, cứ mỗi ngày người đàn bà phải có một dáng vẻ mới. Chính bà ta đôi khi trong ngày có hai kiểu tóc khác nhau. Sau cuộc phỏng vấn đó không lâu, bà ta kết hôn với nam tài tử gạo cội, Richard Burton. Bí quyết nói trên đã làm cho cuộc sống lứa đôi của bà với ông chồng này kéo dài thời gian hơn, so với hai ông chồng trước. Nhưng, kết cuộc, cũng lại là một sự chia tay !! ...
Tôi không phản bác câu chuyện của người tôi yêu. Có lẽ lúc đó tôiđang sống lại với mùi hương quen thuộc năm nào. Tôi không biết gì hơn nữa, chỉ thì thào vào tai nàng:
Thơm quá ! ...Nàng không nói, đôi mắt chớp nhanh.Tôi thấy đóa Quỳnh như:
"vừa khép những đóa mong manh".
Bởi:
"Ta mang cho em một chút buồn
Vì ta như sông lênh đênh ..."
Nhưng, em dâng hiến
" Môi em cho ta một cánh hồng
Lụa là phút ấy chưa quên.."
Anh làm sao quên được:
" Chiều mưa ngày nào sánh bước bên nhau
Tin yêu dạt dào mộng ước mai sau
Cho ân tình đầu mãi mãi dài lâu
Cho duyên tình đầu đừng có thương đau "
Anh còn nhớ sau cơn mưa chiều đó:
"Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi
Mà hương thầm theo mãi bước người đi
Hai người chia tay vẫn chẳng nói một lời
Mà hương thầm vương vấn mãi người đi "
Những hình ảnh như thế dồn dập quay về trong đầu óc. Anh còn biết nói gì hơn.
Em thơm quá ! ...
Ô ! ... sao ngây ngô thế. Có giống như em không, một lần trước đây đã nói với anh rằng:
" Em đố ai tìm dược lá diêu bông
Em xin ư lấy làm chồng ..."
Đâu đợi đến khi em nói lời thách đố, anh đã làm chuyện đó từ lâu rồi.
"Một mình tôi lang thang muôn nơi
Đi tìm lá cho em tôi ..."
Tôi đã tự tạo một câu chuyện cổ tích mà không hay. Lá diêu bông phù phiếm của nhân gian hay của người con gái tôi yêu ? Tại sao tôi lại lang thang đi tìm một hạnh phúc xa vời ? Em đó. Em là hoa, là lá ... là mật ngọt của nụ hoa hàm tiếu. Nếu anh là ong là bướm, tại sao lại không tận hưởng, nếu hoa kia hé nụ mời chào. Anh đã ru ngủ chính anh. Lẽ ra, anh cũng không nên làm việc đó với em.
"Ru em thời thiếu nữ xa xôi"
Tuổi xuân thì của em đã qua. Nhưng, mấy ngày gần đây, em lại nhắc anh cái việc của thuở trước. " Ru em thời con gái hay quên ".Em hẹn, anh sẽ đón em sau giờ học. Thế mà, sau đó, bảo vệ trường nói là buổi học đã chấm dứt vào lúc trưa. Em đã có một buổi thảnh thơi, sớm hơn dự kiến. Lẽ ra, em dùng thời gian đó để nghỉ ngơi; đàng này, em lại dùng nó để cùng vui chơi với bè bạn. Anh đã biến mất trong tâm tưởng của em. Bất công đối với anh đến là dường nào. Suốt thời gian mình tôi lang thang muôn nơi, đi tìm thứ lá mà em ham thích, không khi nào hình bóng của em thoát khỏi tâm trí của anh. Rồi lúc tôi chợt dừng chân, đến với em thì em lại như mây trôi lãng đãng ! Em biết không ?! ... phút dừng chân đó không thể kéo dài mãi mãi. Em biết không ?!... phút dừng chân đó đối với anh quan trọng biết dường nào !
Bướm không còn vờn hoa nữa. Bướm muốn qua nhân duyên này sẽ tạo ra được một kết quả dài lâu. Kết quả đó có thể sẽ tạo nên một cuộc sống khác, một sự nghiệp mới trong tương lai. Nếu nơi em còn sót lại sự ngỡ ngàng, ngây thơ nào đó của một thời con gái mà thắc mắc về tương lai của đôi ta thì anh cũng có bổn phận phải giải đáp thoả đáng. Nhưng, nếu chúng ta không dành được thời gian cho nhau thì anh lấy cơ hội nào để có thể trả lời những vấn nạn của em. Thật tình mà nói, theo anh, không lý lẽ nào trên đời có thể giải tỏa tuyệt đối tất cả những thắc mắc được nêu ra. Nhưng, anh tin chắc một điều là khi hai người yêu nhau cùng nhìn về một phía, họ sẽ giải quyết đựơc mọi khó khăn. Khi họ có con, người con sẽ là mạch nối yêu quí của hai người.
Nói đến đây anh chợt tin vào số mệnh và đồng thời cũng không tin điều đó. Có số mệnh không khi trong 80 triệu con người, anh chỉ biết có em ? Có số mệnh hay không khi khoa học đã tính chính xác khoảng thời gian rụng trứng, và ngày có thể thụ thai được hai vợ chồng theo dõi rất kỹ ... thế mà lại không có kết quả. Người ta dùng nhiệt kế để đo thân nhiệt, người ta dùng giấy màu để đo độ hóc môn mà tỉ lệ cũng chỉ đạt được đến 36% mà thôi. Có số mệnh hay không khi trong hàng trăm triệu tinh trùng chỉ có một hay quá lắm là hai con xâm nhập được vào trứng. Nhưng, lạ thay, khi hai người đương còn trong thời kỳ yêu nhau, còn thương trộm, yêu thầm, mà sự thụ thai lại xảy ra cứ như đinh đóng cột. Hễ gặp nhau là có thể thụ thai. Điều đó xảy ra cứ như ngoài ý muốn của họ. Mọi việc có thể cũng có lẽ nhân duyên của nó. Nhưng điều này chỉ được khoa học đương thời xem như một con số trong phép tính xác xuất mà thôi. Khoa học tự nhiên chưa thể cùng khoa học nhân văn giải thích được hết những kỳ diệu, bí ảo của cuộc sống con người.
Do đó, tóm lại, dù có thai trước hay sau khi cưới hỏi, điều dó cũng không đơn giản hay tự nhiên như suy nghĩ của một đôi trai gái. Em chịu khó nghĩ lại mà xem. Lúc trước, chúng ta gặp nhau, trước khi anh tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta đã có những kỷ niệm gì ? Em chỉ “ cho ta một cánh hồng “ và “ miệng cười khúc khích trên lưng “... em chỉ mang đến cho ta một chút tình .. và em không đòi hỏi nơi anh một điều gì cả. Em làm anh nhớ đến một bài hát nổi tiếng của người Pháp, có câu: “ Tình cho không .. .biếu không “. Nhưng, với anh, tất cả những điều đó có ý nghĩa rất lớn. Nó trở thành một kho kỷ niệm, chất chứa những buồn vui
"Kỷ niệm xưa còn đó
Những con đường buồn vui lộng gió ..."
những con đường trải dài theo những nơi chốn, mà hai chúng ta đã đến và đi qua.
Phần anh, lần đó, anh có đem đến cho em niềm vui nào không ? Có lẽ vì anh không hỏi nên em không có cơ hội để nói nên lời. Nhưng, nếu em đã nói nên lời, anh phải hứa hẹn với em ra sao ... khi có những trường hợp, những giòng mực xanh còn đó mà lời hứa đã trôi vào hư không
" Chỉ còn vài trang giấy
Giòng mực xanh còn đấy
Hứa cho nhiều dù bao lời nói
Đã phai tàn thành mây thành khói
Cũng như hư không mà thôi ..."
Tội nghiệp cho anh!.... Anh không dám hứa hẹn nên không dám hỏi. Anh không dám hỏi vì biết rằng
"Ta mang cho em một chút buồn
Vì ta như sông lênh đênh ..."
Em biết đó, người đã tự tạo cho mình một câu chuyện cổ tích thìxá gì một câu hứa. Đối với họ, sự hứa hẹn rẻ tiền. Anh đã tự mình đi lang thang muôn nơi cũng chỉ vì muốn tìm cho em thứ lá mà em ham thích. Thời em còn ham thích như thế là thời em vẫn còn là một thiếu nữ đương xuân. Anh đã ru ngủ em với câu chuyện cổ tích như thế.
Bây giờ tuổi xuân thì của em đã qua. Em còn giấc mơ gì khác không ? Bây giờ sự lang thang đã làm anh mệt mõi ! Hơn nữa, lá diêu bông ở đâu mà tìm. Em đó. Em là hoa hồng ... là hoa quỳnh... là một đóa hoa kỳ lạ đối với anh. Loại hoa này không cần một tên gọi đặc biệt. Loại hoa này có mùi hương riêng. Mùi hương của em đã gây cho anh sự thương nhớ miên viễn ....trong thời gian đã qua và kéo dài đến hết cuộc đời.
Anh không cần tìm kiếm gì nữa. Anh trở lại chốn xưa. Anh tìm đến với em. Nhưng ..em biết không ? ... Tội nghiệp cho anh lần nữa. Kẻ tạo riêng mình câu chuyện cổ tích đó lại không phải là một thiên thần, một hoàng tử .. mà chỉ là một kẻ khù khờ trong tình yêu chân chất. Anh chàng đã đi quá xa và quá mệt mõi ! Anh ta không thể tiếp tục ru người mình yêu theo kiểu xa xưa
"Ru em thời con gái hay quên"
Bây giờ, mỗi lần người con gái ấy quên là một lần chàng ta xót xa, tê tái. Anh ta không buồn bực, tức giận vì nghĩ rằng có thể sự diễn tả tình cảm của anh ta không đủ sâu đậm khiến cô nàng có thể thông cảm. Nhưng, tình cảm của anh ta như chết đi vì nghĩ rằng hình ảnh anh ta hoặc ít ra, lời hứa của nàng đối với chàng, đã biến mất trong tâm tưởng của nàng. Như thế là bất công ! Nhưng, như cô nàng, tình cảm của chàng đối với nàng không so đo, tính toán. Đó là một loại “ tình cho không ... biếu không. “ Nếu có khác hơn, đó là loại tình sẵn sàng chấp nhận thêm một nghĩa vụ làm chồng và làm cha. Tình cảm của chàng như thế, do đó, khi sự việc quên đi của nàng xảy ra, đã khiến cho chàng ta như chết lặng. Không cần gọi sự việc đó là bất công ... hay là một cách gọi gì khác. Nhưng, có một sự thật anh phải nói rõ cho em hay. Sự quên đi của em, nếu tái diễn nhiều lần, có thể dẫn đến nơi anh một tình trạng được diễn tả bằng chữ “ Stress “. Đó là một phản ứng tình cảm bị dồn nén, không có hướng giải thoát, đưa đến sự trầm uất. Tình trạng này có thể dẫn dến sự suy thoái thần kinh và tê liệt một phần nào một trong năm giác quan của con người. Nguy kịch nhất là làm mất đi sự hưng phấn tình dục, không kể người đó đã già hay còn trẻ.
Như nói trên với em, bây giờ, bướm không còn vờn hoa nữa. Bướm muốn qua nhân duyên này sẽ tạo ra được một kết quả dài lâu. Kết quả đó có thể sẽ tạo nên một cuộc sống khác, một sự nghiệp mới trong tương lai. Nhưng, con người không phải là bướm. Con người là một thực thể kỳ diệu mà sự phấn khích tình cảm, do rung động của thần kinh, chỉ xảy ra trong một thể chất khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong tình trạng nào đó, thể chất có thể có một dáng vẻ bình thường bên ngoài mà thần kinh bên trong lại có thể suy yếu bởi những tác động ngoại biên. Sự suy yếu đó có thể dẫn đến một sự tê liệt hoàn toàn một chức năng sinh lý. Anh không thổi phồng sự việc này. Anh đã cảm nghiệm trong thực tế đôi lần tình trạng này. Có lần, điều đó đã xảy ra ngay khi anh còn rất trẻ.
Đó là sự thật. Anh tôn trọng sự thật. Anh tôn trọng em .. và vì thế cũng muốn em hiểu rõ về tình trạng này. Điều này có thể sẽ có lợi cả cho em và cho anh. Như thế, chúng ta sẽ có chung một hướng nhìn và nếu thông cảm, chúng ta sẽ giải tỏa dễ dàng tình trạng khó khăn đó; nếu nó sẽ xảy ra trong thời gian tới.
Nhưng, em cũng biết, tình cảm chủ quan của con người chịu tác động nhiều, ít của không gian và thời gian. Thời điểm này, tại ngã ba Lê đại Hành – Bình thới, đâu còn tàng cây cao, rậm rạp, che chở một gánh cháo huyết, nuôi sống và làm phát triển một nhân cách học trò. Một số rất lớn học sinh, ngoài giờ học, phải làm thêm một việc gì đó phụ gia đình, chẳng hạn như bán vé số. Cuộc sống như thế làm sao so bì được với cuộc sống của những em học sinh mà học phí mỗi tháng phải đóng cho nhà trường lên đến 20 đô la. “ Tiếng động nào gõ nhịp không thôi “, chẳüng hạn, của một xe bán phở, mì được đẩy đi chậm rãi trên đường Bình Thới, sau 10 đêm, của khoảng thời gian trước đây 20 năm, cũng không còn nữa. Hương thời gian, nếu có, của không gian trước đây, một xã hội không có cạnh tranh triệt để, không có sự đua chen háo hức tiêu xài, đã gần như không còn nữa. Mùi thương nhớ của cá nhân ai đó, một cảm nhận chủ quan đối với người tình mình yêu mến cũng có thể phôi phai,khi :
“ Phấn hương nồng em xem tựa tấm áo
Đã phai màu ân ái từ lâu
Những nẻo đường yêu thương thường dễ đứt
Khiến bao chiều trên bến tịch liêu
Vắng con tàu sân ga buồn héo hắt ...”
và:
Vắng em lòng anh thấy quạnh hiu ...
Nhưng, tình cảm con người, nếu là một tình cảm trọn vẹn, không thể là một sự ép buộc. Tình cảm đôi ta trao nhau đã là một tình cảm trọn vẹn. Chúng ta đã đến với nhau ...đã cho và đã biếu một thứ tình cảm mà bên này không đòi hỏi bên kia một điều kiện gì cả. Không phải tình cảm ấy rẻ tiền mà vì chính nó vô giá, không thể đo lường cho cả đôi bên nên cả hai đã tự ý trao cho nhau một cách hân hoan, vui thú.
Chúng ta đã có một thời gian bên nhau vui thú trọn vẹn. Nay, vì một lẽ nào đó mà một trong hai người để ân tình chìm theo lòng phố cũ thì cũng không ai có thể trách ai được.
Những ân tình chìm theo lòng phố
Cũng theo hư không mà thôi “
Nhưng, em có thể:Ru em thời con gái hay quên, em có thể để anh biến mất trong tâm tưởng. Phần anh, anh nhủ lòng, mùi hương của em sẽ theo anh đến hết cuộc đời. Tuy nhiên, khi sự việc đó xảy ra, anh sẽ dành thời gian để tặng em một cụm hoa thạch thảo
" Anh ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em biết cho tình ta đã .........................”
Appolonaire
Nhà thơ nổi tiếng người Pháp, với bài thơ trên, chứng tỏ ông còn tỉnh táo trong tình yêu. Còn tôi, khi làm việc đó, không chắc còn đủ sự tỉnh táo, nên tôi có mong ước rằng việc đó sẽ không bao giờ xảy ra; bởi loài hoa kỳ lạ đó không thể có ai hái được. Chỉ có người nào đã có thể tạo riêng cho mình một câu chuyện cổ tích mới có thể hái loài hoa đặc biệt ấy thôi.
Đặng Quang Chính
14.07.2005