« Đi mà không nói một tiếng ! »
Lần này là xa nhau muôn thuở rồi, nhìn tấm bảng cho mướn phòng thuê treo lủng lẳng trên cửa sổ đối diện từ hôm đi nghỉ hè về đến nay là tôi biết : hết rồi, hết thiệt chứ không có màn ầu ơ, cưa cẩm, hò khoan điệu ‘lý xa nhau’ gì nữa đâu !
Thú thiệt, sự ngỡ ngàng vẫn còn ngự trị trong tôi, nói là không buồn thì tôi tự dối mình, làm sao không buồn ít hay nhiều chứ ?! Hơn hai năm dài gặp nhau mỗi sáng, có khi gặp bất thình lình trong ngày nữa kia, thế mới gây cấn và lâm li! Bao nhiêu lần tôi bất chợt nhớ gương mặt ‘dễ ghét’, hinh hỉnh kênh kiệu thấy mà muốn nhéo xem hắn chịu đựng nổi không ?! Thích gì đâu bộ ria mép ăn tiền, cho đến giờ tôi vẫn chưa được một lần vuốt râu ria của chàng .
Mà đó là tôi nhớ hắn, chứ hắn có biết nhớ tôi không thì chỉ Trời mới biết !
*
Mấy hôm nay trở trời nên vào sáng thật sớm, cả không gian mờ mịt sương mù, mở toang cánh cửa sổ để hít hà lớp không khí ẩm lạnh gây lên một cảm giác thật dễ chịu. Như một thói quen bất khả di dịch, tôi vẫn đưa mắt nhìn về bên kia …, thềm cửa sổ đóng im ỉm ! Chẳng còn dáng ngồi điềm nhiên, thầm lặng ! Chẳng còn đôi mắt nào ngó sang bên này khi có ánh đèn bật lên và tiếng động mở cửa sổ. Chẳng còn cái ngoáy đầu cùng nhìn theo những chiếc xe chạy ngang con đường.
Ly cà phê buổi sáng không còn cớ gì để tôi nâng lên mời hắn khơi khơi như dạo sau này thường làm. Góc phố bỗng dưng trở nên vô vị, nhạt nhẽo, trống vắng một cách vô duyên và mất hẳn đi sự lôi cuốn tôi đưa tay vén rèm xem ‘ bên ấy’ đâu rồi ?
Suy đi, nghĩ lại, tôi thấy mình có ‘duyên tiền định’ với đồng loại của hắn hay sao đó !
*
Ngày xưa, anh T. cũng có một ‘cô nàng’ trong nhà, thật ra là của cô em út anh, bạn tôi. Thường khi anh ngồi trước bàn làm việc hay trong chiếc ghế bành quen thuộc đọc sánh thì luôn luôn có ’nàng ấy’ bên cạnh, nói là bên cạnh chứ thật ra là ‘nàng’ chễm chệ ngồi trong lòng anh. Tôi chẳng biết anh mê mèo hay mèo mê anh ?!
Những ngày đến học hay làm bài với cô em út của anh, tôi nói xa, nói gần là nên nhốt nàng ở chổ khác vì tôi không thích bị ‘ cạnh tranh’. Bạn tôi dễ thương nên chìu tôi ngay, còn anh thì phì cười và buông những câu chọc ghẹo tôi như : « Sao lại nhỏ nhen đến nỗi ghen với …’ nàng’ này. ». « Ngoan lắm đó, anh nghĩ có đôi khi còn hơn cả H.và cô em của anh nhiều. ». Tôi không hiền từ gì nên trả lời gọn ơ : « Bồ anh T. đẹp thiệt đó, thân thể toàn lông lá và điệu hạnh đến phát ớn ! »…
…
Hơn ba năm sau…
Thiệp cưới gởi đi.
Thiệp mừng hồi đáp.
Trong mớ ngổn ngang vui lo ấy, có một cánh thiệp rất đặc biệt, nét bút bay bướm quen thuộc một thời kết thúc với câu :
…
Ps : À, anh quên báo cho H. hay ‘ Nàng ấy’ đã mất tích hơn hai năm rồi… .
Như H. vậy, đi mà không nói một tiếng !
*
Đang đi ngắm phố ở nơi nào xa xôi, không quen thuộc cũng có lúc bị ‘đeo đuổi’ trong phút giây bất ngờ. Như có lần đang đưa máy lên chụp hình, bất thình lình tôi có cảm giác cái gì đó mềm mềm, êm êm cọ cọ vào chân mình, ráng giữ bình tỉnh ngó xuống thì thấy ‘người hùng không quen biết’ đang muốn làm quen với mình. Tôi bật cười và thuận miệng phát lên âm thanh ’ meo… meo…’, thế là tên đó ngước lên nhìn tôi với một ánh mắt …vô cùng dễ thương! Nhưng tôi vẫn ít khi đưa tay vuốt cằm hay giựt râu bọn hắn vì ngại bị ách xì xằng sau đó.
*
Hiện thời vì công việc, tôi ra vào thăm viếng thường xuyên một ngôi nhà với hơn ba mươi chú mèo. Tuy đã được ‘báo động’ trước điểm đặc biệt của ngôi nhà ấy, thế mà tôi vẫn không thể nào tưởng tượng được chính xác nó như thế nào. Ngày đầu khi đẩy cánh cổng nửa mở, nửa đóng của khu vườn, tôi tưởng mình đi lạc vào một quang cảnh phim trường kinh dị ! Hay đang bước vào một ngôi nhà chứa chấp bí mật phù phép với đầy động vật được yêu chuộng của chủ nhân nó.
Từ nóc nhà, bốn góc vườn, hai bên sân cỏ, trước cửa và trên nóc nhà kho chứa dụng cụ làm vườn, trên chiếc băng đá bên cạnh tường nhà,….đưa mắt nhìn tới đâu là tôi đều thấy có một chú mèo đang nằm, đang ngồi hay đang đứng lên khi thấy người lạ bước vào. Đủ các giống mèo, nhiều màu, đa sắc. Chén đựng nước, dĩa thức ăn dành cho mèo được đặt rải rác khắp vườn. Dân số quá đông thì làm sao tránh được sự bừa bãi, hỗn độn trong mảnh vườn tuy không nhỏ bé lắm. Đó là chưa kể tới mùi … mèo, nó ngay ngáy rất khó chịu.
Vậy đó mà chủ nhân là một bà cụ đầy lòng nhân ái, nói chuyện rất có duyên, nụ cười thật hiền từ luôn nở trên môi bà. Bà đọc sách nhiều và thích trau đổi quan điểm nếu có dịp. Bà chẳng có chút xíu nào dấu vết ‘phù thủy ‘cả, tuy tóc đã bạc trắng và thưa thớt, không đẹp lão như một số người cùng lứa tuổi khác mà tôi đã có dịp gặp gỡ. Mang chứng bệnh nan y, nhưng rất hiếm hoi bà nhắc tới nó.
Tuy chổ nào cũng có dấu vết của mèo, nhưng tuyệt đối phòng khách của bà cụ chỉ mỗi một chú được ‘đóng đô’ thường trực vì căn bệnh kinh phong của hắn. Bà cụ nuôi cả đàn mèo ấy với gần 2/3 tiền hưu là phải biết bà yêu thương bọn hắn tới cỡ nào ! Thỉnh thoảng bà hay dụ khị tôi nếu muốn thì bà sẽ tặng cho một chú nào mà tôi thích nhứt. Nhưng tôi không thể làm vui lòng bà nên đành cảm ơn suông.
*
… lan man vì « Đi mà không nói một tiếng » đến đây tôi vẫn chưa biết được chính xác là mình thích mèo hay là mình sợ mèo. Chắc là nửa này, nửa kia rồi. Hay là tính mình giống tính mèo nhỉ…. ?! M. H. Nguyễn Chàng này đã theo đuôi cả một quảng đường nhỏ ở Sarlat
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.09.2014 22:52:40 bởi M.H. Nguyen >