Giấu nghèo
-
30.03.2012 16:31:56
GIẤU NGHÈO
Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
Tối hôm qua, bản tin thời sự mười chín giờ của Đai truyên hình Việt Nam đưa tin: Một bộ phận không khí lạnh cực đoan, nhiều thập niên chưa từng xẩy ra đang tràn qua Châu Âu, khiến khí hậu nhiều nước, nhiều vùng thay đổi. Cả những vùng ôn đói nhiệt độ cũng xuống âm ba, bốn mươi. Thậm chí có nơi âm 48, 50 độ. Băng tuyết tràn ngập khắp nơi, khiến hàng nghìn người vô gia cư bị chết rét. Riêng ở Brút-xen, thủ đô nước Bỉ đã có hơn bẩy chục người chết. Một nửa trong số đó là người nhập cư bất hợp pháp, số còn lại là người bản địa.
Các nước đã thành lập Đội cứu hộ khẩn cấp, đi tìm kiếm những người vô gia cư ẩn náu ở ngoài đường phố, đưa họ về nhà tránh rét, cấp thức ăn, nước nóng và quần áo ấm cho họ.
Nhưng cũng có người thà chịu rét, ngủ trong hộp các-tông, chứ không chịu đi theo Đội cứu hộ. Vì họ xấu hổ. Họ không muốn nhận mình là người nghèo. Người Bỉ rất tự hào về đát nước giầu có của họ. Họ không muốn thừa nhận là nước Bỉ vẫn còn người nghèo.
Cũng như những người làm công ăn lương ở các nước phương Tây khác, họ rất sợ bị mất việc làm. Vì mất việc họ sẽ phải lĩnh lương thất nghiệp. Mặc dù số lương ấy vẫn bảo đảm mữc sống tối thiểu cho họ. Mỗi ngày họ vẫn có đủ ba bữa ăn, và bữa sáng điểm tâm vẫn có cà phê. Nhưng thất nghiệp họ sẽ bị coi là người nghèo. Mà ở nước họ thì nghèo cũng là một sự đáng xấu hổ, cũng có thể bị coi là “xấu”.
Rõ thật là trái khoáy, ngược đời!
Không phải làm mà vẫn có ăn là sướng quá, chứ sao lại phải xấu hổ? Họ khác chúng ta như mưa với nắng, như nước với lửa, như đêm với ngày. Họ giấu nghèo. Còn ta thì giấu giầu chứ chẳng ai giấu khó. Vì sao vậy? Có lẽ vì một thời người giầu ở nước ta đã bị coi là “xấu”, là kẻ “áp bức bóc lột”. Ngày Cải cách ruộng đất, Địa chủ bị đấu tố (tức là tập trung dân làng ra sân đình, giải địa chủ đến để nông dân tố cáo tội lỗi của y), rồi bị tịch thu ruộng đất và nhà cửa. Thành phần tư sản được đối xử nhẹ tay hơn, không bị đấu tố, chỉ bị quốc hữu hoá tư liệu sản xuất. Tư sản nhỏ thì bắt buộc phải hợp doanh với Nhà nước (gọi là công tư hợp doanh). Rồi dần dần trở thành quốc doanh. Tài sản của tư nhân thành ra tài sản của Nhà nước.
Cho nên người dân ai cũng sợ mình bị coi là người giầu, sợ cả sự liên quan với người giầu. Sợ đến mức phải từ bỏ, cắt đứt quan hệ và xa lánh cả những người họ hàng ruột thịt, nếu họ là địa chủ hay tư sản. Vì họ đã trở thành đối tượng đấu tranh của cách mạng. Con cái của họ không được vào trường đại học, không được đi bộ đội hay vào làm ở các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước. Thậm chí con gái của nhà địa chủ và tư sản cũng không được lấy chồng là cán bộ, lả đảng viên. Vì sự kỷ thị đẳng cấp đó mà biết bao đôi trai gái đang yêu đã phải chia tay nhau!
Và cả bản thân người đang viết những dòng này cũng cỏ một cuộc tình oan trái như vậy. Mà nào nàng có phải là con nhà giầu có gì cho cam. Cha nàng chỉ là một ông lính “khố đỏ” bị bắt sang Tây, khi mãn hạn về nước có cái hàm là đội hay cai sếp gì đó, được bà con xóm phố gọi là “ông Quản”. Thế mà nàng cũng không được phép làm vợ một anh cán sự bậc hai của cơ quan Nhà nước. Vì gia đình thuộc “thành phần có quan hệ với đế quốc phong kiến!...
Còn người nghèo?
Có lẽ đây cũng là một quy luật tất yếu của đời sống con người. Có nhục tất phải có vinh. Người nghèo được lên ngôi “VÔ SẢN”, được tôn vinh là “giai cấp tiền phong lãnh đạo cách mạng”, được tuyển dụng vào các cơ quan, được kết nạp vào đảng, Ai kém văn hoá và thiếu chuyên môn thì được cử đi học các lớp chuyên tu hoặc tại chức. Khi trở về họ được đề bạt, cất nhắc lên các chức vụ lãnh đạo, thay thế những cán bộ cũ có trình độ, nhưng không phải là thành phần cơ bản. Ở cơ quan cũ của tôi đã có trường hợp một ông bần nông, trình độ đọc thông viết thạo, nguyên là chủ tịch Mặt trân Việt minh xã (đảng viên), khi xã bị Tây chiếm mất đất, ông vào cơ quan rồi được cất nhắc lên thay ông trưởng ty cũ có bằng tú tài tây!.
Còn tất cả các thành phần khác, từ trí thức đến tiểu tư sản, thợ thủ công và dân tiểu thương đều bị xếp chung vào một loại là “phi vô sản”. Loại người này vẫn được sử dụng, nhưng không được tin cậy. Vì họ không có lập trường kiên định, tư tưởng bấp bênh, hay hoang mang dao động.
Nhưng cái thời ấy đã qua rồi!
Bây giờ ngoái nhìn trở lại, người ta gọi đó là thời “quan liêu bao cấp”. Hay còn gọi là thời “chế độ xin cho”. Cái gì cũng phải xin. Xin việc làm, xin vào Hợp tác xã, xin đất làm nhà, xin nhà ở, xin tem phiếu mua hàng…Vì tất cả mọi thứ đều do Nhà nước cấp cho.
Đổi mới nền kinh tế “quan liêu bao cấp”, sang “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghiã”. Tất cả mọi người (kể cả đảng viên) đều được quyền sở hữu tài sản riêng. Và tất cả các thành phần kinh tế từ quốc doanh, liên doanh nhiều thành phần, đến tư nhân đều được quyền tồn tại. Dĩ nhiên thành phần kinh tế quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo. Người giầu không bị coi là “xấu”, là kẻ “áp bức bóc lột” nữa. Ngày xưa chủ xí nghiệp gọi là giai cấp “tư sản”. Khi bắt đầu xây dựng nền kinh tế mà bây giờ gọi là “quan liêu bao cấp”, thì giai cấp tư sản đã bị tiêu diệt. Nay lại được hồi sinh và đổi tên, gọi là “doanh nhân”. Và, vì không bị coi là “bóc lột” nữa, cho nên các công ty, xí nghiệp của họ càng thu hút được nhiều nhân công bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Địa chủ cũng được sống lại và được đổi tên thành “chủ trang trại”. Ruộng đát họ được phép thuê của Nhà nước, hoặc đấu thầu của nông dân để kinh doanh
Thế là hàng loạt doanh nhân và chủ trang trại mọc lên như nấm sau mưa. Nhiều người đã trở thành giầu có. Trong đó không ít các “đại gia” vốn là con cháu của các vị thời xưa chỉ nhờ có thành phần cơ bản mà trở thành quan chức có chức có quyền, họ đã giầu lên một cách quá nhanh chóng, khiến dư luận xôn xao bàn tán nghi ngờ?...
Còn người nghèo?
Vì ta chỉ đổi mới kinh tế, chứ không đổi mới chính tri, cho nên về danh nghĩa vai trò và vị trí của người nghèo vẫn y nguyên như cũ. Giai cấp vô sản vẫn là đội quân tiền phong lãnh đạo cách mạng. Chỉ có điều hơi khác trước một chút là trong các cuộc họp hành, hội thảo, và trên các báo chí thông tin đại chúng, người ta chỉ nhắc đến vai trò quan trọng đó khi nào thật sự cần thiết.
Rồi để cải thiện đời sống cho người nghèo, Nhà nước đã lập quỹ xoá đói giảm nghèo. Ngân sách đã chi hàng nghìn tỉ đồng để giúp người nghèo thoát nghèo. Công tác này tiến hành rất thuận lơi, thu được nhiều kết quả khả quan, đã được bạn bè quốc tế công nhận Việt Nam là nước xoá đói giảm nghèo nhanh hơn một số nứơc trong khu vực.
Song lại chính vì cái quỹ có nhiều tỉ đồng đó mà trong bản “mục lục” động từ “chạy” dài dằng dặc của ngôn ngữ người Việt ta như: Chạy việc, chạy chức, chạy bằng, chạy dự án, chạy tội…Giờ đây lại thêm một danh xưng nữa là “chạy nghèo”!
Một số người không nghèo, thậm chí còn có thể gọi là giầu, nhưng còn muốn giầu hơn mà chẳng phải làm gì, nên họ đã bỏ tiền ra “chạy” để tên mình được ghi vào danh sách những người nghèo./.
TP. Uông Bí, ngày 20 - 2 – 2012
Tạ Hữu Đỉnh