LỄ RƯỚC CÁ
tahuudinhqn 01.03.2012 14:27:36 (permalink)
LỄ RƯỚC CÁ

Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh

Một quãng khá dài của con phố mới này, trước đây không phải là sông như con sông Vị Hoàng của cụ Tú Xương, mà là ao cá Bác Hồ của hợp tác xã Đồng Tiến. Ngày ấy, vào những năm đầu thập niên sáu mươi, thế kỷ trước, miền Bắc nước ta đang sôi nổi, khẩn trương xây dựng nền kinh tế XHCN. Bỗng nổi lên phong trào đào ao nuôi cá rất rầm rộ. Cá giống được lấy từ ao cá Bác Hồ ở Hà Nội. Hầu như không có HTX nông nghiệp nào là không bỏ ra một số ruộng “bờ xôi ruộng mật”, và một số ngày công đáng kể để đào ao.
Có ao, khi đào người ta để lại một hòn cù lao, rồi dựng lên đó một tấm biển bê tông khá to, đúc bốn chữ nổi: “Ao cá Bác Hồ”, để kẻ qua người lại ai cũng trông thấy. Có nơi, ao không đúc biển bê tông, biển làm bằng gỗ viết chữ sơn. Người ta còn làm chòi ở trên bờ ao, đêm nào Ban quản trị cũng cắt cử xã viên ra chòi nằm, để phòng kẻ gian và rái cá bắt trộm cá.
Phong trào càng ngày càng rộng lớn, đễn mức lan đến cả các cơ quan, xí nghiệp chẳng dính dáng gì đến nông nghiệp cũng xin đất, rồi thuê các phương tiện cơ giới về đào ao. Họ nuôi cá không hẳn vì mục đích để cải thiện đời sống, mà còn vì, hay chủ yếu là vì ao cá đã trở thành một tiêu chuẩn của phong trao: “Thi đua yêu nước”, và thành cái thước đo tinh thần yêu nước của mỗi cá nhân. Đồng thời ao cá cũng là một “điểm nhấn” quan trọng trong những bản báo cáo tổng kết cuối năm. Cho nên các vị lãnh đạo các cơ quan, xí nghiệp nào cũng tỏ ra rất sốt sắng, tích cực.
Là thợ chụp ảnh, đã có lần tôi được mời đi chụp buổi lễ khánh thành ao cá của một trường dậy nghề. Hôm ấy, vào khoảng chín giờ rưỡi sáng. Ban giám hiệu, các thầy cô và tất cả học viên, ai cũng ăn mặc đẹp đẽ đến trường tập trung, rồi đi xuống đường quốc lộ đón xe cá. Xe được cử đi Hà Nội từ chiều hôm trước, để sáng hôm sau nhận cá giống phân phối đem về. Những học viên đã được phân công đem theo cờ, băng rôn và biểu ngữ.
Lúc bầy giờ chưa có điện thoại di động, giờ giấc đôi bên vênh nhau, nên đoàn đi đón phải chờ khá lâu. Mãi rồi xe cá mới về. Cả đám đông, gần hai trăm con người, chẳng mấy chốc đã thành một đám rước rất long trọng. Rước là một hình thức di chuyển có tính chất lễ nghi rất đặc sắc, vừa nghiêm trang, cung kính, lại vừa tưng bừng vui vẻ. Ngày xưa nhân dân ta chỉ dùng để rước Thần, rước Phật, rước các ông nghè về làng vinh quy bái tổ. Nhưng bây giờ thì cá cũng được rước. Vì đó không phải là cá thường, mà là giống cá của Bác Hồ.
(Nhờ vị Thần ngồi ở trong đền, cho nên cây đa đứng ở ngoài sân cũng được nể trọng, được thơm lây).
Dẫn đầu đám rước là một nam thanh niên cao to, khoẻ mạnh cầm lá cờ đỏ sao vàng khá lớn. Tiếp theo, đi hàng đôi là tấm băng rôn và hai tấm biểu ngữ. Rồi đến khoảng hơn hai chục nam nữ học viên, mỗi người cầm một lá cờ hội một mầu, xanh, đỏ, tím, vàng. Quãng giữa đoàn cờ hội là bốn nam học viên trẻ, khoẻ khiêng hai bao nilông cỡ lớn, đựng nước và cá giống. Đi sau cùng là Ban giám hiệu và các thầy cô giáo.
Rất đáng tiếc là đám rước không có nhạc cụ như chiêng, trống để tấu lên cho thật tưng bừng và náo nhiệt. Nhưng để bù vào chỗ khiếm khuyết ấy, Ban tổ chức đã chỉ định một người “lĩnh xướng”. Và theo sự điều khiển của anh ta, thỉnh thoảng đoàn rước lại vung tay lên hô vang các khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh nuôn năm!”.
Đi khoảng hơn một cây số thì về đến ao. Đoàn rước dừng lại. Trước lối đi xuống bậc đá cầu ao, người ta cắm mỗi bên một cây cọc tiêu, và chăng ngang một băng vải đỏ. Thầy hiệu trưởng tiến đến, cùng cô gái bê chiếc khay dể cái kéo. Thầy cầm kéo trịnh trọng cắt băng khánh thành ao cá, trong tiếng hoan hô vỗ tay vang dội. Rồi thầy cùng mấy người khiêng hai bao cá bước xuống bậc cầu ao.
Sau hai lần bấm máy chụp cảnh cắt băng, tôi vội vàng bước tới bước lui, tìm chố đứng thuận sáng để chụp cho thật “nét”, thật đẹp cả người và cá. Khi thầy hiệu trưởng mở và nghiêng từng bao nilông, cho những con giống nhỏ bằng ngón tay, trắng sáng như những thỏi bạc ròng, tranh nhau lao ra mặt nước trong xanh, lao xao sóng gợn. Những tràng pháo tay lại vang lên dồn dập. Ai cũng hân hoan, cười nói vui vẻ, và ai cũng tin rằng đàn cá rồi sẽ sinh sôi, phát triển.
Việc thả cá đã xong, nhưng họ còn nán lại chuyện trò, nhìn ngắm một lúc nữa rồi mới tản mác ra về. Họ rất vui. Và cả “anh phó ảnh” là tôi đây cũng rất vui. Vì hiệu ảnh đang “đói” khách, hôm nay mới vớ được một chút việc làm!
*
* *
Nhưng rồi đàn cá giống hùng hậu ấy chẳng bao lâu đã biến mất tăm! Rái cá, hay người bắt trộm? Không! Tại đói quá, chúng ăn thịt nhau mà hết. Vì người nuôi cá, tuy vẫn gọi là “nuôi”, nhưng có cho cá ăn bao giờ đâu!
Nuôi trồng thuỷ sản là một nghề mang lại lợi nhuận không nhỏ, như bây giờ ai cũng đã biết. Nhưng lúc bấy giờ, những người khởi xướng ra phong trào đáo ao nuôi cá, vì ấu trĩ, chưa có đủ sự hiểu biết về các loài thuỷ sinh. Họ tưởng cứ ở đâu có nước là ở đấy cá sẽ sinh sôi và phát triển.
Kết quả là cái phong trào nuôi cá bằng “ý chí” ấy đã gây ra lãng phí hàng triệu ngày công, và hàng vạn mẫu đất “bờ xôi ruộng mật” đã thành ra những ao rêu, ao bèo, ao bùn hoang hoá nhiều năm. Mà không có “cấp trên” nào dám ra lệnh san lấp đi, để lấy diện tích cấy trồng, hoặc dùng vào việc khác. Vì những tấm biển bê tông, biển gỗ kẻ bốn chữ: “Ao cá Bác Hồ” vẫn còn nguyên đó!
Rồi mãi đến ngày có nghị quyết “khoán 10”, những cái ao hoang đó mới dần dần biến hoá đi, thành ra các khu dự án, thành sân gôn, hoặc thành phố phường, nhà cửa như con phố mới của thành phố Uông Bí đây./.

TP Uông Bí, ngày 3 – 11 – 2011
Tạ Hữu Đỉnh

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9