Tập đoàn Coca-Cola thay đổi công thức vì một chất tạo màu nghi gây ung thư © AFP
Thụy My
Tập đoàn Mỹ Coca-Cola đã buộc lòng phải thay đổi công thức huyền thoại của thức uống nổi tiếng Coca-Cola để phù hợp với luật lệ của California, vì một chất tạo màu caramel bị xem là có tiềm năng gây ung thư. Coca-Cola và đối thủ cạnh tranh là Pepsi đều trấn an người tiêu dùng là mùi vị các loại nước giải khát này không thay đổi.
Cũng tương tự như Pepsi, Coca-Cola phải thay đổi như trên để tránh việc phải cho in lên bao bì tại California thông tin cảnh báo về sự hiện diện của chất 4-méthylimidazole (4-MEI). Đây là một chất tạo màu caramel có nguồn gốc từ ammoniac và sulfite, khi thử nghiệm với súc vật trong phòng thí nghiệm đã cho thấy nếu hấp thu với lượng lớn sẽ gây ung thư,.
Coca-Cola vốn duy trì huyền thoại xưa nay về công thức pha chế loại nước giải khát nổi tiếng có từ hàng trăm năm qua, được cất kỹ trong một tủ sắt, đã cho biết thức uống này là vô hại, và mùi vị của Coca-Cola vẫn được giữ nguyên. Ben Sheidler, một trong các phát ngôn viên của tập đoàn tuyên bố : « Chúng tôi không hề thay đổi gì cả, từ phương pháp sản xuất cho đến công thức pha chế. Chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà cung cấp caramel giảm tỉ lệ chất 4-MEI xuống, cho phù hợp với quy định của tiểu bang California ». Điều này cũng sẽ được áp dụng trên toàn nước Mỹ, tuy Coca-Cola hiện chưa thể xác định được ngày tháng cụ thể.
Tương tự, tập đoàn Pepsi cũng khẳng định là loại nước giải khát của mình « đang và sẽ luôn luôn là thức uống sạch cho người tiêu dùng ». Trong thông cáo, Pepsi cho biết : « Người tiêu thụ sẽ không nhận thấy bất cứ một sự khác biệt nào trong sản phẩm của chúng tôi, và không có lý do gì để phải lo lắng về bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe. Không có một bằng chứng khoa học nào cho thấy chất 4-MEI sử dụng trong thực phẩm là một mối đe dọa cho sức khỏe con người ».
Chất 4-MEI cũng hiện diện trong các loại nước soda khác, bia và nước tương, là một chất được nhìn nhận là gây ung thư cho loài vật, nhưng còn đối với con người thì vẫn là chủ đề đang được tranh cãi. Hiệp hội Nước giải khát Hoa Kỳ (ABA) cho rằng khả năng gây ung thư chỉ mới được công nhận qua một công trình nghiên cứu trên loài chuột, các cơ quan an toàn thực phẩm Mỹ (FDA), Canada và châu Âu (EFSA) vẫn chưa cấm sử dụng, và chưa quy định ngưỡng tối đa cho các sản phẩm tiêu dùng.
Thông cáo của ABA nhận định : « Trên thực tế, các cơ quan trên đây coi chất tạo màu caramel sử dụng trong thực phẩm là không nguy hiểm ». Hiệp hội đại diện cho các nhà sản xuất nước giải khát nói rằng cần phải tiêu thụ đến 2.900 lon nước ngọt một ngày, trong vòng 70 năm, thì mới đạt đến ngưỡng mà loài chuột đã mắc phải nguy cơ ung thư trong các thí nghiệm trên.
Nhưng tiểu bang California đã áp dụng nguyên tắc phòng ngừa nghiêm ngặt. Một đạo luật được thông qua vào năm 1986 buộc phải bảo vệ người tiêu thụ đối với « các sản phẩm hóa học gây ung thư, gây quái thai hoặc vô sinh », và phải « thông báo cho người tiêu thụ biết các nguy cơ ẩn chứa ».
Tháng 12/2011, tiểu bang này đã ghi thêm chất 4-MEI vào danh sách các sản phẩm gây ung thư. California ấn định tỉ lệ tối đa của chất 4-MEI là 29 microgram cho mỗi sản phẩm tiêu thụ. Theo một công trình nghiên cứu mới đây tại Washington do hiệp hội người tiêu dùng CSPI (Center for Science in the Public Interest) thực hiện, thì một lon nước ngọt Coca hay Pepsi chứa từ 103 đến 153 microgram chất này.
Michael Jacobson, giám đốc CSPI tuyên bố : « Coca-Cola và Pepsi luôn khẳng định là tỉ lệ chất tạo màu này không có nguy cơ gì cho sức khỏe. Họ chỉ tìm cách giữ thể diện mà thôi. Từ hai, ba năm qua họ đã kiện tiểu bang California ra tòa, nhưng họ đã không thuyết phục được tòa án và đã thua cuộc ».
Hiệp hội CSPI đã kiến nghị lên FDA để chất 4-MEI được xếp vào danh sách các chất gây ung thư. Ông Jacobson nói : « Vấn đề hiện nay là biết được đến bao giờ thì Pepsi và Coca sẽ tiến hành các thay đổi này, không chỉ tại California mà còn trên toàn thế giới ? ».