Cảm nghĩ vu vơ ...
Tản mạn đầu năm cùng hoa Đào.
Cuối tuần rồi vì công việc, tôi phải đi Paris trong vòng hai ngày. Sáng chủ nhựt, sau buổi Lễ tôi chạy cho lẹ ra quận 13 để mua vài món Tết, trong vòng 45 phút mà phải tìm chổ đậu xe, chịu khó bị chen lấn để chọn vài mặt hàng. Trong lúc chờ người ta tính tiền thì tôi thấy một người đang giơ lên cao bó cây khẳng khiu, tránh bị va chạm, tôi nhìn kỹ lại thì … trời ơi, thiệt không đây, hoa Đào ! Bao nhiêu năm qua, tôi chưa bao giờ có được hoa Đào đúng vào lúc Tết để trang trí nhà cửa. Thành phố tôi sống vào độ Xuân từ cuối tháng ba trở đi mới thấy hoa Đào bắt đầu nở từ từ, có những con đường công cộng hay trong khu công viên ngập tràn hoa Đào. Thường là loại Đào nhiều cánh, màu từ hồng nhạt tới hồng đậm, có cả màu kem trắng phớt hồng nữa. Đẹp một cách quyến rũ từ khi chớm nụ cho đến lúc xác hoa rơi đầy góc phố, thảm cỏ, đôi khi gió tốc lên trông giống như xác pháo hồng (chứ không phải xác pháo đỏ đâu nha !) rơi tơi tã.
Tôi chợt nhớ về thuở nhỏ, Măn tôi là người rất yêu hoa ( tôi giống Măn chỉ ở điểm này!). Năm nào cũng như năm đó, cận Tết là ba lái xe chở cả nhà ra chợ hoa Nguyễn Huệ để Măn tôi tha hồ ngắm, rồi chọn lựa, trả giá,…Ôi thôi, tôi và hai nhóc em trai than trời như bộng, đứng xớ rớ hoài là bắt đầu chán và tìm trò phá, trước tiên là để mắt tới mấy cây quýt, tắt đầy trái! Ba thấy và sợ đàn con ra tay phá phách, nên ông hay mua nào quà vặt, nào bong bóng cho tụi nhỏ đỡ chán trong lúc vợ ông chọn hoa không biết mệt là gì! Măn tôi thường mua nào Cúc đại đóa, Mồng gà, chậu Tắt, nào Huệ trắng chưng bàn thờ nhỏ,vân vân và vân vân… Tôi thiết nghĩ nếu ba tôi mà không hô hoán :” đủ rồi em!”, Măn tôi sẽ để con cái ở lại ngoài chợ hoa, chờ ba tôi chở đám bông hoa của bà về trước. Đó là ba tôi có chiếc Simca chứ nếu là chiếc vespa của riêng ông thì có nước đi taxi về nhà rồi!
Trên sân thượng nhà tôi ngày xưa có một cây hoa Mai rất lớn và rất đẹp, mỗi năm vào ngày 23 tháng chạp, Măn lo cúng đưa Ông Táo, Ba tôi thì kêu con gái ra phụ ông nhặt hết lá Mai để hoa nở đúng vào ngày Tết. Ba tôi kể cũng lạ, ông chơi hoa Lan, hoa kiểng mà toàn là sai tôi hết tưới nước, thi tới ngắt bỏ lá khô, hoa tàn, chưa hết đâu còn cái màn bỏ đá cục vào chân Lan vào mấy ngày nóng đổ mồ hôi nữa. Thuở đó tôi làm nhưng có biết yêu thích gì đâu, vì lần nào cũng được ba thưởng nên mới chịu khó, chứ tốt lành gì ở tuổi chỉ thích đánh đủa và nhảy cò cò chứ. Cả tuổi thơ tôi chưa hề biết mặt hoa Đào ra sao, ngoài lúc đọc thơ, văn của các nhà tác giả thời tiền chiến. Mà trong văn chương thì chỉ là tượng trưng qua ngôn ngữ, chứ trí óc tưởng tượng không thể nào thấy được hoa Đào đẹp đến cỡ nào!
Hoa Mai đối với tôi thì thân thiết và gần gũi vô cùng, sinh ra và lớn lên với sắc vàng ngày Xuân, tưởng chừng như không bao giờ xa nhau được. Vậy đó mà giờ thì tôi đem lòng ‘ phản trắc’ yêu hoa Đào và chưa bao giờ gặp lại hoa Mai với dòng đời lưu vong. Thôi thì tạm gọi là tôi yêu hoa Đào nhưng lại nhớ hoa MMai đi, để đừng hoa nào ganh tị với hoa nào trong trái tim tôi! Quên, xin trở lại đề tài chính. Khi tôi thấy vận may bất ngờ đã nói ở trên đầu bài, thế là tôi nhờ anh đứng xếp hàng giữ chổ, tôi đi nhanh ra trước cửa tiệm thì thấy cách đó không xa người ta bày ra đủ bó nhỏ, bỏ to: hoa Đào, hoa Mai vàng (không phải là Mai như bên Việt nam mà là một loại hoa vàng, cánh nhỏ khá giống như hoa Forsythias vậy) và luôn cả nụ hoa Magnolia. Tôi nhớ lời chị bán hàng hóa Việt nam tuần rồi hỏi tôi muốn đặt mua gì trên Paris, và chị nói mấy năm trước có mua hoa Đào về chưng mấy ngày Tết mà nó chẳng nở gì ráo trọi, đã vừa mắc mà còn èo uột cho nên chị không mua nữa. Tôi chỉ biết dạ dạ và đặt mua hoa Mai ‘lai’ cho vui. Nhưng hôm đó tôi không thể nào ngoan ngoãn nghe lời chị, khi đứng trước những bó hoa mang đầy sắc màu cám dỗ, tôi chọn một bó nhỏ rồi tự lầm thầm ‘Hoa ơi, mình có duyên với nhau nên làm ơn nở cho tôi vui một chút nha, năn nĩ đó’, và đi vào tiệm trả tiền. Hôm nay bên quê nhà đã bước sang thềm năm mới rồi, và bên tôi mới tích tắc vừa xong. Hôm qua tôi có nhiều nhánh Đào ra hoa thật dễ thương, Tết Nguyên Đán ở thành phố này không có gì ầm ộ như những nơi đông người Việt, nhưng tôi lại thấy vui và hạnh phúc gì đâu khi đưa mắt ngắm mấy nhánh Đào đi du lịch từ Á sang Âu, và dừng chân ở điểm cuối là phòng khách nhà tôi. Được bao lâu? Tôi không biết, chỉ biết là hoa đã biết nghe lời năn nỉ ỉ ôi của người yêu hoa….
Khai bút đầu năm Ất Mùi,
Nguyễn Mỹ Hạnh
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.02.2015 06:48:43 bởi M.H. Nguyen >
Chào năm mới người yêu hoa đào... Nhờ hoa đào mà có người khai bút một bài dài thoooòng kia, giỏi ghê ta ơi. Hoa đào ở đó màu hồng nhạt đẹp ghê há MH. Mang đươc bó hoa về nhà, chắc phải nâng niu ẳm bồng suốt đoạn đường? Có lẽ MH sẽ hên cả năm, sẽ có hoa để ngắm dài dài và sẽ tươi như hoa đó Vào chọc ghẹo chút xiú coi thử có ai hờn giận, ngắt dzéo gì hông ... Chúc M.H. một năm mới hên hoài nha, nghĩa là muốn mua hoa nào đi ra chợ là có ngay hoa đó. Chúc thêm một năm nhiều hạnh phúc, niềm vui, may mắn, muốn gì được nấy ha. Thân mến, Nguyệt Hạ
Thân chào Năm mới Nguyệt Hạ, Nói người ta viết bài dài thòn rồi còn đặt thêm ' ngàn câu hỏi', hổng khác nào biểu người ta ... Viết nữa đi em, viết về Hồng đào... (trại lại lời bài hát nào đó với câu " Hát nữa đi em ..."). Đây là là chọc ghẹo thẳng tay ngày đầu Xuân, NH hông sợ bị giận vì ai nỡ giận hờn chi trong ba ngày Tết chứ, hì hì ... chọc tui, tui chọc lại ... huề hén! Hôm đó như vầy nè, M.H. bưng nàng ra xe xong là tìm cách quấn chân nàng lại với tấm khăn tẩm nước, tránh bị khô chân trong khoảng thời gian chưa về đến nhà. Xong rồi mới đặt nàng lên tấm khăn lớn khác trải rộng ra trong cốp xe, tấn tấn chung quanh để nàng đừng bị lăn lốc đau mình mẩy. Chưa hết đâu còn phủ lên thêm một tấm khăn mỏng để tránh gió máy, sợ nàng bị nhức đầu rồi rụng tóc, í quên, rơi nụ đó mừ. Vậy mà từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều( lúc M.H. về đến nhà) không hề hấn chi. Kể ra nàng cũng dễ sống há NH. Như vậy đó chứ làm gì có màn ẳm bồng miết trong xe, cưng cũng vừa vừa thui, cưng quá sợ nàng trở chứng thì mệt mình, hí hí ... Cảm ơn lần nữa lời chúc rất đẹp và đầy thân tình của Nguyệt Hạ nha. Thân chúc Nguyệt Hạ luôn vui tươi, hạnh phúc cùng thân quyến, khéo tay hay làm những gì NH thích nữa. Lần này là lần đầu tiên M.H. được nghỉ 3 ngày Tết nên tha hồ mà tán dóc, mai mốt đi làm lại là tịnh âm tiếp tục. Thương, Mỹ Hạnh
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.02.2015 16:49:04 bởi M.H. Nguyen >
.
Chào hàng xóm Tóc Nâu .
Chúc em luôn vui khi viết
đs .
TN xin chào anh Đăng Sơn. Xin cảm ơn lời chào hỏi của anh bạn hàng xóm thật nhiều, TN vẫn đôi khi vào đọc bài viết dí dỏm đôi lúc cay cú, chắc lúc đó anh ĐS đang chuẩn bị húc chữ ai đó ... Mến chúc anh viết đều với những ý tưởng thật và đôi khi là lạ. Viết cũng là một cách thoát và tịnh cho chính mình, TN nghĩ vậy, đúng hay sai thì tùy tâm trạng từng người. Không có lý sự gì đâu nha! í quên, mến chúc anh ĐS Năm Mới thật như ý nữa. Tóc nâu
...
Tôi không thích bàn về chính trị, ghét thậm tệ chính trị sa-lông ( salon). Nhưng nhiều lúc đọc bài đăng trên diễn đàn bởi mấy tên có 'bộ não đúc khuôn' giống y chang nhau thấy mà ngứa mắt thiệt nha. Đừng bao giờ so sánh chính trị nước này với nước khác, khi chính mình chưa sống trong đó hay với thời điểm đó! Sách báo và luôn cả sử ký đôi khi còn có sự không trung thực, sự sai lầm đáng tiếc, nói chi.... Bốn triệu dân miền Nam Việt nam thời đó còn có bộ óc sáng suốt đến nay, đáng tiếc có một số đã bị tẩy não bởi chế độ độc trị nên quên ráo trọi quá khứ! Và cứ đến 30 tháng tư là tràn trề tâm sự buồn nhiều hơn vui là vậy! Đừng có đem cái 'luận điệu huề vốn kiểu ngang ngược' ra mà bàn cho thiên hạ nhờ giùm nha! Cảm ơn trước cho phải phép đó!!!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.04.2015 00:28:01 bởi M.H. Nguyen >
Buổi sáng, Đọc được bài thơ của" Người Tỉnh" Ja., bài viết chọc ghẹo của Chị Ly, thấy đàn bướm bay của SĐ... vui vui! Tách trà sáng thơm lừng, tôi chợt so sánh hương vị trà giống như những gì tôi vừa đọc qua. * Buổi trưa, Làm việc với mấy tấm ảnh chờ cho xong thì đọc được nỗi niềm tâm sự dễ thương của cô em nhỏ bên quê nhà: đơn sơ, giản dị, chân thành và một chút xíu vòi vĩnh rất tự nhiên như số tuổi của nhỏ ta cho phép! Vội trả lời cho nhỏ xong thì phải đi làm việc. * Buổi chiều, Vừa bước ra khỏi tiệm sách, đang lững thững đi về chổ đậu xe, bổng nhiên nghe thoang thoáng ai gọi tên mình, quay đầu lại thì ... eo ui, cô bạn nhỏ quen từ hồi làm từ thiện cho trận bão lụt bên Phi-luật-tân. Nàng chạy tới ôm chầm bà chị, cả hai hun nhau rất vui. Nàng tíu tít như buối sáng mùa xuân, sau màn hỏi thăm thì hẹn hò nhau đi uống cà phê hay thứ gì đó để hàn thuyên. Nàng: - Chị ơi, mình phải gặp nhau lâu hơn, em mới về từ VN nè. Nhiều chuyện kể chị nghe lắm đó! Tôi: - Thiệt hông? Về bển là vui nhưng cũng buồn buồn chứ?! Nhiều thứ thay đổi quá phải không V.? Nàng: - Bởi vậy mới nói.... Tôi: - Để chị coi lại lịch trình làm việc rồi phone cho V. sau! Nàng: - Mai thứ sáu, có chợ rau Châu-á nè, đi chợ với em được không? ... * Chiều tối, Vừa lái xe về nhà, vừa nhớ lại những gì xảy ra trong ngày hôm nay, thấy vui và hạnh phúc quá: những niềm vui nho nhỏ đến từ bạn bè bên ngoài cho đến trong diễn đàn! * Đang vào khuya,
T. nhắn tin với những lời thật cảm động, đây là người bạn chơi với nhau từ thời còn học ở trung học bên Montréal... Viết vu vơ để xin cảm ơn chị, bạn, các em và Người Tình (thơ) đã dành cho M.H ( cho dù đôi khi thấy mình rất đáng ghét hì hì..) M.H. Nguyen
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.08.2015 05:28:27 bởi M.H. Nguyen >
ảnh sưu tầm từ net. Anh và Bồ đề lá. Thời đó Sài gòn mới bị giải phóng, trẻ con phải đi sinh hoạt, nhứt là những gia đình có cha anh đi học tập. Tuy ở cùng xóm từ thời nào lâu lắm rồi, nhưng nhà ai nấy đóng cửa và mối quan hệ lối xóm lưa thưa như mưa sa mạc. Phải chờ đến cuộc đổi đời điêu linh của đất Sài gòn, họ mới mở cửa chào nhau vì bị bắt buộc với những cuộc họp phường, họp tổ để những ai muốn được mấy ống nón cối ưu đãi tha hồ mà tố tội những nạn nhân vô hình chung bị kết án là dân ngụy, tư sản. Khổ sở hơn hết là những người bị kết án khơi khơi ấy vẫn phải trình diện đều đều để nghe chuyện bá láp rồi về mà ngậm đắng. Gia đình anh Tân thuở đó là một đại gia đình, căn nhà rộng lớn với mái ngói đỏ lót kiểu âm dương, sân vườn đẹp nổi tiếng với cây kiểng được chăm sóc, trồng trọt trong mấy cái chậu in hình xưa xưa màu xanh, trắng rất hay. Ông nội anh là chủ hộ và hình như quyền thế của ông trong gia đình là bất khả di dịch. Cả ba thế hệ sống cạnh nhau nên lúc nào cũng nhộn nhịp người ra kẻ vào, hoàn toàn trái ngược với xóm trên của bọn tôi. Anh là cháu trưởng tôn trong gia đình nên được cưng chìu lắm, lại không có em gái. Tôi nghĩ có thể đây là một trong những lý do mà anh trở thành ‘ nạn nhân dễ thương’ của đám tóc dài thắt bím thời ấy. Dãy phố ở xóm trên thì không rộng vườn, nhưng lại có nhiều tầng lầu nên sân thượng là sân chơi của bọn trẻ con. Mấy chiếc cổng sắt suốt ngày im ỉm đóng kín, trẻ con đi học thì đưa đón bởi người trong nhà. Chỉ có vào chiều tối cuối tuần, chiếc cổng nhà tôi mới mở ra, mở vô thường xuyên vì những người đến khám bịnh bởi ba tôi. Vậy mà chỉ vì một lý do vô cùng ‘cách mạng’ như trên đã đưa bọn tôi đến dưới sự điều hành của anh. Gương mặt anh xương xương, mắt màu nâu rất nhạt( đây là điểm ít thấy ở người Việt nam chính cống), cao ráo, trẻ trung, khi anh cười có chiếc răng khểnh. Khối chị học cùng trường với anh, không ít thì nhiều quen thân với anh rồi dần dà quen lây qua bọn tôi (muốn được lòng anh không nên quên mua chuộc đàn em là vậy!). Bọn tôi gồm 5, 6 đứa thân nhau hơn hết, lại toàn là chị lớn hoặc con gái một trong nhà. Chắc vì vậy mà bị bắt đi sinh hoạt với nhau rồi anh trở thành anh hai của một bầy con gái nhỏ xíu lại hành tỏi với anh không chút nhân nhượng. Lúc đầu chỉ là bị bắt đi họp, họp đều đặn mỗi tuần một lần để nghe ca ngợi “ Bác” của họ (chứ có là của mình hồi nào đâu!!!). Rồi thân nhau với đám em để bị “tụi mi lợi dụng và bốc lột thằng anh này đến trắng xác luôn!”. Nào là nhờ viết tựa báo dán tường, dạy bài toán không hiểu hay “chỉ tụi em làm cái ni cái kia nha”. Những buổi tối họp chi hội được nửa giờ là kiếm cách rủ anh đi chơi chổ khác, khổ cho anh là em út thì đông, lại không thích đi chơi lẻ tẻ nên chắc nhiều lúc anh sạch túi vì chè bánh cho bọn nhỏ! Tại anh có nhiều tài quá chi: học rất giỏi, chữ đẹp, ít la rầy bầy em. Hễ nhờ là sớm hay muộn, đứa nào cũng được chìu chút chút. Thỉnh thoảng nghe anh nói về quê, tưởng thiệt, không dè thấy anh cứ lâu lâu về quê và khi trở lại Sài gòn thì mặt mũi thường xuống sắc, mới biết ra anh tìm đường vượt biên. Nhưng đó là ‘bí mật dân sự’, không đứa em nào dám hỏi han nhiều vì sợ bị ‘gián điệp không lương’ đi tố cáo là mất anh, tan rã đám em sao. Mà nói đến đây lại nhớ thời đó lòng nghi ngờ của dân Sài gòn giống như con bệnh thời đại vậy, nó lan tràn nhanh chóng. Ai cũng sợ bị ‘chụp mũ’, bị bà tổ trưởng nằm vùng hạch họe. Nói là vậy chứ đừng tưởng anh hiền lành rồi đứa em nào muốn nói gì là nói nghen. Có lần hai nhỏ bạn cùng tôi đang đứng tíu tít với anh trước nhà nhỏ Khanh, bên kia nghe ong ỏng tiếng nhỏ Nga gọi em nàng về ăn trưa: -“Tân( anh cùng tên với em trai nàng ta mới chết chứ!) , mày về ăn cơm chưa, thằng quỷ!” Tôi vọt miệng: - Dễ sợ chưa, anh Tân cho phép nhỏ Nga coi thường quá ta! Người ta kêu kìa, dạ đi! Anh trừng mắt nhìn tôi, giọng lạnh chưa từng thấy: - Hỗn quá! - Em giỡn chứ bộ. Anh không thèm đếm xỉa tới câu bào chửa, tôi tức, leo lên yên xe đạp vừa nhón chân lên bàn đạp vừa để lại câu chào: - Thôi em về nghen. Mặc cho mấy nhỏ bạn kêu gọi. ** Bọn tôi đều biết anh để ý tới nhỏ Nga, đẹp và lớn tuổi nhứt đám. Mấy tên con trai đi sinh hoạt cùng, hay ngó nàng ta, nhưng chỉ có anh là được nàng đoái hoài tới mà thôi. Đương nhiên, bên cạnh anh thì đám húi cua của xóm chỉ là con nít. Còn bọn em tóc dài thì chưa đủ lớn như Nga nên biết thân phận ‘cá lòng tong bơi long rong giữa dòng nước’, ngoi đầu lên so sánh sao được với con “Ngỗng trời đang lột xác” của anh. Chắc nhờ biết yên phận vậy, nên bọn tôi luôn sống trong hòa bình tuy có lúc đứa này móc xỏ đứa kia vì chuyện vô duyên nào đó, mà với tuổi thơ thì nó to lớn, vĩ đại như cái thùng phi chứa nước mưa vậy. Anh thường than thở: “Mới là con gái, còn con nít trân mà đã nhốn nháo vậy rồi làm anh mệt quá! Mai mốt lớn lên chắc hết ai sống được với bọn mi.” - Cần chi anh, ba mẹ sinh bọn em ra để làm vui ‘thế giới tí hon ‘ của anh em mình mà! - Trời, không biết xấu mặt còn lý lẽ nữa sao. ** Bị rầy trước đám bạn vậy làm sao tôi chịu được nên giận và cốc thèm đi sinh hoạt. Chẳng màng tới chuyện gặp anh và bạn bè ở bất cứ nơi nào đến gần hai tuần. Sự ‘bế quan tỏa cảng’ này làm nhóm bạn mất vui hết cả mấy ngày. Tuổi nhỏ ham vui vẫn là chính, với lại tính tôi tuy hay dễ giận, nhưng quên còn mau hơn nữa nên lò dò đi họp lại nhưng không thèm chào anh một tiếng. Sáng hôm sau, anh mang đến cho tôi cái gói giấy trắng bóc, vuông vức và nói: - Anh làm đó, thấy hợp với mi nên anh ‘biếu không’ được không? Tôi hí hửng mừng thấy mồ, vì được vuốt giận một cách dễ thương, nhưng vẫn giả bộ: - Chưa thấy ai khó chịu như anh nha, em chọc chút chứ việc gì mà nạt em út dữ thần vậy. Vừa nói, tôi vừa mở gói quà và trời ơi, muốn phát khóc lên được: hai chiếc lá bồ đề chỉ còn lại phần xương lá và được tẩm màu tím rất nhạt. Bên tai tôi tiếng anh đều đều: - Dễ làm lắm, hôm nào mi qua nhà anh chỉ cho, nhưng phải biết kiên nhẫn và nhẹ tay. Thấy tính mi cứ như hỏa diệm sơn nên anh tặng mi cho ‘bồ đề tịnh’ chút đi đó. * Lá bồ đề khi ngâm nước nhiều ngày cho rã đi chất diệp lục, lúc ấy có mùi rất khó chịu, nhưng khi ta rửa lá thật nhẹ tay với bàn chảy đánh răng để chỉ còn lại chiếc lá toàn đường gân chi chích màu trắng ngà ta sẽ thấy lá đẹp một cách mong manh. Nhưng sự mong manh đó lại vô cùng bền bỉ, vì gân lá bồ đề rất dai. Sau đó thì tha hồ ngâm màu, cắt giấy hoa hình mình muốn để lên mặt lá rồi phảy mực thật đều. Chắc không ai quên được ‘nghệ thuật học trò ’ của một thời áo trắng… Nhờ anh tần mần tỉ mỉ chỉ dạy cho tôi trò chơi dễ thương ấy, mà sau này trong quyển vở học trò ghi chép đầy ắp những bài thơ tiền chiến sưu tập thời mới lớn của tôi có rất nhiều hoa phượng ép khô, kết thành cánh bướm và những chiếc lá bồ đề chen kẻ để trang trí. … Hai năm sau, anh bị kêu đi tập nghĩa vụ quân sự, bọn tôi đưa tiễn mà khóc như mưa tháng bảy vậy. Anh em hẹn hò thư từ, thăm viếng khi có điều kiện. Anh viết thư thường xuyên, kể cho bọn tôi nghe đủ thứ chuyện lạ trong quân trường thực tập đó. Một ngày cả nhóm tập họp lại rủ nhau đi thăm anh. Nhỏ Nga thì chuẩn bị kỹ lắm, nào quà cá nhân, đủ thứ hết. Khi lên tới tập trường của anh, bọn tôi cứ ngẩn ngơ trước một ông anh tóc ngắn cũn cỡn, da sạm đen, nét mặt thì mất hết vẻ sinh viên con nhà lành. Đứa nào cũng nói anh lạ hoắc, nhìn không ra. Bên cạnh anh có thêm một người lạ, anh giới thiệu đó là người bạn đồng đội mới của anh, rất hiền và không quên thêm câu:” Bọn mi đừng thấy bạn anh hiền rồi lấn áp như anh. Liệu hồn đó mấy cô nương!” Anh dặn là dặn, về sau người bạn anh cũng trở thành nạn nhân thứ hai của bầy con gái và cuối cùng anh ấy chìu bọn tôi còn hơn anh Tân nữa. Khổ nổi là vì anh S. cũng là con một trong gia đình. Thời gian sau, gia đình tôi vượt biên trước hết, kế đó đến gia đình nhỏ L. và cứ thế dần dần tản lạng khắp nơi nhóm bạn ngày xưa… Qua tới nước định cư, tôi và nhỏ L, vẫn còn nhận thư của hai ông anh với bao là dặn dò ráng học cho thành đạt, tương lai đang ở trước mắt, không được buồn, không được nhớ bên nhà, vậy mà cuối thư nào cũng có câu thình thoảng nhớ viết thư cho bọn anh, nhớ cái đám tóc dài ngày xưa quá vì không còn đứa nào làm giặc với bọn anh! Thời gian đưa đẩy, thư từ thưa dần đi rồi bặt tín, vô âm. Lâu lâu có thư của nhỏ Hà cho hay tin này, tin kia và một ngày hay tin hai anh lần lượt lập gia đình với người nào xa lạ lắm… Tháng rồi, tôi nhận được tin buồn. Người anh mà tôi có rất nhiều kỷ niệm và nhớ hoài đã mất, nghe đâu anh bịnh bất thình lình. Đã bao nhiêu năm tôi không còn thấy được những chiếc lá bồ đề ngoài đời. Đã bao nhiêu năm tôi tưởng đã quên khuấy thuở thiếu thời… Chỉ cần vài dòng nhắn gởi của bạn xưa mà bao kỷ niệm lại cuồn cuộn quay về, để tôi biết thương làm sao thời bọn tôi có Anh và tôi với Bồ đề lá. Nguyễn Mỹ Hạnh 22-10-2015
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.10.2015 06:26:45 bởi M.H. Nguyen >
Tôi đã đang ký vào d đ đó đã hơn một năm, nhưng không biết sao không vào được...., hình như họ khóa cửa lúc ấy thì phải?! Vẫn vào đọc bài thỉnh thoảng và chứng kiến các vụ choảng nhau đến phát sợ...., khoảng thời gian đó tôi tự nói: may là chưa mò vào chơi ! Tưởng đã yên, không ngờ lại xảy ra thêm lần nữa và lần này, tôi thất vọng thực sự và càng thấy mừng cho mình hơn: đã quyết định không vào đó!!! *
Châm biếm cũng có giới hạn. Chê bai, chỉ trích cũng có giới hạn. Đùa giỡn cùng có giới hạn. Lòng tự trọng và sự tôn trọng phải trên hết! Vậy mà có những lúc con người ta không còn biết đâu là giới hạn và bỏ mất tiêu lòng tự trọng và sự tôn trọng!
Có những nhân vật không quen đùa rồi bốc đồng lên đùa tôi thấy nó ' sượng trân', vậy mà cũng có người vào nhe răng cười và hùa theo! Kinh thật! Thôi, chẳng dính dáng chi tới bản thân... * Vụ khủng bố lần này thật là đáng ngại, đất nước mà tôi thương yêu ơi!!!
Vậy là nàng thơ vừa bị khủng bố từ trong, ra ngoài hén hihihi
Đúng là 1 việc đáng ngại cho mọi người trên đất nước Âu Châu
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.11.2015 20:19:29 bởi Ct.Ly >
Dạ, nó làm em mất thiện cảm với một số nhân vật nơi đó vậy thôi, mà thiện cảm đó em chỉ âm thầm giữ cho riêng mình. Có vài chuyện em sẽ kể sau, giờ em gởi trước ' lá Thu' để làm phông và mời chị ngó chơi nha...
.. MỹHạnh Tóc Nâu !
( ...
[
Je sais de qui, de quoi tu parles .
Tu avais raison !
đăng sơn.fr
.
Xin chào anh dangson.fr, N'est-ce pas ?! Je n'aime pas la foule, ni les attaques massives envers une seule personne!!! Sincèrement vôtre, M. H. Nguyen
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.11.2015 16:01:34 bởi M.H. Nguyen >
Chụp hoa nhân một ngày rất vui và kết thúc một khóa học Vậy là xong một khóa học, phải nói là lần này chương trình khá nặng ký với những vấn đề liên quan trực tiếp với xã hội và tâm lý nói chung. Khó hơn nữa là đối với những người tàn tật về thể xác hoặc tâm thần, nhưng tuyệt nhiên không đi sâu vào tâm lý như bộ môn tâm lý học! Sơ sơ thôi đã muốn ' điên' rồi! Những giờ học thú vị với các đề tài mà thường ngày ít ai nói tới, giả dụ như Tình dục và người tàn tật( haha ... có bạn đã đỏ mặt và không dám ngó tới cả ông thầy suốt cả buổi học! Có bạn thì đưa ra ngay câu: "Thời tuổi nhỏ của tôi, đây là đề tài cấm kỵ, nó chẳng có gì hay!") vân vân và vân vân.... Hoặc như nói về Sự giáo dục đối với trẻ em tàn tật từ khi chào đời, không đơn giản như ta nghĩ chút nào nhưng rất đáng để bàn luận khi liên quan tới khóa học! Những ngày căng thẳng với mấy bài rapports nộp cho thầy... Những giờ thư thái vui đùa với bạn cùng khóa học, như thuở ta còn ôm cặp ngày hai buổi tới trường Khi xưa ta bé vậy... Điều đáng nhớ nhứt là một cô bạn rất dễ thương, rất hiền, nhưng ôi thôi nàng là cả một trời "bi quan và tiêu cực", nàng hay bị tôi chọc ghẹo: " Nè, hôm nay cấm M-C cứ lôi chuyện cũ ra mà ta thán với mấy người thầy nha, không thôi cưng bị tôi phạt đó!", để rồi nàng 'vờ' ngoan' hứa hẹn:" Hứa mà, M-C không nói đến nổi khổ đau không bờ bến nữa đâu!" . Vậy đó, cứ ông thầy, bà cô nào ngây thơ vô tội đưa ra đề tài trúng tủ là 'bản tình ca thống khổ' lại được nàng tấu lên một cách bi thiết!!! Cả lớp dở khóc, dở cười vì nàng không ít! Ngoài ra tôi còn có những ngẫu nhiên trùng hợp vô cùng lý thú, nàng D. và tôi làm chung một hội đoàn từ lâu, thỉnh thoảng nhắn tin cho nhau không hơn , không kém. Năm rồi khi nói về ' tương lai gần nhứt' thì cả hai bật ngữa ra khi biết đều nộp đơn học một khóa mới, cùng trường, cùng thời điểm. Tháng 12 bắt đầu khóa học, trong lớp ai cũng té cười khi hai đứa kể về 'huyền thoại dây dưa với sợi duyên' của cả hai. Tháng giêng, bắt đầu nộp đơn cho hai lần thực tập, không hẹn hò, không biết mình được nhận ở đâu thì lúc nhận kết quả, cả hai lại thực tập cùng nơi, cùng giờ,... lạ thiệt đó!
Nàng D. rất dễ thương, lớn tuổi hơn tôi nên được tôi chiếu cố vô cùng tận, nàng có khu vườn nhỏ, năm rồi được con gái nàng tặng cho mẹ hai cô gà mái ( bên này, nhà ở gần phố thì đừng mơ tưởng tới việc nuôi gà trống, vì lý do an ninh cho mạng sống của bọn hắn í mừ, hơn hết là mấy chú gà trống ăn ở không rồi cứ sáng sớm, tối trời gáy inh trời lên, phá giấc ngủ của muôn dân!). Nàng D. rất thương yêu hai cô gà mơn mỡn lông xù, tôi được chiêm ngưỡng dung nhan mà thấy thích rồi. Bởi thế tôi hay nhắc nàng, khi tụi mình thi cử tốt đẹp xong thì ' vặn cổ' hai nường gà ấy làm tiệc đãi đi chứ! D. liếc xéo tôi kiểu như ' thách cưng đó, muốn đụng vào hai cô nàng đỏng đảnh của chị thì phải bước qua bức tường chông gai là chị đây cưng!'.
Ngoài ra D. còn có một chú mèo mắt xanh lá cây, ui chao là đẹp. Cách đây ba tuần không biết hắn ăn trúng cái chi mà phải bồng đi cấp cứu, D. đến trường với nỗi lo làm cả lớp nhao lên hỏi thăm mỗi lúc! Những chuyện cỏn con vậy, mà cả lớp lại bàn tán xôn xao, lắm khi tôi cứ tưởng như mình còn trong vòng tay nhà trường khi còn nhỏ vậy. Khác là giờ đa số đều có gia đình, con cái, trách nhiệm, bổn phận... Thế mới biết vui đùa thì ở tuổi nào cũng có, chỉ cần mình muốn hay không và nó đến một cách tự nhiên, không cố gượng!
Tuần cuối ôn bài thật là nhiêu khê, sao mà nó dài như đi hoài trên từng cây số..., mong đến ngày thi để xong phứt đi... Và hôm nay, đến phòng thi sớm gần một tiếng đồng hồ, lại chờ chực trước cửa phòng, hơn 350 thí sinh, mỗi đứa có một cái bàn nhỏ, trên bàn chỉ được quyền một cây thước, vài cây bút viết, cục gôm, thuốc tẩy mực, chai nước uống, thẻ căn cước, đề thi và giấy nháp được cung cấp riêng! Mỗi thí sinh có số riêng ở bàn mình ngồi, y chang như đi thi tú tài đang diễn ra tại Pháp... nhưng đây là khóa thi về chuyện môn! Mùa học đã xong Bài vở ơi, chào tạm biệt! Bạn bè ơi, chừng nào hội ngộ? * Hôm qua có việc đi ngang trường, chưa gì đã thấy nhớ rồi.... Viết như để lại một kỷ niệm đẹp ở khoảng thời gian nào đó cho bạn, cho mình... Ngày 17-06-2016 M. H. Nguyen
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.06.2016 05:10:18 bởi M.H. Nguyen >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: