RE: Ô sin ..Auxpair...gratis
-
11.12.2011 21:00:01
Ô sin ...aupair ...gratis (5)
(Làm văn hóa không phải là chuyện dễ!....)
Ngày Tết ở xứ người không có điều gì khiến mọi người cảm thấy có cái gì đặc biệt. Phần tôi, đến khi hai cô gái Na Uy ngồi vào xe mới cảm thấy có chút không khí Tết, khi nghe một trong hai cô nói câu: ”Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Việt.
Vài ngày trước đây, lúc gửi mail, cô Ô sin hỏi tôi là người bạn trai của cô ấy có thể cùng đi không. Tôi nói để tôi hỏi người tôi quen (là chủ Trung tâm dạy sinh ngữ), vì tôi định để hai người này đi với anh ấy. Sau, cô ấy nói là, người bạn gái cùng phòng muốn đi. Ai muốn xem ngày lễ Tết của người Việt được tổ chức ra sao, tôi mời ngay .... nhưng bây giờ phải gánh hết, vì anh bạn đã đi Pháp bất chợt, bởi có công việc gấp. Lúc này, hai cô ngồi đã ngồi trong xe. Có thể nào cô kia đã đóng vai trò người bạn trai của Ô sin (?)...trên thực tế.
Đó là ý chợt nảy sinh, khi tôi nhớ lại một so sánh lâu nay đã trở thành thông lệ. Mọi người có thói quen cho rằng: Đông là Đông và Tây là Tây. Nghĩa là, có sự khác nhau giữa văn hoá của người Âu Châu và người Á châu. Nếu trước đây, câu nói trên là đúng, thì bây giờ, câu nói trên phải được xét lại. Hiện nay, ở Việt Nam, việc hai người đồng phái yêu nhau cũng nhan nhãn khắp nơi. Nếu khác, bởi ở đó người ta không công khai. Còn ở Na Uy, việc này được luật pháp công nhận ...và những cặp như thế có quyền lợi của một đôi nam nữ, sống với nhau đời sống vợ chồng.
Sau khi chào hỏi, cô bạn của Ô sin, cố gắng diễn tả cho tôi biết tâm trạng thích thú của cô, khi sẽ được chứng kiến cảnh buổi lễ mừng Tết của Chùa. Tôi đã có kinh nghiệm về những sự việc như vầy nên chỉ trả lời là, hy vọng rằng sự mong muốn của cô sẽ không bị thất vọng!. Còn Ô sin cho rằng, cô ấy đã hơi bất cẩn, bởi đã không ăn mặc đẹp hơn một chút (Có lẽ vì thấy tôi ăn mặc có vẻ đàng hoàng hơn qua những lần gặp trước đây (?)..). Rồi hỏi thêm rằng, các cô gái Việt Nam tại buổi lễ, có ăn mặc khác hơn ngày thường không. Tôi nói, có thể có một số bận một loại y phục đặc biệt - tôi dùng chữ ”spesiell drakt”- (*). Nói xong, thấy không ổn, tôi giải thích thêm rằng, loại y phục đó giống như áo của các cô gái Pakirstan. Sau khi giải thích như thế, tôi vẫn chưa thấy ổn. Nhưng nhờ hai cô bàn chuyện gì đó với nhau, nên tôi có thời gian lan man nghĩ đến những câu chuyện đã xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua.
Buổi họp của Hội có đủ 2 thành phần: lớn tuổi và nhỏ tuổi. Nói là nhỏ tuổi nhưng có người đã trên 40. Chưa có thành phần trên dưới 20 tuổi. Do đó, khi đề cập đến những sinh hoạt của tuổi nhỏ và cần người cùng làm việc với họ, đôi người ở lớp tuổi 40 khiếu nại rằng, họ không còn ”nhỏ”!...Có thể vì mặc cảm này, nên có anh ”sửng cồ” trong cách nói..hay phát biểu ý kiến (?)!. Có người tỏ ý không hài lòng về thái độ đó, nhận được câu trả lời là: cách sử xử ở xứ này là ngang hàng. Ý nói, không phân biệt già trẻ. Nghĩa là bình đẳng như cách xưng hô vậy (I & you) (Jeg & deg) ...không hơn không kém. Chà !...cái vụ đụng độ văn hóa Đông và Tây ở đây mới là ác liệt.
Lớp anh tuổi ”nhỏ” này bị pha trộn hai thời kỳ (trước và sau năm 1975, vì sanh ra trong khoảng những năm 1970-1980) nên có nhiều điều lấn cấn khác. Chẳng hạn, khi sử dụng tiếng Việt. Anh lớn tuổi nói, ví dụ như, ngôi nhà tráng lệ thì anh ”nhỏ” nói, ngôi nhà hoành tráng. Anh lớn nói, đi diễn hành thì anh trẻ nói, đi diễu hành. Để làm bằng cớ cho chữ được sử dụng, anh ”nhỏ” nói đã tra từ cuốn tự điển nào đó. Trong buổi họp, có ai đem theo tự điển đâu, nên mọi người cứ ừ hử. Nhưng, nếu truy cho đến nơi, chắc cuốn tự điển này được xuất bản sau năm 1975 tại Việt Nam!...
Ngôn ngữ được sử dụng một cách lẫn lộn. Điều này do sự dạy dỗ trong nhà trường. Nhưng do nhà trường bị chỉ đạo chặt chẽ bởi đường lối chính trị của nhà nước, bởi nguyên tắc ”hồng hơn chuyên”, nên có thể vai trò của người thầy giáo không còn được tôn trọng như trước năm 1975 (Nếu thầy không là đảng viên, thầy sẽ bị theo dõi bởi học trò đã là đảng viên trong Đoàn thanh niên CS). Rồi lại bắt chước lối giáo dục phương Tây, cho học sinh và sinh viên được tự do trong sinh hoạt ở trường lớp (góp ý, phê bình thầy cô giáo) và tự trị trong phạm vi sinh hoạt của trường Đại học (Điều này chưa được thực hiện tại VN), nên sự pha trộn trở thành một đám hổ lốn. Bởi, sự tự do của học trò không đi đôi với sự tự do trong xã hội, một xã hội bị câu thúc bởi sự độc quyền chính trị của nhà nước. May mắn là chữ ”đồng chí” không được dùng nhiều trong phạm vi nhà trường. Chỉ một điều tôi không biết chắc là, lúc sinh hoạt đảng, giáo viên và học sinh có xưng hô với nhau như thế hay không. Một điều khác cũng không rõ, có phải do chủ thuyết CS nên lớp tuổi ”nhỏ” bị ảnh hưởng theo cách nghĩ là, kinh tế quyết định tất cả. Từ suy nghĩ này đã dẫn đến cách hành xử na ná với chủ trương: ”Mục đích biện minh cho phương tiện”. Vì thế, một thời, ở VN, đã có một bài vè được khá nhiều người biết đến, trong có câu: ”Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi già ....”. Bên cạnh đó, có phương châm ”Hy sinh đời bố, củng cố đời con”, một phương châm đã làm tình trạng tham nhũng của cán bộ trong nước đến mức hết thuốc chữa!....
Ảnh hưởng đó không giới hạn trong nước, còn lây lan ra đến nước ngoài. Kẻ nhiệt tình với việc chung cũng có, nhưng những người và nhóm, hội này khác, được lập ra để theo đuổi lợi ích riêng thì nhiều; giống như các người bán hàng trong các chợ chồm hổm ở VN. Không ai bầu ra mà lại được gọi ngon lành, chẳng hạn như, Đại diện Cộng đồng người Việt tại Âu châu...rồi trưởng Ủy ban này khác..v.v.. Bây giờ, còn lâu mới tìm ra được "Người thật, việc thật" !....
- Món thức ăn này được gọi là gì?. Bạn cô Ô sin hỏi tôi và chỉ vào món gỏi cuốn
- Món này là "gele"?. Ô sin chỉ vào ly chè mà hỏi tôi đó có phải là thạch không. Tôi đầu
hàng vì những câu hỏi về thực phẩm. Bởi, chỉ riêng tiếng VN thôi, tôi cũng không còn phân biệt được, nào là: chè, thạch, nào là sương sa, sương sâm, sương xáo..v.v... thì làm sao lại có thể làm "thông ngôn" trong trường hợp này!
May quá, tôi gặp người quen...Hơn nữa, hai cô đang tập trung lo việc chụp hình nên tôi thoát nạn.
- Ông già lớn tuổi đó đang kể chuyện?. Ô sin hỏi....có lẽ vì thấy ông ta nói hơi dài.
- Không, ông ta kêu gọi đóng góp cho việc xây dựng tượng đài.
Nói xong, tôi hơi ngạc nhiên, không phải vì không giải thích được mục đích của việc đó... nhưng, bởi tôi thắc mắc....vì theo lời của người kêu gọi, chương trình đã được tiến hành khá lâu và đã thu được một số tiền nào đó. Thế mà những thông tin tôi đã nhận được lại cho tôi một hình ảnh khác.
Có người nào đó vỗ tay làm cho nhiều người khác vỗ theo, khiến hội trường có vẻ ồn ào hẳn lên. Đấy là lúc người nói chuyện, nhân dịp nói về chương trình xây dựng tượng đài, đồng thời kêu gọi mọi người đóng góp, để xây dựng một chùa mới, ở gần phi trường Gardemo. Kể ra lòng hảo tâm của người Việt mình lúc này cũng dồi dào đấy. Các cuộc quyên góp nhân những lần VN bị thiên tai, đều thu hoạch được một số tiền khá lớn (Còn chuyện đưa đến tay nạn nhân được bao nhiêu, điều này không có gì bảo đảm; vì bọn cầm quyền địa phương đủ mưu ma, chước quỷ qua mắt người Việt ở nước ngoài).
Đến hồi một nam ca sĩ, nghe nói từ Mỹ qua, khi hát xong một bản...và dài dòng gì đó, trước khi sẽ hát tiếp bài mới...là lúc bạn của Ô sin muốn ra ngoài. Lý do: nhức đầu.
- Anh nhìn kìa...Hai cô chỉ một nhóm 3(4) cô gái bận áo dài VN, với nhiều màu sắc
và kiểu áo khác nhau...đồng thời nói: "Có phải loại y phục mà anh nói là "spesiell drakt" không...?
- Tôi trả lời, đúng là loại "lang kjole" mà tôi muốn nói. Chắc ngụm cà phê đã khiến tôi
tỉnh hơn, nhanh lẹ dùng đúng chữ mà hai cô ta vừa mới hỏi để trả lời.
Trên xe, tôi hỏi cảm tưởng của hai người bạn bản xứ về buổi tổ chức. Dĩ nhiên, vì lịch sự, họ trả lời là rất vui...rất màu sắc.
- Nhưng, sao hồi nãy lại nói là nhức đầu. Tôi hỏi thêm....để tạo không khí có phần nào
được vui hơn.
- Có thể tại hệ thống âm thanh ồn ào !....
- Nhưng, tại sao hệ thống âm thanh ồn ào tại buổi diskotek lại khiến chúng ta hưng
phấn...?
- Tại vì có thể đã uống nhiều bia...
Ba người không nói gì thêm...khi tất cả đều cười thoải mái, sau câu trả lời ngay tình. Và đó là cái gì nếu tôi nói được là, đã "...cảm thấy có chút không khí Tết...", bởi tôi đã cố tình giới thiệu ngày Tết đến bạn bè bản xứ...đồng thời, dù muốn dù không, đã sống cùng với nó; dẫu cho chỉ đôi tiếng đồng hồ. Tại đó, tôi có dịp trò chuyện với những người quen, lâu ngày không gặp. Tham dự những ngày lễ truyền thống của chúng ta hằng năm, chẳng làm chúng ta mất thêm một điều gì cả..
Điều tôi đoán trước, lúc trả lời cô bạn của Ô sin, đã hoàn toàn đúng. Cái tậm trạng vui thích nơi cô ta, khi chứng kiến nét đặc thù văn hóa của một sắc dân khác, đã không xảy ra hoàn toàn như cô ấy mong đợi. Buổi trực đêm trước trong bệnh viện đã làm cô này thấm mệt. Nhưng, xem một hoạt cảnh mà không hiểu những điều diễn ra có ý nghĩa gì cũng làm người ta mau chán. Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt những cảm tình của con người. Ngôn ngữ là chìa khoá mở đường cho sự hội nhập vào một xã hội khác.
Ngôn ngữ cũng là một trong những yếu tố tạo thành nền văn hóa của một dân tộc. Tại một đất nước nào đó, khi mà mọi người đều nói sai bản chất của sự vật, như đen nói là trắng, đầy tớ mà nói là người chủ...thì thói quen nói dối sẽ trở thành bản tính khó thay đổi ...và đó là lúc sự suy đồi đạo đức sẽ xuất hiện. Sự suy đồi sẽ phát triển nhanh chóng và trở nên tồi tệ quá mức, khi nhóm người cầm quyền kết hợp nó với sức mạnh súng ống, hệ thống công an. Vì thế, tại VN hiện nay, cho dù gần như phường, xã nào cũng gắn một bảng thật to, nhằm giới thiệu cho khách mới đến biết rằng, phường, xã của mình là một phường, xã văn hóa...điều đó cũng chỉ là làm một việc để có được hình thức bên ngoài.
Ở nước ngoài, có vài tổ chức người Việt cũng câu nệ những hình thức như vậy. Có tổ chức, khi người lãnh đạo chết trận, họ không nói về việc ông ấy đã hy sinh. Họ không dùng chữ: từ trần, quá vãng, khuất bóng..v.v... Họ chỉ diễn tả mơ hồ, hoặc tạo ra các tin tức, theo cái cách khiến người ta có cảm tưởng như ông ấy còn sống..!!!...Họ tránh nói sai bản chất sự vật... nhưng họ đã quá thần thánh hóa một sự việc. Hay là họ muốn bắt chước như người CS, cứ thêu dệt mãi về ông Hồ, dù thần tượng này càng ngày càng phơi bày những tệ hại, bởi những bí mật được dấu kín đã bị phanh phui.
Những gì mà các chế độ chính trị dựa trên dối trá và bạo lực xây dựng được, chỉ có kết quả nhất thời. Tuy nhiên, để gặt hái điều đó, bao nhiêu sinh mạng đã bị hy sinh, bao nhiêu tài nguyên đất nước đã bị suy mòn, thất thoát. Và hệ quả đó có thể dẫn đến sự trì trệ kinh tế kéo dài, làm chậm đà phát triển của dân tộc. Nhưng, nếu lấy yếu tố con người làm gốc, sự sai lầm trong việc xây dựng một nền văn hóa tốt đẹp, sẽ đem lại hậu quả còn nhiều lần trầm trọng hơn sai lầm của đường lối chính trị. Do đó, người xưa có câu nói: "Làm chính trị sai lầm giết cả trăm họ, nhưng làm văn hóa sai lầm giết chết nhiều thế hệ".
Bởi vậy, việc duy trì những truyền thống mang tính văn hóa của các Hội đoàn người Việt không phải là chuyện dễ !...
Đặng Quang Chính
Oslo 27.04.2011
09:06