Ô sin ..Auxpair...gratis
Đặng Quang Chính 10.11.2011 13:29:14 (permalink)

Ô sin ...Au pair ...gratis!

Hai chữ ” Ô sin”, chắc nhiều người đã biết ...nhưng người bản xứ chắc không biết rồi. Còn chữ ”Au pair”, người bản xứ hiểu là gì ...nhưng dân Na Uy gốc Việt, không chắc nhiều người đã biết. Còn chữ ”gratis”, bảo đảm 100% là ai cũng biết cả. Nhưng ”gratis” là mịễn phí ..nhưng miễn phí gì với 2 món đó?

Chuyện hơi dài dòng, cho tôi thong thả kể lại: Tôi đã gửi thư nhiều lần, rồi mới hẹn được cô ta vào thứ Tư vừa qua. Vừa bước vào toà nhà Eng Helg hus này, cô ta nhận ra tôi ngay. Vừa chào hỏi, xưng tên xong, cô hỏi có phải tôi tên là .... . Đúng quá! Người mình gọi tên (fornavn) chứ có khi nào gọi họ (etternavn) của người khác đâu. Chứng tỏ cô này biết ít nhiều về người nước ngoài, chẳng hạn người Việt như tôi đây.

Buổi nói chuyện không quá 20 phút. Trước khi ra về, cô ấy cẩn thận đưa tôi hai xấp giấy. Đến tối, nói chuyện qua điện thoại với anh bạn trẻ trong Hội, anh ấy hoan nghênh việc làm của tôi.
- Cô ta hơi thất vọng!...tôi nói đùa với anh ấy.
- Không được việc à!...
- Cô ấy thấy người làm việc trong Hội có vẻ lớn tuổi ....chắc cho rằng Hội của mình là Hội của các bô lão
- Năm rồi, việc này cũng định thực hiện ...nhưng cuối cùng không xong.
- Tại sao thế...
- Chắc họ sợ chụp hình, đăng ảnh ...v..v..
Nói chuyện với anh bạn trẻ xong...tôi xem lại hai xấy giấy cô Na Uy đưa tôi trước khi ra về. Trong tờ giấy có nói rõ, nếu ai muốn, cô ta sẽ đến ở cùng nhà. Ai có con, cô ta đưa đi học. Ai cần giúp việc nhà, cô ấy phụ một tay (đây là một trong 2 việc của Au pair đó). Nếu có phòng trống, cô ta sẽ mướn (dĩ nhiên, trả tiền đàng hoàng). Dù mướn, cô ta cũng sẽ làm công việc nhà chung với người cho mướn phòng. Cô còn nói rõ, sẽ không là gánh nặng của người cùng ở với cô. Cô không có ý định ngồi đó với cuốn sổ ghi chép và làm như soi mói công việc của mọi người trong căn nhà mà cô ta sẽ đến sống chung.

Trời ơi !...Nếu tôi chưa có vợ, tôi sẽ đồng ý ngay. Hợp đồng mà cô ấy ghi rõ, nói rằng, thời gian sống chung đó (nếu có thể được) trong thời gian từ tháng 01 – tháng 06.2011. Mọi điều được cô ta ghi nhận trong thời gian này sẽ được cô ta dấu kín. Dấu kín do luật định. Đang ở chung, nếu vì lý do nào đó hai bên không cùng ở chung nữa, cứ nói ra, chẳng cần viện lý do gì cả. Anh nào có vợ cũng được. Miễn là vợ chấp thuận điều này. Cái gì ”gratis” ...chứ khoản này chắc không được rồi.

Nhưng, dù tôi chưa có vợ, tôi cũng không lọt vào danh sách ứng viên được huởng quyền lợi này. Cô ta chỉ làm việc với những ai sống trong khu vực Groruddalen (khổ cho tôi chưa!...). Cô ấy đang làm một dự án nghiên cứu (prosjekt) có tên ”Ekslusjon og inklusjon i forstaden”, nhằm tìm hiểu điều gì đã xảy ra trong những sắc dân thiểu số khác nhau, làm cho có người đến ở nơi đó và từ đó dời đi nơi khác. Mục tiêu chánh vẫn là tìm hiểu cho rõ hơn về những sắc dân thiểu số sống tại khu vực nói trên.

Tóm lại, cô sinh viên Na Uy, với dự án để hoàn tất văn bằng master, nghiên cứu về thói quen ăn uống của người Việt, muốn Hội đoàn VINOF giới thiệu cho cô ta một người hay một gia đình đang sinh sống tại vùng Groruddalen.

Ai cảm thấy việc này có điều gì đó cũng thú vị, xin liên lạc:

Det vietnamesiske norsk forbund ht...tp://.....vinof.no
E-post: post@vinof.no
Tlf: XX 36 30 75 (Đàm)



Đặng Quang Chính
#1
    Đặng Quang Chính 11.11.2011 23:34:11 (permalink)

    Ô sin …aupair…gratis (2)



    Người đàn bà chủ nhà ngồi phía trái tôi, hơi chếch, để trực diện với cô Na Uy ”Ôsin”, ngồi hơi xéo ở phía phải tôi. Thế là sau vài lần điện thoại qua lại với hai bên, tôi đã ”móc nối” được hai đối tác. Nhưng việc trung gian này quả thật chẳng đem lợi riêng cho cá nhân tôi một chút nào!.

    Trước nhất là phải làm ”thông ngôn” bất đắc dĩ sau khi hai người đã chào xã giao qua loa với nhau. May là, thời gian đó kéo dài không lâu, vì thật ra, chủ nhà nói tiếng Na Uy cũng tương đối tốt. Chị ta nghe cũng khá. Do đó, tôi có thời gian nhìn quanh phòng khách này.

    Bàn thờ ông bà, có nét của người theo đạo Thiên chúa, cũng đơn giản. Đơn giản như cách nói của cô ta qua điện thoại và qua việc đích thân cô ta, ra đến chổ đậu xe, đón chúng tôi. Sự đơn giản gần như kéo theo cái chân tình làm tôi có cảm tưởng không phải đây là lần đầu đến nhà của cô ta.

    - Em cũng muốn học thêm tiếng Na Uy. Chủ nhà nói xong tiếng Việt với tôi, đồng thời nói ngay ý đó cho cô Ô sin.
    - Hội đã định mở lớp dạy tiếng Na Uy và tiếng Việt từ lâu. Chỉ kẹt là không có và cũng chưa mướn được một địa điểm (tôi dùng luôn tiếng ”lokal”).
    - Lokal ở dưới lầu này nè!...

    Chị chủ nhà là sở hữu chủ một ngôi nhà ”rekkehus” (nhà chung vách cất theo dãy). Gia đình cô ấy dọn đến ở nơi này đã được năm năm. Không hiểu tại sao khi tôi dò tìm địa điểm qua số điện thoại (trên mạng 1881.no) chẳng thấy nhà này trên bản đồ trang mạng. May là đã lấy tên người chồng, khi nói chuyện qua điện thoại, nên mới kiếm ra… mà cũng chẳng thấy ghi rõ địa điểm căn nhà trên trang mạng này. Câu trả lời nhanh chóng và lời mời nồng nhiệt của chủ nhà có tính cách cũng giống như căn nhà này vậy. Sạch sẽ, ngăn nắp …nhưng thanh nhã hơn, nhờ giàn cây trồng trong nhà, trong đó có những cành phong lan cao với những bông to và đẹp.

    Sự chân tình đó lan qua cô Ôsin người Na Uy. Lúc chị chủ nhà và tôi trao đổi là lúc cô ta ghi chép lại những gì đã đôi bên đã nói chuyện. Để tạo sự cân bằng hay do sự tự nhiên có được từ cách tiếp đãi của chủ nhà, Ôsin thỉnh thoảng gát ngược một chân kia lên trên cái ghế sofa đang ngồi.

    - Thật cũng hên!...Tôi thành thật nói với chủ nhà. Rồi nói tiếp: ”giới thiệu người bản xứ nét văn hoá của người mình thì điều đó thật mênh mông…nhưng, để họ có dịp gần gũi, thấy được cách sinh hoạt trong lối giao tiếp giữa người mình với nhau, giữa người mình với người Na Uy..thì tôi đã gõ đúng cửa”.
    - Em có làm được gì đâu!...

    Lần trước, cô sinh viên Na Uy, người làm dự án lấy bằng Tiến sĩ, một dự án tìm hiểu về văn hóa nước ngoài, đã phóng vấn hai người Việt Nam. Sau đó, cô ta viết một bài ngắn, nói về việc phỏng vấn đó. Nói chung, cảm tưởng của cô ta về việc đó khá tốt. Lần này, cô ta đến đây để có sự thoả thuận về một hợp đồng. Cô ấy muốn ở trong căn nhà này một thời gian, để tìm hiểu kỹ hơn về cách sinh hoạt, trong đó có cách chủ nhà làm các món ăn thuần túy Việt; cũng như xét xem, gia đình này đã trở nên quen với các thức ăn của người bản xứ đến mức độ nào.

    Với Thủy, chủ nhà, cô khiêm nhường nói vậy. Với cô sinh viên Na Uy, chưa biết cảm tưởng lần này của cô ta ra sao. Nhưng, riêng tôi, tôi thấy mình đã đi được một bước khá dài….và cảm thấy hài lòng về việc làm lần này. Thật thế, so với việc gửi bài viết đến cơ quan có tên NOVA (norsk institutt for forskning om oppvekst, velferd og aldring) vào năm 2004, tôi thấy có những điểm cụ thể hơn. Dự án của NOVA đã bắt đầu việc làm của mình bằng cách in đến 500 tờ quảng cáo cho mười một ngôn ngữ khác nhau. Rồi phổ biến quảng cáo bằng nhiều cách, trong đó có các Thư viện tại Oslo, Bergen, Trondheim, Tromsø, Stavanger og Kristiansand. Gửi thư mời đến hội đoàn khác nhau. Rồi thông báo dự án này đến nhiều tờ báo, đài phát thanh...v.v.. những nơi có thể tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhóm dân khác nhau...và người chủ dự án làm việc cả với những nhân vật trung gian nữa.

    NOVA muốn gom tất cả các bài viết được gửi về Viện này, dịch lại các bài viết đó thành tiếng Na Uy, rồi in thành sách. Hy vọng của NOVA là với sách đó, người ta có thể có được sự hiểu biết về những gì chứa đựng trong việc dân nhập cư đã rời đất nước của họ, tự nguyện hay bị bó buộc, đến một đất nước mà nơi đó không phải là sự lựa chọn của họ. Dự án được hỗ trợ bởi: Fritt ord, forskningsinstitusjonen NOVA, og Norsk Folkemuseum. Có hai mục tiêu trong dự án này1) phổ biến những kinh nghiệm riêng (của những tác giả viết bài) có thể phá vỡ khuôn khổ định kiến thường thấy trên các tít của các tờ báo, khi có những vấn đề liên quan đến người nhập cư (2) đưa vào ngân hàng lưu trữ kiến thức quốc gia, những kiến thức sẽ trở thành một phần ký ức về những cuộc nhập cư đến Na-Uy, sau chiến tranh. Kết quả?.Tôi và anh bạn cùng gửi bài, không được thông báo ngày kết thúc dự án, đồng thời là ngày phát giải bài được chọn xuất sắc nhất, nên không biết buổi lễ đã tạo ấn tượng nơi người đến dự như thế nào. Bây giờ, cái nhìn của truyền thông (báo giới nói riêng) đã thay đổi ra sao khi nhìn về những vấn đề của dân nhập cư, chúng tôi không thể biết hết.

    Nhưng, riêng với tôi, dự án có vài điều chưa hoàn chỉnh. Xào nấu những bài viết được gửi đến như thế nào là do người đầu bếp; ở đây là người thực thi dự án đó. Dự án để người gửi bài tự do viết dài hay ngắn, nhưng khi tôi và anh bạn trình bày những đoạn cần thiết phải lưu giữ (như lý do tại sao tôi không thể trở về VN) chỉ được người phụ trách dự án chấp nhận một cách không dứt khoát. Sau cùng, đoạn đó đã được tự động cắt bỏ khi đã được in sách!... mà đoạn đó không làm mất đến một trang sách.

    Cách phân loại người tị nạn cũng hơi lạ: người có trách nhiệm với dự án, theo ý kiến của Brochmann (a), vì thế cho rằng những cách phân loại về người tị nạn (dĩ nhiên) là không giống nhau. Người Chi Lê rời đất nước vì chế độ độc tài được cai trị bởi một Tổng thống chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Mác Xít, còn người Việt rời khỏi một đất nước độc tài Cộng sản (không biết điều này đã được họ phân biệt ra sao?). Người Chi Lê anh hùng vì đã chống lại chế độ thực dân, theo quan điểm của người theo đảng cánh tả của Na Uy. Cùng quan điểm như thế, người tị nạn VN đã chọn phía sai lầm trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thực dân. Có thể với cái nhìn như thế, nên ở đoạn trên cùng (b), người trách nhiệm cho rằng (chỉ có) người miền Nam mới xem việc thống nhất và bị chủ nghĩa CS thống trị là một rủi ro to lớn và rời đất nước vì không thể giữ được sự ràng buộc với nơi này. Từ đó, tác giả viết, người tị nạn VN, rời đất nước không vì lý do chính trị cấp bách (theo lối vượt thoát của những chính khách quan trọng?...) hoặc vì một chủ thuyết hợp lý. Nhận định này khác với quan điểm của người Việt tị nạn khắp nơi trên thế giới, khi họ cho rằng, họ rời đất nước VN vì không chấp nhận cách cai trị của chính quyền CS, và họ đã tự động bỏ phiếu "bằng chân" (trốn chạy) thay vì "bằng tay" qua các cuộc bầu cử tự do. Tại Na Uy, một chính quyền sau nhiệm kỳ 4 năm, không chu toàn trách nhiệm của họ với người dân, sẽ bị người dâu bỏ phiếu bất tín nhiệm, để thay thế bởi một chính phủ khác; như vậy, hành động đó có tính chính trị hay không?....

    Dự án là một công trình khá lớn, ít ra với thời gian 2 năm mới hoàn thành xong. Nhưng, có thể nào ngày kết thúc lại bị đình hoãn vì lý do nào đó...và cuối cùng, không có giấy mời, nên một số người tham dự (gửi bài) không thể đến dự được (trong đó có một anh bạn cùng gửi bài như tôi)?. Tại sao xảy ra được lý do giải thích này?. Vì họ sợ sự phản đối của hai chúng tôi?. Điều này khá chủ quan...nhưng ở xứ tự do này, mọi điều đều có thể xảy ra (c)

    Việc làm lần này với cô sinh viên đó (giúp cô ta hoàn thành dự án nghiên cứu về người Việt) cụ thể hơn, vì cô ta không rải công việc của cô qua nhiều sắc dân. Người phụ trách dự án của NOVA, nhận các nguyên liệu thực phẩm từ thị trường giao tới, rồi nấu nướng theo cách của mình. Cô sinh viên này, do giới thiệu, đến mua thực phẩm ngoài chợ để nấu theo cách mình biết. Do tự tìm kiếm sau khi được giới thiệu nên việc nấu ăn có thể được làm tốt hơn !?....

    - Em chỉ sợ cái phòng (dùng để tập thể dục) không có lỗ thông hơi sẽ khiến người ở trong phòng bị ngộp!... Cô Thủy vừa nói vừa cười vui vẻ; cái cười như thế đã theo cô từ lúc đón khách ngoài bãi đậu xe.
    - Tôi không ở cố định....Có thể đôi ba buổi một tuần.

    Sau cùng, hai người đồng ý là, Cathrine (tên cô sinh viên) sẽ đến đây ngày thứ hai, thứ ba và thứ năm trong tuần. Có thể sẽ có một ngày ở lại đêm (?)... và đáp lại, cô ta sẽ làm công việc "lesehjelp" (giúp đỡ việc học bài) cho ba đứa con của người chủ nhà. Tuy nhiên, hai người sẽ tự liên lạc với nhau sau này, để bàn thêm chi tiết, trong năm tới, kể từ sau ngày 15.01.2011.

    Công việc trung gian của tôi đến đây có thể xem như chấm dứt được rồi. Trên đường về, nghe cô sinh viên nói, qua anh Kim (người chủ nhà của buổi phỏng vấn trước) cô ấy được giới thiệu hai người khác. Ngoài ra, một người nào đó ở Drammen, gửi mail đến cô ta, nhận sẽ giúp cô này trong những việc cô ta cần sự giúp đỡ.

    Như nói trên, việc làm ấy của tôi, nếu nhìn theo cách cá nhân, việc đó chẳng có lợi gì cho riêng bản thân. Nhưng, theo cách nhìn tập thể, tôi đã đóng góp phần nào vào việc giúp người bản xứ có cái nhìn đúng mức hơn về sự hội nhập của người Việt chúng ta vào xã hội Na Uy. Đương nhiên, tôi hài lòng về việc này. Theo thiển ý, những người đã cùng với tôi làm việc với người sinh viên cũng có cảm nghĩ tương tự. Riêng với cô sinh viên, thời gian sẽ trả lời.

    Nhưng nói chung, tuy đã có những cuộc khảo cứu về người nhập cư đến đất nước này, những việc làm như vậy sẽ được tiếp tục, bởi mọi người và mọi giới có liên quan đến sự việc đó; vì mọi sự kiện sẽ còn thay đổi trong tương lai. Lúc đó, nếu giới khoa bảng Việt Nam có ý định làm một cuộc nghiên cứu tương tự, đó là điều đáng mừng. Nhưng, công trình đó chắc sẽ gặp khó khăn để vượt qua ý nghĩ của người đọc khi họ cho rằng, tác phẩm ít nhiều mang tính chủ quan. Chi bằng, ngay trong lúc này, khi có người bản xứ nào đó quan tâm đến việc khảo cứu về các vấn đề của người Việt Nam, chúng ta sẵn lòng đón tiếp họ.Và đón tiếp vui vẻ, tự nhiên như hai lần vừa qua. Tốt hơn nữa, chúng ta hoàn thiện tổ chức các hội đoàn. Chính từ đó, giới trẻ sống với những cái hay của cha mẹ, anh em, bạn bè …và thâu nhận những cái hay khác của người bạn xứ. Người Pakistan đến đất nước này vì lý do kinh tế, nhưng những hoạt động có tính chính trị của họ đã nói nhiều hơn những gì được chứng minh qua lý thuyết. Sỡ dĩ họ làm được điều này, một trong những lý do, là vì họ đã có những hội đoàn làm việc thật tốt.


    Đặng quang Chính
    #2
      Đặng Quang Chính 12.11.2011 05:47:31 (permalink)

      Ô sin...Aupair...gratis (3)

      Trong bài viết trước, tôi có nói về vai trò trung gian của mình, một vai trò không đem lợi ích cho riêng bản thân. Cuối bài đó, tôi nghĩ rằng vai trò của mình đến đây là chấm dứt. Nhưng không...

      Hôm gặp nhau tại nhà ăn Fredrerikk của Đại học Oslo, Catherine nói ý là, lúc này, ngành học về Châu Á, có nhiều sinh viên ghi danh. Tôi nói thêm, số sinh viên du học Trung Quốc khoảng 10 năm gần đây đã tăng lên con số đáng kể. Số sinh viên Mỹ sang Trung Quốc học cũng thế. Nghe vậy, Catherine hỏi là tại Đại học này đã có môn về Nhật, Đại Hàn...mà không thấy có môn học về Việt Nam. Tôi trả lời, hơn 15 năm trước, tại Đại học Bergen, có môn học này...nhưng nay đã chấm dứt. Catherine nói, cô cũng muốn học nhưng không biết học ở đâu. Tôi đành trở lại chuyện cũ, khoảng năm 1995 (1966) khi chúng tôi mở một khóa tiếng Việt cho người Na Uy.

      Chuyện cũ được khơi lại khoảng một tuần sau đó, từ ngày hai người gặp tại nhà ăn, như nói trên.
      - Ở đây chỉ có thể có các khóa học dành cho các nhóm từ 6 người trở xuống. Ông Giám đốc trung tâm ngoại ngữ giải thích cho người khách mới đến, đang ngồi bên tôi.
      - Trong lúc chờ ông đến, tôi đã nói với bạn đồng nghiệp của tôi...(vừa nói tôi vừa đưa mắt nhìn người bên cạnh)
      - Với cách tổ chức khóa học như vầy, việc học mới có hiệu quả!...Ông ấy nóng lòng giải thích tiếp.

      Lần tổ chức dạy tiếng Việt cho người Na Uy, tôi không thể mướn trường của ông Giám đốc này là vì lý do đó. Hội đoàn tổ chức dạy tiếng Việt mà lấy học phí quá cao thì xem sao được. Hội đâu phải là một trường tư thục. Đồng ý là, lối dạy đó (hạn chế học viên) cho hiệu quả cao, vì dạy học là nghề "của chàng"; tôi biết quá rõ điều này mà. Còn tôi giới thiệu vui "Ô sin" mà tôi quen là đồng nghiệp...vì trước đó không lâu, trong khi chờ đợi người Giám đốc đến, Catherine đồng ý sẽ gia nhập nhóm dạy học của chúng tôi (Dĩ nhiên, nếu được phân công, trước nhất, cô ta sẽ dạy lớp cơ bản, cho người Việt mới học tiếng Na Uy....rồi chuyện gì nữa, sẽ tính sau).

      Tuy là Giám đốc Trung tâm sinh ngữ, ông ấy được đào tạo như là một người chuyên ngành về kinh tế và thương mãi. Nghề "Marketing" chắc ông ta cũng thông ...nên đưa thí dụ rất vui vui, nghe dễ hiểu như sau:

      - Đi xe buýt, giá rẻ...nhưng không thoải mái. Đi Taxi, được phục vụ tốt hơn, nhưng đắt tiền. Còn trường đây như là Mini Taxi, không mắc như Taxi, nhưng hiệu quả phục vụ cũng ở mức đáng kể. À!...còn trường ông bạn của anh ở VN ra sao. Ông ấy hỏi và cười cười....

      Vì biết có lần ông ấy đã dự định mở Trung tâm sinh ngữ ở Thượng Hải, tôi biết ông ấy hỏi dò câu này cho có chuyện, nên tôi lại hỏi ngay ông ấy về dự tính cũ, xem công chuyện đã đến đâu rồi.

      - Dân Châu Á nhanh lẹ, láu cá (smart!...) lắm!. Ở đây, mọi việc cứ từ từ, chậm rãi. Việt Nam bây giờ cũng giống như Trung Quốc. Nếu có thay đổi, không biết mọi việc có khá hơn không?.....
      - Mọi việc đâu có thể ở thể tĩnh được. Các yếu tố bên trong hay ngoài sẽ làm nó tự thay đổi đi.

      Tôi nói thêm ít câu nữa. Nhưng, có một câu lẽ ra là câu kết luận, tôi lại không nói ra. Đó là, doanh nhân là người cần các yếu tố có lợi cho việc họ đầu tư mà thôi. Có người nói, bọn tư bản là loại người không có tổ quốc. Ai cũng biết, các xí nghiệp, công ty lớn của Mỹ, kéo đến làm ăn tại Trung Quốc, không phải vì quyền lợi của nước Mỹ. Chỉ vì túi tiền của riêng họ. Nếu tôi nói ra, chắc anh chủ trường này cũng đồng ý...mà rồi cũng chẳng đến đâu. Mục đích tôi giới thiệu Trung tâm sinh ngữ đến người sinh viên này, để cô ta biết được, đây là nơi tôi tiếp xúc đầu tiên, định mượn địa điểm tổ chức khóa học tiếng Việt. Nơi trước kia tổ chức khóa học đó, bây giờ là tòa nhà của UDI (Sở Di Trú), làm sao mà đến được. Hơn nữa, nay mai, nếu dự định mở tiếp khóa học đó (trong đó có cô Ôsin này là học viên) và chỉ có ngần ấy số người tham dự (6 học viên), biết đâu, chúng tôi cũng giúp đựơc một ích lợi gì đó cho học viên, bằng cách cho họ đi Mini Taxi, nếu họ muốn.

      Tôi không muốn nói hết sự thật, có thể vì vậy ông ta muốn nói hết sự hiểu biết của ông ấy về VN. Ông kể là có lần được Toà Đại sứ VN mời tiệc. Nhà họ ở, lớn như dinh thự ...nhưng dù đi Mercedes, họ không có tiền đổ xăng. Lúc đó còn thời bao cấp. À!... ông ấy nhớ hồi ông ta còn ở bên Pháp. Tôi lại định nói thẳng là, dù ông có quen biết họ đến thế nào, ông cũng không phân biệt được, hiện nay, người Việt mà ông quen, ai là người thân Cộng hay không. Mà quên! ...với những doanh nhân, mèo trắng hay mèo đen cũng không sao, miễn là nó bắt được chuột!.

      Trên đường về, chúng tôi không đi xe buýt, xe Taxi... không đi Mini Taxi và cũng chẳng đi xe điện ngầm (a). Nhưng, nhờ đi bộ, chúng tôi có thời gian trao đổi thêm một số câu chuyện. Tôi nói về cuốn sách "Nest stopp Nordpolen"(Sách do cơ quan NOVA tuyển, nhà xuất bản Orkana, -(b). Tôi muốn nói về lý do rời nước, ra đi tìm tự do của người Việt ở hải ngoại. Nhưng, hơi khó nói cho tôi, ở chỗ, nếu đó là những điểm đối chọi với câu chuyện của anh chủ trường, hóa ra, dù anh ta có đôi điều nói sai, nhưng vì việc có thể mướn Trung tâm của anh ấy, mình vẫn vác xác đến ngôi trường này?.... Nghĩ mà ấm ức làm sao?....

      Chợt nhớ đến câu chuyện của một người quen, được thuật lại qua điện thoại, trong ngày hôm trước, tôi cảm thấy cái ấm ức đó vừa buồn cười...vừa muốn nó biến mất cho rồi. Anh ấy kể, một hôm hai vợ chồng anh ta tham dự buổi phỏng vấn của một người Na Uy. Người phỏng vấn làm việc bên ngành sức khỏe, muốn tìm hiểu xem, người nước ngoài, khi về già, ở trong các Trại dưỡng lão, sẽ có những nhu cầu gì. Một vài người nói, ngoài thức ăn theo kiểu Á Đông, họ còn muốn có sách báo tiếng Việt cho cha mẹ, ông bà của họ xem. Hai vợ chồng trình bày, ý nói là, đừng đòi hỏi quá đáng. Những người kia bèn hỏi ngược lại rằng, có thể vì hai vợ chồng người này không đi làm, không đóng thuế....nên cảm thấy ngại khi đưa ra những nhu cầu cần thiết. Họ nói thêm, hồi cha mẹ, ông bà của họ còn đi làm được, họ đã đóng thuế, bây giờ có quyền đòi hỏi đúng mức chứ!.

      Nghe anh chồng kể chuyện trên, tôi thấy có gì hơi lấn cấn. Chẳng qua, cũng như việc đi thông dịch mà thôi. Nói theo ý của người "mướn" thông dịch (vai chánh trong sự việc) thì đôi khi người làm công việc thông dịch thấy kỳ kỳ làm sao...mà không nói như ý họ thì họ tỏ ý buồn phiền!. Tuy nhiên, sự việc tiếp theo khiến tôi thấy cũng kỳ kỳ không kém.

      Nghe hai vợ chồng đã tham dự một cuộc phỏng vấn, tôi mau mắn giới thiệu về luận án Master của cô sinh viên Na Uy. Người chồng hỏi, rồi đến người vợ. Bởi trình bày bằng tiếng Việt, tôi bảo đảm nội dung đã được chuyển đến hai người không có gì khác nhau (Nếu có, chắc chỉ khác một đôi chữ). Nhưng, khi tôi hỏi người vợ của anh ta có thể cho một cuộc hẹn không, tôi được hỏi lại như sau:
      - Anh có số điện thoại của cô sinh viên đó chứ?
      - Để tôi xem lại trên trang mạng..rồi sẽ cho hay (w*w.vinof.no)
      Xem xong, tôi gọi lại. Anh chồng bắt máy
      - Bà xã tôi nói, nói với cô ấy, nếu muốn làm cuộc phỏng vấn, cô ấy điện thoại đến chúng tôi.
      - Sau khi tôi đã trình bày mọi việc....chị ấy nói tôi cho số điện thoại của cô sinh viên để chị trực tiếp trao đổi với người đó mà...

      Sự việc xảy ra không quá 3 phút (từ lúc ngưng, lên mạng- máy điện toán đang hoạt động- đến lúc gọi lại) thế mà cứ y như là chuyện đã xảy ra một hai ngày trước. Tôi còn nhớ đến cảm tưởng là lạ nơi tôi, khi người vợ đòi hỏi muốn có số điện thoại để nói trực tiếp (gây cho tôi ý nghĩ là, tôi có thể hiểu sai ý của cô sinh viên)... rồi sau đó không lâu, bà vợ lại muốn cô sinh viên trực tiếp gọi đến. Trời ơi!...gì mà nhiêu khê thế. Chả bù với hai lần phỏng vấn vừa qua....Mọi người thoải mái, vui vẻ. Cả bên phỏng vấn lẫn bên được phỏng vấn. Làm "nghề" trung gian, không có lợi (cho cá nhân, trong trường hợp này)... mà đôi khi còn gặp điều có vẻ rắc rối đấy!.

      Cô sinh viên, có lẽ thấy tôi, trong lúc nói chuyện mà nét mặt, lúc đăm chiêu, lúc buồn cười sao đó...nên nói cho tôi hay về dự định sẽ gặp một người, cư trú tại Drammen. Người đó sẽ giới thiệu cho cô gặp những người khác để thực hiện các cuộc phỏng vấn sau này.
      - Làm sao người ấy biết Catherine
      - Anh ấy nói là đọc tin trên trang mạng của Vinof
      - Anh này làm việc ở đâu
      - Ở UDI
      - Tên gì ?...
      - Tên ….
      - Thôi rồi …Với người này, anh chủ trường quen với tôi còn chào thua, không biết phân biệt đó là mèo trắng hay mèo đen ..huống hồ là cô sinh viên này.

      Chia tay cô sinh viên, sự ấm ức nhường chỗ cho sự băn khoăn. Mình, vì tập thể, muốn người bản xứ hiểu rõ hơn về quá trình hội nhập của người Việt tại xứ sở này. Tuy thế, khi gặp điều khó giải thích, tôi biết nói sao cho người ta hiểu hết ý mình. Đôi lúc, mình nói sự thật, mà ấn tượng để lại nơi người nghe lại là điều không tốt; vì với tình thế rối rắm như của đất nước ta hiện nay, có khi cả những người đồng hương của chúng ta còn chưa thông cảm hết với nhau, nói chi là với người ngoại quốc. Do đó, tuy hết lòng giúp người khác, nhưng, biết đâu tôi đã làm việc “Giao trứng cho ác”!.


      Đặng quang Chính
      #3
        Đặng Quang Chính 14.11.2011 02:54:15 (permalink)

        Ô sin ...aupairs ...gratis (4)


        Vấn nạn lớn nhất của con người là: có cuộc sống nào sau khi người ta đã ”đi khỏi” cuộc đời ô trọc này. Và trong cuộc sống đó, đôi khi lại có những vấn đề nảy sinh với những câu hỏi khác nhau. Lần này, tôi xin được nêu ra hai vấn đề có liên quan đến vụ cô ” Ô sin” của tôi.

        Trong bài viết vừa rồi, có câu hỏi được đặt ra rằng: liệu tôi đã làm việc ”Giao trứng cho ác”?. Tôi chưa dịch bài đó để gửi cho cô sinh viên này ...bởi như đã nói, tôi thắc mắc rằng điều ấy có thể gây ra ấn tượng nào đó không tốt nơi người đọc.

        Nay, được email của cô ta, ngày 26.01, đề cập đến hai việc (1) phỏng vấn người làm việc tại một cơ quan chính quyền (2) việc tôi mời cô ấy dự buổi lễ Tết.

        Câu hỏi được đặt ra là: tại sao phỏng vấn người làm việc tại UDI? ...Đúng ra, phương hướng của cuộc nghiên cứu là làm phỏng vấn những người Việt ở trong khu vực Grorudalen!....Do đó, dù ai gợi ý việc làm này (cô sinh viên hay anh chàng UDI) ...điều đó có cái gì không ổn. Người nghiên cứu, vì say mê một khía cạnh nào đó, có lúc đi lạc hướng; điều đó không có gì phải ngạc nhiên. Nhưng, anh chàng kia, nếu có chủ ý gì khi gợi ý việc đó (để được phỏng vấn) thì chủ ý đó nhằm vào mục đích gì. Trong bài trước, tôi có viết đại ý rằng, người Giám đốc trường sinh ngữ (chúng tôi đến thăm) còn chưa chắc phân biệt được anh chàng này thuộc loại "mèo trắng" hay "mèo đen" ...nói chi là cô sinh viên người bản xứ. Anh ấy, chắc chắn biết anh ta thuộc loại nào rồi. Nhưng, từ trước đến giờ, anh có bao giờ tự mình giới thiệu cho kẻ khác biết anh ấy là ai đâu...vì hình như có điều gì không tiện (?) khi anh ta phải kể ra, anh là người của tổ chức nào. Do đó, nếu cô này tiếp nhận được những thông tin của những người mà họ không dám nêu đích danh tổ chức mình phục vụ ...liệu những thông tin ấy có đáng tin cậy không?....

        Thôi thì!...chuyện nghiên cứu là chuyện của người khác. Dở, hay, mặc xác họ. Nhưng chuyện đúng, sai, phải, trái thì khác. Như văn hào Liên xô Alexandre Soljenitsim nói: "Khi thấy thằng CS nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo. Nếu không có can đảm nói nó nói láo, ta phải đứng lên ra đi, không ở lại nghe nó nói láo. Nếu không can đảm bỏ đi, mà phải ngồi lại nghe, ta sẽ không nói lại những lời nó nói láo với người khác". Đằng này, chẳng phải ta phải ngồi nghe, mà ta biết có người sẽ nghe người khác nói láo, liệu ta có thể làm ngơ!...

        Cái tính cách: "Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha" tiềm ẩn trong nhiều người, những người Việt Nam lưu vong. Vì thế, cuộc chiến cho tự do, nhân quyền, dân chủ đã kéo dài hơn 30 năm qua. Họ chẳng phải là công thần của chính quyền miền Nam, trước năm 1975. Họ chẳng có chút ân huệ, bổng lộc gì của chế độ đó. Bây giờ, chẳng ai thuê mướn họ. Việc họ làm, họ thấy đó là chuyện phải làm...vì bất công tràn đầy tại nơi mà họ đã trưởng thành, sinh sống trước kia. Có thể nào chấp nhận được chuyện, người dân nghèo đói, vì sự sống mà rời nước ra đi, bị gắn tội phản quốc, bị bắn chết còn hơn con thú bị người khác bắn vì săn thịt; -kẻ bị bắn trong trường hợp này nhằm chỉ để thoả mãn thú tính của kẻ đã nắm được quyền hành- trong khi đó, bọn cầm quyền, có đủ quyền lợi trong tay, gia sản đời con cháu ngồi chơi, ăn không hết ...đem lãnh thổ, lãnh hải ra bán cho nước khác, lại có quyền săn đuổi người khác. Trước đây, khi dân chúng vượt biên, họ cho lính săn lùng, tìm bắt. Nay, kẻ nào đem tiền về, họ gọi là "khúc ruột ngàn dặm". Nhưng, dù kẻ đó có đem tiền về, nếu bị ngờ là tìm cách chống đối sự cai trị sai trái của chúng, chúng không cho phép kẻ đó về, dù là thăm lại quê hương. Làm như là đất nước VN là của riêng họ!!....

        Như thế, nhân cơ hội cô ấy cùng đi dự buổi lễ mừng Tết, tôi sẽ tìm cách nói ra sự thật này?. Hôm ở trường sinh ngữ, tôi không nhớ có chính thức mời cô sinh viên này tham dự lễ Tết không. Nói thế, vì có thể, do anh Giám đốc gợi ý việc đi dự lễ (có lần, trước kia, anh ta đã cùng với tôi đến dự buổi lễ mừng Tết ở Chùa)...rồi gợi ý cô này cùng đi để biết thêm vài nét về văn hóa người Việt, nên tiện thể tôi mời luôn cô ấy. Dù sao, cái việc tôi đã làm ...bây giờ, sự gắn bó với cô ấy vẫn còn.

        Vấn đề gắn bó với cô ấy chỉ là một thể hiện khác của sự gắn bó với việc làm phục vụ tập thể của tôi; ở nhiều mức độ cao, thấp khác nhau. Câu nói dân gian: "Con tằm đến chết vẫn còn giăng tơ", trong trường hợp này, có vẻ đúng ít nhiều, cho đến thời gian bây giờ. Không nói đến chuyện lâu rồi, trước năm 1975 (mà đúng ra, thời gian đó, tôi chưa bước hẳn vào tuổi trung niên). Thời gian 14 năm sau khi chính quyền miền Nam thất trận, bị lật đổ, tôi có dịp biết rõ hơn về chế độ CS; hơn là những gì tôi biết trước kia, khi còn học dưới mái trường của hai nền Đệ nhị Cộng hoà. Lúc đó, tôi đã có ý nghĩ là, nếu kiếm được cách nào liên lạc với các tổ chức yêu nước tại hải ngoại, liệu chăng cách đó mới đem lại sự thay đổi đối với chế độ. Từ năm 1985 trở đi, khi nhiều người cho rằng, đời sống có phần dễ thở hơn trước, là lúc tôi cảm nhận phải ra đi ...bởi một sự liên hệ xa gần trước đó, mà người chủ chốt là một nhà sư, đã bị án tử hình (sau, đổi thành chung thân?). Sau bao cố gắng, đảo Bi dong là miền đất tạm dung của tôi vào năm 1989. Thế là từ đó, từ ngay lúc còn ở trại tị nạn, "con tằm" đã làm việc giăng tơ từ lúc ấy.

        Kể cũng lạ!...Trong khi mọi người sống hồi hộp, căng thẳng với sự bị thanh lọc, bị xếp vào thành phần tị nạn về kinh tế, có thể bị gửi trả lại VN...thì tôi, như đinh ninh rằng, mình sẽ hưởng được qui chế tị nạn chính trị. Không phải vì tôi là cựu quân nhân và đã bị tù cải tạo (có ông Đại tá đã bị đánh rớt trong đợt đầu!...). Không thể chỉ vì cái nhóm mà tôi đã thành lập (Nhóm "Câu lạc bộ Khoẻ", một nhóm do tôi khởi xướng và có sự góp công sức của nhiều anh em khác. Đó là nhóm duy nhất trên đảo không do bộ phận làm việc của Cao uỷ tị nạn thành lập, cũng chẳng là bộ phận làm việc của chính quyền cơ sở tại đảo Bi Dong (Malaysia). Tên gọi nghe giản dị, nhưng nhóm này đã có nhiều hoạt động sôi nổi tại trại. Nhóm đã cùng với những thành phần khác của trại tiến hành việc dọn dẹp, chỉnh trang lại các ngôi mộ hoang trên đảo. trước khi đảo bị đóng cửa. Nhóm đã có một thành viên mổ bụng để phản đối chính sách thanh lọc của của Chương trình hành động chung -Chương trình do Cao ủy tị nạn LHQ đề ra, do nhiều quốc gia Tây phương khác thoả thuận hợp tác thực hiện, nhằm chấm dứt việc vượt biên tại VN-)... mà vì tôi tin vào cái tính chính trị đã đi liền với con người mình; nói đơn giản, là cái tính "muốn sửa đổi cái việc không ngay thẳng". Nói chi tiết hơn là, đi vì kinh tế hay chính trị, qua được thanh lọc hay không, là việc làm của người khác (Cao uỷ tị nạn) ...còn tính chính trị có hay không, mình tự biết nơi mình. Có về lại VN, tôi sẽ tùy cơ tiếp tục cái tính đó. Có đi nước ngoài, tính ấy vẫn còn tiếp tục. Vì thế, vào lúc này -lúc tôi đang viết những dòng chữ này- nghĩ lại việc tôi làm hồi đó, tôi thấy quả là hơi "Lãng mãn cách mạng"! (cái lối suy nghĩ của Tiểu tư sản trí thức, theo lối nói của người CS). Hồi đó, tôi muốn nói ở đây là, ngay khi vừa bước chân đến đất nước này, tôi vẫn còn gửi một lá thư cho Cao Ủy ở trại, đưa ra chương trình, nhờ họ giúp tôi cùng các anh em trong Câu lạc bộ ở Bidong -những anh em bị sẽ bị trả về VN- được cùng nhau làm một việc gì đó, ngay tại VN!. (Lá thư đó và thư trả lời của Cao Uỷ hiện giờ vẫn còn được tôi cất giữ đâu đó).

        Cách nay khoảng 5(6) năm, tôi gặp lại một người cùng trên ghe vượt biên (MC 411), cùng trong Câu lạc bộ, cùng ở trại Bataan (Phi), cùng qua Na Uy (trước sau nhau không lâu). Anh chàng, khi đến đất nước này vẫn còn độc thân; bây giờ, hai con, nhà cửa đàng hoàng. Anh có vẻ hơi ngạc nhiên, khi thấy rằng, công việc cộng đồng vẫn còn sức thu hút tôi như thuở nào.

        Hiện nay, nếu gặp lại anh ta...và nếu anh không còn ngạc nhiên, tự đặt lại bài toán như có lúc anh đã hỏi, ý đại khái: "Sao ông thầy không lo gì vụ nhà cửa để ổn định đời sống ...cứ làm việc cho tập thể mãi hay sao?...", (anh ấy học Anh văn với tôi ở đảo ...và kêu thế theo phép lịch sự của riêng anh ấy), tôi sẽ đọc cho anh hai câu thơ (?) mà tôi mới thấy đâu đó.

        Hãy cứ cho thêm, hãy còn cho mãi
        Mai ta đi nào kịp vẫy tay chào.
        (Phạm Nhuận)

        Viết ra vài điều riêng tư, mong người đọc thông cảm, không nên tưởng rằng, đó là cách tôi muốn "đánh bóng" mình. Tôi lấy một chút kinh nghiệm bản thân, để chứng minh rằng, như đã nói trên, "...Vì thế, cuộc chiến cho tự do, nhân quyền, dân chủ đã kéo dài hơn 30 năm qua. Họ chẳng phải là công thần của chính quyền miền Nam, trước năm 1975. Họ chẳng có chút ân huệ, bổng lộc gì của chế độ đó. Bây giờ, chẳng ai thuê mướn họ. Việc họ làm, họ thấy đó là chuyện phải làm...vì bất công tràn đầy tại nơi mà họ đã trưởng thành, sinh sống trước kia". Qua đó, tôi muốn nói, có nhiều người ra sức đóng góp về việc chung còn nhiều hơn tôi; vì thế, cuộc đấu tranh cho chính nghĩa đến bây giờ vẫn còn tồn tại.

        Bởi vậy, nay mai, nếu các bạn thấy tôi không còn làm việc với cô Ôsin này...chắc hẳn, tôi còn làm việc với nhiều cô Ôsin khác của người bản xứ; nghĩa là, vẫn tiếp tục phụ vụ tập thể, dù chẳng ai bó buộc. Tóm lại:

        ”Khi chưa chết tôi sẽ cùng bè bạn
        Dẫu sức tàn tôi cũng quyết đấu tranh
        Trời Âu Mỹ đâu cần gươm với súng
        Chỉ cần lòng chung thủy với non sông....”

        Khi chưa chết tôi cất cao tiếng nói
        Sự thật kia trải rộng khắp muôn nơi
        Đất nước ta cả ngàn năm gầy dựng.
        Bao công lao khó nhọc của cha ông

        Khi chưa chết trúc rừng tôi làm giấy
        Ngòi bút cong dùng dao khắc trên cây
        Để lại cháu con bài học muôn đời.
        Đừng bán nước để làm thân Thái thú

        Khi chưa chết tôi sẽ về đất tổ
        Thăm bạn bè chiến hữu đã phơi thây
        Gặp gỡ lại thương phế binh thuở trước.
        Nối lại tình người tình chiến hữu khi xưa

        Trên quê hương tôi cùng bao lớp trẻ
        Hòa nhập dòng sinh mệnh của quốc gia
        Đứng vươn vai diệt thù trong giặc ngoại
        Khi chết rồi làm chiến sĩ vô danh


        Đặng quang Chính
        #4
          Đặng Quang Chính 15.11.2011 04:15:37 (permalink)

          Intet Våger, Intet vinner (*)


          Tôi không giỏi chữ ”Tây” của xứ này, nên dịch lối nói ở tựa đề bài viết là: ”Không vào hang cọp, không bắt được cọp”. Viết xong, để chắc ăn, tôi lấy cuốn tự điển ra tra, xem nghĩa chính xác của nó là gì. Tự điển ghi rõ: ”Kẻ nào có gan thì làm giàu”. Chà! Không hiểu lối dịch của tôi có đồng nghĩa không. Bây giờ, tôi kể ra sự việc đế người xem cho ý kiến.

          Sau khi hẹn tới lui đôi lần, chúng tôi gặp nhau vào lúc 14:00 ngày thứ năm vừa qua (Xin nói qua là: không phải vì ” Ô sin” của tôi là phái nữ mà được sự ưu tiên đó, một người khác - người đã dành căn phòng của anh ta để ” Ô sin” làm cuộc phỏng vấn đầu tiên) cũng đã cho tôi ”leo cây” nhiều lần, hơn cả ” Ô sin” nữa.

          - Vừa rồi, không gặp được vì đã có hẹn một cuộc phỏng vấn khác. ” Ô sin” nói.
          - Tôi tưởng lúc đó đang ở Luân Đôn, nên gửi mail nói vui là, coi chừng bị bắt cóc.
          - Vừa rồi, tôi có liên lạc với một nhóm trẻ và đã đi ăn sáng với họ đôi lần...
          - Việc phỏng vấn được nới rộng đến những khu vực khác, tạo sự dễ dàng hơn là chỉ làm việc tại khu vực Groruddalen.

          Tóm lại, như người đọc đã theo dõi, ” Ô sin” của tôi không chỉ có ”jobb” này (liên quan đến luận án còn đang dang dở, chưa biết có được công nhận (god kjent) hay không), mà còn có công việc ”Støtte kontakt”, rồi làm việc cuối tuần trên du thuyền có tên Color Line. Do đó, thật sự mà nói, một cái hẹn được thực hiện là một sự sắp xếp khá công phu.

          - Tôi chưa thật sự hiểu tại sao anh lại muốn tôi ghi lại những cảm xúc trong những lần làm phỏng vấn?
          - Dĩ nhiên, ghi lại rồi lưu giữ thôi, còn để đăng các bài viết về những sự việc đó không phải là lúc này.
          - Mục đích ...
          - Một cuốn sách, dù viết về đề tài nào, nếu do một người nước ngoài thực hiện, vẫn có nét hấp dẫn riêng. Có thể điều đó có tỉ lệ là trên 50%. Nhưng, nếu do một người bản xứ cùng cộng tác, sự hấp dẫn, theo riêng ý tôi, sẽ tăng nhiều hơn!

          Việc cho in một cuốn sách là việc dự định từ lâu của tôi. Dự định khác là cho in một cuốn sách nói về những điều đã xảy ra tại đất nước này (nói rõ hơn, nếu nội dung cuốn sách đó là một cuốn truyện tình cảm, tình cảm ấy sẽ có liên quan kiểu nào đó với một người bản xứ một cách cụ thể). Tôi đã nói điều này, dù thoáng qua cho cô ta nghe, ít nhất đã một lần.
          - Nhưng, bằng cách nào.
          - Tôi vừa đọc được một thông báo đăng trên báo, nội dung là Hội nhà văn và dịch thuật Na Uy (Norsk faglitterær forfatter- og oversetterforening) sẽ tài trợ tiền (gọi là stipend) cho những người muốn in một cuốn truyện hay một cuốn sách chuyên ngành nào đó. Tạm thời chúng ta quên chuyện này. Bây giờ, nói về việc làm hôm nay.

          Qua lần gửi thư của cô ta trước đây, cô ấy gợi ý sẽ cùng đi dán "quảng cáo" lớp dạy tiếng Việt dành cho người Na Uy. Sau đó, khi làm việc này tại trường Cao Đẳng, cô ấy sẽ tự làm một mình. Có ai tích cực được như thế này nhỉ?! Trong Ban Điều Hành, anh cựu Hội Trưởng và tôi đã đôi lần làm việc này ngoài phố, khi Hội cần đưa thông báo đến mọi người (bên cạnh việc đưa tin lên trang mạng), nhưng với một người mới "làm quen" với Hội như cô Ô sin này, đây không phải là chuyện thường tình.

          Lúc cô ấy đến phòng vệ sinh, tình cờ tờ giấy trong cuốn sổ ghi chép mà cô ta ghi lại những điều chúng tôi đã bàn lúc nãy, rớt ra ngoài cuốn sổ. Cuốn sổ được đặt hơi chênh, trên túi xách căng phồng, nên đã rơi xuống đất, vô tình giúp tôi giảm được nỗi thắc mắc từ lúc cô ta gửi thư đến tôi, để có cuộc gặp mặt hôm nay. "Twenty years from now you will be more disappointed by the things that you didn't do than by the ones you did do. So throw off the bowlines. Sail away from the safe harbor. Catch the trade winds in your sails. Explore. Dream. Discover (Mark Twain) (**)

          Cám ơn nhà văn Mark Twain và những hoạt động của các Hội đoàn mà cô ta đã từng là thành viên, trong thời gian cô ấy đi học. Nếu chỉ thuần túy đi học, chắc cô ta không cảm nhận nhanh chóng về các việc làm vô vụ lợi này. Chúng tôi làm xong công việc ấy một cách hài lòng vì việc này phù hợp với chủ trương ban đầu, khi chúng tôi bàn về lớp học này là (cũng như lớp dạy kèm các môn học sinh Việt Nam yếu, kém trong trường học), nếu mọi việc như tính toán, chỉ cần bù đắp xong những chi phí và không phải bỏ tiền túi ra là tốt.

          Tạo ra một chương trình làm việc chung (có thể gọi là dự án không?) mà cả hai đều hăng hái bỏ công sức -ít ra vào thời gian đầu- không nề hà điều chi và chưa biết sẽ gặp trở ngại gì trong khi thực hiện, có khác chi đi vào hang cọp. Bắt được cọp hay không thì chưa biết được, nhưng có tính lời lỗ gì ở đây đâu mà nói là: ”Kẻ nào có gan thì làm giàu”!


          Đặng Quang Chính
          #5
            Đặng Quang Chính 11.12.2011 21:00:01 (permalink)

            Ô sin ...aupair ...gratis (5)
            (Làm văn hóa không phải là chuyện dễ!....)


            Ngày Tết ở xứ người không có điều gì khiến mọi người cảm thấy có cái gì đặc biệt. Phần tôi, đến khi hai cô gái Na Uy ngồi vào xe mới cảm thấy có chút không khí Tết, khi nghe một trong hai cô nói câu: ”Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Việt.

            Vài ngày trước đây, lúc gửi mail, cô Ô sin hỏi tôi là người bạn trai của cô ấy có thể cùng đi không. Tôi nói để tôi hỏi người tôi quen (là chủ Trung tâm dạy sinh ngữ), vì tôi định để hai người này đi với anh ấy. Sau, cô ấy nói là, người bạn gái cùng phòng muốn đi. Ai muốn xem ngày lễ Tết của người Việt được tổ chức ra sao, tôi mời ngay .... nhưng bây giờ phải gánh hết, vì anh bạn đã đi Pháp bất chợt, bởi có công việc gấp. Lúc này, hai cô ngồi đã ngồi trong xe. Có thể nào cô kia đã đóng vai trò người bạn trai của Ô sin (?)...trên thực tế.

            Đó là ý chợt nảy sinh, khi tôi nhớ lại một so sánh lâu nay đã trở thành thông lệ. Mọi người có thói quen cho rằng: Đông là Đông và Tây là Tây. Nghĩa là, có sự khác nhau giữa văn hoá của người Âu Châu và người Á châu. Nếu trước đây, câu nói trên là đúng, thì bây giờ, câu nói trên phải được xét lại. Hiện nay, ở Việt Nam, việc hai người đồng phái yêu nhau cũng nhan nhãn khắp nơi. Nếu khác, bởi ở đó người ta không công khai. Còn ở Na Uy, việc này được luật pháp công nhận ...và những cặp như thế có quyền lợi của một đôi nam nữ, sống với nhau đời sống vợ chồng.

            Sau khi chào hỏi, cô bạn của Ô sin, cố gắng diễn tả cho tôi biết tâm trạng thích thú của cô, khi sẽ được chứng kiến cảnh buổi lễ mừng Tết của Chùa. Tôi đã có kinh nghiệm về những sự việc như vầy nên chỉ trả lời là, hy vọng rằng sự mong muốn của cô sẽ không bị thất vọng!. Còn Ô sin cho rằng, cô ấy đã hơi bất cẩn, bởi đã không ăn mặc đẹp hơn một chút (Có lẽ vì thấy tôi ăn mặc có vẻ đàng hoàng hơn qua những lần gặp trước đây (?)..). Rồi hỏi thêm rằng, các cô gái Việt Nam tại buổi lễ, có ăn mặc khác hơn ngày thường không. Tôi nói, có thể có một số bận một loại y phục đặc biệt - tôi dùng chữ ”spesiell drakt”- (*). Nói xong, thấy không ổn, tôi giải thích thêm rằng, loại y phục đó giống như áo của các cô gái Pakirstan. Sau khi giải thích như thế, tôi vẫn chưa thấy ổn. Nhưng nhờ hai cô bàn chuyện gì đó với nhau, nên tôi có thời gian lan man nghĩ đến những câu chuyện đã xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua.

            Buổi họp của Hội có đủ 2 thành phần: lớn tuổi và nhỏ tuổi. Nói là nhỏ tuổi nhưng có người đã trên 40. Chưa có thành phần trên dưới 20 tuổi. Do đó, khi đề cập đến những sinh hoạt của tuổi nhỏ và cần người cùng làm việc với họ, đôi người ở lớp tuổi 40 khiếu nại rằng, họ không còn ”nhỏ”!...Có thể vì mặc cảm này, nên có anh ”sửng cồ” trong cách nói..hay phát biểu ý kiến (?)!. Có người tỏ ý không hài lòng về thái độ đó, nhận được câu trả lời là: cách sử xử ở xứ này là ngang hàng. Ý nói, không phân biệt già trẻ. Nghĩa là bình đẳng như cách xưng hô vậy (I & you) (Jeg & deg) ...không hơn không kém. Chà !...cái vụ đụng độ văn hóa Đông và Tây ở đây mới là ác liệt.

            Lớp anh tuổi ”nhỏ” này bị pha trộn hai thời kỳ (trước và sau năm 1975, vì sanh ra trong khoảng những năm 1970-1980) nên có nhiều điều lấn cấn khác. Chẳng hạn, khi sử dụng tiếng Việt. Anh lớn tuổi nói, ví dụ như, ngôi nhà tráng lệ thì anh ”nhỏ” nói, ngôi nhà hoành tráng. Anh lớn nói, đi diễn hành thì anh trẻ nói, đi diễu hành. Để làm bằng cớ cho chữ được sử dụng, anh ”nhỏ” nói đã tra từ cuốn tự điển nào đó. Trong buổi họp, có ai đem theo tự điển đâu, nên mọi người cứ ừ hử. Nhưng, nếu truy cho đến nơi, chắc cuốn tự điển này được xuất bản sau năm 1975 tại Việt Nam!...

            Ngôn ngữ được sử dụng một cách lẫn lộn. Điều này do sự dạy dỗ trong nhà trường. Nhưng do nhà trường bị chỉ đạo chặt chẽ bởi đường lối chính trị của nhà nước, bởi nguyên tắc ”hồng hơn chuyên”, nên có thể vai trò của người thầy giáo không còn được tôn trọng như trước năm 1975 (Nếu thầy không là đảng viên, thầy sẽ bị theo dõi bởi học trò đã là đảng viên trong Đoàn thanh niên CS). Rồi lại bắt chước lối giáo dục phương Tây, cho học sinh và sinh viên được tự do trong sinh hoạt ở trường lớp (góp ý, phê bình thầy cô giáo) và tự trị trong phạm vi sinh hoạt của trường Đại học (Điều này chưa được thực hiện tại VN), nên sự pha trộn trở thành một đám hổ lốn. Bởi, sự tự do của học trò không đi đôi với sự tự do trong xã hội, một xã hội bị câu thúc bởi sự độc quyền chính trị của nhà nước. May mắn là chữ ”đồng chí” không được dùng nhiều trong phạm vi nhà trường. Chỉ một điều tôi không biết chắc là, lúc sinh hoạt đảng, giáo viên và học sinh có xưng hô với nhau như thế hay không. Một điều khác cũng không rõ, có phải do chủ thuyết CS nên lớp tuổi ”nhỏ” bị ảnh hưởng theo cách nghĩ là, kinh tế quyết định tất cả. Từ suy nghĩ này đã dẫn đến cách hành xử na ná với chủ trương: ”Mục đích biện minh cho phương tiện”. Vì thế, một thời, ở VN, đã có một bài vè được khá nhiều người biết đến, trong có câu: ”Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi già ....”. Bên cạnh đó, có phương châm ”Hy sinh đời bố, củng cố đời con”, một phương châm đã làm tình trạng tham nhũng của cán bộ trong nước đến mức hết thuốc chữa!....

            Ảnh hưởng đó không giới hạn trong nước, còn lây lan ra đến nước ngoài. Kẻ nhiệt tình với việc chung cũng có, nhưng những người và nhóm, hội này khác, được lập ra để theo đuổi lợi ích riêng thì nhiều; giống như các người bán hàng trong các chợ chồm hổm ở VN. Không ai bầu ra mà lại được gọi ngon lành, chẳng hạn như, Đại diện Cộng đồng người Việt tại Âu châu...rồi trưởng Ủy ban này khác..v.v.. Bây giờ, còn lâu mới tìm ra được "Người thật, việc thật" !....

            - Món thức ăn này được gọi là gì?. Bạn cô Ô sin hỏi tôi và chỉ vào món gỏi cuốn
            - Món này là "gele"?. Ô sin chỉ vào ly chè mà hỏi tôi đó có phải là thạch không. Tôi đầu
            hàng vì những câu hỏi về thực phẩm. Bởi, chỉ riêng tiếng VN thôi, tôi cũng không còn phân biệt được, nào là: chè, thạch, nào là sương sa, sương sâm, sương xáo..v.v... thì làm sao lại có thể làm "thông ngôn" trong trường hợp này!

            May quá, tôi gặp người quen...Hơn nữa, hai cô đang tập trung lo việc chụp hình nên tôi thoát nạn.
            - Ông già lớn tuổi đó đang kể chuyện?. Ô sin hỏi....có lẽ vì thấy ông ta nói hơi dài.
            - Không, ông ta kêu gọi đóng góp cho việc xây dựng tượng đài.

            Nói xong, tôi hơi ngạc nhiên, không phải vì không giải thích được mục đích của việc đó... nhưng, bởi tôi thắc mắc....vì theo lời của người kêu gọi, chương trình đã được tiến hành khá lâu và đã thu được một số tiền nào đó. Thế mà những thông tin tôi đã nhận được lại cho tôi một hình ảnh khác.

            Có người nào đó vỗ tay làm cho nhiều người khác vỗ theo, khiến hội trường có vẻ ồn ào hẳn lên. Đấy là lúc người nói chuyện, nhân dịp nói về chương trình xây dựng tượng đài, đồng thời kêu gọi mọi người đóng góp, để xây dựng một chùa mới, ở gần phi trường Gardemo. Kể ra lòng hảo tâm của người Việt mình lúc này cũng dồi dào đấy. Các cuộc quyên góp nhân những lần VN bị thiên tai, đều thu hoạch được một số tiền khá lớn (Còn chuyện đưa đến tay nạn nhân được bao nhiêu, điều này không có gì bảo đảm; vì bọn cầm quyền địa phương đủ mưu ma, chước quỷ qua mắt người Việt ở nước ngoài).

            Đến hồi một nam ca sĩ, nghe nói từ Mỹ qua, khi hát xong một bản...và dài dòng gì đó, trước khi sẽ hát tiếp bài mới...là lúc bạn của Ô sin muốn ra ngoài. Lý do: nhức đầu.

            - Anh nhìn kìa...Hai cô chỉ một nhóm 3(4) cô gái bận áo dài VN, với nhiều màu sắc
            và kiểu áo khác nhau...đồng thời nói: "Có phải loại y phục mà anh nói là "spesiell drakt" không...?
            - Tôi trả lời, đúng là loại "lang kjole" mà tôi muốn nói. Chắc ngụm cà phê đã khiến tôi
            tỉnh hơn, nhanh lẹ dùng đúng chữ mà hai cô ta vừa mới hỏi để trả lời.

            Trên xe, tôi hỏi cảm tưởng của hai người bạn bản xứ về buổi tổ chức. Dĩ nhiên, vì lịch sự, họ trả lời là rất vui...rất màu sắc.

            - Nhưng, sao hồi nãy lại nói là nhức đầu. Tôi hỏi thêm....để tạo không khí có phần nào
            được vui hơn.
            - Có thể tại hệ thống âm thanh ồn ào !....
            - Nhưng, tại sao hệ thống âm thanh ồn ào tại buổi diskotek lại khiến chúng ta hưng
            phấn...?
            - Tại vì có thể đã uống nhiều bia...

            Ba người không nói gì thêm...khi tất cả đều cười thoải mái, sau câu trả lời ngay tình. Và đó là cái gì nếu tôi nói được là, đã "...cảm thấy có chút không khí Tết...", bởi tôi đã cố tình giới thiệu ngày Tết đến bạn bè bản xứ...đồng thời, dù muốn dù không, đã sống cùng với nó; dẫu cho chỉ đôi tiếng đồng hồ. Tại đó, tôi có dịp trò chuyện với những người quen, lâu ngày không gặp. Tham dự những ngày lễ truyền thống của chúng ta hằng năm, chẳng làm chúng ta mất thêm một điều gì cả..

            Điều tôi đoán trước, lúc trả lời cô bạn của Ô sin, đã hoàn toàn đúng. Cái tậm trạng vui thích nơi cô ta, khi chứng kiến nét đặc thù văn hóa của một sắc dân khác, đã không xảy ra hoàn toàn như cô ấy mong đợi. Buổi trực đêm trước trong bệnh viện đã làm cô này thấm mệt. Nhưng, xem một hoạt cảnh mà không hiểu những điều diễn ra có ý nghĩa gì cũng làm người ta mau chán. Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt những cảm tình của con người. Ngôn ngữ là chìa khoá mở đường cho sự hội nhập vào một xã hội khác.

            Ngôn ngữ cũng là một trong những yếu tố tạo thành nền văn hóa của một dân tộc. Tại một đất nước nào đó, khi mà mọi người đều nói sai bản chất của sự vật, như đen nói là trắng, đầy tớ mà nói là người chủ...thì thói quen nói dối sẽ trở thành bản tính khó thay đổi ...và đó là lúc sự suy đồi đạo đức sẽ xuất hiện. Sự suy đồi sẽ phát triển nhanh chóng và trở nên tồi tệ quá mức, khi nhóm người cầm quyền kết hợp nó với sức mạnh súng ống, hệ thống công an. Vì thế, tại VN hiện nay, cho dù gần như phường, xã nào cũng gắn một bảng thật to, nhằm giới thiệu cho khách mới đến biết rằng, phường, xã của mình là một phường, xã văn hóa...điều đó cũng chỉ là làm một việc để có được hình thức bên ngoài.

            Ở nước ngoài, có vài tổ chức người Việt cũng câu nệ những hình thức như vậy. Có tổ chức, khi người lãnh đạo chết trận, họ không nói về việc ông ấy đã hy sinh. Họ không dùng chữ: từ trần, quá vãng, khuất bóng..v.v... Họ chỉ diễn tả mơ hồ, hoặc tạo ra các tin tức, theo cái cách khiến người ta có cảm tưởng như ông ấy còn sống..!!!...Họ tránh nói sai bản chất sự vật... nhưng họ đã quá thần thánh hóa một sự việc. Hay là họ muốn bắt chước như người CS, cứ thêu dệt mãi về ông Hồ, dù thần tượng này càng ngày càng phơi bày những tệ hại, bởi những bí mật được dấu kín đã bị phanh phui.

            Những gì mà các chế độ chính trị dựa trên dối trá và bạo lực xây dựng được, chỉ có kết quả nhất thời. Tuy nhiên, để gặt hái điều đó, bao nhiêu sinh mạng đã bị hy sinh, bao nhiêu tài nguyên đất nước đã bị suy mòn, thất thoát. Và hệ quả đó có thể dẫn đến sự trì trệ kinh tế kéo dài, làm chậm đà phát triển của dân tộc. Nhưng, nếu lấy yếu tố con người làm gốc, sự sai lầm trong việc xây dựng một nền văn hóa tốt đẹp, sẽ đem lại hậu quả còn nhiều lần trầm trọng hơn sai lầm của đường lối chính trị. Do đó, người xưa có câu nói: "Làm chính trị sai lầm giết cả trăm họ, nhưng làm văn hóa sai lầm giết chết nhiều thế hệ".

            Bởi vậy, việc duy trì những truyền thống mang tính văn hóa của các Hội đoàn người Việt không phải là chuyện dễ !...



            Đặng Quang Chính
            Oslo 27.04.2011
            09:06
            #6
              Đặng Quang Chính 29.01.2012 04:59:26 (permalink)

              Bạn đời (I)


              Tôi dành việc nói về nhận xét của "Ô sin"- người Việt hay dùng ẩn dụ- vào thời điểm khác. Tôi muốn nói với độc giả (và cả Ô sin, vì khi dịch xong, tôi sẽ gửi bài cho cô nàng) rằng, tiếng Việt hay, không phải do tôi tự khoe. Tôi sẽ chứng minh như sau.

              Tính từ của ta rất phong phú. Có lẽ các bạn đọc có thể cũng có rất nhiều thí dụ. Tôi chỉ nói về tính từ "đen" mà thôi. Chỉ chữ đó thôi mà chúng ta dùng được trong nhiều cách diễn đạt; chẳng hạn, thay vì nói ngựa đen, ta nói ngựa ô. Mèo đen ta diễn đạt là mèo mun. Còn nhiều nhiều lắm !....

              Động từ của ta nói lên một trạng thái cân bằng rất hay. Chẳng hạn, chúng ta nói "học hỏi", có phải ngầm ý nói rằng, trong việc học tập, mọi người đều có lúc phải hỏi, không ông thầy thì bạn bè...?. Rồi nói "đi đứng", có phải muốn nói rằng, con người nói chung, không ai có thể đi hoài mà không có lúc đứng lại.

              Trước khi nói về chữ "Bạn đời", tôi xin kể một đoạn ngắn về việc học tiếng Na Uy của tôi.
              Lúc mới đến Na Uy, để dễ dàng tiếp xúc và trao đổi với người bản xứ, tôi mua ngay cuốn tự điển Na Uy- Anh bỏ túi. Nhưng không lẽ mỗi lần muốn hiểu nghĩa chữ nào đó, tôi lại lôi cuốn tự điển ra. Do đó, chỉ thời gian ngắn sau, cuốn tự điển đã được cất kỹ trên giá sách. Năm đầu, số ngữ vựng của tôi có đến khoảng gần 3.000 chữ. Được như vậy là nhờ tôi ghi danh học tiếng Na Uy tại trường Cao đẳng trong tỉnh cư ngụ. Với số vốn đó, coi như đã có được trình độ cơ bản về môn tiếng Anh. Với vốn đó về môn Hoa ngữ, tôi cũng có thể nói được chút chút tiếng Tàu (dù ngôn ngữ này có đến 20.000 chữ)...nhưng, tôi vẫn chưa nói tốt tiếng Na Uy. Nói đúng hơn, viết tạm, nghe được. Với các âm như: æ, y, ø....v.v... tôi nói không chuẩn lắm. Tuy nhiên, sau cùng, tôi cũng làm được việc đó... Nhưng thật khó chịu làm sao khi muốn nói chữ "kaldt" (lạnh) mà sửa miệng hoài cũng chưa được sự đồng ý của người thầy.
              - Jeg kan ikke gjøre noe ute på grunn av det er veldig kaldt !...
              (I can not do anything outside because it is very cold !..)
              Người bạn cứ nhắc mãi câu nói này của tôi, với giọng chế giễu...nhưng có vẻ khuyến khích nhiều hơn. Anh chàng nói, ý rằng, với vốn Anh văn của tôi, tôi không yếu về ngữ vựng. Các thuật ngữ của môn học (tôi chọn môn Hành chánh và Kinh doanh -Administration and Business) cũng không có gì là khó vì tôi học Luật trước 75 và học thêm Anh văn tại Hội Việt Mỹ. Nhưng, nói những chuyện thông thường vẫn là một trở ngại đối với tôi.
              - Anh thấy chưa, thằng bé người Bosnia gần nhà, sau giờ học ở trường, nó chơi banh với thằng bạn Na Uy...lúc đầu chỉ ra dấu mà bây giờ nó nói ngon lành chưa...
              - Mỗi ngày chúng nó bên cạnh nhau trong trường, cùng với những đứa trẻ khác, có đến ít ra 4 tiếng đồng hồ..
              - Nhưng...cũng tại nó không biết mắc cỡ !...Ra dấu và nói hoài là được thôi.

              Hiện nay, trong việc tiếp xúc với cô "Ô sin" này...tôi lại càng mắc cỡ hơn nữa. Có những lúc phản ứng thật đúng, nhanh nhạy... có lúc như dịch trong đầu câu muốn nói với cô, rồi tôi mới trả lời...thành ra có vẻ lúng túng. Tình trạng cứ y như lúc tôi nói tiếng Anh với các bạn sinh viên đến từ các nước khác. Tôi lẫn lộn chữ tiếng Anh và Na Uy (viết hơi khác và đọc hơi khác). Tôi chậm chạp trong phản ứng, như chờ đợi sự giúp đỡ của một anh thông dịch tiếng Anh. Chẳng trách tại sao thanh niên Việt ở đây, khi nói thường chêm tiếng Na Uy...hay sau hai ba câu tiếng Việt...rồi tiếp đó "xổ" ra một loạt những câu tiếng Na Uy. Chúng nói ngôn ngữ bản xứ như là nói tiếng mẹ đẻ. Chúng cảm thấy dễ phát biểu cảm tưởng bằng ngôn ngữ mà chúng đã sử dụng hơn 20 chục năm liên tục.

              Chẳng biết cô ấy có dụng tâm như anh bạn cùng lớp của tôi trước kia không...nhưng, thỉnh thoảng, cô ấy nói như chê tôi (chê có vẻ thật tình...). Rồi... tôi cũng thật tình nói với cô ấy rằng, sau khi nói, tôi còn có thể viết để diễn ý tôi muốn nói kia mà. Và nghĩ trong bụng, cô này làm việc với người nước ngoài mà không biết cách sử dụng ngôn ngữ gì cả. Tôi nghĩ thế, vì cho rằng, ai cũng biết, trong việc tiếp xúc, mình hiểu người khác không những qua câu nói mà qua việc đoán ý nữa.

              Nói chuyện với người khác, mình hiểu ý người đó, không những qua câu nói, cách đoán ý...mà còn qua dáng điệu, cử chỉ nữa. Cái phần sau cùng đó, không biết tôi đã thực hiện một cách quá đáng...hay là cô ấy đã xét đoán một cách quá đáng. Nhưng, lúc này, cô ấy hay nhắc đến "người yêu" của cô ta. Chắc cô ngại rằng, tôi vẫn tưởng cô ta còn độc thân..??. hay là cô sợ bạn bè hiểu lầm sự liên hệ giữa hai người, không chỉ qua công việc mà còn tiến xa đến mức độ khác..??...

              Sự liên hệ trai gái có nhiều mức độ khác nhau. Ở mức độ thấp nhất, có sự liên hệ trong tình bạn, tiếng Việt có chữ "Bạn trai" và có tiếng tương đương bên Anh văn là "Boyfriend"...nhưng, tiếng Na Uy không có chữ tương tự (vì nếu nói là "gutt venn", đó là cách tôi chưa nghe, bởi đó là cách ghép hai chữ lại mà thôi). Chữ hay dùng là "kjæreste" (không phân biệt bạn trai hay bạn gái). Chữ dùng chính xác ở đây là: elsker (dùng cho nam) và elskerine (dùng cho nữ) …nhưng ít được dùng hơn.
              Ở mức độ cao hơn, có thể dùng chữ "forlovede" (dùng như hôn phu hay hôn thê trong tiếng Việt). Ngày xưa, ở nước ta, hai chữ "hôn phu" hay "hôn thê" chỉ nói lên sự chấp nhận của hai gia đình về mối liên hệ của đôi trai gái, chưa thể gọi là vợ chồng (vì chưa làm đám cưới). Bây giờ, ở VN, hai chữ này còn được sử dụng với tính cách như thế hay không, điều này, không ai dám chắc. Còn tại Na Uy này, có khi còn là "boyfriend" mà đã có liên hệ như vợ chồng. Trên thực tế, chữ "samboer" chỉ sự sống chung của hai vợ chồng (nếu dịch chữ với chữ thì nghĩa đó trong tiếng Anh là: cohabitation. Dịch theo ý, có thể dùng tiếng Anh là "partner"). Chữ "Partner" ở đây cũng chưa hoàn toàn dịch hết ý của chữ "Samboer", vì có nhiều cặp trai gái, cùng sống với nhau -Samboer- đến khi có 2(3) con rồi mới làm đám cưới. Nhưng, dù thế, quyền lợi của hai người nam nữ lúc còn sống "Samboer" cũng gần giống quyền lợi của một cặp sau khi làm đám cưới.

              Nói dài dòng nãy giờ cũng chẳng qua ý tôi muốn nói là, liên hệ của chúng tôi không thể nào rơi vào các trường hợp đó. Tôi không phải là anh chàng Playboy tên Hugh Hefners (dù tôi nhỏ tuổi hơn ông ấy nhiều -ông ta 85 tuổi-). Ông ta lấy cô nàng Anna mới 25 tuổi...và Crystal, dù không lớn hơn Anna nhiều..nhưng Crystal không chịu được cảnh tượng Hefners lúc nào cũng có quanh ông ta những cô gái trẻ đẹp, nên đã từ giã ông "già gân" này, để cô Anna trám vào chổ của cô !...Tôi không giàu như Hefners nên không sao làm được chuyện như ông già đó. Tôi cũng không tài năng như danh họa Picasso nên lại càng không bao giờ có chuyện đó xảy ra.

              Một ngày đẹp trời nào đó, nếu thấy "Ô sin" vui vui, tôi có thể dạy cô ta nói với anh bạn trai của cô ta như sau: người em cùng làm việc, người đó chỉ là người bạn đường...chứ không thể là bạn tình (vừa nói cô nàng vừa ra hiệu cho bạn trai biết, anh ấy mới thực sự mang lấy cái tiếng đúng như vừa nói)...mà không là bạn tình...còn lâu anh ta mới có thể là người bạn đời của em.

              Dạy như thế cho cô ta, nhưng tôi cũng nói rõ là, cô ta nên nói nguyên văn bằng tiếng Việt. Bạn trai cô ta, nếu hiểu được tiếng Việt, sẽ thông cảm với cô ta ngay !!....Tiếng Việt xem ra cũng phong phú lắm các bạn ạ !...Đâu cần gì phải dùng ẩn dụ -metaphor-...phải không các bạn..??...



              Đặng Quang Chính
              #7
                Đặng Quang Chính 04.02.2012 16:29:58 (permalink)

                Bạn đời (2)

                Trước đây, tôi đã viết một bài về "tình bạn". Nay, nhân cùng làm việc với Ô sin, một cảm hứng về đề tài đó được khơi lại.

                Tình bạn nơi bài viết trước là loại tình cảm xảy ra nhan nhãn hiện nay. Người bạn tôi quen, sau khi ly dị, quen với một người đàn bà Na Uy. Theo lời anh kể, cô ta đối xử với anh thật là chí tình. Rời một nơi khiêu vũ vào quá nữa khuya, cô ta đón xe...mà anh lúc đó là "pirat taxi" (1). Rồi quen nhau...và sau một thời gian, cô ta giới thiệu anh với gia đình cô ấy. Câu chuyện tưởng đến kết cuộc là một cuộc hôn nhân, dù là hai bên đều có con riêng. Nhưng, khi anh ấy về VN...và trở lại, cuộc tình hai bên chấm dứt !...
                Nói là nhan nhãn ..vì thời buổi này không còn chuyện "Một túp lều tranh hai quả tim vàng". Nhưng, đó là hai trái tim khác giống. Liệu rằng, khi hai anh giống đực, hay hai chị giống cái, cưới nhau đàng hoàng (2), tình trạng đó sẽ kéo dài bao lâu...??
                - Tone
                Tôi nói đủ nghe. Nhưng, hình như anh chàng này ” điếc”!... Kêu tên anh ta đến lần thứ ba anh mới chịu quay đầu lại.
                - Anh đã lần nào đã du lịch đến một nước Á châu chưa …?
                - Chưa …
                - Không thích ..?
                - Tôi sẽ đi Phi Châu …sẽ ở đó một thời gian …(tôi không nghe rõ phần cuối)
                - Keynea ..?
                Tôi liên tưởng đến quê cha của Tổng thống Mỹ Obama
                - …..zia
                - Tôi nghe như là Zambia …(có lẽ thế)…(nhưng ngành học của chàng đúng như Catherine nói trước đây với tôi).
                Hôm nay, ngoài tôi, “Ô sin” mời gia đình vợ chồng mà cô ta đã làm việc khá lâu trong suốt thời gian qua. Ba người con quả là mẫu thiếu niên khá đặc biệt. Cả ba đã mời ba mẹ chúng, tôi …rồi Catherine và bạn cô ấy, trước khi chúng bắt đầu ăn.
                - Căn phòng này cũng khá lớn. Ba của chúng vừa ăn vừa nói nhận xét về khung cảnh xung quanh.
                - Chắc ít ra cũng hai phòng ngủ.
                Tôi đoán liều …vì đến trễ bởi kiếm chổ đậu xe hơi khó …và vào nhà một cách vội vàng; không như gia đình hai vợ chồng này.
                - Mới bước vào đã thấy phòng ngủ có hai giường đôi. Anh chồng nói rõ hơn.
                Nhà ở khu vực phía tây Oslo thường đã được xây cất lâu đời. Những căn phòng trong chung cư (3) có diện tích rộng hơn các căn nhà cùng loại, được xây cất gần đây. Trần của phòng cao trên dưới 3m.
                - Tone …. (lần này, cẩn thận hơn, tôi kêu luôn họ của anh chàng)
                - Anh này quả tình “điếc” thật chứ chẳng chơi. Sợ rằng mình phát âm không chuẩn, tôi xoay qua đứa con trai lớn của hai vợ chồng, ra hiệu như là tôi nói có chuẩn không.
                - Chắc chú ấy không nghe ….

                Nói xong, cậu bé vừa hỏi ý tôi, vừa định gạt sang dĩa của tôi một món thức ăn mà cậu cho rằng, tôi sẽ thích ăn món này. Tôi nói với cháu, ý là, cứ ăn đi, bác dành bụng để đến ăn tiệc một nơi khác nữa. Cậu bé thật thà và thân tình đến mức làm như sẽ chuyển phần thức ăn đó vào ngay đĩa của tôi. Thái độ đó làm mẹ cậu phải lên tiếng. Cậu bé ngưng hành động đó, nhưng còn giải thích thêm rằng, sở dĩ làm vậy là vì thấy món thức ăn đó hình như đã hết. Quen nhau không lâu nên tôi không biết rõ ba của cậu làm nghề gì. Nhưng, việc giáo dục con cái của gia đình này thật đúng mức !...

                Mẹ cậu bé, thường thì rất vui tính và là người hay gợi chuyện lúc tiếp xúc với người khác. Nhưng hôm nay, có mặt tại một nhà người bản xứ, chắc không muốn nói nhiều bằng tiếng mẹ đẻ.
                - Vợ tôi nói làm món chả giò để đãi mọi người hôm nay …nhưng nghe nói Catherine đã được thưởng thức món này các đây vài ngày. Tôi nói.
                - Ai nói cho anh biết vậy … Catherine mau mắn hỏi
                - ….(tôi chỉ cười cười…)
                - Có phải …. Huấn nói không …?
                - Huấn nào …
                - Cái cô mà mình gặp lần đầu …
                - Tôi biết rồi ….vì cô phát âm tương tự với người tên Huấn nên tôi hơi ngạc nhiên

                Hơi ngạc nhiên …nhưng tôi cảm thấy vui vui. Hai người (trong đó có gia đình này) do tôi giới thiệu bây giờ đã là bạn của “Ô sin” này. Người kia đã mời Catherine lên dự một buổi lễ thêm sức của gia đình người quen trên Trondheim (cách đây đến khoảng trên dưới sáu giờ xe hơi). Ngạc nhiên khác tôi chờ mẹ của những đứa trẻ đề cập đến …nhưng đến lúc này vẫn chưa được biết rõ. Hay là cô ta cũng chưa rõ điểm này bằng tôi. Catherine có người bạn gái (cùng chia phòng) làm y tá tại bệnh viện gần đây. Nhưng, tại sao hôm nay lại không có mặt người này.
                - Ở nhà ….(vừa nói tôi vừa chỉ) …ai là người làm thức ăn ….
                - Anh ấy về đến nơi đã mệt rồi ..Catherine trả lời
                - Trường học có xa lắm không …?. Tôi hỏi anh bạn của cô ta
                - Đi xe đạp khoảng hơn 10 phút.

                Như vậy là cả ba cùng ở căn phòng này (?). Cũng có thể Catherine chia phòng ngủ với anh bạn trai của mình. Nếu thế, cần gì đến hai giường chiếc. Nhưng lúc nãy, khi nói chuyện, tôi nghe nói anh ta mới vừa từ nhà gia đình của ba mẹ anh ấy đến đây. Mà cái anh chàng này hơi lạ ….Không có vẻ sôi nổi trong cách nói chuyện với khách đã đành ..mà còn hình như nghễng ngãng sao đó. Hay là anh có ý không hay về mình … Không thể có chuyện này. Vì gặp nhau lần thứ hai, Catherine đã nói rõ là cô ta đã có bạn trai (dĩ nhiên là nói một cách đàng hoàng vì có cô bạn gái ngồi cạnh) ….và cũng lần đó, Catherine lên tiếng mời trước tôi và vợ tôi sẽ đến nhà cô ấy chơi, trong thời gian không lâu sắp đến. Tuy nhiên, ai cũng bận việc riêng. Rồi còn sắp đặt sao để gia đình hai vợ chồng này cùng đến cho vui. Cho mãi đến hôm nay tất cả mới giáp mặt được.

                Chuông điện thoại reo. Người mời tôi đến dự tiệc có lẽ e rằng tôi đang kiếm đường đến nhà, nên cẩn thận gọi đến, để hướng dẫn cách lái xe cho đúng hướng. Tôi đành từ giã mọi người. Lúc mặc áo khoác lên người rồi, tôi vẫn còn thắc mắc, không biết có phải đây là một cuộc tình tay ba, trong đó, có người xé rào ..??!. Nhưng, điều băn khoăn hơn hết của tôi là thái độ là lạ của anh chàng chủ nhà, bạn trai của “Ô sin”. Có phải do vậy nên phản ứng tự nhiên của Catherine và tôi lần này không giống như lúc tôi mới bước vào nhà. Tôi đã không nhận được cái “hug” (4) thân mật của cô chủ nhà trước khi chia tay …??



                Đặng Quang Chính





                Ghi chú:
                (1) Xe tư nhân, chạy “lậu” không đóng thuế.
                (2) Việc làm đám cưới giữa các cặp đồng tình luyến ái đã được luật pháp chính thức cho phép ..và họ có quyền lợi như những cặp vợ chồng khác, không cùng giống phái.
                (3) Appartment (tiếng Anh)
                (4) Huk (tiếng Na Uy: klem -ôm choàng vai-)


                #8
                  Đặng Quang Chính 24.04.2012 20:35:46 (permalink)

                  Cáo già

                  Hôm trước, học trò thi môn Na Uy, gái nhiều hơn trai. Hôm nay, thi môn Toán, trai nhiều hơn gái. Một anh chàng ngồi hàng ghế thứ ba, dong tay ra hiệu muốn đi ra ngoài. Tôi đưa anh chàng đi....nhưng hơi ngạc nhiên vì anh ta không đi vào phòng vệ sinh, mà tiếp tục đi xuống thang gác. Không biết con "cáo" này dở trò gì đây..!

                  Ở Việt Nam, chuyện thi cử gian lận nói hoài không hết. Có lần tôi được nghe kể lại, lớp đang trong giờ thi, có người vào đưa bài giải cho một học trò. Giám thị phòng thi ngăn cản, bị người đó đánh tại chổ. Anh chàng mà tôi đang lò dò đi theo, nếu muốn dùng võ lực chắc cũng không dám. Bởi anh chàng có tật ở chân, đi khệnh khạng trông bệnh hoạn lắm.

                  Xuống hết lầu ba, anh chàng đi ra ngoài. Trời đang mưa mà người này lại đi ra đến cổng trường, cách đó khoảng 10m, để hút thuốc. Hết nói !....Dù sao, đây là thái độ gìn giữ kỷ luật đúng khuôn phép nhà trường (không hút tại cửa ra vào). Không biết anh chàng làm bài vở ra sao mà thấy có vẻ thong thả thật !...

                  Thật trái với tin của báo Universitas (*) cho rằng, sinh viên có nhiều vấn đề tâm thần hơn những thành phần dân số khác...và thi cử là nguyên nhân quan trọng nhất. Năm rồi, hơn 1.200 sinh viên đã bị bác giờ "cố vấn tâm lý" (để giải quyết các bệnh sinh ra từ vấn đề tâm lý), do bộ phận phục vụ sức khỏe sinh viên thiếu khả năng cung ứng dịch vụ này . Nhưng tôi đã học ở đây gần 10 năm rồi...mà có mắc bệnh gì đâu !...(sẽ nói rõ trong dịp khác).

                  Hình như càng học cao càng dễ mắc bệnh, không bệnh này thì bệnh khác. Tỉ lệ gian lận trong việc làm bài tốt nghiệp Đại học trong những năm gần đây đã tăng lên. Cách nay khoảng 2 năm, báo chí viết về trường hợp một người nước ngoài, đã là bác sĩ, hết tại Thụy Điển, Đan Mạch...rồi qua Na Uy, mà cuối cùng bị phát hiện là dùng bằng giả từ nước nhà của người đó. Rồi sinh viên Cao học người bản xứ trong nước cũng thế !...Một số sao chép lại bài vở đã được bảo vệ thành công, bởi những sinh viên đã tốt nghiệp trước đó.

                  Bệnh gian lận, tráo trở lan từ học đường ra ngoài xã hội. Nhất là tại các nước đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến tranh lâu dài. Đảng CS Việt Nam là một điển hình nổi bật. Ở nước ngoài, nơi có người Việt sinh sống, có vài đảng cũng theo chân đảng CS. Trong nước, tổ chức 8406 có đưa "lậu" được một ông ra nước ngoài. Sau khi im lặng một thời gian bởi việc ra đi của ông ta tạo nên nhiều nghi vấn, bây giờ ông ấy lại lên tiếng. Nội dung các bài viết ra đều rất đạo đức, nguyên tắc. Thực chất, tổ chức của ông ta làm toàn chuyện ngược lại.

                  Nghĩ rằng thời gian anh học trò hút thuốc đủ để tôi hỏi thăm ít việc, tôi điện thoại đến một người quen. Người này, trước đây đã cùng tôi tổ chức lớp học tiếng Việt cho người Na Uy. Cuộc nói chuyện không dài. Một sự thật đã trở nên rõ ràng. Trước, người này đồng ý đứng lớp...nếu một khóa học như thế sẽ được tổ chức vào tháng 8 sắp tới. Bây giờ, chính người này bãi bỏ ý định đó. Lý do: từ nhà đến trường quá xa !...

                  Đây có phải là một tráo trở không...?. Nhà xa thì trước và bây giờ cũng thế. Hay là người này muốn mè nheo về số lương dạy học ?...Không biết được sự suy nghĩ của người đó đã xảy ra như thế nào. Đôi khi sự việc có lợi theo ý của vợ, nhưng lại không được sự đồng tình của người chồng...?

                  Không sao !...Tôi cũng đã có kế hoạch thứ hai. Kế hoạch này, nếu lại thất bại thì tôi đành thúc thủ. Không lẽ làm việc bất vụ lợi mà lại gặp những xui xẻo thế sao..??... Nhưng, kết cuộc mà có xảy ra như thế, tôi không tự lấy làm xấu hổ. Tôi đã ghi rõ ở dưới tờ quảng cáo, ý đại khái là: chúng tôi dành trọn quyền thay đổi, khi có những sự việc xảy ra ngoài dự liệu.

                  Bạn đọc, xem đến đây, nếu cho tôi là "cáo"...thì có phần nào cũng đúng. Mà nếu đúng như thế, tôi là "cáo già", chứ chẳng phải chơi. Tôi đã qua cái thời thanh niên, đôi khi bồng bột làm những việc quá sức của mình.



                  Đặng Quang Chính


                  Ghi chú:
                  * Báo của trường Đại Học Blindern tại Oslo.(Årgang 65, utgave 18, dato: Onsdag 1.juni 2011.
                  #9
                    Đặng Quang Chính 07.06.2012 16:22:25 (permalink)


                    Chuyện đời gay cấn


                    Bẵng một thời gian khá lâu, cô "Ô sin" lại gửi mail, hẹn gặp nhau ngày 30.05.12 vừa qua. Cô ấy nói, khi gặp, sẽ đưa cho tôi bản luận án lấy Master...coi như đáp lễ việc tôi giúp cô tiếp xúc với người Việt. Chuyện này không thiệt cho ai nên tôi nhận lời.

                    Tôi chợt nhớ đến một anh chàng bản xứ, mà có lẽ nếu anh ấy cùng có mặt vào hôm ấy thì quả cũng là điều hứng thú ..và hơi gây cấn!.

                    Hứng thú vì cô "Ô sin" làm việc gọi là "nghiên cứu" phong tục người nước ngoài, trong đó có đề cập đến các món ăn Việt Nam..nhưng có lẽ chưa trọn vẹn "hội nhập" vào công việc ấy 100%. Bây giờ, cô ấy gặp người cùng sắc dân mà người này đã từng ở Việt Nam gần 2 năm, có lẽ cũng là cơ hội để cô ta thấu đáo hơn về một số các chuyện khác (chứ trao đổi với tôi, có khi cô nghĩ tôi không "cứng" ngôn ngữ như thanh niên Việt ở đây ...và có thể, đôi lúc vì hứng thú sao đó, lại tán tụng hơi nhiều về cái tốt của dân tộc mình).

                    Gây cấn vì không phải "ráp" lại có một phía cô ấy và tôi ...mà còn thêm anh chàng Jorgen này nữa (tên Việt là Sơn).
                    Cả hai người ấy đều có việc phải làm (một hai jobb)...và đôi lúc thật bận rộn. Biết đâu ngày rảnh của cô lại là ngày bận của Sơn.

                    Thật thế !..riêng phía tôi, ít ra cũng đã gửi mail đến 4(5) lần ..và dĩ nhiên, cô ta đáp lại. Để cuối cùng, cô ấy nói rằng, ngày đó cô không rảnh để gặp nhau lâu (dọn nhà)...và vì số bản luận án (lý do nào đó) đã hết. Cô ta hẹn tháng 06 sẽ đưa cho tôi sau.

                    Gây cấn còn dài dài ...vì tôi sắp xếp việc cô ấy gặp Sơn, không chỉ là để gây hứng thú phút chốc; nhưng có ý định là cùng họ tạo thành nhóm cho một chương trình nhỏ khác, sẽ được tất cả cùng theo đuổi.

                    Tôi chợt nhớ lại một vài phim nào đó, trong đó có nhân vật vai chính, đi kiếm những "cao thủ" cùng chí hướng, để tất cả "thế thiên hành đạo". Các phim đó có kết thúc là Thiện thắng ác.

                    Ở đây, không có cuộc tranh đấu nào phải cầm đến kiếm hoặc súng. Nhưng là việc cổ suý cho một nền văn hoá đích thực, nền văn hoá trọng nhân bản. Giảm mức độ một chút là việc xây trường để đào tạo một thế hệ thanh thiếu niên được đào tạo theo chiều hướng đó. Anh bạn tôi, ở Việt Nam, là người đã xây dựng một trường học theo kiểu mẫu này. Chúng tôi, ngoài các người sắp gặp, sẽ vận động thêm những người khác, sẽ là những nhân tố, kêu gọi sự giúp đỡ của những người bản xứ. Nếu họ giúp đỡ được về vật chất cũng tốt, nhưng nếu chỉ góp ý kiến trong vai trò cố vấn chuyên môn trong một phân ban, của việc giáo dục trong nhà trường, cũng là điều tốt không kém!. Họ là những người trong Hội đồng Giáo đục của nhà trường, trong tương lai gần đây. Kể cả thanh thiếu niên người Việt, lớn lên ở đây và thành công trong một ngành nghề nào đó. Miễn là họ cảm thấy đường hướng giáo dục của chúng tôi là đáp ứng được yêu cầu lâu dài của đất nước.

                    Cô "Ô sin" như đã viết trong một bài trước, là người có chuẩn đích như câu nói Mark Twain mà cô đã ghi chép vào số tay "Twenty years from now you will be more disappointed by the things that you didn't do than by the ones you did do. So throw off the bowlines. Sail away from the safe harbor. Catch the trade winds in your sails. Explore. Dream. Discover".

                    Nhưng, cô ta có kiên trì theo đuổi chuẩn đích đó hay không...làm sao ai biết được (?). Thời gian sẽ trả lời. Anh chàng tên Sơn này cũng thế. Chúng tôi biết nhau (dù trước đây không thật gần nhau)...nhưng, lúc gặp lại lần này, anh chàng có dấu hiệu là người lúc nào cũng có ý tiến lên, một người trọng sự thăng tiến trong cuộc sống. Nhưng, thời gian cũng sẽ có câu trả lời chắc chắn!..

                    Chuyện đời còn có nhiều việc gay cấn đấy chứ...!!



                    Đặng Quang Chính
                    #10
                      Đặng Quang Chính 11.06.2012 01:09:01 (permalink)

                      Còn nợ


                      ” Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”. Đây là câu nói dân gian có vần, điệu; được gọi là ca dao ...hay gì gì ..mà người viết cũng đã quên cách gọi. Nhưng, nếu đem câu này để cô Ô Sin dịch, chắc là đến ”tết Ma rốc” cô ta dịch cũng không nổi. Tuy nhiên, điều muốn nói ở đây là, việc chung là việc mọi người đều muốn làm, dự phần... chứ nói riêng, cô ấy còn món nợ chưa trả đối với chúng tôi.

                      Tôi nghĩ đến điều này, khi mới đọc xong một tin có liên quan. Bản tin của đại học UC Berkeley (bên Mỹ) về việc một nữ sinh Việt đạt bằng Ph.D với luận án nói về tình trạng mãi dâm ở Việt Nam. Tin có nội dung như sau: Luận án tựa đề “Tính kinh tế của tình dục và chăn gối tại Việt Nam”, là công trình 15 tháng nghiên cứu về dân tộc học tại TP Hồ Saigon; tại đây Ts Kimberly Hoàng đã làm việc như một chiêu đãi viên tại bốn quán bar phục vụ cho các nhóm khách hàng khác nhau. Theo giáo sư xã hội học Berkeley Raka Ray, chủ tịch ủy ban luận án, nghiên cứu của Kimberly Hoàng “không những chỉ làm nổi bật là cấu trúc và cách hành nghề mại dâm ở Việt Nam mà còn giải thích mãi dâm giữ vai trò quan trọng như tiền mặt trong nền kinh tế chính trị của Việt Nam.”(1).

                      Kimberly Hoàng đưa thực tế vào luận án bằng cách giả làm chiêu đãi viên trong 4 quán bar. Cô Ô sin đi vào thực tế bằng cách trú ngụ trong nhà một người Việt Nam (không phải hoàn toàn thời gian) - Sinh hoạt này đã được viết trong một bài trước, dù không chi tiết -.

                      Ô sin đã trả nợ vào mùa hè năm rồi, khi mời chúng tôi đến chơi và dự buổi tiệc nhỏ tại nhà cô ta (cũng đã được thuật). Là khách được mời, tôi không hỏi gì thêm. Điều tôi hơi thắc mắc là tại sao Ô sin không mời "Huấn" ...(cô ta phát âm sai, tôi nghe lại đôi lần và do người khách cùng đi nói thêm) nên sau cùng, tôi biết ra là ai.

                      Cách nay không lâu, cô tên "Huấn" đó ...trong khi nói điện thoại, chợt hỏi tôi có thường gặp lại Ô sin không. Tôi trả lời, chắc Ô sin bận!..Tôi chợt thấy rõ ràng, cảm tình của người bản xứ cũng cao....nhưng cũng không bằng tâm tình của người mình đối với họ. Cô Huấn, tuy không cùng Ô sin đi vào đề tài, bằng cách để cô ấy trú ngụ trong nhà; nhưng là người đã đưa Ô sin tham dự bữa tiệc cưới của một người bà con ở Trondheim (cách Thủ đô Oslo khoảng 500-600 Km). Cô "Huấn" nhắc Ô sin vì nhớ đến một người bạn mới, xem rằng có thể nào cô ta sẽ gặp lại Ô sin, khi cô này rảnh. Thế thôi !....

                      Nhưng, dù thế nào...bên nào rảnh, bên nào còn muốn gặp lại nhau...sẽ được xác định vào lần gặp tới; lần Ô sin sẽ đưa cho tôi luận án Tiến sĩ của cô. Người thâu hình hôm đó, tôi dự trù là cô "Huấn". Cô ta sẽ giúp việc thâu hình. Huấn đã nhận lời của tôi...còn Ô sin có vui vẻ gặp lại không, khi ấy sẽ thấy rõ.

                      Nói thế thôi, khi người ta hết "nợ" thì đường ai nấy đi. Chuyện của Huấn cũng thế. Chuyện của tôi với Ô sin và Sơn cũng vậy!... (Còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa một mình) -ghi câu này để đưa cho Jorgen dịch, chắc anh chàng toát mồ hôi !-. Nói có quá lắm không...vì khi Ô sin dọn về với mẹ...cũng biết đâu là đã chia tay với người bạn cùng phòng của mình ?!!...



                      ĐQC
                      #11
                        Chuyển nhanh đến:

                        Thống kê hiện tại

                        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                        Kiểu:
                        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9