ÔNG NÓI GÀ, BÀ NÓI VỊT

Tác giả Bài
tahuudinhqn
  • Số bài : 125
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 30.08.2010
ÔNG NÓI GÀ, BÀ NÓI VỊT - 23.11.2011 15:37:05
ÔNG NÓI GÀ, BÀ NÓI VỊT
 
                                                                Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
 
Trong bài báo: “Người khai sinh danh nhân văn hóa hiện đại ở Hà Nội”,(Văn nghệ số 9, ngày 27- 2 – 2010), tác giả Hồ Sĩ Vịnh viết: “Là một nhà mac-xít lỗi lạc ở phương Đông, chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy nhiều hạt nhân hợp lý trong học thuyết Nho giáo để vận dụng vào việc đào tạo, sử dụng nhân tài dưới chế độ mới. Ngay sau khi Cách mạng thang tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách hào phóng, trọng dụng, biệt đãi những nhân tài dưới chế độ cũ…”.
Rồi tác giả dẫn chứng Hồ Chủ tịch đã gặp gỡ, trao đổi và kêu gọi các nhà trí thức, các nhà khoa học ở nước ngoài về giúp nước. Như học giả Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Phan Anh, Giáo sư Nguyễn Xiển – Vị Phó chủ tịch Quốc hội nhiều khóa trong tám khóa. Và trước khi đi Pháp dự đàm phán Việt – Pháp, Hồ Chủ tịch đã tin cậy giao phó chức quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước.
Rồi tác giả kể đến các giáo sư Nguyễn Văn Huyên, nguyễn Khánh Toàn, Ngụy Như Kontum đều chịu ảnh hưởng tư tưởng của Hồ Chí Minh lúc còn ở nước ngoài. Khi được Bác Hồ mời về nước, các vị ấy đã rũ bỏ tất cả vinh hoa, phú quý để đi theo Cách mạng và kháng chiến.
Đặc biệt là Giáo sư Tạ Quang Bửu, một danh nhân văn hóa hoạt động trong nhiều lĩnh vực: ngoại giao, quân sự, khoa học và giáo dục. Ông đã được Chính phủ giao chức Tham nghị trưởng Bộ ngoại giao, Thứ rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
(Không thấy tác giả nhắc đến các vị Giáo sư Phan Khôi, Trương Tửu và Giáo sư, triết gia Trần Đức Thảo? Thông thường, khi nói đến một lớp người nào đó cùng thời, đồng cấp, hoặc cùng trang lứa sàn sàn nhau, thì ít khi người ta bỏ sót như vậy. Hay vì các vị ấy một thời gian đã vướng vào vụ “Nhân văn”?..).
Kết thúc bài báo, tác giả viết: “Dụng nhân như dụng mộc”. Người xưa nói vậy. Bác Hồ cũng dạy như vậy. Bác thường dặn vừa hồng vừa chuyên, đạo đức là gốc đối với tất cả tài năng, đặc biệt là những nhà văn hóa lớn…”.
                                               *
                                           *        *
Sáu số báo sau đó. Tờ Văn nghệ số 15, ngày 10/4/2010, bài: “Chung quanh mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại” của Giáo sư Phong Lê thì dường như sách lược của Cách mạng đối với trí thức lại hoàn toàn khác.
Xin trích:
“…Trải nghiêm hậu quả của sự phong bế, lạc hậu hàng nghìn năm và căn bệnh chủ quan duy ý chí do một định hướng sai lầm về chủ nghĩa xã hội sau nhiều chục năm, chúng ta càng nhận rõ thêm vị trí quan trọng của trí thức, của văn hóa, văn hóa ngày càng phát huy vai trò của một tác nhân điều chỉnh, thúc đẩy đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong thế giới hiện đại…”.
“…Một thời kỳ dài, khi đất nước thoát khỏi chế độ thuộc địa, theo quan điểm giai cấp, trên các tiêu chí phân định thành phần, ta có trật tự: Công Nông – Trí thức, với điều kiện Trí thức phải được Công Nông hóa. Hẹp hơn, trong đội quân chủ lực là Nông dân ta có: Cố, Bần, Trung nông. Ngoài lớp người đó ra thì các thành phần khác đều là kẻ thù hoặc thuộc bộ phận trung gian nghiêng ngả, dao động, không đáng tin cậy.
Xã hội thay đỏi theo chiều hướng văn minh. Với vai trò hàng đầu của cách mạng khoa học kỹ thuật, làm thay đổi cấu trúc xã hội, làm rạn vỡ, thậm chí đảo ngược các trật tự cũ. Việc xây dựng một nền kinh tế trí thức buộc phải sắp xếp lại các thang bậc giá trị, khiến cho tầng lớp trí thức dần dần được coi trọng. Từ nay trí thức là trí thức, họ không còn là trí thức công nông, hoặc trí thức tiểu tư sản…”.
“…Về yêu cầu xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới, gần đây Đảng đã có các nghị quyết, và chúng ta đang bàn luận và kiến nghị phương thức thực hiện. Nhưng đó chỉ là điều kiện khách quan. Cái khách quan này cố nhiên là rất quan trọng, vì trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cũng đã có lúc sai lầm, kể từ khẩu hiệu: “Trí, phú, địa, hào. Đào tận gốc trốc tận rễ…”, đến công cuộc Cải cách ruộng đất và Sửa sai, đưa đến sự rời rã của cộng đồng và sự trì trệ và khủng hoảng trong kinh tế xã hội…”.
                                                 *
                                             *         *
Cả hai bài báo đều đề cập về vai trò và vị trí của tầng lớp trí thức trong lòng chế độ mới. Bài trước nêu lên những trường hợp cụ thể của cac vị giáo sư, các danh nhân văn hóa được Bác Hồ trọng dụng, biệt đãi. Còn bài sau, chủ yếu tác giả nhắc đến sai lầm trong thời gian dài, vì quan điểm giai cấp, ta đã đè ra khẩu hiệu: “Trí, phú, địa, hào. Đào tận gốc trốc tận rễ”.
Như vậy, chẳng phải là đường lối chính trị của ta trước sau bất nhất. Ông nói gà, bà nói vịt đó sao? Và người dân phải hiểu thế nào đây?...Vì cả hai bài báo đều nói đúng sự thật ./.
 
                                                      Uông Bí, ngày 15/5/2010
                                                              Tạ Hữu Đỉnh