Những kẻ rút tiền
Đặng Quang Chính 10.04.2012 03:59:42 (permalink)

Những kẻ rút tiền....


Lần rồi, khi về thăm gia đình, tôi đã ghé thăm Câu lạc bộ của một người bạn vong niên. Gọi cho vui thế thôi! …vì nơi đó là nhà của anh bạn và là nơi tụ tập bạn bè của anh ta mỗi buổi sáng. Căn nhà, nơi tụ họp của Câu lạc bộ, thuộc quận 3, trên đường Võ văn Tần. Nơi đó cũng là điểm đến của những con người cùng khổ. Người tự rút tiền túi, phân phát cho những người này là anh bạn của tôi.

x
x x

- Bác mua cho con tờ số…
Đang ngồi nói chuyện, chủ nhà bật dậy, đi vào trong, rút bóp đưa ra một số tiền. Anh ta không lấy số, chỉ đưa cho người mời mua vé một số tiền tương đương hay nhiều hơn.
- Chào ông …
Một đứa bé hàng xóm đi ngang, sau lời chào cũng được một thanh sô cô la hay một viên kẹo.
Một chị tàn tật, chỉ còn một tay, khi đi ngang, chắc có lẽ là “khách quen” nên chỉ cúi đầu chào. Chủ nhà, ông già hảo tâm, đáp lễ bằng cách đưa cho chị ta một số tiền nào đó.
Tôi còn nhớ như in, một người quá trung niên, lần nào đi ngang nhà, cũng chỉ mặc một cái áo màu xanh lá mạ. Giọng nói đủ nghe, nhưng như một điệp khúc:
- Chúc các ông sức khỏe!..
Sau lời chúc, anh ta nhận tiền một cách lúng túng bởi bàn tay trái, bàn tay còn lành lặn. Nhưng khi bỏ tiền vào túi rồi, cánh tay bên kia nâng lên, hơi chếch phía ngang đầu, và tuy bàn tay ấy của anh ta không còn ..nhưng người nào nhìn thấy, cũng chắc rằng đó là kiểu chào theo kiểu quân đội. Sau đó ít lâu, tôi nghe mấy đứa nhỏ đầu ngõ kháo nhau rằng, ông ta là cựu chiến binh của Quân lực VNCH trước năm 75.

x
x x

Lâu nay, thành viên trong nhóm này không muốn ..đúng hơn là không thể ghép thêm một tên nào đó, kèm chữ Câu lạc bộ. Họ là những người trí thức trước năm 1975, nhưng không phải trong nhóm “Hội trí thức yêu nước” được thành lập sau ngày 30.04 năm đó. Nói là “không thể” có lẽ là điều không quá đáng, bởi những bức xúc của họ tuôn thành lời nhưng không thể kèm theo một hành động nào khác. Nói là không thể vì họ không muốn gán ghép những điều không phải là sự thật đi kèm. Cũng như cái nơi gọi là Câu lạc bộ Lao động của thành phố. Có dân lao động nào, sáng đi chơi tenis trước khi đi làm (?) ..và sau một ngày làm việc, công nhân nào xách vợt đến đó để chơi quần vợt?!. Cái gọi là Câu lạc bộ thanh niên thành phố cũng thế. Phần nhiều chỉ có “thanh niên” Giám đốc, phó Giám đốc đến chơi….và hơn mười mấy năm về trước, có những “thanh niên” đánh banh tenis, đánh theo lối làm hài lòng ông già Thủ tướng Võ văn Kiệt.

Hầu hết mọi người trong lớp tuổi của họ đều thuộc lòng bài thơ nói về ông đồ già, bày mực tàu giấy đỏ, viết câu đối ngày Tết, kiếm chút tiền để sống lây lất qua ba ngày tết. Thế hệ con cháu nối tiếp, vì không được học thơ văn như trước 75, nên chúng không biết gì về biểu tượng đó. Nhưng hình ảnh ngôi chợ Bến Thành không xa lạ với thế hệ này. Biểu tượng của Sài gòn xa xưa vẫn còn ngự trị trong lòng người. Nếu có khác, đó là những sinh họat hiện nay trong lòng chợ.

x
x x

Vừa rồi, trong lần viếng thăm Câu lạc bộ lần cuối, tôi đã thấy được sự thay đổi trong cách suy nghĩ của một số thành viên trong nhóm này.

Một người, sau khi đi thăm đứa cháu du học bên Mỹ, cảm thấy thành phố này trở nên xa lạ với anh ta, vì lối ứng xử kỳ cục mà anh ta phân vân không biết có thể gọi đó là lối hành xử “trật tự giao thông mới”; hay đơn giản hơn là lối hành xử “xe gắn máy”. Một lần, anh ta bị tông bởi một chiếc xe đạp khác. Chưa kịp hòan hồn, anh đã nghe thanh niên kia gọi anh ta là: “Ông già dịch”!. Lầm lũi đạp tiếp, anh ta cứ thắc mắc là tại sao thanh niên ngày nay lại có thái độ bất nhã như thế đối với người lớn tuổi!.

Lần nữa, khi đi nộp đơn tại một văn phòng thuộc cơ sở hành chánh của nhà nước, anh ta lại gặp sự phiền muộn khác. Người nhận đơn, không thèm nhìn anh và nói rằng, anh phải chịu khó đợi cho đến lúc máy được sửa chữa xong!. Anh nghĩ, cái máy vô tri phải đợi người, chứ tại sao người ta lại phải đợi cái máy vô tri. Hay nói đúng hơn, người nhận đơn không nên đối xử anh ta như một vật vô tri. Một lời nói lịch sự, một cử chỉ vui vẻ không tốn kém gì cả!. Khi bạn bè nghe anh thuật lại điều khó chịu đó, họ đã khuyên rằng, anh nên xem cô ta như vật vô tri. Anh ấy trả lời là, anh không thể xem cô ta là vật vô tri được. Sau khi nói như thế, lời tiếp theo của anh như từ vô thức bật ra: “Phải chi có thể sống luôn ở bên Mỹ!!..”. Ai cũng phì cười khi nghe như thế!.

Một anh chàng, từ Mỹ về, sau khi nói lên nhận xét về những thay đổi hiện nay của thành phố, đã cho rằng, tiến bộ đã có, phải đưa đến sự kéo dài cách cai trị độc tài. Anh ta nói rằng, chính quyền hiện nay khác với hồi sau năm 75. Rồi nói tiếp, khi chính quyền đạt được 3 điều gì đó (anh chua thêm tiếng “Tây” –ngôn ngữ anh đem từ Mỹ về-) anh sẽ ủng hộ. Cuối cùng, anh phán, quyền tự do của người dân sẽ được nới rộng trong tương lai. Hiện tại, không thể có tình trạng đó, vì bây giờ dân trí còn thấp kém!

Như để tạo thêm uy tín về nhận xét của riêng mình, anh chàng tự giới thiệu rằng, anh là người đã dạy học trước năm 75, về môn Sử. Anh ta còn nhấn mạnh -hình như là- khi ở nước ngòai, anh ta học thêm gì đó về môn kinh tế ?!....Ra vẻ thêm hùng hồn, anh nói về những cái xấu của chính quyền miền Nam, trước năm 1975. Rồi là chính quyền ông Diệm không tuân thủ Hiệp định Geneve 1954.
Cách nói tưởng gây thuyết phục đó, khiến người nghe –những người có kiến thức- xem nhẹ những điều anh vừa nói trước.

Hôm đó, vì bận đi ngay nên tôi không có dịp trao đổi nhiều với anh ấy. Tôi chỉ nói rằng, có rất nhiều điểm đáng nói về các chi tiết lịch sử vào thời điểm 1954-1975. Một số đã được giải mã, một số còn trong các tủ hồ sơ của đôi bên tham dự cuộc chiến. Dù sao, để ngắn gọn, ta lấy trường hợp nước Đại Hàn ra suy xét. Việc họ sẽ thống nhất ra sao trong tương lai là chuyện của họ; nhưng lâu nay, họ không có một cuộc chiến nào, sau khi đất nước của họ đã bị chia đôi. Vì thế, ngày nay, Nam Hàn là một trong các nước có nền kinh tế phát triển đáng kể.
Sau lần nói chuyện đó, đôi khi tôi cũng có dịp trở lại Câu lạc bộ, nhưng không còn gặp anh ta.

Trong thời gian thăm gia đình, tôi được dịp nhận thêm nhiều dữ kiện khác, không mấy tốt đẹp.
Hiện nay, trong thành phố Sài gòn, có đến khỏang 90.000 người Đại hàn có diện thường trú. Họ, nếu không là chủ nhân ông của riêng họ (có tiệm ăn Đại hàn riêng) không làm công cho ai cả. Trong khi đó, cũng bằng ấy số người Việt Nam tại nước Nam Hàn, những người này đi làm công cho họ qua chương trình gọi là “Lao động hợp tác”!. Có người Đại hàn đã là chủ nhân ông của một khu đất khỏang 40 mẫu ngoài Phan Rang. Các hãng xưởng, xí nghiệp hiện nay tại Sài gòn, phần nhiều, đều là của tư bản nước ngòai. Các chung cư, cao ốc, nếu không phải là của Đài Loan, Hồng Kông .v..v..thì cũng của Đại hàn. Khu đất của Sở Giáo dục thành phố đang được xây dựng lại, hình như cũng của một công ty Đại Hàn. Ở ngòai Bắc, khu Hà Tây, sau khi giải tỏa hơn 12 khu chơi Golf – diện tích từ vài mẫu trở lên- vì không có khách du lịch đến chơi, đã bán lại cho các xí nghiệp người Tàu. Công nhân Việt Nam, làm tại các xí nghiệp đó, nếu muốn có thêm vào lương hàng tháng một số tiền là 1,2 triệu (số tiền cách nay khoảng 3-5 năm), chỉ cần chuyển đổi sang quốc tịch Trung quốc. Và việc đổi quốc tịch như thế chẳng có gì là khó khăn cả!.

Hiện nay, một trong những mặt hàng sản xuất chủ yếu của ta là gạo. Năm rồi, với giá thay đổi trong khỏang 400-500 đô la/tấn, chúng ta đã thu được khỏang 2.000 tỉ. Nhưng với số 10.000 du học sinh tại Mỹ (chưa kể các nước khác) và mỗi du sinh trả khỏang 30.000 đô/năm, con số 2.000 tỉ thu được về sản xuất gạo, chỉ đủ để bù lỗ mà thôi. May quá!.. số học phí đó đã do các gia đình du học sinh phải tự lo trang trải. Nếu không có con số hơn 5 tỉ đô của các gia đình có thân nhân ở nước ngòai gửi về hàng năm; hơn nữa, nếu không có lợi tức lấy được từ những khối người được đưa đi làm công ở nước ngòai …liệu rằng, lợi tức gộp của quốc gia hàng năm lên đến con số bao nhiêu?.

Đường lối giáo dục trong nhà trường ở cấp Trung học lại xa rời với thực tế xã hội. Bắt chước lề lối giáo dục các nước tân tiến, nhà trường cho học trò quá nhiều quyền tự do, không phải lối. Dân chủ trong nhà trường và việc quản lý đất nước theo cách độc tài hiện nay không tương hợp nhau.

Trước kia, khi khuấy động cuộc chiến tại miền Nam, phía bên gọi là Cách mạng, chê trách chính quyền miền Nam của ông Diệm là gia đình trị, chê trách các chính quyền sau đó là tham nhũng; xã hội miền Nam là thối tha, tràn đầy bọn xì ke, ma túy, đĩ điếm, cướp trộm ..v..v.. Tình hình đó, hiện nay, lại cao gấp không biết bao nhiêu lần trước đó. Trước thì “Gia đình trị” nay thì “Đảng trị”!..(với số đảng viên lên đến ba triệu). Tham nhũng hiện nay không còn là chuyện của vài ông Tướng, tá, Bộ trưởng ..v.v.. mà trở thành một hiện tượng thuộc về chính sách của nhà nước.

Còn cái điều anh bạn kia nói là, khi dân trí không cao thì nhà nước không cho tự do, chỉ là điều buồn cười, vì ngược ngạo một cách trơ tráo. Có anh “Độc tài” nào lại muốn dân trí cao hơn?!...Anh ấy tự xưng là mình có học, có nghiên cứu về Sử, về kinh tế, chính trị mà không biết Công ước Quốc tế về nhân quyền là cái gì thì khoe để làm gì??... Nếu nói theo lối ông nhà nước là, mỗi nước có một định nghĩa và cách áp dụng nhân quyền khác nhau thì tại sao lại ký kết với quốc tế về những điều đã được kê ra trong Công ước đó?. Để được vào WTO, để lòe người dân trong nước là đã có chân trong một tổ chức quốc tế hay sao?...Thật tội nghiệp cho người dân có những người lãnh đạo theo kiểu như thế này!.

x
x x

Những con số đau lòng đó, thêm cái lối “hiểu biết” của anh bạn cổ võ quyền ban phát dân chủ của chính quyền, khiến tôi liên tưởng đến một hiện tượng xảy ra cách nay không lâu, tại nơi tôi đang cư trú (mà có thể đã là chuyện xảy ra tại các nước khác, nơi có người Việt định cư).

Hằng ngày, tại một quán cà phê ở trung tâm, nơi đó có một nhóm người tụ tập, và trong nhóm có một anh ra vẻ là một người trí thức. Anh tự giới thiệu là ký giả, hay giáo viên gì đó, trước năm 1975, tại miền Nam. Anh ta, không khác anh bạn phát nhân quyền cho người dân vừa nói trên. Nếu khác, chỉ khác nơi chốn xảy ra sự việc.

Anh này “giảng thuyết” thao thao mọi việc. Tại sao có việc chia cắt Nam, Bắc và chính quyền Diệm “kéo lê máy chém” như thế nào ..v..v…Chính quyền Mỹ thời Johnson và Nixon đã coi miền Nam như thuộc địa kéo dài ra sao ..v.v… Nhưng, nếu có ai hỏi việc nhượng đất tại địa đầu miền Bắc, việc Trung quốc chiếm Hòang Sa và bắt giữ, bắn giết ngư dân ra sao…anh ta chuyển ngay sang đề tài khác. Thỉnh thỏang, anh rời bàn, đi ra ngoài, qua phía bên kia đường, rút tiền. Tiền của riêng anh ta hay do được chu cấp bởi ai đó, việc này chỉ có anh ta biết. Nhưng người muốn chế diễu anh ta lại nói rằng, anh ta làm việc đó vì thời gian rảnh rổi quá nhiều (bởi thất nghiệp) và vì muốn chứng minh rằng, anh ta là kẻ có nhiều tiền trong trương mục!.

Tôi nói là “hiện tượng”, bởi việc này, ở mức độ khác, không diễn ra ở quán cà phê mà xảy ra trên các trang mạng điện tử. Mạng được lập ra do ai tài trợ, người đọc không tài nào biết được. Có một điều rất giống như anh chàng ở quán cà phê là, chỉ khai thác các đề tài trong khỏang năm 1954-1975 và hòan tòan có tính chỉ trích chính quyền miền Nam. Chẳng lẽ trong thời gian đó, chính quyền miền Bắc không có khuyết điểm gì cả?!. Điều dễ thấy là, nếu chính quyền miền Nam quá tồi tệ, cuộc chiến có lẽ đã kết thúc trước năm 1975 lâu rồi; hoặc ít nhất đã chấm dứt vào năm 1968. Và đến giờ phút này, một số sự kiện đã giải mật cho thấy, nếu Mỹ không rút quân, không cúp viện trợ …có lẽ chuyện chiến thắng của chính quyền CS miền Bắc phải dời đến một thời điểm khác, không biết là bao lâu.

x
x x

Anh bạn tôi vẫn tiếp tục làm công tác “từ thiện” tự giác. Anh rút tiền túi, chia sẻ sự thiếu thốn của những người cùng khổ. Số tiền hưu hàng tháng không đủ trang trải cho việc làm ấy. May quá !...cái miếng đất khi xưa anh mua, để cứu nợ cho một người nông dân, đã giúp anh sống tương đối thong thả trong tuổi về già.

Trước kia, khi tuổi còn thanh xuân, nhiệt tình tuổi trẻ của anh đã bị thu rút vào cuộc chiến gọi là “giải phóng”. Họ, những con người tự xưng là CS, đã rút tài nguyên của đất nước, rút nhân lực của cả hai miền để đánh một canh bạc lớn. Sau khi chiến thắng, họ đã hiện nguyên hình những tên lưu manh, muốn vơ vét hơn nữa những nguồn lợi của đất nước.

May quá!...anh bạn đã không bị mất đi một phần thân thể. Nhưng, giả dụ, anh phải chịu sự tàn phế nào đó, tôi tin chắc anh cũng đủ tự trọng, nói một lời chúc lành như người thương phế binh đã làm, khi nhận được sự giúp đỡ của kẻ khác. Anh không thể nào làm công việc như những thành phần đã được nói ở trên. Những người đó, sống trong miền Nam trước năm 1975, đã được hưởng sự ưu đãi này nhiều hay ít. Tối thiểu, họ đã hưởng được một nền giáo dục đầy tính nhân bản của xã hội này; thế mà, bây giờ họ lại trơ tráo chỉ trích, phỉ nhổ ngược lại những gì mà họ đã được cưu mang trước đây.



Đặng quang Chính







#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9