Chương 14
Công Nghi Huân nói cô chỉ muốn biết những phần đẹp đẽ trong quá khứ, xem ra đây không phải là người hay suy nghĩ, thật tiếc là không thể giới thiệu cho Quân Vỹ.
Có một số người nghĩ nhiều làm ít, còn những người chỉ biết cắm cúi làm việc suy nghĩ thường đơn thuần. Nghe các gia nhân nói sau lưng, hai năm nay Công Nghi Huân làm khá nhiều, bất luận là việc gì chung quy là làm không ít việc, có thể thấy cô là người ít suy nghĩ. Thực ra con người ta sống trên đời, bất luận làm nhiều hay ít, chỉ cần cảm thấy niềm vui trong đó là được, khi người ta vui, thế giới của người đó sẽ vui, những người trong thế giới của họ cũng vui, mỗi người đều có thế giới của mình, những người có duyên với nhau, thế giới của họ mới có một phần trùng nhau. Tôi nghĩ, Công Nghi Huân đến tìm tôi nhờ giúp là muốn tìm phần thế giới trùng với thế giới của Công Nghi Phỉ.
Đêm trăng tròn, Công Nghi Huân vẫn y phục trắng muốt một lần nữa đến ngôi tiểu viện dành cho khách trong biệt viện của Công Nghi gia gặp tôi. Nghe nói đêm nay bên ngoài chính đường sẽ có yến tiệc mừng tiết hoài nguyệt, có lẽ sẽ không ai quấy rầy chúng tôi. Gia nhân để một chiếc giường dưới giàn nho trong sân, những chùm nho xanh trĩu quả lủng lẳng, tựa như vô số chiếc bình phỉ thúy màu xanh, ánh trăng lạnh êm đềm lọt qua kẽ lá nho chiếu trên chiếc giường trải tấm nệm mỏng và bức bình phong nhỏ vẽ cành hoa che phía trước.
Vừa sắp đặt xong, bóng áo trắng thanh nhã của Công Nghi Phỉ đã xuất hiện ở cổng viện. Chàng ta dừng lại nhìn Công Nghi Huân, không tỏ thái độ gì: “Tìm mãi, thì ra tỷ ở đây”.
Công Nghi Huân bước lên mấy bước lại dừng lại, bóng đổ dài dưới trăng.
Công Nghi Phỉ lạnh nhạt liếc nhìn cô, ánh mắt di chuyển đến tôi, đôi mắt đào hoa như nước mùa thu tươi cười: “Gia tỷ đã thân thiết với Quân cô nương, vậy tối nay xin nhờ cô nương chăm nom dùm, đừng để tỷ ấy ra khỏi nơi này”.
Tôi băn khoăn nhìn chàng ta, không biết là ý gì, còn chàng ta đã quay đi, được một đoạn lại dừng: “Chuyện năm trước tôi không muốn lại xảy ra”.
Công Nghi Huân nãy giờ không nói gì, quay người đi đến bên giường, tôi hiếu kỳ: “Năm trước đã xảy ra chuyện gì?”.
Cô khép áo nằm lên giường, lạnh nhạt: “Không có gì, các nhà quyền quý mời khách đến dự tiệc mừng tiết hoài nguyệt, có lẽ cô cũng nghe nói”.
Quả là tôi có nghe, các bậc công hầu khanh tướng, thế gia thường tổ chức yến tiệc trong đêm trăng tròn, nói một cách văn hoa nho nhã là ngắm trăng uống rượu hát ca, nhớ những ngày qua, vân vân, thực ra là một hình thức xã giao hưởng lạc, ca kỹ mua vui trong yến tiệc mọi người đều có thể tùy ý trêu đùa hành lạc. Cửu Châu tồn tại đến nay để lại không ít lề thói phong lưu, tiết hoài nguyệt là một trong số đó.
Tôi ngồi lại gần giường, cô nhắm mắt, lạnh lùng nói tiếp: “Trong tiệc đó của Công Nghi gia năm ngoái, gia chủ các nơi đến dự rất đông, tôi đi dạo bên ngoài, gặp hai vị khách say, bị tưởng nhầm là ca kỹ mua vui trong yến tiệc”.
Tôi xê dịch bức bình phong che gió: “Sau đó thì sao?”.
Tay ôm trán, vẻ mệt mỏi, giọng cô lại bình thản rất mực: “Sau đó ư? Tôi lấy của mỗi người một cánh tay”.
Tôi tròn mắt: “Sao?”.
Cô nói: “A Phỉ rất giận, cơ hồ việc gì tôi làm cũng khiến đệ ấy giận, có lẽ tôi bị hai kẻ đó khinh bạc đệ ấy mới không giận?”.
Tôi nghĩ, nói: “Có lẽ, chàng ta giận là bởi vì họ dám khinh cô”.
Cô nhấc tay khỏi trán, mở mắt, lạnh lùng nhìn tôi: “Tôi không còn tin những lời như thế nữa”.
Mây che lấp mặt trăng, hoa rơi lả tả, trong tiếng đàn êm êm như tiếng nước, Công Nghi Huân dần dần thở đều, có lẽ đã ngủ. Tiếng đàn này không phải là Hoa Tư điệu, chỉ có tác dụng ru ngủ.
Bóng ma phiêu du bên ngoài quy luật thời gian thực ra không có Hoa Tư điệu lấy tính mạng làm nhạc phổ, tôi không cần mạng của một con ma, cô không trả được cái giá đắt như thế, thực ra tôi cũng không dệt được Hoa Tư mộng của cô. May có ký ức được phong ấn trong hai hạt trân châu chính là đôi đồng tử trong mắt, cũng may nguyện vọng của cô chỉ là muốn tôi nhìn giúp những ký ức được phong ấn trong đó. Đối với bóng ma, tinh thần có trước thân xác ký gửi, sự kết hợp giữa tinh thần và thân xác ký gửi cũng giống như sự kết hợp chặt chẽ giữa tinh thần và thể xác của con người, nhưng đối với bóng ma, tinh thần chứa những ký ức tàn dư không bị trói buộc bởi thân xác mà nó nương náu, dễ tách khỏi thân xác đó, cũng dễ bị nhìn trộm.
Năng lực dùng Hoa Tư dẫn thôi động ý thức tự thân của nó, nhìn thấu tinh thần đó của chủ nhân viên giao châu được gọi là ảo chi đồng. Trong điều kiện đối phương tinh thần bình ổn, khỏi nói chỉ bị phong ấn, cho dù ký ức được bảo mật đến đâu, ảo chi đồng cũng có thể đọc được.
Đương nhiên chuyện đó không hay lắm, nhìn chung tôi không đi đọc ký ức của một con ma. Chủ yếu là vì lớn bằng ngần này, tôi vẫn chưa từng gặp ma. Giả sử Mộ Ngôn là một con ma, hàng ngày nếu rỗi rãi tôi đọc ký ức của chàng xem chơi.
Tôi nhắm mắt, trước mắt một dải ánh sáng luân lưu. Cát, sỏi mù mịt, cây xanh khô héo, phong cảnh thê lương loang loáng vút qua trước mắt. Trong khe suối lạnh quạ hoang lượn lờ, trong chớp mắt, một chùm tia sáng bùng phát như sao rơi. Bên tai có tiếng mưa lắc rắc, tầm mắt đột nhiên rộng mở. Nhìn thấy phía trước sơn môn huy hoàng một bức rèm châu ngũ sắc, mấy phiến đá xanh, cô gái áo trắng đón chiếc vòng ngọc màu đen trong tay chàng trai áo trắng, chiếc ô hơi nâng lên, một khuôn mặt trắng như tuyết không thần sắc.
Đó là Khanh Tửu Tửu, cũng là Công Nghi Huân, thì ra quả nhiên đây là cảnh họ lần đầu quen nhau.
Hình ảnh nhìn thấy đêm đó lần lượt lướt qua trong đầu, thầm nghĩ, nên tiết kiệm thời gian, phảy những giọt nước mưa bám trên người, quả quyết lướt qua chi tiết đó đi nắm bắt ý thức đoạn tiếp theo, vừa chớp mắt, mở ra, bàng hoàng bước vào một màn đêm mịt mùng vô tận.
Tôi hơi sợ, nắm chặt ống tay áo, Mộ Ngôn không có ở đây, không có ai để bám vào.
Khi mắt đã nhìn thấy vạn vật trong bóng tối, tôi cũng không căng thẳng nữa, sau một tiếng động cực nhẹ, ánh đèn chớp lóe, cuối cùng nhìn thấy ánh sáng từ dưới đất từ từ dâng lên, bên tai có tiếng hát văng vẳng, trôi nổi, ngân nga, cảnh sắc hiện dần theo ánh sáng tựa bức tranh thủy mặc mở ra.
Đưa mắt nhìn quanh, bóng người trùng trùng. Ngẩng đầu, tôi thấy trên đỉnh treo một chiếc đèn cực lớn hình tán cây, chiếc trụ đèn bằng đồng đen tựa tháp ngọc chín tầng, lửa cháy rực trong mười mấy bát đèn, khiến tòa chính đường sáng như ban ngày.
Phía trên chính đường cao rộng là giếng trời có lan can bao quanh, chính giữa là một cái bục cao bằng đá nổi vân hoa, ba cô gái mình vận đại hỉ bào màu đỏ đứng trên đó, cô gái bên trái ôm cây tỳ bà cúi đầu vừa đàn vừa hát. Trên những hàng ghế xung quanh cách đó hai trượng nam nhân ngồi chật kín, từ thiếu niên mười ba, mười bốn đến ông già bảy, tám chục tuổi, nếu chiêu mộ quân dịch mọi người cũng hưởng ứng nhiệt tình như vậy, quốc gia này ắt hẳn có tiền đồ.
Lầu hai gồm những ô nhỏ trang trí vô cũng trang nhã, đằng sau những lan can hình vuông chạm trổ tinh xảo là những bức rèm che, đó là những phòng hoa phục vụ khách giầu sang. Tôi suy nghĩ một hồi, sau khi nhận ra mình đang ở đâu, bịt mắt thở dài, cảm thấy sao mình có duyên với lầu xanh đến vậy. Mặc dù nhiều lúc cũng muốn thể hiện sự thoải mái phóng khoáng, nhưng quả thực không có ý nghĩ rằng đời này nhất định phải đến đó một lần mới bõ công sống trong thế giới này .
Số phận lại hơi quá hiểu lòng người, trong vụ của Thập Tam Nguyệt tôi đã buộc phải đi dạo lầu xanh một lượt, lần này lại phải dạo qua lần nữa. Hơn nữa nhìn quang cảnh, xem ra, lần này lại còn gặp đúng dịp lầu xanh mở hội chọn tân hoa khôi và đấu giá đêm đầu tiên của hoa khôi.
Cô gái áo đỏ trên đài vừa đánh xong khúc nhạc, khách ở lầu trên lầu dưới đua nhau trả giá, bia báo giá liên tục giơ lên, có thể thấy, đúng là cả đời phong lưu không bằng một đêm phong lưu.
Nhưng đêm đầu tiên của hoa khôi không phải ai cũng đủ ngân lượng để mua, làn sóng ồn ào qua đi, chỉ còn hai vị khách ở trong phòng hoa lầu hai tranh nhau ngã giá. Tôi thật không hiểu, những người đó bỏ nhiều tiền như thế mua một cô gái, chỉ được ngủ một đêm, sao không đem số tiền đó đi mua cô gái khác có thể ngủ suốt đời.
Bức rèm châu dài sát đất vây quanh che khuất vị khách bên trong, thân giá của cô gái áo đỏ tên gọi Ổn Liên đã lên tới ba ngàn lẻ năm đồng vàng. Sở dĩ có số tiền lẻ đó là bởi vì bất luận người khách ở phòng hoa trả giá thế nào, phòng hoa đối diện luôn thong thả trả thêm năm đồng.
Có lẽ là cảm thấy có gì bất thường, ca vũ ở lầu dưới đều ngừng lại, lầu trên lầu dưới im phăng phắc. Mọi người đang nóng lòng chờ xem kết cục cuộc mặc cả, phía cửa lớn đột nhiên có tiếng ồn ào. Từ xa nhìn lại, bóng áo trắng phấp phới phát ra ánh bạc, mấy gã trai tráng có vẻ là bảo vệ của lầu xanh bị chiếc roi bạc trong tay vị khách dồn vào chính đường. Chỉ riêng chiếc áo trắng toát trên người vị khách đã tỏa hơi lạnh, người đó chỉ có thể là Khanh Tửu Tửu. Mấy cô gái đứng dưới đang chờ đến lượt lên đài dự tuyển mặt sợ hãi biến sắc, các vị khách cũng hốt hoảng lảng đi, vị khách mới đến còn chưa kịp bước qua bậc cửa, cửa lớn nãy giờ vốn chật ních người, “ào” một tiếng chạy sạch không còn một mống. Cô gái áo trắng tay cầm roi bạc bước vào chính đường, mấy người áo đen có vẻ là tùy tùng xếp hàng hai theo vào. Quả nhiên là Khanh Tửu Tửu. Chủ lầu vừa liếc mắt đã biết là khách đặc biệt, mặt tươi như hoa bước ra đón: “Tiểu thư chắc là vào nhầm chỗ, chúng tôi ở đây không kinh doanh các cô gái...”. Lời chưa dứt đã bị lạnh lùng cắt ngang: “Các người ở đây không kinh doanh các cô gái thật ư?”. Từ sau bức rèm châu ở phòng hoa bên phải bỗng vọng ra tiếng nói, giọng không to nhưng do không khí yên lặng nên nghe rất rõ, sau đó bức rèm được vén lên, hiện ra một người đàn ông dáng nho nhã. Thật trăm lần phán đoán cũng không ngờ người đó lại là Công Nghi Phỉ.
Công Nghi Phỉ vận áo chùng gấm từ trên cao nhìn thẳng vào Khanh Tửu Tửu, vẻ ngạc nhiên thoáng qua, mặt lại như cười, vén một cánh rèm vào chiếc móc vàng bên cạnh.
Dưới lầu một ca kỹ che miệng ỏn ẻn nói thầm: “A, người ở trong Ứng Mai hiên thì ra là Công Nghi công tử...”. Một giọng khác giản dị hơn hỏi: “Là ai thế?”. Cô ca kỹ giọng trầm trồ: “Trưởng tộc gia tộc Công Nghi ở Bối Trung, được đồn đại là tư phong lừng danh, văn tài nức tiếng, Công Nghi Phỉ”. Ngừng một lát nói tiếp, “Ổn Liên đúng là có phúc”.
Hai cô gái nói chuyện gần trong gang tấc, tôi cũng nghe thấy, huống hồ Khanh Tửu Tửu. Nhưng mắt cô chỉ thoáng liếc vào phòng hoa được gọi là Ứng Mai hiên ở lầu hai, thu lại chiếc roi, cúi đầu thong thả bước lên cầu thang gỗ trải thảm đỏ.
Chủ lầu đứng phía sau giậm chân: “Cô nương đã đến tham quan thanh lâu, ít ra cũng nên vận nam trang, kẻo ảnh hưởng quy củ nghề chúng tôi...”, lập tức được mấy người áo đen đi sau cô gái dúi vàng lá bịt miệng.
Ánh mắt cả phòng dồn vào Khanh Tửu Tửu, nhưng cô dường như không nhận ra, đi thẳng tới phòng hoa đối diện Ứng Mai hiên.
Lát sau rèm vén lên, thấy một thiếu niên bảnh bao áo gấm đai ngọc vội vã đứng lên đón Khanh Tửu Tửu: “A Ninh không nên đến nơi này làm tỷ tỷ không vui, A Ninh...”.
Khanh Tửu Tửu thong thả ngắt lời, tay chống cằm, cúi đầu nhìn mấy cô gái trên đài còn chưa ngã giá: “Đệ thích cô nào?”.
Thiếu niên bối rối: “Gì cơ?”.
Công Nghi Phỉ đối diện nãy giờ im lặng, lắc chén rượu trong tay: “Vừa rồi tại hạ đã trả đến ba ngàn lẻ năm đồng vàng, xem ra ý huynh đài là muốn...”. Nói đến đó mỉm cười ngừng lại, nhìn đăm đăm Khanh Tửu Tửu ngồi cạnh rèm châu: “... muốn tác thành cho tại hạ chăng?”.
Chàng thiếu niên cúi đầu không dám nói, Khanh Tửu Tửu ngước mắt, lơ đãng nhìn vị khách, ánh mắt lại hướng vào chiếc bục cao bên dưới, ngón tay hơi ngừng trên mặt bàn gỗ đàn: “Hai vạn đồng vàng, tôi mua cả ba cô”.
Khách trên lầu dưới lầu đều trố mắt, tôi cũng trố mắt. Nhìn xung quanh chỉ thấy Công Nghi Phỉ một mình ung dung tự rót rượu uống, khóe mắt cười cười. Chưa bao giờ thấy một cô gái mua gái lầu xanh ngang nhiên, hào phóng, bức ép đến thế. Khiến người ta không thể không thán phục.
Chủ lầu há mồm không nói được gì, không biết là kinh ngạc hay là vui mừng, hai vạn đồng vàng gọi ba cô, ngay những gã công tử phá gia nhất Cửu Châu này cũng không dám vung tay như vậy.
Chàng thiếu niên tên A Ninh mặt hết trắng lại đỏ, bối rối: “Chẳng, chẳng phải tỷ đến bắt đệ về nhà sao, sao lại...”.
Khanh Tửu Tửu nhìn cậu ta từ đầu xuống chân, nhấc chén trà đang tỏa khói trên bàn lên: “Đã đến tranh giành mỹ nhân với người ta thì phải thắng, mọi ngày...”. Ánh mắt từ sau làn khói mông lung liếc qua, “... ta dạy đệ thế nào?”.
Chàng thiếu niên ngây người, cúi đầu rất thấp, cô uống hai ngụm trà rồi đứng dậy đi ra, khi rèm buông xuống, mắt liếc xuống lầu dưới một cái, “Ba cô đó nhan sắc cũng được, chọn một cô vừa ý nhất, đêm nay không cần về nhà”.
Không có ai nhìn thấy tôi, có nghĩa là từ khi Khanh Tửu Tửu xuất hiện, tôi có thể điều chỉnh góc độ, quan sát mỗi biểu hiện của cô. Đây quả là một đại mỹ nhân, nhưng lạnh như băng tạc, không thấy nụ cười, dù chỉ là cười khẩy, dường như không hứng thú với bất cứ thứ gì trên đời.
Nhưng trong ký ức này, tiểu đệ của cô lại là một thiếu niên có tên là Khanh Ninh kia. Mà lần thứ hai cô gặp Công Nghi Phỉ lại là lúc chàng ta tranh giành hoa khôi lầu xanh với tiểu đệ của cô. Ảo chi đồng chỉ có thể nhìn thấy ký ức, nhưng không thể hiểu được tâm tư của chủ nhân, cho nên tôi cũng không hiểu.
Đi theo Khanh Tửu Tửu ra khỏi lầu xanh mới phát hiện lầu này bên một chiếc hồ, ven bờ liễu rủ như rèm buông. Trên hồ bóng trăng nhàn nhạt. Tùy tùng áo đen lẫn vào đêm tối, bị cô lưu lại tại chỗ, tay xách chiếc đèn nhỏ, một mình cô đi dạo quanh hồ.
Tôi đi theo sát, gần như đi một vòng quanh hồ. Đến một chỗ có bậc đá xuống hồ thì nhìn thấy một chiếc thuyền mộc neo sát mép nước, người đứng ở mui thuyền lại là Công Nghi Phỉ vừa rồi còn uống rượu ở lầu xanh.
Công Nghi Phỉ vẻ đào hoa phóng túng, tay cầm một chung rượu bằng gốm xanh, đang cúi đầu rót rượu xuống hồ, nghe thấy tiếng động hơi ngẩng đầu, nhìn thấy người đến là Khanh Tửu Tửu, mỉm cười ra ý ngạc nhiên: “Khanh tiểu thư”.
Khanh Tửu Tửu khoan thai bước đến trước thuyền, dừng lại ngước nhìn chàng: “Trăng thanh nước biếc, Công Nghi công tử đồng ẩm với hồ, thật phong nhã”.
Chàng thu lại chiếc chung, mắt tươi cười, giọng xem chừng đầy tủi thân: “Mấy giai nhân vừa ý lại bị tiểu thư cướp mất, không người đối ẩm họa vần, đành một mình tìm chút thú vui”. Dừng lại thở dài, “... Không may chèo thuyền không thạo, mới nghĩ ra hối lộ thần hồ hai chung rượu nhạt, mong thần hồ không gây khó dễ”.
Ánh mắt nhìn Khanh Tửu Tửu, chàng hơi ngẩng đầu chìa tay cho cô, “Có điều, lần này tương ngộ cùng tiểu thư, xem ra ông trời đã đoái thương, không biết có thể cho Phỉ một vinh hạnh, mời tiểu thư cùng du thuyền thưởng ngoạn cảnh hồ”.
Giọng nói có vẻ tội nghiệp, nét mặt lại hân hoan khích lệ, tôi thầm nghĩ diễn như thế quá xoàng, không bẩm sinh như Mộ Ngôn, với tính cách của Khanh Tửu Tửu có họa là uống nhầm thuốc mới nhận lời.
Nhưng không biết Khanh Tửu Tửu nghĩ thế nào.
Gió lay cành liễu, Khanh Tửu Tửu giơ bàn tay trắng ngà, cổ tay đeo chiếc vòng ngọc màu đen túm ống tay áo Công Nghi Phỉ, nghiêng người lấy đà nhảy lên thuyền.
Chiếc thuyến gỗ chòng chành, hai người đứng rất gần nhau, cô đưa chiếc đèn trong tay cho chàng,“Công Nghi công tử chèo thuyền nhất định phải cẩn trọng”.
Tôi nhân cơ hội cũng lên thuyền, đứng một góc, đương nhiên tôi không có trọng lượng, không ảnh hưởng gì tới cái gọi là trọng tải.
Mắt Công Nghi Phỉ lóe sáng, nhưng chỉ thoáng qua, khi thuyền đã chèo ra xa bờ mới khẽ cười: “Tiểu thư lên thuyền thế này thật khiến Phỉ kinh ngạc, lẽ nào không sợ Phỉ có dụng tâm, mạo phạm tiểu thư?”.
Trên chiếc bàn trà nhỏ trong thuyền có hai chiếc gối thủy tinh lóng lánh, Khanh Tửu Tửu đưa mắt ngắm nghía, chậm rãi nói: “Vậy còn để xem Công Nghi công tử có đánh bại được Tửu Tửu không đã”.
Chiếc thuyền chầm chậm dừng lại giữa hồ, Công Nghi Phỉ tay ôm đầu, giả bộ phiền não, “Biết thế này, tại hạ đã không hối lộ thần hồ hai chung rượu, để ông ta nổi sóng lật ngã cả hai ta có phải tốt không”.
Cô chống tay vào má, mắt nhìn mặt chàng: “Thế nào?”.
Chàng rời chỗ đến ngồi đối diện cô, chỉ cách chiếc bàn trà nhỏ, tay cầm chung rượu đã rót: “Tiểu thư có thật lòng muốn biết?”.
Hình như cô suy nghĩ thật, ngẩng nhìn chàng, hỏi lại: “Thế nào?”.
Ánh mắt chàng từ chung rượu gốm màu xanh di chuyển đến mặt cô, không cười nữa, trầm tĩnh nhìn cô: “Tiểu thư thân thủ cao cường, thầm nghĩ lúc này chỉ có như vậy mới có thể đến gần tiểu thư. Tâm nguyện của Phỉ rất bé nhỏ, sau khi chia tay ở núi Cô Trúc, bấy lâu chỉ mong có dịp đến gần tiểu thư một chút”.
Sự thổ lộ đường đột mà khéo léo, quá một chút là giống đùa cợt, bớt một chút là đối phương không hiểu mình nói gì, tôi thầm tán thưởng, Công Nghi Phỉ đúng là thiên tài về khoản này.
Theo tưởng tượng của tôi Khanh Tửu Tửu sắc mặt lúc nào cũng không biểu cảm có lẽ sẽ giả bộ không nghe thấy, vậy là Công Nghi Phỉ đã thổ lộ uổng công.
Nhưng cũng may, chuyện trái với quy luật tiểu thuyết tình cảm đó không xảy ra.
Khanh Tửu Tửu nãy giờ chống má, bàn tay nghịch chiếc gối thủy tinh thoáng dừng, từ từ ngồi thẳng người, ánh mắt hơi ngạc nhiên, trầm tĩnh nhìn Công Nghi Phỉ, phía xa vẳng đến tiếng tiêu đồng, cô cầm cái gối nghiêng người nhích lại gần chàng, hai người gần nhau trong hơi thở, tư thế rất âu yếm nhưng giọng cô lạnh băng: “Chàng muốn cứu tôi một phen? Có phải chàng thực lòng muốn thế?”. Đôi mắt trong như nước mùa thu của chàng xao động.
Cô xích lại gần hơn, môi cơ hồ chạm vào tai chàng: “Nếu tôi nhảy xuống, chàng có cứu thật không?”. Cô hơi nghiêng đầu, né ra một chút, giọng rất thanh rất nhạt, không nhận ra cảm xúc: “Tôi không biết bơi, chàng không cứu, tôi sẽ chết”.
Một món tóc xõa trên trán cô, Công Nghi Phỉ nắm lấy, chàng cúi đầu, nhìn không rõ biểu cảm, giọng ôn tồn: “Lời nói ra như giễu cợt Phỉ mỗ, tiểu thư cảm thấy tâm ý của Phỉ... quá nực cười? Hay là cảm thấy Phỉ không biết tự lượng sức...”.
Lời chưa dứt, món tóc tuột khỏi tay chàng, “ùm” một tiếng, nước như hoa bắn lên mạn thuyền, qua làn nước hoa vọt lên, thấy bóng trắng như đóa hoa sen đã chìm xuống hồ. Lại “ùm” một tiếng, nước trào lên, Công Nghi Phỉ đã ôm Khanh Tửu Tửu đang ho sặc sụa vì sặc nước lên thuyền, y phục hai người ướt sũng, mặt Công Nghi Phỉ tái nhợt: “Tiểu thư...”.
Khanh Tửu Tửu đang vuốt ngực, giơ tay nắm vạt áo Công Nghi Phỉ, trong đôi mắt lạnh có bóng trăng: “Tôi chưa bao giờ đùa ai”. Lại ho một tiếng, “Chàng cũng đừng đùa tôi”. Mặt áp lại gần chàng, hơi thở cách trong gang tấc, “Đã vậy, mười ngày sau đến Khanh gia cầu hôn tôi”.
Câu nói bất ngờ đáng kinh ngạc, nhưng dưới ánh trăng Khanh Tửu Tửu người ướt sũng nhìn chàng đăm đăm: “Chàng có bằng lòng?”.
Ánh mắt trong veo của chàng xao động, không trả lời ngay. Cô lạnh mặt đẩy chàng ra, giọng lạnh thấu tận xương: “Không bằng lòng ư? Những lời nhớ nhung chàng nói vừa rồi quả nhiên là dối trá. Nhưng Vĩnh An Khanh Tửu Tửu không phải là người chàng muốn giễu là giễu, Công Nghi công tử”.
Vẻ sửng sốt của chàng cuối cùng trở lại bình thường, mặt hồ xanh sẫm dưới trăng, nụ cười dâng đầy trong mắt: “Sao có thể? Mười ngày sau, ta đến cưới nàng”.
Chàng nắm tay cô, miệng hơi nhếch, “Ta chưa thích một ai, nhưng Tửu Tửu, ta vừa nhìn thấy nàng đã cảm thấy nàng phải là của ta”.
Cô ngoảnh đầu, nhìn chiếc đảo nhỏ không xa trên mặt hồ, “Chàng nhìn thấy các cô gái thanh lâu, cũng cảm thấy họ phải là của chàng à?”.
Chàng bật cười: “Họ không phải là của ta, nàng thấy đấy, nàng thích ta cũng không tranh với nàng”.
Cô ngoảnh lại, vẻ trầm tư, lát sau lấy ra chiếc vòng ngọc đen trên cổ tay: “Đến ngày hẹn cha muốn thiếp ca vũ kén chồng. Chàng hãy đến xem thiếp múa, phổ một khúc hay hơn trình cho cha, như vậy chàng sẽ lấy được thiếp. Cha thiếp từng ca ngợi văn tài của chàng, đáng tiếc lần này kén chồng không phải là vịnh thơ gieo vần, về nhạc lý được cha khen hay, thiên hạ hiện chỉ có Trần thế tử Tô Dự”.
Chàng tươi cười nắm tay cô: “Ý nàng là muốn ta nhờ biểu đệ giúp?”. Lại giả bộ thở dài, “Ta bình sinh không thích đi với hắn, vạn nhất lúc đó nàng lại thích hắn, cha nàng thích hắn, thì biết làm sao? Ta không muốn động thủ với hắn”.
Cô để chiếc vòng vào tay chàng: “Hãy nhớ chàng đã nói gì, chàng nói thiếp là của chàng, vậy hãy giành thiếp về cho mình, đừng làm thiếp thất vọng”.
Gió thổi qua, con thuyền nhỏ đung đưa, chàng ôm cô: “Lúc nhảy múa nên mặc nhiều xiêm áo, dừng để kẻ khác được hời”. Hai tay cô buông thõng từ từ giơ lên, ôm lấy tấm lưng thanh tú của chàng, chàng cơ hồ cứng người, ôm cô chặt hơn. Cằm cô tì vào bờ vai ướt của chàng, mắt mở to, nhìn lên vầng trăng xa xăm trên trời.
Đây là một đôi uyên ương quan hệ phát triển nhanh chóng nhất sau lần gặp đầu tiên mà tôi từng thấy, không hiểu tiếng sét ái tình là thế nào, làm sao biết người mình cần là người này chứ không phải người kia, không phải một người khác, lời hứa lúc này về sau quên hết? Tôi có ý nghĩ như vậy, chủ yếu là nhớ tới người vợ chính thức của Công Nghi Phỉ tám năm sau chính là Công Nghi San, con gái của nhị thúc chàng. Đã biết kết cục như vậy, cuộc cầu thân này sao có thể thuận buồm xuôi gió?
Nhưng bất luận thế nào, mười ngày cũng trôi qua rất nhanh.
Sáng sớm hôm đó, xung quanh chiếc đài cao tế thần của Khanh gia ở Vĩnh An tụ tập rất đông công tử các bậc thế gia trong thiên hạ, Khanh Tửu Tửu toàn thân áo trắng giản dị, mặt dửng dưng đứng trên đài cao trước một đỉnh hương lớn bốc khói.
Những chàng công tử bên dưới tế đàn có người đến đây vì tài sản của Khanh gia, có người vì nhan sắc của cô, duy nhất một người đến vì cô. Nhưng khi cô tìm thấy chàng trong đám đông lại không tỏ vẻ vui mừng, trái lại tay chống vào trán, đôi môi đỏ chỉ khẽ mấp máy, mệt mỏi nhắm mắt như bị kiệt sức. Nhạc sư bên cạnh bắt đầu tấu nhạc. Tôi nghe rất rõ, cô nói: “Vẫn đến sao?”.
Đồng thời tôi sực nhớ đến một tin đồn từ mấy năm trước, rằng họ Khanh ở Trần quốc có một thiên kim có tài ca vũ nức tiếng thiên hạ, thầm nghĩ chắc là Khanh Tửu Tửu này. Chỉ là về sau không nghe thấy tin tức gì về tài ca vũ của cô, cho nên thiên hạ không bị chấn động hơn nữa, nhưng ca khúc phối với điệu múa của cô gọi là “Thanh hoa huyền tưởng” một thời rất nổi tiếng, ngay đến một vùng hẻo lánh như núi Quân Vu thỉnh thoảng cũng nghe thấy người ta ngân nga vài câu, có thể thấy nó vô cùng thịnh hành.
Điều bất ngờ là ca khúc được đồn thổi thần kỳ đó thực ra cũng bình thường, cơ hồ chỉ hơn các ca khúc của ca kỹ chút đỉnh, chỉ có vậy mà đã chấn động, có thể thấy thiên hạ quá dễ chấn động.
Càng bất ngờ hơn đó là hôn sự của hai người lại không hề gặp trở ngại, tất cả các thủ tục rườm ra như vấn danh, ăn hỏi, đều được giản lược loại bỏ, lập tức định ngày thành hôn, thuận lợi đến mức khó tưởng tượng. Nhưng tôi biết kết cục của câu chuyện, kết cục là Khanh Tửu Tửu chết.
Điểm lại một lượt, tôi cơ hồ ngửi thấy hơi hướng của âm mưu nào đó, nhưng do bản tính tương đối thuần khiết, lại cho chẳng qua do mình hay nghĩ lung tung.
Mặc dù ngày thành hôn đã định vào tháng sau, nhưng đêm đó, Công Nghi Phỉ không về ngay Bối Trung để chuẩn bị. Tôi từng đọc một cuốn tiểu thuyết của Quân Vỹ, kể về một vị công tử phong lưu, đang đêm khuya nhảy tường vào hậu viên của ý trung nhân, hái một cành mai trắng để trước cửa sổ phòng cô. Kết quả hái đúng cành dị mai, khiến ý trung nhân ngủ suốt ngàn đêm.
Khi nhìn thấy bóng áo trắng của Công Nghi Phỉ vọt qua tường cao nhảy vào hoa viên của Khanh phủ, giơ tay hái cành phong linh màu tím trên tường, tôi cảm thấy hôm nay đã gặp được một độc giả nhiệt thành của Quân Vỹ.
Đáng tiếc Khanh tiểu thư không yếu như cô gái trong truyện đó, dưới một gốc cây to trong hoa viên, tiểu thư đang một mình tập múa, giọng rất lạnh, ca từ đúng là ca khúc “Thanh hoa huyền tưởng”, nhưng nghe khang khác.
Đột nhiên cô cảm giác phía sau có người nhìn, khi quay lại, con dao nhỏ kẹp giữa hai ngón tay tức thì phi ra, lúc nhìn rõ là Công Nghi Phỉ, con dao đã ở cách chàng ba thốn(2), một cái né người rất đẹp, con dao sượt qua tóc, cô tái mặt, ngẩng đầu nhìn chàng: “Chàng làm gì ở đây?”.
Công Nghi Phỉ tư phong ngời ngời đứng trên bờ tường, trong tay là cành phong linh vừa hái, chỉ bị bay mất mấy sợi tóc: “Còn nàng đang làm gì?”. Hơi cúi xuống nhìn cô, “Ca khúc nàng hát dường như là ca khúc hôm nay ta trình lên nhạc phụ”. Ngừng lại, bổ sung thêm, “Đừng nói nàng không biết ca khúc đó do ai soạn”.
Vừa nói vừa nhảy từ trên tường xuống, nhẹ nhàng cài cành phong linh lên tóc cô, càng làm nổi bật mái tóc đen dài óng mướt của cô. Cô ngẩng đầu nhìn chàng, mắt long lanh, nhưng chỉ thoáng qua, tay chàng đặt lên vai cô, cô nghiêng đầu nhìn cảnh sắc trong vườn, “Do chàng soạn thì sao? Cha lại chọn khúc này, trình độ thưởng thức của cha quả đã giảm sút rồi”.
Chàng cười càng tươi, cúi đầu ghé sát tai cô: “Thế đêm khuya nàng hát ca khúc kém cỏi của ta, rồi biên ra điệu vũ phối hợp với nó, rồi tập múa một mình, rốt cuộc nàng đang đợi ai?”.
Cô hơi cau mày: “Chẳng đợi ai hết”.
Chàng lẩm bẩm: “Thì ra đúng là điệu múa soạn riêng cho ca khúc này.”.
Cô ngây người, mặt lạnh lùng tỏ ra phẫn nộ, quay người định bỏ đi, bị chàng kéo lại, ngược ánh trăng nhìn ra, trong ánh sáng mờ mờ là một khuôn mặt dịu dàng thâm tình: “Ta muốn xem nàng múa, Tửu Tửu. Sáng nay là múa cho bọn họ xem, đêm nay ta muốn nàng múa cho mình ta xem”.
Những lời tình tứ thẳng thắn như thế có thể sẽ khiến các cô gái bình thường khó xử, nhưng Khanh Tửu Tửu không phải là cô gái bình thường, trên mặt không hề có vẻ ngượng ngùng, trái lại nhìn chàng đăm đăm, cất giọng thanh thanh: “Chàng nói phải, thiếp tập múa nhiều năm như vậy là muốn múa cho chàng xem, quả thực thiếp đang đợi chàng đến”.
Tôi cảm thấy mỗi lần Công Nghi Phỉ trêu chọc cô mục đích là muốn cô trêu chọc lại. Một cô gái như thế, trí tuệ tuyệt đối không kém ai, ngay cách trêu đùa cũng thật thông minh thú vị.
Những lời tình tứ thẳng thắn đó được cất lên bởi một giọng thanh lạnh như vậy, giống như băng tuyết tan khi xuân về, róc rách chảy ra từ khe núi, nghe thật sảng khoái dễ chịu.
Ngọn lửa cháy dần trong mắt Công Nghi Phỉ, nhưng cô không nhận ra, thản nhiên nhìn chàng: “Sau đêm nay thiếp sẽ không múa khúc này nữa”. Cô nhìn sâu vào mắt chàng, “Thực ra thiếp không hề thích múa. Những bước vũ này nhờ chàng nhớ giúp”.
Âm nhạc quen thuộc vang lên, rất nhiều chỗ khác, nhưng càng dạt dào viên mãn, nhạc điệu cơ bản vẫn là khúc Thanh hoa huyền tưởng, nhưng lúc này lại nhìn thấy một vũ điệu khác hẳn ban ngày.
Thân hình mảnh mai khẽ uốn mềm như sóng, tựa như có ba ngàn sợi tơ phiền muộn vấn vít gót chân, tựa bị mười trượng hồng trần mềm mại trói chặt, những ngón tay lại như nở đóa hoa xuân, đây mới là điệu vũ xứng với bốn chữ “danh chấn thiên hạ”. Những ngón tay thanh tú của Công Nghi Phỉ không ngừng lướt trên dây đàn, mắt mơ màng phiêu lãng... âm điệu cuối cùng, cô đứng trước mặt chàng, trán lấm tấm mồ hôi, khuôn mặt vốn trắng như tuyết giờ ửng hồng. Cô hơi ngẩng đầu nhìn chàng, “Đây là một đêm vui nhất của thiếp, sau này nhớ lại cũng sẽ rất vui”.
Chàng cười đứng lên, vuốt tóc cô, mũi chạm vào cành hoa phong linh trên tóc cô: “Đêm vui nhất phải là đêm nàng thành hôn với ta”.
Tôi đắm chìm trong vũ khúc “Thanh hoa huyền tưởng” đó, mãi không thoát ra được, cảm thấy đây là điệu múa có hồn duy nhất tôi từng xem. Từ nhỏ sư phụ dạy tôi mỗi môn nghệ thuật đều có linh hồn, nghệ không có linh hồn, nhưng nghệ thuật có linh hồn.
Một tháng trước hôn lễ, họ luôn bên nhau. Lúc này ngoài xã hội đang thịnh hành ca khúc “Trăng bên hiên”, nghe đồn đó là do Công Nghi Phỉ sáng tác trong lúc chếnh choáng hơi men để tặng vị hôn thê của mình: “Trước hiên lạnh bóng cây lồng bóng nguyệt, hoa rụng đầy theo gió cuốn về đâu...”, được thanh niên nam nữ truyền nhau hát.
Tôi cảm thấy yêu nhau hà tất cứ phải ngồi ngoài hiên, nếu thật sự thích một người, người đó ở đâu, thiên đường ở đó, đừng nói ngắm sao, cho dù trong bóng tối dựa vào nhau cũng hạnh phúc... nhưng lập tức lại phát hiện so sánh như vậy không đúng lắm, so với ngắm sao đàn ông đương nhiên càng thích ngồi dựa vào cô gái trong bóng tối hơn.
Thực ra tôi vẫn đang chờ đợi, chờ đợi câu chuyện này lao thẳng xuống vực như xe ngựa đứt dây cương. Bởi vì kết quả đã biết là thảm khốc, quá trình càng suôn sẻ chỉ càng khiến người ta thêm hồi hộp thót tim.
May mà một tháng cũng không lâu, đoạn ký ức này giống như tia sáng vụt qua trước mặt.
Chiếc xe ngựa mất phanh cuối cùng dừng lại trước đêm thành thân, những chuyện không nên xảy ra lại lặng lẽ xẩy ra như định mệnh.
Khi Công Nghi Phỉ toàn thân áo chùng tân lang đỏ chói, miệng mỉm cười ngũ quan rạng rỡ lật khăn trùm đỏ của tân nương, đúng lúc đó thần định mệnh trước nay vẫn ngủ gật đột nhiên mở mắt.
Dưới mũ phượng ánh vàng lóng lánh, Khanh Tửu Tửu làn da trắng như tuyết tóc không vấn, mặt không trang điểm, hơi nghiêng đầu không biết nghĩ gì. Ánh nến đột ngột chiếu vào mắt, cô giơ tay, nhắm mắt cơ hồ như vô thức, Công Nghi Phỉ bật cười, đưa chén rượu hợp cẩn đến trước mặt cô: “Mặc dù trước nay ta vẫn yêu vẻ tố nhã thanh đạm của nàng, nhưng nàng cũng không nên vì muốn chiều ý ta mà ngay ngày thành hôn cũng trang điểm giản dị như vậy”.
Cô ngây người nhìn cốc rượu trước mặt, mắt dần dần trở nên hốt hoảng, lát sau không trả lời câu hỏi của chàng, mà lại gọi tên chàng, “A Phỉ”.
Cô hơi ngẩng đầu, lạnh băng nhìn vào đôi mắt tươi cười của chàng, “Đệ định uống rượu hợp cẩn này với chị ruột của mình sao?”.
Cặp nến long phượng đốt trên cao đúng lúc bùng ra một nắm hỏa tinh, chiếc cốc bạc trong tay Công Nghi Phỉ dừng lại trên không, trên trời đột nhiên bùng nổ một tiếng sấm kinh hoàng, thời gian ngưng lại trong tiếng sấm đó, chỉ có những ngọn nến vẫn cháy rừng rực. Công Nghi Phỉ vẫn cầm chiếc cốc bạc nghiêng người để lên bàn trà, định giơ tay buông bức rèm màu trắng trước giường.
Giọng cô căng thẳng, như níu giữ tay chàng: “Đệ còn nhớ mình có một người chị song sinh, tôi cũng chưa quên trên đời có một tiểu đệ cùng huyết thống. A Phỉ, thực ra chính đệ cũng thấy lạ, tại sao trông tôi giống đệ hơn là giống A Ninh, đúng không?”. Cô chờ chàng từ từ ngoảnh lại, “Bởi vì Khanh Ninh không phải là tiểu đệ của tôi, đệ mới là tiểu đệ của tôi. Chúng ta cùng huyết thống, là hai người cốt nhục gần gũi nhất trên thế gian”.
Trong ánh nến hồng, sắc mặt Công Nghi Phỉ trắng dần, khóe miệng vẫn nở nụ cười dịu dàng: “Tửu Tửu, nàng mệt rồi”.
Cô nhìn sâu vào mắt Công Nghi Phỉ, từ từ nhắm mắt như quá mệt mỏi: “Tại sao đệ không tin?”.
Chàng không nói.
Cô đứng dậy rời khỏi giường tân hôn, giày mềm bằng tơ đỏ giẫm lên chiếc bậc hình mặt trời để trước giường: “Ngôi trưởng tộc của Công Nghi gia không dung thứ song sinh, mười tám năm trước, tôi là kẻ bị vứt bỏ, thập tử nhất sinh sống lại chính là để hôm nay lấy lại những gì thuộc về mình. Tình cờ gặp gỡ, ca vũ kén chồng, từ đầu đến cuối tất cả đều được sắp đặt”. Hai người cách nhau không đầy ba bước, cô dừng lại nhìn thẳng vào chàng, “Chiếc gậy hình đầu rắn màu đỏ khảm hoa phật tang tượng trưng cho quyền lực của gia tộc Công Nghi do hai mảnh ghép lại, vợ chồng trưởng tộc mỗi người giữ một nửa. Đệ xem, ngoài lấy đệ, không nghĩ ra cách nào tốt hơn để tôi đường hoàng quang minh trở về Công Nghi gia, đường hoàng lấy lại những gì thuộc về tôi”.
Không gian như xẻ làm hai nửa, một nửa trôi chầm chậm, một nửa dừng lại, trong nửa dừng lại đó, sắc mặt Công Nghi Phỉ càng trắng bệch, cơ hồ không thể giả bộ cười được nữa.
Những lời đó sắc tựa dao, hơn nữa mỗi nhát đều là đòn chí mạng, phụt máu tươi, nhưng cô nhìn thần sắc trắng bợt như bị mất máu quá nhiều của chàng, giọng lại vẫn bình tĩnh như không: “Tôi đã biết đệ từ trước, từ trước khi đệ nhìn thấy tôi, hôm đó tôi cố tình đợi đệ ở Cô Trúc sơn, cố tình đánh rơi chiếc vòng ngọc, đệ tưởng tất cả là ý trời, nhưng ý trời lại chỉ là để chúng ta vừa sinh ra đã gánh chịu số mệnh bi thảm này”.
Công Nghi Phỉ sững người nhìn cô, đôi mắt trong như nước mùa thu, đào hoa sóng sánh, giờ đây đào hoa không còn, nước mùa thu cũng cạn. Ngũ quan tuấn mỹ phong lưu ngày xưa giờ trắng nhợt, nhưng vẫn cười một tiếng, nhìn vào khoảng không: “Ta vẫn nhớ, lúc đó nàng nói với ta, nàng không biết bơi, nếu ta không cứu, nàng sẽ chết”.
Thần sắc nhàn nhạt, cô nói: “Tôi lừa đệ”.
Chàng dừng một lát, lại tiếp: “Khúc ‘Thanh hoa huyền tưởng’ đó, nàng nói là tập đã lâu, đang chờ ta đến, muốn múa cho ta xem”.
Cô vẫn lạnh lùng: “Tôi lừa đệ”.
Chàng như không nghe thấy: “Đêm đó nàng nói đó là đêm vui nhất của nàng, sau này nhớ lại...”.
Cô ngắt lời: “Tất cả đều là lừa dối”, dừng một lát, trầm tư nhìn chàng, “Bộ dạng đệ thế này là đang hận vì mắc lừa tôi sao? Tôi đã cho đệ cơ hội, nhưng đệ lại bỏ qua”.
Đứng đối diện với nhau như vậy, chàng cao hơn cô một cái đầu, trông rất giống một đôi Kim Đồng Ngọc Nữ. Chàng hơi nhướn mi, mày hơi cau, lại không nói gì. Cô nghiêm nghị nhìn chàng một lát, bất chợt cau mày: “Cho phép tôi đoán thử, phải chăng là đệ thích tôi thật?”.
Chàng ngẩng phắt đầu.
Cô nhìn thẳng vào mắt chàng: “Tôi nói đúng không?”.
Chàng nhếch mép: “Nàng nói xem?”.
Cô lạnh lùng nhìn chàng: “Buồn nôn”.
Câu này nhất định làm tổn thương Công Nghi Phỉ, dưới ánh nến, mắt chàng thâm trầm như biển, môi không sắc máu, lát sau bật cười một tiếng, một tay kéo cô ngã vào trong tấm chăn lớn màu đỏ.
Lại một tiếng sấm rền, khiến bức rèm trước giường rung lên, cũng lóng lánh như bức rèm châu treo trước sơn môn núi Cô Trúc. Tay chàng chống bên cạnh mái tóc buông xõa của cô, cúi nhìn cô, đôi môi không sắc máu nhếch lên đường cong theo thói quen, áp gần miệng cô: “Đêm xuân một khắc ngàn vàng, trước đây ta đã nghĩ câu nói này quá tục, định trong đêm tân hôn sẽ nói với nàng những lời hay hơn, đêm nay, bỗng nhiên cảm thấy những ý nghĩ đó thật nực cười, Tửu Tửu, những điều nàng nói, nàng tưởng là ta sẽ tin sao?”.
Tôi nghĩ chắc cô không ngờ đột nhiên bị chàng đẩy ngã, đến nỗi mãi không phản ứng được gì. Thầm nghĩ, Khanh Tửu Tửu thân thủ cao cường, cũng rất có thể một tay đẩy Công Nghi Phỉ đè lên người mình ra, đánh cho một trận, nếu vậy, cuộc động phòng này quả thật sẽ vô cùng thú vị.
Nhưng đợi mãi, không thấy cô ra tay, chỉ bình tĩnh nhìn lên đỉnh màn. Môi chàng áp gần má cô, cũng không thấy có hành động nào tiếp. Nói không tin là một chuyện, nhưng tôi nghĩ, chung quy chàng ta vẫn để bụng những điều cô nói, nếu không đã không bị tổn thương như vậy, nếu không đã vượt qua vạn hiểm hoàn tất đêm động phòng. Mà cái gọi là vạn hiểm đó rõ ràng không thể bao gồm hai người là ruột thịt. Đây là số mệnh, nếu chưa nghe chưa biết chưa có khả năng phản kháng thì số mệnh chung quy vẫn là số mệnh.
Bóng rèm khẽ lay, vẫn là cô lên tiếng phá vỡ bầu không khí yên lặng, thần thái hoàn toàn bình thản, như thể chàng lúc này không làm bộ thân mật âu yếm áp sát vào cổ cô, như thể hai người pha một ấm trà lạnh đang trịnh trọng tâm sự: “Từ lúc tôi hiểu biết đến giờ, lớn lên trong kỹ viện, từ ba tuổi đã bắt đầu học múa. Kỹ viện không phải là chốn bình thường, múa đẹp mới có miếng ăn, múa kém là đói bụng. Hai, ba tuổi còn đỡ, càng lớn càng phải làm nhiều việc nặng. Hồi đó thường phải làm lụng mọi việc trong khi bụng đói. Tôi rất ghét múa. Nhưng ngoài múa, múa đẹp, đẹp nữa, không còn con đường nào khác, khi sáu tuổi tôi đã nghĩ nên tìm một nghề khác để kiếm sống, không phải bán thân. Khi sáu tuổi, đệ nghĩ gì, A Phỉ?”. Giọng cô vẫn không đổi. Đây là lần đầu tôi thấy cô nói nhiều như vậy.
Công Nghi Phỉ không trả lời, cơ hồ cô cũng không bận tâm chàng có trả lời hay không: “Lúc tôi tám tuổi, cha nuôi mua tôi về, tôi mới hiểu thì ra tôi cũng có cha mẹ, cha tôi vẫn sống yên lành trên đời, ông ấy có thể nuôi tôi nhưng lại vứt bỏ tôi vì một tội lỗi tôi không gây ra. Mẹ lén cứu tôi, nhưng vì vậy bị cha lạnh nhạt, sau đó buồn phiền qua đời. Mẹ giấu tôi ở một nơi tự cho là an toàn, không ngờ cuối cùng tôi phiêu dạt vào kỹ viện. Một người duy nhất muốn tôi sống trên đời đã ra đi, mẹ của chúng ta, đời tôi chưa một lần được gặp mặt”. Cô ngừng lại, “Nhưng con gái của Ung Cẩn công chúa sao có thể trở thành ca kỹ, xem ra có vẻ quá hoang đường, nhưng suýt nữa, nếu cha nuôi không tìm thấy tôi, chuyện như vậy đã xảy ra. Có lẽ đệ sẽ gặp tôi ở một kỹ viện nào đó, bỏ ra ba ngàn lẻ năm đồng vàng mua đêm đầu tiên của tôi như mua những cô hoa khôi đó...”.
“Đừng nói nữa”. Công Nghi Phỉ ngẩng đầu khỏi vai cô, một tay ôm trán, nhắm mắt cười một tiếng, “Hoặc là để người ta chỉ yêu nàng, hoặc là để người ta chỉ hận nàng, Tửu Tửu, nàng như thế, thật không hay”.
Cổ áo cô hơi trễ, thản nhiên nhìn chàng. Tôi không biết cô nói vậy rốt cuộc có nên coi là quyết làm đến cùng hay không, thực ra không phải là cô không bộc lộ tình cảm mà là hoàn toàn không có tình cảm. Lát sau, cô nhẹ giọng: “Đệ vẫn không tin chúng ta là ruột thịt ư? Phải thế nào đệ mới tin?”.
Lời vừa dứt đột nhiên tay rút chiếc trâm trên đầu. Chàng vội giơ tay ngăn lại, cán châm nhọn rạch một vết trên tay chàng, chàng để tay cô vào trong chăn: “Trích máu nhận người thân? Nàng nói đúng, huyết dịch không đánh lừa ai”. Môi chàng áp gần tai cô, “Vạn nhất nếu đúng thì sao. Tửu Tửu, ta không tin nàng là chị ta. Nàng mệt rồi, ngủ đi”.
Ánh nến kéo dài bóng chàng. Cô nằm trong chăn, chiếc trâm vàng nổi bật trên nền chăn đỏ tràn ngập bầu không khí tân hôn, nhưng phòng tân hôn đã không còn tiếng người. Cô chớp mắt, giơ chiếc trâm có dấu máu mờ mờ, nắm chặt trong tay.
Khanh Tửu Tửu nói cô đến đây vì quyền lực, cô đang nói dối. Nếu chỉ vì quyền lực, có thể dùng cách khác, không cần đánh đổi bằng hạnh phúc cả đời. Nhưng cô đã lựa chọn lấy Công Nghi Phỉ, đó là sự điên rồ. Nếu có một thứ có thể khiến người ta điên rồ như vậy, chỉ có thể là lòng hận thù và ý muốn hủy diệt. Quá yêu và quá hận ở một mức độ nhất định cũng như nhau, lâu dần biến thành tín ngưỡng, nếu vậy, yêu và hận thực ra đều mất đi ý nghĩa tự thân của nó.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy, có lẽ họ đúng là ruột thịt. Nếu không, tại sao cô phải đánh lừa Công Nghi Phỉ như thế?
Đoạn ký ức tiếp theo chỉ lướt qua, nhưng lại giúp tôi nhìn thấy dấu hiệu lụn bại của gia tộc Công Nghi. Trưởng tộc mất sớm như vậy, đem cả đại gia sản như thế trao vào tay Công Nghi Phỉ mới mười hai tuổi, do hai vị thúc thúc phò tá.
Hai vị đó mỗi vị nắm một phương thế lực, nếu không phải do Công Nghi Phỉ khi làm lễ kế vị trưởng tộc đã cắt máu tuyên thệ với thần hộ vệ Thiên Hà, có khả năng sai khiến Thiên Hà, thì hai vị thúc thúc đã sớm đuổi đứa cháu mồ côi khỏi ngôi trưởng tộc. Cũng may Trần vương đời này tử tức hiếm hoi, chỉ có hai trai một gái, mà công chúa duy nhất đó lại nhỏ tuổi hơn Công Nghi Phỉ quá nhiều, vì thế Công Nghi Phỉ vốn từ lúc ra đời đã được định sẵn sẽ kết hôn với một công chúa của Trần vương mới được tự do hôn nhân, có thể tùy ý lựa chọn hôn thê.
Công Nghi gia xưa nay hành sự bí hiểm, thông hôn cận huyết mà thiên hạ cho là loạn luân đối với họ cũng bình thường, hơn nữa có thể thông hôn trong cùng một chi và thông hôn giữa các chi trong tộc. Hai vị thúc thúc mỗi người có một cô con gái, đều toan tính muốn gả cho đứa cháu trưởng tộc để củng cố quyền lực.
Nhưng người tính không bằng trời tính, họ quên là thiên hạ rộng lớn, mỹ nhân không hiếm, hơn nữa với địa vị gia thế và bản thân con người Công Nghi Phỉ sự lựa chọn dành cho chàng không phải là một, hai, mà là cả biển người. Vậy là trong khi hai vị thúc thúc đánh nhau vỡ đầu chảy máu để gả con gái cho đứa cháu, thì đứa cháu đã nhẹ nhàng rước đại tiểu thư Khanh Tửu Tửu của Vĩnh An Khanh thị vào phủ đệ của gia tộc.
Cô gái áo trắng lạnh như băng tạc đến đây để báo thù. Những quyền lực mà hai người đó tranh giành được xây dựng trên cơ nghiệp bao đời của gia tộc Công Nghi, nếu gia tộc bị hủy hoại phỏng còn gì để tranh giành. Có lẽ khi đó họ không nghĩ đến điều này.
Ngoài đêm tân hôn Công Nghi Phỉ ngủ ở trong thư phòng, hôm sau chàng sai gia nhân chuyển một cái giường mềm vào tân phòng, coi như quên hẳn chuyện đã xảy ra, đêm đêm ngủ trên chiếc giường đó.
Cô coi chàng là tiểu đệ, nhưng chàng chưa bao giờ gọi cô là tỷ tỷ, dường như cô là chính thê thật sự của chàng, để chàng trân trọng cưng chiều, sủng ái.
Mặc dù ngày ngày gặp mặt, nhưng thỉnh thoảng lại có gia nhân mang quà đến cho cô, một con bọ ngựa kết bằng cỏ lau, một con chim yến cắt bằng giấy vàng, những món đồ chơi tuy vụn vặt nhưng phải dụng công, tỷ mẩn, đường hoa ngõ liễu không còn thấy bóng chàng, các cô gái lầu xanh thở dài.
Khanh Tửu Tửu cau mày nhìn chàng: “Trước đây đệ thế nào, thích cô ca kỹ nào, có thể mời về đây mấy ngày, không cần phải giày vò bản thân”. Chàng cười khẩy: “Nàng thật khoan dung”.
Khanh Tửu Tửu muốn làm gì, người ta cũng đoán được ít nhiều. Điều tôi quan tâm nhất trong câu chuyện này ngoài cô và Công Nghi Phỉ còn có Công Nghi San con gái của nhị thúc chàng.
Trong ấn tượng của tôi, cô gái đó luôn mặc áo hồng, có khuôn mặt như hoa tường vi, kiều diễm và rực rỡ như mặt trời giữa trưa hè. Quá khứ tôi nhìn thấy là thế này, nhưng trong hiện thực bảy năm sau lại là Khanh Tửu Tửu đã chết, Công Nghi San là chính thê của Công Nghi Phỉ.
Vốn nghĩ có kết quả như vậy, có lẽ là do từ nhỏ cô ấy đã yêu Công Nghi Phỉ. Nhưng xem hết đoạn ký ức này mới biết sự thật không phải thế, lúc này Công Nghi San yêu một thuộc hạ của tam thúc tên là Mạc Trọng, hai người lén tư tình, thề non hẹn biển, thậm chí hẹn nhau bỏ trốn. Tất cả đã sắp đặt xong xuôi, nhưng Mạc Trọng trong một lần đi làm nhiệm vụ ở Đường quốc đã bị đâm chết do sơ suất của Công Nghi Hàm con gái của tam thúc, để lại Công Nghi San đã mang thai hai tháng.
Hai tháng sau, khi hầu nữ Họa Vị từ Khanh gia đi theo hầu Khanh Tửu Tửu bẩm báo sự việc với cô, Khanh Tửu Tửu đang ngồi trong đình hóng mát bên đầm cho cá ăn, nghe tiếng thong thả ngẩng đầu: “Những người biết chuyện Mạc Trọng và San tiểu thư không biết giữ miệng, ngươi biết nên làm thế nào chứ?”.
Họa Vị mím môi cười gật đầu: “San tiểu thư tính tình nóng nảy, gặp chuyện thế này, Hàm tiểu thư e là xúi quẩy rồi, nhị lão gia và tam lão gia nhiều năm tranh giành với nhau nhưng cũng không có thù oán lớn, xích mích nhỏ không đáng kể, lần này chính là thời cơ tốt khiến họ huyết hải thâm thù. Chuyện xảy ra vào lúc này thật đúng là ý trời, không cần tiểu thư nhọc công bố trí ván cờ, tiết kiệm được khối công sức”. Ngừng một lát, nói tiếp: “Nhưng tiểu thư, tiểu thư thế này e là quá nhọc lòng, cái giá phải trả quá lớn, không giống phong cách quyết liệt vốn có của tiểu thư”.
Cô vung tay ném hết chỗ thức ăn cho cá, rồi bám vào cột hoa đình bên cạnh, nói giọng nhẹ tênh: “Trên đời có những người tài, có thể đạp gió cưỡi sóng, giữ cho cả tòa nhà lớn không đổ. Nhưng nếu tòa nhà đó bị mối mọt đục dần từng chút bên trong, cô nói xem ai có thể cứu vãn số phận sụp đổ tan tành của nó?”.
Cô nhìn chiếc cột đình vững chắc, tay kia chầm chậm đưa lên xoa thân cột nhẵn bóng, ánh mắt hướng lên xà ngang chạm trổ tinh xảo, thong thả nói: “Lúc đó, chỉ cần đẩy nhẹ là nó vạn kiếp không thể phục hồi”.
Mười ngày sau có tin Công Nghi Hàm con gái của tam thúc ngã ngựa chết.
Đêm đó Công Nghi Phỉ không trở về bản gia, phủ đệ của tam thúc nơi cử hành tang lễ cũng không thấy bóng chàng. Dưới ánh trăng thanh mát mẻ, Khanh Tửu Tửu tìm thấy chàng ở lầu xanh lớn nhất thành. Trước sân lầu tiếng đàn sáo rộn ràng, ngợi ca nhân thế phồn hoa, đầm sen ở hậu viên xanh rì ngát hương. Trước tiểu lầu dành cho hoa khôi chỉ có một sân, một lối vào, tiểu nha đầu ngăn cô lại: “Công Nghi công tử và tiểu thư chúng tôi đã đi nghỉ, cô nương dù có việc gì, xin để sáng mai hãy đến”.
Khanh Tửu Tửu sắc mặt dửng dưng, hầu nữ Họa Vị phía sau mỉm cười bước lên: “Phiền cô nương thông báo một câu, nói là Công Nghi phu nhân đang đợi bên ngoài, đêm nay bất luận thế nào cũng nhất định phải gặp công tử”.
Tiểu nha đầu ngạc nhiên nhìn cô, giọng hơi sẵng: “Công Nghi công tử đã dặn không gặp bất kỳ ai, phu nhân mời về cho”.
Họa Vị vẫn tươi cười, sợi dây thép đã ướm vào cổ nha đầu, cô gái hoảng sợ kêu thất thanh, cánh cửa gỗ hồ đào sau lưng cùng lúc mở ra.
Mỹ nhân thanh mảnh toàn thân xiêm áo trắng toát đứng sau cánh cửa khép hờ, mặt vẫn còn sắc hồng hơi rượu, lặng lẽ nhìn cô: “Công Nghi công tử mãi mới ngủ được, đêm khuya trăng lạnh cô nương cớ gì đến quấy rầy giấc mộng của người khác”.
Cô không thèm nhìn cô ta, bước thẳng vào sân, cô gái áo trắng ngây người, định bước tới ngăn cản liền bị Họa Vị đứng bên giữ lại. Một tiếng cười nhẹ vang lên trong sân, rèm hoa buông trước cửa lầu, Công Nghi Phỉ mà chủ tớ hoa khôi vừa rồi nói là đã ngủ giờ lại đang đứng dưới cây ngô đồng sum suê, chàng đi ra khỏi bóng cây, giọng đầy ngờ vực: “Cô đến có việc gì?”.
Khanh Tửu Tửu dừng bước, nhìn chàng từ trên xuống dưới, “Tang lễ của Hàm tiểu muội, thân là huynh trưởng, không ở linh đường bên tiểu muội nốt chặng cuối cùng, lại đến đây tìm lạc thú, còn ra thể thống gì, nếu tam thúc biết sẽ nghĩ sao về đệ?”.
Chàng vẫn cười: “Cô thân chinh đến đây tìm tôi là vì chuyện này?”. Không đợi cô trả lời đã quay gót vén rèm hoa đi vào, chậm rãi nói: “Sênh Sênh tiễn khách!”.
Cô gái áo trắng được gọi là Sênh Sênh đó khóe mắt lóe ánh cười, đang định bước tới, lại bị Họa Vị giữ lại.
Khanh Tửu Tửu liếc nhìn cô ta, lướt qua bộ quần áo trắng muốt giản dị và mái tóc đen chấm gót, cất giọng lạnh lùng: “Nhìn từ xa ăn vận thế này có vài phần giống tôi, A Phỉ, đệ thích tôi đến thế sao?”.
Cô gái áo trắng mặt biến sắc.
Công Nghi Phỉ từ sau rèm hoa sải chân bước nhanh ra, mặt dửng dưng nhìn cô. Bóng trăng xao động, quang ảnh chập chờn, cô bước từng bước lại gần, cách ba bước dừng lại hơi cau mày: “Uống nhiều rượu lắm phải không? Đệ trở nên buông thả từ lúc nào vậy, trước đây đệ đâu có thế?”.
Tay chàng bất thần nắm tay cô, kéo lại gần, khóe mắt lại là nụ cười sóng sánh đào hoa: “Chẳng phải cô đang muốn tôi như vậy hay sao?”.
Cô hơi ngước mắt, lặng lẽ nhìn chàng.
Tay phải chàng khẽ nhấc lên, lát sau đặt vào lưng cô, ôm chặt cô như không thể kìm chế. Cô để cho chàng ôm, để chàng gục đầu lên vai mình.
Chàng khẽ cười bên tai cô, giọng nói lại lạnh như băng: “Rất nhiều lúc nhìn thấy vẻ lạnh nhạt vô tình thế này, tôi đã muốn bóp chết cô cho xong. Cô nói đúng, tôi thích cô đến mức này, có phải cô thấy quá buồn nôn? Trên đời không có yêu hận vô cớ, có lẽ cô nói đúng, huyết duyên đã trói chúng ta vào nhau, khiến tôi đau khổ không thể thoát ra, nhìn tôi thế này hẳn cô vui lắm?”.
Bàn tay chàng đan vào tay cô, xiết chặt, cô lại không vùng ra, bàn tay kia cũng se sẽ nâng lên, cuối cùng vẫn buông xuống. Có lẽ bản thân cô cũng không hiểu tay mình định nắm cái gì. Môi mấp máy, cũng không nói ra được.
Môi chàng ghé sát tai cô, như đã quen sự trầm lạnh của cô, nói khẽ: “Cô muốn cho Công Nghi gia rối loạn, càng rối càng tốt, tôi không đến tang lễ của Hàm tiểu muội, tam thúc sẽ ghét tôi, chẳng phải quá tốt sao? Hàm muội chết thế nào, sau đây cô định làm gì nữa? Không sao, Tửu Tửu, cho dù cô làm tôi điên đầu thế nào, tôi cũng vẫn ở bên cô. Cô đến để báo thù, nếu lời cô nói là thật, tôi đã nợ cô nhiều như vậy…”. Giọng nói lại giống như thầm thì với tình nhân.
Cô chỉ hơi cúi xuống, mặc cho môi chàng in lên tai mình: “Đệ say rồi, A Phỉ”.
Chàng từ từ buông cô ra, trên trời đêm một vầng trăng cô lạnh bàng bạc, chàng nhìn cô, gật đầu cười: “Cô nói đúng, tôi say”.
Ba ngày sau an táng Công Nghi Hàm. Cô gái mới mười bảy tuổi đã phải kết thúc cuộc đời ngắn ngủi, là Công Nghi San đã giết cô ta. Quả thật muốn hỏi trời xanh, ái tình là thứ chi mà khiến người ta tuyệt tình tuyệt nghĩa, nhẫn tâm như vậy.
Nửa tháng sau Bối Trung bước vào tháng tám nắng gắt, Công Nghi Phỉ trước nay luôn có thú chơi phong nhã hơn hẳn các bậc đại quý tộc khác, phía sau hoa viên chàng cải tạo rất nhiều cảnh trí mô phỏng thiên nhiên, trong đó có Tự Vũ đình ở phía đông hoa viên, dùng guồng lấy nước từ trong hồ phun lên đình hóng mát. Nước từ trên mái theo bốn góc mái hiên cong tí tách nhỏ xuống như mưa, khiến không khí trong đình dịu mát như mùa thu.
Quân Vỹ với lập trường của một tiểu thuyết gia từng ân cần giáo huấn tôi rằng những nơi phong nhã sẽ chỉ diễn ra những chuyện phong nhã, nếu không sẽ có lỗi với kiến trúc sư. Đây đúng là một lời giáo huấn chân thành đối với trẻ nhỏ. Tôi không biết những chuyện đó có phong nhã không, chỉ thấy đó là hạnh phúc bình thường nhưng lại quý hiếm như mộng ảo.
Khanh Tửu Tửu hình như rất sợ nóng, có lẽ là ám ảnh tâm lý do từ nhỏ lớn lên trong kỹ viện, chưa bao giờ được mặc những bộ quần áo mát mẻ, những ngày oi bức thường cùng Họa Vị mang bàn cờ đến Tự Vũ đình tránh nắng, thỉnh thoảng bắt gặp Công Nghi Phỉ nằm trên giường mây đọc sách ở đó.
Nhưng thâm tâm tôi cảm thấy, lần đầu là gặp ngẫu nhiên, còn những lần liên tiếp sau đa phần là do Công Nghi Phỉ cố ý đợi cô ở đó.
Bởi vì ở đó hai người trông hơi giống phu thê, có thể bình tâm chuyện trò với nhau, thỉnh thoảng lại nói những chuyện thú vị hồi nhỏ, bàn vài câu về cách chơi cờ. Thái độ cô trước sau vẫn lạnh nhạt, chàng cũng không bận lòng, hình như những lời ác độc muốn bóp chết cô đã thốt ra chỉ là nói trong lúc say.
Nghe tiếng guồng nước chuyển động kẽo kẹt, nước tí tách nhỏ từ mái hiên, vẻ mặt an nhiên của chàng khi cúi đầu, ngôi đình hóng mát được ngăn cánh bởi hồ nước giống như một thế giới khác, quả thật có thể khiến người ta quên đi ít nhiều phiền muộn. Thỉnh thoảng Khanh Tửu Tửu cũng ngây người nhìn chàng, nhưng khi chàng ngẩng đầu khỏi trang sách, lại giả bộ chầm chậm nhìn ra bức tường rậm lá phía xa.
Nhưng Công Nghi Phỉ trước sau vẫn không lay chuyển được cô. Tôi từng cảm thấy Oanh Ca tim lạnh, chỉ là do tôi thiếu từng trải, so với Khanh Tửu Tửu, nói Oanh Ca có trái tim yêu thương e là có lỗi với cô ấy, mà phải nói là trái tim dào dạt yêu thương.
Đây là một cô gái cứng rắn, không ai có thể ngăn cản ý định của cô. Tôi từng nói, yêu và hận nếu trở thành tín ngưỡng sẽ mất đi ý nghĩa tự thân của nó. Tín ngưỡng khiến người ta như bị quỷ ám, khi bóng đen chiếm cứ trong lòng như một bông hoa màu đen xòe nở, cánh hoa đen thù hận sẽ che hết ánh sáng, khi không còn ánh sáng chính là lúc ngày tàn, người như thế sẽ hủy hoại bản thân, cuối cùng cô sẽ hủy hoại chính mình.
Khi thấy hầu nữ Họa Vị chuẩn bị thuốc mê theo lệnh Khanh Tửu Tửu, tôi không nén nổi hiếu kỳ, muốn xem tiếp, thầm nhủ mình phải kiên cường.
Một khắc trước Công Nghi Phỉ còn dịu dàng mỉm cười với cô, một khắc sau cô đã có thể thản nhiên đưa chén rượu bỏ thuốc mê cho chàng, dụ chàng uống hết cốc này đến cốc khác. Có lẽ nụ cười dịu dàng chân thật của chàng đối với cô hoàn toàn vô nghĩa, nó chỉ là công cụ để cô phục thù, nhưng tôi biết cô sẽ mất gì.
Hoàng hôn xuống dần, những tia nắng cuối ngày chiếu lên mái hiên cong lung linh ánh nước như sương khói. Trên chiếc giường mây, Công Nghi Phỉ đã ngủ say, cuốn “Vân Châu bát ký” chép tay che mặt. Bên ngoài, bánh xe của guồng nước vẫn quay đều, hầu nữ Họa Vị biến đâu nửa ngày đã trở về, vòng qua hòn giả sơn bước vội đến, đi thẳng vào trong đình hóng mát, liếc nhìn Công Nghi Phỉ đang ngủ, nói nhỏ vào tai Khanh Tửu Tửu: “Đã bắt chước nét chữ của Mộ Trung lưu bút ở phòng của San tiểu thư, có lẽ chỉ sau nửa tuần nhang cô ta sẽ đến”.
Cô gật đầu tiện tay cầm lên cuốn “Vân Châu bát ký”, ngón tay vô ý chạm vào đôi môi nhợt nhạt của chàng, cuốn sách rơi xuống đất.
Họa Vị khẽ kêu: “Tiểu thư?”.
Cô ngây người nhìn tay mình, lẳng lặng trở gót ra khỏi đình hóng mát, lát sau nói: “Hai vị phu nhân của nhị lão gia và tam lão gia khi nào đến đây uống trà ngắm trăng?”.
Họa Vị mím môi khẽ nói: “Tất cả đều theo ý tiểu thư. Hai vị phu nhân đã nhận được thiếp mời, đầu giờ Tuất tiểu thư đến Thùy Nguyệt môn đón họ”.
Nước từ mái hiên nhỏ xuống làm ướt nửa ống tay áo của cô, qua màn nước mỏng Khanh Tửu Tửu ngoái nhìn Công Nghi Phỉ áo trắng nằm trên giường mây, cuối cùng nhắm mắt, lát sau ném ra một câu “Chuyện này nhất định phải làm thật tốt” rồi trở gót đi thẳng.
Hầu nữ Họa Vị không phụ kỳ vọng của cô, làm rất tốt, rất đẹp.
Khi Khanh Tửu Tửu lấy cớ uống trà thưởng nguyệt, đưa hai vị phu nhân đi đến Tự Vũ đình, từ xa, qua bức rèm mỏng thấp thoáng nhìn thấy bóng một đôi nam nữ đầu gục vào nhau trên giường.
Tài diễn xuất phi thường của Họa Vị giống hệt Mộ Ngôn, vừa nghi hoặc vén rèm, kêu ối một tiếng, vẻ kinh hoàng như thật. Khanh Tửu Tửu còn chưa cất bước, hai vị phu nhân đã nhanh chân chạy đến.
Sau khi vén rèm, cảnh tượng trên giường thảm khốc không thể tả, dưới tấm chăn mỏng Công Nghi San tóc xõa tung, nửa thân để trần gục trên ngực Công Nghi Phỉ xiêm áo xộc xệch, tư thế như vừa qua cuộc giao hoan, hai người đều nhắm mắt, trông như đang ngủ say.
Tôi cảm thấy đây có lẽ chỉ là dàn cảnh, xem ra lại giống như thật, có thể thấy Họa Vị đã bỏ không ít công sức, nếu không một cô gái còn trinh sao có thể biết hai người giao hoan xong là phải cởi xiêm áo chứ không phải mặc thêm xiêm áo? Trước khi chết tôi không biết những chuyện đó, thật vất vả cho cô gái này.
Bị kích động như vậy, hai vị phu nhân dường như không đứng vững, vị phu nhân trông như sắp ngất xỉu có lẽ là thân mẫu của Công Nghi San. Có thể là do không thấy có nha đầu nào ở bên dìu mình mới gắng gượng không ngất đi.
Công Nghi San mơ màng tỉnh dậy, kêu thét một tiếng, kéo vội tấm chăn che người lùi vào góc giường, mắt hoang mang kinh hãi.
Công Nghi Phỉ hơi nhíu mày, từ từ mở mắt trong tiếng thét phẫn nộ đó, chàng ôm trán ngồi dậy. Tia sáng cuối cùng từ chân trời rọi đến, chàng hơi ngẩng đầu, ánh mắt lướt qua Công Nghi San y phục xộc xệch ôm chăn run lập cập một góc giường, lướt qua hai người thím mặt xám ngoét đứng trước giường, lướt qua Khanh Tửu Tửu sắc mặt trầm ngâm đang đứng cúi đầu nhìn chàng, lát sau chàng đột nhiên khẽ cười: “Nhờ hai thím đưa San muội về trước, sự việc hôm nay A Phỉ sẽ thưa lại với hai thím”. Dứt lời nụ cười lại hiện trên môi, đôi mắt đen nhìn đăm đăm phu nhân của mình, “Để A Phỉ nói chuyện riêng với Tửu Tửu”.
Họa Vị thắp một cây nến cao trên bàn đá, Công Nghi San chỉnh lại xiêm áo, nức nở khóc, được tam phu nhân dìu rời khỏi Tự Vũ đình. Thân mẫu cô nãy giờ sắc mặt vẫn khó coi, thực ra thâm tâm bà nằm mơ cũng mong con gái trèo được lên giường của Công Nghi Phỉ, thủ đoạn như vậy cũng từng nghĩ đến, hôm nay cuối cùng không ngờ lại thành hiện thực, vốn là chuyện vui nên nhảy múa mới phải, nhưng lại xảy ra trước mặt mấy người, cũng khiến bà có chút xấu hổ.
Ánh nến nhuộm một phía tiểu đình thành màu vàng nhạt như màu hoa phật tang, Công Nghi Phỉ vẫn trong tư thế co gối nhàn tản, chàng bảo mọi người đi hết, chỉ lưu lại một mình cô, nhưng lại ôm má nhìn ánh nến chập chờn có vẻ như không còn gì để nói.
Bên ngoài đình, bánh xe nước vẫn chầm chậm quay đều, nước vẫn tuôn xuống từ mái hiên, ánh mắt chàng thậm chí không nhìn cô: “Tôi cho là sự đã đến nước này, cô sẽ không so đo với tôi nữa. Tôi đối tốt với cô, cô cũng đã nhìn thấy”. Không đợi cô trả lời, ánh mắt chàng như cười, nhưng giọng lạnh như băng, “Có điều đối với những người mình không quan tâm, ai sẽ đi lo rốt cuộc họ sẽ thế nào. Trước giờ, cô chưa từng sợ làm tổn thương tôi, đúng không Tửu Tửu?”.
Có tiếng “khộc” phát ra từ guồng bánh xe nước bên ngoài, bàn tay cầm cốc của cô thoáng dừng, lát sau thong thả đi tới trước giường mây, cúi người nhìn chàng, giọng lạnh lùng: “Đệ hận tôi đã làm tim đệ tổn thương?”.
Bàn tay như men sứ lộ ra khỏi ống tay áo, tách tà áo trên ngực chàng, áp vào bộ ngực trần của chàng, “Không ai nói với đệ, A Phỉ, mỗi người phải tự bảo vệ tim mình”.
Chàng ngạc nhiên, hơi nghiêng đầu, hai người lặng lẽ nhìn nhau, không ai nhượng bộ, cứ giữ khoảng cách gần trong hơi thở như vậy. Cuối cùng chàng mím môi tự trào, “Cô nói đúng, Tửu Tửu”. Ánh mắt di chuyển đến mắt cô, đến bàn tay cô áp vào ngực chàng, “Vậy lần này, cô sắp đặt như vậy, là muốn tôi thế nào?”.
Cô buông tay cúi đầu: “Chúng ta không thể có con cái, các bậc trưởng lão sớm muộn cũng ép đệ nạp thiếp, đệ cần một đứa con”.
Chàng gật đầu: “Nếu ta chỉ có mình cô là vợ, một năm sau nếu cô không sinh con, chưa biết chừng các bậc trưởng bối sẽ ép ta bỏ cô, ai cũng biết Công Nghi gia coi trọng tử tôn thế nào. Còn Khanh gia, nếu cô vì lẽ đó bị ruồng bỏ phải quay về nhà, họ cũng không có gì để nói. Cô nghĩ vậy, đúng không?”.
Chàng buồn bã thở dài: “Rốt cuộc là tôi cần đứa con hay cô cần tôi có đứa con?”.
Cô quay mặt, chăm chú nhìn ra ngoài đình, giống như bức tượng quay mặt ra hồ: “Cái đó có gì khác, hoặc là ngay từ đầu phải ngăn cản tôi, hoặc là phải tránh xa tôi, sự đến hôm nay, tất cả đã muộn, hãy nhanh chóng cưới Công Nghi San, cho dù cái thai trong bụng cô ta không phải là cốt nhục của đệ, nếu đệ muốn, đệ sẽ có con của mình”.
Nụ cười bên miệng tự rút như thủy triều, thần sắc lạnh như băng, nhìn cô một lát: “Trước giờ cô không hề biết, cô muốn gì tôi đều có thể đáp ứng, không phải cô thuyết phục tôi, chỉ là chính tôi muốn cô mãn nguyện”.
Chàng cúi đầu chỉnh sửa y phục, nhặt lên cuốn “Vân Châu bát ký” rơi dưới đất, “Cho dù tim cô làm bằng đá, bất luận tôi làm gì cũng không lay chuyển được quyết tâm của cô, nhưng tình yêu là thứ không phải nói cho là cho, nói lấy lại là lấy lại được, cô muốn gì tôi vẫn có thể đáp ứng, nhưng từ nay về sau, Tửu Tửu, từ nay về sau cô đừng bao giờ xuất hiện trước mắt tôi nữa”.
Khanh Tửu Tửu trang nghiêm ngồi một bên cúi đầu, cầm cái cốc, trông có vẻ bình thường, khi đưa cốc trà lên miệng nhấp, lại để nước trà sánh ra ngoài, nước trà ngấm vào vạt áo, loang lổ như nước mắt, nhưng cuối cùng cô vẫn uống cạn cốc trà. Đến nước này, hai người có lẽ đã kết thúc.
Nạp thiếp là chủ đề vĩnh hằng của đàn ông, Quân Vỹ từng đặt một giả thiết, nếu có một thời đại nào đó pháp luật đưa ra quy định cấm nạp thiếp, không biết sẽ xảy ra hậu quả thế nào. Tôi cảm thấy điều này đâu có gì đáng nói, hậu quả tất là đàn ông rỗi việc sẽ đến lầu xanh. Đây thật ra là chuyện tốt, có khi xã hội lại càng tốt đẹp hài hòa. Nhưng Công Nghi Phỉ nạp thiếp quả thật hơi oan, có lẽ chàng ta là người duy nhất ở Triều Châu bị chính thê ép nạp thiếp, vừa thấy thương cảm cho chàng lại có chút ngưỡng mộ chàng.
Công Nghi San suy cho cùng là tiểu thư của một chi trong đại gia tộc Công Nghi, cho dù làm thiếp hôn lễ cũng rất linh đình. Tân thiếp về phủ theo lệ phải dâng trà mời bố mẹ chồng, Công Nghi San áo gấm tân nương đỏ thẫm ngẩng khuôn mặt đẹp như hoa tường vi, nhìn Khanh Tửu Tửu ngồi trên ghế hoa lê, môi khẽ nhếch: “Mời tỷ tỷ dùng trà”.
Cốc trà đưa lên không hiểu sao đột nhiên tuột tay rơi xuống nền choang một tiếng vỡ tan, cánh tay Khanh Tửu Tửu giơ ra đón cốc trà dừng lại trên không, cô vốn chưa bao giờ tỏ ra mất tư thế, lúc này cũng ngây người nhìn tay mình, phong thái ung dung thường nhật bỗng chốc biến đâu mất, Công Nghi Phỉ bên cạnh lạnh lùng liếc nhìn mấy mảnh sứ vỡ trên nền, giơ tay đỡ Công Nghi San đứng dậy.
Tôi nghĩ có phải Khanh Tửu Tửu đã hối hận, nhưng lại không thể kiểm nghiệm, khi tôi đang hiếu kỳ theo dõi ký ức bị phong ấn của cô, càng xem càng cuốn hút, sắp đến lần động phòng thứ hai trong đời Công Nghi Phỉ, trong sân bất chợt vang lên tiếng cười giòn giã.
Xem ký ức của người khác nhất thiết xung quanh phải trong trạng trái yên tĩnh hoàn toàn, không bị quấy rầy, tiếng cười giòn giã khiến cả hai chúng tôi giật mình, giá nến long phượng màu hồng cao vút trong tân phòng chớp mắt vỡ vụn, giống như hòn đá ném xuống mặt hồ phẳng lặng, để lại những sóng nước lan tỏa, cảnh sắc trước mặt tan thành vô vàn điểm sáng, xem ra Công Nghi Huân sắp tỉnh, không thể xem tiếp ký ức được nữa.
Tôi mở mắt nhìn thấy cô nằm trên giường, vẫn chưa tỉnh, tức phát điên, tôi lao ra khỏi bức bình phong.
Chàng trai tươi cười từ phía xa chạy đến, dừng lại dưới bóng cây tử vi ở lối vào, trong ánh sáng lờ mờ, có thể nhìn thấy vẻ ngây ngô trên mặt anh ta. Những bông tử vi tươi thắm đung đưa trong tán lá trên đầu anh ta, môi dần nở nụ cười, anh ta giang hai tay đi về phía tôi: “A Phất”.
Đã lâu không gặp, tôi giang hai tay chạy như bay đến, băng trên lối đi hẹp lát đá xanh, giống như băng qua khoảng thời gian xa cách dài lâu, mãi mới đến đích, trào nước mắt ôm chặt con hổ dưới chân anh ta. Tiểu Hoàng thân thiết dụi mãi đầu vào vai tôi, khiến tôi phải ngửa cổ lên, nhìn thấy nét mặt khó hiểu của Quân Vỹ, tôi lạ lùng hỏi anh ta: “Huynh chìa tay ra làm gì?”.
Quân Vỹ ngập ngừng, môi hơi run run: “Không có gì, trên bàn tiệc nóng qua, huynh chạy ra ngoài định ôm thiên nhiên một chút”.
Tôi nghĩ một lát, chỉ cho anh ta khoảng cây xanh phía trước: “Vậy huynh ra kia mà ôm, ở đó không khí rất trong lành”.
Quân Vỹ lặng thinh liếc tôi một cái, ôm ngực, từ từ quay người bước ra khỏi cổng.
Chú thích:
(2) Đơn vị đo chiều dài của Trung Quốc, một thốn xấp xỉ bằng 3,3 cm.