Tháng Giêng Tát Ðìa
Tháng Giêng Tát Ðìa
Hắn thích câu cá, không, phải nói là hắn MÊ câu cá mới đúng. Mê đến độ có thể xếp vào hàng die-hard fisherman, tạm dịch là tên câu cá chết dở cho sát nghĩa. Hắn mê từ hồi còn ở quê nhà và khi qua tận đến Hiệp Chủng Quốc vẫn còn mê. Ngày còn ở quê, rờ tới con cá nào hắn bắt tuốt con đó. Nhưng bây giờ thì phải là cá nước mặn hắn mới bắt! Nói thiệt chứ ngày còn nhỏ nhiều khi rồng rồng mà hắn cũng không tha, lấy rổ vớt hết! Còn ở đây, có khi vào mùa Ðông lạnh teo cu mà hắn khóa cửa kín mít giao cho vợ xong, một mình hắn lái xe gần bốn tiếng đồng hồ xuống biển gặp anh Hoành để đi câu thì, trời đã nửa đêm! Không cần quảng cáo, chỉ nhìn cái tên của hắn là người ta cũng có thể đoán ra rằng hắn mê câu cá rồi, không mê sao đặt cái tên như thế! Ðến nỗi có người phàn nàng với hắn: phải cho biết tên đàng hoàng để gọi chứ hông lẽ gọi ông mãi bằng thế nầy sao! Hắn nói mược, ông cứ gọi như vậy đi, nhiều khi tui càng khoái nữa là khác, vì bản tính tui thích ruộng đồng, cá mắm.
Hành trình câu cá bên xứ Cờ Hoa nầy thì thôi, hắn kể đến gà gáy sáng mấy bận cũng chưa xong, nên không nói ra ở đây. Chỉ biết là hắn bắt đầu đi câu cá ‘lòng tong’ trên con suối giữa thành phố Philadelphia trong những ngày mới đến. Rồi từ con suối tí teo bên đường Lincoln Drive hắn ra đến tận Đại Tây Dương để câu cá to và nặng trên chục ký. Mà nói cho đúng hắn là tên die-hard fisherman chính hiệu con nai vàng nhưng cũng còn dưới cơ anh Hoành về vụ ‘die-hard’ nầy đến mấy bậc! Có nghĩa là anh Hoành thì khỏi phải lái xe ba bốn tiếng đồng hồ giữa mùa Đông lạnh teo cu để đến chỗ câu cá, mà ảnh dọn nhà xuống bờ biển ở luôn cho xong chuyện! Nhưng ai đi theo anh Hoành câu cá nhiều khi rầu lắm, rầu là gặp hôm không có cá muốn về sớm cũng không về được. Vì theo lý thuyết của anh Hoành thì: cá chưa ăn rồi nó sẽ ăn, mà cá đang ăn thì không thể đi về ngang xương được! Tức là ngồi tử thủ suốt đêm. Thử hỏi có ai kiên nhẩn bằng mấy tên die-hard fisherman! Từ cái vụ đi câu nầy hắn nghiệm ra là, cái gì cũng phải đam mê mới giỏi được. Chỉ trừ cái vụ đi học là không thể đam mê nổi! Vậy mà cũng có thằng học giỏi, thiệt không thể hiểu.
Người ta nói chim trời cá nước, nghĩa là hơn nhau ở chữ anh hùng mà thôi, hay là “mầy giỏi mầy câu tao coi”. Nhưng cá đầy biển vậy mà đâu phải dễ câu nó! Nếu không nắm vững vấn đề thì “đi không há lẽ lại về không” là chuyện thường. Vấn đề ở đây là phải hiểu mùa nào có loại cá nào vô, phải biết cá nào thích ăn mồi gì, phải biết canh giờ nào thủy triều lên thủy triều xuống để ra câu. Còn nếu đi ra mà gặp con nước không nhúc nhích thì xách c…ần đi về cho được việc! Ngoài ra phải biết cột lưỡi câu và chì như thế nào để bắt từng loại cá, nhiều khi chì nằm trên lưỡi, nhiều khi chì nằm dưới, và có khi khỏi cần chì luôn. Ôi thôi rắc rối lắm! Còn cái vụ phải biết giữ cần câu cho thẳng và phải biết nhấp như thế nào để cá nó cắn câu mà giựt. Nhiều khi nói vậy chứ không hiểu tại sao mình đứng câu cùng một chỗ, cùng con nước, cùng loại mồi mà sao ông bên cạnh giựt lia lịa còn mình thì đứng ngó thôi, thấy nhột chứ! Có lẽ ông đó có số đào hoa với cá! Nhưng nhằm ngày cá nó đi nghỉ Hè thì có đào hoa hay đào gì cũng gác cần lên bếp ngồi chơi thôi. Đó là chưa nói đến cách câu như câu chạy (trolling), câu giựt, câu dưới đáy (deep sea bottom fishing), câu phao, câu mồi giả (câu kiểu nầy kêu bằng chùm sò nề, con cá nào bị bắt nó sẽ chửi thề là bị chết gạt), câu trong băng tuyết (tức là vừa đục vừa câu), … Không phải Nguyễn Du trong Kim Vân Kiều đã nói “nghề chơi cũng lắm công phu” đó sao, nhưng, “không chơi thiệt lấy ai bù!”
Trên đây là nói đến câu cá trên biển, trên sông ở xứ Cờ Hoa nầy. Còn cách câu cá, bắt cá ở miền quê Việt Nam thì sao?
Nhắc đến miền quê hắn nhớ có một mùa Xuân hắn đã về thăm lại quê hương, sau khi không tìm ra được mái nhà xưa hắn buồn hắn đi theo cô gái bắt chuột trên cánh đồng. Rồi hắn giận cô gái, hắn uống ruợu say mềm để quên. Ngày hôm sau tỉnh rượu hắn gặp lại cô gái bắt chuột em của thằng bạn cũ, và cô gái đã nhỏ lệ vì ... Ra đi không đành nên hắn quanh lại, nói:
- Thôi nín. Tự anh tưởng em chửi anh là thằng ngốc nên anh mới giận thôi.
- Để người ta khóc hết nước mắt rồi mới bảo nín, ác ôn vừa thôi nghen. Hết giận rồi phải hông. Hết giận rồi thì ông đi theo em ra đồng Sa Băng bắt cá chơi.
- Mới khóc như con thằn lằn đứt đuôi mà sao giờ ráo hoảnh lẹ vậy.
- Muốn khóc nữa hông?
- Thôi, sợ lắm.
- Vậy thì đi.
Hắn theo cô gái ra đồng, vặt bờ cỏ qua một bên, cột và so dây chiếc gàu rồi cùng cô gái tát đìa bắt cá. Lần đầu tiên hắn dùng gàu tát nước, hắn vụng thấy tệ. Cô gái chỉ hắn gập người xuống giật dây hất chiếc gàu ra rồi thả dây chùn lại hạ chiếc gàu xuống nước. Vục gàu chìm, nước chun vô đầy gàu thì giật tay miệng gàu lên trước và liền theo sau là kéo tay đít gàu lên. Hắn thấy cô gái ễnh người ra sau, hai tay kéo dây gàu lên khỏi bờ đìa xong cô hạ tay miệng gàu xuống trước và giật tay đít gàu lên sau, thế là nước trong gàu tuông ra đổ lai láng trên đất. Hắn làm theo cô gái một hồi rồi cũng ăn nhịp. Hắn và cô gái cúp người lại: chiếc gàu vung xuống đìa; cô gái ễnh người ra: chiếc gàu vụt lên từ dưới đáy; cô gái và hắn dừng người lại: nước trong gàu đổ ra. Hắn và cô gái đi theo nhịp đàn hồi, và mực nước dưới đìa giảm dần theo chiều tăng của niềm hân hoan cô gái. Nỗi vui nhộn tát đìa bắt cá với cô gái đã mang hắn trở về ngày xưa.
Ngày đó đồng Sa Băng sâu, rộng và có rất nhiều cá. Dưới đây là những cách mà dân làng hắn, kể cả những người sống bằng nghề đánh cá chuyên nghiệp và những người bắt cá nghiệp dư dùng để bắt cá trên ruộng sâu, ruộng cạn, trên suối và trên sông từ mùa khô cho đến mùa nước lụt.
Hãy bắt đầu trên ruộng cạn. Nói là ruộng cạn nhưng cũng phải có nước lấp xấp mới có cá, còn ruộng thật khô cạn như đồng lúa gieo thì cá đâu mà bắt! Ở ruộng cạn thì cách bắt cá thông dụng nhất là dùng loa, và ràng.
Loa được bệnh bằng những nang tre vót mỏng hay những nhánh cây nhỏ bứt đâu đó trên ruộng đồng buộc lại một đầu. Xong dùng lạt tre hay dây giang bệnh lại như hình cái rọ heo. Nghĩa là một đầu loa ra một đầu túm lại để cá chun vào đầu loa và bị kẹt ở đít loa. Dùng loa bắt cá bằng cách “trổ” bờ ruộng ra, đặt loa ngay chỗ trổ gọi là đơm loa. Và nếu cẩn thận hơn thì vạch nhiều rãnh nhỏ trong ruộng để cá theo đó mà lách đi, đi thẳng vào loa. Người ta chỉ đơm loa khi ruộng có nhiều nước cần tháo ra bớt, hay lúc lúa sắp chín không cần nước nữa. Thông thường chỉ nên đơm loa trên ruộng nhà thôi, còn đơm loa trên ruộng người khác họ bắt được họ ‘huýnh sạt gáo’, vì tháo nước ruộng người ta! Loa thường được đặt vào buổi chiều, sáng ngày thức dậy thật sớm ra dỡ loa, nếu ra trể quá thì người khác họ dỡ dùm loa của mình! Hắn nhớ có những buổi sáng, sương mai còn đọng trên ngọn cỏ hắn chạy lăng tăng trên cánh đồng để dỡ loa, niềm vui chan chứa khi trong loa có những con cá rô mập ú do ăn mầu lúa. Cá dính loa nhiều nhất là cá rô, cá tràu (cá lóc). Mà cá dính loa thì thường bị chết, vì loa không có chỗ để cá bơi lội và thở.
Ràng. Ràng có hình thù giống cái loa nhưng to hơn nhiều. Ràng đan bằng thanh tre vót mỏng, đít ràng nhỏ là nơi để gắn cái đụt, thân ràng có hình bầu dục lớn dần từ đít lên, cổ ràng được siết nhỏ lại và nơi đây có gắn cái toi để cá chỉ vô được mà ra không được. Sau cổ ràng là miệng ràng loa to ra. Có nhiều cái ràng mà miệng có đường kính cở vài thước, và có cái ràng miệng có đường kình chừng gan tay. Ràng thường được đặt giữa mương nước chảy hay trổ bờ ruộng đặt như đơm loa. Ngăn mương nhỏ lại, chừa một lổ trống xong đem ràng đặt sao cho nước chảy vào miệng ràng. Nhưng cũng có khi người ta đặt ràng ngược lại chiều nước chảy, vì nhiều khi trời mưa nước mát cá hay lội ngược dòng. Lâu lâu thì đi gỡ ràng bằng cách nâng đít ràng lên khỏi mặt nước, gỡ đụt dưới đuôi ràng và dốc cá ra. Nhưng ngán nhất là khi gỡ đụt ràng ra mà gặp rắn nước trong đó! Rắn nước chun vô ràng để ăn cá và kẹt trong ràng! Có người bắt nó đem về nhậu luôn!
Những cái ràng miệng to chừng vài thước thì thường được đặt lâu ngày trên mương lớn và gọi là cái đăng. Dùng phên tre đóng xuống mương như hình chữ V. Dưới đáy chữ V đặt cái ràng lớn. Dỡ đăng giống như dỡ ràng. Đăng được tháo ra đem về nhà trước khi nước lụt tràn về.
Ngoài ra trên mương lớn người ta còn đóng Sa để bắt cá. Sa gồm có những tấm mành mành đan sát nhau bằng thanh tre, xong giăng từ bờ mương thành hình cái phểu. Ở đáy phểu đặt một lớp mành mành hình chữ nhật, một phần ăn sâu xuống dưới nước, và một phần nằm trên mặt nước. Khi cá bơi qua đụng lớp mành mành dưới nước nó nhảy lên và mắc ‘cạn’ phơi mình ở lớp mành mành nằm trên mặt nước. Phía ngoài quận lỵ Mộ Ðức, trên cánh đồng, ngày xưa nhà ông Phạm Văn Du có đóng một cái Sa trên mương bên cạnh nhà.
Trên mương còn một dụng cụ bắt cá nữa là cái Ðó. Ðó có hai loại. Lọai hình thoi nằm trong mương nước, một đầu trống và một đầu buột vào cái toi trước khi gắn túi vải thay cho đụt để chứa cá. Loại hình trụ (còn gọi là Trúm) có mặt trước vuông là nơi gắn toi, và phần sau bầu bầu lại là nơi cá chun vào ở trong đó. Cách đặt Ðó cũng giống cách đặt ràng.
Trên đây là dụng cụ để bắt cá trên mương, nhưng còn cách khác để bắt cá trên mương là tát mương. Năm 1964 hắn theo Cha và người anh bà con đi tát mương. Khi tát xong, xuống bắt cá thì hắn đi sau để bắt hôi, nghĩa là hắn đi bắt những con cá nào còn sót lại sau khi người ta đã bắt. Nhưng hai người bắt ‘chiến’ quá nên chả thấy con nào lọt lại, hắn mò hoài mà trong cái đụt chỉ le nghoe vài con cá cấn. Hắn bèn thò tay vô cái đụt của hai người kia mà bắt cá bỏ qua đụt hắn. Suốt buổi tát mương không ai phàn nàn gì về chuyện hắn bắt hôi, nên lâu lâu hắn lại thò tay vô đụt bắt cá! Nhưng sau khi xong xuôi, người anh kia lấy cái đụt hắn dốc hết cá ra lấy lại. Hắn rầu thuối ruột! Ðâu phải trong đụt không có con cá nào hắn bắt hôi đâu!
Kế đến là bắt cá ở ruộng (nước) sâu. Quê hắn có cánh đồng rộng lớn, một phần cánh đồng nước ngập quanh năm, có chỗ sâu quá đầu người, không ai khai thác gì ngoài việc đánh và bắt cá trên đó. Và phần nước sâu đó gọi là đồng Sa Băng.
Ðồng Sa Băng có các loại cá như cá thát lát, cá tràu (cá lóc), cá trê, cá rô, cá giếc, cá gáy (cá chép), cá lia thia, cá cấn, cá lầu bầu, cá sặc, cá chạch, lương, v.v… Ngoài cá ra đồng Sa Băng có nhiều ốc bưu, ốc rạ, ếch, nhái, tôm, tép, chuột đồng, chim, cò, vịt nước, và lùng lác, v.v…
Cách bắt cá phổ biến trên ruộng sâu là thả lờ, thả câu giường, cắm câu, giăng lưới, đứng nhá, kéo vó, nhũi, đi te, dậm lưới, đào hầm, chụp nơm. Ngoài ra người ta còn câu rê, câu vịt con, tát ruộng, v.v…
Thả lờ. Lờ có hình thoi, dài chừng nửa thước, nơi giữa lờ rộng chừng miệng cái nón lá, hai đầu lờ có gắn toi là nơi cá chun vô. Lờ thường được đặt sát bờ ruộng, nhận chìm sâu trong nước. Sau khi đặt lờ xuống nước người ta phủ lên một lớp cỏ hay rơm rạ để cá thấy bóng mát mà chun vào. Hay cá đi kiếm ăn quanh bờ ruộng nơi có nhiều côn trùng rồi chun vào lờ hồi nào không hay!
Thả câu giường thì ngồi trên ghe hay lội bộ trong ruộng sâu. Câu giường gồm có một sợi cước dài có gắn phao, cách chừng một thước cột vào một lưỡi câu, xếp tròn trong một cái thúng có quay mang choàng qua cổ. Trên thành thúng có cắm một thanh tre chẻ làm đôi để móc lưỡi câu vô cho khỏi bị rối. Vừa chống ghe đi vừa lấy câu ra móc mồi xong thả xuống nước. Mồi câu giường là trùn đất.
Cắm câu cần phải có rất nhiều cần câu. Cần câu cắm bằng tre, dài chừng một thước. Một phần ba cần được chuốt dẹp, mỏng và có độ nhún tốt, phần còn lại tròn và cứng để cắm lên bờ ruộng. Người đi cắm câu mang theo cở vài trăm cần câu cắm, vai mang đụt nhái, cách khỏang năm sáu thước thì móc nhái vào lưỡi câu cắm trên bờ ruộng, để con nhái còn sống bơi bơi trên mặt nước. Sáng ngày hôm sau ra thăm và nhổ câu, hầu hết cá ăn câu là cá tràu (cá lóc.) Nhưng bực mình nhất vẫn là rắn nước! Rắn nước thích ăn nhái nên thế nào trong một đêm cắm câu cũng có vài ba con rắn dính câu!
Giăng lưới thì vừa chống ghe trên ruộng sâu vừa thả lưới xuống nước. Nhưng ít khi thấy cảnh sau khi thả lưới xong người giăng lưới chống ghe đi lẹ, dùng sào đập vào nước, gõ vào thành ghe gây tiếng động. Cá trong nước hoảng sợ chạy toán loạn và mắc lưới. Hình ảnh người giăng lưới đứng trên một đầu ghe, vừa chống sào vừa nhún làm cho chiếc ghe vừa nhấp nhô vừa lướt trên mặt nước và tiếng sào đập chanh chách vào nước, có lẽ là hình ảnh hắn nhớ nhiều nhất trên đồng Sa Băng trong những ngày nước lớn.
Đứng nhá. Nhá đặt tại những nơi có con nước lớn. Khi kéo lên lưới thụng xuống và cá nằm trong lưới. Nhá lớn nặng nên phải có cái cần dài như đòn bãy để kéo nhá lên. Vó nhỏ hơn nhá. Miền Trung vào những ngày nước lụt người ta thường mang áo tơi ra đứng nhá hay kéo vó ngay cả ở bờ sông và trên cánh đồng.
Dậm cá. Cái dậm gồm một khung lưới hình chữ nhật, ba mặt được cơi lên bằng lưới và chụm lại ở trên đầu, mặt còn lại để trống. Bên cạnh lưới dậm còn có một đòn cây hình chữ T lật ngược lại. Người dậm cá đứng trước mặt dậm, giang tay thả đòn hình chữ T xuống nước rồi dùng chân vừa nhập nhập lên đòn cây vừa đưa dần vô lưới, cá sợ tiếng động chạy vô lưới.
Nhưng dụng cụ lạ và có lẽ hiếm thấy là cái te. Te dùng để te tép tức là bắt tép (tép giống như tôm nhưng chỉ lớn bằng đầu chiếc đủa con). Te có hai phần, phần đầu là một miếng phên hình chữ nhật, đan bằng thanh tre mỏng, thưa có hình cong từ dưới lên trên, phần sau giống như cái nhũi cá có gắng túi vải mỏng thay cho đụt chứa tép. Phần sau gắn liền mặt lỏm phần trước bằng hai thanh tre từ hai bên hông. Thả te xuống ruộng sâu xong nắm cán phía sau vừa đi vừa đẩy tới, phần te lồi ra ở phía trước vừa cản vừa tách nước chảy qua hai bên hông rồi chảy ngược vô te lùa tép vào túi vải đựng. Đứng xa nhìn người đi te như con kênh kênh đi trên đồng!
Câu vịt. Cột lưỡi câu chùm vào chân vịt con, đi tìm chỗ nào có bầy rồng rồng thả vịt con xuống bơi lội phá bầy rồng rồng, cá mẹ bơi ở dưới bảo vệ bầy rồng rồng, thấy vịt phá cá con, nó đến cắn con vịt thì dính câu. Giựt mạnh cần câu một cái vịt con sút ra chỉ còn con cá mẹ dính câu. Nhưng câu vịt bắt con cá mẹ đi rồi thì, bầy rồng rồng con coi như tan nát vì, không còn mẹ che chở!
Ở miền quê sau ba ngày Tết người dân trong làng hay đi tát cá đem về muối để dành cho những lúc bận rộn công việc đồng án. Có lúc người ta mang xe đạp nước ra ruộng sâu đạp nước bắt cá. Trước khi đạp, người ta vạch năm ba đường rãnh cho nước rút. Khi nước cạn thì ôi thôi cá nó chạy bày kỳ, và nhiều nhất là trong những rãnh được vạch trước. Xong tay mang theo đụt, rỗ, và cá nằm bày kỳ trắng phếu chỉ việc bắt bỏ vô đụt. Nhưng có nhiều con cá, nhất là cá lóc cá trê và cá chạch, nó chui đầu trốn dưới bùn nên phải lòn tay xuống bùn mới bắt được. Cũng có con lẫn lộn trong bùn sình và sót lại, thì mấy người đi bắt hôi có cơ hội.
Quê hắn nằm trên bờ sộng Vệ, một trong ba con sông chính, đẹp và thơ mộng của Quảng Ngãi nên không ít lần đã đi vào thơ ca. Sông Vệ cưu mang cuộc sống của biết bao gia đình sống bằng nghề chài lưới mà người dân quê hắn gọi là ‘nậu ghe’. Nhưng đánh và bắt cá trên sông Vệ không chỉ có nậu ghe mà còn đủ mọi người sống hai bên ven sông, có cả hắn và những đứa con nít trong làng. Có lẽ một kỷ niệm không bao giờ phôi phai trong hắn là những ngày bờ xe nước trong thời kỳ hoạt động. Dưới chân trụ bờ độn và trong những tấm vĩ giữa những bánh xe có nhiều con hà, hà là một loại mồi rất nhậy để câu cá bống con. Bất kể những trận đòn và lời đe dọa từ mấy ông thợ xe, hắn cứ chun vào bờ xe nước móc mấy con hà ra để câu cá bống. Nước trong suốt hắn ngồi dương mắt nhìn con cá bống bò đến ngắm nghía con hà, xong nó thổi nhẹ một cái đẩy con hà ra xa rồi nó bò theo ngắm, thấy đúng là ‘cao lương mỹ vị’ nó bèn ngậm nước hút vô một cái, con hà trôi theo vào miệng. Nó nằm yên thổi thổi cho cát bay ra khỏi miệng, chỉ còn để lại con hà trong đó, nó yên tâm quay đi, thì đúng lúc hắn giựt dây câu lên! Không còn gì hồi hộp và vui sướng hơn là nhìn con cá bống con nó ăn câu mình! Và còn tuổi thơ nào để nhớ để thương!
Người dân quê hắn bắt cá trên sông Vệ, ngoài cách đi soi vào ban đêm, còn có chài lưới, kéo ngao, thả chà, cắm ống, thả rận, vân vân… Ngoài cá ra, sông Vệ còn cho dân làng vô số ốc gạo, ốc quắn, hến và lịch. Nhất là vào mùa kéo cát đắp bờ độn xe nước người ta dùng móc sắc để cào lịch, lịch giống như con lương nhưng nhỏ, có màu xám và ngắn hơn nhiều.
Kéo ngao là dùng một sợi dây dừa (dây thừng, hay dây ni-lông) lớn cở ngón tay cái, cách đoạn một gan tay người ta móc vào vài ba võ sò (gọi là ngao) nhỏ, trắng. Một sợi dây ngao có thể dài hàng trăm thước. Người ta bắt đầu kéo ngao từ bờ kéo xa ra rồi đi thành hình cánh cung đi vô, vừa đi vừa kéo vừa giựt dây ngao để những võ ngao va chạm vào nhau tạo thành những âm thanh lắc cắc truyền trong nước làm cá sợ mà lội đi. Nhưng lội về hướng dây ngao thì tiếng động càng lớn, cá lại sợ nên lội tránh xa nguồng âm thanh, tức lội vô bờ sông. Gần bờ người ta giăng lưới sẳn, khi dây ngao gần khép lại thì lưới cũng bao theo! Thế là tiêu đời mấy con cá!
Thả chà. Trên sông người ta cắm cây thành một vòng tròn, bên trong vòng tròn thả nhiều nhánh cây, khô có tươi có, gọi là thả chà. Chà có thể có nhiều lọai cây khác nhau cho nhiều loại cá cùng về ở. Khi dỡ chà thì mang lưới bao xung quanh, lấy chà bỏ ra ngoài, siết vòng vây lưới lại càng lúc càng nhỏ, và cuối cùng cá bị thu về một mối.
Rận được đan bằng thanh tre có hình thù như nửa cái vỏ sò lật ngữa lên. Phần ngoài cùng có thể rộng đến vài thước, bìa rận cao dần về phía gốc và cuối cùng chúm lại thành một nắm tay, nơi người ta buộc dây nắm kéo đi. Trước khi thả rận người ta cũng bỏ vào bên trong rận những cành cây như thả chà. Xong lôi rận thả vào nơi nước ‘hơi sâu’ và không chảy xiết. Cá tìm nơi yên tịnh để ở và làm ổ. Lâu lâu người chủ ra kéo rận lên bờ, cá ra không kịp bị kẹt trong rận!
Cắm ống. Ống là những ống tre lớn cở cổ chân cắt ngắn chừng hai đốt, hai đầu rỗng, khoét một lỗ nhỏ xuyên qua giữa ống nơi hai đốt giao nhau, và cắm vào một khúc tre dài vài ba gan tay thẳng góc với ống. Ðem ống cắm cho nằm sát trên mặt đáy sông. Cá bống là loại cá chun vào ống ẩn núp thường là cá bống dồ, tức cá bống lớn. Dỡ ống bằng cách hụp người xuống nước, dang hai tay bịt hai đầu ống rồi rút ống lên, nghiêng một bên cho nước chảy ra và, nếu có cá bống chun vào thì đưa miệng ống vào cái đụt, thế là có được những con cá bống trắng trẻo béo mập!
Trên đây là cách bắt cá trên ruộng đồng và sông nước. Nhưng làng mạc ở miền Trung Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, những miền cận sơn người ta còn bắt cá trên suối và trong những cái đìa ở ven rừng.
Trên suối nhiều nhất là cá ‘leo’, cá tràu cỏ (nhỏ chừng cán dao), cá trê đen. Cá rô thóc (lớn không quá ba ngon tay) thấy nhiều trong các đìa nằm cạnh ven rừng. Câu cá rô thóc, cần câu ngày ấy rất đơn sơ, chỉ cần chặt cây trúc hay nhánh tre nhỏ, chuốt sạch lá, cột vào sợi dây cước dài chừng bốn năm thước và một lưỡi câu là xong. Móc trùn vào lưỡi câu, nhưng trước tiên là đi bức cộng điên điễn làm phao. Cá rô thóc và cá leo nhát nên đứng chỗ nào cho nó không thấy bóng mình. Thả câu xuống, một hồi sau thấy cái phao nhỗng đầu lên giựt giựt mấy cái xong cắm đầu xuống và, rút sâu trong nước là, a lê hấp, giựt lên! Nên giựt xéo cần câu để lưỡi dễ đóng. Con cá rô vàng hườm búng búng trong lòng bàn tay hắn, thử hỏi làm sao không mê câu cá được!
Tháng Giêng là tháng ăn chơi, là tháng mà ruộng đồng vẫn còn nguyên sau mùa gặt trước, đất chưa cuốc ải, ruộng chưa cày, mạ chưa gieo, bờ xe nước chưa lên bánh. Tháng mà nhà nhà trong ghè trong lu vẫn còn những hộc bánh Nỗ, mức Mè, mức Gừng, mức Bí. Tháng mà người ta vẫn còn nhâm nhi hương vị của ba ngày Tết. Và cũng là cái tháng mà người dân trong làng hắn thường ra tát đìa.
Đìa có chiều dài năm ba thước, rộng hai ba thước và sâu ngập đầu. Có lẽ thời chống thực dân Pháp người ta đã đào những hầm trốn bom đạn, trốn máy bay oanh kích, sau nầy trở nên âm u chứa đầy nước trở thành những cái đìa cho cá về ở. Hầu hết đìa ở quê hắn đều nằn ven rừng. Chỉ trừ vài ba cái nằm ngoài đồng, và một trong vài ba cái đó là cái đìa ở cầu Bân, cái đìa duy nhất nơi hai con mương lớn giao nhau để đổ về đồng Sa Băng.
Có một mùa Xuân hắn đã theo Cha lên tát đìa cầu Bân. Mùa Xuân đó, sau một thời gian dài mới tát lại nên cá trong đìa nhiều và lớn. Sau khi dùng gàu tát cạn nước, cá nằm phơi mình trên bùn. Hắn chạy lòng vòng trên bờ đìa chỉ tay xuống: A nó đây nề, con cá trê kia nề, …, con cá tràu to quá … to bằng bắp vế của hắn! Rồi hắn chạy tung tăng vui mừng chụp vài con cá Cha hắn vứt lên bờ. Cá nhiều quá hắn không biết làm gì cho hết thế mà hể có con nào bay lên bờ là hắn chạy đến chụp.
Và niềm vui Tháng Giêng Tát Đìa vẫn còn theo hắn!
Cô gái tát đìa nghe hắn la lớn: “Con cá tràu to quá…” và đứng ngẫn ngơ. Cô nói:
- Ông lại mơ về quê cũ ngày xưa của ông nữa rồi! Khổ quá, đã nói xa rồi đâu còn nữa mà sao cứ nhớ hoài.
Cô nói tiếp:
- Đìa cạn rồi đó, ông xuống bắt cá đi. Ðể em đưa cái đụt cho ông.
- Cho anh mượn cái cuốc hay cái gì đó để xén cỏ xung quanh bờ đìa rồi hãy xuống bắt.
- Kệ nó, ông khỏi cần quét dọn chi cho mệt, chỉ bắt cá thôi.
- Nhưng rắn nó trốn trong cỏ, ghê lắm!
- À quên đi, ông sợ rắn. Thôi ông lấy cây nầy đập lên bờ cỏ nếu có rắn thì nó bò đi. Tội ông quá, đi bắt chuột ông cũng sợ rắn, đi bắt cá ông cũng sợ rắn. Còn một con nữa ông cũng nên sợ cho nó đủ bộ.
- Con gì?
- Con cua.
- Cua mắc mớ gì mà phải sợ.
- Ông chưa bao giờ bị cua kẹp à? Cua kẹp giống như con cóc nó cắn vậy đó, chỉ có Trời gầm nó mới nhả ra, ông có nhớ hông?
- Có bị cắn hồi nào đâu mà nhớ. Mà em bắt cua làm sao cho khỏi bị cua kẹp?
Cô gái giải thích:
- Người Sài Gòn như miệt Nhà Bè thì họ dùng cộng kẻm có cái móc rồi thọt vào hang cua, ngoái ngoái mấy cái, con cua chịu không nổi nó kẹp cộng kẻm lại, họ kéo ra từ từ.
- Nhưng người mình thì bắt cua làm sao, em nói nghe coi.
- Người mình không bắt cua ông à. Người mình thấy hang cua thì thọt tay vô móc nó ra, gọi là đi móc cua. Ông có ăn mắm cua lần
nào chưa?
- Chưa.
- Vậy thì ông chết hết nửa cuộc đời rồi! Để em kể cho ông nghe cách làm mắm cua nhé. Cua đồng đem về, phải nhiều mới đủ làm mắm, rửa sạch qua một nước xong bỏ vào cối mà quết. Quết cho đến khi cua nhuyễn ra thì bỏ vào miếng vải mùng hay cái khăn mà vắt để lấy nước, phần xác cua thì ném ra sân cho gà nó ăn. Khi vắt hết thì đem nước cua nấu lửa thâm thấp cho sôi, đừng có lấy đủa mà quậy sẽ chua, nêm nếm chút muối cho vừa miệng xong tắt lửa để nguội. Đợi vài hôm sau là ông có một hủ mắm cua màu nâu sậm ngon lành. Chỉ cần chạy qua nhà bà Phước nói bả bắt cho mấy con bún tươi còn nóng đem về chang nước mắm cua lên ăn, thì ông sẽ thấu hiểu trọn vẹn ý nghĩa của ba chữ tuyệt - cú - mèo! Bây giờ thì ông đi bắt cua đi.
Hắn cùng cô gái vạch bùn bắt cá trong đìa. Năm ba con cua màu tím chạy ngổn ngang trước mặt, hắn đưa tay ra chụp, bị cua nó kẹp. Đau quá hắn la trời rồi rãy rãy tay cho con cua sút ra, nhưng càng nhúc nhích con cua nó càng siết chặt lại. Đau quá hắn kêu lên:
- Em gỡ ra cho anh được không.
Cô gái bước đến dùng khúc cây đập con cua rơi xuống đất, rồi cô từ từ gỡ càng cua ra khỏi tay hắn. Cô nói:
- Ông nhớ em dặn nề, chớ có bao giờ chụp con cua như chụp chuột, nó kẹp chết. Ông bắt cua bằng cách lấy ngón tay cái hay ngón trỏ dí lẹ lên mu con cua, đè nó xuống rồi đưa mấy ngón tay kia ra nắm dưới bụng nó mà đưa lên. Ông nhớ đó, dí ngón tay lên mu nó chứ ông mà dí lên bụng nó nó lại kẹp ông chết dở nữa.
Trên cánh đồng lộng gió hắn bắt mấy con cua trong cái đụt ra, thả bò trên bờ đìa xong lấy ngón tay dí lên mu nó đè xuống, hết con này đến con khác. Hắn cười khúc khích, lẩm bẩm trong miệng:
- Kẹp nề, kẹp nề, … cho đáng đời.
Cô gái nhìn bản mặt khó diễn tả của hắn, cô lắc đầu:
- Ngốc ơi! Ngốc mất nết vừa vừa thôi. Ngốc hư quá chừng rồi! ____________
Đồng Sa Băng
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.03.2012 00:51:18 bởi DongSaBang >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu: