RE: Những tháng ngày khó quên
-
09.02.2012 13:42:57
Mười một: Hành quân diễn tập năm thứ nhất
Khi giờ G đã điểm, đơn vị bắt đầu tập trung tại Trung đoàn để thực hiện mệnh lệnh hành quân. Thay vì như những lần hành quân trước, thường hay đi bằng những đường tắt hoặc cổng B để ra ngoài, thì lần này, đơn vị đường hoàng đi ra cổng A, nghĩa là cổng chính của Sư đoàn. Cổng A thì không phải ai cũng có thể ra vào được, kể cả Trung đoàn trưởng. Còn lính thì đừng có mong ra ngoài nếu không có giấy tờ hợp lệ. Cho nên được đi thẳng ra ngoài như vậy quả là điều thú vì. Cũng đúng thôi, chúng tôi đang làm nhiệm vụ mà! Nhiệm vụ lớn trong năm bắt đầu được tiến hành từ lúc đó.
11.1 Chặng đường thứ nhất
Chặng đường thứ nhất sẽ xuất phát từ Sư đoàn thuộc huyện Châu Thành đến huyện Dương Minh Châu, cũng thuộc tỉnh Tây Ninh, giữa hai huyện này sẽ thị xã Tây Ninh. Thị xã thì tôi đã đi nhiều lần để bắn đạn thật trên Núi Bà Đen, nhưng chưa ngang qua Tòa Thánh Tây Ninh bao giờ. Lần này đã được nhìn thấy tận mắt. Có điều lúc đó là buổi tối, không nhìn rõ cảnh vật, cho nên tôi đã không thể miêu tả được cái mình thấy là ra sao. Chỉ nhớ mang máng đó là tòa nhà rất lớn, trang trí theo kiểu cổ, cũng là tất cả những gì tôi cảm nhận được.
Có đoạn đường là vườn cao su, cây cối rậm rạp, che hơn phân nửa bầu trời, khiến ánh trăng và sao chiếu xuống rất hạn chế. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy nhiều cây cao su đến vậy, cảm giác hơi là lạ. Cho đến lúc đó, tôi bắt đầu thích cái cảnh vắng ngắt, không một bóng người qua lại, chỉ có đoàn quân đi âm thầm trong khu rừng tĩnh mịch. Nó gợi cho tôi nhớ lại hình ảnh trong những câu thơ của Tố Hữu học từ thời nhỏ:
Quân đi điệp điệp trùng trùng,
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Thật không ngờ tôi lại được hòa mình vào trong khung cảnh lãng mạn như vậy. Hơn nữa, việc vừa đi vừa ngắm cảnh lãng mạn xung quanh có thể phần nào quên đi cái mệt.
Khi mặt trời sắp sửa ló dạng thì cũng là lúc sắp đến nơi dần chân, nghĩa là sắp kết thúc chặng đường đầu tiên. Con đường đang đi lúc ấy khá nhộn nhịp, dù trời chưa sáng hẳn, và cũng vì thế mà tôi không thể biết đích xác xung quanh có những gì, chỉ cảm thấy hình như là một cái chợ nhỏ. Các loại xe lôi, thậm chí có cả xe ngựa và xe bò chạy trên đoạn đường tráng nhựa ấy để chở hàng hoặc phục vụ các công việc đồng áng. Khi rẽ vào một con đường ít nhộn nhịp hơn thì cũng là nơi bộ đội dừng chân.
Khi đã hạ trại, ăn cơm sáng xong, bộ đội được tự do nghỉ ngơi đến tối. Khi trời bắt đầu khuya thi sẽ tiếp tục hành quân. Thời gian xuất phát sớm hay trễ sẽ được quyết định tùy theo từng đoạn đường dài hay ngắn, miễn là đến nơi dần chân khi trời bắt đầu sáng là được. Vậy là hôm đó bộ đội đã đi được hơn hai mươi lăm cây số.
11.2 Chặng đường thứ hai
Trời vào khuya, đơn vị bắt đầu rút quân và chuẩn bị lên đường. Chặng đường này sẽ đi từ huyện Dương Minh Châu đến huyện Dầu Tiếng thuộc tỉnh Bình Dương. Chặng đường này cũng không thua kém chặng trước, cũng phải trên dưới hai mươi lăm cây số.
Khi bắt đầu đi một quãng không xa nơi đóng quân trước, đơn vị đi qua một cái đập nước lớn nằm trên một con kênh. Tôi không rõ là kênh gì, và đoán mò rằng nó là kênh Tây, là cái kênh mà những lúc đi hành quân rèn luyện thường hay đi qua, cũng có chảy ngang qua khu vực Sư đoàn. Qua khỏi đập nước thì nhiều người nói phía trước là hồ Dầu Tiếng, nhưng cũng phải cách hơn chục cây số. Bộ đội không đi ngang qua đó, mà chỉ nhìn thấy phía trước có một vầng sáng.
Suốt quãng đường còn lại, khi qua khỏi một khuôn viên có vẻ là trung tâm hành chính của địa phương, bao gồm một số gian nhà tựa như trụ sở cộng với công viên cây xanh, thì đường đi còn lại phần lớn là những vườn cao su, với hai bên đều trồng cây cao su tít mù. Lúc này đã bắt đầu đáp chân vào địa phận của huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương. Và cây cao su ở lần này còn nhiều hơn khu vực thấy được hôm trước, nhưng vẫn chưa phải là quá nhiều. Thế mà cũng đủ để che hết phần lớn bầu trời rồi. Quãng đường tiếp theo này di chuyển khá khó khăn vì tầm nhìn phía trước rất hạn chế do không đủ ánh sáng, bộ đội phải bước đi thật thận trọng, tuy tốc độ vẫn không giảm tí nào.
Không biết lần này do tốc độ đi quá nhanh hay đoạn đường ngắn hơn dự kiến, mà khi tới nơi dừng chân rồi thì mặt trời vẫn chưa mọc. Lúc đó chắc là khoảng năm giờ sáng. Phải đến một lúc lâu mới thấy mặt trời ló dạng, trong khi đó mọi người đã tranh thủ ngủ được một giấc rồi.
Nơi dừng chân lần này có vẻ khá hơn huyện Dương Minh Châu một chút, vì chí ít ở đây cũng có một số quán xá để mua sắm; nhưng dù sao vẫn thua xa các thị trấn hay thị xã, bởi đơn giản là muốn mua một tờ báo cũng không được vì không có sạp báo nào để mà mua, còn muốn mua thì phải ra ngoài thị trấn cách đó mười mấy cây số nữa mới có. Dù sao thì tối đến, trước khi hành quân tiếp, bộ đội vẫn có chỗ để ăn uống.
11.3 Chặng đường thứ ba
Chặng đường thứ ba này có vẻ không dài lắm, vì đến rất khuya mới cho nhổ trại lên đường, cho nên tôi đoán là đường ngắn, chỉ độ hơn hai mươi cây số một chút thôi. Và ấn tượng cho đoạn đường này là tối tăm và ngoằn ngoèo. Có đến tám mươi phần trăm đoạn đường này là các lô cao su, không những thế lại là những lô cao su kín mít, che gần hết bầu trời. Có thể nói rằng, so với các lô cao su ở đây, thì các vườn cao su tại chặng đường thứ nhất và chặng đường thứ hai thu xa về độ che phủ của lá cây.
Suốt chặng đường này, nhà dân rất ít, hầu như toàn cây là cây. Mà những tán lá của cây cao su thật kỳ lạ, khi nó phát triển lên thì y như là che kín hết bầu trời, ánh nắng rất khó xuyên qua, đến nỗi ban ngày nếu đi trong các vườn cao su ấy, dù là giữa trưa nắng chói chang thì cũng như đang đi trong cảnh chiều tà vậy. Còn nếu là ban đêm, thì xem như không nhìn thấy cả bàn tay mình nữa. Bộ đội chỉ có thể định hướng bằng cách nhìn và cảm nhận một tí ánh kim yếu ớt có thể toát lên từ các loại cơ chậu hoặc các vật kim loại đeo trên ba lô của người ở phía trước mình mà đi theo. Lợi hại ở chỗ là dù gần như không nhìn thấy gì phía trước, tốc độ di chuyển của bộ đội vẫn không giảm. Tôi thì luôn lo rằng lỡ như vấp phải đá hoặc rơi vào một cái hố hay con mương nào đó thì có nước toi đời. May là điều tôi lo lắng đã không xảy ra.
Hai bên đường thỉnh thoảng có những cái trạm đặt ở dọc đường để công nhân lấy mủ cao su hoặc của người gác trú chân. Ánh đèn lập lòe toát ra từ trong ấy. Nhưng hiếm hoi lắm mới thấy được những trạm đó. Cây cao su rất độc hại, con người rất khó sống và thở bình thường trong vườn cao su, cho nên người ta ít sống trong đó là vậy. Những lô cao su này thường có chiều dài hàng mấy cây số, thậm chí lên đến chục cây, khiến cho vẻ hoang vắng và bí hiểm càng tăng thêm.
Khi đã ra khỏi các lô cao su và bắt đầu thấy các nhà dân lác đác xuất hiện ở hai bên đường, thì nơi dừng chân cũng sắp đến. Trời lúc ấy vẫn chưa sáng hẳn. Chắc là độ năm giờ rưỡi sáng. Nơi dừng chân là một xã nào đó của huyện Bến Cát mà tôi nghe thoáng qua là xã Trừ Văn Thố. Mức sống chỗ này có vẻ không bằng chỗ dừng chân ở chặng đường trước, nhưng vì gần mặt lộ lớn, nên xe cộ qua lại đông đúc hơn, người cũng nhiều hơn, nhưng quán xá vẫn không có nhiều. Được cái ở đây có một quán cơm tấm ăn khá ngon, giá lại rẻ hơn ở thành phố. Có lẽ ấn tượng nhất chỉ là điều này.
Tối hôm đó bộ đội được nghỉ một đêm không phải hành quân, và cả bọn được dịp đi chơi thỏa thích. Mà thật ra thì cũng chẳng có gì chơi, vì ở đó đến quán cà phê còn không có nữa thì làm ăn gì được. Chỉ còn cách đi ngủ sớm. Hôm sau, đơn vị được xả hơi thêm một ngày nữa để đến đêm hành quân tiếp.
11.4 Chặng đường thứ tư
Sau một đêm nghỉ ngơi, sức khỏe của mọi người được hồi phục ít nhiều, ai nấy cũng cảm thấy khỏe ra, sẵn sàng cho chặng đường hành quân tiếp theo này. Nơi dừng chân tiếp theo là địa phận của huyện Phú Giáo cũng thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là chặn đường tương đối ngắn, chỉ độ mười tám cây số, nhưng địa hình được đánh giá là khá phức tạp, trên đó có nhiều đoạn đường không bằng phẳng và khá nhiều đồi dốc.
Nếu như chặng thứ ba có đến tám mươi phần trăm vườn cao su thì chặng đường này hầu hết đều đi trong vườn cao su, nghĩa là có đến trên chín mươi phần trăm vườn cao su trong suốt chặng đường. Tuy nhiên, theo cảm nhận của riêng tôi thì quãng đường này lại không đến nỗi quá tối tăm, chắc có lẽ là do quen dần và đã bắt đầu thích nghi qua hai chặng đường liên tục đi trong các lô cao su.
Đại đội của tôi lần này được đi đầu, và thế là xảy ra một điều thú vị. Đang đi giữa chừng, bỗng có lệnh của Tiểu đoàn truyền lên, bảo là phải ngừng lại. Hoá ra đơn vị tôi đi nhanh quá, đến nỗi các đơn vị Đại đội khác không tài nào theo kịp, bắt buộc phải truyền lệnh tam ngừng di chuyển. Đến lúc đó mới biết là Đại đội chúng tôi đi khỏe đến dường nào, đến nỗi các đơn vị lính cũ cũng không theo kịp được. Lần đi này có thể nói là cắm đầu cắm cổ mà đi, không có thời gian chú ý đến cảnh vật hai bên. Hoặc cũng có thể là vì toàn đi trong các lô cao su, không còn hứng thú cũng như không đủ ánh sáng để ngắm cảnh tối tăm mù mịt nữa, cho nên rất mau chóng đơn vị đã đến nơi cần đóng quân. Chỗ đóng quân này nói chung không phồn hoa lắm, nhưng được cái cũng nằm trên mặt lộ lớn nên xe cộ tương đối nhiều, quán xá thì có vài cái.
Nhà chỗ chúng tôi đóng quân bán bánh ướt và bánh đa nướng, vì vậy bộ đội được ăn thoải mái, đương nhiên là phải trả tiền, nhưng giá vô cùng rẻ. Tôi không nhớ là giá bao nhiêu nữa nhưng nói chung với cùng một giá như khi ăn tại thành phố, thì ở đây được ăn với lượng bánh gần gấp đôi, lại là bánh tươi còn nóng hổi mới ra lò và được chứng kiến tận mắt cách làm bánh. Không biết có phải là nể mặt bộ đội mà cô chủ nhà bán rẻ cho hay không. Trước khi đi, cô chủ nhà còn dọn ra một đĩa bánh đầy để tiễn chân bộ đội (mà tôi không nhớ là có trả tiền hay được ăn miễn phí nữa). Thế là cả bọn chẳng nể nang gì và nhanh chóng làm gọn.
11.5 Chặng đường thứ năm
Từ huyện Phú Giáo, đơn vị sẽ hành quân sang địa phận huyện Tân Uyên, là huyện cuối cùng của tỉnh Bình Dương, nghĩa là giáp ranh với địa phận tỉnh Đồng Nai. Chặng đường này cũng được đánh giá là ngắn nhưng địa hình phức tạp. Chiều dài quãng đường khoảng mười tám đến mười chín cây số. Trong chặng đường này, các lô cao su đã không còn quá rậm rạp và nhiều như ba chặng đường trước nữa. Nhiều lúc đơn vị còn đi vào những con đường có hai bên là các vườn mía hoặc các vườn cây ăn quả khác, nhiều nhất là chuối và nhãn.
Khi đoàn quân đang đi trong các vườn mía thì xảy ra một sự cố. Các trinh sát dẫn đường đi sai hướng, dẫn đơn vị đi lạc vào một ngõ cụt với phía trước là dòng sông. Nếu không kịp thời phát hiện, chắc toàn đơn vị đã rơi xuống sông hết rồi! Sau này mới phát hiện, thật ra đoạn đường đó đã được đơn vị tiền trạm đánh dấu bằng một khúc cây chắn phía trước, nghĩa là thông báo không được đi vào đường này. Thế mà đám trinh sát Tiểu đoàn đã thiếu nghiệp vụ cần thiết để hiểu được việc này, dẫn đến toàn đơn vị suýt nữa là được dịp tắm sông. Sự cố đó làm cho đơn vị mất hết một tiếng đồng hồ oan ức mò mẫm trong đêm. May là hôm đó trăng sáng, nếu không thì còn tệ hơn nữa.
Qua khỏi các vườn chuối và vườn mía thì lại đến các vườn cao su, nhưng như đã nói ở trên, cao su ở đây không rậm rạp lắm và có thể nhìn thấy bầu trời phía trên. Có chỗ thì cao su cũng khá rậm rạp, nhưng chỉ có ở một bên đường, bên đường còn lại thì không trồng cao su mà là nhà dân và các vườn cây ăn quả. Hết lượt cây cao su thì có một dãy nhà dân khá dài, chính là nơi đóng quân tiếp theo của đơn vị. Vậy là các lô cao su ở đây không thể so sánh với các khu vực trước đó mà đơn vị đã đi, nhất là địa phận Bến Cát.
Cho đến lúc đó, tôi mới biết thế nào là vườn cây ăn quả đúng nghĩa. Điều đó chắc chắn sẽ không được thấy ở trung tâm thành phố, thậm chí các vùng ven thành phố cũng chưa chắc nhiều bằng. Nếu như các chặng đường trước cho tôi biết được thế nào là các lô cao su, thì chặng đường này khiến cho tôi mở mang kiến thức về các vườn mía và vườn chuối. Trước giờ tôi chỉ thấy được các vườn cây ăn quả bé xíu, giỏi lắm là một hai hecta, tại các nơi như Hốc Môn hoặc Bình Chánh; còn giờ đây tôi đã thấy được các vườn cây dài đến hàng mấy cây số! Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng ra được khung cảnh như vậy nếu không tận mắt chứng kiến và tự thân đi ngang qua đây. Đi bộ đội cũng có những cái lợi ích riêng chứ, ai nói đi bộ đội là vô ích đâu. Cụ thể là cho đến lúc đó, tôi đã được mở mang tầm nhìn rất nhiều. Thú thật là chỉ với vài chữ viết này, tôi không sao tả hết được khung cảnh thơ mộng mà tôi được chứng kiến lúc đó, chỉ có thể nói là nó rất lạ so với những kiến thức hạn hẹp của tôi.
Vì đã phải quần thảo một thời gian dài trong vườn chuối, nên đơn vị đã đóng quân trễ hơn so với dự kiến. Khi đến nơi thì trời đã rạng hẳn, chắc lúc đó phải đến hơn sáu giờ. Nhà đóng quân của Trung đội tôi trông có vẻ giàu, nhưng chủ nhà thì cực kỳ khó chịu khi đưa ra đủ loại yêu sách; nào là không được sử dụng nhà vệ sinh tùy tiện, nào là không được bậc đèn, bậc quạt. Thật ra những yêu cầu đó cũng không phải là không hợp lý, vì nếu như một đám lính gồm hơn hai chục mạng mà mở cái này cái kia, thì chắc chắn là sau đó người ta phải trả tiền điện đến sạt nghiệp mất thôi. Nhưng bọn này đâu cần suy nghĩ những cái này, chỉ biết là khi anh yêu cầu chúng tôi đủ thứ, chúng tôi sẽ cố tình làm ngược lại cho đỡ tức. Tuy nhiên, chỉ huy đã cấm không cho đám này làm quá mức, vì hơn bao giờ hết, lúc này chính là lúc thực hiện lời thề thứ chín.
Khu vực này chủ yếu làm nghề trồng cây ăn quả. Nhiều nhất là các vườn nhãn. Các cây nhãn được trồng rất nhiều ở vườn sau nhà. Tiếc là lúc đó không nhằm mùa chín vụ nên không có cơ hội nhìn thấy quả nhãn.
Xế chiều, tôi cùng một số người ra dạo chơi một lúc, rồi sau đó quay về trước, thế là xảy ra chuyện. Khi đi thì đi trên đường đất đỏ, khi về cũng đi đúng con đường đó nhưng bỗng nhiên đất dưới chân như nhão ra bất ngờ làm tôi chao đảo và ngập hơn một nửa chân trong đống đất nhão đó mà không sao rút ra được ngay. Rút chân ra được rồi thì chiếc dép bất hạnh đã nằm lại trong đó. Hiểu được tầm quan trọng của dép lê khi đi đường, cho nên bằng mọi giá tôi phải tìm cho được nó và đã moi rất sâu trong đống bầy nhầy đó, và nhờ trời, cuối cùng tôi cũng đã tìm lại được chiếc dép thân yêu của mình. Lại xảy ra một điều phiền toái tiếp theo. Tìm được chiếc dép, ngước đầu lên, chẳng hiểu sao tôi hoàn toàn mất phương hướng, đến nỗi không biết mình đang đứng ở đâu, nên rẽ trái hay rẽ phải mới về được nơi trú quân, giống như bị cái gì đó thôi miên vậy. Tôi cứ đứng ở đó như trời trồng có đến hơn năm phút mà không sao định hướng được. May mà có vài người đồng đội đi ngang qua, vỗ tôi một cái, lúc đó tôi mới tỉnh người và lót tót theo chân những người đó để về nhà. Thú thật tôi không thể hiểu nổi vì sao lại xảy ra một chuyện lạ đời đến như vậy. Lẽ nào vừa cúi xuống nhặt dép lên là mất ngay phương hướng? Tôi không sao lý giải được điều đó, mãi cho đến bây giờ.
Tối đến, chỉ huy thông báo là hôm nay sẽ phải đi sớm, vì đoạn đường tiếp theo được đánh giá là rất phức tạp, sẽ là đoạn đường khó khăn nhất trong tất cả các chặng trước đó và sau này nữa. Nên tranh thủ nghỉ ngơi một chút để đêm đến có thể đủ sức đi tốt. Chúng tôi được cảnh báo rất nhiều về đoạn đường sắp tới này và phải chuẩn bị tinh thần chinh chiến.
11.6 Chặng đường thứ sáu
Đây là chặng đường dài nhất trong tất cả các chặng đường cần phải đi. Bắt đầu từ địa phận huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương đến huyện Vĩnh Cửu thuộc tỉnh Đồng Nai. Giữa hai tỉnh được ngăn cách bởi một con sông lớn. Chiều dài cho chặng đường này khoảng ba mươi bốn cây số. Địa hình đường đi phức tạp, bao gồm cả đường bộ lẫn đường thủy.
Khi mà trời bắt đầu vào đêm thì cũng là lúc mọi người rục rịch lên đường. Giờ xuất phát vào tầm hơn mười hai giờ đêm. Hai bên đường lúc này còn rất ít cây cao su đến mức gần như không có, mà chủ yếu do nhà người ta trồng theo dạng cá thể chứ không theo dạng tập trung.
Đoạn đầu tiên không có gì lạ, cũng là các vườn cây, vườn cao su, lác đác có vài nhà dân. Đến khi gặp một nơi nhà cửa nhìn có vẻ sang trọng, vài tòa nhà trông như cơ quan hay trụ sở, là lúc sắp gặp bến đò. Chuyến vượt sông bắt buộc phải qua đò ngang mà không có lựa chọn khác. Vì đò nhỏ, số lượng hạn chế, từng chuyến đi như vậy chỉ chở được khoảng mười mấy người, còn để chở hết cả Trung đoàn sang sông thì thời gian phải mất đến hai tiếng đồng hồ hoặc hơn. Đơn vị của tôi thì thuộc phần nửa đầu, nên có thể nói là chờ bên này sông một tiếng mới đến lượt, và qua đến bên kia sông thì sẽ có khả năng chờ thêm một tiếng nữa.
Việc vượt sông rất được chú trọng về khâu an toàn. Trước khi lên đò, chỉ huy phải tập trung đơn vị quán triệt một lần cuối, cộng với trước đó đã phổ biến nhiều lần, là bắt buộc phải mặc áo phao, còn súng ống cùng trang bị và ba lô thì ôm sát vào người, việc đi lại trong lúc lên và xuống đò phải hết sức trật tự, không được chen lấn, không được đùa giỡn. Khu vực chuẩn bị bước xuống đò là một cảng nhỏ, đường đi chật hẹp và trơn trượt, vì vậy việc giữ gìn trật tự và đi đứng cẩn thận là tối cần thiết, nếu không muốn bị lọt sông. Đò đưa qua sông là thuyền máy, nhỏ như lòng bàn tay, đúng với nghĩa qua đò ngang. Con sông này tôi không biết tên, chỉ biết là nó vô cùng rộng lớn. Đứng bên bờ này mà không nhìn thấy bên kia bờ. Cũng có thể do đêm hôm khuya khoắt nhìn không rõ cảnh vật, chứ thật ra chưa chắc nó rộng lớn đến vậy, nhưng dù sao nếu sông Sài Gòn tôi biết trước đây đem so với sông này thì cũng chẳng bõ bèn gì. Tôi đoán là sông Đồng Nai.
Vượt hết sông thì chuẩn bị cập bến. Bến đò bên này nhìn cũng tương tự bến đò bên kia. Phía sau bến có vẻ là một cái chợ. Từ đoạn này trở đi thì không còn đi thoải mái như trước nữa, mà phải chạy nhiều hơn là đi, vì toàn đoàn quân bị ngắt khúc quá nhiều, cho nên muốn ráp đội hình thì phải chạy thục mạng mới đuổi kịp bộ phận phía trên. Có lúc đơn vị phải chạy nước rút đến hơn ba bốn trăm mét mới có thể đi bình thường trở lại. Vấn đề vừa chạy vừa đi này diễn ra trong quãng đường cũng hơn năm cây số mới dừng lại để nghỉ và chờ các đơn vị kia hoàn thành việc vượt sông. Thời gian ngừng và chờ đợi đó khá dài, sau cùng đến lúc mặt trời mọc mà vẫn chưa khởi hành tiếp. Mãi một lúc sau mới đi tiếp. Lúc này trời đã rạng hẳn. Lần đầu tiên được đi trong ban ngày, cảm giác hơi khác so với đi trong ban đêm.
Phố xá ở đây tương đối phồn thịnh hơn so với chặng đường trước. Nhà cửa hai bên khá nhiều, cảm giác đây có thể là thị trấn, hoặc tệ lắm cũng là vùng ven thị trấn. Cái người ta thường hay nói là “Ngã ba sung sướng” nghe đâu cũng nằm trong địa phận này, đương nhiên tôi không biết nó ở đâu và cũng không biết vì sao lại có tên gọi như vậy. Lại nghe nói rằng hồ Trị An cũng cách chỗ này không xa, chỉ khoảng vài cây số. Đường lộ ở đây đa phần được tráng nhựa chứ không còn nhiều đường đất đỏ như các nơi trước nữa (tuy nhiên, chỗ đơn vị chuẩn bị đóng quân lại là đường đất đỏ). Phố xá ngăn nắp đẹp đẽ. Bắt đầu thấy xuất hiện các tòa nhà cao hơn hai tầng, mà các chặng đường trước hầu như không thấy.
Mặt trời đã lên khá cao nhưng nơi đóng quân vẫn còn cách đó gần chục cây số. Sự mệt mỏi bắt đầu xuất hiện, giống như cái cảnh tượng khủng khiếp của lần hành quân đầu tiên. Tốc độ di chuyển bị chậm hẳn lại. Có nhiều người đi không nổi, trông vật vã như người vô hồn. Thế mà sau khi xốc lại đội hình, đoàn quân vẫn cứ tiến về phía trước như không có chuyện gì xảy ra vậy. Lúc đó giống như không phải đi bằng sức lực của cơ bắp nữa, mà đi bằng ý chí, bằng sự rèn luyện đã được tích lũy trước giờ. Ngay cả Trung đoàn trưởng cũng đi theo sát đoàn quân để chỉ huy và đồng thời động viên lính tráng.
Cuối cùng, sau bao vất vả, đơn vị đã đến được nơi hạ trại. Lúc đó đã hơn chín giờ sáng. Khu vực này đông đúc và trù phú, trường học chợ búa đầy đủ. Dân ở đây không phải chủ yếu làm vườn mà là làm các loại hình kinh tế khác hoặc chăn nuôi. Có nhà thì nuôi lợn, nhà thì nuôi cá, nuôi tôm, có nhà thì mở xưởng dệt, nói chung là ở đây nhộn nhịp khác hẳn các khu vực trước đó đi qua.
Tối hôm đó, đơn vị được nghỉ một đêm không phải hành quân. Không những thế, Trung đoàn còn tổ chức cho xem phim. Lâu lắm rồi tôi mới được xem lại kiểu chiếu phim lưu động này. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, khu phố tôi ở thường hay tổ chức chiếu phim kiểu lưu động này, nhất là vào những hôm mất điện. Chỉ cần căng một tấm bạt lớn, với một máy chiếu phía sau rọi ánh sáng lên tấm bạt đó, thế là có ngay buổi xem phim thú vị. Bây giờ mới được xem lại kiểu phim đó sau rất nhiều năm. Xem phim xong lại còn la cà quán xá một thời gian nữa mới đi ngủ, nhưng tuyệt đối không được ở ngoài đường quá mười giờ tối, nếu không thì sẽ bị vệ binh bắt và bao điều phiền toái sẽ đến sau đó. Khôn hồn thì đừng có mà chơi bời nhiều, nếu không muốn trong thời gian hành quân lại bị kỷ luật.
Giờ mới biết tất cả những cảnh báo trước kia về chặng đường này là không thừa chút nào. Nó xứng đáng được mọi người lo lắng như vậy. Xét cho cùng, đường đi thì không đến nỗi quá dài, nhưng cái chính là thời gian chờ lâu quá, khiến cho đôi chân của bộ đội bị mất đi sự linh hoạt cần thiết. Nếu như ai chưa đi bộ quen thì chắc không biết được điều này: một khi đã đi một quãng đường đủ dài, tức là khoảng chừng hai cây số, khi ngừng lại rồi đi tiếp, đôi chân sẽ có cảm giác rất đau và bước đi vô cùng khó khăn; đồng thời cảm giác đó tỷ lệ thuận với thời gian ngừng, nghĩa là nếu nghỉ càng lâu thì khi xuất phát trở lại sẽ càng đau hơn và khó khăn hơn, trừ khi nghỉ hẳn một ngày. Cho nên việc dừng lại đến hơn một tiếng đồng hồ như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến đôi chân của bộ đội, dẫn đến việc mệt mỏi hơn mức bình thường cũng là hợp lý. Nhưng khổ nỗi nếu không nghỉ thì sẽ không thể đi tiếp vì kiệt sức. Cho nên, thà đau chân một chút còn hơn là bị vắt kiệt sức.
11.7 Chặng đường thứ bảy
Nếu đã vượt qua được chặng đường thứ sáu rồi thì ba chặng còn lại không còn gì là quá khó nữa. Chặng đường tiếp theo này sẽ đi từ Vĩnh Cửu sang huyện Thống Nhất của tỉnh Đồng Nai, được đánh giá là vừa sức, không dài cũng không ngắn, vào cỡ khoảng hơn hai mươi cây số một chút. Trên đường đi có một số đồi dốc, cũng là điểm đặc trưng của địa hình vùng này.
Rời khỏi chỗ đóng quân, bộ đội bắt đầu tiến vào con đường đất đỏ. Cảnh tượng bây giờ là vườn tiêu, vườn đu đủ. Nhà dân dọc đường thưa thớt hơn chỗ đóng quân trước, nhưng có những vườn cây rất to, và tôi có cảm giác đó là những người gốc Hoa. Tuy nhiên, vì con đường được làm rất cao so với hai bên, cho nên không cảm nhận được hết cảnh quan của các vườn cây xung quanh. Dù các loại cây ấy khá cao nhưng vẫn chỉ có thể thấy được phần ngọn của chúng, còn phần thân cây thì hầu như chỉ thấy thấp thoáng. Tình trạng đó kéo dài cũng gần mười cây số, trước khi rẽ sang một hướng khác.
Hướng đi tiếp theo sau khi rẽ từ bên trong ra là Quốc lộ 1A, nhưng đơn vị chỉ đi có một đoạn rất ngắn, chắc chưa đến hai cây số, sau đó phải rẽ ngay sang một hướng đường nhỏ khác bên trái. Đoạn đường nhỏ không có đèn đường, ánh sáng chủ yếu được hắt ra từ những ngọn đèn nhỏ của một số ít nhà dân xung quanh, nên khung cảnh không được nhộn nhịp cho lắm. Trong đoạn đường nhỏ này cũng có các vườn cây cao su ở hai bên đường, nhưng tán cây cũng như quy mô không thể so sánh với những chỗ như Dầu Tiếng hay Bến Cát được, bằng chứng là vẫn có thể nhìn thấy mặt trăng phía trên đầu. Được cái bây giờ đã đi quen nên không còn cảm giác quá mệt nữa, mà chỉ thấy hơi mệt. Đường đi tuy nhỏ nhưng toàn là đường tráng nhựa, không có đường đất. Càng vào sâu, dân cư càng đông đúc, và đây giống như một thị trấn hơn là một vùng nông thôn hẻo lánh.
Nơi dừng chân của đơn vị là một khu khá thân thiện, hệt như tên xã là Xuân Thiện. Bộ đội được người dân rất quý mến. Khi chúng tôi sắp đến nơi, dân làng ra tận nhà để đón và đối xử với bộ đội hệt như con cháu trong nhà vậy. Khi đi, họ lại ra đưa tiễn rất thân thiết. Vì thế cả dân lẫn quân đều thấy cảm động. Nhà được đơn vị tôi đóng quân cũng vậy. Chủ nhà là một đôi vợ chồng trẻ cùng với một đứa con nhỏ. Họ tiếp đãi chúng tôi rất tử tế, thậm chí còn mời cơm nữa. Tuy nhiên, bộ đội đã từ chối vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình họ, với lại bộ đội cũng có cơm ăn rồi. Điều thú vị nữa là nhà này bán rượu. Gian nhà sau của họ là phòng chưng cất rượu với các dụng cụ nhìn rất vui mắt. Báo hại cho các tay lính, dù thèm rượu đến mức nào cũng không dám động đến, phần vì lệnh cấm uống rượu, phần vì sợ uống rồi sẽ không đủ sức để đi tiếp. Cho nên bọn họ đành phải nén cơn thèm muốn xuống vậy.
Đêm đến, đơn vị nhổ trại và tranh thủ đi sớm. Thế là phải từ biệt các bà con giàu lòng mến khách. Bộ đội ra đi mang theo nhiều quyến luyến và cũng để lại nhiều ấn tượng cho thôn xóm tại đây. Tôi luôn nhớ về đồng bào nơi này mỗi khi nghĩ đến việc hành quân.
11.8 Chặng đường thứ tám
Rời Xuân Thiện huyện Thống Nhất, điểm tiếp theo sẽ là xã Bảo Hòa của huyện Xuân Lộc, là chặng dừng chân cuối cùng. Đường đi không quá phức tạp, cự ly khoảng hai mươi hai đến hai mươi ba cây số. Cuối chặng đường sẽ là Quốc lộ 1A.
Đơn vị quay ra hướng rừng cao su nhỏ đi tiếp sau khi nhổ trại và từ biệt dân làng. Tôi có cảm giác là hình như đang đi ngược lại cái hướng của hôm trước thì phải. Hết lô cao su thì đến một khu phố bao gồm đầy đủ chợ búa và trường học. Tiếc rằng lúc đó là giữa đêm khuya, nếu không thì làm sao cũng thấy được cảnh tượng đông đúc cho mà xem. Theo một số người, đó là một phần của thành phố Biên Hòa. Nhưng tôi cho rằng không phải, vì nếu so sánh địa thế trên bản đồ thì có vẻ không hợp lý lắm khi nói đây là Biên Hòa. Theo tôi, khả năng nó là một thị trấn thì đúng hơn. Tiếc là tôi lại không nhìn kỹ vào các bảng tên địa chỉ trên các cửa hiệu.
Hết đoạn phố trông được một chút thì đi vào một đoạn đường khác nhỏ hơn và trông rất tồi tàn. Đường nhiều ổ gà, không có đèn đường, nhà cửa bình thường nhưng thưa thớt và không có vườn cây, nếu có cũng chỉ là các vườn bé xíu. Đó là đoạn đường tẻ ngắt. May là đoạn đó không dài, chỉ độ một cây số hơn là ra đến một nơi sáng sủa hơn, có nhà có cửa và có các nhà dạng trụ sở cơ quan nữa, vì vậy đèn đường chỗ đó đủ để chiếu sáng con đường.
Đường Quốc lộ 1A đã thấp thoáng phía trước. Kể từ lúc này, đơn vị sẽ di chuyển hoàn toàn trên Quốc lộ mà không đi đường nhỏ nữa. Đi thêm một đoạn cũng áng chừng hai cây số thì ngừng lại và đi vào một con hẻm để hạ trại. Đó là khu vực có người gốc Hoa sinh sống, và nhà đơn vị tôi đóng quân là một nhà như thế. Tuy nhiên tôi lại không thể nghe hiểu tiếng của họ, vì họ nói tiếng Quảng Tây, mà tôi thì không biết tiếng Quảng Tây. Nhưng dù sao khi gặp phải người cùng dân tộc thì cũng mừng lắm rồi. Ở đất Đồng Nai này có rất nhiều người gốc Hoa sinh sống, nhiều nhất là ở Định Quán, và gần như toàn bộ đều là người Quảng Tây.
Chỗ này gần mặt quốc lộ, xe cộ qua lại đông và tốc độ cao, nếu không cẩn thận thì rất dễ xảy ra tai nạn, nhất là lúc băng qua đường. Mà khổ nỗi quán xá chợ búa chủ yếu lại nằm bên kia đường, muốn tới đó chỉ có nước phải băng qua đường. Còn nhu cầu của bộ đội thì vô cùng lớn, cho nên việc cảnh báo về nguy hiểm đã không làm chùn bước họ được. May sao, cuối cùng đã không có gì hối tiếc xảy ra sau đó.
Vì dân ở đây khá kín tiếng, nên tôi không biết được nghề chính của họ là gì. Theo tôi biết, người Hoa ở các nơi gần dốc đồi rải rác trên tỉnh Đồng Nai thường hay làm nghề trồng trọt. Họ thường sở hữu các vườn ngô, tiêu, đu đủ hoặc nhiều loại cây ăn quả khác. Tuy nhiên, chỗ này tôi không quan sát được vườn tược của họ. Chắc là nằm ở đâu đó sâu phía trong chứ không nằm gần mặt lộ, hoặc dân nơi đây không làm nghề trồng trọt mà làm nghề khác cũng nên.
11.9 Chặng đường thứ chín
Chặng đường này là chặng cuối. Từ xã Bảo Hòa đến xã Xuân Tâm có độ dài khoảng hai mươi năm cây số hoặc hơn một chút. Địa hình bằng phẳng và không phức tạp, không sườn dốc vì chỉ đi trên Quốc lộ 1A.
Khi đi trên đường nhựa lớn như vậy, chỉ huy nhắc nhở phải cẩn thận hết sức, người trước bám sát người sau, không được vượt lên trước hay rẽ ngang. Đội hình phải đi sát lề đường, vì ngay bên trái đội hình là lòng đường, xe tải chạy như bay. Khi bước đi thì tinh thần phải tỉnh táo, không được vừa đi vừa ngủ gật, nếu không dễ bị chệch đội hình, dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng.
Hai bên đoạn đường quốc lộ này hầu như rất ít đồng ruộng hoặc vườn tược. Lại là đi vào ban đêm nên càng khó quan sát và nhận biết được. Chỉ có nhà cửa là nhìn thấy rõ hơn một chút. Đèn đường không nhiều, nhưng cũng tương đối đủ sáng. Khung cảnh tối tăm hun hút phía trước làm cho bộ đội dễ bị ngủ gật, cho nên cấp trên mới đưa ra lời nhắc nhở như trên. Có người nói là Ngã ba Dầu Dây cũng nằm trên đoạn đường cần hành quân này. Tôi chưa bao giờ đi qua địa danh này nên mù tịt, không biết là có đúng vậy hay không. Phải nói chính xác hơn là cho đến lúc đó tôi mới nghe tên này lần đầu.
Đi đến chỗ kia có một bảng hiệu lớn, trên ghi là “Quán cơm Thảo Nguyên, cách đây 1999 m” (cái tên thì tôi không nhớ rõ lắm, nên không dám chắc là nhớ đúng hay không, nhưng chiều dài thì chính xác là như vậy). Cũng phải đi đến hơn hai mươi phút đồng hồ mới tới quán cơm. Vậy có thể suy ra tốc hành quân của bộ đội chỉ cao lắm là sáu cây số một giờ, chứ không thể hơn được. Trong lúc đi, bộ đội cứ kháo nhau đủ chuyện nên cũng phần nào vơi đi nỗi mệt. Có điều là mọi người cứ thắc mắc tới lui, chỉ có hai cây số thôi mà sao lâu tới thế không biết! Bảng hiệu ghi sai số km chăng? Cũng có thể lắm. Đi một hồi thì gặp một ngã ba khá lớn, nhưng có phải là Ngã ba Dầu Dây hay không thì không biết. Người này nói phải, người kia nói không, rút cuộc cũng chẳng kết luận được gì. Toán lính này đa phần là dân thành phố không rành một tí gì về đất Đồng Nai, cho nên chẳng ai có thể biết đích xác địa danh đó ở đâu. Thôi thì cứ cho rằng đúng là nó vậy.
Khi trời chưa sáng thì đơn vị đã đến được mục tiêu cuối cùng. Ngoài cổng căn cứ là hàng chữ “Trường bắn quốc gia khu vực III”. Nhưng chưa thể mừng vội, vì từ ngoài cổng đi vào nơi tập trung cũng phải mất ba đến bốn cây số chứ không ít, cứ như là đoạn đường từ nhà ra thao trường tại Sư đoàn vậy, thậm chí còn xa hơn thế. Đoạn đường mà đơn vị đi ngang qua có rất nhiều thứ: có rừng cây, có phòng ở của đơn vị địa phương, có cả một cái hồ nước lớn với bên ngoài được rào bằng lưới B40. Cuối cùng, Tiểu đoàn dừng chân và đóng quân tại một khu rừng chàm. Lúc đó mặt trời đã lên cao.
Thế là trải qua bao cuộc hành quân gian lao, cuối cùng đơn vị cũng đã đến được Trường bắn, hay gọi nôm na là núi Mây Tàu. Thật không sao tả hết sự phấn khích của các chiến sĩ cũng như chỉ huy. Tôi chợt nghĩ đến việc người Hồi giáo phải hành hương đến thánh địa Mecca ít nhất một lần trong đời. Còn đời lính Sư đoàn Bộ binh Năm nói riêng thì phải hành quân đến núi Mây Tàu ít nhất một lần trong hai năm, thậm chí là hai lần trong hai năm liền như tôi, hoặc là ba lần trong ba năm liền của các Tiểu đội trưởng trước tôi một năm. Trong chừng mực nào đó, hai điều này có chút tương đồng, đều là việc bắt buộc phải làm của một đời người hay một đời lính. Tôi đã có vinh dự bước vào cuộc hành quân diễn tập hằng năm của Sư đoàn như thế đó.