VÀI ĐIỀU VỀ LƯƠNG TÂM (Xin trao đổi với nhà thơ Dương Thuấn)
tahuudinhqn 13.12.2011 10:41:43 (permalink)
VÀI ĐIỀU VỀ LƯƠNG TÂM
(Xin trao đổi với nhà thơ Dương Thuấn)
 
Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
 
Về vụ tập đoàn Vinashin làm thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng của nhà nước,  báo Văn nghệ số 46, ngày 13/11/2010 đăng bài: “Ai có lương tâm hãy lên tiếng” của nhà thơ Dương Thuấn.
Vâng, đúng là rất nên như vậy. Mà người có lương tâm ở nước ta hiện nay, mặc dù đạo đức đang có phần xuống cấp, nhưng vẫn còn rất nhiều. Từ trong các cơ quan đảng và nhà nước, đến ngoài dân chúng, từ thành thị đến nông tnôn, từ miền xuôi đến miền ngược, ở đâu đâu cũng có. Và vì có lương tâm, cho nên họ đã và đang rất muốn được “lên tiếng”, chẳng riêng gì về vụ Vinashin, mà còn nhiều vụ khác nữa,…Nhưng lên tiếng bằng cách nào, thưa ông Dương Thuấn ?
Ông là nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội có riêng một tờ báo để đăng bài cho các hội viên. Cho nên cái sự “lên tiếng” của ông được báo đăng ngay. Còn hàng triệu người dân thường, nếu họ cũng “lên tiếng”, thì liệu có tờ báo nào đăng cho họ không ?
Ở nước ta, tuy có hàng trăm tờ báo, từ trung ương đến các địa phương. Cơ quan đoàn thể nào cũng có báo, hoặc chí. Và tờ báo nào cũng mệnh danh là cơ quan ngôn luận của giới nọ, đoàn thể kia. Nhưng từ ông (hay bà) Tổng biên tập, đến các phóng viên, nhân viên tạp vụ đều ở trong biên chế và được hưởng lương của nhà nước. Cho nên họ phải viết theo sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước.
Tuy cũng có một vài trường hợp, ông nhà báo A, nhà báo B bị kỷ luật. Vì…”viết sai sự thật!”. Nhưng rất hi hữu, vì bài viết không chỉ “được” kiểm duyệt trước khi in. Mà sau khi in còn “hậu kiểm” nữa. Cho nên mới có những số báo, hoặc  quyển sách đã in xong rồi, thậm chí đã phát hành rồi, nhưng vẫn bị thu hồi về nghiền ra thành bột để tái chế giấy viết.
Nếu tôi đoán không nhầm, thì ngay cả chính ông, mỗi khi cầm bút viết, cũng không tránh khỏi cái cảm giác nơm nớp lo âu bài của mình sẽ bị kiểm duyệt. Cho nên chữ nghĩa phải mềm mỏng, khéo léo, không dám thẳng tay vạch mặt chỉ tên bọn tham nhũng, ăn cắp ở tập đoàn Vinashin, mà phải viết tránh đi là “làm thất thoát”. Thất thoát là mất đi, và cái sự mất đi ấy có thể là do rủi ro, làm ăn thua lỗ, chứ không hẳn là bị bọn quan tham đánh cắp.
Và đối với những tên thủ phạm trực tiếp gây ra sự “thất thoát” ấy, ông cũng không dám thẳng thắn yêu cầu nhà nước đưa bọn chúng ra Tòa xét sử, mà chỉ yêu cầu: “…phải xử lý nghiêm để làm gương”. Ôi chao! Biết bao nhiêu cái bảo “nghiêm” mà chẳng hề “nghiêm”.
Và đây, kết quả của cái sự “nghiêm” ấy là: Vừa qua, tại kỳ họp cuối cùng (tháng 3-2011) của Quốc hội Khoá 12, Thủ tướng chính phủ đọc báo cáo đã cho Quốc hội và nhân dân cả nước biết rằng: Bộ chính trị đã quyết định không kỷ luật tập đoàn Vinashin.
 
Thưa nhà thơ Dương Thuấn, ông là nhà thơ có chữ nghĩa và vị thế hơn hẳn những người dân thường. Thế mà khi bày tỏ quan điểm của mình về một vấn nạn của đất nước, ông còn phải đắn đo, nhìn trước ngó sau như vậy. Thì hàng triệu người dân vô danh, dù có thừa lương tâm, cũng không thể “lên tiếng” như ông được.
Còn nếu bảo ta là một nước dân chủ, người dân được quyền tự do ngôn luận. Nếu ngại viết báo khó được đăng, thì có thể viết thư lên Quộc hội, lên Chính phủ, hay Chủ tịch nước để bày tỏ quan điểm của mình, cũng đều được cả. Vâng đúng là như vậy. Nhưng xin ông hãy nhìn lại vụ Bốxit Tây Nguyên, hay việc mở rộng thủ đô Hà Nội xem. Có biết bao ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các giáo sư tiến sĩ, và đơn thư ý kiến của các vị lão thành cách mạng, các vị tướng lĩnh đã từng đánh đông dẹp bắc, vào sinh ra tử, thương tích đầy mình,, huân chương đầy ngực, cũng chẳng có tác dụng gì. Cuối cùng thì Bốxit vẵn được khai thác, và thủ đô Hà Nội vẫn được mở rộng đến cả mấy bản, làng người dân tộc thiểu số của tỉnh Hoà Bình..
Thôi! “Mũ ni che tai”. Im lặng là vàng. Giả câm giả điếc là bạc. Trông thấy thằng ăn cắp móc túi người lương thiện thì nhắm mắt lại, hay ngoảnh mặt đi, mặc cha nó. Chịu mang cái tiếng là người không có “lương tâm”, hay “vô cảm”, còn hơn là hô hoán lên, rồi nó đón đường nó rạch mặt cho. Ai bênh?..
Thái độ đó tuy không phải là hay, nhưng trong bối cảnh hiện nay, thì đó là một cách phòng thân hữu hiệu nhất của người dân thường.
Ngoài ông ra, Hội Nhà văn Việt Nam còn gần một nghìn hội viên nữa, chưa thấy họ “lên tiếng”, hoặc họ sẽ không “lên tiếng”, nhưng như vậy đâu phải là vì họ không có “lương tâm”, thưa nhà thơ Dương Thuấn./.
 
                                                               Uông Bí, ngày 23/11/2010
                                                                       Sửa, ngày 6/5/2011    
                                                                                T-H-Đ
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9