Một thời để nhớ
Món Kỷ Niệm Mùa hè cuối năm lớp 6, lần đầu tiên tôi được đi ăn tiệm ăn Tàu ở Chợ lớn. Tôi không nhớ tiệm ăn tên gì, chỉ biết nó nằm bên cạnh khách sạn chúng tôi đang dừng chân. Buổi trưa cả nhà muốn ăn cơm, từ phòng khách sạn bước xuống lầu, tiệm có bàn ghế để ngoài sân. Nói sân cũng không đúng, đó là vỉa hè đúng hơn. Nền xi măng rộng, những bộ bàn ghế tròn có năm bảy ghế chung quanh. Trưa mùa hè Sài gòn lúc ấy nắng nhưng không nóng, ngồi ngoài vỉa hè còn có gió hây hây, mát mẻ. Tôi còn nhỏ không biết gì về chuyện chọn lựa món này món nọ, chỉ biết ăn khi thức ăn dọn lên bàn. Có món cá chiên, món canh, thêm vài món gì tôi không nhớ và món rau xào. Không hiểu tại sao tôi nhớ mãi món rau này. Đĩa rau cải bẹ trắng xào thịt bò còn bốc khói và thơm lừng mùi tiêu. Một món rau bình thường nhưng tôi thấy rất ngon. Lá cải xanh mướt, bẹ cải trắng ngần, những lát thịt bò mỏng xoăn lại lấm tấm hạt tiêu vương vãi trên mặt với mùi thơm và vị ngon ngọt khó tả. Đầu bếp nấu khéo, thịt bò mềm mại thấm gia vị, bẹ cải dòn nhưng đủ chín chứ không hăng và lá cải còn xanh chứ không héo vì quá lửa. Mấy mươi năm qua, tôi vẫn nhớ hoài món rau xào ấy và đó cũng là một trong những món rau thỉnh thoảng tôi nấu ở nhà. Có thể tôi thấy ngon và nhớ mãi vì bữa ăn ấy đi cùng với kỷ niệm của cả gia đình. Người ta thường nói, có những kỷ niệm và những món ăn gợi cho ta nhớ lại quá khứ - đẹp, vui, buồn - tùy mức độ cảm nhận của mỗi cá nhân. Mỗi lần ăn món rau xào này là một cảm giác khác nhau. Nấu ở nhà, có khi nêm nếm ngon vừa miệng, cũng có khi không được vừa ý. Khó có thể nói lần nào cũng nấu được như lần trước. Đi ăn ngoài, chưa bao giờ tôi gọi món cải bẹ trắng xào vì tôi không nghĩ rằng sẽ có lại được vị giác giống như ngày xưa. Chẳng thà đừng gọi, đừng thử để không bị thất vọng, để còn giữ mãi được cái ngon mình đã nếm. Từng chút một, ngăn kỷ niệm của tôi tràn ngập những gì nhớ mãi không quên. Nguyệt Hạ (Lt - TD) April 9, 2015
Ra Trường Trung Học Mùa hè đến. Năm nay tôi không còn tâm trạng chờ đợi như mọi khi vì đây là mùa hè cuối cùng của con ở trường trung học. Hơn nửa năm qua chuyện học của con chi phối tôi nhiều lắm. Từ chuyện cho con học lái xe đến chuyện chọn trường đại học và làm đơn từ này khác... Chưa kể nỗi lo lắng khi nghĩ đến chuyện con lái xe một mình và con sẽ đi học xa, không còn ngày hai buổi đi về, ăn uống học hành chuyện trò với bố mẹ hàng ngày... Mấy tháng qua, cả mẹ lẫn con đều mong ngày tháng chậm lại, nhưng ngày cuối cùng của năm học đã đến. Con học xong trung học... Con buồn vì phải xa rời tuổi thơ, mẹ không vui vì con sắp phải làm người lớn... Để chuẩn bị chuyện học của con sau khi hoàn thành trung học, từ năm trước, cả nhà phải đi thăm và tìm hiểu các trường đại học để con nạp đơn xin vào. Đó là khoảng thời gian dài và nhức đầu vì phải cân nhắc giữa các trường. Khi được nhận vào, lại thêm một lần suy nghĩ tới lui để chọn một trong các trường đó. Tôi băn khoăn, lo lắng khi nghĩ đến lúc con đi học xa nhà. Biết rằng hàng chục ngàn em học sinh cũng sẽ sống xa nhà như con mình, nhưng bản chất của người mẹ... lúc nào cũng lo và chuyện gì cũng lo... Chỉ còn vài tháng nữa, hình như tôi đã bắt đầu mất ngủ ... Nguyệt Hạ Jun 6, 2015
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.07.2015 12:04:39 bởi Nguyệt Hạ >
.
Ghé thăm và chúc mừng em .
Thằng bé đẹp và ngoan .
đs.
...
Cám ơn anh đs ghé lại nơi này và có lời khen. Nguyệt Hạ
U.S. midfielder Megan Rapinoe is fouled by Colombia defender Angela Clavijo
http://edition.cnn.com/2015/06/12/football/gallery/usa-highlights-womens-world-cup/
FIFA WOMEN WORLD CUP 2015
Khoảng thời gian này năm trước, tôi xem Men World Cup và bây giờ đang là Women World Cup. Mấy chục trận banh qua vòng loại rồi, hôm nay và ngày mai là bốn trận tứ kết, cũng gay cấn ấy chứ. Năm nay tôi không có thì giờ nhiều chỉ xem được vài trận banh vào cuối tuần, hay buổi tối xem lại nếu trong máy có thâu.
Chiều nay, đội banh nữ của Mỹ sẽ gặp đội banh China. Tôi không muốn gọi họ là đội banh Trung cộng, hay đội banh Tàu, dù khi nói vẫn quen miệng gọi là Tàu. Hôm trước loáng thoáng nghe rằng đội China hên lắm khi lọt vào vòng trong. Trên các web sites có nhiều bài bàn cãi và đoán xa đoán gần đội nào sẽ thắng. Dĩ nhiên, nhà nghề nên họ thâu thập đủ các dữ kiện và số liệu để có những dự đoán.
Tôi nhớ lại trận đấu giữa Mỹ và Columbia. Vài ngày trước khi ra quân, cô nhỏ Lady Andrade của đội Columbia lên tiếng với báo chí là sẽ hạ đội Mỹ lần này. Đọc các bài viết nhắc nhở lời cô nhỏ đó tôi thấy buồn cười. Mình là đội banh hạng thấp, mới lên mà dám tuyên bố những câu như vậy. Không hiểu các cô cầu thủ Mỹ có bị nao núng tinh thần khi nghe cô kia hăm dọa không, mà trong trận banh không làm chủ tình hình và không tự tin chút nào. Nếu Catalina Perez thủ môn không bị thẻ đỏ và bị ra khỏi sân, không hiểu đội Mỹ có làm được trái nào? Alex Morgan làm một trái cũng nhờ may mắn dội vào tay thủ môn văng vào gôn chứ không phải đá thẳng vào. Trái thứ hai nhờ phạt đền. Như vậy, ngoài trình độ dành, dẫn và suýt banh, còn phải kể đến may mắn nữa. Cuối cùng đây cũng là một bài học cho đội banh nữ Columbia, thắng đội banh nữ của Pháp, chưa hẵn lên được nhất nhì. Tôi có cảm tình khi xem các cô gái Columbia chơi banh, nhất là trong trận gặp Mexico, nhưng sau khi nghe Andreda tuyên bố như vậy, và xem cách chơi xấu của các cô áo vàng, mọi thiện ý đối với đội banh đó tiêu tan.
Trận banh giữa Anh và Canada cũng có thể có chuyện lạ, vì nước chủ nhà thường được ưu tiên, giống như trận đầu ra quân, Canada cũng được ơn huệ của trọng tài.
Chiều hôm nay, trận banh hay đối với tôi là Đức gặp Pháp. Dĩ nhiên các cô Đức đá hay hơn nhưng biết đâu các cô Pháp sẽ làm chuyện bất ngờ. Trận Mỹ gặp China, Mỹ trên chân nhưng chưa biết được. China đang là chủ nợ của Mỹ nên có thể tình thế sẽ ngược lại. Để xem sao.
Nguyệt Hạ
(Lt - TD)
Jun 26, 2015
Jessica Samuelsson of Sweden warms up prior to the FIFA Women’s World Cup Canada 2015 Group D match between Sweden and Nigeria at Winnipeg Stadium on June 8, 2015 in Winnipeg, Canada. (Photo by Kevin C. Cox/Getty Images) THÊM CHUYỆN FIFA WOMEN WORLD CUP Chiều nay, hai đội banh nữ Mỹ và Đức gặp nhau. Hai đội banh nhất nhì thế giới, rất tiếc không được đấu ở chung kết mà lại đối đầu ở bán kết. Và như vậy sẽ có một đội không còn hy vọng giữ ngôi hạng nhất hay nhì nữa. Từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng khi chia các đội banh vào từng nhóm, người ta bốc thăm để có sự công bằng vô tư cho đồng đều. Nhưng tôi đã nhầm. Cái gọi là FIFA - chữ tắt của Fédération Internationale de Football Association - đã xếp hạng cao thấp cho các đội banh và chia họ thành từng bảng khi làm chương trình cho giải Women World Cup. Tất cả các việc phân ngôi thứ và chia bảng, cũng như lựa sân cho các trận banh của FIFA không ngoài mục đích câu khách đi xem, bán vé được nhiều và người xem TV đạt mức tối đa. Tôi đọc được vài bài viết nói về vấn đề này ở đây: SI's article Và như thế, trong giải Women World Cup, FIFA đã chọn các đội hay cho gặp nhau, không phải chỉ đơn thuần để các cô tranh tài cao thấp mà chính là phục vụ cho mục đích thâu lợi nhuận một cách tối đa của liên đoàn bóng tròn thế giới. Các trận banh càng gay cấn, FIFA thâu vào càng nhiều. Chiều hôm nay, Mỹ và Đức gặp nhau. Các cô cầu thủ Mỹ đã vượt qua bảng tử thần, đương đầu với các đội mạnh. Đội banh Đức chỉ gặp trở ngại khi đấu với Pháp, mấy trận trước đó quá dễ dàng. Khó đoán được mèo nào cắn mỉu nào vì bên tám bên mười. Nếu đá như Đức với Pháp thì bên nào hên, bên đó đi vào chung kết. Có ít nhất ba điều không công bằng khi nói đến FIFA Men World Cup và FIFA Women World Cup. Thứ nhất: các cầu thủ nữ không được lãnh lương nhiều như cầu thủ nam. Số tiền các cô kiếm được chỉ khoảng 1% - 3% so với tiền của đội banh nam. (Germany lãnh 35 triệu đô khi đoạt giải vô địch World Cup Brazil, Japan khi đoạt giải vô địch Women World Cup 2011 chỉ lãnh được 1 triệu đô). Đọc thêm ở đây. Thứ hai: chia bảng trong chương trình chơi, FIFA không chia nhóm các đội banh nam như đã làm với các đội banh nữ. Thứ ba: cỏ giả và cỏ thật. Bắt đầu giải Women World Cup này, tôi đọc thấy FIFA không công bằng với chuyện cỏ giả. Các cô nữ cầu thủ đặt câu hỏi, tại sao FIFA Men World Cup chơi trên sân cỏ thật mà FIFA Women World Cup lại phải chơi trên sân cỏ giả? Thêm một chi tiết nữa, FIFA xếp cho hai đội banh đấu với nhau ở cùng một khách sạn. Các nữ cầu thủ đã rất khó chịu khi ra vào khách sạn cứ phải chạm mặt đối phương. Tối hôm qua, đội banh Mỹ và Đức đã ở cùng một nơi, và các trận trước của các đội banh cũng vậy. Đội banh Đức ở cùng chỗ với Pháp, với Sweden... Đội banh Mỹ ở cùng nơi với đội Australia, vv... Họ đã ở trong những tình trạng khó xử khi một bên thắng một bên thua mà ra vào thang máy hay phòng ăn cứ đụng mặt nhau. Chẳng hiểu các quan chức FIFA nghĩ gì? Ở bất cứ thời đại nào, trên bất kỳ phương diện nào, chuyện trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại. Lần này mấy vị lãnh đạo của FIFA đi tù, không hiểu có gì thay đổi cho tốt hơn đối với các đội banh nữ? Nguyệt Hạ (Lt - TD) Jun 30, 2015
MacDung dùng lời một người bạn gọi là an... với ủi Nguyệt Hạ nhé: Thời đại ngày nay nếu có một phụ nữ vấp ngã, lập tức có nhiều bàn tay nâng lên dịu dàng. Còn khi một người đàn ông ngã xuống, người ta sẽ đạp lên để đi qua... Sau đó họ còn lùi lại để tiếp tục giẫm lên không biết... lần thứ mấy nữa đó... hihihi....
Thân!
NẠN NHÂN CỦA CÂU NÓI
macdung
MacDung dùng lời một người bạn gọi là an... với ủi Nguyệt Hạ nhé: Thời đại ngày nay nếu có một phụ nữ vấp ngã, lập tức có nhiều bàn tay nâng lên dịu dàng. Còn khi một người đàn ông ngã xuống, người ta sẽ đạp lên để đi qua... Sau đó họ còn lùi lại để tiếp tục giẫm lên không biết... lần thứ mấy nữa đó... hihihi....
Thân!
NẠN NHÂN CỦA CÂU NÓI
Cám ơn anh MacDung ghé lại đây. Anh không thấy ở Mỹ người ta đang ăn mừng luật mới, công nhận hôn nhân giữa người đồng tính đó sao? Thời này, ra đường một chàng đàn ông ngã xuống, có thể mấy chục chàng đàn ông khác chạy lại nâng lên đó chứ... Đàn bà ngã xuống có thể có đàn bà khác nâng, chưa chắc đã có đàn ông khác nâng lên đâu anh ạ... Thế thời thay đổi thời phải thế thôi.
Thân mến, Nguyệt Hạ
15 năm sau,
Mẹ đứng trên bục, nhưng vẫn khg cao bằng con hihihi
Chắc nhờ mẹ nuôi khéo và mát tay đó nha hihih
Năm nay cháu mình ở Cali cũg vừa gửi hình ngày cháu thu thập được thành quả tốt đẹp như con của NH vậy
Cho mình chúc mừng cho cháu và chia vui cùng NH nha
Lúc này hè mà mình lu bu quá, nên trả lời chậm trể,
đừng phiền mình nha
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.07.2015 01:54:57 bởi Ct.Ly >
Chị Ly thương, Cháu cám ơn Tata Ly nhiều lắm. Em thấy hồi mình đi học, xong lớp 12 có ai chúc mừng hay khen tặng gì đâu mà bây giờ tụi nhỏ lại được trầm trồ. Thời của mình thiệt thòi quá. Em chọn tấm hình để thấy con cao hơn mẹ nhiều dù hình xấu, mà thôi, ở đây con là nhân vật chính. Bây giờ đi chung, con là bodyguard cho mẹ
Vậy em cũng chúc mừng cháu chị Ly nha, xong 12 năm đèn sách, bố mẹ cháu chắc cũng vất vả nhiều. Chúc chị khỏe trong mùa hè này, đi chơi đâu nhớ cho em xem hình. Thương, NH
quatorze juillet Hôm nay một ngày vui, tôi nhận được thư anh kèm tấm hình này, "I'm writing to you from Paris, sending you a picture of the Paris' most beautiful and most romantic bridge: Alexander III, do you remember?" Cám ơn anh đã gửi tấm hình. Dĩ nhiên tôi nhớ... Đúng ngày này năm đó, chúng tôi cùng nhau đi trên chiếc cầu này và sau đó lên phà trên giòng sông Seine và đi ngang dưới chiếc cầu. Rất nhiều hình được chụp, rất nhiều câu chuyện được kể... Đó là một chuyến đi vui và nhiều thứ để nhớ hoài. Từ nhỏ đến giờ, tôi luôn nhớ ngày quatorze juillet của Pháp, lúc nhỏ chưa có biết gì, chỉ qua sách vở... Và đi chơi đến tận nơi, bây giờ thành một nơi chốn có nhiều kỷ niệm. Hứa hẹn sẽ trở lại, nhất định sẽ gặp lại anh và dành nhiều thời giờ với anh hơn. Mong sao sẽ thực hiện được ý định này trong tương lai. Nguyệt Hạ July 14, 2015
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.07.2015 12:36:13 bởi Nguyệt Hạ >
THAY ĐỔI ... Hôm nay ngày cuối cùng mở cửa (cho mùa hè này) của hồ bơi gần nhà. Hai mẹ con đi bơi mà nao nao buồn. Nơi này, khi con vừa lên ba tôi bắt đầu mang con ra học bơi. Mùa hè nào cũng vậy, năm ngày một tuần, đều đặn, các em học bơi từ lúc chưa biết gì, hết lớp này sang lớp nọ, cho đến khi không còn lớp để học nữa. Từ đó hai mẹ con mua vé đi bơi, không bỏ sót mùa hè nào, và nếu không đi đâu xa nhà, cũng không bỏ sót một ngày bơi nào. Thấm thoát đã hơn 15 năm mẹ con tôi gắn bó với hồ bơi này. Bắt đầu năm học mới, con sẽ thành người lớn, có chắc gì mùa hè sang năm con có giờ để đi bơi nữa, hay là phải đi làm đâu đó? Dù có thể trở lại đi bơi thì lúc đó cũng khác rồi, không còn tâm trạng như mấy năm qua. Tự nhiên thôi, con học xong bậc trung học, con thành người lớn... Đối với tôi, hôm nay thật sự kết thúc khoảng đời học sinh của con. Lên đại học, cũng là đi học nhưng mọi thứ sẽ khác. Khi mới có con, những bà mẹ chung quanh cho tôi một lời khuyên, hãy tận hưởng những giây phút với con trẻ, vì thời gian trôi nhanh, con sẽ lớn lên trước khi mình nhận biết. Thật đúng vậy, mười mấy năm qua, nhưng tôi vẫn thấy như mới ngày nào. Lúc mới sinh, lúc chập chững, lúc bập bẹ, đi, chạy, qua khoảng tiểu học, và bây giờ xong khoảng trung học. Hình như cả mẹ lẫn con đang bước vào một khoảng mới trong cuộc đời. Nguyệt Hạ Aug 14, 2015
FIRENZE Đến Firenze ngày mưa hình chụp mờ mịt sương khói thế này
Hôm nay tự dưng nhớ đến Firenze. Thành phố nổi tiếng về đủ các thứ văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực, vv và vv. Tôi chưa có dịp đi thăm nhiều các nơi đó, chỉ đến một thời gian ngắn nhưng đã không muốn rời. Tôi yêu mến thành phố này và mong muốn được trở lại. Đến Firenze, cảnh vật rất đẹp, nơi tôi trọ có giòng sông Arno, nước trôi lặng lờ, với cây cầu Ponte Vecchio. Mỗi lần đi trên cây cầu là một lần thấy cảnh vật chung quanh đổi khác và tâm trạng mình cũng khác. Từ những luồng ánh sáng thay đổi theo từng khoảnh khắc trong ngày, đến những sinh hoạt chung quanh, cộng thêm tiếng động từ xe, từ người, tất cả kết lại thành một cái hỗn hợp lạ lùng, tôi không biết dùng chữ gì để diễn tả. Giòng sông này không cho tôi cảm giác lãng mạn nhưng xa lạ như khi đi trên giòng sông Seine, cũng không cho tôi cảm giác thơ mộng thân quen như giòng sông Hương.Tôi chỉ biết rằng, từ cửa sổ phòng trọ nhìn xuống giòng sông, hay đi trên cây cầu, lúc nào cũng thấy tâm hồn yên ả và càng lúc càng "in love" với nơi chốn ấy. Chỉ vậy thôi, tôi nhớ hoài và trong tôi có ý muốn trở lại. Tôi đến Firenze ngày mưa tầm tả. Đúng ra những ngày sau cũng mưa, những trận mưa như trút khoảng một giờ rồi tạnh, rồi lại mưa, rồi lại ngưng. Người ta bán dù khắp các ngã đường, những chiếc dù có lẽ made in china, dùng che được một trận mưa, có gió lớn là gãy. Khi mưa, mọi người trú dưới hàng hiên các tiệm quán, mưa vừa hơi nhỏ hạt người ta lại úa ra đi qua đi lại các nơi... Tôi đi trong đám đông ấy với mọi người, cũng mua dù, cũng trú mưa và cũng bị ướt... Tóc ướt, áo ướt, giày ướt... Và lội bộ đi qua cây cầu để về phòng... Đi dưới mưa, cảm giác từ ngày còn đi học ở quê nhà trở lại. Bị ướt không sao, tôi vẫn thích cảm giác nước mưa tạt vào mặt mũi, giọt nước mưa nhỏ xuống từ những sợi tóc ướt nhìn thích lắm. Lớn rồi, có ai cho mình đi dưới mưa như ngày còn nhỏ, nên bây giờ lợi dụng cảnh bị mắc mưa bất ngờ, trong lòng mong sao trời cứ mưa mãi...
Giòng sông Arno ngày mưa ...
Tôi cũng mong muốn passport của mình đóng dấu Florence như ước mong của Lucy (trong phim While You Were Sleeping). Cô đã được toại nguyện khi đi honeymoon. Thắc mắc hoài, passport của tôi chỉ có một con dấu ở London, dù tôi đi qua nhiều nơi khác. Tôi không biết tại sao, chỉ biết rằng tôi đã đi và tôi đã đến nơi tôi muốn, Mỗi lần nhắc đến Florence, tôi lại nhớ, tôi không có con dấu hình tròn hay vuông hay chữ nhật đóng trong passport ghi dấu những nơi tôi đi qua. Và tôi sẽ có cớ để đi lại một lần nữa, hay nhiều lần, cho đến khi nào có con dấu trong passport của tôi.
Đôi khi tôi có những cái silly như vậy ...
Nguyệt Hạ
Aug 18, 2015
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.08.2015 09:11:41 bởi Nguyệt Hạ >
Chuyện Xưa Ở Phố Biển Hơn hai phần ba cuộc đời, chị luôn cảm thầy có điều vương vấn trong tâm. Chị mãi tìm kiếm một cái gì đó không rõ rệt, không biết nguồn gốc từ đâu và bắt đầu như thế nào... Nhiều ngày, nhiều đêm, chị quanh quẩn với nỗi niềm riêng tư, như một đợi chờ vô vọng ... Chính chị cũng không biết mình đang trông mong chuyện gì? Chỉ biết trong lòng không yên, lúc nào chị cũng mong mỏi một chuyện gì sắp đến, sẽ đến. Đời sống vật chất chị tạm cho là đầy đủ không phải lo toan nhiều. Đời sống tinh thần chị thấy mình thiếu thốn, mà không biết thiếu gì? Chị không vui, có vui cũng là gượng gạo. Mọi người cho rằng chị hạnh phúc, ừ thì hạnh phúc tạm bợ. Vậy rồi trong nhiều đêm không ngủ, lần theo từng ý nghĩ, bắt đầu từ thuở xa xưa, chị tìm ra đầu mối chuyện mình thắc mắc mấy mươi năm nay. Từ cái tên trong quá khứ nhưng vẫn hiển hiện quanh đời sống hàng ngày, từ hình ảnh của một người dù đã quá xưa nhưng vẫn thấp thoáng đâu đó trong đời. Đó là chuyện xảy ra ở phố biển. Chuyện của người với cái tên có sự trùng hợp đến lạ lùng ... Một cái tên không có gì đặc biệt, người cũng không có gì vượt trội, đặc sắc so với người khác, nhưng đã để lại dấu ấn thật sâu trong tâm hồn chị. Dáng người cao ráo, cân đối, thường xuyên áo bỏ trong quần, giày vớ tươm tất, chị thích nhất khi anh mang áo xanh nhạt, màu chị yêu thích và jean xanh. Đẹp lắm, đàng hoàng lắm. Tóc người cắt ngắn gọn gàng. Nét mặt không gọi là đẹp trai nhưng cũng không thể nói là xấu trai. Ánh mắt hiền, đặc biệt nhất là màu mắt xanh lơ của anh. Giọng nói miền nam ngọt ngào nhưng không lả lơi. Anh ít nói nhưng chị nghe và muốn nghe thêm. Bên anh, chị luôn có cảm giác được chở che bao bọc. Anh lo lắng cho chị từng chi tiết nhỏ dù không nói ra... Anh có cùng sở thích với chị, từ phim ảnh, sách vở, màu sắc đến nơi chốn đi chơi, món ăn..., từ quán chè quen thuộc trên phố đến xe cóc ngâm, khô mực nướng tương ớt trên bờ biển ... Những lần ra đảo chơi, hay tập trung bạn bè ăn uống, anh đều lo chu đáo từng thứ cho mọi người. Con đường từ nhà ra biển ngắn lắm, bóng cây che rợp lòng đường với những giọt nắng nhảy múa xen kẽ trong lá. Đi đâu với nhau, anh luôn nắm tay chị, chị chỉ mong con đường dài thêm. Dạo biển, khi chạy chân trần trên cát ẩm, sóng biển đánh tràn vào bờ tung bọt trắng xoá, khi ngồi dưới những tàn cây, gió mát từ ngoài khơi mang theo hơi nước, lao xao cây lá trên bờ, làm tóc chị loà xoà trên mặt, để anh phải đưa tay vuốt tóc chị nhiều lần. Không nghe anh nói nhiều nhưng chỉ cần như thế, chị thấy thật bình yên. Buổi chiều tan sở, anh luôn đến đón chị trước năm, mười phút nếu không đi công tác xa. Anh giúp chị khóa cửa sắt, cẩn thật xem lại cửa ngõ trước khi rời chỗ làm. Anh làm cho đường sắt, mỗi tuần phải theo tàu một hai ngày. Những ngày đó, chị đi về một mình, cảm thấy nhớ nhung và trống vắng. Sáng chiều chị cũng ra biển, để nhìn ra khơi và tưởng tượng đến giờ phút bên anh. Khoảng thời gian thật đẹp. Không ai hứa hẹn nhau điều gì, không ai nói ra chữ yêu, chữ thương. Hình như cử chỉ chăm sóc đủ để chị tự hiểu tình anh đối với mình. Đời con gái, chỉ mong một nơi nương tựa và chị đang tìm thấy ... Vậy đó... rồi tự nhiên không còn gặp nhau được nữa, tự nhiên xa không có dịp nói với nhau lời nào. Nhiều năm sau, chị nghe kể lại, thời đó, anh đi tìm chị nhiều nơi, anh đến nhà bà con xa gần hỏi thăm tin chị... Tiếc rằng, chị không có cách nào liên lạc với anh. Bốn mươi năm qua, chị có dịp ra biển nhiều hơn. Nhìn biển, dạo biển, cũng chân trần trên cát ẩm, cũng bọt biển trắng xoá, cũng gió mát đong đưa cành lá ... nhưng không còn ai vuốt tóc loà xoà trước mặt chị nữa. Biển muôn đời vẫn xanh, sóng ngàn năm vẫn trắng, chị vẫn có ý tìm kiếm tin anh, không biết anh giờ này ra sao? nếu không có gì xảy ra, chuyện thường tình là anh có gia đình vợ con rồi. Chị chỉ muốn biết anh có bình an ... Chị không có ý liên lạc hay tìm gặp anh làm gì. Biết để yên lòng. Vậy thôi. Chị giữ cho mình lời cám ơn tình anh một thời mới lớn, anh cho chị hiểu được thế nào là tình yêu trọn vẹn, là chở che, là săn sóc, là quan tâm đến người khác. Chị tin rằng, vợ anh là một người hạnh phúc. Nguyệt Hạ Tháng tám 2015
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.08.2015 03:21:54 bởi Nguyệt Hạ >
Chuyện Xưa Ở Phố Biển
Đã mang vào thư viện
Chúc nàng luôn vui
Công tử hào hoa
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu: