Cảm nghĩ vu vơ ...
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 4 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 59 bài trong đề mục
M.H. Nguyen 22.10.2012 21:14:57 (permalink)




Cậu bé khoảng 7,8 tuổi trở đi thường tham gia vào những trận đá banh trong xóm.

Khi cậu ta vào tuổi trưởng thành, đi làm với bộ đồ veste chững chạc. Thế mà chiều hôm nọ, một quả bóng lăn tròn đến dưới chân chàng. Mặc bộ đồng phục nghiêm trang ấy, chàng đưa chân’ shoot’ một phát vào quả bóng để nó bay về hướng đám trẻ con bên kia hàng rào. Đám trẻ thích thú cười vang lên và cất tiếng cảm ơn chàng. Sau cái vẫy tay thân thiện, chàng đưa tay sửa lại nếp áo…, nụ cười nở rộng trên vành môi!

***

Đang đi dạo mát trong cánh rừng thưa, chàng bắt gặp một cây cao với tàng nhánh thật rộng. Nháy mắt với cậu con trai, hai cha con leo thoăn thoắt trong phút chốc là đã ngất ngưỡng gần đỉnh ngọn. Chắc muốn lấy oai bất tử ,chàng thoải mái nói vọng xuống:

- Cao như vậy, chắc em không dám trèo lên đâu nhỉ?

Nàng chanh chua:

-Em đâu phải là khỉ đâu mà leo trèo như anh!

Chàng:

- Ghê gớm thật, đặt anh ngang hàng với Tôn Ngộ Không hử?

-….

Không nghe tiếng trả lời, chàng đưa mắt nhìn xuống thì… mèng đét ơi, nàng Khỉ đang tòng teng trên một nhánh cây và nhe răng cười toe tóet thấy giống Nữ Tôn Ngộ Nghinh thiệt!

***

Đi tắm biển, nước mát lạnh của miền Tây Bắc nước Pháp làm nàng rùng mình lúc đầu. Một lát sau lại có cảm giác thích thú. Thấy đám rong rêu trôi song song, rồicứ nhè vào hướng nàng đang bơi mà tấp vào. Định đưa tay chụp đám rong liệng ra xa thì, ngoi lên cái đầu bù xù và gương mặt quen hết biết của chàng.

- Quỷ nè, làm em hết hồn. Anh chơi giống con nít quá đi!

Chàng tỉnh khô:

- Ừ, anh là con nít, mà con nít hay nhấn nước bạn đang bơi lắm nha!

Nàng hơi khớp:

- Nhấn nước tui là anh nhịn cơm chiều luôn đi!


***

Ở một thời điểm ngắn nhỏ nào đó trong cuộc sống, chúng ta vẫn còn cho ngoi lên những bản tính trẻ con vui đùa không tính toán, không so đo ,không làm vẻ, làm dáng… Đó là những lúc ta trút bỏ cái áo ‘ bổn phận, địa vị, trách nhiệm, …’

Và …

Người già, bệnh hoạn không còn thấy thú vị ở sự ăn uống. Nhưng rồi họ lại nhớ đến những món ăn của thuở thiếu thời mà mẹ họ thường làm. Họ cần sự săn sóc, gần gủi, quan tâm của con cái và có lúc họ cũng nổi tính sân si, giận hờn, ghen tị y như một đứa trẻ. Lúc ấy con cái họ lại nói: ‘ Tính ông,( bà) giờ giống như trẻ nít vậy! ‘


***

Như vậy để chứng minh cho câu viết của H.
Bài viết của anh ĐS, đọc xong thấy…
Trời ơi,…
Nghiêm ! Chào cờ …
mỗi sáng thứ hai khi còn đi học ở bên VN quá đi!


« Ecrire, c’est une façon de parler sans être interrompu « ; Jules Renard.

tạm dịch:

" Viết , đó là một cách nói chuyện không bị ngắt quảng "


***

Mến chúc anh NX và anh ĐS một tuần mới như ý.





Mỹ Hạnh


<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.10.2012 22:37:16 bởi M.H. Nguyen >
#16
    M.H. Nguyen 18.04.2013 19:55:37 (permalink)

     
    " Sao dấu lặng kéo hơi dài đến vậy?"


     
    Nghe bạn lớn hỏi mà mình bật cười, có muốn như vậy đâu nhưng thời gian này rất ư là bận bịu. Về đến nhà là chỉ muốn lăn quay ra 'bận lười'. Đọc vớ vẩn quyển sách nào đó hay siêng chút lại đọc tin tức thời sự nơi mình sống,tuyệt đối tránh tin vặt như xe lửa cán chết một bầy chuột đồng đi kiếm ăn, biểu tình đâu đó chống chiến tranh xâm chiếm ở chổ nào đó trên bản đồ thế giới, vv và vv...
     
    Chiều hôm qua tự nhiên hàn thử biểu tăng lên gần 28°C vào xế trưa, nóng quá đỗi làm chẳng dám ló mặt ra đường. Ngó qua bên kia, giật mình và vui như đón Tết vậy. Tuy niềm vui không kéo dài ra hằng trăm cây số nhưng vẫn thấy hạnh phúc vô cùng. 'Chàng' vẫn vậy, ngồi chễm chệ trên thành cửa sổ tắm nắng và đưa mắt ngó sang cửa sổ bên này. Vẫn là dấu lặng ngự trị giữa hai bên. Cần gì phải nói hay nhúc nhích cử động. Cứ ngó nhau mà thấm đậm nhớ lại những ngày gặp nhau mỗi sáng và cùng thưởng thức sự yên tịnh.
     
    Không biết nếu gặp lại bạn cũ tôi có vui được như vậy hay không? Chắc sẽ khác vì bạn bè gặp lại nhau thường thì rất ồn ào và nói hoài không dứt, kinh hoàng hơn là khoảng thời gian ngắn ngủi vận tốc làm việc của tâm linh, cảm giác vượt cả mức giới hạn.
     
    Có nhiều điều muốn viết để khuây khỏa, chắc sẽ lại bắt tay viết mỗi ngày vài hàng kể bạn nghe... Dấu lặng đi kèm với những thang âm mới được gọi là dấu lặng..., phải không?
     
     
    à suivre...
    ảnh từ net.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 18.04.2013 19:59:22 bởi M.H. Nguyen >
    Attached Image(s)
    #17
      M.H. Nguyen 16.07.2013 20:39:23 (permalink)
       
       
      CHUYỆN BÊN NHỮNG TÁCH CÀ-PHÊ SÀI-GÒN...
       
       
      Hẹn với H. đi uống cà phê vào khoảng 4 giờ chiều. Chỉ trước đó nửa giờ thì cả bầu trời vần vũ mây đen, tiếng sấm sét rì rầm cả một góc trời, tôi thầm nhủ kiểu này chắc lại lội mưa đi uống cà phê rồi.Và mưa đổ ấp xuống một cách nhanh chóng, mưa xối xả, mưa ngập cả lối đường.
       
      Đứng bên trong cửa sổ, tôi nhìn ra giòng nước xoáy bị tắt nghẽn cứ cao dần lên, khoảnh khắc sau là con hẻm nhỏ trở thành một giòng kênh bềnh bồng rác rưởi. Lạ một điều là thường thì sáng nào cũng có người quét đường làm việc rất sớm, (tôi thích nghe tiếng chỗi lạc xạc mỗi sáng từ ngày về thăm lại Sài gòn) vậy mà mới có nửa ngày đã có rác.
       
      Mưa Sài gòn, ai cũng biết rơi nhanh và rất chóng tạnh. Sau trận hồng thủy bất ngờ ấy, giòng nước vẫn chưa thoát hết nên có mấy đứa trẻ nhỏ chạy ra vọc nước, đúng ra là lội nước mới phải. Tôi ngao ngán nhìn và thắc mắc sao bọn nhỏ lại có thể chơi vui trong giòng kênh đầy sình lầy như vậy được.

      Quay lại nhìn các dì dượng đang ngồi trò chuyện vui vẻ, tôi bật hỏi :
      - Nước mưa bị ứ ngập, dơ thấy phát sợ mà sao người ta để cho con cái chơi được vậy dì dượng?
      Dượng út tôi đỡ lời :
      - Sống vậy quen rồi con, tụi bây hồi nhỏ có bao giờ được thả lỏng đâu. Rồi sang sống bên xứ sở văn minh nên đâu biết trò lội nước mưa như con nít bên này. Tội nghiệp !

      Tôi quay trở lại phía cửa sổ và chợt nhớ thời trẻ con của mình, lúc mưa thì chạy ra sân thượng tắm mưa với hai thằng em, dành nhau chổ đứng dưới máng xối từ nóc nhà. Ba tôi cấm tuyệt chơi với trẻ nhỏ hàng xóm, cửa nhà lúc nào cũng đóng kỹ và Vú Hai là người chịu trách nhiệm an ninh của ba đứa con ông. Đi học chạy giỡn bị té chút trầy chân tay là ba tôi la lối từ Vú hai lan qua tới Măn tôi. Nếu kể hết những cấm đoán và sự giữ con khó khăn (ai ai cũng biết) của ông thì chắc tôi phải dành riêng ra một vài chương sách mới đủ.

      Đang lơ mơ với ‘tuổi thơ ơi và ngày xưa ấy’, tôi đưa tay ngó đồng hồ thì giựt mình, đã hơn bốn giờ rồi, mưa lầy lội vậy thì làm sao H. có thể vào tận nhà được. Chắc vì vậy mà trễ tràng, tôi phone cho H. định nói đừng lo chuyện trễ giờ:
      - H. đang ở đâu vậy ? Mưa lớn và bất ngờ quá có sao không?
      Bên kia đường dây, giọng H. tỉnh bơ:
      - H. đang ở ngoài quán trú mưa, mà cái địa chỉ M. cho, H. đến gõ cửa thì người ta nói không có M. ở đó.
      - Ủa sao lại vậy ? Nãy giờ M. thấy có ai tới đâu, mà H. đọc lại địa chỉ M. cho đi.
      - Ờ, số này…,  đường đó… nè.
      Tôi quay qua hỏi nhỏ em họ :
      - Địa chỉ nhà mướn này phải vậy không cưng?
      Nhỏ em họ la hoảng lên :
      - Chị cho địa chỉ  nhà em chứ đâu phải đây. Thiệt tình nha, chắc còn say nắng Sài- gòn hay sao vậy chị?!
      Trong đầu lại nghĩ thầm mong H. không cho là tôi chơi trò phá phách.

      Một lát sau thì có tiếng xe rì rì trước cổng nhà. Tiếng chuông cửa reo, cả đại gia đình nãy giờ ngồi bàn tán xôn xao, vui vẻ với đàn cháu về thăm quê hương chạy hết ra sau nhà. Tôi biết ai cũng muốn coi mặt người bạn lớn lạ hoắc của tôi ra sao ? Tròn méo thể nào, có đáng tin cậy hay không ? Hơn thế nữa là M. lại hẹn đi uống cà phê mới ghê gớm ấy chứ !!! Chỉ còn có mỗi tên em trai đứng xớ rớ bên cạnh, hắn làm tôi nghĩ tới lúc nhỏ, đạp xe đi chơi với bạn vẫn phải luôn luôn ‘đèo’ thằng em út phía sau, nhiều lúc muốn liệng hắn ra giữa chợ cho khỏe sức !


        Tôi ra mở cửa và đầy xúc động. Trời ơi, H. đây sao ?’ Bụi đời sang’ hơn tôi tưởng tượng nhiều! Tóc hơi dài và đã khá nhiều sợi bạc, nụ cười tự nhiên đầy chất ’ lãng tử còn bám lại từ thời thanh xuân’. Da sạm nắng, cao vừa tầm.
      Màn chào hỏi không kéo dài bao lâu, tôi mượn đỡ cái nón bảo hiểm của bà dì và chào cả nhà đi chơi chút.
      Thằng em kế tình bơ :
      - Chị nhớ về sớm nghen!
      Trời ạ, tự nhiên hắn đóng vai anh hai của mình và kiểm soát bà chị giùm anh rễ hắn hồi nào vậy nè !

      Tôi lýnh quýnh ngồi sau chiếc xe máy cà tàng nhưng rất có giá, lúng túng hỏi :
      - M. vịn vào đâu đây ?
      H. tỉnh bơ cười :
      - Thì ôm eo H. chứ đâu giờ.
      Tôi trả treo :
      - Ờ há, lỡ M. mà rớt xuống giữa phố, thì đâu có ai hay mà lượm.
        Xe chạy ra lộ lớn rất yên tịnh sau cơn mưa, đây là điều hiếm thấy thường ngày ở Sài gòn, H. rồ máy, nhấn ga chạy thật nhanh.
      H. đưa tôi đến một quán cà phê rất đông khách, len lỏi tìm bàn trống. Tôi nghĩ chốn này chắc là điểm hẹn quen thuộc của dân Sài gòn vì cách trang trí có chiều hướng ngoại, những người có mặt ở đó đều có vẻ như những tay làm ăn hoặc giới nghệ sĩ thị thành. Đi hết một vòng lớn không thấy được một góc nào hợp ý, H. lắc đầu bảo thôi đi chổ khác nha. Thú thiệt, lúc ấy nếu H. mà chọn được chổ ngồi nơi đó chắc tôi sẽ giống như ngồi trên lò than đang bốc lửa vậy, vốn dĩ tôi ghét sự ồn ào chốn đông người và những cái nhìn soi mói.
      Lần này H. chở tôi đến nơi rộng rải, đường đi vào quán có bóng tre trúc rất thanh nhã. Rất vắng khách, chọn bàn xong, chúng tôi bắt đầu trò chuyện trong lúc chờ đợi thức uống.
      Tôi vẫn không ngờ mình đang ngồi trước mặt H., đã từng trao đổi cảm nhận về tranh ảnh, vui đùa rất thoải mái trên diễn đàn chung, đôi lần chia xẻ những nỗi niềm nhận xét về tình người giao lưu. Từng chứng kiến những cơn tam bành giữa H. và người khác.
        Tôi thấy mình cũng như một đứa nhỏ, lâu lâu được anh bạn lớn lôi đầu ra để nghe tấu khổ đoạn trường tân thanh vậy.
      H. có nhiều người bạn rất thân, có người với tính ghen và vòi vĩnh đến chỉ cần đọc bài viết đủ biết. Dĩ nhiên rồi, một tay bay bướm, ăn nói ngọt và hay chìu lòng ‘quý nương’ thì làm sao không được lòng cả thiên hạ chứ. Và những lần tôi nhắc nhở về các người bạn ấy của H. thì H. trả lời tình như sáo :
      - Tại họ tấn công H. trước nên mới vậy.
        Mèn ơi, biện minh gì mà ba phải kinh khủng luôn. Tôi chỉ tin H. đến vậy, phần còn lại tôi luôn nghĩ chỉ là chuyện đùa cho vui. Chơi trên diễn đàn với H. rất thoải mái lúc đầu, lúc H. chưa bị mang ‘gọng kềm’ kìa. Chứ sau này tôi ngại kinh luôn, nói gì cũng  phải suy nghĩ trước, cho dù chỉ là lời chơi vui ! Có nhiều lúc tôi có cảm giác như đang nhắm mắt đi vào bãi mìn nổ chậm vậy. Vì bạn bè H. mà không vừa ý ( chắc vì họ hay nghĩ lung tung thì phải !) là lênh láng nước mắt từ nơi nào đó trên địa cầu và trôi rềnh ràng tới tận VN , sau đó là M. phải dọn dẹp bài vở và nghiêng mình tạ lỗi tứ phía. Chán bỏ xừ, cứ thế rồi dần dà tôi im luôn và xa lạ cho khỏi phiền hà .
       
      Ừ, giờ những chuyện đó như phù phiếm xa xôi, đã trôi mất biệt vào vùng xa xăm gọi là quá khứ.

      Người phục vụ mang tách cà phê VN chính hiệu tới, Bây giờ họ lịch sự ghê, luôn luôn có ly nước lạnh kèm với thức uống.
      Tôi lặng lẽ quan sát những cử chỉ nhỏ xem H. lịch lãm với người khác phái ở trình độ nào, H. lụng vụng xin lỗi :
      - Lâu quá H.quên hết những galanteries rồi.
      Tôi cười nhẹ nhưng trong đầu tự nhủ :’ Trời ạ, không chịu mượn cớ tập tành cung điệu lịch sự với bạn bè em út, mai mốt người yêu về thăm lúc đó đứng có than thở và lỡ lủng củng khù khờ nghen’.
      Khi nhâm nhi ngụm cà phê đầu tiên, tôi nhăn mặt :
      - Kinh khủng quá, sao ngọt dữ thần vậy nè.
      Tôi chỉ quen dùng cà phê đen, khi nào mệt lắm mới cho một viên đường nhỏ để có tác dụng chống triệu chứng chóng mặt. Còn tách cà phê này họ bỏ bao nhiêu sửa ngọt và đường vậy trời ?!
      H. cười :
      - Ờ, bên này cà phê là vậy đó, ngọt ngào lắm !
      Tôi năn nỉ :
      - H. gọi cho M. thêm ly nước nóng để pha loảng ra được không ?

      Chúng tôi cứ thể chuyện dài, chuyện ngắn trao đổi với nhau. H. sống nhiều với đời nên có rất nhiều điều để kể, tôi nghe nhiều hơn nói. Giọng H. nghe cũng khá êm tai. H. đeo chiếc vòng gì đó với những hạt đá giống như vòng chuổi hạt Tây tạng vậy, tôi tò mò :
      - Bộ H. tu hay sao mà đeo vòng hạt  vậy ?
      - Ồ, đây là một chuyện khác, có dịp sẽ kể M. nghe sau.
       
      Lý thú nhứt là H. kể tôi nghe cái hứng gợi thành thơ của mấy ông nhà văn, nhà thơ bên Việt nam khi họ gặp gỡ nhau trong một buổi tiệc nhậu nhẹt nào đó. Tôi nghe mà tròn mắt ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên là phải vì hơn hai mươi năm qua tôi không sống bên cạnh một cộng đồng người Việt nào cả.
       
      Trò chuyện với H., tôi vẫn ngó vào gói thuốc lá của H., thấy nó được cầm lên, rút điếu đều đặn, chừng như khói thuốc giúp H. cởi mở dễ dàng những câu chuyện phiếm bên tách cà phê.

      Mưa lại rỉ rã rơi bên thềm quán, nhìn cách trang trí tương đối dễ nhìn tuy có vài khiếm khuyết, H. và tôi lại chuyển cuộc đàm đạo sang vấn đề trang trí. À há, đây là điểm trọng yếu vì tôi có cái nhìn và quan sát theo cảm thức, còn H. là người trong nghề chuyên môn.


        Thời gian trôi thật nhanh, cơn mưa rớt khi tạnh, khi ồ ạt, sự ẩm ướt lành lạnh vào lúc xế chiều của sài gòn rất dễ chịu. Nhìn đồng hồ đeo tay tôi chỉ biết nhỏ nhẹ :
      - Đã chiều tối rồi, H. đưa M. về nha.
      Khi H. dừng xe trước cổng nhà, tôi xuống xe và tần ngần bạo dạn hỏi :
      - Cho M. mượn đôi bàn tay của H. xem tay họa sĩ nghệ thuật tới cỡ nào được không ?
      H. phì cười và trình diện đôi bàn tay ra trước mặt tôi, tôi nhẹ nhàng cầm lấy  và tỉnh bơ nhận xét :
      - Khá mềm mại, lòng bàn tay da khô mịn chứ không chai cứng, cảm ơn H. nghen !
      Lại là một thói quen cố hữu, khi gặp bất cứ ai tôi thường để ý bàn tay của họ, chỉ âm thầm quan sát thôi, vì tôi ghét sự lộ liễu trơ trẽn, không tế nhị! Mỗi người một cung cách sống và đôi bàn tay họ cũng theo đó mà cho ta nhận xét một cách bàng quang họ là người như thế nào.
       
      Đối với cá nhân tôi, một bàn tay đẹp không phải là những ngón thuông tháp bút, trau chuốt màu sơn lộng lẫy cầu kỳ ở giới phụ nữ, hay mềm nhão không cá tính ở đàn ông. Có những dịp tôi bắt tay bác nông dân hay một người đàn bà lao động cực nhọc tôi lại yêu thích và quý trọng làn da chai sạm, khô cứng ấy, họ thường có những cái bắt tay rất chặt chẽ, ấm áp. Có lẽ vì họ sống rất chân thật. Điều tôi ghét nhứt là những kẻ có cái bắt tay hời hợt, lỏng lạc, họ cho tôi cảm giác khó mà đặt lòng tin tưởng ở họ. Chỉ cần một lần bắt tay với những người đó là không bao giờ tôi nhận thêm cái bắt tay khác, nếu quá bất khả dĩ vì lịch sự, tôi chỉ nghiêng đầu chào cho đúng lễ nghi, phải phép mà thôi.
       
       

       
      Nguyễn Mỹ Hạnh

      Còn tiếp.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.07.2013 20:46:32 bởi M.H. Nguyen >
      #18
        NgụyXưa 16.07.2013 23:04:57 (permalink)
        Chờ đọc tiếp xem mưa Sài Gòn có trở thành cơn bão nổi.
        #19
          Nguyệt Hạ 17.07.2013 01:08:28 (permalink)
           
          Chào Mỹ Hạnh, chào anh Ngụy Xưa,
           
          Thật lâu mới thấy Mỹ Hạnh trở lại đây, thì ra có người đi về thăm lại chốn xưa....
          Thích ghê đi, MH được đi chơi trong mưa. Lâu lắm rồi, NH chưa được nếm cảnh mưa SG như thế. Cũng là nước từ trời rơi xuống, nhưng mưa mỗi nơi mỗi "khác", và mưa mỗi lúc cũng mỗi "khác", phải không Mỹ Hạnh và anh Ngụy Xưa ?
          Cám ơn MH đã cho NH có dịp "đi" lại mưa SG.
           
           
          Mến,
          NH
           
          #20
            dang son 17.07.2013 01:18:55 (permalink)
            .
             
             
             
             Ghé nhà thăm hàng xóm .
             Chúc cô vui khi  viết .

              đăng sơn.fr
             
             
            #21
              M.H. Nguyen 17.07.2013 22:47:48 (permalink)
               
               
              H. xin chào anh Ngụy Xưa, Nguyệt Hạ và anh Đăng sơn.
               
              - Dạ không có bão chìm, bão nổi hay bão rớt gì cả anh NX à, phần tiếp tục ngay sau đây.
               
              - Nguyệt Hạ nói đúng phần nào, không có cơn mưa nào giống cơn mưa nào. Cũng như chúng ta chẳng một ai có dấu tay( empreinte digitale) giống nhau cả!
              H. cũng thích mưa SG lắm, bài viết về chuyến đi cách đây hai năm, vì không thuận tiện nên đến nay mới xong đó NH. cảm ơn sự chào đón dễ thương của NH khi H. về chơi nơi đây nha.
               
              - H. luôn luôn vui khi cầm được bút để viết lăng nhăng đó anh ĐS, chỉ mong có được chút thời gian mà thôi.
               
              Mến chúc cả nhà vui vẻ với mùa hè nóng nực không thua gì bên VN.
               
              M.H.
               
               
               
              #22
                M.H. Nguyen 17.07.2013 22:59:00 (permalink)
                 
                 
                CHUYỆN BÊN NHỮNG TÁCH CÀ-PHÊ SÀI-GÒN...  ( II )
                 

                 
                Sau gần một tuần, H. và tôi lại đối mặt nhau nhâm nhi nước uống ngọt cho tôi và H. thì chỉ cà phê, thuốc lá. Vẫn là quán hôm trước, chỉ thay đổi vị trí chổ ngồi, lần này H. chọn bàn gần chiếc quạt quay đều trên nóc quán.
                Xế chiều Sài-gòn với cơn nóng bức hầm hập, mây đen vần vũ, rồi lại đổ ập xuống cơn mưa nhiệt đới. Mưa lần này không làm cho không gian mát lạnh như hôm trước, mà chỉ mang đến sự ẩm ướt khó chịu. Tôi khổ sở chầm chậm chiếc khăn tay lên trán và cổ ót, thấy mình ngu ghê, phải chi cột cao tóc lên, hẵn sẽ đỡ nóng nực hơn nhiều.
                H. thấy vậy điềm đạm :
                - M. qua chổ H. ngồi ngay cánh quạt cho đỡ nóng nè !
                - Không sao đâu H., phải tập cho quen với khí hậu chứ. Nói nghe oai chứ tôi biết mình đang nóng nực, nếu ngồi ngay dưới làn gió của quạt máy thì tối nay thể nào cũng đổ bịnh.
                H. kể tôi nghe thêm ít nhiều chuyện ngày xưa và chuyện đang xảy ra. Thỉnh thoảng tôi chỉ chen vào đôi câu hỏi… .
                Đang thao thao thì H. chêm một câu :
                - M. nghĩ sao về người đó ? Có thấy người ta dễ thương không ?
                Trời đất, tôi đâu biết họ bên ngoài thế nào (và thật ra tôi cũng không muốn biết, vì đâu phải bạn bè của tôi). Hơn nữa đó là ‘ bồ’ của H., nói bậy bạ lại hiểu lầm nhau thì đổ nợ sao chứ !
                Tuy nghĩ trong đầu như trên, nhưng tôi vẫn thành thật nói lên nhận định rất bàng quang của chính mình, dựa theo lời tâm sự của H. cộng với sự quan sát chung chung. Tuy rất đa nghi và rất cẩn trọng nhưng tôi đã có lúc bị hố khi nói lên nhận xét trung thực của mình đối với H., để rồi H. phán cho tôi những câu lạnh ngắt : «  M. không biết gì hết! » hay « M. cứ  khiêm nhượng thái quá thì người ta nghĩ là M. thuộc loại là tự kiêu tột bực ! ». Lúc đó tôi giận điên lên và đòi nghỉ chơi với người bạn lớn cà chua, chỉ giỏi tài đàn áp em út thôi, chứ riêng với bồ của ổng thì ngọt còn hơn đường phèn, mật ong nhiều.
                Nhờ H. mà tôi phát hiện được những điều rất bất ngờ ở những người tôi quen biết trên diễn đàn. Tôi không nghĩ xấu về họ nhưng tôi lãng xa để tránh những phiền toái vô cớ. Con người ta bình thường thì không ai xấu cả, nhưng chỉ vì những hiểu lầm, ghen tuông, ganh ghét mà đâm ra lời cau, tiếng xé mà thôi.
                Tiếng mưa tí tách trên mấy nhánh lá đong đưa bên thềm quán, tôi tai thì nghe mà mắt vẫn thường chạy lang thang trên những mặt lá ướt đẫm nước mưa, xanh lục đậm đà, nhìn rất mát mắt dễ chịu. Cây cỏ xứ nhiệt đới có khác, quanh năm với nhiệt độ hàn thử biểu không xê dịch quá nhiều, mặt trời thường chói chan nên khác xa với xứ bốn mùa.
                Lâu lâu phía xa xa có tiếng sấm sét rì rầm cuối chân trời. Không biết bao giờ mưa sẽ tạnh, riêng tôi vẫn ngồi ngoan ngoãn như một đứa em ngắm mưa, nghe H. kể chuyện…
                - Còn M., gia đình thế nào?
                Đang lơ mơ nghịch nghịch gói thuốc lá của H., nghe hỏi tới chuyện của mình, tôi bật cười:
                - Ừ thì một nửa của M. thế này, thế nọ. Gia đình của M. rất bình thường, giản dị.
                H. nghe tôi trình làng về chuyện gia đình xong phán cho một câu xanh rờn:
                - Ờ, như vậy mới hợp tình hơn, chồng lớn tuổi hơn vợ nhiều rất tốt. Lại thêm một chiêm tinh gia nữa sao đây?! Tôi theo đạo Công Giáo nên không mấy khi để ý tới phong thủy, bói toán, nhưng lại thường gặp những người bạn rất tin tưởng vào những thứ ấy mới lạ chứ!
                Không biết tôi đã uống tới ly nước ngọt thứ mấy, chỉ biết bên ngoài trời sẫm tối, chắc vì mưa nên chiều buông rất vội. Nhìn qua gói thuốc lá của H. tôi chưng hững, gần hết một gói nữa rồi, người bạn lớn đang bán rẻ lá phổi và coi thường con bịnh hiểm nghèo của chính bản thân quá ta. Dường như biết tôi đang có ý nghĩ ‘lên lớp’ nên H. chận ngang:
                - Nàng ấy cứ cằn nhằn H. hoài vì cái tật hút thuốc quá nhiều.
                Tôi tra thêm gia vị:
                - Tại người ta thương nên mới lo, chứ bằng không ai chết sống mặc kệ họ mà H.
                Lúc H. đưa tôi về thì đường phố đã lên đèn, vẫn còn ướt đẫm sau cơn mưa, đến con hẽm thì tôi phải xuống để di bộ vào nhà vì người ta đang có cuộc họp dân cư ngụ trong khu vực. Họp hành gì mà ở ngay giữa đường giữa xá vậy.
                Tôi ngao ngán cái kiểu họp mặt này từ thời đổi đời của Sài-gòn. Chỉ toàn công bố tội trạng, hay lên bài giáo huấn về Bác Đảng, lúc ai về nhà nấy người ta vẫn tiếp tục sống theo thói quen chứ có mấy ai sửa đổi gì đâu, ngoại trừ bị tố cáo có giòng máu phản động, bị bỏ tù không được quyền kêu ca, biện luận bởi luật sư. Hơn ba mươi năm về lại quê hương và thấy những cảnh đó là tội dị ứng kinh hồn luôn. Ưa hổng nỗi!!!
                Lúc xuống xe, H. hỏi tôi chừng nào về lại bên này, và nói không chắc gì còn dịp đi uống cà phê lần nữa. Nghe mà rầu.
                - Chỉ còn vài ngày nữa thôi H. à, và M. còn phải đi chơi xa với đại gia đình nữa. Thôi, H. ở lại vui vẻ nha và nhớ là phải ‘ ngoan’ với nàng ấy chút đi!
                Nếu H. quen nếp sống tập tục của Tây phương thì tôi đã không ngần ngại chen lời từ biệt với ba cái hôn lên đôi má như bạn bè thân quen bên này. Nhưng H. là người sống ở Việt nam, sẽ thấy kỳ và tôi lại thường quen thói ‘ nhập gia tùy tục, xuất gia tùy tùng’ nên chỉ khẽ bắt tay H. mà thôi.

                Một ngày trước khi lên đường về lại quê hương thứ ba. Vì thứ hai là nơi gia đình sống khi vừa rời Việt nam. Tôi nhận được tin nhắn của H.:
                “ H. vừa về lại Sài gòn, không biết M. có chút giờ đi uống cà phê không, nếu không H. chúc M. lên đường bình an, không biết bao nhiêu năm nữa mới gặp lại!....”
                Ngày cuối cùng với lắm chuyện để lo toan, áo dài phải đi lấy ngoài tiệm, đi mua vặt vảnh với nhỏ em họ,… chuyến bay vào buổi chiều tối, nên tôi chỉ còn có khoảng ngắn thời gian vào buổi sáng, vậy là hẹn đi ăn sáng.
                H. lại đến đón, tôi tưởng H. chở ra quán cà phê cũ, đâu ngờ thấy xe chạy về hướng lạ hoắc, tội chồm tới hỏi:
                - H. chở M. đi đâu vậy?
                - Chở M. đi ăn bánh cuốn Tây Hồ.
                H. lái xe đúng điệu dân Sài-gòn, nhanh và luồng lách muốn chóng mặt luôn. Tôi ngồi phía sau đưa mắt ngó quang cảnh vùn vụt chạy bay dưới mắt. Vì là buổi sáng nên tiết trời khá mát dịu, chưa có nắng gắt.
                Đến trước quán nhỏ nằm ở góc phố tôi không nhớ tên, chờ H. dựng xe, đậu lên lề xong, tôi lót tót theo H. vào quán. Chuyện mà tôi không bao giờ quen được khi về Việt nam là những đôi mắt hay dòm ngó, đôi khi thái quá của những người đi đường, trong quán, hay ngồi lê la bên cà phê quán cóc. Không biết mình có gì lạ hơn họ mà cứ bị nhìn là tôi thấy khó chịu, nhưng phải tình như rụi và phớt lờ Ăng-lê chứ làm sao đây?!
                Để H. tự do lo thực đơn, tôi chỉ thích thưởng thức. Bánh cuốn khá ngon, nhưng tôi cứ vụng về không quen gắp tới gắp lui, chắc vì vậy mà H. động lòng từ ẩn, giúp tôi không ít trong việc chan thêm hay gấp bỏ ra dĩa thức ăn. Bên VN lạ ghê, lúc dọn dẹp bàn sau buổi ăn, có những thứ mình không đụng đến thì họ không tính tiền, vấn đề này tôi thấy vui vui, giống như kiểu dã chiến vậy.
                Phần điểm tâm xong thì H.đề nghị:
                - Mình đi uống cà phê chổ khác nha.
                Tôi thì sao cũng được, miễn là đừng làm mất thời giờ của H.
                Xe chạy trên con đường có đầy bóng cây cao, che bóng mát, con đường đẹp với những ngôi nhà xây từ thời Pháp, chen với những tu sửa về sau này để trở thành khu phố với hàng quán nổi danh. Con đường đã đi vào huyền thoại của Sài-gòn trước năm 1975, mà cho đến nay không một người tha hương nào đã biết nó lại có thể quên được nó.
                 
                Đến trước một quán với cách trang trí khá đẹp, H. dừng xe và bọn tôi tìm chổ ngồi. Những chiếc ghế bành rộng và êm. Chung quanh có những hàng cây kiểng che bớt tiếng ồn của xe cộ và cùng thể làm dịu đi sự khô khan cửa những bức tường gạch bọc quanh. H. kể tôi ghe sơ sơ về lịch sử của quán trong lúc những tách cà phê cappuccino được bày lên bàn thấp.
                 
                Mới đó mà đã là ngày cuối, những giờ phút cuối cùng tôi hít thở khí trời của Sài-gòn yêu thương. Nhâm nhi tách cà phê rất đúng điệu yêu thích, nhìn chiếc hộp quẹt và những điếu thuốc cứ tà tà thả khói của H., len lỏi qua đó những chiếc lá xanh đong đưa trong gió…
                Trên đường về, H. lại biện minh cho cái tính gàn và ngang tàng của mình. Tôi chỉ biết cười trừ, nếu người bạn lớn mà biết những gì tôi nghĩ trong đầu lúc đó, chắc ổng dám liệng tôi ra giữa phố để tự đón xe xích lô về quá. Ngu gì nói!

                Vừa bước vào cổng nhà, mấy nhỏ em họ ùa ra hỏi han:
                - Đi ăn sáng vui không chị?
                - Đương nhiên rồi cưng, bây giờ chị em mình đi lấy áo dài phải không?
                Vừa đội nón bảo hiểm, một nhỏ em tiếp tục tra khảo:
                - Ông bạn lớn chở chị đi ăn sáng ở đâu?
                - Ở tiệm bánh cuốn Tây hồ gì đó.
                - Chị ăn thấy sao?
                - Không biết, thấy khá ngon.
                - Trời, coi bả kìa, bộ chê bánh cuốn tụi em mua không ngon hay sao mà ra tới đó xa lắc, xa lơ để ăn!
                - Mi nhiều chuyện quá! Thôi đi lẹ lẹ để tui còn lo hành lý nữa mấy bà chị nhỏ à!

                 
                Ở mỗi chúng ta có những giây phút trong cuộc đời trôi rất chậm, và có khi nó lại bay rất nhanh, quan trọng là hãy thưởng thức và sống thật hết mình với những giây phút ấy là đủ!
                 
                 
                 
                Chuyến về thăm Sài gòn năm 2011.
                 
                 
                Ngày 17-07-2013
                 
                Nguyễn Mỹ Hạnh
                 
                 


                <bài viết được chỉnh sửa lúc 18.07.2013 00:14:16 bởi M.H. Nguyen >
                #23
                  NgụyXưa 18.07.2013 06:58:38 (permalink)
                  “Chuyện Bên Những Tách Cà-Phê Sài-Gòn” đã được mang vào thư viện.
                   
                  Xin cám ơn tác giả.
                  #24
                    dang son 05.12.2013 12:35:01 (permalink)
                    _______________________________________________________________________
                     
                     
                     
                     
                    Ghé thăm trang " Cảm Nghĩ " của Mỹ Hạnh  vì đã lâu lắm rồi không thấy chủ nhà viết bài ( Hay là bây giờ chỉ thích làm thơ ? )
                     
                    ...
                     
                     
                     
                      Nhớ lại,có lần MỹHạnh dùng một câu chữ rất có ý nghĩa :
                      
                    « Ecrire, c’est une façon de parler sans être interrompu « ; Jules Renard. 

                    tạm dịch: 

                    " Viết , đó là một cách nói chuyện không bị ngắt quảng " 
                     
                     
                     
                       Vậy sao ?
                     
                       Viết cũng là một kiểu cách nói chuyện một mình .
                      Khi câu nói chui ra từ ý nghĩ của mình ên thì chẳng có ai ngắt quãng và dành nói với ai .
                     
                     
                        Thế nhưng ............... ( ---------------------------- )
                     
                     
                        Gần hết năm rồi . Hãy nối tiếp những câu chuyện kể ở đây ,nhé .
                     
                     
                     
                       thân ái .
                     
                     
                     
                       đăng sơn.fr
                     
                     
                     
                     
                    CHÚNG MÌNH
                    #25
                      M.H. Nguyen 13.12.2013 04:55:55 (permalink)
                       
                       
                      H. xin chào anh dang son.
                       
                      Dạ, đúng vậy,đã lâu lắm H. đi tìm cây viết và mấy trang giấy không thấy đâu hết trơn, không biết ai chơi ác, đem giấu đồ nghề tay trái của mình nữa...
                       
                      Đó là một lý do nhỏ thôi, quan trọng hơn là túi chữ của H. nó nghèo rớt mồng tơi, nên xài tiết kiệm, đem ra tiêu dụng hết rủi sạch túi chữ thì đi mượn ai đây?!
                       
                      Lại đùa cho vui cuối năm.
                       
                      Bên kia H. mới dán tem gởi thư đi đó anh dang son.
                       
                      Thôi thì có bao nhiêu chữ, xài bấy nhiêu và xin cảm ơn lời khích lệ của anh nha.


                       


                       
                       
                       
                      #26
                        M.H. Nguyen 16.05.2014 03:01:29 (permalink)
                         
                         
                        Sự giân dữ thường làm người ta mất khôn và hành xử không sáng suốt, nói ra những lời chói tai người khác!
                        Biết là không bao giờ mua lại được những gì thuộc về quá khứ, cho dù quá khứ đó chỉ mới đi qua vài phút giây. Vì thế bạn ơi hãy cẩn thận lời ăn tiếng nói với nhau, cho dù ta chơi thật ngoài đời hay chỉ trên mạng net.
                        Không làm được người khác vui thì hãy giữ im lặng, xin đừng rổn rảng mắng nhiết nhau... tội nghiệp cuộc đời vốn dĩ vô tư. Chỉ có con người làm cho nó rắc rối mà thôi...
                         
                         
                        #27
                          M.H. Nguyen 05.09.2014 19:44:11 (permalink)
                           
                           
                          Anh,
                           
                          Đôi lúc em không biết sắp xếp thế nào cái mớ hỗn độn, lung tung beng trong đầu óc mình nữa!
                          Anh trách một cách thản nhiên em vì công việc mà dồn hết tâm trí vào đó.
                           
                          Tiêu đề em tự đặt cho chính bản thân mình: công việc là công việc, gia đình là gia đình, bạn bè là bạn bè, vân vân và vân vân... Vậy mà đôi khi thứ này lấn qua biên giới thứ kia một cách vô cùng vô tư, vì em cũng chỉ là một người rất bình thường, có hỉ nộ ái ố bám vào tư tưởng, hành động, cư xử... cho dù em thường 'đơn giản hóa' vấn đề một cách hơi tàn nhẫn( nếu cần thiết!); có người đã thường trách em như vậy, nếu anh không quên!
                           
                          Hôm nay là ngày nghỉ đầu tiên sau hơn một tuần dài với bao là biến cố của người khác mà em phải chứng kiến, làm tường thuật, tìm cách giải quyết khẩn cấp với gia đình họ. Và em biết là mang thêm một mối lo. Nhưng làm sao hơn khi họ sống thui thủi một mình, gia đình ở xa lắc, xa lơ, mang chứng bịnh ngặt nghèo, và đang tìm cách tuyệt tự ....
                           
                          Em rất sợ nước mắt, thế mà chon việc làm thường phải chứng kiến người khác than khóc vì nguyên nhân này, vì lý do kia....Tìm mọi cách an ủi, đưa họ thoát giây phút cạn cùng hy vọng xong, khi bước ra khỏi nơi họ trú ngụ, em tự hỏi chắc sau này mình phải dọn vào ' nhà thương điên' ở luôn hay sao đây?! Thôi, thôi, anh đừng chuẩn bị lên lớp em( như em đoán!), em đang cần có người nghe em nói một chút chứ chưa phải lúc nghe thêm ai nói, ít ra trong lúc này...
                           
                          Vài tách trà vừa ấm, chiếc ghế đủ êm, quyển sách hay nào đó là đủ cho em thấy mình thư thả! Nhưng nếu anh đang ở cạnh bên, em sẽ van xin mượn đôi bàn tay để tìm hơi ấm, để đặt lên gương mặt mình và mong động tác gần gũi ấy sẽ gột rửa hết sự mệt mỏi vì chuyện đời quá đau thương mà em chứng kiến thường xuyên!
                           
                           
                          Ôi, những vui buồn nghề ngiệp mà anh muốn biết ....
                           
                           
                          Em,
                           
                          M. H. Nguyễn
                           
                           
                           
                           
                           
                          #28
                            dang son 07.09.2014 00:40:56 (permalink)
                            ..Ghé thăm MỹHạnh .
                             
                             
                             
                             Chúc em bình an .
                             
                             
                             
                             đăng sơn.fr
                            #29
                              M.H. Nguyen 09.09.2014 19:31:29 (permalink)
                               
                               
                              Xin cảm ơn lời chúc của anh Đăng Sơn nha.
                               
                              Vẫn đọc bài anh viết, đôi khi muốn để lại dấu vết, nhưng sợ ngắt quảng dòng tư tưởng của người viết ,nên H. chỉ gật đầu đồng ý một mình, hay cười chí choé khi có đoạn văn nào đó khá ngộ nghỉnh, cay cú ...
                               
                               
                              Sáng nay, H. đọc được câu trích này thấy đầy ngụ ý, nghĩa rất rộng ,rất đáng để tâm tới !( quan niệm cá nhân H. mà thôi).
                               
                              " Ecrire est un acte d'amour. S'il ne l'est pas, il n'est qu'écriture."
                               
                              Jean Cocteau
                              Extrait de La Difficulté d'être

                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 4 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 59 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9