Những tháng ngày khó quên
Mười sáu: Hành quân diễn tập năm thứ hai – lượt đi
Thời gian cuối tháng mười là khoản thời gian chuẩn bị ráo riết nhất cho việc hành quân diễn tập. Tôi đã từng miêu tả khá cụ thể cuộc hành quân diễn tập đường dài năm ngoái tại các chương trước, và cuộc diễn tập có tôi tham gia năm nay nhìn chung cũng không khác gì cuộc diễn tập năm ngoái. Đường đi cũng như quá trình diễn tập ở hai kỳ có nhiều điểm trùng lắp nhau, nhưng vì nó là nhiệm vụ quan trọng và dài hơi của năm, đồng thời cuộc hành quân năm nay có thêm nhiều chi tiết thú vị đến nỗi tôi quyết định tường thuật lại một lần nữa.
Phải nói là cuộc diễn tập năm thứ hai mà tôi tham gia mới để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi hơn cả cuộc diễn tập năm thứ nhất. Thật ra, cuộc diễn tập năm đầu tôi đã quên đi khá nhiều chi tiết, và để hệ thống lại sự việc, có lúc tôi phải sử dụng cả tình huống của cuộc hành quân năm thứ hai để hình dung lại những tình huống tương tự ở đợt hành quân năm thứ nhất. Tôi nói đợt hành quân này hấp dẫn là vì nó gây cấn ngay từ thời gian xuất phát, rồi sau đó suốt quá trình hành quân cũng trải qua những tình huống vô cùng thú vị. Cuộc hành quân năm nay chỉ có một điểm khác biệt lớn so với năm trước là bộ đội phải đi bộ cả lượt đi lẫn lượt về chứ không được đi xe trong lượt về như năm ngoái.
16.1 Chặng đường thứ nhất
Như đã nói ở trên, cuộc hành quân này đã gây cấn ngay từ thời điểm xuất phát. Nó gây cấn ở chỗ việc hành quân chỉ bắt đầu có nửa ngày trước khi xuất phát, tức là lúc nhận được thông báo là mười giờ sáng thì ngay mười giờ đêm hôm đó đã phải hành quân, đồng nghĩa với việc đơn vị chỉ có mười hai tiếng đồng hồ để làm mọi công tác chuẩn bị.
Hôm đó nhằm ngày tôi phải trực ban. Trong suốt hai năm bộ đội, tôi ghét nhất việc trực ban. Trong ngày trực ban, tuy không phải đi thao trường hay lao động theo lịch trình, nhưng những nhiệm vụ cần làm lại khiến tôi bực mình không thể tả. Những công việc trong ngày trực ban gồm bơm nước, chùi rửa nhà vệ sinh, dọn cơm cho bộ đội, thổi còi tập trung Đại đội, báo thức…. Còn ngày hôm ấy, tôi phải làm thêm nhiệm vụ tiếp nhận các vật dụng cần thiết cho việc hành quân như tăng, võng, dây võng, bình bi đông… từ đơn vị hậu cần về phân phát cho Đại đội. Vì những công việc hệ trọng như vậy nên tôi đã chạy như con thoi, lúc thì phải qua đơn vị bạn để mượn cân, lúc thì phải tập trung Đại đội để nghe Chỉ huy phổ biến kế hoạch, lúc thì phải chịu trách nhiệm kiểm tra quân số…. Nói chung là phải vắt chân lên cổ mà chạy.
Trước giờ xuất phát, nhiều người còn hoài nghi về tính chính xác của thời điểm hành quân và cho rằng ngày mai mới đi. Trong nhóm hoài nghi ấy có cả tôi, đến nỗi tôi đã đánh cược với lính tôi là không thể đi trong ngày được. Nhưng đến lúc nhận được lệnh phải nhận các vật dụng hậu cần thì tôi mới chấp nhận thua cuộc. Như đồng chí Đại đội trưởng hôm ấy phát biểu: “Đã là lính thì phải đi Mây Tàu, các anh phải xác định tư tưởng!”.
Lần này, đơn vị đã chuẩn bị sẵn cọc phụ chứ không cần phải tìm cây giữa rừng như năm ngoái nữa. Vậy là đỡ được một công việc. Các cọc phụ được làm bằng các khúc gỗ chắc chắn và gọt đẽo cẩn thận để tránh tình trạng bị gẫy trong lúc sử dụng. Tùy tình hình, cọc phụ sẽ được chất lên xe thồ đẩy đi hoặc sẽ phát cho mỗi người tự vác lấy.
Đúng nửa đêm, đơn vị tập trung tại Trung đoàn và bắt đầu thực hiện mệnh lệnh hành quân. Chặng thứ nhất có đoạn đường không gì khác so với năm ngoái đã từng đi, cũng xuất phát từ Trung đoàn, ra khỏi doanh trại theo Cổng A, theo đường lộ bên ngoài đi đến thị xã, dừng chân tại Tòa Thánh Tây Ninh; sau đó đi theo đường cái với dọc hai bên là các đơn vị hành chính của thị xã, dừng chân thêm lần nữa; lại đi vào một con đường tối om, một bên là đất trống, một bên là vườn cao su; lại đi vào một con đường tương đối đẹp nhưng đèn đường không sáng lắm, sau cùng dừng chân và đóng quân tại ngay địa phận Dương Minh Châu y như năm ngoái, nhưng căn nhà mà Trung đội tôi dừng chân thì không phải là nhà năm ngoái nữa mà đi lên thêm một chút.
Tại các vùng nông thôn thì căn nhà ấy thuộc loại sang trọng, nghĩa là được xây bằng gạch và bê tông, có cửa nẻo, có nhiều gian phòng, nền đất lót gạch bông đẹp, chứ không như các nhà khác chỉ tô xi măng nền hoặc lát gạch bông đỏ, không cửa và chỉ có một gian. Nhà này cũng như các nhà nông thôn khác là chỉ có một tầng.Cái bất tiện của nhà này cũng như hầu hết các nhà khác ở vùng nông thôn là không có nhà vệ sinh. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, mọi người phải đi sâu vào trong khu vườn sau nhà hoặc đi đến cái ao gần đó. Và tại đây tôi đã được chứng kiến cái mà người ta thường gọi là ao cá tra….
Chiều đến, chủ nhà cần phải chất lúa đang phơi ngoài sân nhà để cho vào bao và chuyển đi. Vậy là thanh niên trai tráng được dịp thể hiện tinh thần quân và dân đoàn kết như cá với nước, hết sức giúp đỡ chủ nhà hoàn thành công việc ấy, người thì làm công việc chất lúa, người thì phụ trách chuyển bao lúa lên xe công nông đang chờ sẵn ngoài đường, hết việc mới bắt đầu nghỉ ngơi. Được sự giúp sức này, chủ nhà rất vui. Xong việc, mọi người mới bắt đầu nghỉ ngơi thư giãn để chờ đêm đến sẽ tiếp tục hành quân.
16.2 Chặng đường thứ hai
Khoảng mười giờ tối hôm đó, đơn vị tập trung để chuẩn bị hành quân tiếp. Cũng giống như đoạn đườn năm ngoái, đi hết đoạn đường ruộng lúa mênh mông thì tiến vào một con đường phía trước có kênh tựa hồ như Kênh Tây chắn ngang, bên trên có đập nước lớn; sau đó đi qua một đoạn đường nhựa, bên trái có vùng sáng mà theo dự đoán là Hồ Dầu Tiếng, đi tiếp một đoạn thì đến khu tựa như trung tâm hành chính, nghỉ giải lao; lại tiến vào một đoạn đường hai bên toàn vườn cao su bạt ngàn, hết đoạn đường có vườn cao su ấy thì có một con đường nhựa có nhà cửa rồi dừng chân và đóng quân ở đó.
Khu này mặc dù nhà nào cũng có vườn cây nhưng ở ngoài lộ lại có vẻ ít ruộng vườn mà hầu hết vườn cây đều nằm ở sâu bên trong mỗi nhà. Nhà đóng quân năm nay cũng không giống nhà năm trước. Cách đó không xa có quán bán chè và hủ tiếu, trong ấy có cả máy chơi điện tử. Vậy là bộ đội lại có chỗ để thư giãn.
Năm nay còn một điểm khác biệt so với năm ngoái là được nghỉ sau hai ngày đi đường chứ không phải sau ba ngày đi đường mới được nghỉ. Trong buổi sáng của ngày nghỉ, đơn vị tập trung Tiểu đoàn để đồng chí Tiểu đoàn phó Chính trị quán triệt tư tưởng một lần, sau đó về nơi trú quân nghỉ ngơi hay đi chơi đâu đó nhưng không được vượt quá phạm vi cho phép. Đêm đến thì lại bắt đầu hành quân.
16.3 Chặng thứ ba
Chặng đường này lại không khác gì so với chuyến đi năm ngoái. Cũng đi từ vùng ven của huyện Dầu Tiếng, đi trên đường lộ với hai bên có nhà cửa trông như đơn vị hành chính hay công ty khai thác cao su gì đó không rõ; lại tiến vào một vườn cao su bạt ngàn và cũng là đoạn đường chiếm tỷ lệ lớn nhất của chặng đường, ra khỏi lô cao su thì đi thêm một đoạn đường nhựa ngắn có vài nhà cửa hai bên; hết đường lộ nhỏ đó thì sẽ gặp một đường nhựa lớn cắt ngang tựa như quốc lộ (tôi đoán là Quốc lộ 13), băng qua đường lộ lớn đó thì rẽ vào một đường mòn nhỏ hơn con đường vừa đi là đến chỗ dừng chân. Nơi đó là địa phận huyện Bến Cát.
Lúc này, bộ phận hàng rong luôn theo sát bộ đội cứ như là một trong những đơn vị trực thuộc vậy. Cứ đến giờ nghỉ giải lao là họ bắt đầu đưa thức ăn thức uống ra chào mời trông rất vui nhộn. Hết giờ giải lao thì lại tiếp tục đi trên con đường nhựa hiếm hoi của địa phận đó. Trong quá trình hành quân, khi đã ra khỏi vườn cao su, tại con đường lộ với hai bên có nhà cửa, tôi trông thấy những vạt cỏ bên đường có cái gì đó thỉnh thoảng phát ra thứ ánh sáng le lói, thì ra là ánh sáng của đom đóm. Cho đến lúc đó tôi mới biết được ánh sáng đom đóm hóa ra là như vậy. Nơi dừng chân đóng quân lần này hình như là một xã nào đó chứ không phải xã Trừ Văn Thố.
Đến chỗ dừng chân, tôi lại đến ăn quán cơm tấm năm ngoái. Mọi thứ vẫn như cũ chứ chưa thay đổi bao nhiêu. Nhà tôi dừng chân là một nhà có ba mẹ con, trong đó có người con trai lớn đang đi bộ đội và cũng đi cùng năm với tôi nhưng không biết đóng quân ở đơn vị nào, một người con gái nhỏ đang học cấp ba với một cô bạn cùng ở trọ. Tối hôm đó, trước khi đi nghỉ, cô gái con chủ nhà và Trung đội trưởng mới của tôi có đi ra ngoài mua bánh kẹo về ăn và cùng bộ đội giao lưu cho vui. Nhưng tôi không cảm thấy là thú vị cho lắm, trái lại không khí còn có vẻ hơi ngượng ngập nữa. Chủ yếu là anh chàng Trung đội trưởng (vốn ít tuổi hơn tôi) không biết cách chuyện trò, trong khi bộ đội thì rất bị động. Cho nên buổi liên hoan kết thúc một cách lãng nhách! Nhưng dù sao vẫn có cái gì đó để ghi nhớ cũng tốt. Nếu không xảy ra chuyện này thì bây giờ tôi đã không có gì để miêu tả trong này rồi.
Tối đến, tiệc tàn, mọi người cảm ơn chủ nhà rồi chuẩn bị đi ngủ để khuya dậy hành quân tiếp. Lúc đó là khoảng mười giờ hơn một chút. Thời gian hành quân được thông báo là khoảng ba giờ sáng. Chứng tỏ là chặng đường tiếp theo sẽ rất ngắn.
16.4 Chặng đường thứ tư
Vì hôm đó tôi gác đêm nên đúng giờ quy định, tôi ra ngoài báo thức và mọi người tiến hành tập trung để đi chặng đường thứ tư. Chặng đường này tuy ngắn nhưng địa hình phức tạp và chủ yếu hành quân trong những lô cao su. Diễn biến không khác gì mấy so với năm ngoái. Địa điểm xuất phát là Bến Cát và địa điểm dừng chân sẽ là Phú Giáo.
Như đã nói ở trên, địa hình của chặng đường này phức tạp, có nhiều dốc cao và thẳng đứng chứ không được bằng phẳng như đoạn đường từ doanh trại đến Núi Bà, nên dù ngắn nhưng đoạn đường đó đi vẫn mệt hơn. Thêm nữa là gần như toàn đi trong vườn cao su nên không khí không được tốt lắm và ánh sáng cũng rất hạn chế. Khi đi hết lô cao su thì ra ngoài mặt lộ lớn tựa như quốc lộ, cũng là nơi dừng chân. Đoạn cuối của chặng đường này cũng tương tự như chặng trước, đó là kết thúc bằng cách băng qua một đường nhựa lớn để rẽ vào một đường mòn khác nhỏ hơn.
Khu nhà dừng chân của đơn vị năm nay cũng là khu nhà dừng chân năm ngoái. Tuy Tiểu đội của tôi trú quân tại căn nhà kế bên, nhưng tôi vẫn chạy qua nhà bên này ngủ và ăn bánh ướt. Có điều đáng tiếc là năm nay không còn bán bánh đa nữa nên chỉ có thể ăn bánh ướt. Còn nhà mà đơn vị tôi đang đóng quân thì có một vườn cao su nho nhỏ với diện tích kha khá, vào tầm ba công đất. Như chủ nhà nói, với khoảnh đất này thì trồng cao su là lý tưởng rồi, thậm chí còn có thể nuôi sống nhiều gia đình nữa.
Đơn vị được nghỉ ngơi tại đây thêm một ngày để lấy sức. Tối hôm đó, bộ đội lại được dịp la cà quán xá mà không cần phải đi ngủ quá sớm nữa. Sau ngày nghỉ, đơn vị được thông báo là bắt đầu từ hôm nay, đơn vị sẽ hành quân vào buổi chiều thay vì toàn đi buổi tối như trước đây để chất lượng hành quân được tốt hơn.
16.5 Chặng đường thứ năm
Vì phải xuất phát từ buổi chiều nên bộ đội phải ăn cơm vào lúc bốn giờ rưỡi. Giờ đó quả là hơi khó nuốt vì quá sớm. Nhưng không còn lựa chọn nào khác, buộc phải ăn. Sau đó, đơn vị bắt đầu chuẩn bị xuất phát. Điểm đến lần này là Tân Uyên.
Vì đi vào lúc xế chiều, trời mới nhá nhem tối nên bộ đội có nhiều cơ hội ngắm cảnh hơn. Đoạn đường vẫn như năm trước tôi đã từng đi, vẫn là các khoảnh vườn chuối và vườn mía như trước kia, thậm chí hầu như không có gì thay đổi. Hơn nữa lần này tổ trinh sát đã có nghiệp vụ tốt hơn nên không bị lạc đường nữa. Đơn vị đến nơi dừng chân không lâu sau đó. Thật trùng hợp, chúng tôi đến đúng vào lúc có một đơn vị khác vừa nhổ trại và chuẩn bị lên đường hành quân. Tôi cũng không nhớ đó là đơn vị nào nữa. Tôi cảm giác là hình như bộ đội đi nhanh hơn mọi lần khi không phải đi vào ban đêm. Nhà dừng chân lần này thì đã không phải là nhà tôi ở năm trước. Trong nhà có một cô gái bằng tuổi tôi và rất xinh. Tiếc là cô gái đã có chồng…. Sau này tôi đã viết cả bài nhật ký về vấn đề này, và nếu có dịp tôi cũng sẽ trình bày trong bài viết này.
Vì bộ đội đi vào lúc chiều nên buổi tối có thời gian đủ để nghỉ ngơi, đồng thời không còn cảm giác quá mệt như trước nữa. Tất cả đều được chuẩn bị một tinh thần tốt nhất để đối phó với cuộc hành quân tiếp theo với độ khó được đánh giá là lớn nhất trong toàn cuộc hành quân.
16.6 Chặng đường thứ sáu
Mọi người từ chỉ huy trở xuống đều biết chặng đường thứ sáu này được xem là cam go nhất trong tất cả các chặng đường. Vì vậy ai nấy cũng đều chuẩn bị kỹ lưỡng các thứ cần thiết. Nơi đến sẽ là thị trấn hay xã nào đó của huyện Vĩnh Cửu.
Bộ đội tập kết tại bãi đất trống của một nơi giống như đình làng, xung quanh có sân đình rất lớn. Khi bắt đầu xuất phát là khoảng bốn giờ, nghĩa là trời vẫn còn ánh nắng chói chan. Tuy nhiên, càng đi thì trời càng tối, không phải vì vào đêm mà do trời chuyển mưa. Khi dừng chân nghỉ giải lao thì cũng là lúc trời bắt đầu mưa. Tuy mưa không lớn lắm nhưng vẫn khiến cho mọi người khá mệt. May là khi đơn vị dừng chân nơi bến đò thì trời cũng tạnh mưa dần. Từ hôm đi vào buổi chiều thì bộ phận hàng rong luôn theo sát hành quân như hình với bóng để kịp thời tiếp tế thức ăn và thức uống, tất nhiên là phải trả tiền. Nhưng dù sao thì lực lượng hàng rong này cũng có vai trò to lớn trong đoàn quân dù họ không thuộc biên chế của đơn vị, thậm chí họ dần trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình hành quân dài ngày.
Cũng từ lực lượng tiếp phẩm chuyên nghiệp này, bộ đội được biết năm nay, khi vượt sông thì không cần phải đi bằng ghe nhỏ nữa mà đi bằng những chiếc thuyền lớn hơn với sức chứa hơn năm mươi người một lần. Như vậy, với mỗi lần vượt sông, thuyền có thể chở được khoảng hai Trung đội cùng lúc. Với tình hình này thì thời gian hành quân sẽ được rút ngắn lại đáng kể. Đơn vị chỉ cần hơn một tiếng đồng hồ là có thể vượt hết qua sông chứ không cần hơn hai tiếng như trước kia nữa.
Thế nhưng, mọi chuyện nào có suông sẻ như người ta nghĩ. Thay vì rút ngắn thời gian hành quân, thì lại gặp phải một sự cố làm cho đoàn quân bị chậm trễ cả tiếng đồng hồ. Lại là đám trinh sát kém nghiệp vụ dẫn sai đường, khiến cho cả Đại đội lạc vào con đường mòn tối om và ngập đầy nước. Trời lúc ấy đã rất khuya, mà tôi đồ chừng là mười một giờ hoặc hơn thế nữa. Trong con đường đó, ở dọc hai bên rất ít nhà cửa, đến nỗi trông như một bãi tha ma. Không khí càng u ám khi ở sát bên là một lò mổ. Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ mà nghe đến mấy lần những tiếng kêu thảm thiết của các con vật trước khi lìa đời, nghe mà não cả lòng! Ai cũng mong sao cho mau thoát khỏi nơi khủng khiếp này càng sớm càng tốt. Cuối cùng, tất cả đều thở phào khi được rời khỏi đó.
Ra khỏi chỗ u ám đó thì còn phải đi thêm một đoạn dài nữa mới đến được nơi cần hạ trại. Trời lúc ấy phải là hơn hai giờ sáng. Nghĩa là đoàn quân đã đi được ít nhất là mười tiếng đồng hồ tính từ lúc xuất phát. Chỗ dừng chân của đơn vị lần này cũng khác hẳn với chỗ tôi dừng chân năm ngoái. Đây có vẻ là một xưởng dệt hay một nhà máy gì đó. Chỗ nghỉ thì ít nên mọi người đành phải chen chúc nhau trong một diện tích nhỏ.
Ngày hôm sau là ngày đơn vị được nghỉ cả ngày nên lính tráng lại được dịp la cà hàng quán. Tôi nhớ quán chè năm xưa mình đã ăn và lại tìm đến. Chỗ quán hè đó phải lùi về sau một đoạn dài nữa. Hóa ra mọi cảnh vật đều không có gì thay đổi so với năm ngoái. Chiều hôm đó, lại thấy một đoàn quân của đơn vị khác đi ngang và cũng không nhớ là đơn vị nào. Nhưng họ đã không dừng chân tại chỗ đơn vị chúng tôi dừng chân mà đi nơi khác.
Vì chỗ ở cùa Trung đội quá chật hẹp, nên Tiểu đội của tôi được điều đến ở chung với chỗ ở của Chỉ huy Đại đội. May cho tôi là cô con gái lớn của chủ nhà vừa trở về từ Biên Hòa. Cô đang theo học tại trường Đại học ở Biên Hòa (tôi không hỏi là chuyên ngành gì và cũng không hỏi là trường gì, mà đoán là trường Sư phạm), vì ngày thứ bảy được nghỉ nên về thăm nhà. Tôi không nhớ rõ tên mà chỉ nhớ là cô gái có dáng người nhỏ nhắn và xinh xinh. Hôm ấy, tôi lại trổ tài ứng khẩu thành thi, nhưng rất tiếc là vì làm thơ theo kiểu mì ăn liền nên tôi chẳng còn nhớ bất cứ câu nào trong bài thơ viết vội ấy nữa, mà cũng không lưu lại cho mình một bản để trình bày tại đây. Thật ra, cô ấy còn có một người em gái cũng rất xinh nhưng còn nhỏ nên tôi không để ý lắm (mà thằng lính của tôi lại để ý!). Nhưng chuyện ấy cũng không quan trọng nên tôi sẽ không bàn nhiều tại đây.
Đêm hôm ấy, nằm một mình ngoài hiên nhà, tôi đã làm rất nhiều thơ cũng như viết nhật ký, thế nhưng, những bài thơ ấy đều cùng chung số phận với bài thơ tặng người đẹp, đều đã mất hết và tôi cũng không nhớ chi tiết nào nữa.
16.7 Chặng đường thứ bảy
Nghỉ một ngày, đến chiều hôm sau lại từ biệt lối xóm để tiếp tục lên đường. Chặng đường này có đích đến là xã Xuân Thiện huyện Thống Nhất. Chặng đường này thì không khó cũng không dễ, địa hình không phức tạp lắm, trong đó có một đoạn đi bên ngoài Quốc lộ 1A.
Cả chặng đường này đều mang lại cho tôi với cảm xúc giống như thời một năm trước đây và hầu như không có gì khác hơn. Vẫn là những rặng tiêu trồng hai bên đường và cũng chỉ thấy lấp ló phần ngọn cây vì mặt đường được nâng lên rất cao so với mặt đất ở hai bên. Thỉnh thoảng gặp một vài nhà dân ở hai bên, họ trồng cả chuối và đu đủ, và một trong những nhà dân ấy đã tặng cho bộ đội vài trái đu đủ chín cây ngọt lịm. Đó là một gia đình người gốc Hoa như với tôi.
Đi hết đoạn đường đất đỏ có trồng tiêu ở hai bên thì gặp Quốc lộ 1A cắt ngang. Đi trên Quốc lộ được một đoạn khoảng vài trăm mét lại đi vào một đoạn đường mòn heo hút với hai bên trồng cây cao su không rậm rạp. Nói chung là rất giống với năm ngoái tôi từng đi. Ngày hôm đó là ngày có trăng sao lung linh huyền ảo, nên dù đường đang đi là đường mòn và không có đèn đường nhưng ánh sáng vẫn phản chiếu le lói trên mặt đường, tạo nên một khung cảnh lãng mạn với đầy đủ trăng sao và cỏ cây.
Sau hết những vườn cây cao su thưa thớt ấy là một đồi dốc. Đi hết đồi dốc là đến nơi hạ trại. Lại vẫn là không khí chào đón ấm áp hệt như năm trước. Tiểu đội của tôi được bố trí ở đúng vào nhà mà tôi đã được ở năm ngoái. Nhà này vẫn là các nhân vật cũ: đôi vợ chồng trẻ cùng một đứa con gái nhỏ. Chủ nhà vẫn còn làm nghề bán rượu gạo. Cảm xúc hôm ấy thật đặc biệt. Hôm sau tôi lại được dịp đi dạo xung quanh làng xóm và đi tìm các đồng hương của đơn vị Tiểu đoàn khác. Tuy không phải là giáo xứ nhưng cũng ở đây có khá nhiều nhà thờ. Đó cũng gần như là đặc trưng của phần lớn địa phương ở tỉnh Đồng Nai thì phải.
16.8 Chặng đường thứ tám
Chiều hôm ấy ai cũng đều có tinh thần thoải mái. Từ biệt các bà con có lòng hiếu khách, bộ đội bắt đầu nhổ trại để chuẩn bị hành quân đợt tiếp. Điểm đến của đoạn đường này là xã nào đó của huyện Xuân Lộc.
Vượt qua khỏi vườn cao su là ra đến một khu huyện lỵ đông đúc người qua lại. Khác với năm trước phải đi trong đêm, năm nay đi vào buổi chiều nên cho đến thời điểm này vẫn chỉ khoảng hơn sáu giờ, nên phố xá vẫn còn rất đông đúc. Thế là bộ đội được dịp hò hét và cười nói với bất cứ ai gặp phải. Như vậy cũng đỡ được phần nào mệt nhọc. Nhiều lúc tôi nghĩ, phải cảm ơn vị Chỉ huy nào đã nghĩ ra ý tưởng hành quân vào buổi chiều mới được. Đúng là đi vào thời điểm xế chiều thì chất lượng hành quân tăng lên thấy rõ.
Qua khỏi khu vực đông đúc này thì lại đi vào con đường tối tăm và dài hun hút. Ổ gà ổ voi trên đoạn đường này nhiều vô kể. Rồi lại đi đến một nơi có nhiều trụ sở cơ quan. Cuối cùng là đi ra ngoài Quốc lộ 1A. Cũng phải đi thêm chừng hai cây số nữa mới đến nơi hạ trại.
Chỗ hạ trại năm nay đã không còn là chỗ năm xưa nữa mà thay đổi cả địa phận. Đây vẫn chỉ là một xã nào đó của huyện Xuân Lộc nhưng không phải là xã Bảo Hòa như năm ngoái đã đóng quân. Tiếc là tôi không nhớ tên. Chỗ này đích thức là một giáo xứ. Lúc dừng chân thì trời đã tối. Tôi đồ chừng lúc ấy khoảng chín giờ.
Sáng hôm sau, bộ đội được nhắc nhở phải đi đứng cẩn thận nếu không muốn xảy ra tai nạn giao thông, vì chợ búa và quán xá đều nằm ở bên kia đường, muốn mua sắm hay cà phê đều phải băng qua đường, mà ở đây là Quốc lộ, xe cộ luôn chạy với tốc độ cao, nên không cẩn thận thì rất dễ thành người thiên cổ! Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay tôi phải chuẩn bị các thứ cần thiết để ở trong rừng như đèn pin và dây ni lông.
Điểm nhấn cho chặng dừng chân này là dân giáo xứ ở đây rất ngoan đạo. Tôi cho rằng dân cư ở các vùng quê hay thị trấn nói chung đều có đức tin lớn hơn dân ở thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể là tại nhà tôi đóng quân, có một cụ bà góa ngoài bảy mươi và hình như chỉ ở có một mình, khi bắt đầu vào bữa cơm thì đã đọc kinh cầu nguyện hơn nửa tiếng đồng hồ mới bắt đầu ăn. Cái này hiếm thấy ở những người theo đạo tại thành phố mà tôi biết trước đây. Còn vào buổi chiều thì toàn xứ lại đi lễ nhà thờ theo đúng quy định của đạo Công giáo. Nói chung là giáo dân ở đây rất sùng đạo.
Còn một điều gây chú ý nữa là tại nhà kế bên nơi Trung đội đóng quân có nuôi rất nhiều thỏ. Có đủ loại từ thỏ lớn đến thỏ bé, nhưng chỉ toàn thỏ trắng chứ không có thỏ đen hay thỏ nâu. Nghe nói đây là thỏ giống nuôi để bán cho người khác.
Đến chiều, bộ đội được thông báo là sẽ hành quân vào lúc mười giờ đêm chứ không hành quân lúc chiều nữa. Lý do vì sao thì không biết. Thế là tất cả tranh thủ ngủ nghỉ để đêm đến còn có sức hành quân. Vì chặng đường thứ chín không có gì nổi bật và diễn biến từ nơi xuất phát cho đến lúc tiến vào rừng hạ trại gần giống với những tình huống đã xảy ra năm ngoái nên tôi không trình bày nữa mà sẽ lược qua phần này.
Mười bảy: Trong bài diễn tập và hành quân lượt về
17.1 Trong bài diễn tập
Sau khi đi hết đoạn đường cần thiết thì đơn vị đã vào được nơi hạ trại. Khu vực đóng quân năm nay vẫn là rừng tràm nhưng không phải khu vực năm trước. Tôi nhớ là năm ngoái đóng quân tại bên phải của con đường mòn, còn năm nay thì lại đóng ở bên trái.
Sau khi đã hạ trại, mọi người chuẩn bị các công tác cần thiết cho việc trú quân tại rừng. Khu vực mắc võng phải được tổ chức theo đội hình từ Đại đội đến Trung đội và Tiểu đội. Khi giăng võng cũng phải giăng theo tổ với đội hình hai trước một sau. Giăng võng xong thì phải đào công sự ngụy trang cho phù hợp với vũ khí biên chế. Vì cọc phụ đã được chuẩn bị từ trước nên bây giờ không cần tìm cây nữa mà chỉ cần lấy ra để sử dụng thôi. Khi mọi thứ cần thiết đã xong thì đơn vị lại tiến hành tập dượt tại thực địa.
Đường đi từ nơi trú quân đến thao trường không xa lắm. Nhưng bắt đầu từ chỗ tập kết đến chỗ mục tiêu thì là con đường rất dài, trong đó có nhiều lần phải nhảy vào các công sự ngụy trang và cũng phải chạy rất nhiều mới kết thúc được bài bắn Đại đội này. Có thể nói là nó dài hơn gấp ba lần so với quãng đường di chuyển của bài bắn Trung đội đã từng bắn trước đây (vì một Đại đội có ba Trung đội). Thời gian tập trước khi bắn đạn thật là hai hay ba ngày không nhớ rõ. Buổi sáng thì đi vào lúc mặt trời vừa ló dạng không bao lâu cho đến khi mặt trời đứng bóng; buổi chiều thì đi từ lúc sau giờ ngọ cho đến khi mặt trời xuống núi thì mới quay về.
Cuối cùng, sau khi đã hoàn tất các buổi tập thì đến lúc phải thực hành. Vào đêm trước ngày diễn tập, bộ đội được cấp phát đạn dược cần thiết cho bài bắn ngày hôm sau và được cất giữ cẩn thận. Đạn dược của bài tiến công ít hơn hẳn so với bài phòng ngự năm trước. Ngày hôm sau, đơn vị xuất phát từ buổi sáng sớm tinh mơ. Khi đã lên được đội hình thì đoàn quân bắt đầu xuất phát đi đến vị trí tập kết và cuộc diễn tập bắt đầu.
Bài Đại đội tiến công này đại khái giống như bài Trung đội mở cửa đánh chiếm đầu cầu lúc trước đã bắn qua. Chỉ khác là nó có quy mô lớn hơn khi sử dụng hơn hai Tiểu đội làm nhiệm vụ mở cửa, hai Trung đội làm nhiệm vụ đánh chiếm đánh chiếm đầu cầu và đột kích, ngay phía sau có Khẩu đội hỏa lực với đại liên và cối 60 bắn yểm trợ. Quãng đường di chuyển ước chừng phải trên ba cây số. Tôi là Tiểu đội trưởng thực sự, nhưng trong bài diễn tập này, tôi lại không được sắm vai Tiểu đội trưởng mà vị trí đó được Trung đội phó đảm nhận. Tôi chỉ đảm trách một vị trí tổ trưởng hệt như bài Trung đội đã từng bắn trước đây. Lần này tôi cũng không sử dụng AK nữa mà sử dụng súng M79 của mình, nghĩa là chẳng được bắn viên nào, vì không được cấp phát đạn M79. Trung đội mở cửa đã có đến hơn hai quả bộc phá giật không nổ và cũng có đến hai phát B40 liên tiếp không trúng mục tiêu. Như vậy có thể suy ra là bọn lính năm nay có trình độ yếu hơn so với năm ngoái nhiều! Tuy nhiên, bài bắn vẫn kết thúc không đến nỗi nào.
Sau khi hoàn tất bài bắn thì đơn vị còn ở thêm ba ngày nữa để chờ đơn vị khác kết thúc bài bắn của mình mới được nhổ trại. Trong thời gian đó, chúng tôi được đi qua đi lại trong rừng để kiếm củi và đi lấy tiếp phẩm về cho Đại đội, ngoài ra còn được một đêm xem phim. Ngay từ đầu, Chỉ huy đã khẳng định là lần này tất cả đều phải đi bộ về chứ không được đi xe nữa (chắc vì bọn này bắn dở quá nên không được khen thưởng!). Chiều ngày cuối, trước khi nhổ trại thì trời bỗng đổ mưa tầm tã như tiễn chân bộ đội vậy. Thế là đơn vị phải nhổ trại và ra đi với tình trạng ướt át và buồn tẻ. Vậy là đơn vị đã đóng quân trong rừng được bảy ngày, ít hơn ba ngày so với lần đóng quân năm trước có tôi tham gia. Các chặng đường lượt về thật ra không có gì mới nhưng vì trên đường đi cũng có vài điều nổi bật nên tôi xin tóm lược ra đây.
17.2 Các chặng đường lượt về
Các chặng đường lượt về thì từ chặng đường thứ tám đến lúc quay về đơn vị sẽ đi theo lộ trình giống như các chặng đường của lượt đi, chỉ khác nơi dừng chân tại chặng đường thứ chín mà thôi. Thời gian nghỉ cũng y như khi đi vậy, nghĩa là ở khu vực nào nghỉ thêm một ngày ở chặng đường lượt đi thì sẽ nghỉ đúng vào chỗ đó tại chặng đường lượt về.
Khi đã rẽ ra khỏi khu vực trường bắn thì đơn vị bắt đầu băng qua bên kia đường và đi một mạch dọc theo Quốc lộ 1A. Khi đi được chứng một phần ba đường thì rẽ vào một con đường mòn rất lạ mà trươc giờ chưa từng đi qua để đi thêm một phần ba nữa trước khi dừng lại. Chỗ hạ trại này không phải là nơi hạ trại của chặng lượt đi. Dân cư ở đây thưa thớt hơn, nghèo hơn và chủ yếu là làm đồng chứ không phải buôn bán như khu dừng chân lượt đi. Họ đa số đều là người miền Trung. Tại nhà tôi trú quân có pha chè tươi. Mùi vị của nó rất ngon khiến tôi uống mãi không biết chán, đến nỗi trước khi chia tay, tôi phải xin chủ nhà cho đầy một bình bi đông để uống dọc đường. Vì thấy người dân ở đây nghèo, nên khi ăn cơm, bộ đội đã chia phần cơm của mình cho đứa cháu nhỏ trong nhà ăn cho vui. Trước khi chuẩn bị lên đường, có chị bán rau câu đến mời mua vài cái. Tôi ăn thấy rau câu này rất thú vị, nó khác hẳn mùi vị của loại rau câu ở thành phố mà tôi từng ăn trước đây. Nhưng tôi lại không tả được mùi vị nó ra sao.
Đoạn đường đếm ngược từ chặng đường thứ chín qua chặng đường thứ tám thì không cần phải đi trên Quốc lộ mà chỉ đi trong các con đường nhỏ thôi. Nó cũng sẽ đi đến xã Xuân Thiện như lượt đi, nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì không đi qua khu huyện lỵ đông đúc như lượt đi thì phải. Trên đường đi tôi nhớ mãi sự kiện này, có lúc đồng chí Tiểu đoàn phó Chính trị khi đi ngang qua đội hình của Đại đội tôi có nói bâng quơ: “Gớm, bộ đội ăn gì mà đi khỏe thế không biết!” thì đồng chí Đại đội phó Quân sự trả lời: “Ăn thịt mỡ chứ ăn gì!”, đương nhiên là chỉ nói khi Tiểu đoàn phó đã đi khá xa đội hình! Lúc trú quân thì đơn vị tôi ở đúng vào nhà mà lúc trước đã ở. Bộ đội lại được đón tiếp nồng ấm hệt như lần trước và lại cảm động như trước. Buổi sáng hôm sau, anh chị chủ nhà còn mời cơm chúng tôi nữa. Lần này thì tôi chẳng ngại ngần hay khách sáo gì cả mà ăn rất nhiệt tình. Dù sao thì trước khi chia tay, tôi cũng có mua bánh trái mời lại họ và tặng cây đèn pin đã sử dụng trong rừng cho họ để làm kỷ niệm. Có thể nói rằng đây chính là chỗ dừng chân mà tôi cảm thấy đáng nhớ nhất trong tất cả các chặng đường đã qua.
Sau khi đã bịn rịn chia tay bà con, bộ đội lại lên đường đi chặng thứ sáu. Đường đi đã không được thoải mái như trước nữa vì trời bỗng phút chốc đổ mưa. Khi đi trên con đường đất đỏ, chứng kiến lính tráng đi và ngã đầy ra đường, có người còn trượt một đoạn đường dài hệt như trượt patin vậy, trông buồn cười vô cùng. Vì bọn họ đi bằng dép lê nên mới bị như vậy, chứ còn nếu chịu khó mang giày như tôi thì không hề hấn gì cả. Tối hôm đó, tôi và vài người lính của mình trú quân cùng nhà với Chỉ huy Đại đội giống như lượt đi. Nhưng lần này tôi không còn cơ hội làm thơ, vì bị Chỉ huy bắt phải ngủ ngay mà không được bật đèn nên tôi không thể viết được. Tôi muốn ra ngoài hiên nằm cũng không được phép nốt. Ngày hôm sau tôi không thấy cô chủ nhỏ xinh xinh mà hôm trước tôi đã được vinh dự tặng thơ cho vì cô ấy phải đi học không về nhà được. Chỉ còn lại cô em gái cũng rất xinh mà tôi đã nói trước kia, tuy nhiên tôi lại không để ý đến lắm. Còn thằng lính tôi nói đến hôm trước, bằng tuổi tôi, có kể với tôi là sẽ tìm cách tán tỉnh cô bé ấy. Tôi nghe mà sôi cả ruột, muốn chặn ngay hành động vô liêm sỉ ấy lại, thậm chí muốn đập cho gã một trận, nhưng sự thật thì tôi không thể làm gì được, vì làm sao biết là gã có thực hiện hay chỉ nói cho vui miệng thôi. Tôi chỉ còn biết cầu trời cho tên này chỉ là nói phét thôi. Nếu đã xảy ra thì tội cho cô bé quá! Tôi cũng cầu mong là nếu có chuyện gì xảy ra thì cô bé ấy đủ sáng suốt để tránh được tay gian manh này thôi. Tuy tôi cũng không biết kết cục ra sao nữa, nhưng ít ra là cả đêm hôm đó, thằng lính của tôi cũng nằm cạnh tôi đến sáng, nghĩa là suốt đêm đã an toàn.
Khi chuẩn bị di chuyển từ chặng đường thứ sáu sang chặng đường thứ năm thì lại xảy ra một chuyện. Trước lúc xuất phát, Chỉ huy Đại đội bảo bộ phận hỏa lực đem một số đồ nhờ các Trung đội mang dùm, nhưng Trung đội nào cũng từ chối nhận, khiến cho các chiến sĩ hỏa lực phải xách hàng về mà không sao ký gửi được. Đại đội trưởng thấy vậy tức giận vô cùng, ngay lập tức hạ lệnh bắt tất cả những gì trên xe thồ của các Trung đội phải dỡ xuống hết và trả lại cho tất cả hạ sĩ quan chiến sĩ phải tự mang lấy toàn bộ các thứ thuộc về mình đã để trên xe thồ. Các thứ đó gồm có cọc phụ, cơ, chậu, gạo cùng với các thùng đạn. Tất cả các thứ đó cộng lại phải đến hơn một chục ký. Không những bị bắt phải mang vác hết, mà còn bị chửi một trận và bị buộc phải mang vác luôn cả phần hàng mà Chỉ huy đã bị từ chối ký gửi trước đó. Đây lại là chặng đường cam go nhất tất cả các chặng, nên ai nấy cũng cảm thấy lo âu. Tuy nhiên, khi đã vác hết quân tư trang lên người thì bộ đội mới phát hiện hóa ra mình lại khỏe đến thế. Lúc bắt đầu hành quân thì cảm thấy cũng chẳng khác gì mấy so với lúc không mang vác các thứ này. Bộ đội còn có thể vừa đi đường vừa bình phẩm mọi thứ xung quanh nữa. Chỉ có điều, sau khi vượt sông không bao lâu thì trời lại đổ mưa. Phải đi trong tình trạng mang vác nặng mà lại dầm mưa thì quả là không sung sướng chút nào. Trước khi trời mưa thì có một đơn vị nào đó đang làm công tác vận động quần chúng tại địa phương này đã chạy ra bắt chuyện và còn mời chúng tôi hút thuốc nữa, nhưng cũng như các lần kia, vẫn không biết đây là đơn vị nào. Khi đã hoàn toàn kết thúc chặng đường này thì trời đã rất khuya, chắc là khoảng gần mười hai giờ đêm, nghĩa là đã đi được tám tiếng tính từ lúc xuất phát. Đơn vị tôi dừng chận tại nhà đã ở trong chặng lượt đi. Hôm sau, tôi không thấy cô gái hôm trước đâu nữa. Nói chính xác là vẫn thấy được, nhưng chỉ thấy có một phút, trước khi cô ấy phải đi vào chăm sóc vườn nhãn gần đó. Đến chiều, cô ấy lại phải đưa con về bên chồng, nghe nói là tuốt ở khu Trị An. Tôi rất buồn nhưng chẳng làm được gì cả, chỉ biết làm thơ và viết nhật ký….
Từ chặng đường thứ năm qua chặng đường thứ tư đã không có gì nổi bật xảy ra. Chỉ có cảm giác là đi rất nhanh để băng qua các vườn mía và vườn chuối. Còn từ chặng đường thứ tư đến chặng đường thứ ba thì đi càng nhanh hơn nữa, lúc đến nơi dừng chân chỉ khoảng tám giờ hơn, nghĩa là chỉ có ba tiếng đồng hồ tính từ lúc xuất phát. Các cô gái trong nhà đã ngủ nên Trung đội trưởng của tôi không có cơ hội để nói chuyện; còn khi buổi sáng thì họ phải đi học đến chiều mới về, đúng lúc đơn vị phải hành quân lên đường, thế là cũng mất cơ hội nốt. Chặng đường thứ ba qua chặng đường thứ hai cũng không có gì nổi bật.
Khi dừng chân tại nơi cuối cùng trước khi xuất phát về doanh trại, tôi lấy cân của hậu cần cân thử và phát hiện mình chỉ còn 58,5 kg, nghĩa là đã sụt mất 10 kg so với thời nhập ngũ! Trước khi quay về đơn vị, Tiểu đổi của tôi có một thằng lính đã uống rượu say và gây gổ ngay trong nhà dừng chân của Chỉ huy Đại đội, khiến cho toàn Trung đội phải sinh hoạt suốt mấy ngày liền sau khi đã về đến đơn vị mình, đúng là con sâu làm rầu nồi canh! Trên đường về, bắt đầu từ đoạn đường tại Tòa thánh Tây Ninh thì gặp phải cơn mưa khá lớn làm cho đường đi đã khó lại còn khó hơn. Rốt cuộc thì bộ đội cũng quay về đơn vị và hoàn thành nhiệm vụ hành quân diễn tập bắn đạn thật bài Đại đội bộ binh tiến công. Đó là một bài tập lớn của năm. Sau bài bắn này thì gần như không còn phải thực hiện nhiệm vụ nặng nề nào nữa. Tôi cũng chuẩn bị an dưỡng để chờ ra quân mà thôi. Thời gian này là khoảng giữa tháng mười một. Vậy là chúng tôi đã rời doanh trại để đi làm nhiệm vụ hành quân được đúng một tháng tính từ ngày đầu tiên hành quân. Đúng là một quãng thời gian dài và đáng nhớ.
Mười tám: Thời gian còn lại và ra quân
Như đã nói ở trên, thời gian còn lại sau khi đi từ Mây Tàu về đã không còn nhiệm vụ nặng nề nào nữa. Nói thế không có nghĩa là chỉ ngồi chơi xơi nước, mà vẫn phải thực hiện vô số các công việc khác. Nổi bật trong đó có sẵn sàng chiến đấu di chuyển.
Việc đầu tiên cần làm là phải chăm sóc lại rau xanh. Vì trong thời gian bộ đội rời doanh trại làm nhiệm vụ, mỗi Trung đội chỉ được để lại một người ở nhà nên không đủ sức nhổ cỏ hay tưới hết toàn bộ các luống rau, nếu không muốn nói là không hề đụng đến. Thế là bộ đội tích cực bắt tay vào công việc tăng gia sản xuất. Tốp đi tưới rau, tốp đi nhổ cỏ, tốp đi bón phân. Với sự nỗ lực chăm sóc của tập thể, chẳng bao lâu các luống rau đã phát triển tươi tốt trở lại. Kế đến là học lại các bài học cơ bản từ ban đầu. Các bài cơ bản này gồm cả chính trị và quân sự, trong đó có học cách sử dụng súng tiểu liên AK cùng với các tư thế lăn lê bò toài trên thao trường. Thực ra thì các bài học này đã được học rất lâu và cũng đã thực hành nhiều lần, nhưng từ Trung đội trưởng trở xuống không ai thực hiện thuần thục được cả, cho dù là thành phần ưu tú nhất. Không phải mắc lỗi này thì sẽ là mắc lỗi kia.
Cho đến một ngày, đồng chí Đại đội trưởng thông báo một tin không chính thức là các hạ sĩ quan chiến sĩ năm thứ hai và năm thứ ba sẽ ra quân vào ngày 6 tháng 12, nghĩa là chỉ còn độ một tuần nữa là được ra quân. Nhưng chẳng ai tin vào điều đó cả. Trước kia, mọi người được thông báo là bộ đội đợt này được ra quân sớm hơn thường lệ vì chỉ cần thi hành nghĩa vụ quân sự có 18 tháng thôi! Đương nhiên, đó chỉ là ăn bánh vẽ, chứ làm gì là sự thật. Vì nếu là sự thật thì cuối tháng 9 đã ra quân hết rồi còn chứ cần gì phải đi Mây Tàu nữa! Lần này thì ai cũng hiểu rằng đó cũng chỉ là một lời đồn vô căn cứ mà thôi! Điều này được khẳng định rõ ràng khi vào đúng ngày 6 tháng 12, cấp trên thông báo rằng bộ đội sẽ ra quân vào ngày 12 tháng 1 năm sau. Thế là hết hy vọng được ra quân sớm!
Thời gian cuối năm là lúc các chiến sĩ mới được chỉ định làm cán bộ dàn khung phải đi tập huấn lớp Tiểu đội trưởng. Sau khi đám lính đi học không bao lâu thì đơn vị được lệnh thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu di chuyển. Việc sẵn sàng chiến đấu di chuyển này đã được thực hiện trước đó một lần. Khi còn là chiến sĩ năm thứ nhất, tôi cũng đã tham gia hết một lần tương tự như và đợt đó được xem như là hành quân rèn luyện.
Tôi xin nói qua về việc sẵn sàng chiến đấu một chút. Tôi không nhớ là có bao nhiêu dạng sẵn sàng chiến đấu, mà chỉ có thể nhớ được là ba dạng: sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu di chuyển và sẵn sàng chiến đấu tăng cường. Sẵn sàng chiến đấu thường xuyên chính là trạng thái thông thường của doanh trại, khi đã tham gia quân đội thì nghĩa là đã thực hiện công việc sẵn sàng chiến đấu thường xuyên. Sẵn sàng chiến đấu di chuyển là trạng thái cấp bách phải hành quân ngay ra ngoài doanh trại càng nhanh càng tốt để tránh được đòn tấn công đầu tiên của địch. Khi nghe tiếng kẻng báo động, bộ đội phải mang theo toàn bộ vũ khí trang bị, đạn dược, ba lô, quân tư trang, tăng, võng, nồi đồng, cơ, chậu cùng với các ruột tượng gạo chạy ngay ra ngoài với thời gian nhanh nhất có thể để chuẩn bị hành quân dài ngày và phải đóng quân tại bất cứ nơi nào có thể. Còn trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường là như thế nào thì tôi không được rõ nên không trình bày.
Như đã nêu trên, vào giữa năm đã diễn ra một đợt báo động sẵn sàng chiến đấu di chuyển. Đương nhiên đây chỉ là tình huống giả định chứ không phải là có địch thực sự, nhưng vẫn làm giống y như thật vậy. Sau khi nghe tiếng kẻng báo động thì các đơn vị lập tức cho bộ đội mặc quân phục dã chiến, cầm lấy vũ khí trang bị và mang vác ba lô với đầy đủ quân tư trang tức tốc chạy ra tập trung Tiểu đoàn để lên Trung đoàn, chuẩn bị hành quân sẵn sàng chiến đấu di chuyển. Đoạn đường hành quân được đi từ doanh trại ra ngoài theo hướng Cầy Xiêng, dọc bờ Kênh Tây, ra đến Tua Hai rồi quay ngược lại và đi vào doanh trại theo hướng Ngã Ba Sọ. Sau đó đơn vị đóng quân một ngày tại khu vực vườn điều. Ban đầu, bộ đội đi rất hăng, nhưng chỉ một lúc sau, tất cả đều cảm thấy rã rời, vì hành quân sscđ di chuyển khác với hành quân rèn luyên ở chỗ phải mang vác hết các vật dụng và đạn dược vốn có của bộ đội khiến cho ba lô nặng hơn thông thường, lại còn phải mang theo cả các loại nồi niêu to cùng với cơ chậu, đồng thời phải di chuyển với tốc độ nhanh hơn so với bình thường. Khi đi giữa đường thì trời lại mưa tầm tã, khiến cho rất nhiều lính tráng bị trượt chân ngã sóng soài. Điểm dừng là tại khu vườn tràm gần với Ngã Ba Sọ. Lúc dừng chân để đóng quân thì chẳng ai buồn mắc võng hay căng tăng gì cả mà cứ thế nằm thẳng trên bãi đất chờ đến sáng bất chấp mưa gió trên đầu và dưới mặt đất ướt sũng. Đó có thể nói là một trong những ngày bết bát nhất của bộ đội trong suốt cả năm thực hiện nhiệm vụ.
Còn vào cuối năm thì đợt hành quân sẵn sàng chiến đấu di chuyển khi ấy có phần đỡ hơn, vì bộ đội đã được rèn luyện bằng kỳ đi Mây Tàu, cộng với cuối năm trời không mưa nữa, tuy nhiên gió lại thổi rất mạnh. Đoạn đường hành quân được đi theo hướng ngược lại so với lần trước, nghĩa là ra khỏi Ngã Ba Sọ, đi đến Tua Hai rồi quay vào hướng dọc bờ kênh Tây, đi vào Cầy Xiêng để trở vào đơn vị. Điểm dừng chân cuối cùng vẫn là vườn điều. Khi ở ngoài đường, bộ đội còn được dịp trêu ghẹo các cô gái đi lại trên đường một cách vui vẻ. Các cô gái cũng không tỏ ra tức giận gì cả, thậm chí có cô còn hùa theo nữa. Tuy là đi trên thời tiết khô ráo nhưng vẫn có nhiều lính tráng bị ngã dọc đường như thường, nhất là những ai phải khiêng chiếc nồi đồng to tướng, may là trong số lính tráng vồ ếch đó không có tôi. Sau bao nhiêu gian lao, cuối cùng bộ đội đã tiến được vào khu vực vườn điều để hạ trại. Lần này thì việc giăng mắc tăng võng phải được thực hiện nghiêm túc chứ không còn tùy tiện như lần trước nữa. Hôm sau, chúng tôi phải ra ngoài thao trường trống để đào công sự và lên xuống hào nhiều lần mới được nghỉ. Đêm đến, gió thổi từ hướng đông đến lạnh buốt da thịt, đến nỗi mặc hai chiếc áo vẫn không đủ ấm, phải mặc đến ba chiếc mới tạm chịu được rét. Bộ đội phải ở ngoài chỗ này khoảng hai ngày hai đêm mới được lệnh quay về đơn vị.
Khi đã về đơn vị rồi thì công việc gần như là kết thúc thực sự đối với các chiến sĩ cũ tại Tiểu đoàn Bốn của tôi, nhưng chưa phải là kết thúc đối với Tiểu đoàn Năm cũng là Tiểu đoàn lính cũ. Họ còn phải đi đào cáp quang thêm mười ngày hay hai tuần nữa mới được kết thúc nhiệm vụ. Tôi thì đã trải qua công việc này rồi, nhưng đa số chiến sĩ Tiểu đoàn Năm thì chưa từng trải qua vì năm ngoái họ không thực hiện nhiệm vụ này. Thế cũng tốt, để bọn họ trước khi ra quân được nếm mùi cáp quang một chút cho kỷ niệm đời lính được thêm đậm đà.
Ngày 12 tháng 1 đã sắp đến. Đúng chiều thứ sáu ngày 9 tháng 1, tất cả chiến sĩ cũ của Tiểu đoàn phải tháo hết quân hàm trên cầu vai và quân hiệu binh chủng trên ve cổ áo xuống để trả lại cho đơn vị Hậu cần, đồng thời trả luôn các loại mũ cứng, mũ mềm, quân phục dã chiến để nhận lại một bộ áo K mới tinh (nhưng không quân hàm và binh chủng) để mặc lúc ra quân. Cùng lúc, chúng tôi thấy những chiếc xe ca chở các chiến sĩ Tiểu đoàn Năm cũng đã trở về. Tất cả đều reo hò sung sướng vì đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Kể từ lúc đó, những chiến sĩ năm thứ hai như chúng tôi không còn là quân nhân chính thức của đơn vị nữa, vì đơn giản là đã bị tước quân hàm mất rồi!
Hôm sau thứ bảy, mọi người được nghỉ ngơi, đối tượng ra quân được phát phụ cấp, rồi bị Đại đội phó Quân sự bắt cả bọn phải cắt tóc hết trước khi rời đơn vị, xem như một kỷ niệm cuối cùng. Đêm hôm đó, Tiểu đoàn tổ chức một buổi văn nghệ kết hợp quán triệt lần cuối cho các chiến sĩ cũ trước khi hoàn thành nhiệm vụ. Cả ngày Chủ nhật thì ai nấy đều phấn khích tột độ, một phần là vì đã nhận được số tiền ra quân, một phần chỉ mong cho ngày này qua thật mau để nhanh chóng quay về với gia đình. Buổi chiều, đối tượng ra quân còn phải tập trung tại Trung đoàn để nghe đồng chí Trung đoàn phó Quân sự mới nhậm chức quán triệt một lần nữa mới được quay về. Đêm Chủ nhật đó, đối tượng ra quân không cần phải điểm danh Đại đội cũng như sáng thứ hai không cần phải chào cờ Tiểu đoàn.
Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm, thay bộ quần áo mới, đem tặng bộ quần áo đang mặc cho đồng chí chiến sĩ gương mẫu nhất của Trung đội làm kỷ niệm, tặng cả bộ chăn mền cho Trung đội phó, chuẩn bị tập trung lên Tiểu đoàn, sau đó lên Trung đoàn và Sư đoàn làm lễ chào cờ và nghe Chỉ huy dặn dò và quán triệt. Lúc đó, tất cả đều háo hức muốn chạy ngay về nên không ai chú ý nhiều đến Chỉ huy Sư đoàn nói gì mà chỉ chú ý nhiều đến những chiếc xe đỗ bên đường để chuẩn bị chở các đối tượng ra quân về lại địa phương. Sau khi buổi lễ kết thúc thì ai nấy bước lên xe theo đúng địa phương của mình, xe bắt đầu lăn bánh để rời khỏi căn cứ Sư đoàn Bộ binh Năm về lại địa phương của mình. Tôi bước lên xe với nỗi lòng rạo rực và phấn khích khó tả, trái ngược hẳn với tâm trạng u uất của hai năm trước, khi phải bước lên xe để rời địa phương và bắt đầu hành trình thực hiện nhiệm vụ. Phải đến hai ba ngày sau, tôi mới được nhận quyết định xuất ngũ tại địa phương.
Vậy là sau gần hai năm dài đăng đẳng, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Khi rời khỏi đơn vị quân đội, tôi được mang quân hàm hạ sỹ. Nhiều người khi ra quân còn có quân hàm cao hơn nữa, nhưng vinh dự này không phải ai cũng có, vì phần đông khi ra quân chỉ mang được có quân hàm binh nhất mà thôi, thậm chí là binh nhì nữa. Chỉ có cấp Tiểu đội trưởng trở lên mới được mang quân hàm hạ sỹ.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.08.2013 15:30:28 bởi kien0745 >
Mười chín: Ngoài lề - Lời kết
Bài này được viết lúc mười năm sau khi tôi tham gia quân đội và đã tám năm sau khi tôi ra quân. Khi phải tham gia nghĩa vụ quân sự, có người nói đây là quãng thời gian lãng phí vì nó làm mất đi rất nhiều cơ hội sự nghiệp cũng như tuổi xuân. Nói như vậy cũng có lý chứ không phải là không. Nhưng lúc nhập ngũ tôi còn rất trẻ, sau khi xuất ngũ cũng vẫn còn trẻ. Quãng thời gian hai năm là không nhiều so với hơn sáu mươi năm cuộc đời của một người. Vậy thì cần gì phải nuối tiếc hay hối hận.
Người ta lại hỏi, khi đi lính như vậy tôi có được và mất gì không? Tôi cho rằng mất cũng có mà được cũng có. Mất là mất đi hai năm như đã nói ở trên; ngoài ra vì biết được rất nhiều mặt trái trong xã hội thu nhỏ này và bị chi phối rất nhiều bởi nó nên tôi đã trở nên thực tế hơn so với trước kia. Nhưng ở bất cứ đâu, hoàn cảnh nào cũng đều tồn tại mặt phải và mặt trái của nó cả; biết đâu cái mất ấy sau này trở cái được thì sao. Còn phần được thì cũng không ít. Trước hết là những kỷ niệm khó quên, bằng chứng là bài văn này. Nếu không vì các niềm vui cũng như các ký ức khó do hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự này mang lại thì tôi không bao giờ có thể viết được bài văn này. Còn cái được tiếp theo là tôi học được rất nhiều kiến thức từ mọi góc độ. Sẽ không thể biết được bao nhiêu nghiệp vụ quân sự nếu như không tham gia quân đội; sẽ không thể biết được âm mưu chống phá cách mạng của bọn phản động, diễn biến hòa bình… là gì nếu không các bài học chính trị. Nếu không tham gia nghĩa vụ, làm sao có cơ hội được đi dưới các cây cao su bạt ngàn, thấy được những vườn cây ăn quả rộng thênh thang, cũng như làm sao biết được trong xã hội văn minh này mà vẫn còn rất nhiều chỗ chưa có điện lưới sử dụng. Một cái quan trọng nữa là quân đội đã đem lại cho tôi một đôi chân dẻo dai mà tôi có thể tự hào tuyên bố là giờ đây tôi có thể đi bộ liên tục nhiều cây số mà không cảm thấy mệt mỏi chút nào cả. Điều đó không phải ai cũng làm được. Còn đối với câ nhân tôi là đã hình thành nên một lập trường cũng như tư tưởng vững như bàn thạch, ngoài ra bản thân tôi cũng được nâng cao rất nhiều về sức chịu đựng cũng như độ lỳ.
Bây giờ, nếu có bậc phụ huynh nào hỏi ý kiến tôi là có nên cho con em của họ đi nghĩa vụ quân sự hay không, thì tôi sẽ trả lời là rất nên, nhưng miễn là biết dừng lại đúng lúc để không nhiễm phải những thói hư tật xấu trong đó là được. Quân đội là một xã hội thu nhỏ, mà đã là mô hình xã hội rồi thì không thể loại trừ những mặt trái tồn tại trong ấy, vấn đề là mình phải có ý chí kiên định để vượt qua nó và không bị tiêm nhiễm là được. Đây chính là môi trường tốt nhất để thử thách những người có trí tuệ chứ không phải dành cho những kẻ không biết suy nghĩ. Còn nếu như nói rằng tại sao phải đi hai năm cho uổng phí, trong khi với hai năm ở nhà, mình có thể tìm được biết bao cơ hội để kiếm tiền? Thì cái đó tôi không trả lời tường tận được. Tôi chỉ nói ngắn gọn, nếu như cơ hội chỉ là lý thuyết, nghĩa là bản thân người đó tại thời điểm ấy chưa tìm ra công việc hay chưa thể làm ra tiền, như tôi chẳng hạn, thì liệu rằng với hai năm ngắn ngủi đó, họ có đủ khả năng kiếm được nhiều tiền hoặc nói thẳng ra là có khả năng kiếm ra tiền hay không? Cái đó chưa biết được, nhưng nếu chỉ vì tránh nghĩa vụ mà phải sử dụng một số tiền còn lớn hơn cả số tiền họ kiếm được trong hai năm đó, hoặc biết đâu trong hai năm đó họ chỉ biết tiêu xài mà chẳng làm nên trò trống gì, hoặc bản thân người đó phải trốn chui trốn nhủi thì liệu có đáng không? Tại sao lại không thử đi một lần cho biết!
Còn nếu như nói rằng đi nghĩa vụ thì chẳng có ích lợi gì cả thì cái ấy cần phải suy nghĩ kỹ trước khi lên tiếng. Thử hỏi, những kẻ phát biểu như vậy có còn là những con người yêu nước nữa hay không, hay đơn giản họ chỉ là những phần tử sùng ngoại, phản động, đồng thời họ cũng là những người vô cảm. Với những hạng người như vậy thì tôi miễn bình luận. Đi nghĩa vụ là không có ích sao? Việc sẵn sàng dùng tính mạng của mình để bảo vệ bờ cõi của đất nước khi có kẻ thù xâm lược, để đem lại sự yên ấm cho đất nước lại là việc tầm phào, là lông bông hay sao? Tôi viết lên những dòng suy nghĩ này vì ngay trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, tôi đã bị một người con gái mà mình từng thương yêu nhất phán cho một câu: “Anh hãy tìm việc làm cho đàng hoàng đi, đừng có lông bông như thế nữa!”. Câu nói ấy cho dù là vô tình đi chăng nữa thì cũng đủ làm cho tôi bị tổn thương đến mức tột đỉnh. Tôi không ngờ vì mình là lính nên bị coi thường đến vậy. Nhưng dù sao thì chuyện này cũng nên quên đi theo thời gian.
Tôi nhập ngũ khi mới hai mươi ba tuổi. Bây giờ tôi đã hơn ba mươi tuổi. Nhìn lại quãng đời mười năm trôi qua, tôi thấy mình quả là không hối tiếc khi từng là lính. Quân đội đã dạy cho tôi nhiều điều tốt có xấu có. Chính môi trường kỷ luật đã dạy tôi nên người. Tôi là người vốn không được mạnh mẽ, nhưng nhờ lối sống tập thể cùng với việc chấp hành chế độ nghiêm ngặt đã khiến tôi dần trở thành người có lập trường tương đối kiên định. Trước đây, tôi rất hay lệ thuộc vào gia đình, nhưng sau khi xuất ngũ, nhờ được rèn luyện nhiều về sự lỳ lợm cũng như tính chịu đựng cao, tôi đã tập được lối sống tự lập, cụ thể là giờ đây tôi đang sống và làm việc một mình xa cha mẹ và gia đình. Việc này nếu là vài năm trước thôi, tôi không bao giờ tưởng tượng được và có thể sẽ không làm được. Nhưng giờ nó là sự thực. Các kinh nghiệm trong sinh hoạt quân đội đã trở thành một phần hành trang vào đời của tôi. Cho đến bây giờ, tôi không hổ thẹn với bản thân, vì dù không làm được gì to tát, nhưng ít ra tôi đã tự nuôi sống được bản thân và đồng thời gánh vác cả trọng trách phụng dưỡng cha mẹ già. Tuy nhiên, chính môi trường kỷ luật này đã dạy khôn tôi không ít nên đã lấy đi phần lớn lý tưởng sống của tôi, khiến cho tôi trở nên cứng nhắc và thực dụng hơn rất nhiều so với thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Thiết nghĩ điều đó cũng do thời cuộc tạo thành mà thôi.
Tôi đã dự tính viết bài này từ khi mới bước chân vào quân đội và dự định sẽ hoàn thành nó ngay khi ra quân. Tuy nhiên, tôi đã không làm được điều ấy. Trong thời gian tại ngũ, tôi đã viết rất nhiều, nhưng tiếc là không thể theo đến cùng mà chỉ viết đến giữa chừng thì phải bỏ dở. Mãi cho đến đầu năm ngoái, tôi mới có thể bắt tay vào việc hoàn tất lại bài viết này. Đó cũng là một trong những trăn trở lớn của tôi khi nghĩ rằng, một khi đã trở thành người lính, lại có biết bao kỷ niệm đẹp đẽ và cũng không ít kỷ niệm đáng buồn, thì tại sao không viết nó lại để chia sẻ cho mọi người, hoặc chí ít cũng có thể dành tặng cho chính mình. Nên tôi đã nỗ lực hoàn thành nó bất chấp thời gian. Tuy nhiên, vì trí nhớ có hạn và phải sau gần mười năm mới bắt đầu viết lại nên tôi đã quên rất nhiều chi tiết. Vì vậy, tôi bắt buộc phải bỏ sót nhiều tình tiết, đồng thời cũng có chỗ tôi phải thêm thắt hoặc trau chuốt lại cho câu chuyên thêm phần hoàn chỉnh. Tôi chỉ cố gắng nhớ lại những gì cơ bản nhất và làm sao để viết ra một câu chuyện sát với thực tế nhất. Dù không đúng hoàn toàn nhưng tôi có thể khẳng định là câu chuyện tôi viết đã có đến chín mươi lăm phần trăm là sự thật, chỉ có năm phần trăm là các tình tiết dùng để kết nối câu chuyện lại với nhau mà thôi.
Trước và trong thời gian thực hiện nghĩa vụ, tôi vốn rất lãng mạn nên hay viết văn cũng như viết thơ. Nhưng sau khi ra quân, tôi lại mất dần tính lãng mạn ấy và đã không thể viết bất kỳ bài văn hay bài thơ nào trong suốt năm năm liền. Thế nhưng, trong năm ngoái, tôi đã hoàn tất được một bài tiểu thuyết cũng đã bỏ dở hơn mười năm trước đó, sau đó là hoàn tất luôn bài viết này. Như vậy cũng có nghĩa là tôi vẫn chưa mất hoàn toàn tính lãng mạn vốn có của mình. Bài văn này có thể được xem là hồi ký cũng được, tự sự cũng được, thậm chí là tiểu thuyết hay bất cứ thể loại không tên nào cũng chẳng sao. Chẳng qua là nó được tôi viết ra để thuật lại những gì tôi đã trải qua trong suốt thời gian thực hiện nghĩa vụ khó quên của mình. Vì thế tôi quyết định đặt tên cho bài viết này là “Những tháng ngày khó quên”.
TPHCM, ngày 29 tháng 1 năm 2012.
(Nhằm ngày Mùng bảy Tết Nhâm Thìn)
Trần Anh Kiền.
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: