Noel năm nào... -- Lê Huy
lê huy 27.12.2011 03:10:53 (permalink)
Noel năm nào…
Lê Huy



Đêm nay, đêm đợi chờ Giáng Sinh 2011, trong lòng thành phố Thiên Thần Los Angeles, con trai tôi lái xe chở cả nhà thư thả chạy vòng vòng trong một khu gia cư để xem ánh đèn muôn màu rực rỡ đón chào Giáng Sinh hằng năm do các tư gia trang trí trong sân nhà mình, trên các thân cây cành lá hai bên đường. Khu gia cư sáng rực lên trong không gian muôn sắc muôn màu mênh mông ấy. Người người như đắm chìm trong ngày hội hoa đăng để đón mừng Chúa ra đời.

Với hằng hà sa số bóng đèn bé li ti nhiều màu, qua khối óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, người ta đã kết nên một bức tranh toàn cảnh rực rỡ ngày Chúa Hài Đồng ra đời nơi máng cỏ trong hang Bê-lem với các Thiên Thần chấp chới cánh bay bên những vì sao lấp lánh trong bầu trời xanh thẳm. Ngồi trên chiếc xe nai do các đôi tuần lộc kéo là Ông Già Noel trong bộ trang phục đỏ tươi với bộ râu trắng như tuyết, da dẻ hồng hào, nhân từ phúc hậu luôn cười vui với mọi người. Hoặc nửa đêm Ông Già Noel vai vác bao quà to tướng chui xuống ống khói tặng quà cho các cháu bé bằng cách bỏ vào những đôi tất mà các cháu đã đặt sẵn cạnh chân giường trước khi đi ngủ.     
…   …   …

Tôi nhấn nút CD, một giọng hát nam thật truyền cảm thiết tha cất lên cao vút:

Bài Thánh Ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau

(Bài Thánh Ca Buồn -- Nguyễn Vũ)

* * *    

Em… Em còn nhớ Noel năm nào hai mình có nhau đó không… ?

À… Nhớ rồi, đó là Noel 1974. Vào đêm đó hai mình có nhau đi chơi Giáng Sinh, chứ không phải đi Xem Lễ vô Thánh Đường đọc kinh cầu nguyện chi đâu, vì hai mình là người ngoại đạo mà.

Lạy Chúa tôi… Con người không đạo
nhưng tin có Chúa ở trên cao

(Trời Chưa Muốn Sáng -- Trần Thiện Thanh)

Và đúng vào Lễ Nửa Đêm trong đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời thiêng liêng ấy, hai mình đã cùng với mọi người lặng yên, chắp tay thành khẩn nguyện cầu, nguyện cầu cho đất nước mình sớm thoát ra khỏi cảnh bom đạn lầm than, nguyện cầu cho người Việt mình luôn thương yêu và nghĩ đến nhau.

Một mùa đông giá hang Bê-lem Chúa sinh ra đời
Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao
Lạy Mẹ đồng trinh ban ơn người Việt càng thương nhau hơn
Ðất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao

(Mùa Sao Sáng -- Nguyễn Văn Đông)

Nghĩ cũng hay, Giáng Sinh là ngày lễ lớn của giáo dân Thiên Chúa Giáo vậy mà những người theo các đạo giáo khác, ai ai cũng đều háo hức mong cho chóng tới ngày đó như là một Ngày Hội Lớn của loài người trên trái đất này. Muôn người đều cầu xin “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Và cũng thế, có khác chi đâu, trong ngày Đức Phật Đản Sinh, người Việt mình vẫn luôn nguyện cầu cho “Quốc Thái Dân An”.

* * *

Em còn nhớ chứ… Thật tình cờ, hai mình quen nhau ở Bồng Sơn – một thị trấn bé nhỏ rách bươm tội nghiệp trong thời chiến nép mình bên bờ sông Lại ấy. Đó là con sông do hai dòng sông An Lão và Kim Sơn nhập lại từ Hoài Ân rồi xuôi dòng về thị trấn này. Mặt sông thoáng rộng; mưa đến nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, bồi đắp phù sa cho đồng ruộng thêm tươi tốt; nắng về nước trong xanh êm ả nhàn nhã lửng lờ trôi. Hai bên bờ là rừng dừa xanh mát mà quen thuộc nhất là rừng dừa Trung Lương rợp bóng. Cây cầu quốc lộ 1 và cầu xe lửa sánh đôi nhau xoải mình qua mặt nước hiền hoà nối liền đôi bờ ruột thịt. Thế rồi cái bóng đen chiến tranh hung hãn kéo ập qua đây khiến dòng sông Lại nghẹn ngào rỉ rích, đôi bờ thịt da trầy trụa dập nát cùng với những tàng dừa xơ xác hắt hiu luôn dõi bóng người về, hai cây cầu thân yêu ấy cũng suýt một lần đứt nhịp…
       
Em là cô giáo vừa tốt nghiệp Sư Phạm Qui Nhơn Khoá 11 ra dạy ngoài này, cùng với cô bạn đồng nghiệp đến trọ trước vị trí của đơn vị anh bên kia đường. Em nói, Cô Chín chủ nhà thật tốt bụng và có lòng, chẳng nhận một xu tiền trọ nào hết, lại coi hai đứa em như con cháu trong nhà. Cô Chín kể lại, mấy năm trước đây căn nhà này là tiệm thuốc tây của Cô. Mùa hè 1972, sau một trận giao tranh lớn dài ngày thị trấn này bị hoang tàn đổ nát, gia đình Cô cũng theo chân dân địa phương tản mát khắp nơi, và nó trở thành cái Thị Trấn Đìu Hiu Buồn Thiu. Khi thấy yên yên Cô trở lại nơi này để giữ… cái nền nhà và đặt một bàn bi-da mong có khách lui tới vô ra cho quên buồn. Cô lại vui lòng cho hai đứa em đến trọ cho ấm nhà, cho bớt quạnh quẽ. Cô chỉ cần thế thôi. Vậy đó, chỉ trong cảnh khó mình mới thấy được tình người ra sao. Tụi em quý mến Cô Chín lắm.

* * *

Bỏ dở đường cơ “hai band” đánh trật mất điểm để người bạn chơi tiếp, anh đến làm quen với em. Anh thoáng thấy em cầm trên tay cuốn Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng -- một “Francoise Sagan thời thượng của Việt Nam”, em vội cuốn tròn lại giấu sau lưng. 

- Chào Cô Giáo… Cô từ đâu đến chốn bom đạn may ít rủi nhiều này?
- Dạ… Ở Quy Nhơn.
- Ủa… Quy Nhơn… Mà đường nào vậy?
- Ở ngả tư Gia Long / Phan Đình Phùng.
- Vậy hả… Vậy là hàng xóm gần xịt của tui rồi.


Thế rồi dần dà ngày qua ngày, hai mình quen nhau. Những lúc tình hình thật yên tĩnh anh rủ người bạn qua bên đó đánh bi-da tiêu khiển. Anh chơi bi-da dở ẹt, luôn thua điểm bạn. Cũng nhờ cái dở ẹt này mà hai mình mới có thì giờ, mới có dịp chuyện trò với nhau.
Trong những dịp này, bao chuyện hàng xóm láng giềng tha hồ tuôn ra, mấy chuyện cũ chuyện mới tha hồ nổ ra. Tiếc cái là “Cô Hàng Xóm” này không chung vách chung tường với anh để được nghe anh đàn ca… thổn thức:

Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở
Nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều
Làm tôi thấy trong tâm tư xôn sao
Như lời âu yếm mặn nồng của đôi lứa yêu nhau

(Cô Hàng Xóm -- Anh Bằng)

- Ủa… Anh cũng biết đàn biết ca hả?
- Biết chớ… Nhưng “Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở”.
- Ờ… Hôm nào anh đàn ca cho em nghe, em sẽ  “khen nhiều và thật nhiều” nha!
- Được… Nhớ đó nghen!
- Yên chí… Nhớ mà!


Từ đấy hai mình đã dạn dĩ “anh anh, em em” với nhau hơn.

Đôi lần biết em sắp về thăm nhà anh cũng ráng kiếm cớ xin phép về để đến thăm nhà em cho biết.

* * *

Lại nhớ rồi, đó là Noel 1974.

- Em nè… Giáng Sinh này em có về Quy Nhơn không?
- Về chứ anh… Ở ngoài này hoài, buồn lắm!
- Hừm… Để anh coi.
- Để anh coi là coi làm sao?
– Em “giả nai” hỏi.
- Thì để coi là… để coi, chớ còn hỏi để coi làm sao! – Anh cũng “giả khờ” trả lời.
…   …   …

Em về đến nhà hôm trước thì hôm sau -- trong bộ quân phục còn nhuốm bụi đường -- anh đến thăm em vào lúc xế chiều -- “Quả là anh kiếm cớ theo em bén gót “đứt đuôi con nòng nọc” rồi đó nghen!”. Lúc đó em vừa gội tóc xong bên thềm nhà, ngạc nhiên tròn xoe đôi mắt, ửng hồng đôi má, em bẽn lẽn thỏ thẻ:

- Ủa… Anh… Anh cũng về nữa hả?
- Ừa… Về để… biết nhà em đó mà.
- Anh “ghê” lắm đó!
- “Ghê” là “ghê” làm sao?
- Thì “ghê” là… “ghê”, chớ còn hỏi “ghê” làm sao!
– Em trả đũa chọc quê anh.

Em ngượng ngùng mời anh vào phònh khách. “Xin lỗi… Anh chờ em chút nha!”. Lát sau em trở ra mỉm cười trong chiếc áo bà ba mộc mạc màu trắng có lấm tấm chấm xanh. Và từ khi quen nhau anh cũng thấy em mộc mạc lắm rồi. Thoang thoảng đâu đây mùi hương chùm kết em vừa gội tóc, mùi hương không quyến rũ nhưng giản dị thân thương lắm mà từ lâu đã rất quen thuộc với anh vì mấy đứa em gái của anh cũng thường gội tóc bằng chùm kết này.

Thấy anh thỉnh thoảng nhìn quanh nhìn quất, em tinh ý nói: “Bu em và nhỏ Út đang bận trông hàng nên không có ở nhà”. “Vậy hả… Thế nào anh cũng đến chào bác và nhỏ Út ấy nghen!”.

Bây giờ đang vào mùa Giáng Sinh nên hai mình cũng nói về Giáng Sinh với bao kỷ niệm ở lứa tuổi học trò. Tiếc một điều là em và anh đã không học cùng thời, không chung trường chung lớp.

Anh chợt hỏi:
- À này… Sao em chọn làm Cô Giáo?
Sau một chút đắn đo em nói:
- Anh à… Nhà có ba anh em, anh của em đang làm việc ở xa, còn nhỏ Út thì còn ham chơi chưa biết lo lắng gì, nên em chọn làm Cô Giáo và mong được dạy gần nhà để chăm sóc cho Bu.  
- Nghe cũng phải, nhưng sao lại bị ra tận ngoài kia vừa xa nhà vừa nguy hiểm.

Em cười nhẹ, thở dài:
- Chắc tại do… cái số anh à!
- Ờ… Thì cứ cho là vậy đi.

Chợt nét mặt tươi lên, giọng em vui vui:
- Còn lý do này nữa anh à… Anh đừng cười nha!
- Ờ… Anh không dám cười đâu.
- Nhớ hồi đi học, rủi sao em cứ bị dò bài hoài, mà Thầy Cô hồi đó khó lắm, cứ hỏi em những câu hỏi khó, em không trả lời đúng, bị cho ít điểm. Và em có cảm tưởng như mình… bị trù.
- Trời… Tội vậy sao!
- Nên em chọn làm Cô Giáo, không phải là để… trả thù học trò đâu. Em tâm niệm là sẽ thương yêu học trò nhiều hơn, sẽ nâng đỡ và dạy cho các em có tấm lòng đô lượng và bao dung. Thế thôi, anh à!
- Em hay thật… Lâu nay anh đã thấy trong em có những đức tính ấy rồi.
- Cám ơn anh.


Anh tặng em cuốn truyện Dây Leo Hạnh Phúc nhỏ gọn xinh xắn của Duyên Anh mà anh vừa chọn ở nhà sách Khánh Hưng, cái nhà sách mà anh rất thích ghé mua nhạc mua truyện trong những lần về phép hiếm hoi. Sau này em kể lại, em tức cười nhất là đoạn mỗi khi chú nhóc nhổ tóc sâu cho bố thì cứ nhểu nước miếng xuống mặt bố hoài, dễ thương chi lạ.

Thấy mình chuyện trò khá lâu, anh chào em ra về. Định nói với em một điều mà anh cứ ngần ngừ hoài. Vừa bước ra khỏi cửa anh lại quay vào nói nhỏ với em:
- Em… Tối mai mình đi chơi Giáng Sinh nghen!
Em cúi mặt, lặng thinh. Anh kiên nhẫn, tiếp:
- Đi đi em… Mình đi chơi nghen. Đêm Giáng Sinh đẹp lắm. Ngày mốt anh phải ra đơn vị rồi. Còn lâu lắm anh mới xin phép lại được.   
Em “Vâng” nhẹ một tiếng:
- Mà anh đừng đến đón em nha.
- Vậy thì anh chờ em tại nhà sách Bốn Phương ở góc Gia Long / Lê Lợi nghen. Gần nhà thờ đó.
- Vâng… Cám ơn anh.


Vậy là đêm hôm đó -- cái đêm Giáng Sinh 1974 đó – hai mình được đi chơi với nhau, đi cạnh nhau hòa cùng dòng người áo quần bảnh bao xinh xắn ngược xuôi trong tiết đông se lạnh với một chút mưa phùn lất phất, trong vùng ánh sáng muôn màu rực rỡ đón mừng Chúa Hài Đồng giáng sinh.

Hai mình xa dần đám đông nhưng có thấy lạnh chút nào đâu. Anh định nói với em thật nhiều, thật nhiều cho vui về chuyện “láng giềng” của mình, thật nhiều về chuyện sương gió hiểm nguy của anh… Nhưng thôi, mình cứ im lặng bên nhau đi, im lặng mà lại như nói với nhau thật nhiều, nha em.

Chợt hai bàn tay của hai mình đan vào nhau nghe thật ấm, ấm vô cùng, phải không em!

* * *

Tôi lặng lẽ nhấn nút repeat trên CD, giọng hát nam thật truyền cảm thiết tha ấy lại cất lên cao vút:

Bài Thánh Ca đó còn nhớ không em
…   …   …


Lê Huy
(Los Angeles, Noel 2011)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.01.2012 02:17:46 bởi lê huy >
#1
    lê huy 08.01.2012 02:21:31 (permalink)
    “Xin thông báo, từ ngày hôm nay những truyện các bạn đăng vào phòng Văn Sáng Tác,

    Nếu các bạn thấy bài viết của các bạn bằng lòng cho đem vào thư viện, thì mod sẽ đem vào thư viện sau khi mod đã chọn xong”.

     
    Thưa Ban Điều Hành,
    Như thế, theo thông báo trên, có phải là, nếu muốn bài viết của mình được đem vào thư viện thì tác giả phải báo trước cho Ban Điều Hành biết, và sau khi mod chọn xong thì bài đó sẽ được đưa vào thư viện.
    Nếu đúng như vậy thì tôi xin Ban Điều Hành đưa vào thư viện bài Noel năm nào… có được không ?
    Trân trọng cám ơn và thân mến chào Ban Điều Hành.
    Lê Huy
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9