Tôi hết sức cảm động khi viết vở kịch đầu tiên đã nhận được những cảm nghĩ qua bài viết của nhà văn Linh Vũ . Đó là một niềm khích lệ quá lớn lao đối với người mới vừa tập viết như tôi .
Cho tôi được để lại nơi đây sự biết ơn của tôi đối với nhà văn Linh Vũ .
Cám ơn anh DzuyLynh đã gửi bài viết lên diễn đàn .
Mầu Hoa Khế
dzuylynh kính mời qúy vị và các anh chị em nhà Miền cùng đọc cảm nghĩ của một nhà văn, ký giả vùng Tây Bắc Hoa Kỳ ( Seattle / Washington St ) sau khi xem PPS CHUYỆN TÌNH BUỒN .
Đọc Thoại Kịch "Chuyện tình buồn"
Bút ghi Linh Vũ
Nghe xong thoại kịch “Chuyện Tình Buồn” tôi chợt thấy vết thương trong tôi rướm máu, nỗi uất hận của lịch sử ngàn đời như gọi tôi đứng dậy.
Đây không chỉ một chuyện tình buồn như tiểu thuyết Qùynh Giao hay những bài thơ tình dang dở của TTKH.
Một chuyện thật buồn, thật đơn giản nhưng đầy nước mắt do hậu quả của chiến tranh. Chuyện bắt đầu của trang sử mới đầy oan khiên của một dân tộc, một chứng tích nhuộm bằng máu sau bốn ngàn năm dựng nước. Thoại kịch “Chuyện Tình Buồn” của tác giả Màu Hoa Khế ngắn gọn nhưng chứa đầy chua xót, trong đó có cuộc đổi đời, ngày buông súng, kẻ ra đi, gia đình tan nát và cả miền Nam ngập màu cờ đỏ sao vàng điêu linh tang tóc.
Tôi nghe lại nhiều lần Audio clip “Chuyện tình buồn” cõi lòng tôi như chùng lại, như rơi xuống vực sâu của khổ đau và thù hận.
Tôi im lặng với giọt nước mắt mặn đắng trên môi khi nghe câu chuyện đối thoại của nhân vật bé (Thơ) bên cạnh mẹ (Sen) dưới ánh đèn khuya trong căn nhà nhỏ của xóm nghèo nghe sao đau xót quá, tâm hồn như hụt hẫng não lòng. Tôi thấy tôi như vai Liêm một người tù vượt ngục, chỉ đứng bên ngoài khung cửa sổ giữa đêm khuya nhìn vợ con lần cuối trước giờ chia tay. Hoàn cảnh này đã làm tâm hồn tôi như vỡ vụn, như rơi từng mảnh theo trong ký ức mất còn sau hơn 37 năm thầm lặng.
Phần mở đầu câu chuyện được chuyển tiếp bằng những giòng nhạc buồn của tiếng Violon thay cho tiếng thở dài và những giọt lệ của người thiếu phụ chờ chồng trở lại. Đó là cảm xúc đầu tiên của tôi với thọai kịch “Chuyện Tình Buồn”.
Câu chuyện không phải là một siêu tác phẩm, nhưng đã vẽ được hình ảnh tôi trong đó và có thể có hằng triệu người Việt Nam khác cũng mang chung một nỗi buồn như thế. Chuyện rất thật không lồng nhiều hư cấu, đã làm tim tôi ngẩn ngơ suy nghĩ, đã đau buốt với những móng vuốt của dĩ vãng cào cấu, bấu nát những tế bào da thịt của những người ly hương chất đầy hoài vọng. Có thể đây là một trong trăm ngàn câu chuyện thảm thương của muôn triệu người dân Việt sau cuộc đổi đời năm 75. Một đổi thay khó quên, một trang sử tưởng đã đóng lại trong chiếc quan tài khi TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng địch. Tôi nghĩ, thời gian sẽ xói mòn những ngăn chứa kỷ niệm khi tóc mình bạc trắng, của kiếp người lưu vong.
Khi nghe hết thoại kịch “Chuyện Tình Buồn” tôi cảm thấy trước mắt mình mênh mông một cánh đồng dĩ vãng, những điạ danh quen thuộc của quê hương, những tà áo trước cổng trường, xác người trên đường phố…. Tôi ngồi im lặng để mường tượng tiếng khóc của Sen (vai mẹ) với giọt nước mắt khổ đau của cuộc đổi đời, để nghe bé “Thơ” (vai con) than thở chuyện tương lai không còn hy vọng, để nghe âm vang của nhạc sĩ phản chiến họ Trịnh xóay vào tim tôi những mũi nhọn ngàn đời:
Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy Trên con đường người cha già ôm con lạnh giá Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người Tôi đã thấy, tôi đã thấy Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em...
Hố dài lịch sử của nhân loại và biển lệ của con người. Ngày 30 tháng 4 đánh dấu một cột mốc khổ đau của dân tộc mà trong đó có hằng triệu cuộc đời, hằng triệu chuyện oan nghiệt của những mảnh đời đã tan nát trôi theo vận nước, trong đó có những trái tim rướm máu như những nhân vật trong “chuyện tình buồn” của tác giả “Màu Hoa Khế”, Một câu chuyện được nén gọn của một phần triệu lần nỗi đau của người mẹ, người con, người chồng trên phần đất tự do miền Nam đã bị người CS “giải phóng”. Một câu chuyện thật ngắn nhưng chứa một đại dương hệ lụy của anh, của tôi và của muôn ngàn dân Việt.
Tôi nghe thoại kịch “Chuyện tình buồn” với những tràng súng nổ để mở đầu câu chuyện.Tiếng nổ âm vang như những mũi kim xoáy vào tim tôi đau buốt. Mang tôi trở lại một thời oai hùng trên trận chiến, Một phút tức tưởi phải buông súng. Một ngày phải bỏ nuớc ra đi. Hôm nay chỉ còn là nỗi đau của dĩ vãng, nỗi buồn ray rứt trong ký ức già nua. Những ngày đen tối như thoại kịch “Chuyện Tình Buồn” có người cho là đã cũ theo thời gian, vết tích đã hao mòn, chỉ còn lại những góc nhớ ngậm ngùi, thương tiếc. Nhưng đó chính là căn bệnh trầm kha của hạt đau dĩ vãng khó gột rửa khỏi tâm hồn. Một đoạn ngắn của Audio clip chỉ vài chục phút nhưng lại là cuốn phim dài 37 năm đang chạy chậm từng đoạn đường nỗi nhớ, len lỏi trong từng huyết quản của nhiều người, mang theo tiếng nấc nghẹn ngào, tiếng kêu than của dân tộc, của người mẹ ôm con nức nở trong ngày “độc lập” của vợ tiễn chồng đi “cải tạo” sau ngày chiến tranh chấm dứt.
Giờ đây khi ngồi viết những cảm xúc của mình về thoại kịch “Chuyện tình buồn” tôi không biết phải nói lên điều gì ngoài nước mắt. Tôi trầm ngâm nghe từng tiếng gõ lạch cạch trên bàn phím như những âm vực cô đơn từ một góc trời quê mẹ ùa về vừa lạnh lùng, vừa não lòng tê buốt. Tôi cũng nghe như có tiếng đại bác vọng về từ một chiến trường nào đó của Hạ Lào, Tân Cảnh, An Lộc, Khe Sanh và tiếng thì thầm của chiến hữu dưới giao thông hào trước giờ ra đi vĩnh viễn.
Vai Liêm trong truyện hay. Tôi hôm nay không ngạc nhiên với tấm lòng qúi mến của nhân vật Gái vợ Binh Nhất Thạch Căn khi gặp cấp chỉ huy của chồng trong đêm vượt ngục. Với lối hành xử chân chất đầy qúi mến và đạo lý làm người; mặc dù ngày đó Trung Úy Liêm chỉ còn là thân tàn ma dại... Chỉ cần một tiếng la to báo động của Gái thì đời Liêm sẽ chết trong ngục tù tăm tối.
Nghĩ lại đồng đội, nhớ về tình đồng bào năm xưa đầy tình người tôi không thể nào đem so sánh với người CS hôm nay. Người CS được đào tạo bằng họng súng lưỡi lê của Karl Marx, Lenin thì làm sao có chút tình người? Người CS không biết thông cảm, không đạo nghĩa, không tình thương. Bởi thế sau 37 năm cầm quyền đã tạo ra trăm ngàn hệ lụy trải dài trên quê hương, đã biến con người thành khốn khổ, vô cảm.
Chuyện tình buồn là hậu quả của chế độ tàn ác vô nhân của những người cùng chủng tộc, của những người “chiến thắng” mang ngọn lửa tử khí giăng kín quê hương, gây ra thảm cảnh khốn cùng, ngọn lửa kinh khiếp hơn năm Ất Dậu, tàn khốc hơn Mậu Thân, máu đổ hơn mùa hè đỏ lửa, tàn phá hơn bão tố, triều dâng. Không thể chỉ là một chuyện tình buồn mà còn hàng triệu chuyện buồn khác
Đây là sự chết, sự điêu linh, tan vỡ là vành khăn tang bao trùm lên dân tộc. Không chỉ có Liêm, Sen,Thơ, Gái, Quỳnh, Khánh…v.v. là nạn nhân như trong câu chuyện, mà thực tế còn oái oăm, khổ đau hơn gấp ngàn lần.
Nhân vật Liêm trong vai người lính VNCH chính là hình ảnh của tôi, của bạn, của những chiến sĩ anh hùng miền Nam đã buộc phải buông súng trong tức tưởi vì đồng minh phản bội. Họ đã trở thành những tù nhân với những người anh em cùng giòng máu, họ bị giết chết tập thể đề mừng ngày chiến thắng. Nhớ lại chuyện xưa thời còn đi học, thỉnh thoảng tôi nghe người ta nói có người mang dòng máu lạnh, thật tình với đầu óc bé thơ của tôi ngày đó làm sao tôi hiểu được, nhưng sau ngày “giải phóng” năm 1975 tôi đã nhìn thấy và hiểu rất rõ ai là người mang giòng máu lạnh. Một dân tộc bất hạnh có những người rừng rú phía bên kia chiến thắng, họ không học được bài học chiến tranh Nam Bắc của Hoa Kỳ để xoá bỏ hận thù, xây dựng đất nước.
Liêm trong vai người lính đã quyết định con đường vượt ngục đó là sự chọn lựa đúng dù là quá nguy hiểm, nhưng đó cũng là con đường duy nhất của người lính bất khuất. Cảnh chia tay đầy khổ đau và nước mắt, chỉ đứng xa nhìn vợ con mà không làm sao bước thêm một bước để ôm vợ con vào lòng trước giờ ra đi biệt xứ. Hoàn cảnh khổ đau của đứa con thơ, của người vợ cô đơn mỏi mắt ngóng chồng sao mà não lòng quá.
- Mẹ ơi có thật là Ba chết không hả mẹ”?
- Con đừng tin họ , vì khi mẹ muốn đi xin xác ba của con thì họ bảo là bị thú dữ tha đi mất khi ba con đi vào rừng đốn củi .Ba con vẫn còn sống và ba của con sẽ về mẹ rất tin tưởng vì mẹ biết ba rất yêu thương hai mẹ con mình .
- Mẹ ơi "ngụy " là gì hở mẹ? Sao mấy bạn trong lớp nó nói ba con là " bọn ngụy quân " !
- Thật là bậy bạ . Ba của con là một người lính, mang trên vai trọng trách giữ gìn non sông, bảo vệ cho muôn người được sống trong cảnh ấm êm hạnh phúc. Lý tưởng của những người lính miền Nam đầy hào hùng, hy sinh vì chính nghĩa! Như vậy sao lại gọi là ngụy quân ? Ngụy có nghĩa là không có thực, chính những con người gian dối đó mới đúng là ngụy. Con biết không? Họ giả nhân giả nghĩa vẽ vời ra cái gọi là chính sách khoan hồng để đưa những kẻ bại trận vào những nhà tù khổ sai cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, để giết lần mòn ý chí và con người! Đúng là một lũ người ngụy quân tử, tâm địa độc ác, dối trá và hèn mọn .
- Mẹ ! Bạn con nói cho dầu con có học giỏi cách mấy đi nữa thì với lý lịch Ngụy của con cũng sẽ không có tương lai gì cả !
- Đừng nghĩ ngợi nhiều con ạ ! Bởi hôm nay nó không phải là ngày mai, con cứ cố gắng hết khả năng của con, nếu như mai sau con không có chỗ đứng trong xã hội này thì sự học hỏi của con là một niềm kiêu hãnh cho chính bản thân mình.Từ đó con sẽ có sự tự tin , ánh mắt của một con người đầy tự tin sẽ làm cho người đối diện không dám xem thường. Giống như những người lính của Việt Nam Cộng Hòa; trong đó có cha của con, cho dầu là đã bị thất trận bởi những con cờ của chính trị. Những kẻ gọi là chiến thắng không để tỏ lộ ra ngòai mặt, nhưng bên trong họ không thể phủ nhận là quân đội của kẻ chiến bại là dũng cảm và kiêu hùng.
- Sao quân đội của ba dũng cảm, kiêu hùng như vậy mà phải thua trận hở mẹ ?
- Đó là một nỗi đau. Là một vết thương trí mạng bởi trò mua bán chính trị của những con người lạnh máu, đánh giặc trên ghế sa lông, bày mưu trên bàn giấy, vì ý đồ riêng tư của họ! Mà con ơi! Bé Thơ của mẹ chưa đủ lớn khôn để hiểu thấu đáo đâu !
Cho nên con cần phải học, lịch sử vẫn còn đó. Những trang sách cũ cho dầu có nhuốm đầy bụi thời gian, sự giáo dục mới có ma mãnh sửa đổi lịch sử, xuyên tạc chế độ cộng hòa... Nhưng sự thật vẫn là sự thật . Không ai có thể bóp méo đi sự thật cả .
- Con ghét cái khăn quàng đỏ. Nó đầy sự giả dối khi con được cô giáo quàng lên , nó phô trương cho biết những người nhận nó là học sinh -iỏi , con học giỏi rồi thì sao? với cái lý lịch là con của một sĩ quan Ngụy .
- Thơ của mẹ , không phải chỉ mình con gánh chịu sự uất ức này mà cả những đứa bé sinh trên mảnh đất miền Nam , những đứa bé có những người cha là lính ra đi vì lý tưởng mang lại hòa bình cho đất nước đều bị chung số phận…..
Nghe đoạn đối thoại giữa hai mẹ con Sen và Thơ tâm sự tôi thật sự không cầm được nước mắt, vì đây cũng chính là hoàn cảnh gia đình tôi của 37 năm về trước, khi quân miền Bắc tràn vào miền Nam. Thơ trong chuyện không khác gì hoàn cảnh những đứa con tôi sau ngày “giải phóng”.
Con tôi đi học bị đuổi ra khỏi trường vì là thành phần con ngụy. Con tôi và những đứa con ngụy khác đều không được ngồi vào bàn học mà chỉ đứng phía sau nghe thầy giảng bài, chẳng những thế mà còn phải làm những công việc trong trường nhiều hơn các em khác, thậm chí không được dùng bút mực, sách vở hay bất kỳ dụng cụ gì của “ngụy” gởi về.v.v. Thử hỏi hình ảnh đó, hành động man rợ đó làm sao quên được! Một xã hội, một lớp người như thế chỉ gây thêm hận thù, kỳ thị thì làm sao tương lai đất nước khá hơn được? Đó chính là hậu quả ngày hôm nay sau 37 năm cai trị của chế độ CS. Một tầng lớp tham nhũng, vô đạo đức, suy đồi, nô lệ, mẹ bán con, vợ giết chồng, đói nghèo, mãi dâm và tù đày...
Chính quyền Cộng sản đã biến đời sống xã hội của Việt Nam thành một thứ xã hội mà con người sống trong đó phải luôn luôn toan tính ăn thịt nhau để sống. Mỗi ngày càng khoét sâu nỗi đau của dân tộc và đâm thêm những vết thương mới trên da thịt đồng bào.
Những người không thể ra đi, những người dũng cảm đối đầu, tất cả họ nhận được gì sau ngày ấy. Một sự trừng phạt, mạt sát, khinh rẻ, đẩy ra ngoài lề xã hộ. Trong họ là nỗi căm uất, lòng hận thù. Nhân vật Liêm trong chuyện quyết định ra đi là phải, mặc dù nhiều rủi ro chết chóc nhưng trước mặt vẫn còn niềm hy vọng trở lại quang phục đất nước.
Đọc “Chuyện Tình Buồn” trong ngày tháng 4 Quốc Hận, trong lòng như trào lên những nỗi uất ức muốn nghẹt thở! Một ngày không thể quên của muôn triệu người dân Việt! Một ngày đã ghi lại trong lòng từ đứa bé mới chào đời đến những cụ già một vết tích khó xóa nhoà. Một thảm cảnh thành ung nhọt suốt đời. Những bé thơ chưa kịp thấy mặt cha, mặt mẹ đã phai chết banh thây trong ngày mà họ nói là “độc lập” “hoà bình” “giải phóng”. Một ngày của lịch sử điêu linh, lừa đảo, của Sài Gòn quấn vành khăn tang cho trang sử mới, một ngày con người mất đi quyền sống và không còn con đường nào trước mặt để vươn lên.
Sau năm 75 những chiến sĩ anh hùng đã giã từ cuộc chiến, đã chấp nhận ra đi để hy vọng ngày mai quang phục. Thế rồi thời gian trôi qua, cuộc đời bị hao mòn theo nợ áo cơm, ngày về vẫn còn xa thăm thẳm. Liêm trong vai người lính năm xưa phải sống âm thầm theo thời gian với những ước mơ, những nuối tiếc, khổ đau và chết lần mòn theo thời gian oan nghiệt.
Từ một gia đình đổ nát vì cuộc chiến, một hoàn cảnh éo le theo giòng định mệnh, một cuộc sống mới không lối thoát rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi, lời thề về với quê hương vẫn ngút ngàn xa cách. Những ước mơ gặp lại vợ con trở thành nhát dao lóc từng tế bào da thịt, trước mắt chỉ ẩn hiện những trại giam lạnh cóng da người, tiếng kẻng, tiếng quát tháo, mạt sát đầy hận thù của những tên quản giáo. Nhân vật Liêm trong truyện đã thở dài, đã cúi mặt trong đành đoạn với hoàn cảnh vì không thể nào để trở thành một Nguyễn Ánh, một De Gaulle để giữ lấy cơ đồ. Cho nên Liêm đã chết trong tức tưởi, mặc dù Liêm cũng hiểu con người ai cũng mang theo một kỷ niệm dù khổ đau hay hạnh phúc theo văn hào Somerset Maugham đã viết “đời một con người cần phải có một kỷ niệm dù là kỷ niệm xấu nhất đi nữa”. Đối với Liêm kỷ niệm ngày 30 tháng Tư là kỷ niệm đau xót nhưng sẽ “không bao giờ là kỷ niệm ngày mất nước”.
Chuyện đất nước Việt Nam hay trong chuyện ngắn “Chuyện tình Buồn” nó không vĩ đại như tuồng Les Misérables và Phantom of the Opera, hay đại nhạc kịch “Miss Saigon” nổi tiếng trên thế giới. “Chuyện Tình Buồn” chỉ là những giọt nước mắt thật sự của người dân Việt khi nhớ về dĩ vãng, nghĩ về thân phận của của người đàn bà VN. Tôi xem Miss SaiGon hay lắng nghe thoại kịch “Chuyện Tình Buồn” đã mang tôi trở lại SaiGon trước năm 75. Tôi thông cảm được mọi hoàn cảnh xảy ra, mặc dù hai góc cạnh khác nhau của câu chuyện. Nhưng thân phận người đàn bà VN ở bất kỳ thời gian nào cũng chua xót khổ đau. Người đàn bà tên Kim trong Miss SaiGon hay Sen trong chuyện tình buồn đều là nạn nhân của chiến tranh, sự chịu đựng và lòng chung thủy luôn là phẩm cách của người phụ nữ VN dù là hoàn cảnh nào. Nhân vật Chris trong Miss SaiGon hay Liêm trong Chuyện Tình Buồn đều phải chấp nhận một quyết định cuối cùng trong ngày SaiGon hấp hối, đều bỏ lại vợ con chọn giải pháp ra đi. Trong thời gian hốt hoảng, những bất ngờ xảy ra của thời cuộc không ai lường được nên sự đúng sai, thủy chung hay phụ bạc không thể nào kết luận.
Chris lập gia đình với Ellen, Liêm làm lại cuộc đời bất đắc dĩ với Quỳnh nơi xứ người.v.v tất cả cũng là hoàn cảnh không cưỡng lại được của một con người bình thường. Hai người đàn bà trong MissSaiGon và Chuyện Tình Buồn có vẻ giống nhau trong đoạn kết đều chết một cách đau khổ sau ngày gặp lại chồng, Kim dùng một viên đạn để kết thúc cuộc đời mình trong oan trái, Sen thì chết trong nỗi đau dằn vặt tột cùng của những ngày tàn hơi sức yếu mong gặp lại chồng. Ellen hay Quỳnh trong hai chuyện đều ích kỷ trong tình cảm, nhưng vẫn có tinh thần trách nhiệm, vẫn hân hoan mở rộng vòng tay nuôi nấng những đứa con nhiều bất hạnh.
Thời gian rồi cũng trôi qua, đời người cũng sẽ kết thúc.
Dù là bi đát hay hạnh phúc đều là tạm bợ của kiếp người, là những hạt bụi của trần gian bay theo chiều gió cuốn của hư vô. Tôi thích nhất đoạn kết rất thật với con người, trong đó chứa cả buồn vui, nuối tiếc, một chút hối hận, một chút bàng hoàng thông cảm, một chút muộn màng không thể nói ra được, cho nên Quỳnh im lặng trở về sau khi chôn cất Liêm. Điều này đã nói lên tất cả tâm tư lắng động của mình sau năm tháng buồn vui trong cuộc sống mới.
Sự thật được tìm thấy trong cuộc đời người cũng chỉ là cát bụi, tất cả cũng trở về nơi vĩnh cửu này,
Nơi đây không hận thù, không ghen ghét, không ích kỷ, Một nơi chỉ có bình an và tĩnh lặng.
Về phần kỹ thuật thì chưa được hoàn hảo, nhưng thực hiện qua internet mỗi người một phương trời như vậy đã là hay lắm rồi, nếu không nói là tuyệt vời. Âm thanh thì không thể so sánh như Miss SaiGon được phải vay mượn từ người khác, nhạc Miss SaiGon được Nhạc Sĩ nổi tiếng Claude-Michel Schönberg, lời của Richard Maltby, Jr. & Alain Boublil biên soạn riêng cho phim.
Tuy nhiên người chọn lựa nhạc cho “Chuyện Tình Buồn” hay tiếng khóc, tiếng than của những nhân vật tự nhập vai làm Mẹ, làm Vợ làm Chồng, làm Con khá xuất sắc đã làm người nghe biết buồn, rơi lệ đã là một thành công. Kỹ thuật của một sân khấu kich nghệ không đơn giản. Cần nhiều thời gian dàn dựng, cần tiền bạc, nhiều nhân tài thì mới đạt được như mong muốn. Đây chỉ là bước đầu thì làm sao so sánh một kỹ thuật vĩ đại như việc chuyển thể từ tuồng Opera Madame Butterfly của Giacomo Puccini trong “Miss SaiGon”. Tuy nhiên, theo tôi đây là chuyện rất ngắn nhưng đã làm tôi và nhiều người rơi nước mắt đó là điểm khởi hành thành công của một người nghệ sĩ đam mê những bộ môn nghệ thuật.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.04.2012 14:14:15 bởi Mầu Hoa Khế >