Hai người bạn Roswitha và Henrichs
Huyền Băng 21.09.2005 18:13:53 (permalink)
      Roswitha và Henrichs,

      Hai người bạn Đức mà tôi rất yêu mến. Đã lâu rồi tôi không còn liên lạc với hai bạn, hai bạn bây giờ đang ở đâu? Hạnh phúc chứ ? Những lá thư mà hai bạn gởi cho tôi, tôi vẫn còn giữ và những lời “we ‘ll nerver forget you all . . hoặc “It’s deep in my heart and nobody can take it out“ của Roswitha .

      Henrichs là một người thầy của tôi, mà cũng là một người bạn. Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp Henrich trong văn phòng, tôi như muốn té xỉu, Henrichs quá to so với người Việt Nam bé nhỏ như tôi. Henrichs có một mái tóc xoăn do uốn, và đôi mắt trong xanh. Ông ta đã hướng dẫn tôi trong nghề nghiệp. Thọat đầu tôi không thể thân thiện với ông ta, vì ông ta rất nóng tính, đã vậy khi nóng thì không nói tiếng Anh mà chỉ sổ những tràng tiếng Đức làm tôi thấy bực mình. Tự ái dân tộc lên ngùn ngụt, tôi đã viết một trang kiến nghị cho ông ta với những lời lẻ bất cần đời, mặc dù lúc đó chúng tôi rất cần việc làm nhất là những việc làm tốt như ở đó. “Không đánh nhau không trở thành bằng hữu”, đó là câu nói trong phim chuyện Hồng Kông. Nhưng cũng chính câu nói đó ứng dụng với tôi trong những ngày đó. Chúng tôi bắt đầu hiểu nhau hơn và thân thiện với nhau hơn. Henrichs từ tốn hơn, không nói những câu tiếng Đức khi giận dỗi nữa. Ông ta rất thích Việt Nam, và muốn chụp hình chỗ này chỗ nọ để giành làm kỷ niệm, nhưng chỗ nào thì cũng có bảng “no picture” hết nên thật là mất hứng. “Cứ đi cho đã rồi xòe bàn tay của mình ra chụp”. . đó là những lời tán thán của ông. Henrichs rất thích trẻ con Việt Nam, những đứa trẻ nghèo lam lủ. Roswitha, vợ Henrichs cũng vậy, họ có hàng tá hình những đứa trẻ nhỏ nghèo nàn, nhưng gương mặt lúc nào cũng hớn hở, và lúc nào được chụp hình cũng vẩy tay hello! Hello! Đấy là đặc tính dân tộc Việt Nam, một dân tộc hiền hòa, hiếu khách.
      Họ rất hiểu những khó khăn của người dân mình lúc đó, và lúc nào họ cũng muốn chia sẽ những khó khăn đó. Thế nhưng muốn chia sẽ hoặc đón nhận chia sẽ không phải là chuyện dễ, vì lúc tranh tối tranh sáng đó rất dễ bị hiểu lầm. Chúng tôi lúc nào cũng phải giữ ý giữ tứ trong giao tiếp.

      Đồng lương mà chúng tôi có lúc đó không nhỏ so với mọi người, nhưng thật sự thì cũng chẳng thấm đâu vào đâu cả? Gia đình nào lúc đó cũng thất nghiệp thì nhiều mà đi làm thì chẳng mấy người. Tôi lảnh lương ra phải giành giụm mua thức ăn gởi về cho gia đình, còn tôi, mấy giắt mì khô trụn lên cho miếng mở miếng bột ngọt là đã thấy ngon rồi. Những điều đó, dĩ nhiên tôi không thể nào tâm sự với những người bạn Đức này của tôi. Tuy nhiên, Roswitha, một người rất tế nhị, khéo léo. . . Cứ mỗi cuối tuần vào food stuff house mua thức ăn (họ có một nhà thực phẩm riêng từ Sing chở đên), là đầu tuần lại âm thầm xếp mấy hộp thịt, mấy hộp mứt vào giỏ của tôi. Tôi không nhận, nhưng Roswitha bảo là bồi dưỡng để tôi có sức khỏe làm việc, họ không có trách nhiệm đó, nhưng đấy là tình cảm. Sự chăm sóc của họ đối với tôi như một sức mạnh làm tôi yêu đời, yêu người hơn. Tôi say mê công việc của mình, nên ngày nào tôi cũng làm việc quá giờ . . . Và giữa tôi với họ, mặc dù có sự khác biệt về ngôn ngữ, về phòng tục tập quán nhưng sao nghe như rất gần và rất thân.

      Có một lần Henrichs phàn nàn với tôi: Tại sao cùng là người Việt Nam, mà họ lại có thể lạnh lùng với nhau như thế ? Trái tim họ bị lạnh rồi hay sao? Tôi không hiểu ! Henrichs kể : Hôm qua đánh banh, một quả banh rơi ra ngòai, một đứa bé trèo qua rào để lượm banh, chẳng may chạm phải điện đâu đó, điện giật té xỉu. Ấy vậy mà tên Huấn luyện viên chẳng mảy may xúc động. Thay vì ngừng tay gọi cấp cứu cứu đứa bé, thì hắn tỉnh bơ bảo Henrichs tiếp tục chơi banh. Henrichs đã bỏ vợt đi về sau khi gọi người cấp cứu đứa bé. Henrichs hỏi tôi: “nếu lở tôi chết ở đây, có ai đến viếng mộ và tăng hoa cho tôi không? Tôi hy vọng là mộ tôi được nhiều hoa”. Đó là những câu nói đùa thôi, nhưng nghe cũng thấm thía lắm .

      Cuộc vui rồi cũng đến lúc tàn, bèo mây họp rồi tan là chuyện thường. Chúng tôi đã chia tay nhau. Henrichs đã tặng tôi một cây đàn làm kỷ niệm với hy vọng tôi sẽ đàn thật hay. Tôi rất tưng tiu cây đàn ấy và giọng của nó ấm hơn hơ lửa. . . Roswitha cũng chia tay tôi trong bùi ngùi . . và kể từ đó chúng tôi không còn gặp lại nhau.

      Nhiều năm nay, khi đất nước mở cửa, cái nhìn của nhà nước thóang hơn, tôi mong hai người bạn kia trở lại Việt Nam để chúng tôi có thể vui vẻ ôn lại những ngày thân thương trước .

          Huyền Băng.
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.10.2005 02:57:43 bởi Huyền Băng >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9