Một thời giông bão
-
13.04.2012 20:05:10
TỰ BẠCH VỀ “MỘT THỜI GIÔNG BÃO”
(Tiểu thuyết của Tạ Hữu Đỉnh)
Tôi thích đọc sách từ ngày mới biết đọc biết viết. Đọc để biết, để được vui được buổn với người ở trong truyện, chứ không hề nghĩ rồi mình sẽ viết văn.
Ấy thế mà chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, rồi sau tôi lại tặc lưỡi: “Thử một cái xem sao”.
Ngày đi làm, đêm cặm cụi viết. Khoảng mươi hôm gì đó thì xong. Tôi gửi cho anh trai là nhà văn quân đội, hỏi xem có đúng là truyện ngắn không? Anh gửi thư về bảo “đúng”. Và còn thêm: “Nếu là thời “Tự lực văn đoàn” thì truyện có thể được in”. Ôi chao là mừng! Sung sướng lắm, nhưng lại chẳng biết sửa chữa thế nào để có thể được in ở thời Xã hội chủ nghĩa.
Rồi một hôm, ông giáo Thanh (thầy giáo của cháu tôi), phải thôi việc, về quê, đến chào chia tay tôi. Thế là truyện ngắn “Ông giáo Thanh” được hình thành. Viết xong, tôi nhờ mấy thầy giáo ở cùng xóm đọc. Ông thêm ý này. Ông bớt câu kia. Sửa đi, chữa lại bẩy tám lần, đến phát chán. Rồi chẳng biết gửi đi đâu, tôi đành liều gửi cho báo Văn nghệ.
Từ hôm ấy, đêm nào tôi cũng mơ thấy “Ông giáo Thanh” được in. Nhưng lúc mơ thì vui, khi tỉnh lại buồn. Và mong, mơ mãi rồi cũng chán, cũng thôi.
Nhưng rôi, khoảng hơn hai tháng sau, một hôm thầy giáo Lư cầm tờ Văn nghệ sang nhà, hớn hở bảo tôi: “Truyện của anh, báo in đây rồi!”.
Ôi trời đất! Đời tôi chưa bao giờ có niềm vui nào hơn thế, sung sướng như kẻ ăn mày bỗng vớ được vàng. Thế là từ đấy đời tôi, một viên chức nhà nước bị “thất sủng”, về nhà làm ảnh sinh sống lại có hoài bão mới…
Cầm bút rồi, sau tôi mới hiểu, người ta bảo: Nghề văn vừa gian khổ, vừa lắm rủi ro. Biết mười chỉ viết được một. Viết mười chỉ được in một. In mười, may ra người đọc chỉ nhớ một.
Đúng như vậy. Sau mười năm viết lách, tôi chưa có được một tập sách in riêng. Rồi cộng với những khó khăn về đời sống, năm 1975, tôi đành phải giã từ giấy bút!
Tôi sinh ra vào cuối nửa trước, và lớn lên vào nửa sau thế kỷ XX, được chứng kiến nhiều đổi thay của đất nước, như: Phát xít Nhật vào Đông Dương; trận đói lịch sử năm 1945; Nhật hất cẳng Pháp; quân Đồng minh vào Việt Nam giải giáp quân Nhật; Cách mạng tháng tám thành công; rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ…
Từ lâu tôi đã có ý định sẽ viết, kể lại những gì mình đã thấy, đã trải qua, để người không có hoàn cảnh như mình cũng được biết, được thấy. Nhưng lần lữa mãi vẫn không viết được. Vì tôi không đủ can đảm. Tôi sợ gian nan vất vả.
Nhưng rồi thấm thoắt chẳng bao lâu đã đến cái tuổi: “Cổ lai…”. Nếu phải từ bỏ thế giới này mà chưa viết được chữ nào để trả ơn những người tôi đã gặp ,đã chung sống, và đã thân quen, thì phí hoài lắm. Mặc dù trong đó có người đã đi sang thế giới bên kia như bá Nhau, người đã chẳng sợ gì nguy hiểm, trong kháng chiến chống Pháp, bá nuôi tôi trong thời gian tôi hoạt động nội thành. Hay ông chủ xưởng gỗ ở phố Hàng Bột, Hà Nội, chẳng ngại gì ô uế, đã bê mười hai cái xác người ăn mày hôi thối, chết ở trước cửa nhà mình, xếp thành hàng, vuốt mắt, phủ mặt cho họ, rồi mới đi báo nhà chức trách, trong trận đói năm 1945. Và cô Mỹ, người con gái vùng mỏ có nhan sắc, tuổi còn ngây thơ trong trắng, vì chiến tranh, và vì lòng người còn chật hẹp mà cô bị hàm oan, mất một thời con gái, lại hỏng luôn cả một đời người!...
Cho nên, sau 23 năm gác bút, năm 1998 tôi lại viết.
Sau gần hai năm, bản thảo tập hồi ký: “Ngược dòng” được viết xong. Tôi đưa cho một số bạn bè ở Hội VHNT Quang Ninh đọc, rồi gửi cho NXB Công an nhân dân. NXB yêu cầu đổi tên, và sửa chữa một số trang, rồi cho tham dự cuộc vận động viết tiểu thuyết và ký, về đề tài: “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, năm 1999 – 2002. Thực hiện theo yêu cầu của NXB, tôi sửa chữa và đổi tên là: “Một thời giông bão”. Bản thảo được đưa vào chung khảo, và được giải khuyến khích.
Nhưng rất đáng tiếc là không được in! Mặc dù sách kỷ yếu của cuộc vận động đã in bài giới thiệu tác giả và tác phẩm: “Một thời giông Bão”.(Có rút in sau đây).
Vậy tại sao?
Trung tá, Trưởng phòng xuất bản, nhà văn Tôn Ái Nhân cho tôi xem tờ công văn của cơ quan cũ của tôi, yêu cầu NXB không nên in: “Một thời giông bão”. Vì: “Nội dung tác phẩm, tác giả chỉ nặng về kể lể thành tích cá nhân…” (Chẳng hiểu sao cơ quan cũ của tôi lại biết?)…
Ba măm sau (2005), “Một thời giông bão” mới được NXB Lao Động in. Nhưng đã chuyển đổi thành tiểu thuyết. Và cũng năm ấy, tác phẩm này được giải ba, Văn nghệ Hạ Long, do Uỷ Ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tặng.
Và giờ đây, sau sáu năm hiện diện, một lần nữa tiểu thuyết : “Một thời giông bão” lại được sửa chữa, bổ sung để ra mắt bạn đọc. Cũng gọi là: “Lời quê góp nhặt dông dài” (Nguyễn Du). Nếu đọc xong, quý vị độc giả không cảm thấy tiếc thì giờ đã mất, thì đó cũng là một vinh dự lớn cho ngưòi kể chuyện này rồi./.
TP Uông Bí, tháng 7 – 2011
Tạ Hữu Đỉnh
MỘT THỜI GIÔNG BÃO
(Hồi ký - giải khuyến khích)
Từ làng quê thanh bình, yên ả, cậu bé Tạ Hữu Đỉnh theo anh trai lên Hà Nội học. Cậu đã tận mắt chúng kiến nạn chết đói năm 1945, cảnh những người sắp chết đói các tỉnh kéo về Hà Nội, cảnh những người Hà Nội giúp đỡ những người bị đói. Rồi Nhật đảo chính Pháp, Đỉnh phải nghỉ học về quê.
Cách mạng tháng tám thành công, Đỉnh có kiến thức, chữ nghĩa nên đã tham gia tích cực vào các công tác địa phương giao. Pháp quay trở lại càn quét, đấnh phá, lập tề. Anh Thuỷ là công an mật về hoạt động ở Thuỷ Nguyên và ở nhà Đỉnh. Đỉnh được giác ngộ và theo anh công an hoạt động bí mật, tròn mười sáu tuổi, với phát súng đầu tay, cậu đã tiêu diệt tên Việt gian Lý Kiểm.
Sau thử thách này, Đỉnh được thoát ly ra Quảng Ninh, hoạt động cho cơ quan liên tỉnh Hồng Quảng dưới vỏ bọc là một công nhân mỏ. Trong thời gian hoạt động ở đây, Đỉnh đã tạo được nhiều cơ sở cách mạng, lấy được nhiều tin tức về kẻ địch và lập được nhiều chiến công. Năm 1949, anh bị nghi oan và bị đưa ra khỏi cơ quan. Mặc dầu vậy, anh vẫn tin tưởng sẽ có ngày mọi việc sẽ sảng tỏ. Ngày ấy đã đến. Năm 1953, Tạ Hữu Đỉnh được gọi lại công tác ở Ty Công an Quảng Yên, làm công việc “chức nghiệp hoá” dưới vỏ bọc là thợ ảnh. Miền Bắc được giải phóng hoàn toàn và bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đỉnh được chuyển sang công tác ở Ty Thông tin. Cuộc đời có nhiều oan khuất, từng bị hiểu lầm nhưng anh luôn luôn tin vào cách mạng, vào cuộc sống và trong tim luôn đầy nhịêt huyết cống hiến.
Một thời giông bão là cuốn hồi ký chân thực giầu tính chiến đấu và nhân văn. Qua câu chuyện của tác giả, người đọc có thể hình dung lại được bối cảnh lịch sử đất nước trong thời kỳ bão táp cách mạng. Một thời kỳ vô cùng sôi động đầy khó khăn, thử thách song không thiếu những chiến công vẻ vang của ngành Công an ở liên khu Hồng Quảng.
Với giọng văn uyển chuyển, giầu tình cảm, tác giả đã lồng vào chiều dài câu chuyện nhiều hình ảnh đẹp về cuộc sống, về phong tục, tập quán của người dân địa phương. Tác giả cũng đã ghi lại những hình ảnh đầy xúc động về những cảnh chết đói năm Ất Dậu, những tấm lòng nhân hậu của con người trong chiến tranh.
Một thời giông bão là những lời tâm huyết của Tạ Hữu Đỉnh. Ông muốn tái hiện lại cuộc sống chiến đầu gian khổ, khó khăn và những tấm lòng biết hy sinh vì kháng chiến, vì tự do dân tộc, vì những giá trị đích thực của cuộc đời.
NXB CÔNG AN NHÂN DÂN (Rút trong tập: Kỷ yếu cuộc vận đông viết tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì an
ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Trang 175 – 176)
CHƯƠNG I PHÁT SÚNG ĐẦU TAY
Tôi về quê với tâm trạng nửa vui nửa buồn. Vui vì được về nhà mình, gặp lại mẹ cha và các anh em ruột thịt thân yêu của mình đã thoát chết trong trận đói khủng khiếp vừa qua. Tôi sẽ kể cho cả nhà nghe những biến cố đã xẩy ra ở Hà Nội trong thời gian tôi ở đấy. Buồn vì cuộc đảo chính Nhật – Pháp đã buộc chúng tôi phải nghỉ học, phải xa bạn bè, và nhất là chưa biết đến bao giờ mới được trở lại Hà Nội học tiếp.
Làng quê tôi, sau trận đói càng trở nên tiêu điều, xơ xác. Vườn nhà nào cũng trống huơ trống hoác. Chuối tiêu đã đào ăn hết củ, cây vứt ngổn ngang dưới những gốc cau lão lang khẳng khiu cao vút, cây thẳng, cây xiêu, vì những mùa mưa bão trước. Những ngôi nhà đẹp, những đồ thờ cúng quý giá như lộc bình, đỉnh hương, đã lần lượt về tay làng khác. Hơn một trăm người chết, làm cho làng nhỏ càng thưa vắng thêm. Có gia đình chết hết không còn ai. Túp nhà bỏ hoang tàn, dột nát. Có gia đình bẩy tám người, giờ chỉ còn một con, một bố. Lại có gia đình chỉ còn một người sông sót, cô đơn, lay lắt…
Đình làng vắng ngắt. Trường học cũ của tôi đây. Lớp học của thầy Tình đã tan rã từ lâu, cửa đóng im ỉm. Sân đình, nơi ngày xưa chúng tôi vẫn chia quân đánh trận, giờ đây cỏ mọc xanh rì.
Gia đình thầy Tình cũng bị đói. Ngôi nhà gỗ lim năm gian, rộng mênh mông, xoi chạm lộng lẫy như ngôi đình ấy, vì “nàng tiên nâu”, thầy đã bán đi từ lâu rồi. Bây giờ chỉ còn ngôi nhà gạch hai tầng, nhưng cánh cửa lim đã tháo bán hết, che liếp, đứng trơ vơ giữa những ngôi nhà gianh lúp xúp của xóm giềng. Vì nhà gạch chẳng ai mua, chứ có thì thầy cũng phải bán rồi.
Bà giáo - Vợ thầy - người mảnh mai như nhánh liễu, bây giờ càng gầy hơn, xanh hơn. Trước đây bà vốn là một kỹ nữ có nhan sắc ở thành phố Hải Phòng. Và thầy Tình lúc ấy cũng là một “trang nam nhi hào hoa phong nhã”. Họ gặp nhau ở kỹ viện. Có lẽ cuộc gặp gỡ ấy cũng chẳng khác gì Thúc Sinh gặp gỡ nàng Kiều ở huyện Lâm Tri…Trước chỉ là “trăng gió”, sau lại hoá ra “đá vàng”.
Khi mới về làng, thỉnh thoảng đi thăm đồng, bà đã đội nón, che ô, thế mà vẵn sợ bị cảm nắng. Nhưng từ khi kinh tế gia đình sa sút, bà đã ra đồng tập cấy, tập cày, rồi dần dần lao động thưc sự như người nông dân. Thế mới biết ý nghĩa của câu tục ngữ: “Bụng đói đầu gối phải bò”. Nhưng bà vẫn không cứu vãn được tình thế. Nạn đói ập đến, gia đình bà đói đến mức thây giáo phải đến nhà các phụ huynh học sinh, xin ăn từng bữa.
Mẹ tôi kể lại: Có lần thầy đến nhà tôi, giũa lúc bà vừa luộc khoai xong, nhà chắng có gì, bà đành bê lên mời thầy một đĩa khoai luộc. Chẳng nề hà gì, thầy cầm luôn một củ, vừa chuyền củ khoai từ tay này sang tay kia cho đỡ bỏng, vừa thổi phù phù. Thầy khen:
Tốt, tốt! Bà tốt quá! Cảm ơn bà. Một miếng khi đói, bằng một gói khi no. Khoai ngon quá!
Trời đất ơi! Một người đã từng ăn đủ miếng, mặc đủ mùi, đã lên xe xuống ngựa, không những thế, nếu nói như cụ Tú Xương, thì thầy còn là người nay “Hàng Thao”, mai “Phố Giấy” nữa, chứ nào có kém cỏi ai đâu? Nhất là từ ngày cụ thân sinh thầy qua đời, cái cơ nghiệp đồ sộ được xây dựng phần lớn bằng tiền của bà Phi, “phu nhân” quan Chánh sứ tỉnh Lạng Sơn gủi về ấy, được chuyền sang tay thầy, thì về mặt tài sản thầy còn hơn cả cụ Tú Xương nữa kia. Người như thế mà bây giờ lại thấy củ khoai luộc là ngon, là quý, thì có khác gì chuyện ngày xưa vua ăn mầm đá đâu!
Gia đình tôi, ngoài ông chú, vốn dĩ nho sinh yếu đuối, không vượt qua được cơn hoạn nạn, còn không ai bị chết đói. Vụ chiêm lúa đã gặt. Nạn đói đã qua. Nhưng người nào cũng gầy trơ xương, da dẻ bủng beo, xụng xịu. Người gầy nhất là mẹ tôi, một phần vì vất vả, tuổi già, một phần vì bà phải nhường nhịn cho chồng cho con. Mẹ tôi gầy yếu đến mức tóc rụng gần hết như người ốm nặng, không vấn khăn được nữa, phải đội khăn suông, trông đầu bé hẳn đi như người đàn bà Hồi giáo. Người gầy thứ hai là anh Phiêu tôi. Anh là thợ ảnh, sống ở phố phường no đủ, bây giờ thất nghiệp về nhà, bộ máy tiêu hoá không thích nghi được với những thức ăn thô như củ chuối và cám bổi. Lúc mới về, nhìn thấy những gương mặt hốc hác ấy, nước mắt tôi ứa ra. tôi có cảm giác như mình đang đứng trước nơi vừa có trận bão lớn tràn qua, còn để lại những mái nhà trơ xương, xiêu vẹo, những thân cây gẫy cành, rụng lá bơ phờ, xơ xác.
Đêm ấy được ngồi bên mẹ, tôi đã kể tất cả những biến động ở Hà Nội cho mẹ nghe. Nhưng kể nhiều nhất vẫn là chuyện về những người chêt đói. Và cũng hỏi mẹ một điều thắc mắc, mà khi còn ở Hà Nội tôi chưa có dịp hỏi anh cả:
- Mẹ ơi! Làm sao người mình lại đói thế? Mẹ bảo:
- Người ta đồn đâu như quân Nhật bắt nhổ lúa đi để giồng đay cho chúng nó dùng. Nên thóc cao gạo kém. Đói từ những nơi ấy mà lan đi.
- Thế thì đúng rồi. Quân Nhật ác lắm. Không sai đâu mẹ ạ.
Ừ, không sai. Ở chợ Núi Đèo, mẹ đã trông thấy thằng ăn cắp, móc túi thằng lính Nhật, chưa lấy được gì, mà nó cũng rút kiếm đâm người ta chết. Sợ quá. Nó còn bêu xác ở cổng chợ mấy ngày cho thằng khác kinh. Nó ác quá!
Rồi tôi kể đến chuyện nhà:
Từ hôm cho chị Thi thôi việc, cứ mỗi buổi tan học về tôi và Tiên (thằng em con dì) lại vội vàng đứa đi chợ, đứa bổ củi nấu cơm. Và bữa cơm nào chúng tôi cũng bớt ăn, để thừa một ít, bê xuống dưới ngõ cho ăn mày. Có một bà cũng gần bằng tuổi mẹ, hay trẻ hơn, nhưng vì đói khổ, khiến tôi không đoán được tuổi bà. Được ăn quen, bữa nào bà cũng đến ngõ chờ. Tôi bê nồi cơm xuống để bà ăn, rồi quay vào rửa bát, lúc quay ra, thì cái nồi đất mà lúc bấy giờ người Hà Nội vẫn quen gọi là “bấu” ấy đã vỡ mất rồi. Nhìn ra phố, thấy bà ta đang hấp tấp vừa đi, vừa chạy. Tức quá, tôi đuổi theo đấm cho bà ta một quả…
Nghe đến đây, mẹ tôi lên tiếng:
- Cha tổ mẹ mày! Vỡ thì thôi chứ làm gì cái nồi đất mà đánh người ta. Mẹ chửi, khiến tôi cũng ân hận, nhưng đã lỡ rồi, biết làm sao được.
Mẹ tôi cũng kể những ngày đói ở nhà, khoai cũng chẳng có đủ mà ăn, phải đong cám về giần lại, loại bớt bổi trấu đi, rồi rang lên, giã lẫn với khoai luộc, thành một thứ bánh, vừa cám vừa khoai, gọi là “ bánh khoai lèn “. Đói đến vàng cả mắt. Chờ lúa chín hết cả hơi. Lúa mới đỏ đuôi đã phải tuốt những hạt ở đầu bông đem về. Trời lại oái oăm, nắng chỉ hoe lên một tý rồi lại đổ mưa. Không phơi được, phải rang thóc, hoặc đốt “vua bếp” nóng lên, ủ cho thóc khô rồi mới xay được.
Ở quê tôi lúc bấy giờ chưa quen dùng kiềng. Hay nói cho đúng là người ta tiết kiệm, không muốn bỏ tiền ra mua kiềng. Nhà nào cũng dùng “ vua bếp “ ( có nơi còn gọi là “ ông đầu rau “ ). Người ta lấy đất sét giã thật dẻo, rồi nặn thành những khối hình chữ nhật, mỗi cạnh dầy khoảng mười phân, cao ba mươi phân, chân to, đầu nhỏ, hơi khom như dáng cóc ngồi, phơi khô, để chụm ba viên vào gần nhau, tạo thành thế chân vạc, vững chắc chẳng khác gì chiếc kiềng sắt.
Cũng không ai biết vật dụng ấy có từ bao giờ, và do ai sáng tạo ra, ai đặt tên là “Táo quân – Vua bếp”? Và vì sao, hàng năm, cứ đến ngày hăm ba tháng chạp, thì ông Táo lại cưỡi cá chép đi chầu trời?
Vua bếp cũng còn có tác dụng phụ như: Đốt nóng, bọc vào vỉ buồm, chườm cho người đau bụng, hay ủ cho thóc chóng khô như lời mẹ tôi kể.
Ngày tôi còn bé, cứ vào khoảng đầu tháng chạp, khi thấy anh tôi đi lấy đất sét về, là bọn trẻ con chúng tôi lại vui mừng reo lên: “A… sắp đến tết rồi! Ông Táo sắp đội mũ đi hia lên chầu trời rồi!”. Vì cứ đến tết mọi nhà lại thay vua bếp cũ, dùng vua bếp mới.
Quả thực cuộc sống bình dị ở nông thôn lúc ấy, cả năm cũng không có gì vui bằng mấy hôm tết Nguyên Đán. Tết của tuổi thơ có nghĩa là được mặc áo mới, được tiền mừng tuổi, được ăn ngon, được đi xem người lớn đánh đu, đánh vật, chọi gà, và nhiều trò vui khác. Ngay từ hôm cúng tiễn ông Táo đi chầu trời, không khí và quang cảnh của nhiều gia đình đã khác. Người ta quét vôi, treo ba cái mũ, ba đôi hài, và ba khối vàng ở ngoài ngõ. Trong sân trồng cây nêu. Nêu được làm bằng cây tre gai già, uốn thẳng tắp, trên ngọn buộc những túm lông đuôi gà trống, túm nọ cách túm kia khoảng hai ba mươi phân. Quãng giữa những túm lông ấy là một con cò, được đục đẽo bằng củ tre, sơn trắng, hai cánh cò giang ra như đang bay. Trên lưng cò cắm hai lá cờ, một lá mầu vàng, lá kia ba mầu xanh, trắng, đỏ. Gió thổi cờ bay phấp phới. Nhìn những đổi thay ấy, bọn trẻ con chúng tôi không vui mừng, náo nức làm sao cho được. Nhưng từ hôm ấy đến tết lại là quãng thời gian trôi đi chậm chạp nhất trong năm, làm cho chúng tôi bồn chồn mong mỏi.
Tôi và thằng em út ngồi xem anh giã đất sét. Khi đất dẻo, anh nặn vua, hai thằng cũng cấu đất nặn bụt. Anh làm rất khéo, chỉ có con dao phay cùn cắt đất, quật đất, vỗ vỗ một lúc đã xong một viên. Trước khi nặn tiếp, anh ấn ngón tay vào bụng một viên, tạo thành điểm lõm như cái rốn. Anh bảo đây là “Táo bà”, còn hai viên không có rốn là “Táo ông”. Tôi thắc mắc hỏi anh:
- Sao anh không làm thành hai bà Táo, để hai bà lấy một ông như người mà lại lấy ngược thế anh? Anh cười bảo:
- Thì một bà lấy hai ông cũng được chứ sao. Các ông Táo không biết ghen. Có thấy họ đánh nhau bao giờ đâu?
***
Sau nạn đói, nỗi lo lắng lớn nhất còn lại của gia đình tôi là việc bố ốm. Ông bị bênh thấp khớp từ năm 1940. Ngày ấy ông nội tôi mất, bố tôi là con trưởng, phải phục dịch tế lễ mấy ngày đêm liền. Sau tang lễ, hai đầu gối ông sưng lên.
Ai cũng tưởng ông phải quỳ nhiều, dừng máu, nên chỉ xoa bóp qua loa. Nhưng sau cả hai khuỷu tay và các đốt ngón tay cũng sưng, bấy giờ mới biết ông bị bệnh. Anh hai tôi là người con lớn nhất ở nhà thời gian ấy, đã đi khắp nơi tìm thầy cắt thuốc. Việc chạy chữa dòng dã suốt năm sáu năm mà bệnh vẫn khi tăng khi giảm. Nhất là về sau bệnh ngày càng nặng thêm, khiến bố tôi đau nhức, kêu rên suốt ngày đêm. Thật là khổ sở!
Ngày ấy nước ta còn bị đô hộ, còn nghèo nàn và lạc hậu. Các cở sở y tế khám chữa bệnh, chỉ có ở nơi đô thị, còn ở nông thôn, mọi thứ bệnh từ cảm cúm, nhức đầu, đau bụng, đến những bệnh nan y như phong, lao, cổ, lại đều trông cậy vào các thầy lang đông y. Mà các vị này thì hầu hết đều chữa bệnh bằng những bài thuốc và kinh nghiệm gia truyền, chứ họ có được đào tạo chính quy như bây giờ đâu. Đến cả những bộ sách thuốc quý giá của các bậc danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, có lẽ cũng không phải ông lang nào cũng có thể học tập. Thậm chí cũng có thể nói một cách bạo miệng rằng: Trong các ông lang ấy, không ít người đã chẳng biết các vị tổ của nghể mình đang kiếm sống là ai nữa kia!
Tất nhiên, không phải bất cứ bệnh gì, và trường hợp, hoàn cảnh nào cũng có thể chữa được cả. Nhưng rõ ràng vì nghèo nàn, lạc hậu, mà không ít trường hợp “tiền mất tật mang” đã xẩy ra. Và thật đáng buồn là bố tôi cũng rơi vào hoàn cảnh ấy!
Những ngày bệnh tật cuối cùng của bố tôi đã đến. Ông nằm phải có người nâng lên mới ngồi dậy được. Và do nằm nhiều, người bị loét nhiều chỗ, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ông vừa bị nhức ở trong xương, vừa bị đau ở chỗ loét, thật là khổ. Dẫu rằng “sinh-lão-bệnh-tử” là những cửa ải hiểm nguy mà ai cũng phải trải qua, nhưng sao bố tôi phải khổ sở lâu dài đến thế?
Vào những ngày ấy, mẹ tôi phải nghỉ việc đồng, và cả việc dệt vải, ở nhà trông nom thuốc thang, và ngày đêm đấm bóp cho ông. Từ hôm tôi về, có thêm người, mẹ tôi cũng đỡ vất vả.
Thực ra việc mẹ tôi phải nghỉ dệt cũng còn một nguyên nhân nữa. Đó là vì chiến tranh, thị trường bông khan hiếm. Mẹ tôi phải mua sợi đay về dệt vải. Từ hôm nhà có vải đay, những bộ quần áo học sinh của tối đã cất đi để chờ thời. Tôi mặc quần áo vải đay, nhuộm nâu, do mẹ tôi cắt và khâu tay. Vải đay cứng như mo cau. Mặc quần áo vào, nhìn xuống chân thấy hai cái ống tròn xoe, thẳng đuỗn như hai ống chân voi, Giơ tay lên cũng lại hai ống, chỉ khác là nó bé hơn ống chân voi mà thôi. Cái thứ vải như thế, dù nghèo cũng không mấy người mua, cho nên mẹ tôi phải nghỉ dệt hoàn toàn.
Người anh thứ ba của tôi thất nghiệp về nhà, chẳng biết làm gì để giúp đỡ gia đình, anh quay ra đóng giá, lấy tấm ảnh cũ của ông nội, anh chụp mấy năm trước ra tập vẽ. Anh gim giấy lên giá, kẻ các ô vuông rồi vẽ, vừa vẽ, vừa tẩy xóa, rồi lại vẽ. Có lúc anh không dùng bút, mà lấy bông chấm vào bột chì, xoa lên mặt giấy. Cứ như thế anh làm miệt mài, có hôm quên cả ăn. Tấm ảnh mầu chụp nửa người, cỡ 4x6 mà chẳng bao lâu đã thành tấm ảnh to cỡ 50x60, có đủ cả chân tay. Và đặc biệt là giống ông như đúc. Cũng bộ râu dài lốm đốm bạc, khuôn mặt hơi tròn, trán thấp và nhiều nếp nhăn, môi dầy, cặp mắt sáng và cái nhìn nghiêm nghị. Ông đội khăn xếp, mặc quần trắng áo the đen bóng, nổi rõ những chữ thọ tròn, chân đi giầy láng. Ông ngồi trên chiếc ghế tựa, đục bong rỗng “trúc hóa long”, đẹp như những chiếc xa lông Tầu bày bán ở Hà Nội. Tay phải ông cầm quạt tựa trên đầu gối, tay trái gác lên góc chiếc bàn con, phủ khăn. Trên bàn để một bình hoa hồng tuyệt đẹp. Chỉ khác là hoa chỉ có một mầu chì than, chứ không có nhiều mầu như hoa thật. Đằng sau là một phần của tấm màn gió buông chùng, quãng giữa thắt dây thu cho màn hẹp lại, để lộ ra một khuôn cửa của căn phòng. Nhìn bức ảnh ai cũng trầm trồ khen anh khéo tay. Thế là từ bức vẽ đầu tiên ấy, anh đã có thêm một nghề mới. Từ đấy anh cắp giá vẽ đi khắp nơi kiếm việc làm, gia đình cũng bớt được một miệng ăn. Không những thế, thỉnh thoảng anh còn kiếm được tiền đem về thêm vào thuốc thang cho bố tôi. Và trong những ngày đi về ấy, anh thường có chuyện bàn bạc, nhỏ to với anh hai. Tôi nghe lỏm, biết anh đã gặp cán bộ cách mạng ở chiến khu Đông Triều, và hình như các anh đang gấp rút chuẩn bị cho một việc gì đó...
Vì không biết rõ nên tôi vừa lo, vừa phấp phỏng chờ đợi, muốn hỏi nhưng lại sợ anh mắng. Rồi một hôm tôi thấy anh hai lấy cây mác vẫn gác ở xà nhà xuống, lau chùi và mài sáng loáng lên. Đó là cây mác năm xưa khi bố tôi còn làm lý trưởng, cứ mỗi vụ thuế, đêm chú Thông và anh hai lại xách giỏ đá, vác mác đi tuần ở trong vườn, đề phòng kẻ cướp đến cướp tiền thuế. Từ ngày bố tôi thôi việc, cây mác được gác lên đấy không dùng nữa.
Tinh mơ sáng hôm sau, hai anh tôi đã dậy, vác mác ra đình. Và trống đình thùng thùng nổi lên dồn dập, liên tiếp. Nhà tôi cách đình ba mảnh ruộng, nghe tiếng trống liên hồi ấy càng gần hơn, thôi thúc và sôi sục hơn, tưởng như vỡ đê hay cháy nhà vậy. Rồi người ở các nhà, các xóm gọi nhau, rủ nhau vác gậy, vác giáo hối hả, tấp nập ra đình, nét mặt người nào cũng trang nghiêm. Họ nói, gọi, hò hét và hô vang các khẩu hiệu:
Đả đảo phát xít Nhật!
Đả đảo thực dân Pháp!
Cách mạng Tháng Tám muôn năm!
Việt Nam độc lập muôn năm!
Bây giờ thì tôi đã biết một phần nào rồi, nhưng đấy mới là nghe thấy, còn phải trông thấy nữa mới được chứ. Thấy bố nhắm mắt, tôi rón rén đứng dậy, vừa rời khỏi giường ra đến cửa đã thấy ông rên lên:
- Chỉnh ơi! Mày chạy đi đâu đấy? Ở ngoài đình làm gì mà trống phách ầm lên thế?
Tôi đứng sững lại, ấp úng rồi im lặng. Nào tôi có biết gì đâu mà trả lời. Vừa lúc ấy, mẹ tôi bưng cháo lên. Được tự do, tôi chạy ngay ra ngoài vườn, ghé mắt vào bờ tre nhìn ra đình. Trời ơi! Đông quá, tinh những trai tráng khỏe mạnh, người nào cũng vác gậy, vác giáo. Anh ba tôi đi đầu, cầm lá cờ đỏ sao vàng. Họ đi đâu? ...
Sau tôi mới biết đó là ngày 16 tháng 8 năm 1945, đoàn quân nông dân ấy kéo ra Trịnh Xá, phối hợp với quân các làng khác, cướp huyện đường huyện Thủy Nguyên.
Hôm ấy hai anh tôi đi mãi đến chiều tối mới về, ăn vội mấy bát cơm, rồi lại đi ngay. Trống đình lại nổi lên. Các trai làng tập trung. Dưới những ngọn đèn dầu, họ họp bàn sôi nổi, cười nói oang oang, rồi tập đi, tập đứng nghiêm, hô khẩu hiệu, và tập chào. Ở nhà, tôi nghe rõ tiếng anh ba tôi nói:
- Chào kiểu cách mạng là nắm bàn tay, giơ lên thái dương, chỗ ngang mày, chứ không phải duỗi bàn tay như kiểu lính Pháp đâu các đồng ý ạ!
Những người nông dân quanh năm cày sâu cuốc bẫm ấy, mới ngày hôm qua, hôm kia đây thôi, đầu óc còn chật hẹp, bon chen. Có khi chỉ vì một cái nong tát nước, hay vì một cái thón đơm lờ mà họ cái mắng, thậm chí đánh chửi nhau. Nhưng từ hôm nay, tính tình của họ đã hoàn toàn khác trước. Họ đã có một cái gì đó lớn lao hơn, ý nghĩa hơn, để làm mục đích sống cho đời mình. Và chính cái lớn lao đó đã gắn kết họ với nhau, làm cho họ biết thương yêu hơn thù hận. Họ gọi nhau là “đồng chí”, chứ không gọi là ông, là bà, là anh, là chị như trước nữa. Tập quân sự mệt rồi, họ lại tập hát những bài ca cách mạng, do anh ba tôi hướng dẫn, như bài “Diệt phát xít”, “Tiếng gọi thanh niên”...
Những con người nghèo khổ ấy, mới thoát chết trong trận đói vừa qua, nay lại thấy tràn trề sức sống. Đêm đã khuya, nhưng họ vẫn hát. Hay nói cho đúng là họ vẫn gào lên, thét lên cho thỏa chí.
Anh ba tôi được cấp trên giao cho làm chủ tịch mặt trận Việt Minh xã và chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời của xã. Tinh mơ sáng hôm sau, đoàn quân nông dân ấy lại kéo lên huyện, phối hợp với các lực lượng của xã khác, làm hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng mà họ vừa giành được ngày hôm qua. Quân Nhật đã đầu hàng Đồng minh, nhưng chúng còn đóng ở Núi Đèo, khả năng một cuộc tấn công bất ngờ vẫn còn tiềm ẩn, cho nên cách mạng phải để cao cảnh giác.
Sau chuyến đi thứ hai về, ngày nào anh ba tôi và các cán bộ Ủy ban cũng ra đình làm việc. Tối họ lại cùng các thanh niên tập quân sự.
Sáng sớm ngày 20 tháng 8, dân làng tôi lại tấp nập ra đình, trống dong cờ mở, đi dự mít tinh, mừng cách mạng Tháng tám thành công, và mừng Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt nhân dân, ở sân vận động Rực Liễn. Khác với hai lần trước, lần này cả người già và trẻ con cũng được đi. Tôi đã mười bốn mười lăm tuổi rồi, tôi cũng phải được đi. Chẳng kịp xin phép mẹ, tôi chạy theo đoàn người lên đường. Trời đất ơi! Đường chật như nêm, rợp trời cờ đỏ sao vàng và băng biểu ngữ. Nếu so với người Hà Nội đi dự mít tinh kỉ niệm hai Bà Trưng ở Việt Nam học xá năm ngoái, thì người ở đây không đông bằng, nhưng chắc chắn đó là cuộc tập trung đông người nhất của huyện Thủy Nguyên từ trước đến nay. Các vị trong Ủy ban cách mạng lâm thời, ai cũng ăn mặc chỉnh tề, đeo băng đỏ vắt chéo qua vai, trông vừa đẹp, vừa oai nghiêm. Họ đọc diễn văn, nêu lên rất nhiều việc quan trọng của nước ta lúc bấy giờ, và kết thúc bằng hàng loạt khẩu hiệu. Dân chúng hưởng ứng, vung tay lên hô như sấm vang, sóng dậy.
Kết thúc mít tinh, đoàn biểu tỉnh lên đường đi tuần hành biểu dương lực lượng. Họ vừa đi, vừa hò hát, khí thế hùng dũng, tưởng như họ cứ thế mà đi cho đến cùng trời cuối đất. Tôi cũng như chiếc lá nhỏ bé, bị gió cuốn vào dòng người, đi được một quãng thấy chân mỏi, bụng đói, lại lo việc bố ốm ở nhà, tôi đành bỏ cuộc, lững thững quay về.
Sau những ngày đầu khởi nghĩa rầm rộ và sôi nổi ấy, dưới sự điều hành của chính quyền mới, dân làng tôi lại bắt tay vào sản xuất, với các khẩu hiệu:
“Chống giặc đói”, “Chống giặc dốt”. Và luyện tập quân sự, chuẩn bị đối phó với thực dân Pháp đang nhằm quay lai nước ta.
Ủy ban đã cử người lên huyện học lớp đào tạo giáo viên “Bình dân học vụ”. Phân công một ủy viên của Ủy ban phụ trách dân quân. Nhưng ông này chỉ có dáng dấp cao to, hăng hái, chứ không có chuyên môn, nên việc tập luyện của dân quân, quanh quẩn cũng chỉ có mấy khẩu súng gỗ, tập vác súng đi đều, đứng nghiêm, đứng nghỉ, chứ chẳng có gì hơn nữa. Anh ba tôi bảo hãy tạm thế. Chờ huyện mở lớp sẽ cử người đi học.
Lần đầu tiên tôi được tham gia công việc của xã là tháng giêng năm 1946, ngày bầu cử Quốc hội, khóa đầu tiên của nước ta, tôi và một số người biết chữ được gọi ra đình viết phiếu bầu cho những cử tri không biết chữ. Trong đó có cả thằng Chung, bạn học cũ ở làng của tôi. Nó mỉm cười ra dấu làm lành với tôi trước, nhưng sau nụ cười, nó lại liếc nhìn sang tấm ảnh Bác Hồ, như muốn khẳng định một lần nữa: “Rõ ràng tao đúng, mày sai rồi!”. Chả là có lần nó đã bảo tôi:
Bác Hồ là người thần, được trời cho xuống giúp nhân dân ta giành độc lập, chứ Bác không phải là người trần.
Tôi mắng nó là mê tín, nói năng nhảm nhí, và khẳng định:
Bác cũng là người trần như mọi người, chỉ khác là Bác có chí lớn đi làm cách mạng lãnh đạo nhân dân vùng lên giành độc lập.
Nó bẻ lại tôi:
Nếu Bác cũng là người trần, sao mắt Bác lại có hai con ngươi?
Tôi ngớ ra, tuy không tin, nhưng tôi không biết bấu víu vào đâu để bẻ lại chứng cứ hiển nhiên của nó. Thế là tôi xửng cồ lên, hai đứa cãi nhau,và từ đấy tránh mặt nhau. Mãi sau này tôi mới hiểu những chấm trắng ở mắt Bác Hồ, chỉ là điểm phản quang của nhãn cầu, chứ chẳng phải là con ngươi mắt. Và thật không ngờ chuyện con ngươi mắt ấy sau này đã gây ra cho tôi không biết bao nhiêu rắc rối. Đó là khi tôi trở thành thợ chụp ảnh, rất nhiều khách hàng đã bắt đền bắt vạ tôi là mắt họ có một con ngươi, sao chụp ảnh lại thành hai? Giải thích thế nào cũng không nghe, họ cho là “Vụng chèo khéo chống”. Thế là tôi đành phải làm cái việc hết sức vô ích là chấm phim, xóa đi tất cả những cái bóng phản quang ấy!
Việc viết phiếu quá đơn giản, tên các ứng cử viên đã in sẵn. Chúng tôi chỉ việc đọc lên, và hỏi xem cử tri bằng lòng bầu ai thì viết tên người ấy vào phiếu, rồi đưa cho cử tri đem bỏ vào hòm phiếu thế là xong. Tuy vậy tôi vẫn cảm thấy tự hào, vì mình là người biết chữ, mình cũng có ích cho người khác. Hơn nữa mình chỉ là đứa trẻ con mà cũng được tham dự vào một việc quan trọng như vậy.
Hôm ấy tôi còn nhận thấy một điều rất lạ là: Làng mình hẻo lánh, không có đường giao thông, không có chợ, không có bất cứ thứ gì gọi là phương tiện thông tin. Thế mà cử tri không biết chữ, dù già hay trẻ, nam hay nữ, có người cả đời chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng, nhưng khi đến bàn tôi họ đều nói:
- Tôi bỏ phiếu cho Cụ Hồ
- Tôi bầu Cụ Hồ
Có bà cụ đã chín mươi tuổi, mắt lòa, chân chậm, tai điếc, đi phải có con cháu dắt. Thế mà cụ cũng biết Bác Hồ là người xứng đáng trên hết, trước hết. Cụ cũng nói, nói to như quát vào tai tôi:
- Tôi bỏ phiếu cho Cụ Hồ!
Tôi viết phiếu đưa cho cụ, cầm đến hòm, tay cụ run, lùa mãi phiếu không vào trúng khe hòm. Nhưng cụ không nhờ ai giúp. Đó là lá phiếu đầu tiên, và cũng là lá duy nhất trong đời cụ. Vì sau đó không lâu cụ đã về cõi Phật.
Sau một ngày làm việc bận rộn và vui vẻ ở đình làng, tôi lại về nhà mình với không khí tĩnh lặng đến nặng nề, vì những tiếng kêu rên của bố tôi. Thấy mẹ đang ngồi sắc thuốc ở bếp, tôi hỏi:
- Hôm nay bố có đỡ không mẹ?
Không nhìn tôi, mẹ chỉ khẽ lắc đầu. Cứ mỗi lần thay đổi thầy lang, và bốc thuốc mới, gia đình tôi lại chứa chan hy vọng. Mong ông này giỏi hơn ông trước, thuốc ông hay hơn, bệnh rồi sẽ khỏi. Nhưng đã bao nhiêu lần thay đổi thầy lang rồi, mà niềm hy vọng ấy cứ dần dần xa mãi ra, và giờ đây nó đã phũ phàng rời khỏi gia đình chúng tôi rồi! Tuy không ai dám nói ra, nhưng ai cũng hiểu: Những thang thuốc mẹ tôi đang sắc kia, chẳng qua chỉ là: “Còn nước còn tát”, chứ điều xấu nhất sắp xảy ra rồi.
Bố tôi mất trước cơn bão tháng tám năm ấy một ngày. Tang lễ được chính quyền và các đoàn thể xã phối hợp với gia đình, tổ chức rất chu đáo. Người đi đưa rất đông. Có đọc điếu văn, một việc hoàn toàn mới lạ, lần đầu tiên được áp dụng ở làng tôi. Dân quân xã lúc bấy giờ chưa có súng, nhưng cũng mượn được hai khẩu súng trường, bán mấy phát tiễn biệt người quá cố. Khi ông nội mất tôi còn bé dại, thấy cả nhà khóc, tôi chỉ cảm thấy buồn buồn. Bây giờ bố mất tôi mới hiểu sự đau đớn vì kẻ khuất người còn thật là ghê gớm. Chúng tôi chỉ còn một chút an ủi là dù sao bố cũng thoát được sự đau đớn giày vò của bệnh tật.
Từ ngày ấy đến bây giờ, tôi đã nghe thấy quá nhiều câu nói cũ, mòn, được rút ra từ kinh Phật: “Sống là gửi, thác là về”. “Đời người là kiếp phù sinh”, ngắn ngủi như gió thoảng, như mây bay, cho nên có đấy mà cũng là không... Nếu chết không phải là mất, là hết, mà chỉ là “về”, thì sao người ta lại sợ sự trở về đến thế?...
Một hôm tự nhiên thấy anh Giáp đến nhà tôi chơi. Chưa biết anh có việc gì, nhưng biết anh là cán bộ “Bình dân học vụ” của xã mới đi học về, chắc anh có nhiều bài hát, tôi hỏi xin luôn. Lúc bấy giờ quê tôi, và có lẽ ở đâu cũng thế, phong trào ca hát nổi lên rất rầm rộ. Thấy ai đi xa về, hay cán bộ, nhất là bộ đội đến làng công tác là bọn trẻ chúng tôi liền bâu lấy nài nỉ xin bài hát. Cũng như bây giờ người ta chặn đường xin chữ ký các ngôi sao màn bạc, hay danh thủ bóng đá vậy. Anh Giáp sốt sắng chép ngay vào sổ cho tôi mấy bài hát, mà anh bảo là “bài tủ” của anh, rồi dậy tôi hát. Anh nói thì hơi lắp, nhưng hát thì không, mà còn hát hay nữa kia. Anh đứng lên, miệng hát: “Mờ ... trong bóng chiều... một đoàn quân thấp thoáng...”. Hai tay anh đánh nhịp, hai chân cũng nhún nhẩy y như ông nhạc trưởng chỉ huy giàn nhạc vậy.
Khi thấy tôi hát đã tạm được anh mới đưa ra mục đích chuyến đến thăm của mình:
- Xã... xã ta có chủ trương mở một lớp học ở đình, để... để... xóa nạn mù chữ cho bà con trong xóm. Cậu là người có học, tớ thấy trong lúc này cậu cũng nên... nên ra giúp đỡ bà con.
Tôi đang bị tù túng, bấy lâu chỉ chăn trâu, hay quanh quẩn bên giường bệnh của bố, khi ông còn sống. Nghe anh nói tôi mừng quá, chỉ muốn nhẩy lên vì sung sướng. Anh nói tiếp:
- Nếu cậu đồng ý, tớ... tớ... sẽ nói chuyện với bà nhà.
Không cần đâu. Mẹ em đi vắng, nhưng chắc chắn mẹ em sẽ đồng ý. Để em nói cho.
Thế là tôi thành giáo viên, ở chính mái trường xưa tôi đã học, và những bộ bàn ghế xưa tôi đã ngồi. Chỉ khác là “học sinh” toàn những người lớn tuổi hơn “thầy giáo”. Có người già gần bằng tuổi mẹ tôi, cũng cắp sách, cầm đèn đi học. Đúng như anh Giáp nói, họ chẳng phải ai xa lạ, đều là bà con quanh xóm. Trong đó có cả những người là cô, là chú, là anh em họ tôi. Đời họ quanh năm vất vả, lam lũ, vì miếng cơm manh áo, chẳng được học hành. Tôi có hoàn cảnh may mắn hơn, nên có bổn phận phải giúp đỡ họ.
Theo sách giáo khoa, tôi viết lên bảng hai chữ “i t”. Chữ tê lúc bấy giờ đọc là tờ, và ghép hai chữ cái ấy lại, hướng dẫn học viên đánh vần: “tờ.. i.. ti..”. Rồi đọc hai câu văn vần in trong sách, phân tích về hai chữ cái ấy cho học viên dễ nhớ:
“I tờ giống móc cả hai, I ngắn có chấm, tờ dài có ngang”. Tôi đọc mẫu cho cả lớp đọc theo. Đọc đi đọc lại nhiều lần. Xong để học viên tự học. Tôi thu vở viết tập, viết chữ mẫu bằng bút chì, để họ tô bằng bút mực cho quen tay. Tôi đang viết thấy cô em họ gọi:
- Anh Chỉnh ơi! Chữ này nà chữ gì nhỉ? Anh vừa bẩu mà em quên mất rồi. Êu ơi! Đầu óc em nó nàm thao ấy!
Buồn cười quá, nhưng tôi bậm môi không dám cười. Vì: “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Đó là thứ ngôn ngữ riêng của làng tôi. Người ta không phân biệt được sự khác nhau giữa chữ L và chữ N, cho nên bất cứ trường hợp nào cũng chỉ dùng một chữ N mà thôi. Cũng như chữ T và chữ Tr, cho nên con trâu người ta gọi là “con tâu”. Ngôi sao, gọi là “ông thao”. Một điều rất lạ là ngay cả những người có học hành hẳn hoi, khi viết họ viết rất đúng, nhưng khi nói thì họ lại nói sai y như mọi người. Có lẽ: “Đất lề quê thói” là như vậy chăng?
Những ngày đầu lớp học rất đông vui, mười hai bộ bàn ghế của lớp học thầy Tình được sửa lại, học viên phải ngồi chen chúc mới hết. Nhưng càng về sau không khí càng lắng xuống. Họ phải vật lộn với chữ nghĩa trầy trật, vất vả, mà không nắm bắt được kết quả chắc chắn, như cấy rảnh mạ xuống ruộng sẽ thành cây lúa. Hay bắt được con cá bỏ vào giỏ thì cá không nhảy đi đâu được nữa. Chữ vừa học, vừa nhớ đấy, chốc đã quên, và càng học càng thấy khó. Thế là lác đác có người bỏ học. Cũng có người vì hoàn cảnh ốm đau, nhưng đa số thấy khó khăn nản chí. Tôi báo cáo với anh Giáp. Anh đến từng nhà động viên thúc giục. Có người trở lại lớp, nhưng cũng có người, anh đến lần sau, họ lánh mặt. Tuy vậy, lớp học vẫn được duy trì. Vì số người quyết tâm đông hơn số nản chí.
***
Từ ngày nghỉ học về quê, công việc chính của tôi là chăn trâu. Những ngày trâu không phải cày bừa, tôi dắt trâu đi từ sáng đến trưa mới về.
Trưa hôm ấy về, thấy nhà trên đang có khách, tôi hỏi thằng em út:
- Ai đến nhà ta đấy?
- Em đếch biết tên ông ấy đâu. Ông ấy vẫn chỉ huy dân quân tập ở đình đấy.
À.. tôi biết rồi, ông Phi, con tên là Ái. Làng gọi là Phi Ái, nhưng những người vui tính lại gọi ông là “ông Ái Phi!”. Ông là ủy viên Ủy ban hành chính, phụ trách dân quân, không những cao to, mà còn chững chạc vì đã ở vào tuổi
“tứ tuần”. Tôi đang thắc mắc không biết ông ấy đến có việc gì, thì mẹ tôi gọi lên nhà trên. Bước lên thềm, tôi cúi đầu chào ông, lễ phép như chào thầy giáo của mình vậy. Ông cười xòa:
- Mời thầy giáo vào đây, gớm làm gì mà cẩn thận thế? Tôi với bác con là anh em nữa đấy.
Eo ơi! Một đứa bé mười lăm tuổi mà lại gọi là “bác”! Tôi đỏ mặt, lúng túng chẳng hiểu ra sao. Mẹ tôi bảo”
- Bác Phi đây là giai tế họ ta, vợ bác là con gái ông Chưởng, ngành dưới, phải gọi chúng bay là anh. Bác ấy ở Ủy ban Mặt trận đến nói với gia đình, muốn giao cho con làm đội trưởng thiếu nhi, con xem có làm được không thì giả nhời bác?
Tôi mừng quýnh lên, còn mừng hơn cả lần anh Giáp đến bảo đi dậy học. Ngày còn ở Hà Nội, đêm khuya nằm nghe những tiếng hô nén giọng gần như thầm thì: “Một hai, một hai” của “Hướng đạo sinh” tập ở vườn hoa Cửa Nam, tôi đã mơ ước mình trở thành người Hướng đạo, được mặc quần soóc, áo cộc tay, đi làm việc nghĩa như các bạn cùng trang lứa. Anh cả đã đi xin, và tôi đã được nhận vào đoàn rồi, nhưng chưa kịp đi sinh hoạt buổi nào thì cuộc đảo chính Nhật – Pháp đã làm tôi vỡ mộng!
Tôi không biết tổ chức thiếu nhi của ta bây giờ hoạt động thế nào. Nhưng chắc cũng không ngoài những nội dung như Hướng đạo, nên tôi nhận lời ngay. Con người ta nếu không có cơm ăn, nước uống thì chắc ai cũng chết, nhưng riêng lứa tuổi mười bốn, mười lăm chúng tôi, nếu không có bạn, có lé cũng chết được thật chứ chẳng phải là chuyện đùa. Ngay sau khi ông Phi về, tôi đã chạy đến nhà mấy thằng bạn học cũ, báo cho chúng nó biết cái tin vui quan trọng này, và bàn định kế hoạch thành lập đội thiếu nhi xã. Tuy biết làng mình nghèo, không thể có được, nhưng tôi vẫn ước ao: Giá thiếu nhi cũng được ăn mặc như Hướng đạo sinh thì đẹp đẽ biết bao!
Sáng hôm sau phải đi chăn trâu, tôi định chỉ cho trâu đi rong chân một lúc rồi dẳt về, lấy rơm cho nó ăn, để tiếp tục đi rủ những đứa khác. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi lại nhớ chuyện chú Cuội mẹ đã kể: “Ngày xưa, chú Cuội nhà nghèo, phải đi ở chăn trâu cho nhà giầu. Cuội mải chơi, sợ trâu ăn lúa, đem buộc trâu vào gốc cây đa rồi đi chơi. Đến trưa, Cuội lấy mo cau buộc vào hai chỗ hóp ở bụng trâu, trát bùn lên thành cái bụng no tròn rồi đánh trâu về. Chủ trông thấy khen: “Trâu no đấy”. Không ngờ con trâu ấy biết nói. Nó kêu lên:
“No gì mà no
Trong bó mo
Ngoài trát đất
Cật chịu đòn”
Chủ xem lại, quả nhiên đúng như vậy, giận quá bèn đánh cho Cuội một trận rồi đuổi đi. Từ đấy Cuội phải lên cung trăng, ngồi mãi mãi ở gốc cây đa, chẳng bao giờ còn nói dối ai được nữa”.
Tất nhiên đó chỉ là giai thoại, là chuyện cổ tích. Nhưng dù sao tôi cũng không muốn mẹ phải băn khoăn về con trâu. “Con trâu là đầu cơ nghiệp” mà không được chăm sóc chu đáo thì mẹ không vui lòng. Tôi dắt trâu vào những bờ ruộng nhỏ, hẻo lánh, cỏ tốt để trâu ăn chóng no, rồi mới dắt về đi rủ bạn.
Chỉ sau mấy ngày chuẩn bị, đội thiếu nhi xã được thành lập, với hai mươi tám đội viên, cả tuổi thiếu niên và nhi đồng. Tôi được bầu làm đội trưởng. Hôm ấy ông Phi cũng đến dự. Ông tuyên bố công nhận đội thiếu nhi là đoàn thể thành viên của Mặt trận Việt minh xã. Ông nêu lên một số phương hướng để chúng tôi hoạt động, và tặng đội năm khẩu súng gỗ, đẹp ý như súng thật, để thiếu nhi tập quân sự.
Có lẽ phong trào “quân sự hóa toàn dân” lúc bấy giờ còn cao hơn cả thời chống Mỹ sau này. Già trẻ, gái trai, ai ai cũng nô nức đi tập quân sự. Người ta nô nức vì tinh thần yêu nước, chống xâm lược. Nhưng cũng còn vì việc ấy quá mới mẻ, chưa từng thấy bao giờ, nên cũng dễ hấp dẫn. Chỉ tiếc là cán bộ chuyên môn, và vũ khí đều thiếu một cách trầm trọng. Để khắc phục một phần tình trạng đó, Ủy ban xã tôi tổ chức một lớp học cả quân sự và chính trị tại xã. Gọi là lớp “Quân chính”. Anh ba tôi và ông Phi xuống Núi Đèo, nhờ đơn vị bộ đội đóng quân ở đấy giúp đỡ. Đơn vị cho một Đại đội trưởng về làm giáo viên, và cho lớp mượn một khẩu tiểu liên, hai khẩu súng trường, một thanh kiếm Nhật, làm đồ dùng học tập. Thầy giáo tên là Thăng, vốn là một viên đội lính khố đỏ của Pháp, được giác ngộ, theo cách mạng từ trước ngày Nhật đảo chính. Thầy là người có học, hiểu biết nhiều, tuy đã cứng tuổi, nhưng còn rất trẻ trung, hăng hái, biết chơi đàn ghita, và hát rất hay. Đặc biệt là thầy biết nhẩy “Baskét”. Khi thầy nhẩy, người thầy bỗng rung lên, quay tròn như cơn gió lốc. Đôi giầy lính đóng đinh sắt, nhanh thoăn thoắt, vừa đập gót, lại đập mũi cồm cộp xuống mặt sàn xi măng, vừa dồn dập, vừa tới tấp. Nghe như tiếng vó ngựa đang tung hoành phi trên con đường thiên lý. Nhưng rồi, người thầy bỗng quay chậm lại, đôi chân cũng từ từ chuyển động, gõ những tiếng lách cách nhẹ nhàng xuống mặt sàn. Tưởng như con “tuấn mã” ấy đã chồn chân mỏi gối, đang lóc cóc dò dẫm bước đi bên sườn đồi. Hay đó là tiếng “tí tách” của những giọt mưa ngâu, đang roi trong rừng thu buồn bã...
Có lẽ chính vì thế, nên ngày bế giảng thầy đi, các chị phụ nữ làng tôi mới khóc nhiều như vậy chăng?
Tôi và một số đội viên lứa tuổi thiếu niên cũng được xã cho vào lớp học, như các anh chị thanh niên và dân quân trong xã. Lớp “bình dân học vụ” phải chuyển vào trong xóm, nhường đình cho lớp quân chính. Anh Giáp cử giáo viên khác dậy thay tôi. Lớp quân chính ăn ở tập chung, mọi sinh hoạt đều rập khuôn như một trại lính. Đêm cũng cắt người gác, và đốc gác đi tuần tra quanh doanh trại.
Những bài học đầu tiên chúng tôi được học là “Lễ tiết quân sự”. Cũng như lớp học của thầy Tình trước, chúng tôi phải xếp hàng đọc: “Tiên học lễ, hậu học văn”, rồi mới vào lớp. Phần lớn thời gian, chúng tôi đều phải học ở ngoài trời. Học viên đứng xếp hàng thẳng tắp, hàng ngang cũng như hàng dọc, cự ly như nhau, để học mười lời thể danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và nghe thầy giáo giảng:
- Khi người lính đang đứng ở tư thế nghỉ, nếu thấy cấp chỉ huy gọi đến tên mình, thì lập tức phải dập hai gót chân vào nhau, chuyển thành tư thế đứng nghiêm. Và khi đã ở tư thế đứng nghiêm thì dù có bị ong châm, kiến đốt cũng không được cử động...
Sau bài lễ tiết, chúng tôi được học sử dụng và bảo quản các loại vũ khí thông thường như súng trường, tiểu liên. Tập xạ kích, lăn lê, bò toài. Tập ném lựu đạn, đâm lê, đánh giáp lá cà. Về chiến thuật, chúng tôi được học hai loại hình tác chiến là đánh phục kích và công đồn. Học viên được chia thành hai lực lượng, bên thế thủ, bên thế công. Cũng như bên hành quân, bên phục kích. Có những đêm công đồn thắng lợi, tiếng quân reo vang dậy cả xóm làng. Quân ta reo, và cả “quân nó” cũng reo, thật là vui nhộn!
Rồi sau mấy buổi học đánh kiếm, và tập mấy thế võ tự vệ, lớp học kết thúc. Hôm bế giảng đúng là vui buồn lẫn lộn. Xã cho giết một con lợn hơn ba chục cân. Sau những lời phát biểu cảm ơn đơn vị bộ đội, trao quà kỷ niệm và cảm ơn thầy Thăng của Ủy ban xã, đến phần văn nghệ. Ai cũng phải hát một bài. Thầy Thăng hát sau cùng. Hát xong thầy liền hô: “Mời các đồng chí”. Chúng tôi đồng thanh đáp “Xơi cơm”.
Đến lúc tiễn thầy giáo lên đường mới thật là buồn. Cả lớp ai cũng khóc. Những người chân quê chúng tôi nghèo rất nhiều thứ, nhưng tình cảm thì không nghèo. Nhất là các chị phụ nữ, vốn mau nước mắt. Hôm ấy các chị khóc như mưa như gió...
Có lẽ lớp quân chính đầu tiên ấy, đã có ảnh hưởng đến phong trào quân sự hóa ở trong vùng, nên xã Kênh Giang cũng mở một lớp như vậy, để huấn luyện riêng cho thiếu nhi. Chú Tiên, người em con dì cùng học ở Hà Nội về với tôi, bây giờ phụ trách thiếu nhi xã, sang mời tôi làm giáo viên quân sự cho lớp. Tiên bảo:
- Anh không phải góp tiền gạo gì cả. Trong thời gian huấn luyện, chúng tôi nuôi anh như một giáo viên thực thụ vậy.
Ôi, nếu cả đời người còn bị coi là ngắn, thì mười ngày được làm giáo viên “chuyên nghiệp”, đối với tôi cũng là dài rồi. Tôi nhận lời ngay.
Lớp học được tổ chức ở chùa làng Trại Kênh. Chùa ở trên quả đồi cao thoai thoải, có vườn chè rộng và nhiều cây cổ thụ, thoáng mát đẹp đẽ, rất thuận tiện cho việc luyện tập quân sự. Nam mô Đức Phật từ bi! Sư cụ trụ trì là một vị cao tăng đức độ, và giầu lòng hỉ xả. Nhà chùa đã nhường cho lớp cả ngôi nhà khách năm gian, và không quản ngại gì sự huyên náo, nghịch ngợm của gần năm mươi đứa trẻ, sẽ phạm vào cảnh tĩnh lặng tôn nghiêm nơi cửa Phật.
Những kiến thức sơ đẳng về quân sự, do thầy Thăng dậy bảo, tôi đem truyền lại cho các bạn cùng trang lứa, bằng tất cả tấm lòng nhiệt tình của tuổi trẻ. Chắc tôi không làm được như thầy Thăng. Nhưng lớp chúng tôi cũng ăn ở tập trung, cũng canh gác, cũng tuần tra, báo động giả như doanh trại bộ đội. Cũng phục kích, công đồn, đánh giáp lá cà, bắt tù binh giải về hậu cứ y như thật. Khẩu súng trường “Muscoton” duy nhất của dân quân xã, do một chú lính khố đỏ rã ngũ đem về, cũng được giao cho lớp làm đồ dùng học tập. Chỉ tiếc là không có súng tiểu liên.
Chương trình lớp học được rút gọn trong mười ngày thì kết thúc. Lúc chia tay nhau, một số bạn gái đã rơi nước mắt, và tất cả chúng tôi ai cũng bịn rịn không muốn rời xa nhau. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, hình như cũng có một vài cặp “mắt xanh” đã thầm lén nhìn tôi. Nếu có thể ví những cặp mắt ấy như cánh én mùa xuân, thì chim ơi! Chim đã nhầm rồi! Trái tim niên thiếu trong tôi nào đã biết rung động gì đâu, ngoài những cảm nhận mơ hồ về những cái nhìn mới lạ ấy.
Đó là những ngày hoạt động sôi nổi và vui vẻ nhất trong quãng đời niên thiếu của tôi, trong bối cảnh hòa bình ngắn ngủi của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vừa mới khai sinh. Sau đó không đầy một tháng, giặc Pháp đã đánh chiếm Hải Phòng rồi Hà Nội. Tiếng súng chống Pháp đã bùng nổ.
Khi chúng đánh chiếm thủ đô, anh cả tôi cùng người vợ mới cưới chạy về quê. Thủy Nguyên và các huyện ngoại thành Hải Phòng lúc đó còn là vùng tự do.
Sau thời gian chị Lan Hà, người vợ trước bỏ sang Pháp, anh cả tôi đã cầu hôn với chị Liễu, một bạn diễn của anh. Nhưng hai người đã không vượt qua được cái búi tóc “củ hành” của cụ tú nho, thân sinh chị Liễu. Người mà đến lúc ấy, sống giữa thủ đô “Âu hóa”, với bao nhiêu thứ quân và giống người: Tây, Tầu, Nhật, và bao nhiêu thay đổi thăng trầm, nhưng vẫn giữ nguyên cây bút lông, và chiếc áo chùng thâm, y như năm nào vị nho sinh ấy lều chõng về Thành Nam ứng thi. Trong con mắt của người bảo thủ như vậy, thì trước sau anh tôi vẫn nguyên là một kẻ “xướng ca vô loài”. Không môn đăng hộ đối, thì làm rể cụ Tú làm sao được. Thế là chị Liễu phải lên xe hoa về làm dâu một gia đình ông Tú Tây học, sau đó anh cả tôi cưới chị Gấm làm vợ.
Anh chị thoát được vòng khói lửa chạy về. Khiến cả nhà vui mừng, nhất là lại vào dịp tết Nguyên Đán sắp tới. Cái tết cuối cùng của gia đình tôi còn được đoàn tụ. Người mừng nhất có lẽ là mẹ tôi. Vì đã ngoài năm mươi tuổi rồi, mà bây giờ bà mới có nàng dâu trưởng. Người mừng thứ hai là tôi. Vì chị Gấm chẳng phải là ai xa lạ, mà chính là con gái yêu của ông chủ xưởng gỗ ở phố Hàng Bột. Người đã vuốt mắt, phủ bao tải cho mười hai cái xác ăn mày nằm ngổn ngang ở trước cửa nhà mình năm ngoái. Tuy chị không phải là diễn viên, không biết ngâm thơ, đóng kịch như chị Liễu và chị Lan Hà, nhưng chị cũng là người đẹp gái, trẻ trung, con nhà nền nếp, lại có học hành. Ông chủ xưởng gỗ đã hứa gả chị cho anh thư ký của ông. Nhưng chị không bằng lòng. Chị yêu anh “nghệ sỹ”.
Sau tết Nguyên Đán. Đêm nào quân Pháp ở Hải Phòng cũng bắn đại bác và súng cối sang thị trấn Núi Đèo, nơi có doanh trại quân đội ta, và các xã tiếp giáp thành phố, nhằm uy hiếp tinh thần quân, dân ta, trước khi chúng đem quân sang đánh chiếm. Dân các xã phía dưới huyện, chạy dạt vào vùng giữa. Làng tôi nhà nào cũng chật cứng người tản cư. Các cán bộ chính quyền, đoàn thể phải lo tiếp đón và bố trí chỗ ăn ở cho dân. Có khi phải ghép hai, thậm chí ba gia đình vào một hộ. Họ phải thổi nấu, ăn uống ở ngoài vườn. Đồ đạc để tràn cả ra lối đi. Dân quân tự vệ ngày đêm phải lo canh gác cẩn mật, đề phòng bọn Việt gian chỉ điểm, và lưu manh trộm cắp. Cũng may là lúc bấy giờ hầu như không có trộm cắp, chẳng ai lấy của ai. Của nả để bừa bãi ở ngoài vườn, đêm này qua đêm khác, mà chẳng ai mất mát gì.
Khoảng bốn giờ sáng ngày mười bẩy tháng giêng âm lịch năm 1947, tiếng súng và tiếng máy bay đã gầm rít trên bầu trời huyện Thủy Nguyên. Trời vừa tảng sáng, chú Tiên đã hốt hoảng bơi qua sông sang nhà tôi báo tin:
- Tây đổ bộ lên Cầu Giá rồi! Bộ đội ta đang chặn đánh chúng ở dưới chân núi chùa.
Nhà Tiên ở gần Cầu Giá, nơi có vị trí đóng quân của bộ đội ta. Tầu chiến địch đã tiến vào sông Giá, đổ quân lên đầu cầu, mở một mũi tấn công nhằm tiêu diệt quân ta ở đây, rồi đánh thọc vào sau lưng vị trí Núi Đèo. Tiên đã nhanh chân chạy thoát.
Anh ba tôi cùng Ủy ban xã quyết định đưa đồng bào tản cư, và toàn bộ lực lượng xã lội qua đầm lúa lên Trà Sơn. Đang mùa khô, chỉ có phía ấy mới không phải đi đò. Rồi từ Trà Sơn sẽ chạy lên Doãn Lại, dựa vào các dẫy núi đá hiểm trở ở đấy, mới có thể bảo toàn được lực lượng.
Đoàn người đông nghịt vừa đổ ra cánh đồng thì hai chiếc “B26” ào tới. Chúng sà thấp xuống sát ngọn tre, rồi lại vọt lên cao, chao đi, lượn lại không biết bao nhiêu lần. Tiếng động cơ máy bay cùng tiếng súng ở Cầu Giá, Núi Đèo hòa vào nhau, cùng gầm lên, rít lên đinh tai nhức óc. Và cả gió nữa, gió do máy bay chao lượn cũng rú lên, như một sức mạnh vô hình muốn nhấc bổng người lên, cuốn đi như lá bay. Cây cối ngả nghiêng, quằn quại tưởng chừng bật gốc, tưởng chừng sắp vỡ tan cả đất, cả trời. Trẻ con khóc thét lên. Bà già ngã lăn lông lốc...
- Tản ra! Chạy tản ra! Vón hòn vào thế thì nó bắn chết hết mất!
Cũng không ai biết cái lệnh ấy từ đâu phát ra. Nhưng cả cánh đồng lúa xanh, trong chớp mắt đã đông đặc những người. Bao nhiêu gồng gánh, tài sản đem đi theo vứt hết. Người nằm xuống đường, người rơi xuống ruộng, người mê cuống chạy quanh. Người bốc bùn trát lên mình, vì bộ quần áo trắng chưa kịp nhuộm...
Nhưng rất may là chúng không bắn, chỉ uy hiếp một lúc rồi bay đi. Tiếng súng từ phía núi Chùa Trại Kênh đã thưa dần. Chúng tôi nghỉ chân ở đình Trà Sơn. Thấy tôi xông xáo đi lại, như có vẻ chưa mệt sau cuộc chạy máy bay và lội đầm, ông Phi liền bảo:
- Đồng chí Chỉnh nhẹ chân, chạy ra đầu làng phía Mỹ Giang xem có động tĩnh gì không.
Tôi đi ngay, mà còn thích thú nữa, vì ông không gọi tôi là “bác” như hôm nào. Có lẽ ông cho rằng trong giờ phút nghiêm trọng này, chỉ có danh từ nhân xưng ấy mới thích hợp. Trông thấy quân Pháp đang bò lổm ngổm trên đồi làng Mỹ Giang, sắp tiến sang Trà Sơn, tôi lập tức chạy về đình báo tin. Ông Phi đứng lên, vơ vội lấy khẩu súng trường duy nhất xã mới mùa, và hô hét anh em dân quân xông lên cản giặc.
Chỉ mấy phút sau đã thấy tiếng súng máy trên đỉnh đồi Trà Sơn rít lên. Rồi tiếng tiểu liên, súng trường cùng xối xả bắn xuống xóm làng. Chúng đã chiếm giữ điểm cao. Để khỏi bị bắt sống, chúng tôi chạy dạt ra cánh đồng, rồi nhẩy xuống đầm lúa, lội đi như vịt. Lúa non, đang thời kỳ đẻ nhánh, chưa rậm, chưa cao, chưa đủ che khuất cho người. Chúng tôi muốn giấu mình đi, nhưng vẫn lộ ra. Chúng vãi đạn xuống đầm lúa như mưa. Làng Trà Sơn bốc cháy, khói lửa mù trời. Đầm lầy, lúa và bùn níu lấy chân, rút được chân này lên, thì chân kia lại thụt sâu xuống mất rôi. Mệt quá tưởng đứt ruột. Nhiều lúc chúng tôi phải chuồi đi theo kiểu nửa bơi nửa bò. Khổ nhất là chị Gấm. Chạy được một quãng, chị không còn đủ sức rút chân lên nữa. Chị kêu lên:
- Ối anh ơi! Em chết mất!
Tưởng chị bị thương, chúng tôi sợ quá, xúm lại, nhưng không phải, liền kéo chị lên. Từ đấy, chị lết đi được chủ yếu là nhờ sức kéo, chứ không phải là sức của bản thân. Thế rồi chúng tôi cũng cố chạy vượt được ra ngoài tầm súng. Chạy đến lúc không thể chạy được nữa, chúng tôi nằm ngâm mình dưới đồng lúa, chờ đến chiều chúng rút mới về.
Chúng tôi không biết bọn ông Phi chạy đi đâu?
Tin tức về sự thiệt hại ngày hôm ấy thật là nhiều, chỉ riêng mũi tiến công lên Cầu Giá làng Trại Kênh, chúng đã bắn chết gần sáu mươi người. Phần lớn là người già và trẻ em. Trước sức mạnh ồ ạt của địch, để bảo toàn lực lượng non trẻ của mình, bộ đội ta đã rút lui. Không tiêu diệt được lực lượng ta, giận cá chém thớt, chúng đã thẳng tay đốt phá, bắn giết. Chúng đập vỡ tượng Phật chùa Trại Kênh, bắn sư cụ chết rồi đốt chùa. A Di Đà Phật! Thế là vị cao tăng giầu lòng yêu nước, đức độ từ bi, được phật tử cả vùng kính trọng ấy đã về cõi Phật!
Ngay đêm hôm ấy, sau khi bàn bạc, các anh tôi quyết định chạy lên chiến khu Đông Triều, theo chính phủ kháng chiến. Tất nhiên không thể đi cả nhà được. Gia đình chúng tôi chia đôi, nửa đi, nửa ở lại. Những người đi là anh chị cả, anh hai, anh ba và tôi. Những người ở lại là mẹ chúng tôi, chị dâu vợ anh hai, anh thứ tư và đứa em út.
Chúng tôi giã gạo, buộc túm hai đầu ống quần dồn gạo vào, sắp xếp quần áo hành trang. Anh cả thắp ba nén hương lên bàn thờ cầu cha và tiên tổ phù hộ cho các con. Chúng tôi từ biệt mẹ và những người ở lại, dặn dò những điều cuối cùng rồi lặng lẽ lên đường. Nhờ những ngày đi vẽ truyền ảnh, thuộc đường ngang lối tắt, nên anh ba vác gạo, xách va li đi trước dẫn đường. Anh hai vác chiếc xe đạp của chị Gấm. Gọi là của chị, vì nó là xe nữ và do anh chị đem từ Hà Nội về, chứ thực ra từ giờ phút này nó đã là tài sản đáng giá nhất của cả năm anh chị em chúng tôi rồi. Anh cả xách va li và dắt chị Gấm. Sau cuộc chạy sáng nay, cả tinh thần và thể lực của chị đều chưa hồi phục. Người con gái ấy dẫu chẳng phải là “hương trời sắc nước”, “lá ngọc cành vàng” gì. Nhưng cũng là “tiểu thư” của một gia đình khá giả ở thủ đô, mới lớn lên, và vừa bước vào đời, đã phải đối mặt với hoàn cảnh chiến tranh, thì vững vàng ngay làm sao được. Chị chỉ khoác một cái túi vải nhỏ, đựng đồ dùng riêng. Tôi vác một quần gạo đầy đi sau cùng.
Chúng tôi bước vào đêm tối vắng lặng mênh mông, đi những bước đầu tiên trên con đường kháng chiến trường kỳ. Đêm tháng giêng trời tối đen như mực. Từ chiều đến giờ lại mưa dầm, gió bấc, rét như cắt da cắt thịt, vai nặng đường trơn như đổ mỡ. Chúng tôi lại không phải là kẻ “chinh phu”, cho nên chẳng có “chiến bào” để khoác, mà chỉ có những bộ quần áo dân dã mỏng manh để chống chọi cùng gió rét. Và quả thực phải “giã nhà” trong cái cảnh đêm hôm mưa gió thế này thì lòng dạ nào mà chẳng thấy buồn tê tái!..
Sợ địch phục kích, chúng tôi không dám đi ra đường cái, phải dò dẫm, luồn lách vào đường hẻm, quanh co trong các xóm làng. Đi suốt đêm, sáng hôm sau mới đến Lỗ Sơn, vùng núi đá hiểm trở của huyện Kinh Môn, Hải Dương. Đây là khu đồn điền của nhà địa chủ Phúc Lai, đồng thời là chủ hiệu ảnh Phúc Lai ở Hải Phòng, nơi trước đây anh ba tôi đã làm thuê. Dân Hải Phòng tản cư đến đây đông nghịt. Nhà nào cũng bộn lên những người vào ra tấp nập. Trong những hang đá, nhỏ, to, cao, thấp chỗ nào cũng thấy người. Người leo lên núi kiếm củi. Người lần ra lạch nước giặt giũ. Người làm lều ở tạm bên chân đá. Người dựng quán bán hàng. Theo quy luật cung cầu, ở dưới gốc cây cổ thụ bên đường cái, có người đã nhanh tay mở quán nước. Có lẽ cái quán nhỏ bé ấy là dấu hiệu đầu tiên của cuộc sống tản cư ở đây đang dần dần ổn định.
Anh chị em chúng tôi vào quán nghỉ chân. Ôi chao, thật là mệt mỏi! Mệt vì đường xa mang nặng, đêm tối lần mò, không biết địch đã chiếm đóng những đâu? Lại còn khổ vì đất bết dính nữa. Ôi đất ở cái vùng Lỗ Sơn hẻo lánh này mới khiếp chứ! Hầu hết người đi đường đều phải xắn quần lên trên đầu gối, và phải xách dép. Nếu đi dép, lúc nhấc chân lên, có khi đứt cả quai dép mới nhấc chân lên được.
Chúng tôi đến Đông Triều, được Ban tản cư xếp ở nhà ông chủ tịch xã Đức Chính. Đây là một gia đình khá giả, nhà cửa rộng rãi, sạch sẽ, có vườn cây, ao cá. Bà cụ mẹ ông chủ tịch là người hiền lành, tốt bụng. Một hôm, mới sáng sớm, bà cụ đã dặn chị Gấm:
- Chiều nay bác gái không được nấu cơm đâu đấy nhá. Hôm nay nhà có giỗ, tôi mời các bác xơi với gia đình bát cơm cúng.
Đây là lần đầu tiên tôi được biết món “măng đắng”, và nước mắm “cáy hôi” của dân Đông Triều. Măng đắng như mật lợn. Mắm vừa hôi, vừa hăng cay. Khó ăn quá. Nhưng khi đã quen thì lại rất ngon.
Cái cảnh tản cư thật là buồn chán, suốt ngày chỉ có việc bận vào hai bữa ăn, ăn xong rồi lại nằm, để cho thời gian chậm chạp trôi đi một cách phí hoài vô ích. Hoặc đi rong xem chợ, xem phố, xem làng. Dân địa phương người ta phải lo chuẩn bị đánh giặc, lo cày cấy, làm ăn buôn bán, thành ra ở cả ba nơi: chợ - phố - làng, chỉ toàn những người tản cư đi chơi rong xem với nhau. Thật là vô duyên, trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Dẫu là bất đắc dĩ mà phải chơi, nhưng chơi mãi, xem mãi rồi cũng chán. Ở phía trước chúng tôi chẳng có gì để chờ đợi. Phía sau, những gì mất thì đã mất rồi. Chị Gấm nhớ nhà quá, nằm nghêu ngao hát:
“Trèo lên cây gạo cao cao
Trông về quê mẹ như dao cắt lòng”...
Rồi những đồng tiền bát gạo mồ hôi nước mắt đem đi, chẳng bao lâu đã hết. Anh cả tôi quyết định bán chiếc xe đạp, vật duy nhất có thể bán được để lấy tiền đong gạo. Cả nhà ai cũng tiếc, chiếc xe “Pơgiô” chính hiệu sáng choang, mới cứng, vành sau có lưới chắn áo dài cẩn thận. Anh cả và anh ba là dân phố, thông thạo giá cả, bèn giong xe ra chợ Cột, ngồi từ sáng đến trưa, chợ tan, lại thấy dắt xe về. Người ta chỉ xem, cũng có người hỏi giá, nhưng không mua. Hôm sau hai anh lại giong xe đi, và giá bây giờ đã chịu tụt xuống, chỉ dám đòi một nửa so với giá đích thực của nó. Nhưng người ta cũng không mua cho. Hai anh lại phải dắt xe về. Và đến lúc ấy chúng tôi mới hiểu ra rằng: Cả cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ này, đều được vận hành trên đôi chân của tất cả mọi người, chứ nào có phương tiện cơ giới gì đâu.
Ngay đêm hôm ấy anh hai và anh ba tôi phải về quê xin tiếp tế. Lúc ấy địch đã đánh chiếm toàn bộ huyện Thủy Nguyên. Chúng tăng cường tuần tra, phục kích ở bến đò Đụn, nhằm cắt tuyến giao thông huyết mạch từ chiến khu Đông Triều về huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và ngược lại. Để tránh nguy hiểm, đò đi đêm vượt qua sông Đá Bạc sang đất Thủy Nguyên, đổ khách lên xã Lại Xuân, phía trên bến Đụn. Như vậy là khi xin được tiếp tế rồi, lập tức hai anh phải quay lại bến đò trước khi trời sáng, để về Đông Triều. Về nhà cũng chẳng có tiền bạc gì, ngoài hơn chục ống gạo gia đình đang ăn, các anh trút vào ống quần.
Chuồng còn con lợn “choai” chừng vài chục cân, mẹ cho các anh bắt đem đi. Sợ lợn kêu, anh hai lấy cái vồ đập đất, đập. Cú đập nhanh, mạnh và chính xác, con vật đang ngủ chỉ kịp kêu “éc..” một tiếng đã chết. Các anh cho vào bao vác đi. Chợ Cột Đông Triều sáng hôm sau, và nhiều buổi sau nữa, có rất nhiều thịt lợn, thịt bê, thịt nghé bày bán. Đến nỗi chợ không còn chỗ cho người ta bày thịt, mà phải bày tràn cả ra ngoài đường cái. Thế ra cái kiểu về xin tiếp tế ấy cũng không riêng gì anh em tôi, mà hầu như người tản cư nào cũng phải làm như vậy.
Thật may cho anh chị em chúng tôi là số gạo tiền tiếp tế ấy gần hết thì có người tìm đến tận nhà mua xe. Ông ta thấy rẻ mua để dành chờ ngày hòa bình, hay là lái buôn mua đem vào nội thành bán kiếm lời? Mặc ông ta. Chúng tôi đang cần có cái ăn để sống. Chị Gấm đếm tiền, anh cả giao xe.
Nhưng cuối cùng, cả năm anh chị em chúng tôi cũng không thể ăn không ngồi rồi mãi được. Miệng ăn núi lở. Bàn đi, bàn lại kỹ càng, rồi anh hai và tôi phải quay về quê, bám lấy đồng ruộng để sống.
***
Đêm đã khuya hai anh em tôi mới về đến làng. Làng của chúng tôi đây. Quê hương yêu dấu của chúng tôi đây. Nhưng bây giờ không hoàn toàn là của chúng tôi nữa, địch đã chiếm mất rồi. Làng im lìm, lặng ngắt như bãi tha ma, không nhà nào có ánh đèn, không có tiếng gà kêu, chó sủa. Sự sống đã ngừng lại cả rồi sao?.. Một cảm giác xót xa, nuối tiếc những ngày đã qua bỗng trào lên trong tâm trí tôi... Thôi thế là hết! Xin giã từ Tự Do! Giã từ tất cả niềm vui và hy vọng!...
Từ hôm tôi đi tản cư, việc chăn trâu mẹ đã giao cho thằng em út. Bây giờ quay về, tôi gần như không có việc gì làm. Vụ chiêm đã qua, vụ mùa chưa tới. Việc chăm sóc đồng ruộng như bón phân, nhổ cỏ lúa tôi chưa làm được. Chỉ thỉnh thoảng có sào ruộng nào cạn, các anh phải đi tát nước mới cho tôi đi cùng. Tát xong lại chơi, buồn quá! Thế là mơ ước được đi hoạt động cách mạng như anh Kim Đồng, hay trở thành người chiến sỹ như thầy Thăng đã tan vỡ! Tôi đến nhà mấy thằng bạn thân nằm tán gẫu, và than thở với nhau, chán rồi lại quay ra hát những bài ca quen thuộc. Vừa hát vừa ứa nước mắt...
Bỗng một hôm, trời gần tối, anh hai đưa một người lạ mặt về nhà và nói với mẹ:
- Đây là anh Thủy, cán bộ công an tỉnh về huyện ta hoạt động. Mẹ cho anh ấy ở đây. Nhà mình vườn ruộng, có nhiều cây cối dễ lẩn tránh.
Anh hai bí mật đưa anh Thủy về nhà rồi mới nói như vậy. Có lẽ vì tôn trọng quyền làm chủ gia đình của mẹ, nên anh hỏi, và cũng là để báo cho mẹ biết mà chuẩn bị cơm nước tiếp khách, chứ việc giúp đỡ cán bộ đã được coi như việc tất nhiên rồi, chẳng có gì phải bàn. Tôi đang rỗi, liền được anh hai giao cho việc trông chừng người lạ, thấy ai đến nhà thì báo cho anh Thủy lánh vào trong buồng. Và để ý nghe ngóng, nếu bọn lính Tây vào làng mà anh hai chưa về kịp, thì tôi phải dẫn anh Thủy chạy. Nhưng thời gian ấy chúng đang xây đồn, dựng bốt, củng cố những vị trí mới chiếm được, nên cũng ít đi lùng xục. Có mấy lần chúng đến bến đò, bắn vu vơ mấy băng trung, tiểu liên vào làng rồi bỏ đi.
Tôi ở nhà bảo vệ anh Thủy, chơi với anh và nghe anh kể chuyện. Người anh to ngang, hơi thấp, da nâu hơi đen, mắt sắc, nhưng tính lại hiền, hay cười. Anh nghiện thuốc lào, cứ nói một lúc lại thông điếu hút. Anh vốn là công nhân cơ khí ở mỏ Cẩm Phả, vừa cưới vợ xong thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Anh đi kháng chiến. Chị ở nhà làm công nhân. Tôi chưa biết mỏ Cẩm Phả ở đâu, và cũng chưa bao giờ được trông thấy cục than đá. Anh bảo nó cũng đen như than củi, chỉ khác là nó rắn hơn và cháy bền hơn thôi. Anh có khẩu súng lục “Sinêchiên” rất đẹp. Thấy tôi có vẻ thích, anh cho tôi xem. Tôi cũng khoe với anh là mình đã học qua lớp “quân chính”, biết sử dụng tiểu liên và súng trường, nhưng mới là lý thuyết, chứ chưa được bắn đạn thật lần nào. Anh cũng hướng dẫn tôi cách bắn súng lục, nhưng cũng lại là lý thuyết thôi.
Khoảng ba bốn hôm sau, cũng vào buổi chiều, anh Ký đến nhà tôi. Tôi đang định báo anh Thủy lánh vào trong buồng, thì anh hai ngăn lại và bảo tôi ra ngoài sân trông chừng. Tôi không được biết các anh bàn định gì. Rồi sau đó cả ba người cùng lặng lẽ đi.
Đây là lần đầu tiên anh Ký đến nhà tôi. Anh hơi xấu trai, trán giô, mặt choắt, da chì, răng khểnh lại còn nhuộm đen. Xưa nay tôi chỉ biết anh làm lực điền cho nhà ông Đang, và nhờ thế mà anh thoát chết trong nạn đói hai năm trước, chứ chưa thấy anh hoạt động gì bao giờ. Ngay cả những ngày đầu khởi nghĩa sôi động là thế, cũng không thấy anh đứng trong hàng ngũ thanh niên hay dân quân. Thế mà bây giờ anh đã thành cán bộ công an rồi sao? Lòng tôi bông gợn lên một chút ghen tỵ bâng quơ.
Khoảng mười hai giờ đêm hôm ấy, bọn anh Thủy mới về. Anh hai chở thuyền ép sát vào ngõ. Nhưng sao anh Thủy không đi được nữa rồi. Anh Ký phải cõng vào trong nhà. Anh hai bảo chị dâu nấu nước. Anh lấy vải sạch rửa vết thương, băng bó cho anh Thủy.
Sau tôi mới biết anh Thủy ở Đội công an biệt động, được cấp trên cử về diệt trừ trên Đồng Văn Nhạ, chỉ huy lính “Bảo chính đoàn” của Ngụy quyền huyện Thủy Nguyên. Bắn Nhạ xong, trên đường rút chạy, anh Thủy bị vấp ngã, ngón chân cái bị bong mất móng không đi được.
Nhạ mê một cô gái người cùng làng. Tối nào nó cũng bỏ bốt về tán tỉnh “người đẹp”. Nhưng chị ta không muốn mình thành vợ một tên Việt gian, nên đã làm nội ứng, giúp công an trừ khử tên phản bội. Kết quả là tên Nhạ chết. Chị bỏ nhà đi theo kháng chiến.
Ngoài Đồng Văn Nhạ, anh Thủy về lần này còn nhiệm vụ diệt trừ một tên Việt gian nữa. Đó là Lý Kiểm, “hội tề” ở làng Phương Mỹ. Từ ngày giặc Pháp đánh chiếm Thủy Nguyên, Kiểm đã công khai ra làm chỉ điểm, đưa giặc về làng, khủng bố nhiều gia đình có người hoạt động cách mạng. Nếu không nhanh chóng diệt trừ tên này, sẽ bất lợi cho việc gây dựng lại cơ sở của ta ở trong vùng địch hậu. Vì chân đau nên anh Thủy quyết định giao việc ấy cho anh Ký, nhân viên công an địa phương, và cho tôi đi hỗ trợ anh Ký.
Sau mấy ngày đi điều tra, tìm hiểu tình hình sinh hoạt, đi lại của đối tượng, và nắm được tin y đang quyên tiền, chuẩn bị sửa chữa đình làng. Chúng tôi quyết định đóng giả làm thợ mộc, đến nhà hắn xin việc sửa chữa đình. Làng Phương Mỹ và làng tôi gần nhau, chỉ cách hai cánh đồng và một cái đầm, khoảng vài cây số đường chim bay. Hằng ngày dân hai làng qua lại phải đi đò. Vào tầm gà gáy sáng hôm ấy, lúc mọi người còn đang ngủ yên, chọn chỗ nông, nước chỉ đến ngực, chúng tôi lội đầm sang Phương Mỹ. Năm ấy rét sớm, mới tháng chín ta mà nước đã lạnh giá. Lúc lội xuống chỗ sâu, tưởng như nước có răng cắn vào sống lưng đau buốt. Chúng tôi lên bờ thì trời vừa tảng sáng. Anh Ký mặc quần tây caki vàng, áo ta nâu, giắt khẩu “Pặckhoọc” Tầu, nòng khá dài. Nét mặt anh già dặn, khắc khổ, trông rõ ra một người lao động lam lũ. Tôi “đánh” bộ quần áo nâu vải đay cũ, ngắn cũn cỡn. Mặc bộ này có cái lợi là vải cứng, người chỗ nào cũng phồng lên, dễ giấu khẩu “Sinhêchiên” của anh Thủy ở trong lưng áo. Tôi đi sau anh Ký, tay xách gói khăn mùi xoa, trong có cái đĩa để gói chè “Chính thái”.
Chúng tôi vừa vào đến đầu sân, thì Lý Kiểm cũng tề chỉnh quần trắng, áo the dài, tay ô, tay cặp bước ra thềm. Trông hắn chỉ ngoài năm mươi tuổi, da dẻ trắng trẻo, dáng dấp có vẻ nho nhã thư sinh. Chúng tôi cúi đầu chào:
- Bẩm lậy cụ ạ!
Hắn nhìn chúng tôi. Cùng lúc đàn chó phải đến bốn năm con ở đâu túa ra, bâu lấy chúng tôi. Hắn không mắng chó, cũng không dừng chân, chỉ bước chậm lại và hất hàm hỏi:
- Có việc gì đấy?
- Bẩm cụ, nghe tin dân ta sắp sửa lại đình, ông cháu đang khó ở chưa đi được, sai chúng cháu đến thưa trước với cụ, xin cụ cho ông con cháu được làm, trước là hầu cụ Lý, sau là hầu dân ạ.
- À.. à...Ừ, có đấy, có bàn đấy, nhưng chưa làm. Các anh cứ về, bao giờ làm tôi báo. A.. mà ông phó cả ở đâu, tên gì nhỉ?
- Bẩm cụ, ông cháu là ông phó Tuần ở Quảng Cư ạ. Thấy chúng tôi có vẻ do dự không về ngay, hắn liếc cái xách ở tay tôi, hỏi:
- Thế còn cái gì đấy?
- Bẩm cụ, gọi là lòng thành, chúng cháu có gói chè biếu cụ xơi nước ạ.
- Á chà thôi, vẽ vời làm gì, đem về, tôi đang vội.
Nói rồi hắn rảo chân bước đi. Anh Ký nháy tôi, lập tức hai khẩu súng lục rút ra, chĩa vào lưng hắn. Anh Ký đanh giọng gọi:
- Này ông!
Hắn quay lại, chợt thấy hai khẩu súng, hắn giật bắn mình, mồm há ra, nhưng không kêu được, chỉ phát ra một chút âm thanh “e..é..” yếu ớt, chẳng ra tiếng người, chẳng ra tiếng thú.
- Im! Kêu tôi bắn chết! Có lệnh mời ông lên huyện. Ông đi trước. Gặp ai cấm không được nói gì. Đi!
Chúng tôi định đưa y ra cánh đồng vắng mới hành động, nhưng trong thâm tâm tên phản bội này, chắc đã biết tội của nó sẽ bị xử như thế nào rồi. Cho nên đi vài bước, nó liền vứt ô, vứt cặp chạy ngược trở lại vào trong nhà. Anh Ký bóp cò ngay. Nhưng khẩu “Pặckhoọc” cũ kỹ hóc mất rồi. Anh đứng sững lại tháo băng đạn. Tôi vượt lên đuổi theo. Thấy người chạy, đuổi, đàn chó càng hăng máu, chúng lăn xả vào chúng tôi. Lý Kiểm chạy vào trong nhà. Vừa chạy y vừa xô đẩy bàn ghế nhằm cản bước tôi, rồi vọt qua cánh cửa ngách ra hồi nhà, định nhẩy qua tường rào sang hàng xóm. Nhưng tường cao, y nhẩy lên lại rơi xuống. Tôi liền bóp cò. Nhưng lò xo cứng quá, kim hỏa vẫn nằm yên không nhúc nhích. Tình thế đang vô cùng căng thẳng. Bỗng nhanh như một cái chớp mắt, tôi liền thọc thêm cả ngón trỏ của bàn tay trái vào, rồi nghiến răng xiết mạnh cò. Thấy lưng áo the đen bật tung một điểm trắng, rồi một tiếng “đoàng” đanh gọn vang lên. Lý Kiểm ngã sấp xuống chân đống rơm, tôi chạy qua bồi thêm hai phát nữa, rồi chạy ra sân. Anh Ký vẫn đang loay hoay với khẩu súng hóc, hỏi:
- Nó chết chưa?
- Chết rồi!
Ngay lập tức anh Ký chạy ra ngõ, tôi chạy theo sau, hết làng Phương Mỹ ra cánh đồng tiếp giáp với làng Mỹ Cụ và Trà Sơn. Đồng vắng, chúng tôi cố gìm chân lại, bình tĩnh đi như người thăm đồng. Cũng cứ gọi là bình tĩnh, chứ thực ra chân tay tôi vẫn còn run. Bàn tay tôi chỉ quen cầm đũa ăn cơm, cầm quản bút viết, cầm dây chăn trâu. Giờ đây, lần đâu tiên được cầm súng, mà lại phải bắn một con người, dù đó là một tên Việt gian phản động, thì cũng không tránh khỏi sự bàng hoàng run rẩy. Cảm giác ấy thật khó tả. Ngay từ lúc rút súng ra chĩa vào người Lý Kiểm, người tôi đã run lên, trống ngực đập liên hồi rồi. Lúc súng anh Ký hóc, anh né sang bên giục: “Cậu bắn đi”, thì tôi hầu như đã tê dại không biết gì nữa, ngoài một điều duy nhất là phải bóp cò sao cho thật trúng đích. Súng nổ, khói bay, tên Việt gian gục xuống cùng trong một chớp mắt, khiến người tôi càng mê đi. Tôi chạy mà như do ai đó điều khiển, lôi đi lơ lửng, chứ không phải do mình, không phải chân mình đang đạp đất.
Để đề phòng bất trắc có thể xẩy ra, trước khi đi diệt trừ Lý Kiểm, anh Thủy đã chuyển chỗ ở lên Trà Sơn. Anh Ký đi gặp anh Thủy để báo cáo kết quả. Tôi lội đầm về nhà, giấu khẩu súng vào đống rạ, thay quần áo, rồi vác cái cuốc ra đồng nhìn sang Phương Mỹ. Một lúc sau mới thấy bọn lính ở bốt Trịnh Xá, lốc nhốc đi vào nhà Lý Kiểm.
Tôi quay về không ngờ lại gặp thằng Chung. Nó đi đâu đó, thấy tiếng súng chạy ra xem. Trong lòng tôi đang rộn lên, đan xen nhau, rối bời những cảm giác mới mẻ, vừa lạ lùng, vừa kiêu hãnh, vừa tự hào. Tôi chỉ muốn nó hỏi tôi một câu: “Cậu bắn đấy à?”. Để tôi có dịp thí cho nó một cái gật đầu. Nhưng nó chỉ tủm tỉm cười, và liếc tôi một cái như muốn nói: “Tớ biết tỏng cả rồi, nhưng... bí mật”.
Lúc nhìn thấy điểm trắng ở lưng áo Lý Kiểm bật ra, tôi tin là chỉ một viên đạn ấy cũng đủ kết liễu đời y. Tuy vậy, tôi vẫn bồi thêm hai phát nữa cho thật chắc chắn. Không ngờ mười năm sau, khi được trở lại thăm nhà, tôi mới biết những viên đạn ấy xuyên qua phổi và hàm răng, sau một thời gian điều trị, y được cứu sống. Và từ ngày ra viện, hầu như y phải sống lưu vong, tối ngủ ở bốt, ngày nào về làng phải có lính đi bảo vệ. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, y đã phải đền nợ máu.
Và cũng sau mười năm tôi mới biết tin anh Ký. Anh bị địch bắt năm 1952, rồi mất tích.
***
Sau những phát súng đầu tay ấy, coi như tôi đã vượt qua được vòng thử thách. Anh Thủy bằng lòng cho tôi đi theo anh, cùng anh tham gia kháng chiến chống Pháp. Ngày ấy thiếu năm tháng, tôi vừa mười sáu tuổi. Và đó là lần thứ hai tôi xa gia đình, xa làng xóm thân yêu.
(Các chương tiếp theo sẽ gửi sau- Tạ Hữu Đỉnh)