CHU DU CHẾT CÓ HỘC MÁU KHÔNG?
-
22.12.2011 08:58:34
CHU DU CHẾT CÓ HỘC MÁU KHÔNG?
Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
Bài báo: “Ánh sáng bất tận của cuộc đời” (Văn nghệ số 29, ngày 16 – 7 – 2011), nhà văn Vy Thuỳ Linh viết về cố NSND Sỹ Tiến. Ông là một nghệ sỹ đa tài, trong bài viết này, chúng tôi xin chỉ bàn đến một tình tiết nhỏ, trong vai diễn lớn của ông: vai Chu Du.
Vy Thuỳ Linh viết:
“… Ngày ấy nhiều người Hoa tụ cư quanh Hàng Buồm, một ông lang Tầu đã bày cách cho Sỹ Tiến pha một số vị thuốc để tạo thành mầu đỏ như máu. Để diễn vai Chu Du, Sỹ Tiến phải nhịn ăn, uống “thuốc” từ chiều, rèn luyện kỹ thuật, nén hơi luyện khí để ộc máu ba lần, ộc mạnh đến độ phun cả vào Trường Phi, giữa ba lần ấy vẫn thoại và ca. Đoàn nào muốn ăn khách phải mời bằng được Sỹ Tiến. Vai diễn được mến mộ tới mức đoàn đi tới đâu cũng phải trích đoạn này. “Chu Du” đã góp phần nuôi sống ông, tám đứa con và cháu, nuôi nhiều đoàn hát…”.
Nhà văn còn được gia đình nghệ sỹ cho xem tờ quảng cáo 50 năm trước của đoàn Kim Ngọc: “Kịch sĩ Sỹ Tiến thổ tận can tràng - một công nhận sân khấu - Bổn đoàn không quảng cáo hoang đường, quý vị sẽ thấy Chu Du hộc máu như thực được thể hiện bởi Sỹ Tiến”.
Vâng, cũng như mọi người, từ lâu tôi vẫn đinh ninh Chu Du bị Gia Cát Lượng lừa, tức quá hộc máu ra mà chết! Nhưng bây giờ bất chợt tôi bỗng “ngộ” ra rằng: Máu của con người ở trong tim và trong huyết quản, lưu thông trong hệ tuần hoàn, làm sao lại ộc ra miệng được?
Đã đành rằng tiểu thuyết là truyện bịa. Nhưng “Tam Quốc Diễn Nghĩa” là bộ tiểu thuyết sử thi đã được các nhà phê bình văn học nhiều thời đánh giá là: “Bẩy thực, ba hư”. Chỉ có ba phần là bịa thôi. Song muốn bịa gì thì tác giả cũng không thể bỏ qua được sự thật khách quan. Tức là sự tức giận, uất ức thái quá, hay suy nghĩ căng thẳng quá, đối với người bị bệnh huyết áp cao cũng có thể gây ra tử vong, vì vỡ mạch máu não. Nhưng chết vì xuất huyết não, máu không thể ộc ra miệng được
Nhưng chẳng lẽ một nhà văn lớn như La Quán Trung lại không hiểu điều sơ đẳng ấy? Hay hiểu, nhưng ông vẫn cố ý “bịa đặt” ra như vậy…
Từ ngày đầu tiên được nghe người ta nói: “Tức như Chu Du”, rồi từ ngày được đọc Tam Quốc đến nay, thời gian đã quá lâu, trí nhớ mù mờ sương khói, chẳng biết có đúng là Chu Du đã ba lần hộc máu ra như nhà văn Vy Thuỳ Linh đã viết không? Tôi liền mở sách ra tìm và đọc lại tất cả các Hồi có nhân vật Chu Du xuất hiện. Kết quả là chỉ có hai lần Chu Du bị thổ máu. Lần đầu tiên ở Hồi 49. Xin trích mấy dòng để bạn đọc tham khảo:
“…Chu Du đứng trên đỉnh núi, quan sát hồi lâu, bỗng một trận gió đùng đùng thổi đến, sóng tới bờ. Cái giải mũ bay tạt vào mặt Chu Du. Sực nghĩ tới điều gì, Chu Du bỗng rú lên một tiếng rồi ngã vật ra phía sau, miệng thổ máu tươi, Các tướng vội vàng vực Du đứng dậy, thì Du đã mê man không biết gì nữa…”.
Biết được tin ấy, khổng Minh đến thăm và nhận chữa bệnh cho Chu Du. Chữa bằng một phương thuốc rất lạ: Khổng Minh “cầu phong” giúp Chu Du “phóng hoả” đại phá quân Tào. Chu Du khỏi bệnh.
Lần thứ hai miệng Chu Du bị đổ máu tươi là Hồi 51. Nhưng lần này là “mẹo” của Chu Du để lừa quân Tào, chứ không phải vì tức giận. Xin trích:
“…Tào Nhân bảo các tướng:
- Cứ chửi mắng tợn vào!
Quân sĩ xúm vào mắng nhiếc om xòm. Du giận lắm. Bỗng nhiên rú lên một tiếng, mồm đổ máu tươi, ngã quay xuộng ngựa. Quân Tào xô lại, các tướng đổ ra, đánh túi bụi, cứu được Chu Du đem về trướng. Trình Phổ vào hỏi thăm. Du bảo đó là mẹo của ta đấy!...”.
Cuối cùng Chu Du chết, sau ba lần bị Khổng Minh lừa, nhưng không hộc máu ra miệng, mà vì vết thương cũ ở sườn lại tái phát. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chu Du còn ngửa mặt lên trời than rằng: “Trời đã sinh ra Du, sao lại còn sinh ra Lượng?”.
Thế mà biết bao thế hệ độc giả đã đọc “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, cũng như khán giả đã xem Cải Lương (nhất là những người đã có may mắn được xem cố NSND Sỹ Tiến đóng vai Chu Du), ai cũng tin rằng Chu Du bị Gia Cát Lượng lừa, tức quá hộc máu ra mà chết.
Dân ta số đông còn nghèo. Nghèo cả của cải và kiến thức. Nhưng rất “giầu” lòng tin. Tin cả những chuyện hoang đường bịa đặt, những cái chẳng ai trông thấy bao giờ mà cũng tin theo. Thậm chí tin cả bọn người làm nghề bói toán, ngoại cảm, đồng cốt quàng xiên. Mấy năm trước người ta còn đổ xô đi Bắc Ninh lễ bà Chúa kho để bà cho vay tiền!
Ngay cả việc ốm đau bệnh tật cũng vậy. Có một dạo người ta ùn ùn kéo đi Thái Nguyên, tìm một bà lang “băm” nào đó. Thấy bảo bà này tài lắm, chẳng cần khám xét, hỏi han gì, người bệnh chỉ “sờ” vào tay bà lang một cái là bà đã biết người ấy bị bệnh gì rồi. Bà liền đưa cho một túi thuốc đã gói sẵn từ trước, về sắc uống hết là khỏi bệnh.
Nghe đâu bà này còn được cả một ông nhà văn rất nổi tiếng, bị tai biến mạch não, liệt nửa người cũng đến chữa bệnh. Ông không phải uống thuốc. Bà lang chỉ dẵm lên lưng nhà văn mấy cái, mà sau một tuần nhà văn đã rậm rệch đi lại được.
Rồi lại chuyện ở Long An có khu vườn chữa bệnh, và được nhà văn Nguyến Khắc Phê đặt cho cái tên là: “Khu vườn kỳ lạ” (Báo Văn nghệ số 43, ngày 23 – 10 – 2010). Người ốm chẳng cần thuốc thang gì, chỉ đến sinh sống, nghỉ ngơi ở trong khuôn viên ấy một thời gian để: “Hấp thu năng lượng kỳ lạ” của vườn là khỏi bệnh. Có người bị bệnh khớp, tưởng phải tháo khớp. Thế mà sau một thời gian ở khu vườn ra đã khỏi bệnh. Bệnh nhân ở khắp nơi nghe tin đổ về khu vườn ấy đông như đi trẩy hội.
Thiết nghĩ, nếu đúng như vậy, sao Bộ y tế không trưng mua ngay khu vườn ấy để làm một thứ “thần dược” chữa bách bệnh cho nhân dân?!
* * *
Ngày xưa chưa có các phương tiện tránh thai, cô gái nào chẳng may chưa có chồng mà có chửa, bị người đời xúm vào chê trách: “Nhẹ dạ cả tin. Cho nó chết!”.
Vâng. Vì mình cả tin cho nên người ta mới lợi dụng được mình ./.
TP Uông Bí, ngày 10 – 11 – 2011
Tạ Hữu Đỉnh