XÓM TÔI
XÓM TÔI
Một cái tên gọi ngẫu nhiên nào đó đôi khi lại trở thành địa danh và rồi theo nó suốt đời. Một ngôi chùa cất bên cạnh cây me trở thành “chùa Cây Me”, một cái chợ mọc lên bên những cây gòn bỗng dưng trở thành “chợ Cây Gòn”! Xóm tôi, đầu tiên nó chỉ là tập hợp những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ, chen chúc nhau quây quần để khi tắt lửa tối đèn luôn có chòm xóm, láng giềng và nó – cái xóm nhỏ vô danh tiểu tốt đến nỗi cách “chợ Cây Gòn” một quãng ngắn mà chẳng ai thèm biết mặt mũi, tên tuổi nó ra làm sao. Đùng một cái, ngọn lửa vu vơ nào đó trong cái xóm nhỏ nhoi bùng lên liếm trọn cả xóm nghèo. Người ta lại sợ cháy nữa nên cho xe ủi đến san bằng, nới rộng thêm, làm đường sá, phân lô. Bắt đầu từ đó, xóm nghèo thành khu phố nhỏ, nhà cửa kiên cố, khang trang thêm và cũng từ đó một tên gọi mới thật…bi hùng – xóm Nhà Cháy!
Cư dân xóm tôi đủ thành phần: Từ lính tráng, giáo viên, công chức, chạy chợ…và cũng đủ vùng miền: “Trọ trẹ” của đất cố đô này, “khô” đến khó của mấy bác Quảng Nam này, “bè bè” của đất võ Bình Định này, “líu lo” như chim hót của Phú Yên…nên bọn trẻ con chúng tôi mà ngồi với nhau thì như một dàn hợp xướng nhiều bè. Gia đình tôi chuyển đến xóm này đâu quãng năm “sáu bảy, sáu tám” gì đó, khi xóm còn đang rất vô danh. Vào hướng đường Trần Hưng Đạo – ai thích bên phải: “Hẻm bà B” ai ưa bên trái: “Hẻm ông A”! Nhà cửa trong xóm làng nhàng như nhau, vách ván mái tôn, chắc cũng chả khá giả gì chỉ được cái là nhiều con. Trẻ con trong xóm loi nhoi lóc nhóc, sàn sàn cỡ tôi cũng hơn “tiểu đội”. Ngày đầu, chân ướt chân ráo chuyển đến tôi đã phải “cống nộp” cho bọn nó một chầu “kẹo kéo ông già” để được yên thân. Thằng Tình lớn hơn tôi ba tuổi nhưng còm nhom, nhà ở đầu xóm. Nó là thằng lì nhất bọn, nghe bọn nhỏ đồn nó có võ vì nó là…dân Bình Định! Và dù chưa đứa nào dám “tỉ thí” với thằng Tình thì vẫn mặc nhiên xem nó là “đàn anh”. Tôi chưa phục nhưng cũng đành phải…xuống ở vị trí…cấp dưới!!
Xóm đâu chừng trên dưới hai chục nóc nhà. Lúc tôi chưa tới, những đứa nhỏ thường chơi chung với nhau, sau xích mích, cải lộn chuyện gì đấy rồi tách ra làm hai phe. Phe bất mãn cô thế hơn nên co cụm lại, bọn thằng Tình được thể nghênh ngang. Tôi ở giữa xóm nên dè chừng cả đôi bên, cũng lúc ấy thì gia đình thằng Khôi chuyển tới.
Khôi lớn hơn tôi hai tuổi nhưng nó chả học trường nào. Ba nó mất trong chiến tranh nên cô Thìn cùng hai anh em nó lưu lạc lên Phú Bổn quãng năm “sáu sáu”. Lúc đầu tới xóm, xin ở ké nhà ông Tư bụng phệ đồng hương với gia đình thằng Khôi. Mẹ nó ở đợ cho nhà bán tạp hóa Ba Tàu chỗ ngã tư Cây gòn, còn nó xin được một chân phụ việc cho lò bánh mỳ Thái Hòa bên kia đường. Nhỏ Ly, em nó học lớp một (lớp năm) trường Bồ Đề. Một thời gian sau, mẹ nó dành dụm được ít tiền ra mua rẻo đất “chó ỉa” ở cuối xóm, rồi bà con kẻ ít người nhiều giúp gia đình nó dựng lên một ngôi nhà bé tẹo bằng bìa gỗ lợp tôn. Có nhà rồi cô Thìn cho nó đi học, còn ban đêm ra lò bánh mì phụ việc. Nó giờ chính thức là người trong xóm và cùng học lớp ba Bồ Đề với tôi. Lúc mới đến nó đen như cột nhà cháy, lầm lì ít nói nên cũng chả có mấy mống bạn. Do học cùng trường, cùng lớp nên bọn tôi hay đi chung với nhau và thế là hóa ra thân. Tánh nó lầm lì nhưng kì thực lại rất hiền và tốt bụng, luôn giúp đỡ bạn bè, không ai bảo ai nhóm bạn vừa tách ra tự nhiên nhập bọn với hai đứa tôi. Bọn thằng Tình phản ứng ra mặt. Thế là chiến tranh chỉ chờ có ai đó châm ngòi…
Như thường lệ đêm nghỉ đêm làm, bảy giờ tối thằng Khôi lót tót ra lò bánh mì. Tuổi đời của nó mới tròn trịa con số mười. Ở cái tuổi ham ăn ham chơi như bọn tôi mà phải đi làm, phải thức hôm thức đêm thì quả thật đáng nể! Năm giờ sáng, khi bọn trẻ con chưa chui ra khỏi chăn thì nó lại lò dò về với khuôn mặt mệt mỏi vì thiếu ngủ. Hôm nay khác, nó không về như lệ thường, nó vác trên vai một bao nhỏ, hí hững nhảy chân sáo từ đầu xóm - điệu bộ này thật lạ với nó từ xưa nay, và về đúng cái lúc bọn tôi chuẩn bị đi học. Thoạt thấy lũ bạn, nó hạ bao trên vai xuống ôm vào nách như có điều gì bí ẩn cần dấu diếm. Cử chỉ “khan khác” ấy của Khôi không qua được con mắt xét nét của thằng Tình. Một “cơ hội” trời cho, nó phóng vút ra chỗ mấy cây gòn bên rào Ty Công chánh, bộ dạng như chàng võ sĩ, khuỳnh khuỳnh hai tay:
- Mày…trốn không đi học à?
- …Đi chớ!
Khôi nói xong nó kín đáo chuyển cái bao ra sau lưng như muốn để bọn trẻ không nhìn thấy. Lúc này bọn trẻ con đã tập trung đầy đủ để đi học cũng hiếu kỳ đến bu quanh. Thằng Tình đã sắp bắt được con cá trong nơm nên không thể kiên nhẫn lâu hơn nữa. Nó nhìn chằm chằm vào cái bao lấp ló đằng sau lưng Khôi, giọng hể hả:
- Mày dấu cái gì trong bao?
Khôi bối rối:
- Tao… Tao…đâu có!
Nhỏ Ly ôm cặp chạy đến bên anh:
- Anh về trễ thế?
- Em đem bao này về nhanh lên rồi mang cặp ra đây cho anh.
Ly đỡ cái bao trên tay anh chưa kịp chạy về, Thằng Tình xoạc chân ngáng lại:
- Đích thị đồ ăn cắp rồi nha!
Bọn phe thằng Tình hùa vô:
- Ăn cắp! Ăn cắp! Ăn cắp…!
Nhỏ Ly bị ngáng chân ngã sóng soài trên đường, cái bao văng ra xa, không bỏ lỡ cơ hội làm nhục bạn, Tình lao tới chộp lấy như một chiến lợi phẩm, mặt vênh váo dốc ngược những gì có trong bao ra ngoài đất. Những tiếng “ồ” đầy ngạc nhiên của nhóm trẻ đứng quanh. Mặt Khôi từ tái chuyển sang đỏ, ngượng ngịu, lúng túng đến đơ người. Nó cúi xuống đỡ em dậy, nhỏ Ly mặt mày lấm lem, nước mắt rưng rưng đứng nhìn những ổ bánh mỳ phế phẩm teo đét, cong queo cháy nám – món quà thỉnh thoảng anh mang về đang nằm lăn lóc bên lề đường.
Gần một tuần sau, có vẻ như không ai còn nhớ đến vụ “gây sự” ấy nữa. Mọi sinh hoạt đều trở lại bình thường, có khác chăng là thằng Tình trở nên ít nói, không gây gổ, nó cũng không có phản ứng, quan tâm gì khi chẳng còn đứa nào muốn “nghinh nghinh” với thằng Khôi, cà khịa với phe “đối lập” nữa. Đôi khi thấy nó đi đi lại lại một mình ra vẻ suy tư, toan tính gì đó lung lắm. Thoạt đầu bọn tôi cũng hơi e ngại vì thấy nó bị “quê độ” với bọn đàn em, có thể rồi nó sẽ làm chuyện điên khùng gì đó mà có trời mới biết, nhưng rồi thấy mọi chuyện im re, lũ trẻ trở lại chơi chung với nhau.
Hôm đó là một ngày đầu hè, thằng Tình tự nhiên khởi xướng qua buôn Ma-Jơng hái me, cả bọn khoái trá, đứa thì đem theo muối ớt, đứa mắm ruốc. Quãng chín giờ hoặc hơn một chút gì đó lại rủ nhau kéo xuống sông Ba tắm. Thằng Tình nhăn mặt nói: “Tao đau bụng”. Nghe nó nói tự nhiên tôi cũng thấy…bụng mình râm ran, anh ách, còn xì nổ thêm mấy tiếng to tổ chảng, thế là đành cùng về với nó. Trên đường về Tình chẳng nói gì cứ lầm lũi đi. Tôi vớ được vỏ lon sữa Ông Thọ “sút” một phát về phía trước, âm thanh “loong coong” của lon sữa lăn trên nền đường cuốn đôi chân hai đứa chạy theo. Như cầu thủ mê bóng, tôi với thằng Tình “dẫn” lon sữa về gần tới nhà hồi nào không hay. Tình rẽ vào hãng nước đá mua hai que kem đưa tôi một que. Trời mới quá chín giờ mà nắng như muốn nổ đom đóm, mặt mũi đứa nào cũng ướt nhẻm mồ hôi. Que kem bốc khói mát rượi, tôi thè lưỡi lướt qua suốt chiều dài que kem. Thằng Tình chợt nhìn tôi, lúng búng:
- Con Ly bị đau à?
Tôi còn đang mãi miết mút kem:
- Ly nào?
- Em…thằng Khôi!
- À… Ừ! Nó bị sưng chân to lắm, nằm một chỗ…
- Còn…thằng Khôi?
- Nó ra khiêng hàng thuê, chỗ cô Thìn.
Gần tới lò bánh mỳ hai đứa chia tay. Tôi quẹo qua Lê Lợi, lẻn vào sau góc rào vườn nhà cô Bích hái bời lời về bắn súng thụt. Hái được hai bịch căng cứng định tụt xuống chợt thấy mé trái vườn có cây ổi xá lị trái to bằng nắm tay cứ đu đưa đu đưa, nhìn ngứa mắt không chịu nổi: “Chà! Tao mà túm được mày thì đố mà tha nha ổi!”. Nghĩ tới lúc trái ổi nằm êm trong tay, tót lên cây gòn băng qua mái tôn của dãy kho Ty Công chánh, nằm khèo đó mà nhìn lên bầu trời qua kẽ lá, nhâm nhi từng miếng giòn tan thì sướng phải biết. Nghĩ tới đó miệng tứa đầy nước miếng trong, nuốt ực một cái rồi lẹ làn tụt xuống bò đến núp chỗ góc khuất của mấy phi nước. Nằm ước lượng khoảng cách đến cây ổi rồi bò nhanh. Bỗng có tiếng chạy thình thịch, tiếng la í ới của đông người làm tôi hoảng đến ngây ra: “Cháy! Cháy!”. Quả thật, tôi chưa biết cái gì cháy và cháy từ đâu. Thấy mọi người chạy xà quầng, xuôi ngược khiến tôi cũng khiếp đảm chui nhanh ra khỏi rào nhìn dáo dác. Tiếng nổ lách tách cùng bụi tro than bay loạn trên đầu và mọi người chạy dồn về xóm tôi, tôi chẳng còn hồn vía nào mà nghĩ ngợi, ba chân bốn cẳng phi một mạch về nhà.
Cái xóm nhỏ nghèo nàn của nã chẳng có là bao, nhưng cũng là tài sản cả đời nên các cô các dì mặt mày hớt hơ hớt hãi như con kiến trên chảo nóng, cứ chạy loanh quanh, có thiếm ngồi bệch dưới đường bù lu bù loa than trời kể đất. Cả xóm toàn nhà vách ván nên ngọn lửa vừa liếm tới là bừng lên đỏ rực. Mọi người nói ngọn lửa dường như bắt đầu từ giữa xóm mà gió đang thổi mạnh về hướng nam nên dãy bên đó coi như tiêu tan. Nhà tôi mé trên ngược gió nên lửa chưa liếm tới. Rất đông người lao vào, kẻ cây, kẻ xà ben nạy, đập gỡ ván, gỡ những đồ dễ cháy quăn ra xa, tôi cũng ùa vào ôm…cái cặp đi học chạy ù ra sau vườn! Chợt nhớ ra điều cực kỳ khủng khiếp, tôi la toán lên: “Các chú các bác ơi! Nhà cô Thìn không có ai ở nhà, chi có nhỏ Ly…”. Hét xong tôi lao thật nhanh về phía nhà Khôi. Gió mạnh quá nên chẳng ai có thể chữa cháy được xóm dưới, cả dãy ngập trong biển lửa đỏ ối, bao trùm một vùng rộng lớn. Lúc này cô Thìn, thằng Khôi cũng vừa chạy về, nhìn ngôi nhà cháy rực trong biển lửa, cô chưa kịp nói lời nào đã ngã quỵ xuống bất tỉnh. Thằng Khôi tính phóng vào cứu em nhưng được ai đó giữ lại, kéo ra xa, nó quằn quại khóc la thảm thiết. Tôi cũng đau lòng ngồi thụp xuống hai hàng nước mắt chảy dài. Vậy là nhỏ Ly chết thật rồi sao. Nó chắc không biết vì sao mà mình chết…
Mấy đứa trẻ ngồi quanh trên khoảng đất trống, đêm nay mới mười hai mà trăng sáng rõ cả mặt người. Cả bọn vừa chơi u quạ xong định bày trò mới, Thằng Kim cò nhanh nhẩu:
- Mày kể lại chuyện hôm trước đi Tình.
- Lần thứ mấy mươi rồi.
- Nghe vẫn chưa đã.
- Ừ!
- Mi giỏi thiệt!
Tôi chạy vô nhà bưng ra rổ củ mỳ đang bốc khói để chính giữa, thằng Tình chợp một củ thổi phù phù:
- Ăn no rồi kể…mới hay!
Cứ mỗi lần kể nó lại thêm mắm thêm muối vào. Đến lần này câu chuyện trở nên dài lê thê, rồi bịa cả chuyện trước hôm xóm cháy nó còn chiêm bao, Bụt hiện ra…
Nó dợm chân mấy bận mà vẫn chưa ra khỏi đầu ngõ, mặc dù giờ này chẳng có ma nào lảng vảng trong xóm cả. Đùm me nhét sâu dưới túi quần không chịu nằm yên, cứ cồn cộn theo mỗi bước đi. Đường xóm vắng tanh, mấy chú chó nằm ngáp vu vơ chẳng buồn nhìn nó qua. Thằng Tình đi một mạch không kịp thở. Thời điểm này là tốt nhất để tới thăm nhỏ Ly đau – nhỏ đau cả tuần nay vì cú ngáng chân của nó, thăm để bớt đi sự dằn vặt trong lòng thằng Tình. Nó biết nghĩ tốt như vậy nhưng vì xấu hổ nên phải chờ đến hôm nay. Tới ngõ nhà Khôi nó nhìn quanh không thấy ai, lôi chùm me ra khỏi túi quần như tìm kiếm sự đồng minh. Giọng khàn đặc: “Khôi ơi!” Không có tiếng trả lời nó bối rối đẩy cửa bước vào. Ngôi nhà trống hươ trống hoác, chiếc giường trong góc kêu cót két, một dáng người mỏng léc chống tay gượng ngồi dậy: “Anh Khôi em đi với mẹ từ sáng…”
- Anh biết rồi, mày cứ nằm đi.
- ???
Thằng Tình vụng về chìa chùm me tới trước mặt Ly:
- Anh cho mày nè!
Nhỏ Ly ngập ngừng:
- Em…cám ơn anh!
Nói xong nhỏ bẻn lẻn nhón một trái đưa lên miệng:
- Me ngon ghê anh há!
Thằng Tình đã cất công trèo mút ngọn để tìm hái những chùm me non sương – trái chỉ nhỏ vừa bằng ngón tay nhưng không được tròn, dẹp quá cũng không ngon, phải vừa đủ căng nhẹ phần lưng để nhai luôn cả hột. Vị ngòn ngọt, chan chát của hột non, chua chua và giòn tan của me cộng với tí tẹo hương vị mắm ruốc là ăn phê luôn. Nghĩ tới đó nước miếng của nó lại tứa ra:
- Có mắm ruốc không?
- Hi, có, để em lấy.
Nó cố ngồi dậy nhưng thật khó khăn, thằng Tình nhanh nhẩu:
- Mày nằm yên để anh lấy.
Thế là bữa tiệc me thật rôm rã. Nắng đầu hè mặc dù có gió nam nhưng cái gió vẫn cứ ran rát, hừng hực khó chịu. Mồ hôi tươm đầy cổ, nó vớ lấy cái mũ chùi lia lịa rồi nhìn Ly:
- Nóng quá! Nóng quá! Mày nghe gì không? Anh nghe có mùi khét khó chịu…
- Em cũng có nghe.
Lúc đó tiếng gọi í ới, lao nhao đâu đó. Khói luồn vào nhà mang theo tro than bay tứ tán. Thằng Tình hốt hoảng chạy ra cửa. Giờ này mọi người đi làm chưa về nên cả xóm chỉ lác đác mấy người chạy nháo nhào: “Khó thở quá!” Nó toan phóng đi nhưng sực nhớ còn nhỏ Ly, nó gào lên:
- Chạy Ly ơi, cháy nhà rồi!
Nhỏ Ly lăn rơi bịch xuống đất khóc ré lên:
- Cứu em với anh Tình ơi!
Tình lao vào. Trong nhà khói than mù mịt, nó cố xốc nhỏ Ly dậy, con bé bất động, mềm nhủn còn nó choáng váng, lảo đảo không đứng vững. Kéo được Ly ra ngoài cửa, một màn lửa đỏ rực lùa vào làm nó chới với ngã nhào. Thân cây đòn tay rơi xuống bị ngáng lại bởi những tấm tôn kéo oằn ngôi nhà như sắp sụp. Từng cục lửa đỏ ối rớt tung tóe, vươn vãi khắp nơi, nó khiếp đảm lôi nhỏ Ly chạy ngược ra cửa sau. Không hiểu sao lúc này nó mạnh thế, kéo Ly sàn sạt như kéo bị gạo ra sau vườn, nơi um tùm cỏ dại và rồi ngất đi trong hơi nóng rừng rực của biển lửa.
Cả bọn ngồi mê mẩn nghe, rổ củ mỳ còn trơ lại mấy cọng lõi. Đêm mùa hè bầu trời sao chi chít, lồng lộng. Đứa nào mắt cũng muốn ríu lại. Thằng Hiệp trọ trẹ:
- Răng bữa trước mi nói buồn ngủ quá ngủ luôn, hôm ni lại ngất…
- Hi hi, thì ngủ với ngất…cũng là nằm im!
Nhỏ Ly ngáp thật dài:
- Mai mấy anh đi hái me cho em theo với, em lụm cho!
- Mày lụm cho vào họng thì có.
- Eo ui! Buôn Ma-Jơ ng ma nhiều lắm!
Phạm Tú Uyên
"Xóm Tôi" đã được mang vào thư viện.
Xin cám ơn tác giả Phạm Tú Uyên.
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: