Bánh cóng, loại bánh lạ từ cái tên Sài Gòn có rất nhiều điểm bán bánh cóng, gắn liền với tên của nhiều địa phương ở miền Tây Nam bộ như bánh cóng Bạc Liêu, bánh cóng Cà Mau, bánh cóng Sóc Trăng… Cách làm bánh cóng ở mỗi nơi có một nét đặc trưng riêng, độc đáo được nhiều người ưa chuộng.
Những chiếc cóng để đổ bánh.
Cái tên bánh cóng không biết ai đã đặt cho loại bánh này, nhưng đơn giản khi nhìn thấy người ta đổ bánh, bạn sẽ tìm được câu trả lời. Bánh được đổ trong chiếc cóng có dạng giống chiếc ca nhôm nhỏ, gắn với tay cầm để tiện lợi cho việc đổ bột vào.
Cái tên "bánh cóng" gợi cho người ta một cảm nhận lạnh giá, nhưng khi ăn vào thì hoàn toàn ngược lại, bởi bánh rất nóng và giòn. Bánh cóng có nét rất quen thuộc như những món dân dã khác như bánh xèo, bánh khọt, bánh cuốn… và nguyên liệu làm nên bánh cóng cũng khá đơn giản gồm: bột gạo, thịt xay nhuyễn trộn hành và gia vị cho vừa ăn, tôm tươi, đậu xanh đã được luộc chín…
Người bán đổ một lớp bột dước đáy cóng, sau đó phủ thêm một lớp đậu xanh đã luộc chín, thịt xay nhuyễn, tôm tươi, sau đó tiếp tục đổ một lớp bột gạo lên trên. Nhúng bánh vào chảo dầu thật sôi, chờ cho bánh chín rồi treo trên vỉ sắt cho ráo dầu, sau đó lấy bánh ra.
Chị Bích Trâm, chủ quán bánh cóng Cà Mau trên đường Lê Đại Hành (quận 11), chia sẻ: "Phải thật nhanh tay và khéo léo khi đổ bánh cóng, bởi bạn phải luôn tay múc bột đổ vào cóng, rán bánh vàng, rồi vớt ra".
Bánh cóng ăn kèm rau xà lách, rau thơm các loại, chấm với nước mắm chua cay ngọt, kết hợp một chút đồ chua làm từ củ cải đỏ và trắng. Mỗi chiếc bánh chỉ nhỏ gọn trong lòng bàn tay, tuy nhiên ăn khoảng 3 cái là bạn đã cảm thấy no bụng rồi. Giá mỗi cái bánh cóng 6.000 - 8.000 đồng. Bánh được bán vào đầu giờ chiều cho đến tối. Ở Sài Gòn, món bánh cóng được bán trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), Lê Đại Hành (quận 11), Lê Văn Sĩ (quận 3)…
Nguyên liệu làm nhân bánh.
Sau lớp bột ở đáy cóng có lớp đậu xanh, thịt, tôm rồi tới lớp bột gạo.
Bánh để ráo mỡ trước khi ăn.
Bánh ăn kèm với rau hoặc có thể ăn kiểu cuốn bằng rau xà lách.
Thư Kỳ