Ông nội
Họa__Tr 05.01.2012 00:32:26 (permalink)
......




Khi tôi bắt đầu có thể cho những “kỷ niệm” vào bộ nhớ, để nuôi dưỡng nó, đi cùng mãi cả cuộc đời. Là khi tôi còn rất bé, hoặc là đủ lớn để có thể tiếp nhận được ánh sáng, bóng đêm, hình thù thế giới, tình yêu thương của ông bà, cha mẹ.

Cái ngày đó, cách đây khoảng 20 năm, tôi 3 tuổi. Ông cõng tôi trên lưng, đi từ hành lang tối khu tập thể, tôi đung đưa trên tấm lưng của ông, ngày đó ông còn khoẻ, dĩ nhiên tôi dập dình, nhún nhẩy trên tấm lưng ấy. Qua hành lang tối, khu tập thể Vọng Đức, Hà Nội năm đầu thập niên 90, phố Vọng Đức nho nhỏ, tôi nhớ như in, đó là những buổi chiều nhập nhoạng, đèn đường đã sáng, những ánh sáng tròn, vuông từ đèn xe máy, những tiếng leng ceng xe đạp thành phố.
Là ngày đó, tôi đủ lớn để biết, quả gì là quả dưa hấu, “Dưa hấu!” Tôi chỉ tay và nói lớn cho ông nghe, khi ông bước dạo trên phố, bên gánh hàng hoa quả, “Tô tô!”, là ô tô đó, tôi lại phấn khích khoe ông, thế nào là cái ô tô, đang bon bon trên đường… “Xe đạp!”, “Xích lô!”, “Xe máy!”… tôi biết được những thứ dường như là còn quá mới mẻ của cuộc đời này. Với ông, chỉ như vậy là tôi đủ lớn để trở thành một “thần đồng”, ông cõng tôi trên phố Ngô Quyền, dạo quanh Hồ Gươm trong chiều tối muộn màng. Phải rồi, hồi ấy tôi còn rất bé, dĩ nhiên, là chưa đủ lớn để biết rằng Hà Nội khi ấy đẹp biết bao. Nhưng đã đủ lớn, để biết rằng, tôi vô cùng sung sướng, mỗi buổi chiều, lại tựa lưng ông, đi đây đi đó, nhìn xem rằng, thế giới ngoài kia có gì tôi đã biết, vẫn là “dưa hấu”, “tô tô”, “xe đạp”…

Ông nội không ở cùng tôi, vì thời gian trôi đi, tôi cũng đã đủ lớn để hiểu, Hà Nội không phải là “quê”, ông nội ở quê, là với vườn vải, ao cá, bờ tre, ruộng đồng…
Tôi cứ mong mãi những ngày được ở bên ông, ngày lại qua ngày, tôi đủ lớn để nhớ rằng mọi người nói với tôi “mày là cháu đít nhôm đít chậu” của ông nội. Tức là tôi hiểu, tôi được ông cưng chiều nhất nhà.

Rồi cứ mùa hè, ông lại lên chơi. Tôi lớn thêm vài ba tuổi, thích được đi chơi cùng ông. Nhưng tôi lớn thêm vài ba tuổi, tức là ông cũng “lớn thêm” từng ấy. Ông không còn đủ sức khoẻ để chiều nào cũng cõng tôi trên lưng như trước.
Thế là tôi và ông đi xích lô. Nhưng tôi không thích, có thể là như vậy, vì giờ tôi không nhớ cảm giác đi xích lô cùng ông nữa… mà tôi thích thú, sung sướng mỗi khi được ông đèo trên xe đạp. Tôi ngồi ở cái ghế, giờ tôi không biết gọi nó là ghế gì, chỉ biết là cái ghế mà hồi ấy, là dành riêng cho trẻ con, buộc ở ghế sau xe đạp.
Tôi nhớ một buổi chiều hè, ông đèo tôi đi chơi, trên xe đạp ấy, ông đạp xe chậm dãi, qua những phố to phố nhỏ ngày hè, cái ngày đó, tôi đã đủ lớn, để chán chơi trò gọi tên vạn vật, mà chưa đủ lớn để chơi trò ngắm cảnh phố phường, tôi là thằng bé… chỉ thích ngồi sau lưng ông. Tôi thề luôn đó, hồi ấy, tôi không có nhiều đồ chơi, nhưng lạ là tôi cũng chẳng đòi hỏi gì, đồ chơi của tôi là con lật đật, tôi không nhớ gì hơn, vì con lật đật ấy vẫn ở bên cạnh tôi cho đến ngày hôm nay...
Tôi ngồi sau lưng ông, vui sướng thật đó, nhưng ngủ gật lúc nào không hay. Rồi khi biết tôi ngủ như vậy, ông dừng xe trước một gánh hàng bán hoa. Về sau tôi mới biết câu chuyện này, ông mượn người bán hoa cái bình tưới nước của họ, là cái chai lavie, tạm gọi là như vậy, có đục vài lỗ nho nhỏ, ông bóp 1 cái, là như vòi hoa sen. Ông rửa mặt cho tôi bằng “vòi hoa sen” đó, rồi tôi lại dậy, và ông lại đèo tôi đi, trên xe đạp chầm chậm.
Được một lúc, tôi lại buồn ngủ, ông nội dừng xe trước gánh bán hoa quả, một quả cam giá 3000 thì phải, rồi ông mượn người ta cái ly, cái kéo, ông vắt nước quả cam ấy ra. Ông một phần nhỏ, còn tôi uống hết phần to, như vậy tôi mới tỉnh táo thật sự.
Tôi không nhớ nổi, không hiểu vì sao, tôi không thể nhớ khuôn mặt của ông khi ấy, nhưng tôi biết chắc rằng, cả ông nội lẫn tôi đều sung sướng vô cùng. Niềm sung sướng không thể gọi tên…

Rồi tôi lại lớn thêm, những năm năm tháng tháng qua đi, mùa hè lại ở cùng ông.
Tôi nhớ cái năm tôi học lớp 3, tôi có nhà mới, không còn trên khu Vọng Đức nữa, mà về cái vùng xa ơi là xa, toàn ruộng rau muống, thỉng thoảng lại được thấy máy bay trực thăng bay sát mái nhà. Tôi đã ở đó từ ngày ấy cho đến nay, phố ngày ấy tên là đường Tàu Bay, mãi về sau mới đặt tên là Lê Trọng Tấn.

Tôi lại đủ lớn, để mùa hè về quê với ông, vì cũng là do, ông không còn đủ khoẻ, để hè nào cũng lên chơi với tôi.
Tôi về quê, là sướng vô cùng, vì lại được ở cùng ông. Tôi hỏi ông “Ông có yêu cháu không?”, ông bế tôi lên thật cao rồi nói “Không yêu đít nhôm thì còn yêu ai nữa!”. Tôi nhớ lắm, đêm nào tôi cũng đấm lưng cho ông, rồi ông sẽ đấm lưng lại cho tôi, nhiều khi tôi đau oái oái vì ông thích chơi trò kéo chân, dựt các ngón, đau lắm.

Những năm tôi học cấp 1 đó, hè nào tôi cũng về với ông, ở với ông cả tháng trời. Tôi nhớ những chiều hè, ông ngồi bó từng túm vải, những quả vải đỏ ngọt, tôi mê chúng từ đó tới giờ... rồi xong ông lại bổ củi, hoặc câu cá. Tôi ngồi cạnh ông, nghe ông kể chuyện ngày ông đi chiến đấu, ông bị giặc Pháp bắt, đánh đập rồi hành hạ các kiểu. Tôi nhớ nhất, ông dậy cho tôi một câu tiếng Pháp mà đến giờ tôi vẫn nhớ như in, chả biết là đúng hay sai nữa “Lơ-xiêng măng dê đờ ka ka”, ông bảo rằng bọn giặc Pháp hay nói với ông như thế, khi ông bị nó giam trong tù, đố ai biết câu đó nghĩa là gì…? Tôi biết chứ, nhưng không dịch đâu, nó ghê gớm chết đi được.

Chiều nào ông dọn vườn, nấu cơm xong, tôi cũng theo ông đi tắm ở giếng. Lúc nào tôi cũng kỳ lưng cho ông, hôm thì dùng tay, hôm thì dùng khăn, bữa nào ông nhiều ghét quá thì tôi lấy cả cái dép ra mà kỳ, thật đó chứ không phải điêu đâu.

Tôi nhớ như in, lần duy nhất tôi bị ông “quất”, vì tội tôi to lắm, tính tôi thích nghịch lửa từ bé, chả hiểu vì sao lại như vậy. Thế là một chiều, tôi châm lửa đốt đống rơm phơi ở giữa sân. Khói nghi ngút cả làng, lúc ấy ông đang ngủ, hàng xóm mới ùa sang, ông nội tỉnh dậy, mọi người dập lửa, lúc ấy tôi nghĩ hình như việc mình làm là sai, tôi đứng nép ở cửa nhà, chờ ông dập lửa xong. Thế là tôi bị ông quất cho một trận, thật to !!!

Tôi vẫn cứ lớn lên, ông nội vẫn cứ già đi, chứ không phải là lớn lên nữa, ông già đi nhanh lắm, tóc bạc phơ, bụng thì vẫn to. Và hè nào tôi cũng vẫn về quê, để ở với ông cả tháng trời.
Tôi vẫn được ông cưng chiều nhất nhà, dù tôi đã lớn, ví như cái hồi tôi học cấp hai, tôi đã cao gần bằng ông rồi cơ đấy. Nhưng tôi vẫn hỏi ông câu hỏi năm xưa “Ông có yêu cháu không?”, ông cười tít cả mắt rồi trả lời “Không yêu cháu thì yêu ai nữa!”.
Ông vẫn hay kể chuyện cho tôi nghe, ông vẫn nấu nướng, vẫn bẻ vải, bó từng chùm, vẫn dọn vườn, còn tôi thì vẫn chỉ ngồi thơ thẩn cạnh ông.
Vườn có một cây mít, mít chín thơm lừng, ông tách ra từng múi, cả tôi và ông thi nhau ăn, nhưng không hết nổi một quả to bự. Ông cho vào bát, cất vào chạn, không biết mọi người có biết chạn bát là gì không nữa. Hồi ấy chưa có tủ lạnh đâu, cất vào chạn là kín lắm rồi. Hôm sau, tôi và ông nội ăn nốt phần mít còn lại, vì dĩ nhiên tôi ăn thật nhiều, ông chỉ ăn tí xíu mà thôi, tôi ăn khoẻ mà. Nhưng tôi bị đau bụng, lên cơn cảm tả, ghê rợn lắm. Ông phải đi gọi cho người làm ở trạm xá, tôi uống thuốc, vài ba hôm tôi lại khoẻ. Ông đồ rằng có thể tôi ăn miếng mít bị thành sùng xơi, nên nhiễm độc. Ông và tôi còn thống nhất một điều, không được kể chuyện này cho bố mẹ tôi biết, vì nếu bố mẹ tôi biết, sẽ mắng ông cho mà coi!

Tôi nhớ như in cái ngày ấy, mà hồi ấy không có nhà vệ sinh khép kín đâu, gọi là nhà xí thì đúng hơn, nó cách gian nhà phải đến 50 mét, đi qua vườn vải, không có vòi nước, không có bệ ngồi… Nghĩ lại mà thấy ghê cực kỳ! Thế mà tôi vốn sợ ma, vẫn phải nhiều đêm chịu đựng đi quãng đường 50 mét dài dằng dặng để giải quyết nỗi buồn. Nỗi sợ lớn nhất, là liệu có bàn tay ai, thò lên từ cái hố, kéo mình xuống hay không?...

Mùa hè năm tôi học hết lớp 9, thi lên cấp 3, tôi không về với ông được. Thế là ông đi tàu hoả từ quê lên, mang theo những chùm vải và một con gâu gâu. Ông lên mà không báo trước, bố mẹ tôi lại mắng ông, còn tôi thì vui sướng vô cùng!
Con gâu gâu ông mang theo đó, tôi vẫn nuôi từ ngày ấy cho đến bây giờ…

Nó đang nằm ngủ ngoài sân kia, kêu rin rít, chả biết vì sao. Nó già rồi, tôi giờ đã lớn, chắc chắn là như vậy…

Ông vẫn chiều tôi nhất nhà, ngày tôi lên cấp 3 đó. Nhưng ai chả vậy, vào cấp 3 là tính tình thay đổi nhiều lắm, tôi nghe nhạc Rock, thích chơi hơn là học, tôi vẫn nhớ ông lắm chứ, nhưng mùa hè về, tôi chỉ về có vài ba hôm thôi.
Sức khoẻ ông giảm đi nhiều, tóc ông vẫn bạc phơ, bụng vẫn to nhưng dần dần lại nhỏ hơn bụng của tôi, chẳng thể giải thích nổi. Ông không làm nhiều việc như xưa được nữa, nhà ở quê cũng đã được xây mới, có bếp ga, tủ lạnh, có nhà vệ sinh khép kín, thế là không phải đi nhà xí xa “vạn dặm”. Tôi vẫn kỳ lưng cho ông mỗi khi ông đi tắm, nhưng ông không đấm lưng cho tôi nữa, vì ông ngủ quên khi tôi đang làm như vậy cho ông.
Tôi hỏi ông câu hỏi năm xưa “Ông có yêu cháu không?”, ông gật gù “Có chứ!”.

Rồi tôi lên lớp 11, khi ấy tôi nghĩ mình là “đàn ông” rồi cơ, tôi thích bay nhảy, thích tự do, thích lang thang, thích làm gì mình thích, và thích nhất là …không nghe lời bố mẹ. Tôi cũng không thích về quê chơi nữa, không phải vì tôi không còn yêu ông, mà vì ở quê, không có quán xá, không có âm nhạc, không có đủ mọi thứ như thành phố. Nhưng tôi vẫn về, lần đầu tiên tôi về quê theo yêu cầu của bố mẹ.
Chỉ mấy ngày thôi là tôi lại muốn về Hà Nội, tôi không hiểu vì sao, niềm vui sướng ngày xưa của tôi đâu mất rồi, tôi nằm cạnh ông, ông ngáy ro ro, tôi muốn ôm ông mà lại thôi, tôi nghĩ vẩn vơ, về những gì tôi thích, về những thứ ở tận đâu xa lơ xa lắc.

Tôi nhớ, lần cuối cùng tôi hỏi ông câu hỏi năm xưa “Ông có yêu cháu không?”, giờ ông nói rằng, “Lớn rồi còn hỏi như vậy làm gì nữa.”
Khi ấy tôi buồn lắm chứ, vì thằng trẻ con trong tôi chết thật rồi, nhưng sao ông lại nói như vậy… Thế là tôi không hỏi ông câu hỏi như thế nữa, trong nhiều năm.
Lớp 12, đó là thời gian tôi khủng hoảng nhiều chuyện. Có một đêm, mà đêm đó tôi không bao giờ quên được, tôi viết cho ông một bức thư. Tôi vẫn nhớ trong thư đó, tôi viết rằng tôi yêu ông nhiều vô kể, và cũng muốn ông sẽ mãi mãi yêu tôi như thế…
Nhưng thư đó chưa gửi đi, sẽ mãi mãi chả gửi đi, cũng vì nhiều lý do lắm, giờ tôi chả rõ lá thư ấy đang ở đâu…

Sau cái đêm đó, một thời gian rất dài, tôi khủng hoảng ghê lắm. Thế là tôi muốn về quê, muốn ở bên cạnh ông, nhưng tôi lại không làm như vậy, tuổi 18 thật phức tạp... Đó là thời gian tồi tệ đối với tôi, ông nội ở quê, không hề hay biết…

Năm đầu đại học, khi mọi chuyện với tôi đã ổn, lần đầu tiên tôi về quê vào mùa thu.
Tôi nhớ như in cái ngày đó, tôi đi tàu hoả, rồi đi bộ phải đến 6 hay 7 km gì đó, đi qua thành thị, qua đồng ruộng, đó là con đường dẫn tôi về với ông. Lần đầu tiên tôi đi một quãng đường xa như vậy trên đôi chân của mình.
Tôi nhớ như in giây phút đó, khi tôi về đến làng quê tôi, ông đứng chờ tôi ở đó, tôi nhìn thấy nụ cười của tôi, đã rất lâu rồi tôi mới được nhìn thấy nụ cười ấy. Ông bảo rằng ông sốt ruột vì mãi chưa thấy tôi về, tôi kể tôi đi bộ từ ga tàu về đây, tôi nhớ khi ấy ông bảo “Ừ, thanh niên tiết kiệm thế là tốt!”, tôi cười vui sướng, không phải vì ông không hiểu tôi, mà vì ông vẫn buồn cười như thế.
Tôi nhận ra, mãi mãi rằng, những ngày bên ông là những ngày vô cùng hạnh phúc, tôi cũng đã đủ lớn để thay ông làm những việc trong nhà, ông nằm võng quạt nan, tôi nấu cơm, rửa bát, rồi vẫn kỳ lưng cho ông như trước. Chỉ khác là, giờ tôi không hỏi ông câu hỏi năm xưa nữa, vì tôi biết ông vẫn yêu tôi như ngày xưa cơ mà…

Mùa thu, rồi sang đông.
Mùa đông năm ấy, cũng là cái ngày tôi biết chắc rằng, tôi yêu ông nội nhiều đến nhường nào.
Đêm hôm ấy, trời lạnh buốt, tôi đi chơi, ngồi uống rượu xuông, đại học mà, rượu chè ghê gớm lắm. Tôi nói bố mẹ tôi đi học buổi tối, nên chẳng ai buồn gọi cho tôi hay, sự việc ở nhà ghê gớm lắm...
11 giờ tôi về, nhà im lìm, chỉ còn mỗi chị gái, chị bảo ông nội ốm, bố mẹ về quê ngay từ tối rồi. Tôi sững người, như vậy là ông ốm nặng lắm, tôi rũ bỏ hết hơi men, tôi gọi điện cho mẹ, mẹ chỉ nói ông ốm, ông đang ngủ, tôi muốn được bên ông, tôi lo lắng, nước mắt lưng chừng. Tôi đứng ở cửa, chỉ muốn con đường ngoài kia thu nhỏ lại, để tôi lên xe máy đi hơn trăm cây số về với ông nội ngay trong đêm…
Đêm hôm ấy, tôi thiếp đi trong sự ân hận và nước mắt ròng ròng… Quả thực ông bệnh nặng lắm, sáng sớm đó, ông hôn mê sâu, bố mẹ phải đưa ông lên bệnh viện ngay trong đêm. Bác sĩ thông báo rằng, ông bị tiểu đường, nồng độ đường trong máu của ông đã cao gấp cả chục lần so với người bình thường, là nguy kịch lắm…. Tôi tỉnh dậy và tưởng rằng tôi sắp mất ông. Tôi vào bệnh viện, kế bên giường bệnh của ông, ông hôn mê sâu, mắt nhắm chặt… giá như ông nói được, tôi muốn hỏi ông “Ông có yêu cháu không?”…

1 tháng trời ông nằm viện, mùa đông giá rét, tôi bên ông ngày qua đêm, đêm rồi lại ngày. Đêm đêm, tôi ngủ rất muộn, vì muốn ông ngủ thật say, tôi lại đi lang thang, hành lang bệnh viện Huyết Học, nho nhỏ, lành lạnh, lặng lẽ, tôi nghĩ nhiều điều, giờ chẳng thể nhớ rõ những ý nghĩ ấy nữa.
Ông khỏe dần trở lại trong sự vui mừng, xúc động không thể tả nổi của tất cả mọi người, từ ba mẹ, các bác, anh chị, tới cả những bệnh nhân, bác sĩ xung quanh. Ông lại vui, lại cười khi nhìn thấy tôi. Bụng ông vẫn to, dù đã bé đi nhiều và chỉ bằng nửa bụng tôi thôi, nhưng ông vẫn thì thầm với tôi “Ông them ăn lạc luộc, uống red bull”, tôi không chịu nghe theo ông, vì những món đó nguy hiểm cho bệnh nhân tiểu đường, ông cứ nằng nặc, khổ thật đó.

Thời gian sau đó, ông về ở với nhà tôi một thời gian, đã rất rất lâu rồi tôi không được ở cùng ông lâu như thế...
Ông không còn khỏe như xưa, nhưng mỗi sáng, từ 6 giờ hơn, ông đã đánh thức tôi dậy, ông lột chăn, cù chân, nếu tôi vẫn chưa dậy, ông sẽ mở ngăn kéo của tôi, lục đồ đạc riêng tư, thế nào cũng khám phá được ối thứ hay ho của tôi, thế là tôi phải dậy, ngăn không cho ông làm như vậy nữa, ông nội tôi buồn cười như vậy đó!
Rồi tôi dìu ông đi dạo, nhiều năm trước, ông nội cõng tôi đi dạo, giờ, tôi lớn thật rồi, tôi không cõng ông, vì ông cũng nặng lắm… Tôi dìu ông đi, qua ánh ban mai sáng xuân chớm lạnh, qua phố phường tấp nập, qua hàng quán thơm lừng đủ món.

Ai ai ở từng con phố cũng nhớ tới ông, vì ông vui tính lắm, gặp ai cũng hỏi chuyện, gặp ai ông cũng cười vui…
Tôi lại nhớ tới một hôm, tôi đi học buổi chiều về, không thấy ông đâu cả, tôi hỏi mẹ, mẹ bảo rằng ông đi cắt tóc, đã 3 tiếng đồng hồ rồi chưa thấy về. Tôi lại thấy lo, tôi chạy ngay ra cửa hiệu cắt tóc gần nhà, họ kể tôi rằng ông cắt tóc từ 2 tiếng trước, ông đi ra chợ chơi rồi hay sao đó, thế là tôi lại cất công tìm ông. Ông ngồi hang trà đá, tán gẫu cùng mọi người, ai ông cũng nói chuyện, thấy tôi ông lại cười tít, tôi cũng vậy, mà chả dám cười lăn ra đất, ông mới cắt tóc xong, họ cắt cua cho ông, thành ra ông nhìn buồn cười lắm, ông nói với tôi là bảo họ cắt ngắn, họ cứ cắt, bảo như thế cho nó “thanh niên”, ông thấy không sao, tôi thấy buồn cười và vui sướng không sao tả nổi, vì tôi tìm thấy ông, trong ánh mắt ông rạng ngời hạnh phúc.

 Tôi ở cùng ông những tháng ngày tôi tuổi trẻ, tôi ham mê vẽ vời, ông nằm nghe radio, tôi ngồi kế bên, trong phòng nhỏ, vẽ những tranh nhỏ, tranh to. Ông khác bố tôi rất nhiều, bố chưa bao giờ khen tranh tôi, mà thực ra là chẳng bao giờ thèm nhìn vào tranh tôi vẽ, ông thì lại khác, ông xem, xem rất lâu, rồi cười, ông nói tôi cứ vẽ đi, vẽ thì tâm hồn mới thanh thản, nhưng đừng bỏ bê học hành, bố tôi sẽ giận lắm. Ông luôn quan tâm tới những thói quen của tôi, ông biết tôi hút thuốc, ông khen, tôi hút thuốc nhìn… lãng tử đấy, nhưng đừng hút nhiều, không tốt đâu. Tôi nghe lời ông, từ những điều nhỏ nhất…


Cứ thế thời gian lại trôi, tôi cứ lớn, cứ trưởng thành thêm, ông lại già đi, già đi chút ít, chút nhiều. Những kỷ niệm vui, nho nhỏ, lại nối tiếp nhau…
Đâu đó, tôi nhận ra những điều thật lớn lao từ ông để lại trong con người tôi, tôi biết rằng không có ai trên đời dậy cho tôi nhiều điều như ông, có những khi tôi từng nghĩ, tôi còn trên cõi đời này là vì ông, vì muốn trưởng thành hơn nữa để nhìn thấy mãi nụ cười của ông.

Tôi không biết câu truyện này… bao giờ sẽ kết thúc. Đó là điều tôi sợ hãi nhất của cuộc đời nhỏ nhoi này!
Tôi vẫn nhớ mãi, những điều ông khuyên răn, chỉ bảo mỗi khi tôi vấp ngã, đâu đó ngoài những chuyện để tôi cười vui, là những điều ông cho tôi biết, để trở thành một người đàn ông tốt, một người cha tốt, một người ông nội tuyệt vời. Những điều tôi cứ nhớ mãi, nhớ mãi, dù cuộc đời chỉ nhỏ nhoi thôi, nhưng những điều ấy… ở trong tôi mãi mãi.




.............Tối nay mưa lạnh quá, Hà Nội buồnnnnnnnnnn.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.02.2012 00:18:34 bởi Họa__Tr >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9