Chữa bệnh bằng trà
Trà được yêu thích không chỉ vì có hương vị thơm ngon mà còn mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Những lợi ích dành cho sức khỏe từ trà
Uống trà không đơn giản chỉ là một thói quen thường ngày trong những giây phút rãnh rỗi hoặc ngồi thư giãn. Cứ mỗi một tách trà lại mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể nhờ vào hàm lượng chất chống ô-xy hóa cực kỳ dồi dào có trong loại đồ uống này.
Những chất chống ô-xy hóa có khả năng đánh bại nhiều căn bệnh và trung hòa các gốc tự do - là những phân tử xuất hiện một cách tự nhiên có thể gây hại cho những tế bào khỏe mạnh khác trong cơ thể. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh được rằng việc tiêu thụ những thực phẩm giàu chất chống ô-xy hóa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh về tim mạch, Alzheimer…
Bên cạnh đó, tất cả mọi loại trà đều có chứa các polyphenol (một loại chất chống ô-xy hóa). Hàm lượng chất chống ô-xy hóa trong các loại trà sẽ giúp chúng trở thành một trong những loại thực phẩm mang đến nhiều lợi ích đặc biệt cho sức khỏe, điển hình là khả năng chữa trị một số căn bệnh được liệt kê dưới đây:
1. Nếu bạn muốn đánh bại tình trạng béo phì: hãy thử uống trà trắng
Là loại trà ít được chế biến nhất từ cây camellia sinensis (tên khoa học của cây trà), trà trắng còn chứa nhiều chất polyphenol nhất. Trong một cuộc nghiên cứu về tế bào chất béo của con người vào năm 2009, các nhà nghiên cứu người Đức đã phát hiện ra rằng: chiết xuất từ trà trắng giúp ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào chất béo mới đồng thời còn kích thích sự phá vỡ những tế bào chất béo đang tồn tại trong cơ thể.
Bạn nên sử dụng loại trà trắng được chế biến từ những lá trà khô. Loại trà lá được sấy khô có hàm lượng chất chống ô-xy hóa cao hơn và hương vị cũng thơm ngon hơn so với trà túi lọc.
2. Hạn chế nguy cơ của các bệnh tim mạch bằng trà xanh
Không chỉ giúp làm dịu tinh thần, trà còn tốt cho tim, bộ phận quan trọng trong cơ thể. Trà xanh nổi tiếng với lượng chất chống ô-xy cực mạnh có các chất catechin, đặc biệt là chất epigallocatechin gallate (thường được gọi là EGCG). Chất EGCG được đánh giá là tốt cho tim.
Theo bác sĩ Sandra Davidge- giáo sư bộ môn sản và phụ khoa của trường ĐH Alberta ở Edmonton, Canada, tác giả của một tài liệu nghiên cứu về chất EGCG, chất chống ô-xy hóa phenol tự nhiên này hoạt động như một tác nhân kháng viêm, bảo vệ các tế bào nằm ở bề mặt bên trong của mạch máu. Sự khỏe mạnh của những tế bào này là vấn đề cốt yếu. Nếu chúng bị tổn hại hoặc suy yếu, tình trạng cao huyết áp và những rắc rối khác về mạch máu có thể xảy ra.
3. "Chiến đấu" với sự lo lắng bằng trà hoa cúc
Một kết quả điều tra thăm dò ngẫu nhiên do Tạp chí Tâm lý học Canada thực hiện năm 2009 cho thấy, trà hoa cúc có thể giúp ích cho việc điều trị chứng lo lắng. Hoa cúc có tác dụng giảm đau ở mức độ nhẹ. Do đó, nếu muốn tinh thần bình tĩnh trở lại, bạn nên chọn uống một tách trà hoa cúc.
Được chế biến từ những nụ hoa cúc, trà hoa cúc có chứa apigenin, một chất flavonoid và là tác nhân chống lại tình trạng lo lắng bằng cách khống chế các cơ quan nhận cảm ở não bộ tương tự như hoạt động của thuốc an thần. Khi uống trà hoa cúc, bạn nên đậy kín ly trà để giữ lại các chất tinh dầu của hoa cúc có tác dụng kháng viêm dễ bay hơi. Lượng tinh dầu này có tác dụng mang lại cảm giác bình tĩnh, làm dịu thần kinh.
4. Đối phó với những rắc rối của hệ tiêu hóa bằng trà rooibos
Trà rooibos là loại trà tự nhiên không chứa chất caffeine. Chúng còn giàu các chất flavonoid - một loại polyphenol có chức năng kháng viêm nhiễm. Theo bác sĩ Nabeel Ghayur, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại trường ĐH McMaster, Hamilton, Canada, đồng tác giả một tài liệu nghiên cứu về những lợi ích của trà rooibos đối với sức khỏe được thực hiện năm 2006 thì khả năng chống viêm nhiễm của loại trà này có thể giúp chế ngự những rắc rối ở dạ dày.
Các chất flavonoid góp phần làm thư giãn cơ của ruột và mô ở bên trong ruột, đồng thời còn có tác dụng chống tiêu chảy. Để trà rooibos phát huy tốt nhất lợi ích làm dịu bao tử của chúng, bạn nên tự pha chế trà bằng cách hãm từ một đến một muỗng rưỡi lá trà rooibos khô trong 120ml nước. Uống trà rooibos hai đến ba lần mỗi ngày.
5. Trị chứng tăng huyết áp bằng trà hibiscu
Bằng chứng về khả năng chữa bệnh tăng huyết áp của trà hibiscus được thể hiện qua kết quả nghiên cứu thực hiện vào năm 2009 của trường ĐH Tufts, Massachusetts, Hoa Kỳ. Ở những người tham gia cuộc thí nghiệm được cho uống ba tách trà hibiscus mỗi ngày, mức huyết áp đã giảm xuống rất rõ rệt.
Loại trà đỏ vị chát này có chứa một chất chống ô-xy hóa mà các nhà khoa học tin rằng có thể giúp giãn nở mạch máu, cho phép máu lưu thông thoải mái hơn. Hibiscus (hay còn gọi là quả hồng hoa) là một loại thảo dược có nguồn gốc từ Bắc Phi và Trung Mỹ.
Loại cây này được chế biến thành nhiều sản phẩm như rượu, trà, nước si-rô hay mứt. Trà hibiscus hiện cũng đã được bán ở VN. Khi chọn mua các loại trà thảo mộc, bạn nên chú ý đến các thành phần của trà để chọn được loại trà hibiscus có chất lượng tốt nhất.
6. Khắc phục tình trạng khó thở bằng trà gừng
Trà gừng có khả năng làm giãn nở cuống phổi và làm dịu đường thở. Do đó, chúng được xem là đồ uống có ích cho những người bị bệnh hen. Những bệnh nhân bị hen suyễn thường bị co thắt hoặc thu hẹp đường thở ở phổi. Chính vì vậy, bất kỳ thứ gì giúp làm thư giãn hoặc mở rộng đường thở để không khí lưu thông tốt hơn đều có giá trị rất lớn đối với họ. Loại trà có vị hơi cay này còn có chứa một hợp chất có khả năng giúp chế ngự các cơn ho.
7. Thường xuyên dùng trà xanh để ngừa ung thư
Theo giáo sư Richard Beliveau thuộc khoa hóc sinh của trường ĐH Quebec ở Montreal, Canada, đặc tính chống ung thư ở trà xanh là do hàm lượng chất catechin có trong loại trà này. Catechins có liên quan đến các nhân tố phát triển bắt nguồn từ sự phát triển của bệnh ung thư. Về cơ bản, những chất chống ô-xy hóa này sẽ thúc đẩy các tế bào ung thư tự giết chết mình. Để có được lợi ích tốt nhất từ trà xanh, cần uống khoảng từ hai đến ba ly trà có dung tích 150ml mỗi ngày. Đã có rất nhiều kết quả nghiên cứu đưa ra những bằng chứng khoa học khá thuyết phục về tác dụng chống chất sinh ung thư của trà xanh. Các kết quả nghiên cứu không chỉ nêu rõ mối quan hệ giữa việc tiêu thụ trà xanh với việc làm giảm nguy cơ nguy thư vú ở phụ nữ và cải thiện tình trạng ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới mà còn cho thấy trà xanh có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của những căn bệnh ung thư khác.
Mẹo hãm trà giúp giữ lại chất dinh dưỡng
Để giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn trong quá trình hãm trà, bạn nên thực hiện theo những bí quyết sau đây:
- Hãm trà trong ít nhất là năm phút. Cần kiên nhẫn vì hàm lượng các chất polyphenol trong trà sẽ tăng lên theo thời gian hãm trà.
- Cho thêm một ít chanh. Trà có thể cản trở việc hấp thu chất sắt nhưng lượng vitamin C trong các loại trái cây họ cam quít sẽ giúp trung hòa được vấn đề này.
- Những loại trà đã được tách chất caffeine có thể làm giảm những lợi ích từ các chất flavonoids.