NGHIỆP VÀ KẾT QUẢ - Thích Chân Quang

Tác giả Bài
lyquochoang
  • Số bài : 12
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 02.11.2008
NGHIỆP VÀ KẾT QUẢ - Thích Chân Quang - 28.03.2012 19:15:23
CHƯƠNG MỘT - KHÁI NIỆM VỀ NGHIỆP BÁO



Nghiệp Báo là từ gọi tắt đầy đủ của nghiệp và sự báo ứng, hay nghiệp và kết quả của nghiệp.

Nghiệp, karma, là sự hoạt động của ý nghĩ, lời nói và hành động của mọi loài hữu tình có thể tạo thành một kết quả vui khổ về sau. Nếu bởi nghiệp thiện, chúng ta đem niềm vui cho kẻ khác, kết quả về sau chúng ta sẽ được vui. Nếu chúng ta bố thí cho người nghèo, chúng ta sẽ được đầy đủ tài vật. Nếu chúng ta chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, chúng ta sẽ được mạnh khỏe. Còn nếu bởi nghiệp ác, chúng ta gieo đau khổ cho người khác, đau khổ sẽ trở lại với chúng ta. ” Mắt phải đền mắt, răng phải đền răng” (* Thánh kinh) (Nghiệp Báo đấu tranh). Đó là sự công bằng vô hình chi phối tất cả.

Đôi khi chúng ta cũng gọi luật Nghiệp Báo là Luật Nhân Quả. Nghiệp được xem là nguyên nhân và sự báo ứng được xem là kết quả.


Tuy nhiên tên gọi Nhân Quả này có một phạm vi quá rộng, bao gồm cả mọi hình thức Nhân Quả khác của cuộc đời, vật lý, xã hội, tâm lý... Còn tên gọi Nghiệp Báo là sự chuyên biệt cho riêng tính chất thiện ác mà thôi.

Ví dụ như cho rằng ngọn lửa là nguyên nhân và nước sôi là kết quả. Cái Nhân Quả này không dính líu gì đến sự báo ứng của nghiệp. Hoặc nhiên liệu là nguyên nhân, sự chuyển động của xe là kết quả, nhờ nhiên liệu làm cho xe khởi động. Cái tương tác Nhân Quả này khác với Nhân Quả của nghiệp.

Hạt được gieo xuống đất, một số các điều kiện được bổ sung như nước, phân, ánh sáng, rồi hạt nẩy mầm, thành cây, kết trái. Cái Nhân Quả của thực vật này cũng cách xa với Nhân Quả của nghiệp mặc dù các nhà đạo học thường dùng hình ảnh này để minh họa cho đường đi của nghiệp.

Các hình thức Nhân Quả của khoa học dễ quan sát trong khi Nhân Quả của nghiệp thì vô hình và ảnh hưởng qua nhiều kiếp luân hồi nên không thể quan sát bằng mắt thường được. Ví dụ cho rằng việc gia tăng dân số là nguyên nhân dẫn đến kết quả suy thoái kinh tế xã hội. Điều này có thể chứng minh rất rõ ràng. Chính vì thế mà các nhà xã hội học ra sức kêu gọi mọi người làm giảm dân số bằng cách sinh đẻ có kế hoạch.

Hoặc việc sử dụng các nhiên liệu địa khai như dầu mỏ, khí đốt, than đá làm tăng lượng carbonic trong khí quyển phát sinh hiệu ứng nhà kính, làm xáo trộn sinh thái Địa cầu, gây nhiều ảnh hưởng tai hại cho đời sống toàn nhân loại. Những loại Nhân Quả như trên không phải là Nghiệp Báo nhưng rõ ràng có ảnh hưởng đến khổ vui của con người.

Thế còn việc sử dụng nhiên liệu địa khai làm ô nhiễm môi trường, sử dụng khí Fréon làm thủng tầng Ozone trên khí quyển thì sao ? Tầng Ozone có tính chất bảo vệ trái đất khỏi các tia vũ trụ độc hại. Nhưng núi lửa, các khí Flor công nghiệp đã làm mỏng và rách lớp Ozone này gây nguy hại cho loài người.

Ngay cả các hàng Alahán được xem là vô học, không còn nghi ngờ gì với vấn đề giải thoát, nhưng nếu quay lại cứu độ mọi người thì kiến thức luôn luôn vẫn cần thiết với các Ngài. Ông Krishnamurti một vị đạo sư của thời đại, không bao giờ xao lãng việc quan sát sự tiến bộ của khoa học trên thế giới.

Một vị chủ trì ngôi tự viện, do thiếu kiến thức, đã áp dụng một Thanh qui sai lầm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm linh của đại chúng. Một nhà thuyết pháp do thiếu kiến thức đã giải thích giáo lý đi ngược với khoa học, gây mê tín và làm giảm giá trị của đạo.

Họ đều phải nhận lấy quả báo nguy hiểm về sau.

Rồi sự tận hưởng những tiện nghi quá đáng đưa đến sự phá hoại sinh thái Địa cầu cũng được xem là một tội lỗi đáng kể. Con người nên tập sống đời đơn giản gần với thiên nhiên hơn là cứ mãi đòi hỏi những tiện nghi sang trọng mà không để ý đến sức chịu đựng có hạn của môi trường.

Hoặc một kẻ phạm tội trộm cắp, giết người bị nhà chức trách bắt giam. Cái Nhân Quả xã hội này giống hệt với luật Nghiệp Báo là một minh chứng của Nghiệp Báo.

Hoặc một bác sĩ tận tụy chữa bệnh nhân, ông được khen thưởng và thăng chức. Cái Nhân Quả xã hội này không khác với luật Nghiệp Báo.

Nhưng nó vẫn không phải là luật Nghiệp Báo vì nó chưa đạt đến sự công bình tuyệt đối. Kẻ tội phạm ranh ma vẫn có thể che mắt luật pháp. Vô số các vụ án chưa phá được. Và không thiếu những người tận tụy tốt bụng bị trù dập vì không ăn cánh với kẻ xấu.

Những người lãnh đạo chính quyền luôn luôn cố gắng đi tìm sự công bằng cho xã hội, nhưng từ xưa tới nay, cái công bình do con người tạo ra bằng khuôn mẫu pháp luật chỉ đạt được hiệu quả phần nào. Ví dụ một vị chánh án, do thiên kiến cá nhân đã nương nhẹ mức án với người này, gia tăng mức án với người khác. Trước mắt, mọi người đều phải chấp nhận cái công bình tạm thời do con người, do xã hội thành lập.

Nhiều tôn giáo đã nêu lên cái công bình tuyệt đối của Thượng Đế, kêu gọi con người hãy an tâm trước những cái bất công còn đầy trên xã hội, bởi vì Thượng Đế sẽ phán xử lại tất cả sau khi chết hoặc sau ngày tận thế.

Ở đây, với luật Nghiệp Báo, những gì con người làm cho người khác sẽ trở lại cho họ một cách công bình, chắc chắn và hợp lý.

Với một lý luận dễ hiểu, chúng ta có thể nói rằng một nghiệp thiện sẽ tạo thành một kết quả vui, và một nghiệp ác sẽ tạo thành một kết quả khổ. Ví dụ người hay san sẻ vật chất sẽ được giàu sang, người hay tự cao sẽ rơi vào địa vị hèn hạ.
Tuy nhiên để hiểu thế nào là thiện ác chúng ta phải lệ thuộc vào hoàn cảnh thời đại. Thông thường chúng ta quan niệm rằng một hành động được gọi là thiện khi nó đem niềm vui đến cho kẻ khác, được nhiều người khen ngợi.

Hãy xét trường hợp nơi một bộ tộc bán khai có tục lệ giết một cô gái đẹp mỗi năm để tế thần.

Cô gái được chọn cũng cảm thấy vinh dự. Đối với họ hành động này là thiện, trong khi những nơi khác hết sức kinh tởm. Như vậy quan niệm thế nào là thiện ác cũng chỉ tương đối, bị biến thiên theo hoàn cảnh.

Hoặc cha mẹ quở phạt con cái làm nó khó chịu, thấy dường như ác, kỳ thật đem lại ích lợi cho nó lâu dài về sau.

Quan niện về thiện ác bị biến thiên theo nhiều điều kiện, còn luật Nghiệp Báo thì bất biến.

Những điều gì chúng ta làm cho người khác sẽ trở lại với chúng ta một cách công bình.

Ví dụ nơi bộ tộc giết người để tế thần, luật Nghiệp Báo không phê phán thiện hay ác, chỉ lẳng lặng sắp xếp để cho những kẻ giết người cũng sẽ được đưa lên giàn hỏa vào một lúc khác.

Nếu ban phát tình thương, chúng ta sẽ trở thành vị thánh. Nếu truyền bá kiến thức, chúng ta sẽ trở thành nhà bác học. Nếu phổ biến phương pháp thiền định, chúng ta sẽ đắc định sâu thẳm. Những gì đem đến cho người, sẽ trở lại với chúng ta. Những người quên mình để giúp đỡ mọi người sẽ đầy đủ tất cả.
Tuy nhiên, với đôi mắt phàm phu này không ai có thể chứng kiến một nghiệp nhân sẽ đưa đến một quả báo ra sao.

Một tên cướp giết người, lẩn trốn pháp luật rồi mọi chuyện phôi pha, vụ án không phá được. Có chắc là y sẽ phải chịu một quả báo nào xứng đáng vào tương lai hay không ? Có chắc là y sẽ té xuống vực thẳm, bị đụng xe, hay bị người khác giết lại không ?

Hoặc một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình giàu có, có chắc là đời trước nó đã từng biết bố thí giúp đỡ mọi người hay không ? Có chắc là nó đã từng cúng dường cho những bậc thánh thiện hay không ?

Chính cái khoảng thời gian ngăn cách làm cho luật Nghiệp Báo trở nên bí ẩn, khó thấy và khó chấp nhận.

Trường hợp chúng ta giúp đỡ ai, họ mang ơn, sau này họ đền ơn. Cái Nhân Quả này dễ thấy vì đơn giản. Nhưng đôi khi gặp kẻ vô ơn, không đếm xỉa gì đến chúng ta.

Hoặc trước kia chúng ta lầm lỡ hại người, họ mang oán thù và tìm dịp mưu hại chúng ta. Điều này có vẻ công bình và hợp lý với tính chất của Nghiệp Báo. Nhưng đôi khi gặp những người độ lượng tha thư,ù họ không tìm cách trả thù.
Như vậy luật Nghiệp Báo cũng không dựa vào tâm lý vô ơn hay biết ơn, oán thù hay tha thứ của con người. Nó âm thầm đi con đường riêng, mặc cho tâm lý của con người thay đổi.

Giống như một tấm gương bí mật phản chiếu ánh sáng. Người không biết về tấm gương ở trên cao kia sẽ phải ngạc nhiên tại sao với một ngọn đèn ở đây, bị ngăn cách nhiều lớp vách, lại xuất hiện một vầng sáng ở bên kia. Cũng vậy, không thấy được tấm gương phản chiếu Nghiệp Báo, chúng ta sẽ ngạc nhiên tại sao một nghiệp thiện ác ở đây, bị ngăn cách bởi thời gian và không gian dị biệt, lại xuất hiện một quả báo vui khổ ở nơi khác.

Tấm gương tượng trưng cho BẢN THỂ TUYỆT ĐỐI của vũ trụ. Tính chất phản chiếu của gương tượng trưng cho luật Nghiệp Báo. Ngọn đèn tượng trưng cho nghiệp nhân. Vầng sáng bên kia tượng trưng cho Quả báo, còn những lớp vách tượng trưng cho những khoảng không gian gần xa. Chiều cao của tấm kính chính là chiều sâu tâm linh, không phải chiều cao vật lý.

Không biết về tấm gương Bản Thể này, chúng ta càng không biết gì về tính chất phản chiếu Nghiệp Báo của nó. Đứng trước sự khổ vui của con người, chúng ta không thể hiểu nguyên nhân ban đầu ra sao. Nhìn hành vi thiện ác, chúng ta không lường được kết quả sẽ xuất hiện thế nào.

Chỉ có những bậc thánh chứng đạo viên mãn đã có thể thểånhập trọn vẹn Bản Thể Tuyệt Đối, đạt được sự hợp nhất với toàn thể vũ trụ, mới thấy rõ tính chất phản chiếu của Nghiệp Báo công bình hoàn toàn.

Đức Phật gọi khả năng thấy rõ đường đi của nghiệp là Thiên Nhãn Minh. Như vậy thiên nhãn không phải là con mắt trời để nhìn cảnh vật xa gần cho vui. Ở đây, Thiên nhãn có nghĩa là một trong nhiều khả năng của bậc đạt đạo, có thể tận tường sự vận hành của nghiệp trong việc tạo thành quả báo về sau.
"Như một người trên lầu cao tại ngã tư đường nhìn người qua lại, cũng vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhiên, vị Alahán thấy rõ các hạnh nghiệp và quả báo của mọi người. Những kẻ tạo thiện nghiệp sẽ sinh vào chỗ an vui. Những kẻ tạo ác nghiệp sẽ sinh vào nơi đau khổ"

Vào trước thời kỳ Đức Phật ra đời, đối với Ấn Độ, Trời là tượng trưng cho sự cao cả nhất trong vũ trụ. Thế nên Đức Phật dùng từ thiên nhãn, thiên nhĩ cũng có nghĩa là chỉ cho khả năng hiểu biết cao nhất của bậc đạt đạo. Sau thời Đức Phật, trong Phật giáo, khái niệm "Trời" trở thành kém giá trị nên những luận bản cho ra đời một số từ mới thích hợp hơn như huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn.
Lúc đó từ thiên nhãn bị hiểu thấp hơn ý nghĩa ban đầu. Thật ra, thời Đức Phật tại thế, Phật dùng từ Thiên nhãn là ám chỉ giá trị cao nhất không gì hơn.

Nếu chúng ta bất chợt hỏi một vị Thánh đạt đạo một điều chuyên môn nào đó, các Ngài vẫn có thể không biết. Vì sao các Ngài không biết trong khi khả năng của thiên nhãn là siêu việt và có thể gọi là tuyệt đối ?

Thật ra Bản Thể có hai tính chất: tịch diệt và thông đạt.

Tịch diệt hoàn toàn và thông đạt hoàn toàn.

Một vị đạt đạo, tùy theo ý mình có thể an trụ trong tịch diệt tuyệt đối, và không cần phải biết điều gì, bởi vì đối với bản thân các ngài, biết hay không biết chẳng có gì quan trọng. Tuy nhiên, khi có một vấn đề cần tìm hiểu để hóa độ chúng sanh, các Ngài hướng về tính chất thông đạt và lập tức mọi chuyện phơi bày rõ ràng.

Nếu chúng ta hỏi các Ngài đúng vào điều đã được các Ngài quan sát trong định, các ngài sẽ trả lời rành mạch. Ngược lại các ngài vẫn chưa biết.

Do đã từng "quan sát" sự luân hồi của nhiều người, bậc đạt đạo hiểu rõ tính chất của Nghiệp Báo hơn chúng ta. Các ngài hiểu rõ vì sao một người phải mang thân nữ, vì sao một người được thông minh, vì sao một người chịu hèn kém. Trong đời sống, các Ngài luôn luôn cẩn thận từng hành vi, vì trí tuệ các ngài luôn soi sáng và không chấp nhận một sự sơ hở nhỏ nhặt nào. Cả cuộc sống của các ngài là một bức tranh đạo đức toàn vẹn. Nhìn thấy mọi người tạo nghiệp thường xuyên, quay qua bên phải làm một việc bậy, quay qua bên trái nói một lời bậy, cúi xuống khởi một ý nghĩ xấu, với lòng bi mẫn, các ngài rất thương xót vì biết họ sẽ chịu nhiều bất hạnh ở tương lai.

Đối với bậc thánh đạt đạo, luật Nghiệp Báo là một sự thật hiển nhiên không còn gì phải nghi ngờ bàn cãi. Các ngài tuyên bố giảng dạy về Nghiệp Báo một cách xác quyết hùng hồn, khiến cho chúng ta tin hiểu và biết sống cuộc đời đạo đức hơn. Các tín đồ của đạo Phật, đạo Ấn độ tin sâu vào Luật Nhân Quả Nghiệp Báo bởi vì họ được các giáo tổ dạy bảo rất nhiều. Hơn nữa tính chất công bình của Nghiệp Báo phù hợp với lương tâm của con người.

Tận trong thâm tâm ai cũng cảm thấy kẻ ác đáng bị phạt và người thiện đáng được thưởng. Do đó với luật Nghiệp Báo, điều mong mỏi của họ được đáp ứng, và làm họ yên tâm dù cuộc đời có bất công, con người có thiên vị. Cuối cùng luật Nghiệp Báo sẽ giải quyết công bình tất cả.

Chính vì luật Nghiệp Báo phù hợp với lương tâm con người nên ngay cả những người không có khuynh hướng tín ngưỡng cũng thầm chấp nhận sự thật hữu của Luật Nhân Quả này. Họ tin có một sự công bình âm thầm chi phối đời sống của con người để người tốt sẽ hưởng được nhiều may mắn và kẻ xấu phải chịu nhiều tai vạ.

Tục ngữ Anh có câu:
"Man reaps what he sowed" (Người ta gặt những gì mình gieo). Hoặc người Việt Nam nói "Ở hiền gặp lành" "Gieo gió gặt bão"... đều phản ánh niềm tin sâu sắc vào luật Nghiệp Báo này.

Chỉ có hai hạng người không tin Nghiệp Báo, đó là kẻ độc ác không muốn tin vì sợ mình phải trả Nghiệp Báo sau này, hai là kẻ đòi hỏi phải có một sự chứng minh lôgic, chứ họ không tin nơi cái trực cảm của nội tâm.

Trong bộ phim "Chiến tranh giữa các vì sao" một nhà bác học đã dạy cho học trò để trở thành hiệp sĩ Reidei phải biết tin vào cái trực cảm của nội tâm hơn là cái thấy nghe của tai mắt, vì có những sự thật mà tai mắt không nhìn thấy, chỉ có cái trực quan mới cảm nhận đuợc mà thôi.

Ở đây cũng vậỵ, trong khi khoa học chưa đủ sức chứng minh luật Nghiệp Báo, nếu không sử dụng cái trực cảm này, chúng ta cũng không hiểu được sự có mặt của luật Nghiệp Báo âm thầm chi phối đời sống của ta trong từng phút giây nhỏ nhiệm. Một mặt chúng ta cố gắng đi tìm sự chứng minh cho luật Nghiệp Báo, mặt khác chúng ta cũng phải biết dùng cái trực quan của nội tâm để tin hiểu luật kỳ diệu này.

Khoa học ngày nay còn quá hạn chế, chưa thể biết nhiều về các nguyên lý của vũ trụ. Chúng ta có thể chụp hình một nguyên tử, biết gần hết mọi hatï cơ bản của nguyên tử, nhưng đây chỉ là một lãnh vực nhỏ so với vô số quy luật khác. Một thời gian dài người ta còn cho các định luật của Newton (1642-1727) là hoàn hảo. Đến khi Einstein (1879-1955) đưa ra thuyết Tương đối, mọi vấn đề đã khác hẳn, khoa học bước vào một kỷ nguyên mới, phải dùng đến tư duy vô cùng trừu tượng làm điên đầu các nhà bác học đương thời. Trước kia Geothe đã ca ngợi Newton bằng đoạn thơ:

"Ngày xưa vũ trụ mờ mịt tối tăm
Nhưng Thượng đế bảo có Newton
Thế là mọi vật trở nên sáng sủa trật tự”
Sau này một người khác đã khôi hài thêm vào :
“Rồi qủy Satan hiện ra bảo: Có "Einstein"
Thế là mọi vật lại chìm trong bóng tối”

Với Newton, các lý thuyết về luật hấp dẫn, chuyển động rất cụ thể rõ ràng như hai với hai là bốn. Nhưng với Einstein, Lý thuyết về vũ trụ cực kỳ trừu tượng, biến ảo khôn lường. Ví dụ như ông cho rằng không gian và thời gian bị thay đổi theo nhiều điều kiện như trọng trường, vận tốc, tỉ trọng... Một người di chuyển một vận tốc như vận tốc ánh sáng, họ sẽ cảm thấy trải qua vài giờ trong khi cùng lúc đó ở Địa cầu cảm thấy đã trải qua vài chục năm. Hoặc ông cho rằng không gian và thời gian có liên hệ với vật chất của vũ trụ. Nếu không còn một vật chất nào, không còn một ngôi sao nào, thì mọi người sẽ tưởng vẫn còn một khoảng không gian bao la vô tận, nhưng ông cho biết sẽ chẳng còn có không gian và thời gian nào cả.

Lý thuyết như vậy quá sức trừu tượng, vượt khỏi cái tư duy truyền thống của con người vốn quen với các điều cụ thể. Để hiểu được lý thuyết của Einstein, các nhà bác học phải sử dụng nhiều đến trực quan hơn là sử dụng lý luận thông thường của ý thức.

Những lý luận của Einstein mở ra một chân trời mơiù mẻ cho tư duy trong khoa học. Con người được làm quen dần với những chân lý mới lạ, không thể dùng tai mắt để nhận biết, mà chỉ có thể dùng trí tuệ trực quan để hiểu mà thôi.
Mặc dù nhờ vào Einstein, khoa học bước được một bước dài, nhưng để chứng minh được đường đi của Nghiệp Báo, chúng ta cũng còn phải chờ nhiều sự phát minh của các thiên tài sau này nữa.

Khoa học hiện nay chưa biết hết tính chất của não bộ với hơn 10 tỷ neuron (vào thời điểm 1991)

Sự phối hợp của các neurone để giải quyết các tín hiệu tư duy, sự trao đổi chất một cách nhịp nhàng vẫn còn là bí ẩn. Hơn nữa, tính chất chủ quan của não bộ vẫn xa lạ với sự nghiên cứu khách quan từ bên ngoài vào. Do đâu não bộ hình thành một bản năng sống mãnh liệt, con người luôn luôn tìm cách duy trì sự sống của mình một cách gay gắt. Do đâu một ước muốn của một nhà ngoại cảm có thể làm tan mây trên trời ?

Như Ignatenko, ở Ukraines đưa bàn tay lên bầu trời đen kịt, với một tâm niệm duy nhất "Mây hãy tan ra" .Vài phút sau mây tan dần trước mắt mọi người, trời bắt đầu hừng nắng.

Vô số các hiện tượng ngoại cảm làm các nhà khoa học ngạc nhiên và chưa thể giải thích được.

Rồi các đĩa bay (UFO) từ đâu bay đến bay đi một cách ung dung thoải mái với các phương pháp di chuyển ngoài sự hiểu biết của người Địa cầu. Làm thế nào họ có thể đến đây sau khi vuợt qua đoạn đường dài mấy trăm năm ánh sáng. (Chòm sao Veda cách 100 năm ánh sáng. Chòm Orion cách 1300 năm)
Tất cả vẫn còn là bí ẩn, có nghĩa là khoa học vẫn còn nhiều hạn chế chưa thể hiểu được. Nếu ai đó đòi hỏi phải dùng lý luận của khoa học hôm nay để chứng minh luật Nghiệp Báo như một phương trình toán học chặt chẽ, họ sẽ thất vọng. Ngày đó còn xa lắm. Nhà toán học L.A.Zadeh vào năm 1965 đã đưa ra lý thuyết TẬP MỜ (Fuzzy Lozic) để đưa toán học đi vào lãnh vực trừu tượng. Lý thuyết này đang được áp dụng vào máy vi tính hiện đại để tạo ra người máy thông minh, và áp dụng vào các ngành xã hội học, ngôn ngữ học, y học, sinh học... tức là những ngành trừu tượng.

Có thể nói khoa học đang đi dần vào các lãnh vực trừu tượng ngoài cái thấy biết cụ thể của tai mắt. Đây là một khởi điểm đáng mừng vì chân lý luôn luôn rất trừu tượng, và nơi chân lý tột cùng này, tính chất phản chiếu của nghiệp mới hy vọng được hiện bày trọn vẹn.

Muốn chứng minh sự thật hữu của nghiệp, khoa học cần phải mở rộng qua nhiều lãnh vực khác, đa dạng hơn, trừu tượng hơn và phổ quát hơn. Với một tập sách nhỏ bé này, chúng tôi có một tham vọng gợi ý một tiến trình cho mục đích chứng minh đó bằng cách kết hợp với các kiến thức sớ đẳng, về lý thuyết tương đối của Einstein, kiến thức về vô thức, trường sinh học, khái niệm về Bản Thể Niết Bàn của Phật giáo. Sự hiểu biết và trình bày của chúng tôi quả là quá sơ đẳng, đơn giản và ít ỏi, nhưng hy vọng nó cũng vạch ra một vài tia sáng mong manh nào đó, giúp con người tin vào sự thật hữu của luật Nghiệp Báo hơn trong khi chờ đợi sự phát minh vĩ đại của người khác. Dù sao trong đêm tối hoang vu, một vài tia sáng cũng có thể làm vui lòng khách lữ hành đang tìm về chân lý.