Na, Lan "cò", Quán 8 bàn và tôi
luomden 14.03.2012 01:43:50 (permalink)
Na xộc thẳng vào trái tim tôi một chiều thứ hai đầu tháng. Xộc thẳng, thô bạo và bất ngờ. Trái tim vốn chỉ chứa thơ văn, những mơ ước hảo huyền và những toan tính ngu xuẩn.
Chiều thứ hai đầu tuần, buổi chiều tính sổ. Chút học bỗng mà chỉ vừa chìa tay ra nhận vào buổi sáng thì đã vẫy tay chào lúc buổi chiều. Chiều thứ hai đầu tháng. Cái khoảnh khắc thời gian được kiêu hãnh gọi “Tính tiền đi!” rồi gạt lệ khi khoảng học bỗng teo tóp bay vèo vô học tủ của chị Lan “cò” , Quán “8 bàn”.
Quán 8 bàn! Thì chỉ có 8 bộ bàn ghế cũ kỹ . Không gọi là 8 bàn thì gọi là gì? Chắc chắn không phải là “Hoàng Lan” nếu như ai đó chịu khó đọc cái bảng hiệu nho nhỏ ngoài cổng. Trong quán chẳng có được một cánh hoa nào thì nói chi đến Hoàng Lan. Chỉ có chị Lan “cò” trông như một đóa vạn thọ vừa sặc sỡ vừa đáng tôn thờ. Thật vậy, chị rất đáng được tôn thờ như một ngẫu tượng của những sự đối nghịch. Những mâu thuẩn tạo nên tình huống hài hước. Chị Hoàng Lan vừa “sến” lại vừa “sang”. Yêu nhạc Trịnh, thích Ngọc Sơn. Chị Lan “cò” lúc tâm sự “đời tôi” thì như là tiểu thuyết gia Quỳnh Dao, nhưng khi đòi nợ thì cứ như bà Nghị Quế! Mà chúng tôi thì có lúc thì là những “tri âm” của chị mà cũng có lúc thì làm vợ chồng chị Dậu, tùy hoàn cảnh.
Quán “8 bàn” bên hông nhà văn hóa. Quán rè rè quanh chiếc máy Cát-Xét Sony “đầu căm” phát ra tiếng hát Hồng Hạnh : “Mệt quá (cái) đôi chân nầy. Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi. Mệt quá (cái) thân ta nầy. Tìm đến (cái) đất muôn đời…” Quán ruột của ba vĩ nhân. Một nhà thơ, một ca sĩ và một doanh nhân. Dĩ nhiên những “một” ấy đều nằm trong thời tương lai. Chớ khi còn ngồi đồng ghi sổ trong quán “8 bàn” thì các “đại gia” nầy vẫn là những thằng sinh viên khố rách áo ôm. May mắn là những chiếc áo rách ấy cũng được cho vào quần chỉnh tề như…trí thức. Một nhúm kinh nghiệm, một bụng kiến thức và một trời ước mơ. Nhưng chỉ có một cái ví lúc nào cũng lép kẹp. Chỉ có chị Lan “cò” là nhìn thấy “tiềm năng” của ba vĩ nhân. Không biết tương lai thế nào chứ mỗi đầu tháng thì vẫn phải tính sổ. Quyển sổ nợ có hình Lý Thu Thảo ở ngoài bìa. Lý Thu Thảo mà nhoẻn miệng cười thì mất cả tháng học bỗng như chơi!
Na đâm xầm vào cuộc đời tôi vào một chiều thứ hai đầu tháng. Cứ như con chim non bị rơi khỏi tổ, ướt mưa, run rẩy. “Em tên là Na?...!” “Sao anh biết?” “Thì cô Lan vừa mới gọi thế mà!” “ Ừ hén!” Na “ừ hén” một cách rất Cần thơ. Na mắt một mí, mũi dài , môi màu trái mận. Na trông giống một buồng hoa dừa nghiêng ngiêng. Na đẹp như một cành bông súng. Đẹp bình thường. May mắn là Na đẹp bình thường. Em không thể nào đẹp bất thường. Vì nếu thế thì chắc rằng em đã không đâm xầm vào anh, một thằng sinh viên tầm thường. Vì nếu đẹp bất thường thì Na đã nhảy bỗ lên yên sau những chiếc xe Dream2 cáu cạnh vi vu trong thành phố. Chứ không phải là chiếc xe “cuộc” sườn ngang không có yên nầy!
Na vừa tốt nghiệp cấp 3 đã lên Sài Gòn bán quán. Có Na, quán 8 bàn trở thành rực rỡ. Na xuất hiện khiến chúng tôi biết mình là những thằng đàn ông con trai. Trước đây chúng tôi chỉ là những con nợ. Có Na, chị Lan “cò” trông trẻ thêm vài tuổi. Vì Na và chị Lan tuy khác “thế hệ” nhưng cùng kiểu ăn mặc. Chỉ có điều là những bộ quần áo “hiện” là của Na thì “vốn” là của chị Lan. Mà bộ nào cũng rất hợp với lứa tuổi của Na lại rất tầm với “trình độ thẩm mỹ” của chị Lan!
Na ngồi trên chiếc “sườn ngang” của tôi cũng dễ dàng như lúc cô đi qua cầu khỉ. Na ríu rít trước ngực ( vì cô ngồi phía trước) làm thức giấc những con phố chúng tôi đi qua. Những cục gạch cây xăng di động ngơ ngác nhìn theo. Không hiểu sao mà chiếc xe đạp cà tàng của tôi chạy nhanh thế! Còn nhanh hơn cả Dream 2. Không nhanh sao được? Tiếng cười lanh lảnh của em giòn hơn cả tiếng xe xích lô máy. Có hình bóng Na trong tim khiến dòng máu tôi sôi sục. Bước chân mạnh mẽ hơn, dẻo dai hơn. Có Na bên cạnh khiến những nàng thơ tôi ghen tị, bỏ đi mất. Tôi không làm thơ nữa mà để dành đầu óc để nghĩ đến những điều khác thực tế hơn, “ đồi trụy” hơn! Những “âm mưu” xuẩn ngốc chỉ dám “chiếu” khi có khuyến cáo “cấm trẻ em dưới 16 tuổi”
Na theo tôi vào bóng đêm. Thật ra chúng tôi dắt nhau vào nhà trọ. Dưới chân cầu Văn Thánh. Nhà trọ bình dân. Cho thuê từng giờ đồng hồ. Nhà trọ vách gỗ. Bốn phòng cách nhau ba tấm ván. Phòng chúng tôi ở giữa. Bốn phòng cách nhau có 3 tấm ván. Nghe được cả tiếng thở, tiếng phẹc-mơ-tuya.
Na nằm cạnh tôi, nín thở. Tôi nhìn lên trần nhà, nín thở. Đầu óc hoang mang, tim đánh trống trận. Những tấm vách gỗ kêu ken két. Tiếng rì rầm ở phòng bên. Tiếng cười khe khẻ, kể cả tiếng văng tục. Na nằm cạnh tôi, nhắm mắt ( hình như là vậy!) Tôi hoảng hốt thật sự mà không biết vì sao. Một bên tay tôi đặt trên ngực . Bàn tay còn lại đi lạc, run rẩy. Bàn tay đi hoang, vượt tầm kiểm soát…yêu…không yêu…yêu ….không yêu…to be or not to be…Bàn tay chạm vào bàn tay, nóng ướt, run rẩy, hoang mang…
Tôi bật dậy như chiếc lò xo khi tiếng gỏ cửa phòng vang lên khô khốc. Bà chủ phòng trọ thông báo đã hết giờ. Muốn ở lại thì phải đóng thêm tiền phòng. Tiếng gõ cửa phòng khô khốc nhưng đối với tôi thì lại êm ái. Tôi thở phào nhẹ nhõm mà không biết vì sao. Tôi hình dung Na đang nằm kế bên cũng cùng tâm trạng như tôi, nhẹ nhõm và hạnh phúc.
Na của tôi ngày ấy vừa ngây thơ vừa ma giáo. Na không bao giờ ăn sáng. Luôn nói dối là đã làm một tô bún riêu hay mì hoành thánh gì đấy khi đi chợ để tôi yên tâm. Phần tiền ấy Na dành dụm để gửi về cho bà mẹ già đang bị bệnh dưới Ô Môn. Sáng nào Na cũng đến quán 8 bàn với bộ mặt tái xanh, tay chân run rẩy. Dạo ây tôi đã có việc làm thêm ngoài giờ học. Chúng tôi góp gạo nấu cơm chung. Chúng tôi hùn tiền đi chợ. Phần lương phụ bán quán của Na và lương làm thêm của tôi thì cho hết vào trong một ống heo. Để dành cho tương lai hậu sự! Một con heo đất to bằng con heo mọi thiệt. Chúng tôi dành dụm tiền để lo tương lai! Nhưng tôi biết chắc là con heo đất kia chỉ được nuôi một phần lương mỗi tháng của tôi thôi. Phần của Na cũng cho vào trong heo đất. Nhưng lại bị rút ra một cách bí mật mỗi khi tôi đi vắng. Tôi biết thừa điều ấy. Tôi còn biết cả cái cách em rút ruột con heo như thế nào? Tôi thừa biết. Nhưng không bao giờ nói ra.
Na gắn liền với đời tôi như cái bánh “giò cháo quảy”. Ngoài giờ học hoặc đi làm ra thì chúng tôi luôn ở bên nhau hàng ngày không biết chán. Những lúc như vậy đa phần là chúng tôi chỉ lặng yên, ai làm việc nấy. Thỉnh thoảng Na nhìn tôi cười cười. Hoặc tôi nhìn Na cười cười. Vậy là hạnh phúc!
Na ngày ấy xanh xao nhưng sặc sỡ trong những bộ quần áo cũ của chị Lan ‘cò”. Na không biết than van, không biết khóc. Na chỉ biết cười, giọng cười lanh lảnh như tiếng rao của cô bán hàng rong ngoài bến bắc cần Thơ. Cuộc sống đối với Na chỉ có ở thì hiện tại. Quá khứ chẳng gì vui, tương lai thì chưa biết. Vậy thì chẳng nên ngờ vực, không chút băn khoăn. Na đơn giản như bài toán cộng. Na của tôi đơn giản thật! Ít ra là do tôi nghĩ thế!
Tôi đã gắn vào Na như thế đó. Na gắn vào quán 8 bàn cũng cùng một cách như tôi. Quán 8 bàn cũng thay đổi theo những đổi thay của chị Lan “cò” theo cách ấy.
Rồi một ngày quán “8 bàn” không còn 8 bàn nữa. ChỊ Lan “cò” đã thay đổi toàn bộ những bộ bàn ghế cũ bằng những bộ bàn xa long sang trọng. Chiếc máy cát xét đầu căm biến mất nhường chổ cho bộ máy hát đĩa CD âm thanh “xoay vòng” hiện đại. Quán “ Hoàng Lan” lần đầu có hoa, mà là những chậu Lan thật một tram phần tram. Những chậu Lan tím vàng treo dọc theo bức tường màu tím. Nghe đâu chị Lan “cò” đã chi khoảng ba cây vàng cho phần nâng cấp cái quán nầy. Tiền đâu mà chị có? Không ai biết! Không chỉ nâng cấp cái quán 8 bàn mà ngay cả cô chủ quán Lan “cò” cũng nâng cấp như để ngang xứng với cái hoàn cảnh mới. Bắt đầu từ mái tóc, phục sức cho đến cả phong cách cũng thay đổi. Những phần cần thì to lên bất thường, những chổ không cần thì xẹp xuống như một trò ảo thuật. Đến lúc nầy người ta không thể gọi chị Lan là Lan “cò”nữa ! mà nếu phải đặt cho chị một biệt danh khác thì chỉ còn cách gọi chị là Lan “công”. Không còn biệt danh nào xứng đáng hơn!
Quán “8 bàn” trở về với cái tên cũ “Hoàng Lan” . Chị Lan “cò” biến thành Lan “Công” màu mè, rực rỡ. Na của tôi cũng đổi màu theo cách đó. Những bộ quần áo cũ của chị Lan được giao chuyển tới tấp về phía Na. Có bộ đã mặc một vài lần, có bộ chưa một lần giặt.
Quán “8 bàn” thay da đổi thịt một cách một cách ngoạn mục. Đèn mờ nhấp nháy mỗi đêm. CD “âm thanh xoay vòng” vẫn phát ra những bài hát Trịnh Công Sơn nhưng là tiếng hát Ý Lan tận bên hải ngoại. Tiếng hát ão não hơn Hồng Hạnh. Buồn muốn khóc! Mà có khi cô vừa hát vừa khóc thật. Cô lau nước mắt bằng những chiếc khăn giấy thơm thơm. Những chiếc khăn giấy xài một lần rồi vứt bỏ.
Chị Lan “công” bây giờ đã khác. Chị không còn ôm khư khư cuốn sổ nợ có hình Lý Thu Thảo nữa mà thay vào đó là một cái máy vi tính windows 95 nằm chễm chệ trên quầy tính tiền. Không ai còn gọi chị là chị Lan ngắn gọn khô khốc ấy nữa. Người ta bắt đầu gọi chị là Hoàng Lan, rồi quen dần.
Na của tôi thì vẫn hồn nhiên hay cười như trước. Nhưng giọng cười đã không còn lanh lảnh như trước. Có lẻ Na sợ tiếng cười đó làm cho những bộ quần áo cô mặc bớt sang đi. Cô vẫn ngồi lên chiếc “sườn ngang không yên” của tôi. Nhưng cách ngồi đã ý tứ hơn vì sợ chiếc “đầm hái nho” của cô bị vướng vào xích xe đạp. Mà chính tôi giờ cũng “sang” hơn lúc trước. Bớt nấu nướng, siêng ăn tiệm, dù là tiệm bình dân. Con heo đất của chúng tôi thì vẫn được chăm sóc ân cần. Phải chăm sóc cho tương lai thật là nghiêm túc chứ! Tương lai lúc nào mà không hồng hào, không béo tốt.
“Na đâu chị?” “Nó về quê rồi!” “Ủa sao không nói gì cho em biết hết trơn vậy?” “Gấp lắm! má nó bịnh”
Tôi đạp xe về phòng trọ mà trong lòng không yên. Cái con nhỏ Na hậu đậu! Đi về quê mà không báo cho mình biết một tiếng. Lại còn quên cả giấy chứng minh nhân dân nữa chứ! Cái giấy chứng minh nhân dân thường nằm trong cái ví của tôi hơn là của Na để tiện mỗi khi muốn mướn nhà trọ. Đi về tận Cần thơ mà không mang theo cái thứ nầy thì chắc cũng gay go lắm!
“A lô!” “Ai ở đầu dây vậy?” “ Dạ! nhờ bác báo cho Na tới nghe điện thoại ạ!” “ Hả ? Na nào ? ừ con nhỏ ở xóm trên hen!” “ Dạ đúng rồi đó bác!” “Chờ chút đi! Tui biểu xấp nhỏ đi kêu nó! Mà cậu là ai vậy?” “ Dạ! Cháu là bạn của Na! Nghe nói mẹ Na đang bịnh nặng hả bác?” “ Cái gì? Bà Tư hả? đang xân xẩn vậy mà bịnh hoạn gì? Mới gặp bả xách giỏ đi chợ hồi sáng đây mà! Có nghe nói gì đâu?”
Tôi gác máy mà không chờ Na đến nghe điện thoại. Tôi biết chắc là sẽ không có Na nào đến nghe điện thoại cả. Na không có ở dưới Cần Thơ. Na đi đâu? Mà sao lại giấu tôi chứ?
Tôi ném con heo đất xuống sàn nhà. Con heo đất vỡ tan tành ra từng mảnh. Tương lai của chúng tôi cũng tan tành. Những tờ giấy bạc rơi ra. Những tờ năm chục ngàn nhăn nhúm. Những tương lai nhăn nhúm. Tôi ngồi xuống vuốt lại những tờ tương lai cho thẳng thớm. Những tờ năm chục ngàn còn thơm mùi cà phê, thơm mùi thuốc lá. Lẫn lộn trong đống năm chục ngàn ấy là hai tờ một trăm đô la Mỹ mới tinh. Hai tờ đô la thơm mùi nước hoa đắt tiền, mùi rượu ngoại. Hai tờ giấy bạc nằm lẫn lộn trong đống tương lai của chúng tôi. Hai tờ giấy bạc giấu mình một cách bí ẩn trong đống tương lai đượm màu văn chương và cà phê thuốc lá. Nước mắt tôi trào ra vì uất ức. Lần đầu tiên có người thấy tiền Đô la mà khóc, mà uất ức. Tôi cột bó tiền bằng sợi dây thun cùng với thẻ chứng minh nhân dân của Na, rồi cho vào trong một túi nilon nhỏ. Đôi của Na trong tờ chứng minh thư vẫn nhìn tôi trong vắt. Đôi mắt một mí chan chứa hy vọng, tràn ngập yêu thương.
Tôi không về quán 8 bàn thêm một lần nào nữa. Quán đã đổi thay, sang hơn, đẹp hơn. Giá tiền một ly cà phê đá cũng theo đó mà tăng gấp đôi, vượt qua khả năng cho phép. Mà tôi thì phải dành tiền cho tương lai của riêng tôi. Nên đã dời về quán khác.
Na cũng đến tìm tôi vài lần. Cũng khóc lóc cho dù trước đây cô chưa hề khóc. Cũng giải thích cũng hoàn cảnh. Mà hoàn cảnh thì ai cũng giống ai. Khỏi giải thích cũng hiểu. Tôi im lặng, lạnh lùng. Giá mà cô cười, giọng cười lanh lảnh chắc tôi sẽ tha thứ. Nhưng cô lại khóc, lau mắt bằng những chiếc khăn giấy thơm thơm. Rồi một ngày kia cô không khóc nữa, cô không đến phòng trọ của tôi nữa. Na của tôi biến mất mà thay vào đó bằng một Tina nào khác. Hai cái tên Ti và Na quê mùa mà gộp lại bỗng thành một tên tây đầm nào đó lạ hoắc. Tina mang giày cao gót dễ dàng như đi cầu khỉ. Tina không đi xe đạp” sườn ngang không yên” . Cô ngồi sau chiếc xe máy đời quá mới đến nổi tôi cũng chưa kịp biết hiệu là gì. Tina ríu rít sau lưng một chàng Việt Kiều bụng to đầu hói ( Vì cô ngồi yên sau). Chiếc xe nẹt pô tiếng rền to hơn cả tiếng xe xích lô máy. Mùi xăng dầu lẫn lộn với mùi nước hoa bay tung tóe trong không gian cô đi qua. Mùi nước hoa chà neo chui vào quán cà phê lề đường nơi tôi thường ngồi. Làm nhạt đi mùi cà phê pha bắp mà tôi đang uống. Làm tan loãng những ý thơ mà tôi đang gieo vần. Rồi Na biến mất trong không gian, biến khỏi trong tâm trí, trong trái tim tôi, trong những vần thơ của tôi cũng đột ngột như lúc cô đến. Rồi thời gian trôi….
Rồi thời gian trôi… Trôi ồn ả xuống mặt đường nhựa nắng. Chiếc xe đạp cà tàng của tôi quá sức chịu đựng so với cái nóng bức Sài Gòn. Hai lốp xe cao su tan chảy ra méo mó. Chiếc xe giờ nằm yên trong một xó nhà. Vĩnh biệt xe đạp ơi! Tôi vẫn làm thơ dù phải vài trăm sải tay nữa mới chạm được danh xưng nhà thơ. Tôi chia tay với xe đạp mà lại nhất quyết tuyệt giao với xe máy. Tôi ghét mùi xăng. Nó gợi tôi nhớ đến mùi nước hoa chà neo đã từng làm nhạt đi những dòng cảm xúc. Tôi đi bộ hoặc đi nhờ xe của bạn bè. Từ nhà ra tòa soạn. Tôi đi xe đò, đi xe lửa, đi xe buýt chứ nhất quyết không đi xe máy. Một người “tiền sử” từ thế kỷ hai mươi còn sót lại trong thế giới hiện đại nầy. Tôi không đến quán “ 8 bàn” nữa. mà bây giờ cũng đâu còn quán “8 bàn” nữa. bây giờ là phòng trà ca nhạc “ Hoàng Lan” . Lan “cò” cũng không còn là “cò” hay “công” nữa mà chắc đã thành “rồng” thành “phụng”. Và em nữa! Con bé Na “ừ hén” ngày nào…
(hết)

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9