Truyện Ngắn của KIỀU GIANG
Kiều Giang 01.02.2012 15:12:44 (permalink)
  KHỐI U UNG THƯ




       Truyện ngắn của KIỀU GIANG                               


Tôi cũng không nhớ nổi cái khối u quái ác đó đã hiện hữu trong tôi từ bao giờ. Nhưng chắc chắn một điều phải là từ ngày tôi đã trở thành vinh hoa phú quý, ăn uống dư thừa, đỏ da thắm thịt,có bơ có sữa, có rượu ngon gái đep suốt sáng thâu đêm , có áo mão xênh xang, lên xe xuống ngựa, có nhà cao cửa rộng, có tôi tớ đầy nhà, có kẻ hầu người hạ, và nhất là có cả một đám quan quân như quỷ sa tăng sai đâu đánh đấy, luôn trung thành tuyệt đối với tôi, vì áo mão cân đai được tôi ban phát, không bao giờ cạn, bổng lộc, quyền uy thọ hưởng không bao giờ dứt...

     Bây giờ ngồi đây, mang cái khối u đã già, di căn khắp người, cả xác thân rã rời......Tôi nhớ lại cái ngày xưa, khi còn là một gã thư sinh khố rách, da bọc xương,bữa sắn bữa khoai,măng rau cháo bẹ, vợ tôi thì cằn cỗi khẳng khiu, mấy đứa con òi ọp rách nát, làng trên xóm dưới xơ xác tiêu điều . Một đêm nọ , vợ thỏ thẻ bên tai tôi : “ Mình à, em nghe nói ở bên Tây Thiên gì đó , có một đạo sĩ nhập định đã suốt mấy mươi năm, có tài hô phong hoán vũ , cải tử hoàn sinh ,mình hãy mau tìm đến ngài thỉnh sách cầu kinh đem về khổ luyện , may mà tìm được con đường có thể giúp cho gia đình cùng bà con xóm giềng và cả quê hương mình thoát khỏi cái đói nghèo bệnh tật đã đeo đẳng ta từ kiếp này qua kiếp khác”.
 Nghe theo lời nàng, từ giả xóm thôn, từ giả quê hương khổ đau , tôi khăn gói lên đường , quyết tâm tầm thầy học đạo, mong có ngày đem cái sở học mà cứu nước giúp đời.
Đường đến Tây Thiên đầy gian lao vất vả , mưa dầm nắng lửa, đêm lạnh buốt thấu xương, ngày nóng như thiêu đốt, đói chẳng cơm ăn ,khát không nước uống. Nhưng rồi một ngày kia , sau gần một tháng vật lộn với tử thần, tôi cũng đã đến được Tây Thiên Sơn , một trong năm ngọn núi cao nhất của Tây Thiên, sừng sững giữa trời như muốn chọc thủng mấy tầng mây xanh .Khi mặt trời vừa lách qua khỏi cái khe núi sương tuyết còn phủ mờ ở phía đàng đông, ngước nhìn lên đỉnh Thiên Sơn , giữa lưng chừng trời, tôi nhác thấy, sau lớp mây thưa, là một vùng cây lá um tùm xanh thẳm ẩn trong bảy sắc cầu vồng sau một cơn mưa nhẹ. Quả là chốn bồng lai tiên cảnh như trong hoài niệm tuổi thơ tôi.Tôi mừng quýnh, hơi thở hổn hển, cố lê bước chân nặng nhọc về phía khoảnh rừng đầy cuốn hút kia. Mới vừa tiếp cận với bìa rừng, tôi đã được thưởng thức một khúc  nhạc rừng kỳ ảo hòa quệnh muôn âm sắc của thiên thai. Bầy chim rừng, không hiểu vì sao , bỗng dưng sà đậu trên vai tôi như một cử chỉ thân thiện rồi vụt bay đi , mất hút vào rừng, gửi lại một thứ âm thanh huyền diệu.Rồi những con thú dáng vẻ hiền lành ,như đã được ai đó dạy bảo cẩn thận, lần lượt đi qua và cúi chào tôi, tỏ vẻ vui mừng, vì có lẽ lâu lắm chúng mới có dịp đón người khách lạ. Tôi phơi phới tiến theo đàn thú về phía tịnh cốc, nơi theo làn gió bốc ra mùi hương trầm thoang thoảng . Bỗng tôi giật thót,vì có giọng nói đầy nội lực phát ra từ phía cửa hang:
-Nhà ngươi là ai, ở đâu ,vì sao phải gian lao vất vả tìm đến nơi thâm sơn cùng cốc này ?        
Nghe giọng nói vừa uy nghiêm vừa lạnh lùng, cũng chẳng mấy thân thiện, tôi run lên vì lo sợ, nhưng lại cũng vừa mừng trong lòng , vì cuối cùng thì tôi cũng nghe được tiếng người, đó là một sự thèm khát chỉ sau cái đói, cái rét,trong một tháng trời tôi phải làm bạn với núi cao hố thẳm , hang hùm miệng sói, tôi vội quỳ xuống, mắt hướng về tịnh cốc:
-Bạch Đạo sư, con, người nước Đại Ngu, ở miền Đông  Thiên nghèo khó.  Liền mấy năm nay, quê hương con bão lũ triền miên, mất mùa đói kém, giặc giã nổi lên như ong, xóm thôn xơ xác tiêu điều, quan quân thi nhau vơ vét của dân, tiếng oán than ngút trời dậy đất, thấm vào hang cùng ngõ hẻm. Được nghe Đại Sư là bậc cao thâm đắc đạo, con xin được đến đây thỉnh giáo nghe kinh. Kính xin Đại sư xót thương, không chê kẻ hèn này là người phàm tục, truyền dạy đạo pháp, để con đem về truyền lại cho đồng bào con, mong có ngày đất nước con thoát khỏi cảnh lầm than cơ cực!
  -ĐẠO có trong khắp đất trời và trong mỗi con người, hà tất nhà ngươi phải đến tận nơi này để tìm ta?
-Bạch Thầy, quê hương con cũng có nhiều đạo giáo, nhưng hoàn cảnh hiện nay, chẳng còn linh nghiệm gì. Hơn nữa chẳng có ai dẫn dắt con vào con đường tu nghiệm ấy. Xin Thầy hãy chỉ cho con đường đến Đạo Pháp của Thầy-“Tận kỳ tâm,tắc tri kỳ tính. Tri kỳ tính tắc tri Thiên.” Trước hết phải đi vào lòng ngươi, sau đó hãy đi vào lòng nhân dân ngươi, đó là con đường cho ngươi và cho đồng bào ngươi bây giờ đó.
Những lời của Đạo Sư nói thì tôi cũng đã nghe, nhưng nó mơ hồ quá, tôi không thể nào hiểu được và chẳng thể nào áp dụng được cho hoàn cảnh hiện tại của quê hương .Tôi nài nỉ:
-Xin đại sư xót thương! Con đã không cần đến mạng sống, lặn lội ngày đêm, nay đến được nơi này, nếu thầy không ban ơn chỉ giáo, thì con nguyện bỏ thây nơi này chứ không về nữa. Không gian và thời gian như tan vào hư vô, núi rừng chìm vào im lặng, con người như chẳng còn hiện hữu trong thế gian này... Sau một khoảng lặng rất lâu, tôi vẫn quỳ chờ đợi. Đột ngột,một giọng trầm ấm vang ra từ thạch động:
-Người thiện tâm áo rách kia, đã từ lâu ta không muốn nhận môn đồ, vì Đạo pháp mênh mông, huyền năng biến hóa khôn lường, trên đời này mấy ai lĩnh nghiệm được, chỉ toàn là ngộ nhận, rồi đem Đạo Pháp vùi chôn vào hố sâu của tội lỗi, gieo rắc khổ ải cho muôn dân. Đạo của ta hôm nay chưa chắc đã đúng với đất trời ngày mai, làm sao ta truyền cho ngươi Đạo của ta bây giờ? Biết đâu đây sẽ là mầm mống của  Thống khổ và tội ác mai sau! 
- Thưa Thầy , con một lòng thỉnh giáo Đạo pháp của Thầy.
Vị Đạo Sư lại tiếp :
-Nhưng có lẽ cũng không ai vượt ra khỏi ý trời, hôm nay ta đành phải nhận ngươi làm môn đồ đầu tiên và cũng là cuối cùng của ta, mong rằng sau này ngươi phải thuận thiên mà hành đạo, nhất nhất phải tuân theo luật hiếu sinh của đất trời, thương xót muôn dân, gọt giũa cái tôi cho thật trinh bạch, tránh xa mùi phú quý lợi danh, kéo bè kéo đảng, tranh giành quyền lực, giết hại lê dân , nếu không thì Đạo của ta sẽ có tác dụng ngược lại, gậy ông lại đập lưng ông,khi đó không những muôn dân sẽ thống khổ mà chính cái thân của ngươi sẽ uổng công bao năm tu luyện với ta, cuối cùng cũng chẳng giữ được nắm xương tàn của ngươi đâu, hãy nghe cho kỹ, kẻo sau này bảo rằng sao ta không dặn trước.
Nghe những lời răn ấy lòng tôi như sáng ra, thân tôi run lên cầm cập, nỗi vui mừng không tả xiết . Tôi lâm râm khấn nguyện: "Thầy ơi, người là cứu tinh cho linh hồn mông muội của con,Đạo pháp của Người là con đường sáng cho quê hương con. Con mãi mãi ghi nhớ lời thầy, xin thầy nhận nơi con ba lạy này”
-Ngươi, hãy đứng lên, vào trong thay đổi y phục, tắm gội cho thanh sạch, để rồi ngày ngày kinh sách , thức sớm ngủ khuya, không được trễ nải .  Từ đây ngươi phải làm quen với màu muối dưa kham khổ, quên đi mùi thịt cá nem chả cao sang, nệm êm chăn ấm,trong băng tuyết không thấy lạnh,lửa hạ thiêu đốt không thấy nóng. Hãy luyện cái tâm sao cho đàn hát xênh xang không thấy vui,lên xe xuống ngựa không thấy sang,phú quý vinh hoa không làm mờ mắt,áo mão cân đai không thấy đẹp, những lời nịnh hót chính là liều thuốc độc bọc đường,rượu ngon gái đẹp là địa ngục giữa thiên đường , võng lọng cao sang là mùi hương của cõi chết. Thất bại không được chán nản, thành công rồi không được khoác lác kiêu căng. Có như thế ngươi mới có thể mon men vào chánh đạo.
- Bẩm Thầy, con xin ghi lòng tạc dạ!
 Kể từ đây, ngày ngày tôi miệt mài kinh sách, đêm đêm thầy tôi tĩnh tọa như một vị thánh sống,mắt nhắm nghiền, chìm sâu vào quán tưởng, không còn để ý gì đến sự vật chung quanh, đi vào cõi mênh mông của tâm thức, giảng cho tôi nghe lẽ Đạo lẽ Đời, Đời trong Đạo và Đạo trong Đời. Phải lấy Đạo mà soi sáng cho Đời, lấy Đời trùng tu cho Đạo, Đạo với Đời chỉ còn là Một.Đời mà không có Đạo thì Đời sẽ đi vào cõi mê lầm lạc, Đạo không có Đời sẽ không tưởng viễn vông. Có như thế Đạo mới dựa vào cái Sinh cái Động của đời mà trở nên vi diệu, còn Đời dựa vào Đạo để bớt lầm lạc vô minh, tâm cho thiện, trí mới sáng, thì Đạo mới mong cứu người giúp đời.Nhà chính trị cũng phải vừa là bậc chân tu, luôn luôn hun đúc lòng nhân. Nhân, trí ,dũng không thể thiếu một. Thầy tôi thao thao bất tuyệt còn tôi như chìm say vào lời khải thị của Người.  
Năm tháng cứ trôi đi, ngày đêm chìm vào kinh sách làm cho khái niệm về thời gian mờ nhạt dần trong tâm thức tôi. Một hôm thầy tôi gọi tôi lại gần và ân cần bảo:

  -Thế là đã hơn mười năm trôi qua,con đã theo ta học Đạo. Đạo pháp thì vô cùng, nhưng đời người lại có hạn và mục đích của con lên đây là tìm con đường cứu khổ giúp đời. Tuy là con chưa đạt được đỉnh cao của Đạo Pháp, nhưng lòng con cũng đã vững, con có thể quay về quê hương , kẻo ý nguyện của con không còn đủ thời gian để thực hiện. Điều cuối cùng ta muốn dặn con là Đạo của ta không phải là một thứ tôn giáo, vì theo ta, tôn giáo nếu bị lợi dụng thì chỉ  đưa nhân dân vào con đường mông muội. Ta không phải là Giáo Hoàng. Sau khi con trở về quê, một thời gian nữa ta cũng xuống núi để hoằng hóa đạo pháp, đưa học thuyết của ta vào lòng nhân loại, biến thế giới thành thiên đường nơi trần thế . Ta phải thực hiện cho được ước nguyện đại đồng của ta.
-Bạch Thầy, Kinh sách của thầy đã đi vào tim con . Chúng ta đi theo con đường của David Hume , Copernic , Galilei . Từ vụ nổ vũ trụ hàng tỷ năm về trước , sự hình thành  thế giới này cũng chỉ là vật chất, từ vật chất mà ra, và cuối cùng cũng về lại vật chất. Lịch sử loài người là một lịch sử đấu tranh cho miếng ăn vì miếng ăn , ngoài ra chẳng còn gì nữa !   
 Ngay hôm sau , lưu luyến chia tay với Thầy, tôi trở về quê hương , trên vai trĩu nặng một gánh kinh thư do thầy truyền dạy,mà tôi tin rằng nhờ đó mà tôi có thể làm thay đổi bộ mặt điêu tàn của đất nước tôi.
Từ trên đỉnh Tây Thiên sơn, nhìn về hướng mặt trời, quê hương tôi như chìm trong sương mù . Những đỉnh núi chập chùng nhấp nhô giữa những tầng mây, cho tôi có cái cảm giác như mình không còn ở nơi cõi tục. Giá như không có vợ con, xóm làng, tổ quốc, thì tôi xin được ở lại với thầy, sớm hôm với muối dưa,áo vải , với núi rừng quanh năm tuyết phủ , để rồi một ngày kia quên đi cả chính mình . Nhưng bây giờ ,  khoảng đất trời  bao la kia lại là nơi tôi phải đến, bao nhiêu nỗi khổ của trần gian là nơi tôi phải gặp, bao cay đắng bất công của cuộc đời là nhiệm vụ mà tôi phải đem cái sở học của mình để giải quyết.Ôi, trần gian hàm chứa bao nỗi oan khiên , cái vòng quay tử sinh nghiệp chướng luân hồi kia, biết bao giờ con người mới thoát ra được ?         
 Và ngày ấy tôi đã trở lại quê hương.
 Khi tôi về đến làng thì mọi việc ở đây đã thay đổi quá nhiều . Vợ tôi, người ta nói đã qua đời sau một năm từ khi tôi từ giã nàng lên đường học đạo, các con tôi chẳng biết bây giờ lưu lạc phương trời nào, trai tráng trong làng hoặc bị bắt đi lính hoặc đã chết vì đói rét bệnh tật.Tôi hoang mang đến cùng cực, nhưng nghĩ đến mười năm phải lìa xa vợ con, lên đường tầm đạo, mà bây giờ về đây, cha mất con , chồng mất vợ, mất người thân, xơ xác xóm làng, tôi gượng dậy, quyết phải làm một điều gì đó để trả nợ cho cha mẹ tôi, cho người vợ hiền chắt chiu từng xu khuyên tôi lên đường học đạo, cho mười năm khổ luyện với thầy tôi nơi thâm sơn cùng cốc.     
Sau một thời gian sống trong cái chòi hoang mục nát, ẩm mốc, hôi thối,  giã từ hương linh của vợ hiền , hành trang lên vai, tôi hướng về phía kinh thành. Đường đến kinh đô nước Đại Ngu  như đi trên những lưỡi dao, một bên là địa ngục còn bên kia là thiên đường . Bên những thôn xóm xác xơ,  không có lấy một tiếng gà gáy chó sủa, dẫu mùa này là mùa gặt hái thu đông , nhưng những đàn cò vẫn cao tít tầng xanh, vì chúng biết rằng chẳng có gì cho cái dạ dày trống rỗng của chúng khi đậu xuống cánh đồng lạnh lẽo trống hươ . Trái lại, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những dinh thự nguy nga, từ xa đã nghe những tiếng đàn ca hát xướng suốt sáng thâu đêm, những tiếng cười của sự sung túc dư dật.
Tôi đánh liều bước đến trước mặt mấy tên lính canh ,biết chúng là một bọn kiêu binh, được triều đình nuông chìu, để chúng bảo vệ ngai vàng mục nát, chúng có thể giết bất cứ ai mà chúng không ưa, nên tôi vội đặt quang gánh xuống đất và quỳ mọp:
-Bẩm quan lớn, kẻ tiện dân xin quan lớn cho thưa chút việc!
Tên đứng gần tôi nhìn bạn hắn cười, rồi quay lại :

-Nhà ngươi muốn nói gì ?
  -Nghe nói Hoàng Thượng xuống chiếu chiêu hiền để tìm người tài đức giúp vua trị nước, xin quan lớn cho phép tiện dân được vào trong để bày tỏ gan ruột cùng bá quan và hoàng thượng.
 Nghe chưa hết câu, bọn chúng đã nổi lên một tràng cười dài rồi nghiêm sắc mặt:
- Tướng tá nhà ngươi đi theo ta vác giáo còn chưa chắc đã được, mà dám đòi giúp vua trị nước! Đúng là cóc muốn leo cột đình?
 Biết là có lạy lục xin xỏ với chúng cũng vô ích. Nhớ lại ngày lên đường đi Tây Thiên, vợ cầm tay nhét cho năm quan tiền làm lộ phí, chịu đói khát suốt dọc đường, còn lại ba quan, tôi nghĩ chỉ còn cách đút lót cho chúng. Tôi lấy mấy quan tiền cuối cùng còn sót lại và phân trần:
-Bẩm quan! Kẻ bần đinh chỉ còn sót lại hai quan tiền , xin quan lớn cầm  để nhấp chén trà nhạt mà chiếu cố đến cái thân hèn này.
 Bọn chúng thấy tôi xơ xác tiều tụy, biết có vòi thêm cũng chẳng có, một đứa đưa tay giật cái túi vải nâu cất giấu lâu ngày đã trở thành màu đen, rồi hất hàm:
-Đi đi . Nhưng hãy cẩn thận cái thân già của ngươi, quan trường là chốn hang hùm miệng sói, chẳng phải là nơi thôn dã quê mùa mà ngươi có thể ung dung ra vào.

Tôi mừng quýnh , cúi gập người chào mấy tên lính rồi bước thẳng về hướng đại nội, chờ một thời gian khá lâu để tên nha dịch bẩm báo. Một lúc sau, hắn trở lại cho biết tôi phải ra nghỉ ở dịch xá chờ 3 ngày để quan thượng thư bộ lễ  thẩm xét  quyết định .
Tôi chọn bộ quần áo đẹp nhất để diện kiến đức vua nhưng cũng chỉ là đồ cũ nát được giặt sạch lại thôi. Trước mặt bá quan áo mão cân đai sáng rực, tôi rụt rè bước vào nội điện và quỳ xuống mà đầu gối vẫn còn run:
  -Kẻ tiện dân bái kiến hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế - vạn vạn tuế
-Kẻ hàn sĩ kia, hôm nay ngươi đến đây có gì để giúp ta?
-Bẩm bệ hạ. Đó là kế sách an dân - hưng quốc . Thưa bệ hạ
-Kế sách của nhà ngươi như thế nào?
-Tâu bệ hạ, trước hết phải an dân . Chính sách An dân nói ra  dài dòng nhưng có thể tóm tắt thành bốn ý, là làm cho dân no, dân tin , dân theo và dân xây dựng bảo vệ đất nước. Muốn an dân trước hết phải có quan thanh liêm, biết lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân, phép nước phải nghiêm minh, đã phạm luật thì quan cũng xử như dân, phải thấm câu  "thượng chính hạ nghiêm, thượng bất chính hạ tắc loạn”, dân nổi loạn chống lại triều đình, cái gốc là do quan chứ không phải do dân. Dù xây bao nhiêu nhà tù cũng không chứa hết lòng oán hận của nhân dân…
-Kẻ hàn sĩ kia ,như vậy chẳng hóa ra nhà ngươi cho rằng bá quan triều thần ta là không liêm khiết chăng ?Ngươi hãy giữ lấy cái đầu của ngươi đó.
-Bẩm Bệ hạ,Tiện dân không hề dám mạo phạm như vậy, ở đây tiện dân chỉ bẩm tâu kế sách mà thôi, kính xin Bệ hạ mở lượng hải hà anh minh soi xét.
-Thôi, ta tạm cho ngươi gửi cái đầu trên cổ, bây giờ ngươi thử nói đến việc hưng quốc ?
-Bẩm Bệ hạ, nếu an được dân , tắc hưng được quốc. Ngày nay hưng quốc cái cơ bản là phải phát triển kinh tế, tạo ra nhiều của cải cho đất nước, mở rộng giao thương với nước ngoài, trao đổi hàng hóa, làm cho đất nước ngày càng giàu . Cần coi trọng giáo dục , phải minh minh đức, phải tân dân , dân trí phải cao, phá bỏ tập tục hủ lậu...và...
-Còn tín ngưỡng và tôn giáo thì sao?
-Muôn tâu bệ hạ, thầy con dạy rằng tôn giáo là sản phẩm của trí tưởng tượng của những kẻ yếm thế hoặc của những kẻ dư dật muốn được sùng bái tạo ra , để mê hoặc nhân dân , là liều thuốc an thần cho những ai không chịu đựng nổi với sự thống khổ của kiếp nhân sinh .  Trước mắt ta chưa triệt bỏ được nhưng dần dần cần phải đưa tôn giáo ra khỏi  xã hội  văn minh…Đình miếu , chùa chiền dần dần sẽ phải biến mất trong xã hội ta .Bệ hạ đã thấy ngay từ thời nhà Lê , Vương phi Ngọc Giao bị kết tội chết chỉ vì soát thấy trong phòng bà có tượng Phật đó sao ?Nói chung, tôn giáo là phản khoa học . Triết lý của các tôn giáo tồn tại trên đất nước ta và cả thế giới phải được thay thế bằng một nền triết lý khoa học.
-Thế còn Khổng giáo mà bao đời nay nó là nền tảng cho ngai vàng của ta thì ngươi nghĩ thế nào?
  -Bẩm Hoàng Thượng, Đạo Khổng có chỗ còn dùng được nên ta chưa vội xét đến, hơn nữa nó đã in quá sâu trong lòng dân tộc ta, bây giờ không tách bỏ được . Triết lý là nền tảng của tư tưởng ,tư tưởng là nền tảng của văn hóa . Triết lý Khổng Mạnh đã đi vào mạch máu văn hóa của nhân dân  ta .Bây giờ muốn giảm bớt ảnh hưởng của Nho giáo trong nền văn hóa của ta, chỉ còn cách là hình thành một tư tưởng triết lý mới có đủ sức đẩy lùi triết lý Khổng Mạnh ra khỏi nền văn hóa Nho giáo của dân tộc hiện nay.
Có lẽ  cũng đã mỏi mệt, cuối cùng đức vua phán:
-Người hàn sĩ kia, những lý thuyết của ngươi nghe dài dòng quá, phải có thời gian để các quan bàn bạc, trình tấu với trẫm , sau đó mới biết có thu dụng được hay không ? Nay trẫm giao cho bộ lễ lo chỗ ăn ở cho ngươi chờ chiếu chỉ của  trẫm. Truyền bãi triều.   
   Hơn hai mươi năm , triều đình dùng sách lược an dân - hưng quốc của tôi, đời sống của nhân dân  đã  thay đổi rõ rệt. Từ triều  đình đến quan lại các cấp đều giàu nhanh bất ngờ và đầy mờ ám.  Chúng lao vào kiếm tiền với bất kỳ những thủ đoạn nào dù là tàn bạo nhất. Tôn giáo giờ đây cũng trở thành món hàng trao đổi giữa thần linh và con người .Chúa đã chết. Phật đã chết. Hoặc nếu còn sống thì cũng chỉ sống chung với quyền lực, dối gian và tội ác, cùng với lớp người cùng khổ mê tín dị đoan cầu xin được thoát khỏi cái địa ngục của trần gian . Con người đã bước vào con đường vong thân và sa đọa cùng cực. Quan lại và những kẻ nhiều tiền lao vào những cuộc đỏ đen ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Quyền uy , tiền bạc , rượu ngon gái đẹp, ngựa xe, ruộng đất ao vườn là mục tiêu , là vinh quang là tự hào của đời người. Tất cả các giá trị đều đã được vật hóa.
   Những căn cơ của Đạo Pháp thầy tôi truyền dạy thì tôi đã đem áp dụng triệt để. Không biết tôi còn thiếu sót ở chỗ nào mà giờ đây, dù có đem lại chút tiến bộ về vật chất cho đất nước, nhưng xã hội lại đi vào con đường sa đọa tối tăm, con người đã mất hết lương tri, nhân tính ,tình người trở thành mong manh mờ ảo, đồng tiền là  thước đo của mọi giá trị? Hay đây là vấn đề của thời gian, thời gian vừa là nền tảng ,chứng nhân của lịch sử vừa là dòng sông cuốn cho lịch sử trôi đi, ai không chạy theo kịp với thời gian thì đành phải bơ vơ bên bờ lịch sử . Chẳng lẽ Đạo pháp của thầy tôi đã lỗi thời, chẳng còn thích hợp với xã hội loài người ngày nay nữa hay sao ?Giờ đây nỗi bâng khuâng ấy không bao giờ dứt trong tôi. “Bên nây dãy Py-rê-nê là chân lý, bên kia là sai lầm”. Chẳng lẽ thầy tôi đã sớm đi về bên kia của dãy Py-rê-nê? “Thầy ơi, Đạo Pháp của thầy chẳng đuổi kịp với thời gian?Cái chính sách an dân – hưng quốc lâu nay con vẫn tự hào ngày  nay coi như đã phá sản!”. Tôi rên rỉ .Cái chức quan hành khiển bộ công của tôi giờ đây đã biến thành cái thòng lọng , mỗi ngày càng siết chặt vào cổ tôi.    Vòng quẩn quanh vừa phúc đức vừa tai họa nghiệt ngã ấy cứ bám vào tâm hồn  tôi , không thể nào rũ bỏ được, dù đôi khi, lũ tôi tớ nhố nhăn lố bịch bon phót, làm cho tôi không thể nào chịu nổi, chúng ngợi ca tôi hết lời, chúng cho tôi là một ông quan vĩ đại nhất trần đời, công đức của tôi vĩnh viễn sống với thời gian, sẽ bất tử với non sông đất nước . Và bắt đầu từ con đường đầy đắng cay ấy, cái khối u quái ác nhen nhóm hình thành trong tôi lúc nào tôi chẳng hề hay biết,cho đến một ngày, thầy thuốc phát hiện thì đã quá muộn, vì tôi đã già nua mỏi mệt. Có điều rất kỳ lạ là cái khối u oan nghiệt kia , nó cũng hao hao giống tính nết của tôi. Nó và tôi không ưa gì nhau, nhưng lại cần có nhau, vì có tôi thì nó mới có đất để sống , còn tôi cần nó, như một chứng nhân lịch sử cho sự tồn tại vĩnh viễn với thời gian của tôi .Ôi, thương nhưng mà đau , đau nhưng mà cần,  ôm ấp nhau để tồn tại , sao cái trần gian chật chội này nó trói buộc con người ta, tù đày con người ta, oái oăm đến thế!
Ban đầu cái khối u xuất hiện trong đầu tôi, từng đêm nó tỉ tê với tôi rằng nó vô hại, nó có thể sống chung hòa bình với tôi và còn giúp đỡ ủng hộ tôi nữa, thầy thuốc cũng nói thế, ông cho rằng đó là một khối u bẩm sinh, cái gen của dòng tộc tôi để lại, như một tất mệnh của tôi, lịch sử không cho tôi làm khác được, dần dà, tôi cũng quen đi...Nhưng rồi cái khối u lém lỉnh kia cứ lớn dần. Nó cũng có tất cả mọi bộ phận của một con người, nhưng đặc biệt là nó không có trái tim nó sống bám vào tôi . Nó chẳng yêu thương ai mà chỉ yêu chính nó. Nó chẳng có tha nhân.
Khi khối u lớn dần thì cũng chính là lúc cơ thể tôi mỗi ngày một yếu đi. Khối u đã di căn. Nó sinh con đẻ cháu, lập bè lập đảng, tha hồ đục khoét cơ thể tôi, nó tiêu diệt những tế bào tốt trong tôi, nó biến tôi thành một mảnh đất mầu mỡ cho nó. Bao nhiêu phương thức trị liệu của thầy thuốc đưa ra đều vô hiệu. Bây giờ cả cơ thể tôi đã là của nó. Bộ chỉ huy là khối u to tướng trong đầu tôi và tay chân bộ hạ của nó nằm khắp trong người tôi. Nhưng nó đã không cho tôi chết, vì điều đó có nghĩa là nó cũng chẳng còn đất sống.
     Rồi một hôm, khi tôi đang mơ màng trong giấc ngủ nặng nề, thì khối u  ung thư trong đầu tôi thét lên  rằng: “ Này lão quan già , pháp thuật  mà ông đã hấp thu được nơi vị đạo sĩ bên Tây Thiên Sơn xa xôi kia, công lao mấy mươi năm khổ luyện của ông là một môn pháp có đất mà không có trời , có thân mà không có tâm, có thể xác mà chẳng có linh hồn , làm sao mà chẳng dẫn đến bênh hoạn cho thân ông và  cho xã hội. Cái khối u mà ông và xã hội mang  hiên nay là một tất mệnh của lịch sử không thể xóa bỏ đi được . Bản thân ông bây giờ ông đã bị tẩu hỏa nhập ma , đâu còn con đường nào cứu vãng cho cái thân già của ông. Ông có trách người oán trời cũng chỉ là vô ích”.
Tôi choàng tỉnh, mồ hôi toát ra  toàn thân , ướt cả gối chăn,trước mặt tôi là cái bóng đêm mờ mịt ,âm u...

<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.02.2012 22:04:12 bởi Kiều Giang >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9