BA NHÀ LIÊN KẾT Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
Bộ binh, Bộ hộ, Bộ hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi
(Ca dao)
Báo Văn nghệ số 31, ngày 30 - 7 – 2011 in bài: “Đi tìm mộ liệt sỹ Dương Văn Cương” của Lê Hồng Quỳ. Tác giả cho biết cuộc tìm kiếm đã kết thúc và đạt kết quả 100%. Nhưng qua những tình tiết trong bài viết ấy, chúng tôi thấy độ tin cậy chưa thuyết phục.
Xin tóm lược nội dung bài viết ấy như sau:
“… Ngày 16 - 5 - 2008, đoàn tìm kiếm chúng tôi đến Phòng chính sách Quân khu 5. Trình bày xong. Chỉ bốn năm phút sau, máy tính đã cho kết quả: “Mã số 274 là hồ sơ của liệt sỹ Dương Văn Cương. Quê quán… Nhập ngũ ngày… Hy sinh ngày… An táng tại thôn 3 - xã Lộc Sơn - huyện Đại Lộc - tỉnh Quảng Đà.
Chúng tôi xuống Lộc Sơn. Thời gian này xã đã đổi tên là Lộc Thành. Tại Uỷ ban nhân dân xã, chúng tôi tìm được tờ biên bản bàn giao danh sách và mộ chí liệt sỹ. Trong đó có tên liệt sỹ Dương Văn Cương. Nhưng không có địa chỉ phần mộ. Thế là chuyến đi kết thúc thất bại.
Sau được bạn bè mách bảo. Ngày 7 - 5 – 2010, tôi tìm đến: Liên hiệp Khoa học UIA, ở số Một Đông Tác – Kim Liên - Đống Đa - Hà Nội và trình bày nguyện vọng. Ngày 21 – 5 – 2010 (sau 14 ngày), cán bộ Liên hiệp điện báo cho gia đình tôi lịch được giao lưu với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư (sau đây tôi gọi là cậu Lư).
( “Cậu” là đại từ nhân xưng của người cháu dùng để gọi người em trai của mẹ mình. Chẳng hiểu sao mấy ông ngoại cảm lại cứ muốn khách hàng phải gọi mình là “cậu”?).
Cậu Lư cho biết:
- Khả năng tìm thấy mộ là rất cao.
- Mộ đã quy tụ về nghĩa trang. Nghĩa trang xây lần hai và ngay mặt đường (đúng với thực tế lần đi tìm trước tôi đã biết).
- Ảnh thờ đã phóng lại và hôm nay có mang theo (hoàn toàn đúng, mặc dù lúc đó ảnh tôi vẫn để trong cặp).
- Anh có khuôn mặt trái xoan, dáng thư sinh, sắc mặt hoan hỉ (cũng rất đúng)”.
Thưa bạn đọc,
Bốn câu độc thoại trên của nhà ngoại cảm chẳng có gì đáng ngạc nhiên, đó chỉ là cái mẹo vặt, là ngón nghề của bọn nhà nghề thường tung ra mà bọn họ gọi là: “Miếng đánh phủ đầu”, để thu phục lòng tin của khách hàng. Vì đầu xuôi thì đuôi dễ lọt.
Câu đầu tiên họ đưa cho khách niềm tin, để giữ lấy khách. thu hút khách đi theo họ. Câu thứ hai là khoe tài ngoại cảm. Người ngoài Bắc mà biết nghĩa trang ở mãi miền Trung thì tài quá đi chứ! Thực ra, nghĩa trang đối với bọn người làm nghề ngoại cảm, có khác gì sân cỏ với các cầu thủ bóng đá đâu. Mà từ hôm đầu tiên thân nhân liệt sỹ Cương đến ngôi nhà số Một ở Đông Tác – Kim Liên, đến hôm được tiếp xúc với nhà ngoại cảm đã là 14 ngày. Thời gian ấy, với các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như bây giờ là quá đủ để họ tìm hiểu bất cứ nghĩa trang nào ở trong phạm vi cả nước, chứ chẳng riêng gì một nghĩa trang ở miền Trung.
Câu thứ ba. Ảnh để trong cặp, chưa bỏ ra mà “cậu” đã biết, xem ra có vẻ thần bí thiêng liêng thật. Song cũng chẳng có gì là ghê gớm. Ai đã từng sống trong thời chiến, cũng đều biết bộ đội ta trước khi đi “B”, họ đều chụp ảnh để lại cho gia đình. Vậy thì thân nhân của họ đem ảnh của họ đi tìm mộ là chuyện hiển nhiên, cần gì phải trông thấy mới biết.
Câu thứ tư, cũng là khoe tài, mà cái tài ở câu này còn có phần tài hơn cả câu trước. Cứ y như nhà ngoại cảm có cặp “mắt thần” đã trông thấy con người liệt sỹ Cương bằng xương bằng thịt từ bao giờ rồi, cho nên “cậu” mới hạ một câu chắc như đinh đóng cột: “Anh có khuôn mặt trái xoan”. Thực ra, cũng cò gì là tài giỏi đâu. Từ thời xửa thời xưa cụ kị chúng ta đã biết: “Giỏ nhà ai quai nhà nấy”. Khi đã trông thấy người em, thì chẳng cứ gì “cậu Lư”, mà bất cứ ai cũng có thể hình dung được vóc dáng của người anh. Vả chăng, mặt ai trán cũng to, cằm cũng nhỏ, thì khuôn mặt nào mà chẳng là “trái xoan”. Còn cái “Sắc mặt hoan hỉ” của liệt sỹ Cương, cũng không phải là nhà ngoại cảm trông thấy. Mà là suy ra, căn cứ vào tính cách của con người, chẳng ai muốn có một kiểu ảnh mặt mũi buồn phiền, nhăn nhó.
Sau bốn câu độc thoại của nhả ngoại cảm, đến một đoạn văn rất tối nghĩa sau đây:
“… Buổi giao lưu đến nhanh, kết thúc cũng nhanh, tôi vẫn còn bàng hoàng về các sự việc vừa diễn ra. Sau buổi giao lưu với hương hồn liệt sỹ, gia đình tôi được cậu Lư hướng dẫn và nhận lời giúp đỡ…”.
Như vậy, phải chăng là có hai cuộc giao lưu? Một cuộc giữa gia đình liệt sỹ với nhà ngoại cảm, và một cuộc giữa gia đình (hoặc nhà ngoại cảm) với vong linh liệt sỹ Cương?
“Giao lưu”, theo từ điển tiếng Việt nghĩa là: “Sự tiếp xúc và trao đổi qua lại giữa hai dòng, hai luồng khác nhau…”. Ở đây là giữa hai bên, hai đối tượng. Một bên là người trần mắt thịt ở trên dương thế, và bên kia là “hồn người” (nếu có) ở cõi âm. Âm dương cách biệt. Vậy ai là “cầu nối” để hai bên tiếp xúc với nhau? Phải chăng người đó là “cậu Lư”? “Hồn” về nhập vào “cậu”, rồi “cậu” thay lời “Hồn” trao đổi với người trong gia đình? Vậy nội dung cuộc trao đổi thế nào, sao tác giả không nói đến?
“… Ngày 3 – 6 – 2010, đoàn tìm mộ đến xã Đại Chánh (xã này được tách từ xã Đại Thanh ra - vẫn là địa điểm lần đi trước đoàn tìm mộ đã đến), được xã nhiệt tình giúp đỡ. Tôi liên lạc với cậu Lư, được cậu hướng dẫn mọi thủ tục cần thiết trước và trong quá trình tìm mộ.
Ngày 4 - 6 – 2010, tôi vừa đến cổng nghĩa trang, qua điện thoại, cậu Lư nói cứ đi thẳng về bên phải Đài liệt sỹ, qua bụi cậy rậm (là cây si). Tôi bước chậm và đến một hàng thì cậu bảo rẽ vào, đi chậm đến một ngôi mộ cậu bảo đứng lại. Tôi thắp ba nén hương, còn các ngôi mộ khác gia đình tôi đều thắp một nén. Vậy là sau rất nhiều nỗ lực, mộ của anh tôi đã được xác định.
Ngày 6 - 6 – 2010, theo hướng dẫn của cậu Lư, chúng tôi làm lễ xin phép khai mộ để đưa hài cốt anh tôi (lúc đó chưa tin 100%) vào tiểu và xây cất lại cẩn thận.
Ngày 8 - 6 – 2010, do cậu Lư hướng dẫn, mẫu vật phẩm lấy từ ngôi mộ, cùng mẫu máu của bà Dương Thị Cường, em gái ruột của liệt sỹ được gửi vào Viện pháp y xin xét nghiệm ADN.
Ngày 17 – 9 – 2010, sau hơn 100 ngày chờ đợi, gia đình tôi nhận được giấy báo kết quả của Viện pháp y: “Mẫu xương nghi là của liệt sỹ Dương Văn Cương có liên quan huyết thống theo dòng mẹ với mẫu máu của bà Dương Thị Cường”. Không thể nén được nữa, tôi bật khóc thành tiếng: Thế là tìm thấy anh rồi!
Vậy là: Ngoại cảm, linh cảm, giám định ADN có cùng một kết quả” (Hết trích).
Thưa tác giả Lê Hồng Quỳ, chúng tôi xin được hỏi ông (hay bà) cụm tù: “Liên hiệp Khoa học UIA” là tổ chức của ngành khoa học nào, và ba chữ viết tắt UIA, cụ thể là những chữ gì? Tổ chức này do Nhà nước lập ra, hay của đoàn thể, cá nhân nào, và lập ra để làm gì, hay chỉ để làm chỗ dựa, và làm môi giới cho các nhà ngoại cảm? Ông Nguyễn Văn Lư có phải là nhân viên của tổ chức này không?
Khi bảo người nhà liệt sỹ Cương dừng lại trước một ngôi mộ vô danh, và hướng dẫn họ khai mở ngôi mộ ấy, lấy mẫu vật đem về giám định ADN, thì đó là quyết định của nhà ngoại cảm, chứ có phải của Liên hiệp Khoa học UIA và Viện pháp y đâu? Và ngôi mộ đó có được nhà ngoại cảm xác định là của liệt sỹ Cương, thì mới lấy mẫu máu của bà Cường em gái liệt sỹ chứ?
Cho nên cái mô hình liên kết giữa ba nhà: Liên hiệp Khoa học UIA – Nhà ngoại cảm – Viện pháp y của cuộc tìm kiếm này, chẳng qua cũng chỉ là: “Bình mới , rượu cũ”. Nhà ngoại cảm mượn cái áo của nhà khoa học mặc vào để đánh lừa thiên hạ, chứ chẳng có gì khác trước.
Và còn điều này nữa, cũng xin được hỏi tác giả Hồng Quỳ và mấy ông bà ngoại cảm, rằng:
Mộ chí, nghĩa trang là chỗ thiêng liêng, là nơi yên nghỉ cuối cùng của các anh hùng liệt sỹ, nói riêng, và những ngưới quá cố nói chung, được tập quán của nhân dân và pháp luật của Nhà nước bảo hộ. Nơi đó cũng như ngôi nhà của người công dân đang sinh sống hợp pháp, không ai được quyền xâm phạm. Ngoại cảm không phải là một chức danh của cơ quan, tổ chức nào, mà chỉ là một hiện tượng mới phát sinh, chưa được khẳng định là một nghề trong đời sống xã hội. Vậy mấy ông bà ấy dựa vào đâu, và lấy quyền gì mà ngồi ở nhà ngoài miền Bắc, cầm điện thoại di động điều khiển người đi tìm mộ ở mãi miền Trung, hoặc miền Nam xa xôi đào ngôi mộ nọ, mở ngôi mộ kia?
Và nghĩa trang dù ở đâu cũng đều do chính quyền ở nơi đó quản lý. Nếu người quản trang không được phép của chính quyền mà đồng ý cho thân nhân liệt sỹ khai mở mộ ở nghĩa trang mình đang quản lý là vi phạm pháp luật.
Song, chẳng hiểu vì sao, các cơ quan pháp luật của Nhà nước vẫn làm ngơ trước những việc làm sai trái đó?...
* * *
Mười năm trước đây toà Tháp đôi, trụ sở của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ở trên đất Mỹ, bị bọn khủng bố đánh bom làm hơn ba nghìn người thiệt mạng. Ngày 11 - 9 – 2011 vừa qua, nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đã tổ chứ lễ kỉ niệm sự kiện đáng buồn ấy. Nghe đâu vẫn còn hàng nghìn trường hợp bị coi là mất tích, vì hài cốt không còn, hoặc còn nhưng chưa xác định được danh tính.
Nước Mỹ giầu và có nền khoa học tiên tiến, số người thương vong trong cuộc khủng bố cũng không lớn lắm. Vậy mà việc tìm kiếm đã mất mười năm vẫn chưa kết thúc.
Còn ở nước ta, sau hai cuộc chiến tranh giữ nước đã để lại hàng vạn liệt sỹ vô danh, việc tìm kiếm chắc chắn còn phải tiến hành lâu dài. Không thể nóng vội, và nhất là đừng nghe những kẻ mạo danh khoa học để trục lợi bất chính.
Song, cuối cùng chắc cũng vẫn còn những ngôi mộ vô danh. Nhưng đó chỉ là những ngôi mộ không có tên, còn người chiến sỹ có bộ hài cốt nằm ở dưới đó thì đương nhiên vẫn có tên, có tuổi như các liệt sỹ khác. Tên tuổi, chiến công và sự hy sinh anh dũng của họ, vẫn in sâu trong tâm trí của những người ruột thịt trong gia đình, làng xóm, phố phường, bạn bè, đồng đội và nhân dân đất nước họ mãi mãi…
Để kết thúc, chúng tôi xin phép dùng câu nói của một chính khách nước ngoài: “Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc, lừa được mọi người trong vài lúc, nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc” (Abrahm Lincoln).
Tục ngữ ta cũng nói: “Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật”. Đừng nói dối. Nói thật vẫn hơn, cho dù sự thật ấy có phải đau lòng ./.
TP Uông Bí, ngày 27 – 10 – 2011
Tạ Hữu Đỉnh