Kiều Giang
-
Số bài
:
566
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 10.07.2011
- Nơi: SAIGON - VN
|
NGÀN NĂM SÓNG VỖ, 27-5-2019
-
27.05.2019 11:34:33
Truyện ngắn NGÀN NĂM SÓNG VỖ Kiều Giang “ Ta thấy em trong tiền kiếp”. TCS. Sau cơn hôn mê dài từ tối hôm qua, đêm nay, Quang tỉnh lại, ngơ ngác nhìn lên trần nhà lung linh ánh đèn trắng bệch, im lặng, lạnh lùng, không còn sức sống. Chiếc quạt vẫn quay tít trên đầu, mọi vật cứ quay cuồng theo qui luật của dòng chảy tạo hóa, dửng dưng. Quang chợt nhận ra mình đã hôn mê, nghĩa là anh đã chết, vì đã thoát khỏi trần thế này một thời gian, thoát khỏi những đảo điên của loài bướm đa tình bên những cánh hoa không hề nghĩ mình đang chờ đợi, thoát khỏi những hồi chuông tiễn biệt của giáo đường. Nhưng Quang cũng lại thấy rằng mình không chết vì mình không lên được thiên đàng hay xuống địa ngục, không thấy những cuộc truy hoan ẩm thực linh đình nơi nước Chúa, không thấy những đêm dài đàn ca cho những cuộc tân hôn bất tận của những cặp nhân tình còn vui trong vườn địa đàng, và cũng không thấy chúa đang bay trong khoảng mênh mông không đầu không cuối của vũ trụ, anh cũng chưa đi qua chín tầng luyện ngục, chưa thấy Dante ôm tuyệt tác La Divina Commedia rong chơi cùng với Virgilius, ngân nga với hàng vạn câu thơ bất hủ. Vậy là ngủ hay là chết, Quang không thể xác định, anh cảm thấy hoang mang! Bỗng dưng Quang thấy lạnh. Chiếc áo lót trên ngực Quang ướt đẫm. Ai đã đổ nước trên ngực anh chăng? Vô lý! Không, anh cố mường tượng lại… Buổi tối hôm ấy, Quang băng qua đường khi con phố đã thưa người, nhưng bỗng đâu một tốp xe máy, không kịp nhận ra là mấy chiếc, lướt tới, anh không kịp phản ứng, thì một chiếc trong bọn, dù có hãm phanh, vẫn hất văng anh xuống đuờng. Quang đập đầu xuống đất, lã đi. Cả bọn đều bỏ chạy. Người đi đường đưa Quang vào đặt nằm trên sàn nhà, máu ra nhiều ở miệng, mũi và chân. Quang nhắm mắt. Đứa con gái ôm chặt tay cha vào lòng, nức nở nghẹn ngào “ Ba ơi, ba đừng chết bỏ con. Hãy mở mắt đi Ba. Ba chết rồi ai nuôi con…Ba ơi, ba ơi…ba đừng chết…”. Lời réo gọi thống thiết của đứa con gái lên năm, làm cho tim anh nhói lên từng hồi. Anh cố hết sức hé mắt nhìn đứa con đang nước mắt ràng rụa, không chịu bỏ tay người cha ra. Còn phía bên trái Quang là người con gái tuổi quá đôi mươi, cúi sát xuống ngực anh, nước mắt ràn rụa, nói nhỏ nghẹn ngào: “Thầy ơi, thầy không sao đâu, chúng em sẽ đưa thầy đi bệnh viện, thầy đừng bỏ chúng em, chúng em buồn và thương thầy lắm!” Người con gái mà nước mắt làm ướt đẫm ngực áo của Quang đã cùng hai cô bạn đỡ anh dậy, đưa ra chiếc xích lô đang chờ sẵn bên lề đường, cô ta bật mui xe, sửa tư thế ngồi vững chải cho người thầy của mình, rồi tay vịn càng chống mui, ghé mông ngồi giữa hai đùi của người bệnh. Đoạn đường đến bệnh viện không xa, nhưng cô gái cảm thấy nó rất dài, phần thì mỏi vì ngồi sai tư thế, phần vì quá lo lắng cho người bị thương đã mất nhiều máu. Thỉnh thoảng cô quay lại lay thầy và hỏi: “ Thầy ơi, thầy có mệt lắm không?”. Nhưng câu hỏi của cô chỉ rơi vào im lặng. Đêm ấy, sau khi thực hiện xong thủ tục cấp cứu, người bác sĩ trực cho biết, nạn nhân chỉ tổn thương phần mềm và chấn động não khá nặng, cần một thời gian để ổn định lại. Hải Vân (tên của cô học trò cũ của Quang) ghé sát tai thầy và nói: “ Thầy ơi, thầy không sao đâu, vài hôm thầy sẽ khỏe lại thôi, bây giờ, em phải về, mai em lại vào thăm thầy”. Nhưng cô không nhận lại được câu trả lời hay cái gật đầu nào. Bẵng đi hai hôm, Hải Vân không trở lại như đã hứa. Đêm nay cô đến muộn, khi mà trong phòng lưu bệnh nhân không ai còn thức, duy chỉ có Quang là chưa ngủ được. Không biết là anh trông đợi gì, nhưng đôi mắt cứ ráo hoảnh, dù anh đã cố khép lại, cố quên đi… Thấy Hải Vân vào, Quang mừng rỡ ra mặt và chống tay ngồi dậy, trong tư thế tựa lưng vào đầu giường. Hải Vân đặt túi trái cây lên chiếc tủ cá nhân, rồi kéo ghế ngồi sát vào gường. - “Em bận chút việc nhà, vào muộn, phá giấc ngủ của thầy, em xin lỗi”. Hải Vân rụt rè, nhìn thầy, đôi mắt thật buồn. Quang ái ngại, nói đỡ: - “Thầy cảm ơn em, thầy vẫn chưa ngủ được, mấy hôm nay rất khó ngủ. Em cho thầy xin lỗi, mãi đến bây giờ, thầy vẫn không thể nào nhớ em đã học thầy năm nào, thầy cũng chưa nhớ nổi tên em”. - “Học trò của thầy nhiều quá, bao nhiêu thế hệ học sinh đã đi qua cuộc đời, làm sao thầy nhớ nổi, chỉ có chúng em là không thể nào quên thầy. Em tên Hải Vân, học lớp 12A, năm ấy thầy dạy môn triết, thầy cũng là thầy giáo hướng dẫn của lớp em. Hồi ấy, thầy rất trẻ trung, hiền lành, luôn gần gũi tìm hiểu và chia sẻ những khó khăn với chúng em, chúng em quý thầy lắm”. Những thước phim một thời tuổi trẻ đầy mộng mơ của cuộc đời kéo qua ký ức, trong cái đầu còn ê ẩm, làm cho Quang nằm im, nhìn đăm đăm cô học trò mảnh mai yếu đuối, nhưng có đôi mắt long lanh, dưới đôi hàng mi cong lúc nào cũng như chất chứa một thế giới đầy u ẩn. Anh nhớ lại năm ấy Hải Vân ngồi ở đầu bàn thứ hai, dãy bên phải, thường dán mắt vào anh trong các bài giảng, nhất là hôm, trong bài “Triết học là gì? Vì sao có triết học”. Cô thường tra vấn anh về những điều mà cô bâng khuâng, ray rức. Nhờ có Hải Vân mà giờ học, lúc nào cũng sinh động, thú vị. Anh nhớ lại mình cũng đã từng lặng lẽ rơi nước mắt suốt hai giờ đồng hồ trên giảng đường đại học, trong một giờ giảng của một vị giáo sư, nguời thầy uyên bác đáng kính của anh. Thoáng giây phút im lặng, Quang nói rất khẽ: -“Thầy cảm ơn em đã cho thầy sống lại với ký ức, những ngày đẹp nhất đời mình. Hôm nay được gặp lại em trong hoàn cảnh này, thầy vô cùng xúc động, hạnh phúc, biết ơn em và biết ơn cuộc đời. Chiến tranh, chủ nghĩa, hận thù, và cả thời gian đã không thể chia cách chúng ta mãi mãi. Thầy chợt hiểu ra rằng, chính sự sống và lòng chung thủy mới là vĩnh cửu, chứ không phải là cái chết”. Hải Vân lặng lẽ nhìn người thầy đang nằm dưỡng thương, cô cũng nhận ra rằng, nơi đây có thể là nơi kết thúc một cuộc đời, nơi để người ta nhỏ xuống những giọt nước mắt, nhưng cũng là nơi mở đầu cho sự tái sinh, mở đầu cho những vòng quay bất tận. “Sự sống là vĩnh cửu”. Câu nói của thầy giáo, vô tình thổi vào hồn cô một sức sống, một niềm hy vọng mới, giúp cô bước tiếp về phía trước. Hải Vân, đưa tay cầm tay thầy, cô chậm rải: -“ Lần này em về thăm quê, rất may được gặp lại thầy, em rất vui vì đó là điều mà em thầm mong ước bấy lâu, dù là trong hoàn cảnh thầy không may bị tai nạn, còn em bây giờ…” Bỗng giọng của cô trầm xuống, gần như nghẹn ngào. Quang thấy đôi mắt Hải Vân đỏ hoe, anh nắm chặt tay cô, đỡ lời: - “Em bây giờ làm sao?...thầy thấy em sức khỏe, xinh đẹp và thông minh, thầy tin rằng em sẽ thành công và hạnh phúc…”. Hải Vân tiếp lời thầy: -“ Bây giờ… em xin giã biệt thầy. Ngày mai em phải đi xa, chưa biết ngày nào được gặp lại. Em cầu mong thầy sức khỏe và hạnh phúc. Em sẽ không bao giờ quên thầy…”. Quang thảng thốt ngồi chổm dậy khi thấy Hải Vân vội quay người, đôi vai rung lên, đứng dậy và bước nhanh ra phía cửa phòng. Anh nhìn theo Hải Vân rất lâu, như muốn chờ cho Hải Vân đi thật xa về cuối hành lang, dù biết đó chỉ là cái nhìn trong tâm tưởng… Buổi sáng đầu hạ, biển Qui Nhơn sóng êm đềm, đang từng đợt hôn lên bãi cát vàng thay cho Quang sau những ngày xa cách quê hương. Trong quán nhạc lấy tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tọa lạc sát đường Xuân Diệu, anh chọn một vị trí tiện quan sát khoảng bao la trước mặt, giúp anh no tầm mắt khát khao… Mới đó mà đã xa lắc bao nhiêu năm. Ngày ấy, buổi hoàng hôn nào, sau một ngày lên lớp, Quang cũng gọi một người bạn xuống đây hóng gió, bàn chuyện chiến tranh (ngày một khốc liệt trên quê hương rách nát mỏi mòn), và nghe nhạc phản chiến của Trịnh, nhiều bài Quang như đã thuộc lòng. Anh còn nhớ nơi đây là một rừng duơng liễu cợt gió vi vu, làm nhân chứng cho một thời thanh bình ở cái thị xã thơ mộng màu biển xanh và nắng, nhưng cách đó không mấy xa, thì quê hương cũng ngập tràn trong khói lửa. Quang đưa mắt dõi theo một cô gái đội chiếc nón lá cọ rộng vành, bước liu xiu trên bãi cát, hướng về phía Ghềnh Ráng, anh bỗng nhớ đến đứa con gái duy nhất của anh, nay cũng trạc tuổi ấy, vừa mới lấy chồng, bỏ lại anh, một chú gà trống không còn con để nuôi. Anh tủm tỉm cười một mình. Quang liếc nhìn đồng hồ. Đã quá giờ hẹn 30 phút mà sao vẫn chưa thấy Hải Vân đến. Anh hơi sốt ruột…Bỗng một chiếc taxi dừng gấp bên lề đường, ngay trước quán, cửa xe bật mở, một thiếu phụ từ trong xe bước ra, dáng cao gầy, chiếc váy xe-rê màu xanh biển trông rất sang trọng, Quang nhận ra ngay đó là Hải Vân, một Hải Vân có cái dáng không khác gì nhiều, so với bao nhiêu năm trước, nhưng bây giờ trông đài các hơn nhiều. Quang đứng lên bước ra tận lề đường đón cô. Bỗng anh thấy Hải Vân bước vội về phía anh, mở rộng đôi cánh tay, chồm về phía trước cho anh, sợ Hải Vân bị ngã, Quang dang rộng đôi tay ôm chầm lấy cô, trong khi cô cũng ôm chặt cổ anh. Hải Vân làm cái động tác khá tự nhiên của phong cách nước ngoài, còn Quang có vẻ hơi ngượng ngùng. Trong giây lát Hải Vân bỏ tay ra khỏi người Quang, nhìn Quang và nói “ Gặp lại thầy em rất vui, đã gần 30 năm rồi, ôi nhớ lắm”. Quang cầm tay Hải Vân, nhìn sâu vào mắt cô, rồi đưa cô vào quán. Hôm nay không phải là ngày cuối tuần, bây giờ cũng đã nửa buổi sáng nên quán gần như hết khách. Hai người ngồi bên nhau, hướng ra biển. Biển trông thật thanh bình với tất cả sự dịu dàng như một cô gái ngủ trong cõi nắng vàng bao la trải dài trên bãi cát, những tảng “mây biển” thưa thớt in bóng mình trên mặt nước êm đềm xanh biếc. Quang nhấp một ngụm cà-phê, rồi như lẩm nhẩm trong đầu “ Mây Biển… Hải Vân…”. Quang đang đăm chiêu theo tiếng nhạc Trịnh vô tình phát ra từ cái loa gắn ở góc phòng, nghe rất ấm “ Ta thấy em trong tiền kiếp…như cọng buồn cỏ khô…Ta thấy em đang ngồi khóc…khi rừng chiều đổ mưa…”. “Vâng, ta đã thấy em trong tiền kiếp rồi...”, Quang dấu ý nghĩ đó trong đầu. Bỗng sực nhớ, anh quay lại phía Hải Vân: - “ Thầy không ngờ còn được gặp lại em… Cứ tưởng thời gian là một mũi tên, mất hút về phía bên kia của cuộc tồn sinh…”. Hải Vân đặt ly nước trái cây ép xuống bàn rồi nhìn Quang: - “ Nhưng em lại nghĩ khác. Em tin chắc rằng em sẽ gặp lại thầy, vì “mọi thứ đều có thể”, ngày xưa thầy từng dạy chúng em như vậy mà!”. Nghe Hải Vân nhắc lại lời ngày xưa, trên lớp, anh giật mình và hiểu rằng, nàng đã ghi từng lời của anh vào ký ức. Thời gian thường làm trôi đi mọi thứ mà người ta muốn quên nhưng cũng sẽ sẵn sàng làm nhân chứng cho ký ức của những ai muốn giữ lại một sự êm đềm hay nỗi chua chát cho đời mình. Cũng chính vì thế, Quang cũng không thể nào quên cái ngày mà người vợ thân yêu bỏ anh và đứa con gái 3 tuổi, ( thân phận một gã “tháo giày”), sau năm 75, để đi lấy một ông cán bộ có thế lực, “về từ rừng hoang”, rồi sau đó ông ta bị đuổi việc vì tham ô, đã tìm cách dẫn nhau chuồn ra nước ngoài. Sau ngày chia tay với Thư, Quang buồn nên thường hay uống rượu và anh cũng bắt đầu viết, nhưng cái nghiệp văn trong cái thời đại chính trị và kỹ thuật làm chủ thế giới, anh cũng không thể sống với nó, nên vẫn phải ôm cái nghề dạy học, được một thời gian, anh chuyển vào Sài Gòn. Nhìn Hải Vân, Quang cười thầm trong bụng “ ngày xưa, một người đã ra đi, hôm nay, một người khác lại trở về, bàn tay thượng đế không bao giờ chịu để yên, có lẽ anh đã vô tình rơi vào cái bẩy đầy tinh nghịch của ngài”. Quang chợt tỉnh, anh quay lại và phát hiện ra, hình như Hải Vân cũng đang chìm vào cái quá khứ không mấy yên ắng của nàng. Quang như muốn chia sẻ: -“ Ngày ấy, chia tay thầy, em nói em sẽ đi xa, có lẽ là em đi nước ngoài phải không, nhìn em, thầy cũng đoán ra, em không phải là một phụ nữ đang ở trong nước?”. Hải Vân quay lại nhìn anh, dịu dàng: - “ Thầy ơi, có phải chăng, con người dù có bôn ba nơi chân trời góc biển cũng không thoát khỏi vòng quay của số phận mà tạo hóa đã nặn ra, em đã theo chồng ra đi theo diện HO, qua Mỹ mới 5 năm, anh ấy đã bỏ em một mình ở lại với 2 đứa con, sau một tai nạn giao thông, và thầy chắc cũng đoán được, là em đã đau buồn và cơ cực đến như thế nào! Giá như ngày ấy em không lấy chồng sớm và không ra đi, thì có lẽ bây giờ không phải trở về, em trở về trong vòng tay ngọt ngào của số phận, của tuổi …!”, cô ngập ngừng. Nghe Hải Yến tâm sự về cuộc đời không mấy may mắn của mình, anh cũng thấy ngậm ngùi. Nhưng để phá tan cái không khí nặng nề, anh mỉm cười với cô: -“Nhưng hình như thượng đế luôn biết cải tiến phương pháp của Ngài, chuyện không may của chúng ta hôm qua, lại là điều may hôm nay, có như vậy thầy mới được gặp lại em…”. Hai người cùng im lặng nhìn nhau để theo đuổi ý nghĩ riêng thoáng qua đầu mình, hình như họ cùng cảm thấy vui, sau câu đùa của Quang. Quang nhìn đồng hồ, đã gần 12 giờ. Anh nắm tay và nhìn vào mắt Hải Vân: -“ Trưa nay, thầy mời em dùng cơm với thầy. Em còn ở Việt Nam bao lâu nữa, và hiện đang ở đâu?”. Hải Vân nói như thỏ thẻ: - “ Em còn ở lại quê hương lâu mà thầy, đã bao nhiêu năm rồi, em cũng mỏi mòn mong đợi... Em đang ở khách sạn H.Y, phòng 301, chiều nay 5 giờ, mời thầy đến đó, rồi ta cùng đi ăn.” Hải Vân nhìn người thầy cũ rất lâu và ôm chào Quang theo kiểu tây. Quang gọi taxi và đưa cô ra đường. Hương nắng biển trưa phả vào gió nồm làm cho hai người thấy khoan khoái dễ chịu. Khi chiếc taxi của Hải Vân đã lao đi, Quang tản bộ trên đường Xuân Diệu, về phía thành phố. Bóng dừa lỗ chỗ dưới chân anh. Hình như anh đang miên man theo những dấu chấm hỏi, quanh quẩn mãi trong đầu. “Hải Vân đã yêu mình ư, từ bao giờ, phải chăng là từ cái tuổi học trò mộng mơ ấy rồi”. Anh cũng không thể quên được đôi mắt của cô hồi ấy, đôi tròng đen long lanh ẩn dưới đôi lông mi dài cong vút, như muốn hớp hồn người khác. Cái thế giới huyễn hoặc ấy cứ như muốn nhốt anh vào đó, trong suốt những giờ lên lớp. Còn anh thì say sưa và đắm đuối trong bài giảng và trong cái vũ trụ không bến bờ ấy, nhưng vẫn phải giữ phong thái đạo mạo của một người thầy, một ông cụ non. Có ngờ đâu đôi mắt ấy bây giờ lại trở về lay động trái tim anh, mà từ lâu muốn tự mình dập tắt ngọn lửa yêu đuơng. Phải chăng bàn tay của tạo hóa khép lại rồi mở ra, vô tình, đùa cợt, oan trái. Dù mặt trời đã gần đứng bóng, ánh nắng bắt đầu gay gắt, nhưng Quang vẫn lầm lũi bước đi, như đang đi duới ánh trăng. Mùi hương thiếu phụ như còn lẩn khuất đâu đây, làm cho lòng anh xao xuyến kỳ lạ! Anh lẩm bẩm, “gặp em ở phòng 301 ư , nên chăng ?”. Mộng và thực, quá khứ và tương lai, khuôn phép và tình yêu, bao nhiêu câu hỏi như những cơn sóng từ ngàn năm dồn dập xô vào lòng anh. Anh đang bước đi về một nơi mà anh không thể định hình... SG 10-9-2018
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.05.2019 12:01:02 bởi Kiều Giang >
Nghiêng trăng uống cạn bóng mình Nghiêng đời uống cạn dòng sinh tử này
|