Khoảng Cách Mong Manh - Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn
nangvangsaigon 26.03.2012 23:44:35 (permalink)
Khoảng Cách Mong Manh

Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn

Mẹ gọi tôi lúc gần nửa đêm cho hay Thúy-Yên phải nhập bệnh viện khẩn cấp vì bị ngất xỉu và xuất huyết nhiều, Bác Sĩ còn đang chụp quang tuyến và làm CT scan chưa biết chắc là bệnh gì. Mẹ có vẻ bồn chồn lo lắng lắm. Dặn tôi cố gắng thu xếp về lo cho em. Tôi hứa sẽ bay sang Houston sớm nhất, có thể là ngày mai để săn sóc và an ủi em.

Cả đêm không ngủ được, đầu óc cứ quanh quẩn mãi về đứa em hiền hòa con Dì Bảy. Dì Bảy nhanh nhẹn và rất tháo vát trong công việc làm ăn, buôn bán, khác xa với mẹ tôi. Dì là người ngoài xã hội còn Mẹ chỉ quanh quẩn trong nhà săn sóc chồng con. Thực sự Mẹ và Dì Bảy chẳng phải ruột thịt gì, Dì là người giúp việc cho Ngoại. Ngoại thương Dì Bảy vì mồ côi không nơi nương tựa, mặt mày xinh đẹp, trắng trẻo, giỏi dắn. Dì giúp Ngoại trông coi sạp vải ngoài chợ, buôn bán rất đắt hàng, nhờ cái miệng có duyên mời mọc khách, khó ai mà từ chối được.
Lớn lên Ngoại gả chồng và giúp cho Dì chút vốn làm ăn. Chồng Dì là bạn rất thân của ba tôi. Dì học hành không qua bậc tiểu học nhưng tính toán giỏi, đầu óc rất “nhạy”, đánh hơi thấy chỗ nào làm ăn được là nhào vô ngay. Lúc quân đội Mỹ còn hoạt động mạnh mẽ ở VN, Dì thầu rác Mỹ và câu lạc bộ trong căn cứ Long Bình, ngay ngã ba Tam Hiệp cạnh xa lộ Sàigòn Biên Hòa. Rác từ căn cứ mỗi sáng được chở về nhà kho rất lớn, một toán nhân viên lựa chọn ra những thứ còn dùng được để bán lại, những đồ phế thải thì đưa ra bãi rác bên xa lộ Saigon-Biên Hòa. Đôi khi quân đội Mỹ di chuyển hay dọn dẹp nhà kho, họ vứt cả những hàng hóa hay thực phẩm còn nguyên xi trong thùng. Tất cả lương thực và đồ dùng đều chở từ Mỹ qua, kể cả nước uống đóng chai, xà bông tắm, dầu thơm, kem đánh răng, đồ hộp ... cho nên gọi là rác nhưng lẫn trong đó có biết bao thứ quý giá có thể bán được.
Chồng Dì, Dượng Bảy là thày giáo biệt phái, khỏi phải hành quân tác chiến. Nhờ dạy học Dượng được quanh quẩn ở nhà nên ngoài giờ làm việc trong trường, Dượng giúp Dì trong việc làm ăn buôn bán. Hai vợ chồng bận bịu suốt ngày lo ngoại giao, sổ sách, thày thợ, bạn hàng … nên Thúy-Yên hầu như ỏ với gia đình tôi nhiều hơn với cha mẹ em. Mẹ rất thương yêu em, như Ngoại thương Dì Bảy vậy, ngược lại em cũng thương và quý mến tôi như người anh cả. Lúc thịnh thời, Dì giúp Mẹ rất nhiều, đôi khi thầu được một món hàng béo bở Dì lại nhờ Mẹ bỏ mối cho bạn hàng ngoài chợ Biên Hòa. Mẹ chỉ việc giao cho cô Năm, em Ba tôi, rồi tùy Cô muốn bán cho ai thì bán. Mẹ đứng trung gian kiếm lời. Thực sự, Dì có thể chẳng cần Mẹ, nhưng muốn giúp Mẹ có chút tiền còm để bù vào đồng lương quân đội rất hạn hẹp của Ba. Đôi khi đến nhà chơi, thế nào Dì cũng dúi cho tôi ít tiền may quần áo, mua sách vở hay tiêu vặt. Dì luôn nhắc nhở tôi coi chừng em cho Dì, mà dù Dì không nhắc tôi cũng cảm thấy có trách nhiệm với em.

Tôi và Thúy-Yên chơi với nhau từ nhỏ, tôi muốn có một đứa em gái để chiều chuộng, còn em, muốn có anh trai để vòi vĩnh. Lớn lên một chút em theo tôi đi học, lúc nào cũng quấn quýt bên tôi để mè nheo đủ chuyện. Có khi em làm biếng đi học, kêu đau chân, bắt tôi phải cõng đến trường. Có khi, đi đến cổng trường rồi khóc đòi về, tôi phải ghé hàng bán kẹo kéo, em thích lắm, bao giờ cũng giành quay số, luôn vỗ tay hăng hái để được trúng hai cây kẹo, quên đòi về. Có lần Mẹ may cho bộ đồ mới, em nghịch đất mặt mày lấm lem, chân tay dơ dáy, quần áo bẩn thỉu về bị Mẹ khẽ tay, thế là em khóc dỗi nức nở, tôi phải dẫn ra đầu xóm kiếm hàng cà lem em mới thôi khóc. Từ đó mỗi khi tay dơ em lại chìa tay ra cho tôi rửa, cầm bàn tay em nhỏ xíu, trắng trẻo, tôi hun mãi làm em cười như nắc nẻ. Một hôm Ba về phép dẫn tôi và em đi tắm hồ, Ba về nhà trước, tôi và em về sau, không biết sao, tôi dẫn em đi lạc rất xa. Lúc đó tôi độ 9 tuổi còn em chừng 3 tuổi. Em lẽo đẽo theo sau tôi, vừa đi vừa khóc. Tôi cũng sợ lắm, chẳng biết lối nào đi về nhà, càng đi càng chẳng thấy chỗ nào là quen thuộc cả, nhưng vẫn trấn an em: “Nín đi cưng, gần về đến nhà rồi!”, em nghe dỗ lại càng khóc to thêm. May quá, có một bà lớn tuổi, thấy hai đứa bé vừa đi vừa khóc, mới dẫn vô nhà cho ăn uống rồi hỏi thăm, dẫn hai anh em về nhà. Mẹ thấy hai anh em trở về bình an, vội ôm chầm lấy em, khóc hết nước mắt. Mẹ thương em lắm, chỉ sợ tôi bắt nạt em. Nếu không có cuộc đổi đời 30 tháng tư năm 75, chắc anh em tôi cũng êm đềm sống bên cha mẹ, học hành, vui vẻ như bao nhiêu trẻ em khác chẳng có gì đáng nói.

Sau ngày mất Saigon, Ba và Dượng Bảy bị đi tù cải tạo. Dượng là sĩ quan biệt phái lại giao dịch với quân đội Mỹ nên tội to lắm, đi tù mãi chắng có ngày về. Nhằm lúc chánh quyền đánh tư sản, nửa đêm công an đến bao vây nhà, lục soát, đào sới cả vườn sau để tìm vàng bạc chôn dấu, rồi đuổi hai Mẹ con Dì đi kinh tế mới. Căn nhà lầu 4 tầng mặt tiền, đầy nhóc hàng hóa và đồ đạc, bị tịch thu cho cán bộ ngoài Bắc vô ở. Chẳng biết làm cách nào, Dì chạy chọt nhập hộ khẩu với Mẹ. Dì dẫn Mẹ ra buôn bán chui ngoài chợ, bất cứ thứ gì Dì cũng có thể mua đi bán lại được, từ những mớ rau muống, đến thuốc Tây, vải vóc, quần áo, sách báo chế độ cũ. Dì Bảy là kẻ sống ngoài chợ từ nhỏ mà! Thường thì Dì đi lùng mua hàng, mẹ bầy một ít hàng mẫu trong dỏ xách, nếu công an đuổi bắt chỉ mất bao nhiêu đó hàng thôi.

Nhà tôi có một tủ sách lớn Ba rất quý, đủ các loại sách, tôi nghĩ chắc đọc suốt đời cũng không hết, nhưng tôi mê nhất vẫn là bộ Tam Quốc Chí và mấy cuốn kiếm hiệp của Kim Dung, tôi đọc đi đọc lại bao nhiêu lần, thế mà mỗi lần cầm cuốn sách lên lại đọc quên ăn. Mẹ vẫn gọi tôi âu yếm là con mọt sách. Lúc túng quá, đồ đạc trong nhà bán gần hết rồi, đến tủ sách của Ba phải mang bán dần. Mẹ biết tôi mê Tam Quốc Chí nên có người trả giá rất cao nhưng Mẹ thà nhịn đói chứ nhất định không bán.

Mẹ và Dì thay phiên nhau đi thăm nuôi Ba và Dượng, tôi bao giờ cũng được đi theo. Mỗi lần nhìn thấy Ba gầy ốm mặt mày hốc hác, quần áo tả tơi, tôi và Mẹ không cầm được nước mắt, trước mặt cán bộ trại giam Ba lại khuyên tôi:” con trai lớn phải cứng rắn chứ, hay khóc nhè thế làm sao lớn lên được!”. Tôi giống Mẹ ở điểm mít ướt đó, chẳng giống Ba chút nào. Ba hứa với hai Mẹ con, sẽ cố gắng học tập “tốt” để nhà nước khoan hồng về với gia đình. Tôi chẳng hiểu học tập “tốt” nghĩa là gì nhưng cũng vâng dạ cho Ba yên lòng. Ba nhắc Mẹ chịu khó thay mặt Ba giắt tôi sang thăm hỏi và săn sóc cô Năm, cô già yếu bệnh tật không có ai bên cạnh thật đáng thương. Thật sự Ba đã biết vợ chồng Cô đã qua Mỹ từ những ngày đầu với ông bà Nội tôi, ý Ba muốn chúng tôi tìm đường vượt biên thôi. Mẹ chỉ hứa sẽ cố gắng, hoàn cảnh nhà mình cũng nghèo chưa chắc gì giúp được Cô, Ba thở dài không nói.

Dịp gần tết, Dì Bảy dẫn tôi đi thăm Dượng, tôi chẳng biết ở tận đâu, xa lắm, phải đi hai ba ngày mới tới, lúc thì đi xe đò, lúc đi xe trâu, có lúc thì đi bộ băng qua rừng cùng với đám người thăm nom khác. Cuối cùng thì cũng đến được trại tù. Đợi hai ngày ngoài cổng trại mới được sắp xếp cho gặp Dượng, Dượng ốm yếu đến nỗi chỉ còn hai con mắt là linh hoạt. Dì và tôi giả làm hai Mẹ con, khi nghe tôi chào Dương bằng cha, hai mắt Dượng mờ đục hẳn đi. Dượng dặn tôi cố gắng học hành và săn sóc cho Thúy-Yên. Dượng nói: “Sau này, mọi sự đều nhờ ở con!” tôi lý nhí mấy câu hứa với Dượng , đó là lời nói sau cùng tôi còn nhớ được của Dượng. Tôi chỉ là thằng nhóc con vẫn còn phải bám gấu quần Mẹ thế mà từ nay phải thay thế Dượng săn sóc cho em. Tôi đã hứa và quyết tâm giữ lời hứa đó dù chẳng biết bằng cách nào. Trên đường trở về tôi cứ nghĩ mãi đến bài học lịch sử “Nguyễn Trải từ giã Phi Khanh nơi biên giới Hoa Việt. Tôi chẳng có chí lớn như Nguyễn Trãi, nhưng điều nhỏ nhặt hứa với Dượng tôi quyết thực hiện được.

Một hôm công an giả làm người mua hàng, ập vào nhà tịch thu tất cả hàng hóa, thế là Mẹ và Dì lại trắng tay. Cuối cùng thì họ cũng đuổi gia đình tôi đi kinh tế mới để chiếm căn nhà gạch hai tầng của Mẹ. Chính quyền “Cách Mạng” muốn chiếm nhà của ai, chỉ việc tìm cách đuổi đi kinh tế mới, thế là xong. Chúng tôi đi theo mấy người bà con xa bên Ba về Long Thành, rồi từ đó lội bộ khoảng 14, 15 cây số nữa gần mấy đồn điền cao xu của người Pháp để lại. Dân đi kinh tế mới gọi vùng hoang vu này là Xóm Lá, nơi đây vẫn còn in dấu vết thời chiến tranh, những hàng cây bị bom đạn đốn gẫy ngang, cháy chỉ còn trơ thân đen thui. Những hố bom B52 to như những cái ao. Mùa mưa nước từ trên nguồn chảy về, các con suối trở thành những con sông nhỏ, Hố bom ngập đầy nước. Người ta cắt cỏ tranh về làm những túp lều nho nhỏ để chui ra chui vào, nước mưa dột tứ tung nhưng ai cũng mừng vì sẽ có rất nhiều ếch nhái, cua đồng, sò, hến ngoài suối.
Tôi theo Mẹ và Dì làm việc đồng áng, khuân những tảng đá chất lên bờ làm ranh giới, đốt cỏ tranh để lấy đất làm rãy, chúng tôi trồng rau muống, rau đay, củ mì quanh mấy hố bom. Trồng cà, mướp, bí, khoai lang chung quanh túp lều lý tưởng, trồng bắp, đậu phụng ngoài rãy, đến mùa mưa trồng lúa. Nhìn bàn tay của Mẹ và Dì chai như bàn tay đàn ông, hai bà đã già hẳn đi, tôi đau đớn trong lòng khôn tả. Tôi đã được 15 tuổi, làm người “Đàn Ông” cột trụ của gia đình.
Từ ngày đến Xóm Lá, tôi đã không còn cắp sách đến trường mà chỉ chuyên tâm vào việc đồng áng và lo tìm kiếm bất cứ cái gì có thể nhét vào mấy cái bao tử xẹp lép của gia đình, vả lại nơi xa xôi này làm gì có trường học. Tôi đã bắt đầu hiểu được thời thế và cuộc sống chung quanh mình. Hiểu được thân phận của những kẻ lưu đày, nỗi nhọc nhằn của những người như tôi chỉ là thứ công dân hạng bét trên chính quê hương mình.

Xóm Lá nơi tôi ở, ban đầu chỉ có một số người đã sinh sống ở đây từ lâu, họ làm công trong mấy đồn điền cao xu. Đời sống tuy lam lũ nhưng nhà cửa cũng tươm tất, mặc dầu chỉ là nhà tranh vách đất, chung quanh cũng có cây ăn trái, dàn bàu dàn bí xum xuê, có vài thửa ruộng cày cấy đủ ăn. Từ ngày chiến tranh lan tràn, mấy đồn điền đều bỏ hoang, cây cối um tùm chẳng ai săn sóc. Dân mới nhập cư tha hồ chặt cây về làm nhà,làm củi. Vào sâu hơn một chút là dân Sài Thành mới đến “cắm dùi” vì bị đẩy ra khỏi thành phố. “Dân cũ” cũng rộng lượng chia sẻ cho chút khoai hay bắp để sống qua ngày. Họ cũng giúp một tay xây dựng nhà cửa và chỉ cách trồng trọt, thứ nào trồng mau có ăn, thứ nào trồng sinh nhiều hoa trái …Xa hơn nữa sát bìa rừng là những nông dân từ ngoài Bắc theo chân quân đội “giải phóng” vô lập nghiệp. Họ chịu cực khổ quen rồi nên rất xiêng năng, làm việc từ sáng sớm đến tối mịt mù. Có những đêm sáng trăng họ làm luôn ban đêm, đúng như câu “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” được học tập ở miền Bắc, họ là một thứ “Nô Lệ” cho chủ nghĩa đã quen rồi. Dì Bảy lúc này rất yếu, hay bị xỉu khi làm việc ngoài đồng. Mỗi lần sảy ra như vậy, tôi dìu Dì về nhà để em săn sóc. Em vẫn còn ngây thơ, thấy Dì bị xỉu thì sợ hãi lắm. Tôi bảo em, Dì bị say nắng, chỉ nằm một chút là tỉnh thôi, em đi lấy nước cho Dì uống, giặt khăn lau mặt và quạt cho Dì mát. Nơi chốn quê mùa, chẳng có thuốc thang gì, bệnh tật chỉ đành phó mặc cho Trời Phật. Nghỉ một lúc Dì tỉnh táo và khỏe mạnh lại, Dì cầm tay tôi thì thầm “Dì chắc không còn bao lâu nữa, không biết chờ được Dượng đến ngày nào, Nếu Dì có mệnh hệ nào con cố gắng lo cho em, nó còn bé bỏng lắm, bản tính nó ương ngạnh, cứng cỏi, con thương Dì thì nhớ nhường nhịn em nghe con.” Tôi chỉ biết khóc và hứa với Dì sẽ săn sóc em suốt đời. Dì mỉm cười héo hắt rồi ôm lấy tôi và em, nước mắt Dì ướt trên mặt tôi.

Về vùng đất hứa độ hơn một năm, Dì và tôi lại đi thăm Dượng, Dì làm nhiều thức ăn đồng quê, cơm nắm để mang theo ăn dọc đường và tiếp tế cho Dượng. Chúng tôi vất vả mấy ngày mới đến nơi, lần này chẳng phải chờ đợi, Người cán bộ trại tù cho biết Dượng đã qua đời, họ trao trả những gì còn lại của người tù quá cố, chẳng có gì đáng giá, nhưng Dì mang tất cả về. Dì xin cho ra mộ để cúng tế nhưng họ nhất quyết từ chối mặc cho Dì khóc lóc van xin. Sau lần đi thăm nuôi đó Dì không còn gượng dậy nổi nữa, nỗi buồn rầu và thất vọng đã đánh Dì gục ngã và cướp đi mạng sống của Dì. Em vẫn nghĩ rằng Dì chỉ bị “xỉu” thôi, tay vẫn quạt trên mặt Dì, miệng mếu máo gọi: ”Má ơi tỉnh dậy đi, anh Hai sao Má xỉu lâu thế không tỉnh dậy?” Em vẫn chưa hiểu được chết là thế nào? Làm sao tôi giải thích cho em! Tôi chỉ biết ôm em khóc, em cũng khóc theo. Dân trong Xóm Lá phụ giúp Mẹ và tôi đưa Dì ra nghĩa trang bên bìa rừng. Khi mới đến lập cư, tôi chỉ thấy một vài nấm mộ, bây giờ sau hơn một năm, mộ đã đầy một khỏang đất lớn. Những người thành thị về đây đã đua nhau bỏ ra đi qua bên kia thế giới với tốc độ chóng mặt, phần vì thiếu thuốc men, thiếu ăn, phần vì lao động quá sức mà không đủ sống. Chung quanh chúng tôi, nhà nào cũng có người thân đã từ giã ra đi không hẹn ngày trở lại. Dì bỏ đi, Mẹ càng cô đơn hơn. Trước kia, có chuyện gì, Mẹ và Dì còn nương tựa, an ủi lẫn nhau, nay chỉ còn tôi và em, Mẹ không còn gượng nổi nữa. Mẹ nằm liệt giường mấy ngày, tôi sợ lắm, quỳ bên Mẹ khóc nỉ non xin Mẹ gắng gượng sống đừng bỏ hai anh em tôi. Nếu Mẹ cũng bỏ chúng tôi ra đi, biết sẽ phải trông cậy vào ai.Tôi đun nước và hái lá về sông hơi cho Mẹ, còn em nấu cháo cho Mẹ. Tôi nâng đầu Mẹ lên cao cho em múc cháo đút cho Mẹ. Nhờ Trời, dần dần Mẹ khỏe lại, nỗi thương nhớ Dì rồi cũng nguôi ngoai, Mẹ ôm chúng tôi hứa sẽ cố gắng sống để chờ Ba trở về. Chúng tôi lại lăn vào việc đồng áng, nuôi được một con bê con, em thích dắt con bê đi ăn cỏ trong khi Mẹ và tôi làm rãy. Khi bê con thành con bò, Mẹ sai tôi dắt ra Long Thành giao cho người bà con quen, cho nó nhảy đực. Giao bò xong tôi đi chơi quanh quẩn ngoài chợ kiếm mua quà cho em và Mẹ rồi chiều dắt về.

Người ngoài Bắc cũng bắt đầu vô lập nghiệp khá đông, nhà nào có nhân lực phá rừng tới đâu thì chiếm đất tới đó, cứ khuân đá đặt chung quanh làm ranh giới. Mỗi đêm lại sảy ra nạn chiếm đất giành dân như thời chiến tranh!, Bởi vì ai đó tham lam, chỉ việc xê dịch mấy tảng đá là ruộng họ sẽ lớn ra thêm trong một đêm.
Một thời gian sau, Xóm Lá họp nhau cất lên ngôi trường Tiểu Học đầu tiên, Trường chỉ là căn nhà lá hai gian. Dân Xóm Lá mời hai cô con một người tù cải tạo, đã từng là sinh viên thời trước, làm cô giáo, một cô tên Ngoc, cô kia tên Lan. Hai cô thay phiên nhau dạy từ lớp một đến lớp năm. Mỗi lớp chỉ học mấy tiếng, thời giờ còn lại học trò theo cha mẹ ra làm việc ngoài đồng. Tôi không biết nhà nước có trả lương cho hai cô không, nhưng dân Xóm Lá vẫn biếu tặng hai cô nông phẩm của họ. Mẹ xin với cô Ngọc cho tôi được học riêng với Cô. Từ đó tôi theo em cắp sách đến trường học nửa buổi. Hai Cô thay phiên nhau dạy riêng cho tôi toán, vật lý và hóa học. Tôi học rất mau như người ăn trả bữa sau một cơn bệnh ngặt nghèo. Tôi thật sự ngưỡng mộ hai Cô, tận tâm và thương yêu học trò nhất là học trò chăm học như tôi. Cô luôn khuyến khích và chỉ bảo tôi tận tình. Cô cho tôi mượn sách về đọc thêm, nhờ sự say mê đọc sách tôi đã học được rất nhiều chỉ trong thời gian ngắn.

Mẹ cũng vân động dân trong xóm cất được ngôi nhà nguyện nhỏ, chỉ lớn hơn ngôi nhà chúng tôi đang ở một chút xíu, có bàn thờ và cây Thánh Giá bằng gỗ, không có ghế ngồi. Chiều nào Mẹ cũng dẫn em và tôi lên đó đọc kinh cầu nguyện cho Dì được an nghỉ trên nước Thiên Đàng và cho Ba chóng được về xum họp với gia đình. Những lời cầu kinh của Mẹ gõ đều trên trái tim nặng chĩu của tôi khiến tôi nghẹt thở và xụt xùi.Trên đường về mắt mẹ vẫn còn đỏ hoe, tôi cũng vậy, còn em lẽo đẽo theo tôi vô tư như con chó nhỏ.
Mùa Mưa, em theo tôi đi soi ếch ban đêm ngoài bờ ruộng hay bên bờ mấy hố bom ngập đầy nước, có khi chúng tôi bắt cua đồng về cho Mẹ nấu rau đay. Ôi cua đồng nấu rau đay là món ăn ngon nhất trên đời! Chắc tôi sẽ không tìm được trên thế giới món nào ngon hơn thế. Đêm sáng trăng tôi dắt Em ra ngồi trước hiên nhà, nhìn mông ra đám ruộng lúa xa xa, ánh trăng lướt nhẹ trên mấy đám cỏ tranh trên gò đất, ễnh ương kêu vang khắp mọi nơi, tôi tủi thân khóc thầm, có cha cũng như không, thương Ba tù đày, thương Mẹ vất vả lao đao, thương Em côi cút, thương tôi chẳng biết ngày mai rẽ ra sao, nước mắt chảy ra lúc nào không biết. Em lắc tay tôi hỏi tại sao tôi khóc, Em còn ngây thơ bé bỏng quá, tôi biết trả lời sao, chỉ biết ôm em vào lòng mà xụt xùi. Em bé tí teo nhưng đã phải sách nước tưới rau, phụ Mẹ nấu ăn, giặt quần áo cho cả nhà. Nhiều khi đi làm rãy về mệt nhọc nhưng thấy em tưới rau tôi lại giành làm thay em.

Em thích nghe tôi kể truyện Thằng Người Gỗ có cái lỗ mũi dài, mỗi lần nói dối mũi lại dài ra thêm, có ngày nó nói dối nhiều quá, mũi dài tới chấm đất không quay đầu được nữa, em cười ngặt nghẽo nói “eo ơi, nếu vậy em không dám nói dối đâu”. Mấy đứa trẻ con hàng xóm cũng bu lại đòi tôi kể truyện. Tôi kể những truyện con nít trong sách của Hà Mai Anh như Tâm Hồn Cao Thượng, Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến, Con Sáo Của Em Tôi và Dzũng DaKao của Duyên Anh…, những loại sách đó chẳng còn in lại trong thời “Cách Mạng “ này nữa. Tôi kể truyện nổi tiếng đến nỗi cả người lớn cũng đòi nghe, tôi kể cho họ nghe Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Anh Hùng Xạ Điêu, Thiên Long Bát Bộ, Cô Gái Đồ Long và nhiều bộ truyện tôi từng say mê của Kim Dung. Nhà tôi buổi tối trở thành nơi giải trí, họ đến tán gẫu và nghe tôi kể truyện. Nhờ vậy anh em tôi có thêm của ăn do họ mang đến làm quà. Ở nơi rừng hoang, ánh sáng văn minh còn quá lu mờ làm sao rọi tới, chẳng có gì khác hơn là ngồi nói dóc trong bóng tối. Mỗi lần kể truyện, em bao giờ cũng đòi ngồi sát cạnh tôi, nhiều khi nằm ngủ ngay trên đùi tôi. Nơi Xóm Lá, dường như người ta đang sống bên lề Xã Hội Chủ Nghĩa, chẳng ai quan tâm đến Bác và Đảng. Công an, du kích cũng có một hai chú nhưng đám dân lam lũ vất vả này chẳng còn gì để tước đoạt nữa nên mấy chú ấy cũng làm ngơ, thỉnh thoảng ghé lại xin củ khoai lang hay ăn ké một bữa cơm, chắc để kiểm soát từng hộ khẩu, xem có gì khác lạ Không?. Mấy chú cũng rất mê nghe tôi kể truyện Kim Dung lắm, ở ngoài Bắc chắc ngoài sách về chủ nghĩa Công Sản không còn thứ gì khác.
Một hôm, đang đốt cỏ tranh để làm rãy, gió nổi lên thổi tàn bay tứ tung lên nóc nhà thế là chỉ trong vài phút, nhà cửa đều ra tro, một ít sách vở của Ba còn lại cũng bị Thần Lửa lấy mất. May là chẳng có ai trong nhà. Mọi người chạy đến hỏi thăm, hôm sau cả xóm giúp dựng lại nhà mới mỗi người một tay không phân biệt Bắc hay Nam, mới hay cũ. Thế mới biết con người vẫn là con người, chỉ có chủ nghĩa làm cho phân biệt người với ngợm!

Mùa xuân năm 1978, Ba được thả về, Mẹ mừng lắm. Từ ngày “Giải Phóng” đến nay chưa bao giờ thấy Mẹ vui như thế. Mẹ làm buổi tiệc nho nhỏ để Ba có dịp chào bà con trong xóm. Mẹ mời hàng xóm thân thiết có cả hai cô giáo và chú công an đến dự. Bữa tiệc đơn sơ chỉ có vài món thịt rừng nhưng ai cũng vui vẻ. Về nhà được ăn uống đầy đủ, Ba khỏe mạnh hẳn ra. Tôi và Ba làm việc ngoài rãy còn Mẹ và em coi mấy vườn rau chung quanh nhà. Trong trại tù, Ba là trưởng ban trồng rau xanh nên cũng có chút it kinh nghiệm. Ngoài việc làm rãy, tôi và Ba làm bẫy săn thú rừng, đời sống chúng tôi cải thiện hơn nhiều. Ban đêm Ba dạy tôi học thêm toán và anh văn, Hai cô giáo Ngọc và Lan vẫn còn dạy tôi nhưng bớt giờ lại vì còn phải dạy các em tiểu học. Ba được dân Xóm Lá rất kính nể vì là người học thức nhất, mỗi khi cần làm đơn từ gì, hàng xóm lại tìm Ba. Hàng tháng Ba vẫn phải lội bộ ra Thị Trấn Long Thành để trình diện công an huyện. Lúc khá giả hơn, Ba bán bò và mua được chiếc xe đạp cũ, từ đó Ba thường chở nông phẩm, rau cải ra Thị Trấn bán và mua các vật dụng khác để Mẹ mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ. Những ngày mùa khô, Ba bàn với Mẹ ra Thị Trấn làm công, bất cứ việc gì, từ phụ thợ hồ, vá bánh xe, sửa chữa máy móc. Mục đích kiếm chút tiền và cũng để móc nối với những đường giây vượt biên.

Phong trào vượt biên lên rất cao vào thời điểm đó, cả những đường giây kháng chiến giả tạo do công an thành lập. Cuối năm 1978, có tin đồn chiến tranh Viêt - Trung sắp sảy ra. Một hôm Ba từ Thị Trấn về rất sớm, kéo Mẹ và tôi ra làm ngoài rãy, tôi biết Ba có chuyện quan trọng cần bàn bạc. Ba vẫn coi tôi như người lớn, luôn cho tôi tham dự vào những quyết định trong gia đình, có lẽ từ ngày Ba vắng nhà tôi thật sự gánh vác tất cả công việc đáng nhẽ thuộc về Ba. Khi đã ra giữa rãy, nhìn quanh quẩn không có ai, chúng tôi vẫn cắm cúi làm như đang nhổ cỏ dại, Ba cho biết đã liên lạc được với chú Út của Ba từ ngoài bắc vô. Ba dặn tôi gọi người bà con này là Ông Trẻ. Ông đã ở lại ngoài bắc khi ông nội tôi di cư vào Nam năm 1954. Vì ông là cán bộ nên đi lại tương đối dễ dàng, Ông cho biết tình hình ngoài Bắc rất lộn xộn, họ đang đuổi người Việt gốc Hoa về Trung Quốc. Vào thời điểm đó tổng số người Hoa ở VN vào khoảng 1 triệu rưỡi, 85% ở miền Nam. Người Hoa ở ngoài Bắc, công an đã có danh sách sẵn những gia đình đáng nghi ngờ, nửa đêm đến đánh thức cả nhà dậy và tống lên xe bít bùng đưa thẳng ra ga xe lửa hay tàu buồm để đẩy ra biên giới rồi tống xuất về Trung Quốc, không cho mang bất cứ thứ gì. Hầu hết những người Hoa ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh gần biên giới như Đồng Đăng, Lào Cay, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn đều bị tống xuất qua biên giới trước khi chiến tranh Việt Trung sảy ra đầu năm 1979.
Cũng có một số lớn là tự nguyện hồi hương vì không thể chịu được sự đàn áp của chính quyền. Lợi dụng cơ hội này gia đình Ông và gia đình chúng tôi có thể trà trộn vào đám người Hoa đó để vượt biên qua Tàu rồi từ đó tìm đường qua Hồng Kông. Trong giai đoạn này, ở miền Nam công an tổ chức vượt biên bán chính thức cho người Hoa, tuy vậy tốn kém và nguy hiểm hơn nhiều.


Ông Trẻ cần một số tiền mua lý lịch giả để cho có vẻ “Tàu” một chút. Ba đã kiếm được một người bạn đồng tù, hiện đang ở Chợ Lớn tên ông là Liêu Chí Vinh. Gia đình ông Vinh khá giả nhưng kín đáo và khiêm nhường nên không bị đánh tư sản, ông vẫn còn cất dấu được một số vàng bạc và chịu đi cùng với chúng tôi. Ông có hai người con, người con nhỏ cũng xấp xỉ tuổi tôi.Sáng Chủ Nhật Mẹ gọi tôi dậy sớm để chuẩn bị ra đi. Ba chở em ra Thị Trấn như những lần Ba đi làm công trước đây, tôi và Mẹ đi làm rãy như thường lệ, rồi lần theo đường tắt ra ngoài lộ. Con đường này tôi rất quen thuộc. Hai Mẹ con ra bến xe đi Saigon mà không gặp người quen nào. Ba đón chúng tôi ở ga xe lửa Saigon, bên cạnh có Ông Trẻ và gia đình Ông Liêu Chí Vinh. Nhìn Ông Bà Vinh, tôi có thể nhận ngay ra gia đình người Hoa. Chúng tôi lên tàu lửa như những người từ ngoài Bắc, thân nhân của cán bộ vào tham quan miền nam trở về, họ mang về đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh thâu góp được ở miền Nam. Tàu đông người đến nỗi khó mà kiếm được chỗ ngồi. Sau mấy ngày đêm mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật, chúng tôi cũng đến được ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Người đông ơi là đông, Ông Trẻ dặn chúng tôi nghỉ ngơi trong sân ga, ăn uống cho no, có thể ngay tối nay sẽ phải vượt biên giới. Ông phải ra ngoài liên lạc với nhóm tổ chức để lấy giấy tờ, ngoài giấy tờ của chính phủ ViệtNam, còn cần phải có giấy tờ của tòa Đại Sứ Trung Quốc để qua cửa khẩu.

Chúng tôi hồi hộp và rất lo lắng không biết Ông có trở lại không? mọi người đều cảm thấy bơ vơ lạc lõng. Chiều gần tối, Ông trở lại dẫn chúng tôi đi bộ đến một chiếc xe bít bùng đậu bên đường. Ông nói chuyện với hai người công an đứng gác rồi hối chúng tôi lên xe. Trong xe đã có sẵn một số người, chắc cũng chuẩn bị vượt biên như chúng tôi, tất cả đều yên lặng, hồi hộp. Ông giới thiệu chúng tôi với hai người con của Ông, trao giấy tờ lý lịch mới, hộ chiếu cho Ba tôi và Ông Vinh dặn phải học cho thuộc để nếu ai hỏi phải trả lời cho đúng, Ông cũng đưa cho Ông Vinh và Ba tôi một nắm giấy bạc Trung Quốc. Chúng tôi chia nhau mỗi người giữ một it, kể cả mấy người con Ông Trẻ và Ông Vinh. Ông Trẻ gởi gấm hai cậu quý tử của Ông cho Ba tôi.Công việc của Ông đến đây coi như xong, còn lại nhờ Ba tôi và Ông Trời. Ông thu lại những hộ khẩu và giấy tờ tùy thân cũ và chúc chúng tôi lên đường bình an rồi vội vàng quay đi, dấu những giọt lệ chia ly. Ông ở lại với cơn sốt chiến tranh đang làn tràn trên miền Bắc.

Có lẽ đây là một tổ chức quy mô của công an đưa người vượt biên bằng đường bộ, như ở trong Nam đưa người Vượt biển. Chúng tôi ngồi trong xe im lặng và chờ đợi, lòng đầy hoang mang hồi hộp, không biết bước kế tiếp sẽ như thế nào. Thúy Yên sợ lắm, em ôm chặt lấy tôi. Trong bóng tối, tôi nghe rõ từng hơi thở và nhịp đập của trái tim em. Cuối cùng, một toán công an chia nhau lên xe và chạy đi đâu một quãng xa, dừng lại trước một căn nhà lớn, dồn lên hai gia đình nữa. Lúc xe sắp chạy, một toán công an khác đến, họ bàn bạc với nhau một lúc lâu, một anh công an nói cho chúng tôi hay xe không thể ra biên giới được, tất cả sẽ phải đi bằng xe lửa. Họ chở chúng tôi trở lại ga xe lửa và thả mọi người xuống đó. Hai gia đình mới lên cũng là người Việt gốc Hoa từ Miền Nam ra. Chúng tôi bàn với nhau và quyết định kết hợp thành một đám sống chết có nhau. Cả đám lên cùng một toa xe, ai cũng lôi thôi lếch thếch, hốt hoảng, dáo dác như một đàn gà con mất mẹ. Cả ga xe lửa hỗn loạn người la, kẻ khóc, tiếng gọi mẹ, gọi con thất lạc, đúng là cảnh đang chạy loạn. Họ là những người Hoa đã ở trên đất Việt lâu đời, chỉ là không hội nhập được 100%, bây giờ bị đuổi về quê hương xa lạ bên kia biên giới đầy bất trắc, mong manh, không hiểu vì sao. Họ chỉ là quân cờ trên bàn cờ chính trị của hai nước “anh em” đầy thù hận sắp sửa choảng nhau ra gì. Còn gia đình chúng tôi, đi tìm đường sống trong cái chết, nhờ sự hỗn loạn đó mà cảm thấy yên thân hơn, sẽ không sợ bị ai hạch hỏi lý lịch.

Đoàn tàu đi ngược về phía bắc, Thúy Yên dựa vào tôi ngủ gà ngủ gật suốt đêm. Khi ánh sáng ban mai tràn ngập lòng tàu, tôi nhìn ra phía ngoài, rừng núi mênh mông , lính tráng đang đào hầm hố chuẩn bị chiến tranh, xe quân đội chở súng ống đạn dược xếp hàng dài trên con lộ chạy xong xong với đường rày xe lửa. Tàu dừng lại tại thị trấn Lào Cai, đây là thị trấn cực bắc của VietNam còn cách biên giới khoảng 2 km, bên kia biên giới là thành phố Hà Khẩu, có đường xe lửa chạy thẳng đến Côn Minh Trung Quốc. Trong sân ga bộ đội đầy nghẹt, những khuôn mặt còn trẻ măng chắc chỉ lớn hơn tôi vài tuổi. Chúng tôi theo đoàn người đi bộ về phía cửa khẩu xa xa, tôi và Ba thay nhau cõng em trên lưng. Gần cửa khẩu, người càng đông hơn, phía bên Trung Quốc họ Kiểm soát giấy tờ, ưu tiên cho những người có chiếu khán của tòa Đại Sứ cho nên nhip độ nhập khẩu rất chậm. Cảnh chen lấn nhau hỗn loạn, khoảng gần trưa, công an biên phòng VietNam dùng vũ lực đẩy tất cả mọi người về phía trước, thế là bên phía Trung Quốc phải mở nút chặn cho dân chúng ào qua cửa khẩu. Có tiếng súng nổ ở cả hai bên, nhưng may mắn chỉ là những tiếng sung bắn lên trời để thị oai.
Sau khi khai lý lịch và trình giấy tờ của tòa Đại Sứ Trung Quốc, chúng tôi được chở về một nông trường ở Hải Yên , Đài Sơn tỉnh Quảng Đông. Ở đó họ cung cấp nhà ở tập thể có đủ bếp núc, nồi niêu, chăn màn, quần áo. Kể ra cũng tốt hơn vùng kinh tế mới bên Việt Nam rất nhiều. Ngày ngày ra ngoài đồng trồng trọt, cũng đủ ăn. Vào khoảng đầu tháng hai, Cán bộ nông trường bắt đi một số thanh niên biết nói tiếng Hoa để làm thông dịch viên cho quân đội Trung Quốc. Sau trận chiến Việt Trung (17 / 2 /79 – 18/3/79) một số được trả về, số còn lại chẳng biết ra sao. Ở nông trường tương đối cũng dễ thở, cán bộ rất dễ dãi và thân thiện. Họ coi tất cả những người vượt biên như kẻ tạm trú, không phải là công dân Trung Quốc. Cuối năm 79, chúng tôi xin được di chuyển tới hải cảng Bắc Hải, từ đó mọi người gom tiền bạc mua thuyền đánh cá đi Hồng Kông. Người Trung Quốc chắc cũng không muốn gánh cái của nợ Hoa Kiều thêm phiền phức cho nên giúp đỡ chúng tôi tận tình để mọi người ra đi bình yên.

Thế là sau một năm trời ra đi từ Xóm Lá, chúng tôi đã đến được trại tị nạn Hồng Kông bình an. Chính quyền Hồng Kông tương đối rất nhân đạo, họ săn sóc và nuôi nấng dân tị nạn đầy đủ, không phân biệt xuất xứ từ đâu. Có lần cả Ông Thống Đốc cũng vào thăm trại và an ủi mọi người, hứa sẽ giúp đỡ hết khả năng của Ông, ngoài ra sẽ liên lạc chặt chẽ với Cao Ủy Tị Nạn để sắp xếp việc cứu xét định cư sớm. Tất cả mọi người đều vỗ tay hoan hô lòng nhân từ bác ái của Ông. Chính quyền cũng cho các Cha và Sơ Công giáo vào trại lo việc xã hội. Hai Chú con Ông Trẻ sát nhập vào gia đình tôi để đi định cư với nhau cho dễ dàng.
Khoảng giữa năm 80, gia đình ông Vinh và chúng tôi được chấp nhân cho định cư ở Hoa Kỳ, vì cả hai chủ gia đình đều là cựu tù cải tạo. Cô Năm bảo lãnh tất cả về Houston.
Đến Houston, gia đình tôi ở với Cô Năm một thời gian ngắn. Ba nhất quyết từ chối xin lãnh tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ nên cố gắng làm bất cứ công việc lao động nào. Mẹ tìm được việc làm trong hãng làm bông giấy do một người quen giới thiệu. Công việc là cắm những bình hoa giấy theo hình vẽ của người “vẽ kiểu”, thêm thắt chút đỉnh để coi như tác phẩm nhỏ bé của mình, tiền công được trả theo số lượng làm mỗi ngày. Vào dịp lễ lạc thường phải làm thêm giờ phụ trội mới đủ cung cấp cho các tiệm bán lẻ. Nhờ khéo léo Mẹ cũng kiếm đủ tiền chợ, còn dư chút đỉnh, chả bù cho những ngày làm rãy, cả gia đình làm đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến tối mịt, 7 ngày một tuần cũng chưa đủ ăn. Vài tháng sau Mẹ được đề bạt lên làm “nhà vẽ kiểu” thay thế cho bà già về hưu, cho nên cũng đỡ bận rộn hơn. Thay vì vẽ kiểu, Mẹ chỉ việc cắm một bình bông mẫu mỗi ngày, các người khác cứ theo thế mà chế tạo, có thì giờ rảnh Mẹ lại đọc trong sách cắm hoa để nghiên cứu cách làm các bình bông nhiều kiểu khác nhau . Ba làm trong tiệm tạp hóa của một người bạn, công việc cũng dễ dàng, sắp hàng lên kệ khi thiếu, coi chừng mấy đứa con nít vào phá phách, dọn dẹp nhà vệ sinh cho sạch sẽ và những việc linh tinh khác.Gia đình tôi và gia đình ông Vinh ở gần nhau, trong một chung cư gần nhà Cô Năm. Hai chú con Ông Trẻ vẫn ở chung với chúng tôi và làm trong một tiêm giặt ủi. Tôi và Em rất sung sướng lại được cắp sách đến trường, cùng với người con út ông Vinh, tên Liêu Chí Phương. Ông Bà Nội tôi vẫn ở với Cô Năm, vì nhà Cô rộng rãi, mát mẻ. Cuối tuần Cô Năm mời chúng tôi qua thăm Ông Nội và đãi cơm, đôi khi Cô mời cả gia đình ông Vinh nữa, đại gia đình họp mặt thật vui vẻ. Nhất là Bà Nội, cứ giữ hai anh em tôi lại không cho về, thỉnh thoảng lại dúi vào tay chúng tôi nào bánh nào kẹo, cả tiền để ăn quà vặt, như thể chúng tôi vẫn là con nít bé bỏng.

Những năm đầu thập niên 80, thành phố Houston đang lên cơn sốt dầu hỏa, Các hãng tiện mọc lên như nấm, có cả những hãng do người Việt làm chủ, hầu hết tiện dụng cụ khoan dầu để cung cấp cho các giàn khoan trên khắp thế giới. Houston là thủ đô dầu hỏa của thế giới, cho nên các đại công ty dầu hỏa và các công ty làm ăn liên quan đến dầu hỏa như cung cấp dụng cụ khoan dầu, thăm dò địa chất, điều hành các giàn khoan dầu ngoài biển khơi, dịch vụ chữa cháy các giếng dầu, cung cấp phương tiện di chuyển bằng trực thăng hay bằng tàu cho các nhân viên ỏ giàn khoan, … đều có trụ sở chính ở đây. Ba xin được việc thợ tiện trong một hãng lớn chế tạo mũi khoan dầu và học lớp tối trong trường Đại Học Cộng Đồng gần nhà. Thế là cả nhà lại bận rộn, người đi làm người đi học.

Mùa đông năm 80, chúng tôi ăn mừng lễ Chúa Giáng Sinh đầu tiên trên đất Mỹ. Em nôn nao cả tháng trước đòi Ba mua cây Noel, rồi giành phần trang hoàng, treo đèn trong nhà. Nhìn thấy em hân hoan, vui mừng, hầu như đã quên hẳn quá khứ tôi càng thương Em hơn. Cộng Đông người Việt ở Houston tổ chức lễ Giáng Sinh rất long trọng trong một hội trường lớn của sân chơi foot ball. Rất đông người Việt không kể có đạo Chúa hay không đều đến tham dự. Ba mời gia đinh Ông Vinh đi theo, hai gia đình càng ngày càng khắng khít bên nhau. Ba với Ông Vinh đối đãi nhau như anh em ruột thịt, tôi với Phương cũng vậy. Giáng Sinh năm đó, tôi nhớ mãi trong đời, lần đầu tiên được tham dự thánh lễ trong không khí hoàn toàn hân hoan tự do kể từ ngày Ba bị đi tù. Tôi vừa ca bản “Đêm Thánh Vô Cùng” vừa khóc, có lẽ Ba Mẹ vả hầu hết những người Việt tham dự thánh lễ đều khóc như tôi, không biết là khóc vì sung sướng hay vì bao nhiêu nhọc nhằn đau khổ tích tụ trong lòng nay được tuôn ra. Sau bản nhạc, cả hội trường im lặng chỉ còn tiếng xụt xùi vang lên khắp nơi, như đang tham dự một tang lễ của người thân yêu nhất đời. Khi Đức Giám Mục chủ lễ nói câu “Tất cả xin chúc bình an cho nhau” nhiều gia đình ôm nhau khóc ròng vang cả hội trường.

Lễ xong, Ba mời gia đình Ông Vinh cùng về nhà ăn tối, đó là bữa ăn thịnh soạn và cảm động nhất trong đời tôi. Mọi người đều mặc bộ đồ sang trọng nhất của mình. Ba cúi đầu đọc lời nguyện cảm ơn Thiên Chúa và Tổ Tiên đã che chở hai gia đình chúng tôi đến bến bình an, Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng tôi và cho chúng tôi cuộc sống đúng với phẩm giá con người trong sự Tự Do Hạnh Phúc đúng nghĩa của nó, cám ơn Ông Vinh đã giúp đỡ gia đình chúng tôi trong cơn hiểm nghèo túng thiếu, đúng lúc mà gia đình chúng tôi không biết bám vứu vào đâu, cám ơn Ông Trẻ và hai Chú đã chỉ đường dẫn lối thoát khỏi ngục tù Việt Nam. Đến phiên Ông Vinh cũng nói lời tương tự, cám ơn Ba, trong lúc hoạn nạn vẫn nghĩ đến tình bạn bè, nếu không có Ba, chắc giờ này gia đình ông vẫn phải sống trong tủi nhục, ông đùa rằng Ba là công dân hạng nhì ở Viêt Nam, Ông chỉ là công dân hạng ba thôi, thua Ba một bậc, bởi vì người Việt gốc Hoa không còn đất đứng ở Viêt Nam nữa. Hai chú con Ông Trẻ cũng cám ơn Ba và Ông Vinh đã che chở và dạy dỗ hai chú như anh em một nhà, cám ơn nước Mỹ đã cho hai chú thấy được ánh sáng văn minh và lòng vị tha, nhân đạo. Đây là lần đầu tiên hai Chú sống trên một đất nước không cần hộ khẩu, không cần tem phiếu, ăn miếng thịt gà không sợ hàng xóm dòm ngó, đi đâu chả phải xin giấy phép, ngủ đâu chả phải trình công an khu vực, không phải thi hành câu châm ngôn “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, hay nói là ở tù”, ai muốn chỉ trích chính quyền có thể nói thả giàn chả sợ ở tù, ai muốn yêu nước kiểu nào cũng được chả sợ kẻ khác độc quyền. Mọi người cười vang cả nhà khi Ba nhắc lai câu “… hay nói là ở tù”. Hai chú đề nghị 3 người đàn ông chủ gia đình hãy kết nghĩa anh em như Lưu-Quan- Trương thời Tam Quốc. Mọi người vỗ tay rầm rĩ. Ba nâng ly chúc mọi người được bình an và thương yêu, đùm bọc nhau mãi mãi. Mẹ lên tiếng mời mọi người cầm đũa chứ cứ cám ơn rồi chúc chiếc nhau mãi, chắc cái bụng nó phản đối đến chết mất.

Ngày tháng qua đi thật mau. Chúng tôi vẫn vùi đầu vào việc học hành và lao động, tuy nhiên không tối nào là thiếu tiếng cười khi quây quần bên mâm cơm. Tôi và Phương đang học năm thứ tư Đại Học. Em sắp sửa tột nghiệp Trung Học. Ba cũng đã tốt nghiệp Double A về điện tử và kiếm được việc làm trong hãng chế tạo computer. Mẹ dự định sẽ nghỉ hưu sớm để ở nhà lo cơm nước cho Ba. Mẹ tóc đã bạc nhiều, nhưng nhờ ăn uống đầy đủ, đầu óc thảnh thơi nên có vẻ đã lấy lại phong độ thời xưa. Nhìn khuôn mặt Mẹ ai cũng thấy nét tươi vui mãn nguyện. Ông Bà Vinh và người con trai đầu lòng đang làm chủ một nhà hàng Tàu, Ông Vinh cũng muốn mua shopping center bên cạnh đó để cho thuê, dự định tương lai sẽ bành trướng thêm qua khu đất lớn.
Người Hoa làm ăn buôn bán rất thành đạt vì có đủ đức tính cần thiết của một thương gia: Tằn tiện, cần cù chịu khó nhường nhịn và chiều chuộng khách hàng. Họ không xa hoa phung phí, lại hay thành lập những bang hội, giúp đỡ lẫn nhau để cùng thành công. Cách tổ chức Bang hội rất hay, thường thì một vài người giàu có đứng lập hội, họ tự bỏ tiền túi ra để gây quỹ, quỹ đó sẽ tài trợ cho các thương gia cần vốn làm ăn. Sau khi thành đạt, người mượn vốn lại tự nguyện đóng góp vào quỹ của hội. Ngoài ra, các ông chủ lớn thường bán chịu hàng hóa cho các nhà bán lẻ, bán hết mới phải trả tiền, kiểu như giao hàng trước lấy tiền sau. Cho nên làm ăn kiểu người Hoa, không cần nhiều vốn, nhưng cần sự tin tưởng lẫn nhau. Ông Vinh cũng được một Bang hội ở Houston giúp đỡ rất nhiều cho nên đã thành công mau chóng.
Hai Chú con Ông Trẻ sau một thời gian làm việc chăm chỉ cũng sang lại một tiệm Dry Clean rất đông khách. Hai Chú đã ra ở riêng và dự định làm đơn để Ông Trẻ và gia đình được đoàn tụ với các Chú. Cả 3 gia đình bàn kế hoạch mua nhà gần nhau và luôn luôn khắng khít bên nhau. Ba muốn dọn về phía bắc Houston, nơi đó đất đai còn nhiều, lại có rừng thông bạt ngàn và gần hồ nước lớn, thật là một địa điểm lý tưởng để Ba Mẹ và Ông Vinh dưỡng già.

Một hôm Mẹ gọi tôi vào phòng ngủ, ngồi bên mép giường cạnh Mẹ, hỏi tôi có thương em nhiều không? Tôi nói dĩ nhiên là nhiều lắm, vì tôi đã hứa với Dì và Dượng sẽ yêu thương và săn sóc cho em suốt đời. Mẹ xoa đầu tôi có vẻ hài lòng lắm rồi nói tôi phải hứa với Mẹ một điều, tôi phải thương yêu em suốt đời như Anh Hai của Em, vì Mẹ đã hứa với Dì coi em như con gái rồi. Em đích thực là con gái của Mẹ. Mẹ nói: ”Vợ chồng có thể bỏ nhau được, còn anh em thì không, con có hiểu không?” Tôi gật đầu lý nhí ; “Con hiểu rồi”.
Em nay đã lớn bộn, các đường nét của người con gái dậy thì nổi bật hẳn lên. Em càng lớn càng giống Dì nhiều với nước da trắng hồng, khỏe mạnh, đôi mắt thật to đen láy, nụ cười mũm mĩm thật dễ thương, nụ cười đó 100% là của Dì ban cho Em. Em quấn quit bên Mẹ nhiều hơn bên tôi. Em đã biết suy tư, những lần hai anh em ra ngồi bên bờ hồ, Em thường hỏi tôi về những chuyện quá khứ mà em nhớ rất lờ mờ, như Ba Má em tại sao chết, Ba Má Em có thương em nhiều không?. Tôi kể về đời sống lúc em còn bé, về tuổi thơ của chúng tôi lúc Ba và Dượng chưa bị tù, về những kỷ niệm dắt Em đi học, đi tắm hồ, về những lần đi thăm nuôi Dượng và Ba, về lời hứa với Dượng sẽ săn sóc Em suốt đời, về lời hứa với Dì sẽ nhường nhịn Em mãi mãi và rất nhiều chuyện khác, nhưng tôi không nói với em về lời hứa với Mẹ. Em ngước mặt nhìn tôi hơi mỉm cười mãn nguyện rồi hỏi “Thế anh có yêu em và chiều chuộng em suốt đời không?”.

Em vẫn ngây thơ hồn nhiên như ngày nào, còn tôi, thương yêu lẫn lộn, tôi muốn ôm em vào lòng và hôn em thật lâu. Trái tim tôi co mạnh muốn nghẹt thở. Tôi biết nói với em sao đây? Tôi thương yêu em vô bờ bến, tôi có thể chết vì em nhưng đừng bắt tôi phải nói. Nước mắt tôi lăn xuống nhỏ trên tay Em, bàn tay mượt mà đang nắm lấy tay tôi lắc lắc hỏi tai sao tôi khóc. Tôi đã khóc với em rất nhiều lần nhưng không bao giờ trả lời được tại sao? Tôi là con trai nhưng không cứng rắn bằng em. Tôi muốn nói với em trong trái tim tôi đầy hình bóng của em, tôi sẽ yêu em suốt đời, sẽ săn sóc cho em suốt đời, cuộc đời tôi kể như đã giao cho em từ lâu rồi. Nhưng tôi với em vẫn chỉ là anh em thôi, em có hiểu không? Chắc là em không hiểu rồi. Em thì thầm bên tai tôi:”Em yêu anh”. Mặt tôi nóng bừng, tim tôi nhảy thiếu mất vài nhịp. Tôi nghe hơi thở thơm tho và nóng hổi của em bên tai tôi. Nếu không có mấy con vịt dưới hồ chạy sổ đến chỗ chúng tôi ngồi đòi ăn, chắc là tôi đã hôn trên đôi môi đang hé mở chờ đợi của em. Tôi lấy hết can đảm để nói với em, nếu không, sẽ chẳng bao giờ nói được: “Mẹ bảo chúng ta là hai anh em, anh lúc nào cũng thương yêu em, săn sóc và nhường nhịn em, anh bao giờ cũng là Anh Hai của em, em hiểu không?”. Tôi biết tánh em rất cương cường, thế nào cũng vượt qua được, còn tôi sẽ phải vất vả rất lâu.Khoảng cách giữa tình yêu trai gái và tình thương anh em thật mong manh, tôi bám víu lấy lời hứa với Mẹ để thoát ra khỏi lưới tình đang bổ vây hai chúng tôi.

Ngày Em tốt nghiệp Trung Học, cả nhà đi dự, kể cả Hai Chú con Ông Trẻ và cả gia đình Ông Vinh. Chúng tôi la vang cả hội trường khi tên em được gọi lên để lãnh bằng tốt nghiệp. Lễ ra trường chấm dứt, em chạy vội đến bên tôi, ôm tôi chặt cứng, gục đầu vào ngực tôi, mặc cho mọi người ngó em cười, em hôn lên má tôi, rồi ôm hôn Mẹ và Ba. Mẹ là người khóc nhiều nhất hôm đó trong nỗi hân hoan của em. Đám Gia đình Ông Vinh và Hai Chú đều đến chúc mừng em. Tôi thoáng thấy ánh mắt trìu mến của Phương nhìn em đắm đuối. Tôi hiểu Phương cũng đã yêu em. Tôi biết chắc Phương không hề biết chúng tôi chẳng phải là hai anh em ruột. Phương đối với tôi cũng chẳng khác gì Bá Nha, Tử Kỳ, còn hơn thế nữa, vì tôi là anh của Thúy-Yên. Tôi đã kiếm được việc ở DC sau khi tốt nghiệp vì muốn đi xa cho đầu óc thảnh thơi cũng như cho em và tôi cơ hội suy nghĩ về hoàn cảnh éo le của mình. Em có ý định sẽ học dược ngay tại trường Đại Học Houston. Phương có bằng kỹ sư điện toán nên xin làm việc trong hãng computer với Ba. Ngày từ giã gia đình đi nhân việc, tôi dặn Phương săn sóc giúp đỡ em khi tôi xa nhà, tôi biết chẳng cần phải nói, Phương cũng hăng hái làm việc đó, chỉ là cách mở lời cho phép Phương được gần gũi với em. Tôi dặn em ở nhà chăm chỉ học hành, thăm hỏi Mẹ thường xuyên, chớ làm Mẹ phiền lòng, nhắc nhở Ba giữ gìn sức khỏe, có việc gì gọi Phương giúp cho, tôi sẽ về thăm em và Ba Mẹ thường xuyên. Em ôm tôi khóc ròng, không nói lời nào. Tôi ước gì chúng tôi cứ bé bỏng mãi như lúc còn ở ViêtNam, thương yêu nhau mà không phải suy nghĩ viển vông.

Em ra trường và kết hôn với Phương, Ba Mẹ tôi về hưu và vẫn ở với vợ chồng em để săn sóc cho em. Phương thương yêu và kính nể Thúy-Yên hết lòng, luôn phục tùng vợ, nhưng thể xác và tinh thân rất yếu đuối, thêm nữa chân bên phải thường xuyên bị đau nhức bởi vì bị thương trong cuộc vượt biên năm nào. Thúy-Yên làm trong Pharmacy của một viện dưỡng lão, công việc tương đối nhàn hạ.Trong gia đình, em luôn là người quyết định mọi việc, Phương chỉ biết đi làm và mang tiền về cho vợ. Cuộc sống hai vợ chồng cũng khá giả, Ba Mẹ tôi ở với em nên cơm nước, nhà cửa rất ngăn nắp, tươm tất, Ba luôn chăm sóc nhà cửa, cây kiểng cho em. Ông bà Vinh ở với người con lớn thỉnh thoảng cũng chạy đi chạy lại thăm viếng. Gia đình thật hạnh phúc, Mẹ chỉ tiếc là không có cháu ngoại để bồng.

Tôi cũng trải qua nhiều cuộc tình và một lần giang dở, có một đứa con đang ở với người vợ cũ. Những cuộc tình đi qua như cơn mưa rào, chẳng khi nào làm ướt mản đất đã khô cằn cỗi từ lâu.

*****
Nằm suy nghĩ miên man, thiếp đi lúc nào không biết. Tôi thấy Dì Dượng Bảy đi đâu đó ghé thăm, chúng tôi rất mừng vui, cả nhà vang tiếng cười, bỗng Dượng nắm tay tôi hỏi, Thúy-Yên đâu sao tôi không dẫn ra cho Dượng gặp, hỏi tôi có săn sóc Em cẩn thận không? Tôi giật mình tỉnh dậy, mồ hôi ra đầm đìa, đầu nhức như búa bổ. Trời đã sáng trưng, tôi uống hai viên thuốc nhức đầu rồi lần vào buồng tắm. Tắm rửa sạch sẽ, gọi xếp xin nghỉ vài tuần vì có chuyện khẩn cấp trong gia đình. Tôi ra phi trường, may quá, kiếm được vé standby về Houston buổi sáng.
Về đến nhà, ăn qua loa vài miếng rồi tôi và Mẹ vào thăm em ngay. Em nằm trên giường bệnh, ốm nhom, mặt trắng bệch, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở thoi thóp, thỉnh thoảng rên nhè nhẹ. Tôi ra ngoài hành lang hỏi thăm Phương về bênh trạng của em. Phương vẫn ở bên em từ tối hôm qua, chắc cả đêm không ngủ nên mặt mày bơ phờ trông như một tên ghiền ma túy thiếu thuốc.
Chúng tôi kiếm Bác Sĩ của em để hỏi về bệnh tình, thật sự ông cũng chưa biết đích xác, xem hình quang tuyến và CT scan cho thấy em có thể bị ung thư ruột, tử cung, hay gan không chừng , bởi vì tất cả các bộ phận đó đều có tế bào ung thư, không biết phát xuất từ đâu, phải chờ thử nghiệm mẫu tế bào (biopsy). Lá gan của em đã bị ung thư hết một nửa rồi, có thể phải mổ ruột để dẫn đường đại tiện ra ngoài vào một bịch nylon để bên hông.
Mỗi ngày Ba và Mẹ đều vào thăm em, có cả vợ chồng ông Vinh nữa. Tôi và Phương ban ngày thường trực bên giường bệnh, chăm chút cho em ăn uống và đi vệ sinh. Tối chúng tôi chia nhau mỗi người ngủ lại với em một đêm. Mẹ ngày nào cũng giúp em đọc kinh cầu nguyện để nâng đỡ tinh thân hầu có thể chống chọi với bệnh tật.

Vài ngày sau, Bác sĩ của em mời chúng tôi vào văn phòng ông, có hai Bác Sĩ khác ngồi cạnh, tôi biết đã đến lúc phải đối đầu với sự thật. Ông cho biết sau khi coi các thử nghiệm và bàn thảo kỹ lưỡng với đồng nghiệp, tất cả đều đồng ý bệnh ung thư phát xuất từ tử cung và đang ở thời kỳ cuối, chỉ còn kéo dài được cao lắm là sáu tháng đến một năm. Ông khuyên nên nói rõ cho em biết để chuẩn bị tinh thần. Nghe ông nói, trái tim tôi như ngừng đập, đầu óc choáng váng, tôi muốn gào lên thật to, tại sao là em, không là tôi. Phương mặt mày nhợt nhạt muốn xỉu, đầu óc hắn đông đặc không còn suy nghĩ và quyết định được gì nữa, mọi sự sẽ do tôi mà thôi. Tôi sẽ nói thế nào với em và với Mẹ đây? Tôi xin lỗi mấy vị BS cho tôi vài phút để suy nghĩ , rồi đi mau vào Nguyện Đường của nhà thương cầu xin ơn trên soi sáng cho tôi để dẫn dắt em qua cơn hiểm nghèo. Lòng tôi tan nát, nước mắt chảy ướt trên áo. Tôi cầu xin Chúa đổi những ngày còn lại của cuộc đời tôi cho em, chỉ cho tôi vài ngày thôi để dẫn em về lại Xóm Lá, sống những ngày thơ ấu xa xưa, tối tối đi soi ếch, bắt cua đồng về nấu canh rau đay cho em ăn, đêm trăng sáng ngồi trước cửa nhà kể cho em nghe chuyện Thằng Người Gỗ, thấy em cườì hồn nhiên. Không! Không! Tôi không thể mất em được, tôi đã hứa với Dượng săn sóc cho em suốt đời mà, tôi đã hứa với Dì thương yêu em và nhường nhịn em mãi mãi mà. Tôi phải trả lời với họ sao đây? Tôi phải cứu em bất cứ giá nào, khóc lóc nào có ich gì. Tôi đứng dậy đinh đi ra ngoài chợt thấy Phương cũng quỳ gần đó, đầu gục xuống, hai vai rung lên từng hồi. Tôi biết nếu có gì sảy ra cho Thúy-Yên chắc Phương cũng sẽ gục ngã. Tôi kéo Phương đứng dậy, hắn gục đầu vào ngực tôi khóc mùi mẫn như một đứa con nit.
Tôi quyết định xin chuyển em qua nhà thương MD Anderson trong khu vực Houston Medical Center, đó là một trung tâm trị bênh ung thư hàng đầu của nước Mỹ, rất nhiều nhân vật nổi tiếng và các ông Hoàng bà Chúa đến đây điều trị từ khắp nơi trên thế giới.
Sáng hôm sau xe cứu thương chở em qua MD Anderson Cancer Center, tôi xin copy hồ sơ bệnh lý của em theo. Em được ở trong phòng private một giường, rất sạch sẽ rộng rãi, Y Tá và Bác Sĩ vui vẻ, tận tình. Tôi xin nhà thương cho mượn một giường xếp nhỏ để tôi và Phương thay phiên nhau ở lại với em qua đêm. Sau khi xem hồ sơ bệnh lý, Bác Sĩ quyết định làm thêm một số thử nghiệm nữa trước khi trình bày với chúng tôi về phương pháp điều trị. Tôi ngồi nhìn em nửa mê nửa tỉnh trên gường bệnh trắng toát, em thều thào:
“Anh Hai ơi đừng bỏ em”.
Tôi phải nắm chặt tay em và cố kìm lại để khỏi bật lên tiếng khóc:
“Không, anh không bao giờ bỏ em, anh sẽ ở đây với em suốt đời.”
Em cố gắng lắm mới nói được:
“Lần trước anh bỏ đi, em nhớ anh lắm!”
Chỉ có bao nhiêu đó thôi, rồi lại lịm đi vào cơn mê. Tôi vội gọi Y Tá, cô coi nhịp tim rồi trấn an tôi:
“Không sao, chỉ là hơi mệt thôi”
Tôi chạy ra ngoài sân sau bệnh viện, cứ tự do đứng khóc một chập cho đã đời! Tôi quyết định sẽ xin nghỉ việc trên DC để về Houston. Chúng tôi đồng ý theo lời khuyên của BS, nói rõ bệnh trạng cho em để em hợp tác chữa trị. Thật bất ngờ, em rất vui vẻ chấp nhận bệnh tình và đồng ý 3 set chemotherapy cách nhau một hay hai tuần lễ tùy theo sức chịu đựng và phản ứng của cơ thể em, nhưng trước hết phải truyền thêm máu cho em thật khỏe mạnh đã. Tế bào ung thư phá hoại hồng huyết cầu rất nhanh, khiến người bệnh xụt cân mau lẹ, thân thể yếu đuối, hệ thống miễn nhiễm trong tình trang báo động, cho nên BS khuyên những người cảm cúm không nên đến gần em, đồ ăn phải nấu chín, tránh nhiễm trùng.

Sau lần truyền máu, em khỏe hẳn lên, đòi ăn thức ăn Việt Nam, BS đồng ý, miễn là phải nấu chín kể cả rau cỏ. Cơ thể em có phản ứng thuận lợi sau khi nhận set chemo đầu tiên, đó là một tin mừng, TC scan cho thấy các tế bào ung thư đã không còn lan ra nữa. Mỗi ngày Ba Mẹ và gia đình Ông vinh, gia đình Cô Năm, hội đoàn nhà thờ của Mẹ,…đều vào thăm em, Thấy cả nhà trong phòng, em rất vui, nhưng Phương vội vàng đuổi bớt khách thăm viếng ra ngoài chỉ sợ lây bịnh thêm cho em. Hắn luôn cằn nhằn “Thăm người bịnh mà như đi ăn đám cưới ấy”, tôi rất thông cảm, Phương vì quá lo lắng cho em, còn em rất mừng vì gia đình quây quần chung quanh. Có khi đông thân nhân vào thăm đến nỗi phải sắp hàng dài ngoài hành lang. Tôi sợ nhà thương than phiền nên kéo bớt khách khứa ra phòng chờ đợi.

Mỗi ngày Tôi và Mẹ đọc kinh cầu nguyện với em, em tỏ ra rất sốt sắng và tin tưởng ơn trên. Một buổi sáng Mẹ dẫn mấy Dì Phước dòng Đa Minh vào thăm, một Dì rất trẻ ngồi nói chuyện với em và kể về những sự đau đớn mà Chúa phải chịu khi bị đóng đinh trên Thập Giá, em đã khóc vì sót thương Chúa. Em nói với Dì rằng sự đau đớn của em chẳng đáng gì nếu so với Chúa lúc bị đóng đinh vào tay chân, rồi còn bị đâm vào cạnh sườn nữa. Tôi nhìn em, vẫn còn những nét ngây thơ như thưở nào, lòng yêu thương em tràn đầy trong trái tim tôi, nhưng không một chút vẩn đục, tôi thật sự yêu thương em như một đứa em gái nhỏ. Tôi nghiên cứu các dược thảo và thức ăn giúp cho người bệnh ung thư trên các trang web, sau khi được chấp thuận bởi BS, em vui lòng theo cách ăn uống tôi đề nghị. Có câu “you are what you eat”.

Sau set chemo thứ hai, em đã khỏe lại rất nhiều, có thể đi lại trong khuôn viên bệnh viện dễ dàng. Đầu em không còn một sợi tóc nào, nhưng giọng cười lại thanh thót như xưa, tinh thần em rất vững vàng và cương quyết chống trả bệnh ung thư tới cùng. 90% tế bào ung thư đã được chữa trị, phần ung thư gan nay đã biến thành những vết xẹo. Em được xuất viện và chờ set chemo cuối cùng khi em khỏe mạnh bình thường, bên hông vẫn còn mang bịch nylon nhưng em rất vui vẻ và yêu đời. BS nhận xét đó là một phép lạ cho một bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối. Có lẽ nhờ dùng đúng thuốc, nhờ quyết tâm của em, nhờ sự cầu nguyện và tin tưởng vào Thượng Đế, nhờ ăn uống đúng cách với nhiều thức ăn chống tế bào ung thư, hay do Dì và Dượng phò hộ em? tôi không biết, BS cũng không biết. Gia đình tôi rất vui mừng, Mẹ ngày nào cũng cầu nguyện với các Dì Phước. Ngày Chủ nhật cả gia đình đi nhà thờ, Em được cha xứ mời lên giới thiệu với mọi người để đọc “Bài Đọc” của buổi lễ và có đôi lời cám ơn đến Cộng Đoàn Dân Chúa. Tiếng em trong trẻo thanh thót, sau bài đọc, Em cảm ơn tất cả cộng đoàn đã cầu nguyện, quan tâm, thăm hỏi em, Cám ơn Ba Mẹ, gia đình, BS và nhân viên trong bệnh viện đã tận tình săn sóc em, cảm ơn Thiên Chúa đã nhủ lòng thương sót em chừa cho em một con đường sống, em là một chứng nhân cho sự cầu nguyện và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của ngài.

Em rất vui tươi, miệng luôn mỉm cười khi nói lời cảm ơn, nhưng cả nhà thờ đều xụt xùi. Phương không theo đạo Chúa, và không hề tin tưởng bất cứ một tôn giáo nào, nhưng từ ngày em bị bịnh, hắn đi nhà thờ với tôi và Ba Mẹ thường xuyên, biết cầu xin Chúa cho em khỏi bệnh và hắn sãn sàng chịu những hình phạt nào thay cho em, đó là lời hắn thổ lộ với tôi. Tôi thật cảm động, Phương đã thay thế tôi thương yêu và săn sóc em. Tôi quỳ trong nhà thờ, nhìn lên tượng Chúa bị đóng đinh trên cây Thánh Giá, lờ mờ thấy từng giọt máu chảy ra từ lỗ đinh ở hai bàn tay Ngài, nhỏ đều trên má tôi, ướt đẫm áo tôi. Đúng như em nói, nỗi đau khổ của em và tôi chẳng thấm thía gì với nỗi đau của Ngài. Từ nay thân xác tôi sẽ thuộc về Ngài như lời cầu xin trong nguyện đường ở nhà thương hôm tôi mới về thăm em.

Khoảng cách mong manh giữa em và tôi chẳng là gì nữa, tôi chỉ thấy một nhịp cầu yêu thương vững chắc bắc qua dòng sông ngăn cách giữa chúng tôi. Tôi còn nhớ đọc được ở đâu đó một câu rất hay:
“True Love is neither physical, nor romantic.
True Love is an acceptance of all that is, has been, will be, and will not be”
#1
    NgụyXưa 28.03.2012 02:55:38 (permalink)
    "Khoảng Cách Mong Manh" đã được mang vào thư viện.
     
    Xin cám ơn bạn nangvangsaigon.
    #2
      nangvangsaigon 28.03.2012 04:16:56 (permalink)
      Cám ơn bạn NgụyXưa rất nhiều.
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9